Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết của tác giả Vĩnh Phúc (Sài Gòn) về nhân vật trong 2 ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: Hoa vàng mấy độ và Như một lời chia tay. Ca khúc đã được sáng tác khoảng 30 năm trước, nhưng qua bài này, chúng ta sẽ gặp lại bóng dáng của mĩ nhân trong ca khúc và ngậm ngùi một thuở vui buồn. NVT
Đêm Trịnh và Hoàng Lan “Hoa vàng mấy độ” (1)
Vĩnh Phúc
Trịnh đã đi rồi, mây trắng cuối trời nhưng những tình ca ngàn năm còn lại với nồng nàn. Thời gian lãng đãng thơm như rượu (2) và những dấu yêu ngày nào, một Diễm xưa, Ngô Thị Bảo Diễm, một Bống Hồng Nhung rồi Hoàng Lan của Hoa vàng mấy độ ...vẫn em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui.
Rằng con chim ở đậu cành tre còn Trịnh mưa nắng ở trọ bên trong mắt người. Cái tình của Trịnh bao giờ cũng hồn nhiên, thánh khiết mà ẩn mật Samadhi (3) không lấm lem tỳ vệt. Rồi một hôm, hòn đá lăn trên đồi không rớt xuống cành mai mà chạm một đóa hoàng lan vàng ánh lục để mộng mị cứ lên trời và ngày thơm phức những phố cùng phường:
Em đến bên đời hoa vàng một đóa
một thoáng hương bay bên trời phố hạ
nào có ai hay ta gặp tình cờ
nhưng là cơn gió em còn cứ mãi bay đi
Là phố thơm hay hoa thơm, là tình cờ cơn gió hay ta ôm lòng đợi dưới chân cội nguồn? Câu trả lời của Trịnh là một giai điệu cung mi thứ với những quãng hai dìu dặt nở bung một chào mừng sinh nhật Hoàng Lan 25/4/1981. Với Trịnh, nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ mặc cho dặm dặm chân trần gót mỏi hoa rụng hoa tàn mù mịt để cơn đau mịt mù .
em đến bên đời hoa vàng rực rỡ
nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù
Tình cờ những tình cờ cứ xô vào nhau, như thể, để nhân gian về trọ nhiều nơi /Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng. Sống có gì khác hơn là ngồi trong những ngày/ nhìn từng hôm nắng ngời, ngắm tóc xanh mấy mùa và đợi, vườn khuya chân ai về. Yêu thương là thông điệp cuối cùng Trịnh gửi lại chúng ta.
xin cho bốn mùa /đất trời lặng gió /đường trần em đi / hoa vàng mấy độ
những đường cỏ lá /từng giọt sương thu / yêu em thật thà .
Nhạc đã chuyển, ngày bỗng lay phay, cung mi trưởng lãng đãng bốn mùa cỏ lá gắp giấc mơ yêu em thật thà bay trong cõi mênh mông. Trái tim lớn của Trịnh ở đây, vì dù rằng những hẹn hò từ nay khép lại, thân vẫn nhẹ nhàng như mây. Dẫu phải nhai rau ráu những bi đát tồn sinh, dẫu phải ngậm bao nhiêu mưa móc buồn rầu, lòng Trịnh vẫn mở ra vô biên một nhận diện:
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn
Yêu nồng nàn rồi nhắm mắt tay giăng ngửa mặt đón thiên hà, môi nụ cười tươi. Đó là chân dung sống động của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vâng, không cần đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, chỉ cần một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ,ngày qua...Như một tiên báo, hay một định mệnh rụng rời, ngày 1/4/2001, đúng hai mươi năm sau lời chào hoa vàng một đóa & Như một lời chia tay, Trịnh nằm xuống vì mệt quá thân ta này. Không, không có cái chết đầu tiên cũng đâu có cái chết sau cùng, Trịnh ơi !
Chiều xuống rồi, gió lắt thắt vạ vật những góc phố. Sài Gòn, tháng chạp, kim đồng hồ nhích dần về phút cuối, để kết thúc hay để bắt đầu? Khuôn mặt Hoàng Lan đăm đắm một cơn mơ cứ như muốn nhấp môi (2) vị ngọt/ đắng ngày xưa . 1982, Hoàng Lan lấy chồng và định cư ở nước ngoài. Đã có một đại dương khoảng cách ngun ngút khói, bài ca sinh nhật không còn là dự báo. "Như một lời chia tay" đã thành hiện thực. Có những lần nằm nghe tiếng cười/ Nhưng chỉ là mơ thôi.
Mười năm sau (1992), cơ trời đưa đẩy gặp lại anh ở Montréal (Canada), mừng mừng tủi tủi. Anh gầy hơn xưa, tóc đã nhiều sợi bạc, thân run trong tuyết lạnh. 1998, sau khi vừa xuất viện hai ngày, anh vẫn lặn lội ra phi trường đón Hoàng Lan trở về. Lại lệ ngân ngấn, lại mi trầm mắt sâu và hát Đường quen lối từng sớm chiều mong/ Bàn chân xưa qua đây ngại ngần. Chiều muộn hơn và tiếng của Hoàng Lan chỉ còn ri rí, một thú nhận đau xót: Hẹn anh sẽ về năm 2000 nhưng Lan thất hứa để không còn cơ hội nhìn mặt anh lần cuối.
Trương Nam Hương & Hoàng Lan trong đêm Trịnh
Đêm, cà phê "Một thuở" tái ngộ Hoa vàng một thuở. Đèn chấp chới, sóng hồ óng ánh, lung linh âm nhạc. Những bắt tay, chào hỏi, riu ríu hàn huyên. Hoa vàng ngồi giữa nhóm thân hữu: vợ chồng nhà thơ Trương Nam Hương, Ngô Mai Hà (phu nhân Ns Phan Trọng Cầu), Nhạc sĩ Lê Trung Tín, Lê Minh Hải, ca sĩ Quỳnh Như, nhà giáo Thu Tuyết, nhà báo Hoàng Nhân ... Đêm nay hồn Trịnh phiêu du trắng(2). Tưởng chừng Trịnh mỉm cười độ lượng với bao dung. Thời gian khốc liệt vẫn không thể điểm bạc mái đầu, làm nhăn nhíu hoa vàng một đóa thuở nào. Mắt vẫn sáng, môi vẫn tươi, nụ cười vẫn diễm tuyệt và khi Hoàng Lan cất tiếng hát "Hoa vàng một thuở", trời đất bỗng lặng im, tưởng niệm. Bài hát thứ hai " Như một lời chia tay", tưởng chừng nỗi xúc động không làm Hoàng Lan hát nỗi và tôi nghe Tình như nắng vội tắt chiều hôm/ Tình không xa nhưng không thật gần cứ lay nhay hoài trong không gian, trong tâm tưởng mọi người.
Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về
Và khi ca sĩ Quỳnh Như vút lên điệp khúc cao vút thì âm ba nồng nàn cứ lãng đãng the thắt nhớ thương. Tiếng hát của Thu Tuyết khép lại đêm Trịnh với "Tình xa" để Đôi khi ta lắng nghe ta/ Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá/ Hồn ta gió cát phù du bay về. Vâng, là phù du bay về trên nóc cao thành phố , trong đêm lửng lờ mờ trăng nhạt nhạt. Có chăng vĩnh cữu là một tấm lòng !
Vĩnh Phúc- Hoàng Lan - vợ chồng Trương Nam Hương
Đêm đã xuống mênh mông và tấm lòng của Trịnh chỉ để gió cuốn đi, không chỉ cho riêng ai, không chỉ cho một người...
Sài Gòn 19/1/01 . VP
2- Bài thơ Hoa vàng một thuở của Trương Nam Hương viết tặng Hoàng Lan trong ngày trở lại.
Phục sinh thời hai mươi Lan ơi
Trịnh ôm tuổi hát có em ngồi
Thời gian lãng đãng thơm như rượu
Cứ sợ em về...lại nhấp môi
Trái tim thiếu phụ giờ xao xác
Tuyết cứ mang mang cả xứ người
Đâu biết hoa- vàng- em- một- thuở
Chưa buồn, đuôi mắt đã mưa rơi!
Đừng hỏi hoa vàng xa mấy nhớ
Ghi ta còn nhói phím vô thường
Đêm nay hồn Trịnh phiêu du trắng
Cứ sợ em buồn...thổn thức thương!
3- Samadhi: Theo Yoga Sutra (tương truyền là của đạo sĩ Patañjali, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bà-la-môn giáo, Phật giáo và Kỳ-na giáo), Samadhi là bậc thứ tám (bậc cao nhất) của thực hành thiền định. Ở bậc này, sự trầm tưởng và đối tượng của sự trầm tưởng trở thành một, không còn phân biệt.
4-Các từ in nghiêng là ca từ của Trịnh Công Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét