Chuyến về quê vừa qua tôi gặp lại một gia đình mà internet đã giúp tôi nối kết với một gia đình bên Mĩ. Câu chuyện hơi dài dòng nhưng là một minh chứng cho sự hữu hiệu của internet trong việc gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau …
Có lẽ nói ra cũng thừa, nhưng sự thật thì internet quả là diệu kì. Mới đọc một bài “phấn đấu kí” của bác Tô Hải, thấy bác kể về chuyện nhờ internet mà bác đã tìm lại người thân, bà con, tôi chợt liên tưởng đến trường hợp của tôi. Năm ngoái (2010) là năm internet giúp tôi làm quen với những bạn đọc trang web này ở Việt Nam. Lần trước, tôi đã kể cho các bạn câu chuyện tôi gặp một số người đã nhận ra tôi trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn, Mỹ Tho, và Bến Tre. Tất cả chỉ vì thế giới internet. Cũng chính internet đã giúp tôi tìm lại một người bạn thân sau hơn 30 năm vắng bóng. Chúng tôi quen nhau trong thời còn làm công chức cho Nhà nước sau 1975, và mất liên lạc sau khi mỗi người một phương, và hóa ra cả hai đều rời Việt Nam cùng năm! Gặp nhau thì anh bạn tôi đã thành ông ngoại, nhưng những kỉ niệm của “ngày tháng cũ” thì không thể nào phai nhòa. Nếu không có internet, chắc gì tôi đã gặp lại anh.
Nhưng có một trường hợp internet đã giúp tôi làm cầu nối cho 2 gia đình, một bên Mĩ và một bên Việt Nam, mà tôi xem là kì diệu nhất và một kỉ niệm đẹp nhất trong đời. Chuyến về quê vừa qua tôi gặp lại gia đình đó (bên Việt Nam) và là động cơ để tôi ghi lại vài dòng để gọi là “chứng từ” cho một sự việc rất đáng nhớ, vì câu chuyện tự nó nói lên một khía cạnh xã hội trong vùng quê.
Khoảng 5 năm trước, một email ngắn nhưng mở đầu cho một hành trình thú vị. Hôm đó, tôi nhận một email của một người kí tên tên là Susan Wood ở một vùng ngoại ô thành phố Cincinnati (bang Ohio, bên Mĩ). Trong email, bà hỏi tôi có biết một người tên là Thảo Ly (không có họ) ở xã Bàn Thạch (còn gọi là Tràm Chẹt), huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Một xã ở Việt Nam như Bàn Thạch có đến khoảng 5 ngàn người (có khi 10 ngàn dân), và vì trong quê nên sống rải rác, chứ đâu có tập trung như ở thành thị. Do đó, tôi nghĩ thầm chuyện tìm người có tên là Thảo Ly trong một cộng đồng như thế thì có khác gì “mò kim đáy biển”! Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng tôi vẫn trả lời rằng tôi thật sự không biết người đó vì một phần đã xa nhà quá lâu và xã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Tôi thắc mắc tại sao bà tìm tôi mà không là một người khác. Hóa ra, vì bà dùng internet để tìm tên xã, và đã vào trang nhà cũ của tôi.
Thời đó, tôi có một trang web cá nhân do các bạn bên ykhoanet thiết kế dùm. Trang web đó được thiết kế theo mô hình “web tĩnh”, rất dễ cho tôi tải bài nhưng không thấy bài của mình ở đâu! Trang web vận hành một thời gian, hình như là chưa đầy 1 năm, thì bị sự cố và mất hết dữ liệu. Tuy nhiên, trước khi “ngủm”, bà SW vẫn vào được và tìm thấy thông tin cho biết quê quán của tôi. Từ đó bà tìm được nơi công tác cũ của tôi. Thoạt đầu, bà liên lạc với trường đại học y khoa bên Ohio (nơi tôi công tác trước khi về Úc) nhưng các bạn bên đó cho biết tôi đã về Úc và cho địa chỉ email mới. Thế là qua internet tôi có thêm một người “đồng hương” Ohio. Khoảng 8 năm trước, bà SW có đến một viện mồ côi ở Rạch Giá xin hai em trai sinh đôi, nay có tên là John và Tom. Nay bà muốn tìm người mẹ của hai đứa bé, và tất cả thông tin bà có được chỉ là cái tên “Thảo Ly”.
Quay lại câu chuyện tìm Thảo Ly. Tôi gọi điện về nhà hỏi đứa em có biết ai trong xã mình tên là Thảo Ly không, mấy đứa em than trời rằng làm sao tìm được trong cái xã mênh mông này, mà lại chẳng có họ (vì có họ thì còn đến ủy ban nhân dân xã để tìm danh sách cư dân). Trao đổi qua lại với SW thì tôi biết thêm một thông tin quan trọng là Thảo Ly có 2 đứa con trai sinh đôi và đã cho một viện mồ côi ngoài Rạch Giá do các tu sĩ công giáo (soeur) quản lí. Với thông tin đó, và chỉ qua hỏi han người trong làng (nhân dịp đi chợ) em gái tôi bên nhà đã nhận ra Thảo Ly. Hóa ra Thảo Ly ở với ba má của cô ta, và chỉ ở cách nhà tôi khoảng 20 căn nhà. Khi biết chắc chắn Thảo Ly hàng xóm của nhà tôi chính là người SW tìm, tôi gọi điện sang Ohio báo tin mừng. Lúc đó là 12 giờ đêm bên Sydney, và tôi có thể cảm nhận được sự vui mừng vô hạn của người bên kia đầu dây điện thoại. Bà SW nói rằng tìm thì cố tìm thế thôi, chứ bà không có hi vọng gì cả, nhưng nhờ vào một cơ duyên độc đáo (chủ yếu là internet) mà tôi đã nối kết được gia đình bà và gia đình mà bà xin con nuôi.
Sự việc làm sống lại câu chuyện trong quá khứ của Thảo Ly. Gia đình của Thảo Ly thuộc nhóm mà nói theo cách nói người dân quê là “nghèo rớt mồng tơi”. Gia đình dọn đến sống trong xóm này độ trên dưới 15 năm. Mảnh đất cất nhà là của một người bà con cho ở tạm. Nhìn căn nhà lá trống huơ trống hoác mà tội nghiệp. Tài sản đáng kể của cả nhà chỉ là cái xuồng để đi ruộng và làm mướn. Gia đình có 3 người con, gồm 2 trai và 1 gái (tức là Thảo Ly). Sau này hai người con trai thì đã ra Rạch Giá làm nghề nấu nướng trong nhà hàng, và nghe nói làm giỏi, còn Thảo Ly thì ở nhà với ba má. Thảo Ly lớn lên cũng chỉ học biết đọc biết viết, rồi nghỉ học đi làm mướn, cũng đi cấy lúa, đi gặt lúa, làm cỏ … như mọi người. Là người con gái út trong một gia đình và cũng có nhan sắc khả ái, cô ta được nuông chiều hết mực và cũng “thu hút” chú ý của đám trai làng. Đến năm 17 tuổi, cô ta dang díu với một thanh niên ở xóm trên, có bầu, và vì sợ ba má quá nên bỏ nhà ra đi. Đến khi sinh 2 đứa con trai, cô ta không cách nào có khả năng tài chính để nuôi con, còn cái anh chàng kia thì đã biến thành “sở khanh” từ lúc nghe tin cô ta có bầu. Thế là cô ta đành gạt nước mắt đem 2 đứa con cho một cô nhi viện ngoài Rạch Giá. Cho xong, cô về quê sống với ba má. Câu chuyện rồi cũng vỡ lở, và dĩ nhiên là cô ta bị một trận đòn nên thân.
Thảo Ly không hề biết hai đứa con đã được bà vợ chồng bà SW xin làm con nuôi và đã ở Ohio bên Mĩ. Do đó, khi em tôi đến cho biết rằng có người bên Mĩ muốn liên lạc, cả nhà Thảo Ly rất ngạc nhiên vì không biết chuyện gì xảy ra. Họ không tin rằng có chuyện đó xảy ra, vì có quen biết ai ở bên Mĩ đâu. Ba của Thảo Ly, người trong xóm quen gọi là “Anh Hai”, cũng bất ngờ một cách thích thú khi biết rằng 2 đứa cháu đã là công dân Mĩ!
Sau khi hai bên nối lại liên lạc nảy sinh vấn đề ngôn ngữ. Một bên chỉ biết tiếng Việt, và một bên chỉ biết tiếng Anh, thì rất khó nói chuyện với nhau. Thoạt đầu, tôi làm người trung gian, dịch từ Anh sang Việt cho anh Hai, và dịch từ Việt sang Anh cho bà SW. Cũng tốn kha khá điện thoại, nhưng không ai tiếc tiền cả. Đến một lúc tôi có “sáng kiến” là dịch những lời nói trên điện thoại của phía Việt Nam sang chữ và gửi đi bằng email cho phía Mĩ. Ấy thế mà sự việc cũng khá trôi chảy. Cùng lúc đó, anh Hai bên VN học vài chữ tiếng Anh để chuẩn bị giao tiếp qua điện thoại.
Trong một chuyến công tác bên Mĩ, tôi có bay đến Ohio để thăm bạn cũ, và cùng anh bạn tôi lái xe đi thăm gia đình bà SW ở Cincinnati. Gia đình bà ở một khu trung lưu ngoại ô Cincinnati trong một căn nhà khá to. Gặp tôi, vợ chồng bà SW quá vui mừng muốn khóc. Tôi cũng mừng vì thấy John và Tom khỏe mạnh, lanh lẹ, và rất … Mĩ. Cố nhiên, chúng nó không biết tôi là ai, vì chúng sang Mĩ khi chưa đầy 2 tuổi. Bà SW cho biết chờ cho 2 đứa bé lên trung học, vợ chồng bà và 2 đứa bé sẽ về quê tôi để nó nhìn mẹ ruột.
