Một nghi án đạo văn đang gây xôn xao chính trường Âu châu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức bị một giáo sư Đức cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ năm 2006. Ông bộ trưởng tự nguyện không dùng danh xưng "Doctor" trong khi đại học thẩm định cáo buộc đạo văn. Vụ việc cho thấy ở Âu châu người ta rất nghiêm chỉnh trong vấn đề học thuật, rất khác với Việt Nam, nơi mà đạo văn được xem là chuyện thường ngày và chẳng mấy ai quan tâm.
Ông Karl-Theodor zu Guttenberg là một ngôi sao đang lên trong chính trường Đức. Xuất thân từ một gia đình danh giá, ông tham gia hoạt động chính trị và trở thành Bộ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc mới 39 tuổi trong Nội các của Thủ tướng Angela Merkel. Giới bình luận thời sự cho rằng ông có triển vọng làm thủ tướng tương lai của Đức, thay thế bà Angela Merkel. Nhưng sự việc chung quanh nghi vấn đạo văn đã đưa ông vào một tình thế khó xử …
zu Guttenberg từng theo học chính trị học và luật tại Đại học Bayreuth. Năm 2007 ông bảo vệ luận án tiến sĩ luật (giáo sư hướng dẫn là Peter Haberle. Nhưng Giáo sư Andreas Fischer-Lescano của Đại học Bremen phát hiện những đoạn văn và câu văn trùng hợp với các tác phẩm khác trong quá trình đọc mà ông mô tả là một cuộc thẩn định thường lệ. Người ta lập tức công bố luận án của ông trên internet, và ngay sau đó việc phân tích luận án của ông trở thành một dự án hợp tác trực tuyến của công chúng và chuyên gia!
Tờ báo Süddeutsche Zeitung phát triển những biểu đồ để độc giả có thể đối chiếu luận án của zu Guttenberg và nguồn mà người ta cáo buộc ông đạo văn. Dựa vào đó, người ta đã chỉ ra nhiều vấn đề trong đó. Có nhiều câu văn được trích dẫn hay từ nhiều nguồn nhưng ông không ghi trong tài liệu tham khảo. Có người thậm chí làm thống kê cho thấy có đến 76 đoạn văn hoặc câu văn trùng hợp với những nghiên cứu hoặc tác phẩm đã công bố trước đây mà ông dùng trong luận án nhưng không đề nguồn. Những nguồn mà ông lấy hay trích dẫn là từ các bài báo trên báo chí phổ thông, bài báo trên các tập san, diễn văn, v.v…
Trước cáo buộc đạo văn, ông Guttenberg đã tự nguyện tạm thời không dùng danh xưng “Doctor”. Trong suốt tuần qua ông Guttenberg cố giữ im lặng; ông chỉ nói rằng ông chờ sự phán xét của Đại học Bayreuth (nơi ông trình luận án tiến sĩ). Trường đại học Bayreuth tuyên bố rằng họ sẽ kiểm tra cáo buộc về đạo văn. Ông Guttenberg hứa rằng ông sẽ hợp tác với đại học để minh bạch hóa vấn đề. Đến thứ Sáu tuần qua, Guttenberg tuyên bố rằng ông sẽ tạm thời (ông nhấn mạnh “tạm thời”) bỏ không dùng danh xưng “Doctor” trong thời gian đại học điều tra. Ông tỏ ra hối tiếc về những sai sót trong luận án.
Sự nghiệp chính trị của ông bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi này xem chừng có nguy cơ cao. Một nghị viên (Dieter Wiefelspütz) có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội Đức nói rằng "Một người không thể là một bộ trưởng với một vết nhơ như thế." Một nghị viên khác Đảng SPD nghĩ rằng "khi các bộ trưởng mất uy tín thì họ không thể nào làm việc được." Chưa biết trong tương lai, sự nghiệp của ông Guttenbert sẽ đi đến đâu, nhưng hiện nay thì nguy cơ cao là ông sẽ bị giáng chức, hay ít ra là triển vọng làm thủ tướng càng ngày càng xa tầm tay ông.
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Ở Đức, cũng như ở Âu châu nói chung, có rất ít bộ trưởng có văn bằng tiến sĩ, nên một bộ trưởng với danh xưng “Doctor” gây chú ý của công chúng, và chịu sự soi mói của công chúng. Còn ở nước ta, phân nửa nội các có bằng tiến sĩ, thậm chí 4/14 người trong Bộ Chính trị có bằng tiến sĩ, nhưng không ai biết được chất lượng của những luận án này ra sao. Trong bối cảnh đạo văn lan tràn trong hệ thống đại học, chỉ biết hi vọng rằng với đạo đức học thuật và uy tín chính trị, các luận án tiến sĩ của bộ trưởng nước ta đều là những luận án xuất sắc.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét