Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Phan Vũ, đi và lạc

http://www.emoihanoipho.com/home/wp-content/uploads/2010/07/01.jpg
Xin giới thiệu một bài tạp bút của Lê Vũ (là một nhạc sĩ ở Sài Gòn) mà anh muốn chia sẻ cùng các bạn về Nhà thơ Phan Vũ, tác giả bài thơ mà Nhạc sĩ Phú Quang đã phổ thành một ca khúc rất hay: Em ơi Hà Nội Phố. Lần đầu tiên tôi nghe bài này cũng đã trên 20 năm (thời Việt Nam mới mở cửa và nhạc từ trong nước bắt đầu xuất hiện ở ngoài này), và thấy ca khúc rất . Hay từ lời thơ đến nhạc điệu. Bây giờ vẫn thấy bài này hay. Qua bài tạp bút này, chúng ta sẽ gặp Phan Vũ là một họa sĩ với nhiều tác phẩm ấn tượng. NVT


Phan Vũ, đi và lạc

Phan Vũ
Từ buổi tóc còn xanh, những chuyến đi đã mang mang ám ảnh "Ta lại xếp mớ hành trang đã bao lần xếp lại/ cho chuyến đi chưa có buổi lên đường"(Đợi chờ). Đi, một hành trình dịch chuyển, một dấn thân hay một kiếm tìm ? Câu trả lời neo lại đâu đó nhưng mặc kệ, Phan Vũ vẫn giẫm lên những rạn nứt im lìm, vẫn thí thân cho những tình cờ cuộc đi để rồi lạc: Một con đường chia thành trăm ngả/ Ngã nào cũng lạc cũng bơ vơ ( Ngày trở về)

Gần 90 năm băng băng cuộc người, Phan Vũ tìm thấy mình, một gã trần trụi đi qua thời gian không có gì trối trăn nhưng ngoảnh đầu lại, anh vẫn hồn nhiên mỉm một nụ cười với dâu bể. Quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Hỏi anh đâu chốn quê nhà, vầng trán anh nhăn nhíu một vệt buồn: Quê hương không phải "mỗi người chỉ một" nên nói chi một con đường, cuối cùng tất cả là mê lộ trần gian.

Một mình giữa bóng chiều sa / Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha.

Không chỉ lạc nhà, anh còn lạc nghề. Nghề là chọn lựa với dấn thân nhưng cầm súng, biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo...nghề nào cũng mất mát, nghiệp nào cũng ê hề quạnh quẹo dù còn đó những giải thưởng với vinh quang. Làm đạo diễn, anh lạc vai diễn lạ mặt mình. Viết báo, anh buồn những tin lặt nhặt ngã năm ngã bảy. Làm thơ đem đọc rồi đốt để hóa vàng . Bỏ đi thôi, 70 tuổi bắt đầu học nghề cầm cọ và anh vui sướng vì ở đây "Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh họe" nhưng rồi cọ cũng lạc màu nhòe nhoẹt thành  "Những ngọn cụt"(1). Chiều rồi manh manh vỡ ra một vùng sáng tối mờ mịt gió lên : Tôi đứng giữa miền sáng tối âm dương/ Chiều manh manh/ Rờn rợn xanh ngọn lá/ Hun hút gập ghềnh mê lộ/ Một cõi hoang lầm lũi mãi đi về. ( Suy tư chiều).

Ngày xô vào đêm, đêm trộn ngày, thành viên sót lại của Ban chấp hành Hội Nhà văn 60 năm trước, người lãnh giải thưởng văn học vở kịch Lửa cháy lên rồi năm 1955, tác giả "Em ơi Hà Nội phố", người đọc thơ giữa Hà Nội chào mừng Ngàn năm Thăng Long 2010, vẫn phi về phía trước với lịch làm việc dày kín từ sáng sớm: những sắc màu, triển lãm,  thơ ca  và bè bạn. Thời gian không còn nữa. Tôi phải  "cháy" như ngọn nến đến tận khoảnh khắc cuối cùng...
***
Phan Vũ, cái tên không còn lạ với Hà Nội, Sài Gòn...Ai đó có thể gọi anh là đạo diễn, nhà báo, họa sĩ..., tùy hỉ. Riêng tôi, tôi chỉ muốn gọi anh là khách thơ, một người thơ hồn nhiên sống giữa chợ người kiểu Bùi thi sĩ "ngứa cổ hót chơi" và đem thơ tặng chuồn chuồn châu chấu. Thơ là người và Phan Vũ, chưa một lần thuyết giảng đạo đức, ve viên thơ thành đạn đồng đạn chì hay bày biện mâm cổ tình dục. Thơ, một kiếm tìm bản lai diện mục, một đào xới cõi tâm thức những hoài niệm, một chân thực bày tỏ nỗi niềm trăm năm cũ, một khát khao cho trăm năm sau.  Hỏi mục đích thơ, Phan Vũ ngắn gọn: Tôi làm thơ cho tôi, cho vợ, cho người tình, cho những vùng đất đã đi đã sống.làm thơ không phải viết thơ nên 82 tuổi, anh mới góp nhặt những chợt nhòa chợt hiện và xuất bản tập thơ đầu tay : Thơ Phan Vũ-  trường ca  Em ơi Hà Nội phố, như là " một cuộc trò chuyện" .

1972, Hà Nội khói lửa mịt mùng, bom nổ bến đò Dâu, Phan Vũ đi qua chuyến đò, gõ cửa nhà bạn tặng mấy đóa cúc dại mừng sinh nhật như đã đinh ninh hẹn lời. Và "Em ơi Hà Nội phố" ra đời chính trên những bước chân kiếm tìm "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ những mảnh vỡ trên thềm..."Em ơi Hà Nội phố", ẩn tàng tâm thức người thơ và tự nó có những niềm riêng bí mật & lạ lẫm. Nếu Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống trong một đêm và hôm sau đã công bố thì "Em ơi Hà Nội phố" có nhiều nhiều dị bản vì đã im lìm gần 40 năm để đến hội mừng Thăng Long ngàn năm tuổi mới bùng vỡ giữa những mặt người Hà Nội. Mỗi bài thơ có số phận riêng của nó và những va đập định mệnh. Nhưng mai sau dù có bao giờ ,Thâm Tâm với Tống biệt hành, Phan Vũ với "Em ơi Hà Nội phố", là những thi sĩ thứ thiệt.

"Em ơi Hà Nội phố", trước hết là khoảng không gian mở cửa về phía hôm qua, ở đó là ngôi nhà số 52 phố Hàng Bún Thang gác cọt kẹt thời gian/ Thân gỗ, là miền tuổi thơ cơn mưa chiếc thuyền giấy, quả bóng lăn, là ngõ phố cột đèn, bờ đê, ngôi chùa cổ đường lượn mái cong, ngói âm dương xô lệch vào chiều. Em không chỉ là tiếng gọi mà gói lại biểu cảm những dịu dàng vấn vít yêu thương: bờ tóc xõa, đôi guốc mộc , mắt lúng liếng, cánh tay trần, hồng đôi má , tiếng dương cầm lả tả, những  chân tìm nhau vội vả và Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối/ Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...Em còn là thân thương Hà Nôi bốn mùa xuân hạ với chùm hoa thu tím ngát, mùa sen nở, hoàng lan thơm nhụy , hoa sấu ngực đông, hoa sữa thơm tràn, là những mặt người lạ quen: một gã Trương Chi ôm guitare, hóa đá, một bà quán ê a chuyện nàng Kiều, người soát vé áo bành tô cũ nát, là mẹ với đàn con trên bến đợi, là cô hàng hoa, ông đồ xưa bút mực tàu...Hà Nội động chuyển, phi qua những mây bay, tỏa hương hoa như nó là.  

"Em ơi Hà Nội phố" như thế và như thể thước phim quay chậm trên nhiều cung bậc sắc màu & ánh sáng, trên những góc quay đa chiều. Hình là cận cảnh đời thường, có khi tươi nguyên lãng mạn cuộc tình đầu ngọt lịm, có cả bộn bề hiện thực lờ mờ lá bánh củ khoai, mảnh trăng vỡ tiễn người bỏ xứ, có khi lô nhô trắng sáng năm cửa ô, năm cửa gió và ba mươi sáu phố/ bao nhiêu mảnh vỡ, rồi những hình nhân nhợt nhạt vàng son.. Phim cũng đồng thời ghi âm một tiếng rao đêm/ lạc giọng, căn nhà đổ, những lanh canh tiếng chưông reo hay lời kêu khổ. Không, Phan Vũ không trốn chạy hiện thực nhưng nhà thơ cắt nghĩa hiện thực theo cái cảm quan chân thực của mình và thơ cứ như mồ hôi rươm rướm, như máu chảy từ tim ...

"Em ơi Hà Nội phố" còn là bức tranh màu tô lên những phiên bản thời gian. Này là một màu xám hư vô, những hoàng hôn vàng suộm bi ai phế hưng thành quách; cung cách ngàn năm đã cạn để Hàng Mã không còn ngựa xe võng lọng, một Hàng Đào không bán đào, một Hàng bạc không còn thợ bạcđường Trường Thi không chõng không lều. Này là bóng tối buồn dằng dặc những chia tay, con tàu đêm, sân ga lạc. Này là bình minh nắng lên những gót son bờ môi ai đậm đỏ bích đào. Thực pha với mộng, lịch sử chồng xếp lên ngày tháng hôm nay; toa xe điện cuối ngày trộn với tháng chạp mùi hương dài theo phố, lung linh Tháp Rùa trộn với đậm đầy đắng cay những biến động cuộc ngày. Tất cả làm nên một Hà Nội đẹp và buồn nên cứ ám ảnh ám thị. 

Bước vào cõi thơ ""Em ơi Hà Nội phố", Phan Vũ lạc vào hoài niệm và ta lạc trong miền suy tưởng chiêm ngắm Hà Nội trên những cột mốc thời gian. Những hình ảnh chồng xếp lên nhau, vô hình trung trở thành những biểu tượng."Ta còn em" chạy dọc bài thơ thành ra là tiếng kêu của mất mát chứ không hề là một lời chào mừng Em hiện hữu. "Em ơi Hà Nội phố", do vậy, bỗng ngậm ngùi một dự báo tương lai Hà Nội đổi thay không còn có thể nhận ra, để rồi buồn tiễn biệt " nhật ký sang trang/ ghi thêm nổi khổ".

"Em ơi Hà Nội phố" cuối cùng là thơ hay lời tơ than (2)? Phan Vũ không biết, ta cũng mơ hồ chỉ là, bài thơ không bi tráng, không máu me xương xẩu, không cả nước mắt nhưng ngọn gió Nghi Tàm, Cổ Ngư cành phượng vĩ, từng ngõ phố góc đường mùi hương phả vào chúng ta bầu khí thân mật thân quen và níu giữ lòng ta cho đến mai sau. Phan Vũ đã thành công khi dựng lại một Hà Nội máu thịt mà không hề tụng ca, hay thổi phồng cảm xúc. Thơ đích thực, vỡ ra từ một tấm lòng ... Anh đã biết buồn và buồn thật, buồn như ngày chiếc bình vỡ : Trên đường đi đầy hoa đỏ/ Nhưng không có mùi hương thơ ngây/ Bởi trong tôi chiếc bình xanh đã vỡ ( Bình vỡ). Nhưng có ai bắt buộc thơ phải vui ? Và Phan Vũ bảo nhỏ với tôi "Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp nào không buồn. Nỗi buồn là sự thật"... Chiều xuống rồi. Đã muộn cho một cuộc đi...

***
Một tác phẩm của Phan Vũ

86 tuổi rồi, Phan Vũ không dừng lại vì cuộc đời như cuộc chơi, dùng lại là chấm hết. Anh đang bận rộn chuẩn bị cho việc đọc thơ- không hề và không phải là trình diễn thơ - lần thứ hai giữa Sài Gòn: trường ca "Bao giờ là mãi mãi", tùy bút thơ về Sài Gòn, dài đến 300 câu. Với anh, Hà Nội chỉ là năm tháng ngụ cư, Sài Gòn mới thực là chốn thường trú, là mảnh đất in dấu chân anh thời trai hào hùng, là vùng đất anh lập nghiệp khi bước vào tuổi trung niên. Nên "Bao giờ và mãi mãi" là một trả đền cho hôm nay, một gửi gắm cho mai sau.

"Bao giờ là mãi mãi" khởi viết từ 1996 và đến 2010 mới tạm hoàn thành, là một chiêm ngắm suy tư về đất và người. Bao giờ về Sài Gòn / Em sẽ tìm hàng me/ Màu xanh non/ Một đêm cây trổ lá/ Đường đến trường tiếng cười rộn rã/ Nắng vừa lên/ Tà áo trắng bay bay...Những con chữ còn đó vỡ ra âm hưởng nồng nàn tiếng gọi ; nhưng không, tâm thức biến cải rồi nên thi pháp cũng loạn gió để vỡ bờ. Trong "Em ơi Hà Nội phố" tuyệt không có nước mắt, máu & mồ hôi, không có khăn tang bia mộ, không chiến tranh và những cái chết cận kề cũng không bừng bừng câu chính khí . "Bao giờ và mãi mãi" gần như ngược lại, là một cái nhìn khác của Phan Vũ về hiện thực, của một người đã bước qua ngưỡng cửa " cổ lai hy". 

"Bao giờ là mãi mãi" trước hết là những câu chuyện tự sự, là mảng ký ức từ thuở tóc xanh cầm súng xa nhà kháng chiến, là nỗi nhớ đồng đội, là suy tư cho hôm nay trước mặt trời dựng xây ngày mới.  Hãy nghe nhà thơ kể chuyện : Mùa thu năm ấy/ Tháng chín hai mươi ba/ Câu hát mài gươm thành câu hát tiễn. Đường qua xóm lập lòe ngọn lửa/ Mái chèo khua nhịp tiếng trống đồn/ Cuộc tiễn quân dài chín dòng sông ...Chất trữ tình đã nhường chỗ cho sử thi, một tiếng thơ hào hùng vang động mà âm ba dội giữa giang hà. Chiến tranh rồi chia cắt, đất nước thành hai đầu nỗi nhớ, câu thơ bỗng nhoi nhói nỗi niềm, tưởng chừng rươm rướm lệ : Lưỡi gươm xẻ dọc con sông/ Giữa đất nước dựng hàng rào phân địa/ Hình hài non sông lỗ chỗ đạn bom...Thơ không thở than, thơ, tiếng kêu xé lòng : Mẹ bồng con ngồi giữa mịt mùng/ Mảnh gang lạnh ghìm trên cánh cửa ...Lần này, và ở đây, Phan Vũ đã bê nguyên hiện thực chiến tranh vào thơ, là kể chuyện sống chết, đối địch, súng gươm và hận thù, kể cả chuyện tưng bừng bi tráng khúc tháng tư : Người lính trẻ giữa ngã tư thành phố/ Nước mắt rưng rưng câu hát vỡ òa/ Sài Gòn ơi ta đã về đây...Đó là khúc dạo đầu của "Bao giờ là mãi mãi" khác biệt với "Em ơi Hà Nội phố" lằng lặng những thanh âm dịu dặt.

"Bao giờ là mãi mãi" cũng chụp và chép, là đoạn phim quay chậm hình ảnh Miền Nam hai mươi năm chiến tranh khốc liệt; Sài Gòn không bình yên. Này là hình ảnh đồng đội, có người vừa chào lạy mẹ cha đã nằm xuống không trở dậy: Có những bàn chân leo qua ngọn núi/ Mộ phần hiu quạnh giữa rừng hoang/ Có người ngã xuống ngay trước ngõ ...Này là dòng máu chảy tràn nuôi bông lúa trổ, nuôi ngày mai nở hoa độc lập: Máu theo dòng chảy con sông/ Hồng Hà, Cửu Long Sông Mã, sông Hương, sông Hàn / màu xanh pha sắc đỏ ...Và còn đó là hình ảnh vợ tôi, tuổi mười sáu vượt làn ranh/ Từ Sài Gòn ra bưng biền... Thơ chững lại, ngập ngừng một chút trao duyên, một nhánh lá xanh giữa rừng rực sắc đỏ của đạn bom mất mát : Nhớ một chiều, giữa rừng tràm/ Anh bẻ một nhánh lá tặng em/ Kể như chùm hoa trao duyên ngày cưới ...Cuộn phim cho ta nhận ra một Phan Vũ khác, một Phan Vũ không tự đóng đinh vào những nỗi buồn tư riêng, những lãng mạn tiểu tư sản. Thơ đã bước qua cái tôi, cũng bước qua bóng tối của trầm tư quá vãng để quăng mình vào hiện thực Miền Nam Thành đồng. Anh không còn lạc trong nỗi buồn tím ngát nhưng mở mắt để nhận diện chân lý : máu chảy là một hiến dâng, một vĩ đại hiến dâng.  Và thơ kêu vang, tra vấn hiện thực : "Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng" 

Trường ca Sài Gòn đi về đoạn kết, không kể lể mà phơi bày hiện thực, một Sài Gòn phố ùn tắc, những mặt người âu lo, vết đen hằn lam lũ bàn tay, một Sài Gòn cơm áo gạo tiền trăm nghìn nỗi tính toan theo số nhỏ, một Sài Gòn mà hố sâu giàu nghèo ngày càng phân cách: một bên tầng chín tầng mười, bên kia vùng nước đen, ao tù bùn đọng.  Và Phan Vũ lại lang thang đi và tìm, lại lạc trong những nghĩa trang buồn ở đó : Lính chết trận, thưa ông bà tiên tổ/ sao chỉ một bên là tử sĩ / Trong những ngôi nhà Việt Nam / đều khắp giải khăn tang. Câu hỏi không chỉ đau lòng mà nhèm nhẹp đen bóng tối của nghi kỵ, của mối hận thù chưa thể cởi mở sau bao nhiêu năm Nam Bắc sum họp. Trường ca khép lại hình ảnh Phan Vũ cô quạnh trên đường, lạc trong giấc mơ và những chiêm nghiệm nhân sinh,  miệng lầm thầm một "cầu nguyện lớn" : Có muộn không? Một quy mô siêu độ kinh cầu/ Vinh danh liệt sĩ/ Và tưởng niệm hương hồn toàn tử sĩ/ cả những thường dân trong cuộc chiến vong thân.

"Bao giờ là mãi mãi" trải ra trên chiều rộng của Miền Nam và chiều dài hai mươi năm Nam Bắc phân cách chia lìa với tang thương mất mát & hy sinh.  Hình ảnh Sài gòn nổi lên trong giấc mơ bận bịu câu hỏi lặp đi lặp lại " Bao giờ về Sài Gòn". Về, chỉ để nghe một tiếng rao đêm, ăn một chén chè khuya phố,  để " ra bến sông ngắm những con tàu". Thơ vọng âm từ hơi thở cuộc sống đời thường mà nồng nàn lãng mạn. Nhưng điệp khúc chủ đạo của trường ca lại là một phát vấn, một nghiêm trang câu hỏi : "Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng"? Câu hỏi treo ở đó cho cả mai sau.

***

Thơ là người, người thơ không dành lấy cho mình danh hiệu phấn son, khẩu phần chia chát, cũng không đấu đá biện bày những hí lộng với ngoa ngôn. Đọc và nhìn lại Phan Vũ từ "Em ơi Hà Nội phố"  đến "Bao giờ là mãi mãi", ta nhận ra một người thơ hồn nhiên đi giữa càn khôn bộn bề mà chẳng hề bận bịu với lo toan. Anh đi, đi và để lạc: lạc đi từ chốn quê nhà, lạc cả nghề lẫn nghiệp, nhất là lạc trong cõi thơ, những hoài niệm và giấc mơ cứ vướng chân anh. Thơ Phan Vũ thuộc về hoài niệm nhưng lại mở ra những dự báo cho tương lai cho nên thơ & người thơ sẽ là của hôm sau và hôm sau nữa./.

Tp Hồ Chí Minh 21/12/2010 . LV

•1-     Bức tranh tự họa của Phan Vũ
•2-     Nguyễn Du : Văn chương tàn tích nhược như ti . Bùi Giáng dịch thành : văn chương tiếng thở như lời tơ than
•3-     Chữ in nghiên trích thơ Phan Vũ
•4-     Tài liệu trích dẫn  : Thơ Phan Vũ ( đã in 2008). Trường ca "Bao giờ và mãi mãi " chưa xuất bản

0 nhận xét:

Đăng nhận xét