Khi biết gia đình Thảo Ly quá nghèo, bên Mĩ “viện trợ” hàng tháng cho bên Việt Nam, dưới danh nghĩa là quà. Qua nhiều tháng nhận viện trợ thường xuyên, gia đình anh Hai giờ đã khá lên. Mua một cái máy đuôi tôm và cái vỏ tắc ráng để đi lại. Một cái đầu máy video và tivi cũng có mặt trong phòng khách. Số tiền tài trợ đủ để gia đình mua vài công đất làm ruộng, và trong tương lai sẽ không nhờ phía Mĩ nữa. Năm nay, gia đình ăn Tết thoải mái hơn những năm trước. Câu chuyện hi hữu được cả làng biết đến. Ai cũng mừng cho gia đình anh Hai. Nhưng hình như chính quyền địa phương thì dè dặt, đặt câu hỏi về mối liên hệ! Mỗi lần anh Hai nhận thư từ bên Mĩ đều phải đi trình cho ủy ban nhân dân xã! Có lẽ giới an ninh quá lo xa chăng?
Riêng tôi thì từ sau sự việc có kết cục tốt, tôi trở thành “thượng khách” của gia đình anh Hai. Lần đầu tôi về nhà sau sự việc, anh Hai đem một con gà để biếu tôi, và còn hỏi tôi thích ăn gì anh ấy có thể tìm! Những lần sau, năm nào về quê thăm nhà, tôi cũng đều ghé thăm anh, lai rai rượu đế với khô cá lóc rất ngon, và để ý đến tình hình kinh tế gia đình của anh. Trong những buổi trưa, anh đi ruộng về đều tạt ngang nhà tôi để nói chuyện nhân tình thế thái. Tuy là người Khmer và ít học, nhưng tôi thấy những quan điểm hết sức thực tế của anh rất đáng để những ai quan tâm đến sự phát triển nông thôn phải chú ý. Theo anh, những vấn nạn hiện nay ở miệt quê (như nghèo khó, ô nhiễm môi trường sống, thiếu an ninh và gia tăng bạo lực, v.v…) đều xuất phát từ sự mệt mỏi của người dân và thiếu lãnh đạo có tầm và có tâm. Sau thời chiến, người dân đã quá mệt mỏi, nên đối đầu với một vấn đề khó người ta cảm thấy bất lực. Trong khi đó thì người ta sống thực dụng theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”, rất ít quan tâm đến lợi ích chung hay lợi ích cộng đồng. Anh lấy một ví dụ nhỏ là ngay cả một cây cầu bắc ngang con rạch chỉ 4 thước mà cũng chẳng ai chịu làm. Chỉ khi anh đứng ra tình nguyện huy động thanh niên trong xóm thì người ta mới chịu làm. Từ đó, anh đi đến nhận xét rằng một đất nước chỉ có phát triển nếu có người làm đầu tàu và người đó phải gương mẫu, có uy tín để thuyết phục và huy động người dân. Anh nghĩ rằng Việt Nam chúng ta chưa có những người “đầu tàu” như thế.
Người ta nói internet làm cho thế giới gần gũi hơn, và câu chuyện trên là một minh chứng. Chính qua internet và chỉ đơn giản vài câu chữ, mà bà SW tìm đến tôi, và tôi tìm đến gia đình Thảo Ly, để rồi nối kết được hai gia đình với nhau. Câu chuyện thoạt đầu tưởng chừng như “mò kim đáy biển” lại hoàn toàn có thể, và quan trọng nhất là có một kết cục đẹp. Tôi chỉ ước rằng một ngày nào đó không xa, cả làng tôi đều có thể nối kết với thế giới mạng. Thật ra, cơ sở vật chất (qua Viettel, Mobilfone và Vinaphone) thì đã có sẵn, nhưng vì máy vi tính vẫn còn là một cái gì xa xỉ với người dân miệt vườn, nên rất ít ai nối mạng internet. Hệ thống wireless cũng đã về đến quê tôi. Hiện nay, ở dưới chợ, có một quán internet nhưng lũ trẻ con chỉ vào đó chơi game là chính, chứ chẳng ai sử dụng cho mục đích giáo dục hay thông tin cả. Năm ngoái một cuộc điều tra xã hội ở VN cho biết 53% người vào internet là để "chat" và chơi game. Thật là phí phạm! Điều cần thiết hiện nay là làm cho người dân nhận thức được giá trị thực dụng của internet, và điều này đòi hỏi phải có “người đầu tàu” đứng ra chủ xướng.
Ghi thêm. Tên địa phương và tên của người trong cuộc đã được thay đổi để bảo mật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét