Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Nhận xét về người Việt của một người Pháp

Thấy trên mạng có bài viết giới thiệu cuốn sách của Henri Oger, với những phác họa về sinh hoạt của người Việt trong những năm đầu thế kỉ 20. Theo bài báo Oger nhận xét về người Việt như sau:

“Bắc Kỳ những năm đầu thế kỷ 20 trong con mắt Henri Oger là nơi đất chật người đông, cuộc đấu tranh sinh tồn rất dữ dội.

Chính vì người dân nghèo, chỉ quen mua hàng rẻ, ít đòi hỏi cao, nên hàng làm ra bán cho họ thường bị làm nhanh, làm ẩu. Thợ thủ công An Nam cũng bị nhận xét là kỹ thuật sơ sài, không được giảng dạy đầy đủ về nghề nghiệp, thiếu sáng tạo, không có những phẩm chất đã khiến cho người thợ ở châu Âu trở thành nghệ sĩ.

Tuy nhiên, theo hai tác giả chủ biên cuốn sách, những nhận xét này không hề mang sắc thái khinh thường thái quá mà chỉ đơn giản là vì Oger sống trong thời đại của mình, tin vào tính ưu việt của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với các xã hội xa lạ và tin vào sứ mệnh khai hoá văn minh của nước Pháp.”

Tuy người viết bài báo cho rằng nhận xét đó mang tính “thời đại của mình, tin vào tính ưu việt của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với các xã hội xa lạ và tin vào sứ mệnh khai hoá văn minh của nước Pháp,” nhưng tôi vẫn nghĩ ông ấy quá chính xác trong nhận xét về tính cách người Việt, mà cho đến ngày nay vẫn còn phù hợp.

Làm ẩu. Kĩ thuật sơ sài. Thiếu huấn luyện. Thiếu sáng tạo. Tất cả những nhận xét đó đều đúng. Không khó khăn gì để có thể đi tìm những bằng chứng thực tế làm cơ sở cho những nhận xét đó. Tôi đi qua cây cầu NHơn Hội nhìn từ xa rất hoành tráng ở Qui Nhơn, nhưng đi trên cầu mới thấy họ làm rất ẩu, thô, và có khi nguy hiểm. Ngay cả cây cầu Rạch Miễu mới rầm rộ khánh thành cũng có nhiều vấn đề kĩ thuật, và cũng rất thô. Nhìn gần những tấm hình kí giả chụp trên cầu Rạch Miễu mới thấy cách làm của ta rất ... hỡi ôi. Hình như người mình không có thói quen xem xét đến chi tiết, mà chỉ làm chung chung hay làm cho có mà thôi. Nhiều công trình của Việt Nam chỉ làm hình như nhằm mục tiêu khoe là “ta làm được”, rồi dừng ở đó, chứ không đi xa hơn. Thật ra, ngay cả “ta làm được” cũng không hẳn là làm được. Điều này rất tương phản với người Tây phương, những người mà khi làm cái gì họ cũng tính toán cẩn thận, xem xét từng chi tiết nhỏ, đánh giá lợi và hại một cách khách quan, v.v… cho nên khi công trình hoàn tất nó thường có chất lượng cao và lâu bền.

Việt Nam ta nổi tiếng làm gia công quần áo cho các công ti Tây phương. Quần áo họ gia công đẹp, và khi ra ngoài này, thường bán với giá rất cao. Nhưng còn hàng trong nước cũng do những công ti gia công đó làm với nhãn hiệu “chất lượng cao” thì sao? Nói ngắn gọn là chất lượng thấp thì đúng hơn. Họ cũng bắt chước may những cái cáo sơ mi hiệu Polo, Nautica, Tommy Hilfiger, v.v… nhưng nhìn kĩ thì họ bắt chước rất kém. Chỉ nhìn qua đường chỉ là thấy họ làm ẩu. Nhìn qua cách họ làm logo cũng dễ dàng thấy đây là đồ dỏm, bắt chước. Người Tàu cũng làm hàng nhái, nhưng họ nhái giỏi hơn người Việt chắc cỡ 10 lần. Hàng nhái của Tàu lợi hại đến nổi chúng ta khó nhận ra thật và giả. Còn hàng nhái của Việt Nam thì còn quá kém. Làm hàng nhái mà còn làm không xong thì chúng ta khó mà nói đến chuyện lớn được.

Thế còn hàng do Việt Nam thiết kế thì sao? Tôi tò mò xem qua những chiếc quần tây và áo sơ mi của hãng VT làm, và thấy tất cả đều có một motif giống y chang nhau, không có gì là sáng tạo cả. Họ chỉ thay đổi màu và vải (mà vải thì cũng chất lượng thấp). Ngay cả các thiết kế của hãng nổi tiếng như AP cũng thế, không có gì thay đổi đáng kể và không mới. Giày sản xuất ở Việt Nam không rẻ chút nào, nhưng về mẫu mã thì còn thua xa so với ngoại quốc (thua luôn Trung Quốc và Ấn Độ), bởi vì các loại giầy này đều na ná giống nhau về thiết kế. Tôi có cảm giác hình như các hãng bắt chước kiểu nhau. Không thể biện minh rằng họ làm cho người địa phương nên chất lượng như thế là đủ, vì nói như thế là xem thường đồng hương Việt Nam. Cũng không thể biện minh theo kiểu "tiền nào của nấy", vì đây là hàng "chất lượng cao", và người Việt sẵn sàng trả cả 100 USD cho những cái áo có chất lượng cao. Chỉ có thể giải thích là làm ẩu, thiếu sáng tạo, và bắt chước quá tồi.

Trong văn nghệ cũng thế. Khi một vở tuồng Đời cô Lựu ra đời, thì hàng loạt (có thể hàng 20) vở tuồng cải lương cũng có motif na ná giống như Đời cô Lựu. Cho đến bây giờ, những vở tuồng cải lương được sáng tác hay soạn thảo vẫn chưa thoát được cái motif của Đời cô Lựu, Ông cò Quận Chín, hay chưa đi xa va cao hơn những sáng tác của Viễn Châu. Tân nhạc cũng thế: một bài ca ca ngợi cái nghèo làm cho hàng loạt “sáng tác” khác cũng ca ngợi cái nghèo một cách vụng về, tũn mũn, và … sến. Trịnh Công Sơn có bài Cát bụi thì phía nhạc sến cũng cho ra đời "trở về cát bụi" gì đó mà ý tưởng thì y chang như ý của TCS nhưng nhạc điệu và lời thì quá nghèo nàn và thiếu chất thơ, thiếu triết lí. Khi trung tâm Paris By Night ra đời, thì hàng loạt trung tâm khác cũng lấy “by Night” làm tên gọi (Saigon by Night, Cali by Night, Hollywood Night, v.v…). Thật khó tưởng tượng được một sự bắt chước và nhái thô thiển như thế!

Không chỉ đúng trong giới thợ thuyền và công nhân, trong giới nghệ sĩ, mà ngay cả trong giới khoa học nữa. Những ai thử đọc qua các abstracts trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam sẽ dễ dàng bắt gặp những cụm từ quen quen như “Bước đầu nghiên cứu”, “Đánh giá”, “Xác định”, v.v… Phần lớn (chắc cũng 99%) là những nghiên cứu lặp lại những gì người nước ngoài đã làm nhưng không có phương pháp gì mới hay dữ liệu gì mới. Và, đương nhiên là không có phát kiến gì mới.

Mà, thật ra, nhìn lại về những thành tự khoa học, chúng ta phải ngậm ngùi mà nói là: không có gì. Chúng ta không có những phát kiến gì đáng kể. Ngay cả nghề nông là nghề truyền thống, mà chúng ta cũng chẳng có gì để chỉ dạy thế giới. Chúng ta không có những nhân tài xuất sắc trên trường quốc tế (nhưng có nhiều người nghĩ như thế).

Bắt chước và thiếu sáng tạo có lẽ là dấu hiệu của một sự lười suy nghĩ. Nếu giả thuyết này đúng thì người Việt chúng ta lười suy nghĩ quá.

Cách đây hơn 70 năm, cụ Ðào Duy Anh đã viết như sau khi nhận xét về tính cách của người Việt: "Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Tôi thấy, cho đến nay, những nhận xét này vẫn còn chính xác, nhất là trong giới trí thức Việt Nam.

Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao ta lại quá kém trong hoạt động khoa học như thế? Có thể nói từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Ðọc lịch sử Việt Nam từ các triều đại Ðinh, Lý, Lê, Trần và Nguyễn, ai cũng thấy nước ta có nhiều anh hùng quân sự, nhà thơ, nhà sử học, nhưng rất ít nhà khoa học, kĩ sư hay nhà kinh tế. Hệ thống giáo dục của nước ta ngày xưa được bắt chước theo mô hình giáo dục của Trung Quốc, đòi hỏi người học sinh phải tuân thủ sách vở một cách máy móc và không khuyến khích sự tự do tìm tòi, thử nghiệm, hay chất vấn. Cái truyền thống này ca ngợi, tuyên dương những người thuộc làu những điều răn dạy của Khổng Tử, và coi thường những ai làm nghề tay chân (kĩ sư, khoa học gia, công nhân, nông dân, v.v...) hay làm thương mại.

Khi người Pháp vào Việt Nam, hệ thống giáo dục Trung Quốc được thay thế bằng hệ thống giáo dục Pháp, một hệ thống có mục tiêu là đào tạo ra những thầy thông, thầy phán, hay quan chức để thực thi đường lối, chính sách của kẻ cai trị. Hệ quả là nó làm cho học sinh tiêm nhiễm cái tâm lí hám danh và sính bằng cấp, học ra để làm quan, làm ông nghè hay nhằm giật được một mảnh bằng để làm rạng danh gia đình hay khoe cùng người hàng xóm, chứ không nhằm đóng góp kiến thức hay mang lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Với hệ thống giáo dục này, học sinh phải học thuộc lòng sách giáo khoa nhằm cố thi đỗ trong các kì thi rất gắt gao. Lối giáo dục này vẫn còn kéo dài tới những năm trong thập niên 60 và 70 mà tôi (và nhiều người cùng thế hệ) từng là những "nạn nhân" của nó. Chúng tôi không được khuyến khích tìm hiểu những sự việc, hiện tượng chung quanh chúng tôi xảy ra như thế nào và tại sao? Kết quả cuối cùng là nhiều thế hệ học sinh không có cơ hội nghiên cứu khoa học. Và quan trọng hơn nữa, phần lớn những kiến thức về Việt Nam, về dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại nằm trong tay các nhà khoa học ngoại quốc, thay vì trong tay các nhà khoa học Việt Nam. Rất tiếc là xu hướng này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, với những show khoa học theo kiểu nhảy dù.

Tôi nghĩ tác dụng của cuốn sách của Oger là nó “đánh” thẳng vào tâm thức của người Việt, làm cho chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: đó là chúng ta có thói quen làm ẩu, kĩ thuật sơ sài, thiếu huấn luyện, thiếu sáng tạo, và lười biếng suy nghĩ. Nhận thức được như thế là một bước đầu để mỗi chúng ta phải làm gì. Tôi cũng phải suy nghĩ lại mình có những thói quen đó hay không và phải tự khắc phục mình. :-)

NVT

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Về một bài "đánh" Phạm Duy

Hôm trước, nhân một bài chỉ trích Nhạc sĩ Phạm Duy trên báo ANTG, tôi có post bài phản biện của Thầy Giáo Làng. Hôm nay, tôi thấy bài này trên một tờ báo của người Việt ở Hung. Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét trong bài này. Điều đáng nói là cái tựa đề bài viết trên ANTG là “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” làm cho độc giả tưởng rằng là một bài bàn về học thuật, về âm nhạc của Phạm Duy, nhưng hóa ra là bài nói về cá nhân của nhạc sĩ. Như thế là không công bằng, là “treo đầu dê bán thịt chó”, và thế là thiếu tính quân tử.

Nhân nói về chuyện này, hôm nọ tôi cũng thấy một bài dài của tác giả Nguyễn Đắc Xuân phản biện lại những luận điệu chỉ trích cá nhân của mấy ông quan nhạc sĩ. Bài dài, nhưng trong đoạn cuối có một đoạn nói theo tiếng Anh là “quite revealing” về ông quan nhạc sĩ Trọng Bằng (xin trích):

Trước đây mỗi lần được xem (hoặc qua Tivi) GS NSND Trọng Bằng - tốt nghiệp trường nhạc của Liên-xô điều khiển Ban nhạc giao hưởng rất bề thế của VN tôi rất tin tưởng. Tin tưởng, tự hào về những hoạt động văn hóa chất lượng cao của VN. Nhưng rồi không ngờ năm 2006 ra Hà Nội ghé thăm các bạn cũ đồng nghiệp của tôi ở báo Lao Động, vô tình tôi nghe kể chuyện xì-căng-đan: “nhạc sĩ Trọng Bằng đạo nhạc”, tôi tá hỏa. Các bạn kể rằng: GS NSND Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN tự đưa tác phẩm Ouverture Chào mừng của ông ra đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh thì bị nhạc sĩ Vĩnh Cát tố cáo là tác phẩm Ouverture Chào mừng của nhạc sĩ Trọng Bằng không chỉ copy ý tưởng mà chép nguyên văn các chủ đề (thème) và cách phối âm phối khí trong bản giao hưởng số 5 của Shostakhovich và tác phẩm giao hưởng số 7 của Prokofiev. Bốn đại tá nhạc sĩ quân đội nổi tiếng là Huy Thục, Nguyên Nhung, Doãn Nho và Nguyễn Đức Toàn cũng tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng với nội dung tương tự. Nhạc sĩ Trọng Bằng không bảo vệ được tác phẩm của mình nên cuối cùng phải xin “rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh”. Thật hú hồn. Ông Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN mà đi đạo nhạc, đi tranh giải văn học nghệ thuật cao nhất nước, bị tố cáo phải rút lui thì hết chỗ nói chuyện đạo đức với bất cứ người làm nghệ thuật già trẻ, cũ mới nào rồi. Nếu không có trí thức và sự thẳng thắn của ông Vĩnh Cát và các vị Đại tá nhạc sĩ quân đội ấy thì hậu quả sẽ ra sao? Các nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo ở Pháp, các nhạc sĩ Nga học cùng thế hệ với Trong Bằng ở Liên-xô cũ nghĩ gì về các nhạc sĩ, trí thức hàng đầu ở VN? Các tác giả nhạc giao hưởng đồng nghiệp của Trọng Bằng sẽ nghĩ gĩ về cái Giải thưởng Hồ Chí Minh treo trong nhà nhạc sĩ Trọng Bằng? Hơn thế nữa người trong và ngoài nước sẽ xem cái Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý nhất nước như thế nào? Và, riêng những người với tài năng thực sự họ đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ phẫn nộ về sự không lương thiện của Trọng Bằng làm ảnh hưởng đến giá trị cái giải thưởng cao quý mà họ đã nhận như thế nào? Với một cú bị knock out như vậy đáng lẽ anh Trọng Bằng phải tu tỉnh, nhìn lại mình, kiểm điểm những ấu trỉ, những thiếu sót của mình đối với anh em đồng nghiệp, bao dung, thông cảm với những người không được may mắn như mình, vỗ về, xoa dịu những nỗi đau của đồng nghiêp.v.v. Nhưng ...than ôi!”

Một nhạc sĩ như thế mà lên tiếng “dạy đời” ông cụ nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy thì tôi e rằng không thuyết phục chút nào cả.

NVT

===

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1903

Về một bài "đánh" Phạm Duy

[24.05.2009 20:42 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Lại thêm một bài "đánh" Phạm Duy trên một tờ báo trong nước, thông qua ba vị Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, những người gây bất ngờ lớn vì sự "xấu tính" công khai của họ!

Tóm tắt những luận điểm chính của ba vị này như sau:

- Phạm Duy "bỏ kháng chiến vào thành", "theo địch", do đó được nhà nước "cho phép" trở về là "nhân đạo" lắm rồi, báo chí không nên "tâng bốc" rầm rộ như thế.

- Phạm Duy "cần biết mình là ai", về nước thì cứ im lặng mà sống, không nên "tìm kiếm" sự nổi tiếng bằng những chương trình hoành tráng. Không "được phép" ví mình với ai cả (nhất là với Văn Cao).

- Nhạc Phạm Duy là nhạc "thị trường" chứ chẳng "bác học" như nhạc của các vị. Kho tàng nhạc phẩm của Phạm Duy cũng không "đồ sộ" như của các vị. Phạm Duy chỉ có những nhạc phẩm sáng tác thời đi theo kháng chiến là "còn" nghe được (mà các vị gọi là biết khai thác dân ca), nhưng từ ngày Phạm Duy "bỏ nước" ra đi thì âm nhạc Việt Nam đã phát triển lắm rồi, tóm lại là Phạm Duy "nên biết mình biết người", đừng có tiếp tục quảng bá các nhạc phẩm của mình nữa.

- Nhiều nhạc sĩ có cống hiến cho các mạng mà giờ đây không đủ tiền làm live show. Còn Phạm Duy thì lại có. Thật là bất công!

Ba vị có vẻ như đang lợi dụng cái thực tế là ở Việt Nam, khi muốn "giết" ai, người ta chỉ cần quy về lập trường chính trị, để giải quyết nỗi hậm hực của mình trước thành công của Phạm Duy thì phải?

Nhưng đã nói đến quan điểm chính trị thì cần sòng phẳng với nhau rằng việc Phạm Duy bỏ vào thành là quyết định đúng hay sai thì thực tế đã trả lời. Bởi vì nếu ông quyết định ở lại thì có lẽ số phận ông cũng đã thê thảm không kém số phận các văn nghệ sĩ có tư tưởng tự do cùng thời với ông.

Cũng cần phải sòng phẳng rằng không phải chỉ những ai yêu Đảng, yêu CNXH mới là yêu nước. Lòng yêu nước không phải là danh hiệu "độc quyền" của những người CS, để thích "ban phát" cho ai thì ban phát. Cái luận điệu đó cũ lắm rồi, chẳng thuyết phục được ai đâu, ba vị quan âm nhạc kia ạ.

Và đất nước này không của riêng ai, không ai có quyền cho ai được thế này thế khác. Phạm Duy không phải là tội phạm, cũng không phải là khủng bố, nên việc cấp visa cho ông ấy trở về cố quốc là một việc đảm bảo quyền hợp pháp của công dân gốc Việt lương thiện chứ đừng nói đến ơn huệ ở đây.

Tiếp theo, việc Phạm Duy làm gì với các sáng tác của ông sau khi trở về là quyền của ông, không khiến ai dạy ông phải thế nào. Việc báo chí đón chào ông ấy thế nào cũng là quyền của các nhà báo, không khiến ai phải "định hướng". Trong một thế giới tự do tư tưởng, không ai cần "định hướng" cho ai!

Hơn nữa, sao các vị không tự hỏi bản thân, nếu quả thật nền âm nhạc Việt Nam phong phú và phát triển như các vị khẳng định thì tại sao bấy lâu nay nó chẳng được ai đoái hoài, và phải đợi đến sự trở về của một nhạc sĩ "vang bóng một thời", báo chí mới có dịp để rầm rộ?

Tại sao các vị không tự hỏi vì sao nhạc của các vị không được người ta bỏ tiền ra mua? Tại sao người ta chỉ hát bài hát của các vị trong các sự kiện chính trị, chứ trong đời sống hàng ngày, chẳng ai cất tiếng? (*)

Thiết nghĩ đánh giá một nhạc sĩ thì phải nhìn vào sáng tác của họ, chứ đừng có nhập nhằng các vấn đề thuộc về lựa chọn riêng tư. Sự đóng góp của Phạm Duy với tư cách một nhạc sĩ thì hãy để chính khán giả đánh giá. Việc ông ấy có một lượng khán giả riêng, đông đảo và chung thủy qua các thời kỳ, ở mức độ nào đó đã nói lên vị trí của Phạm Duy trong nền tân nhạc Việt Nam ra sao rồi.

Các vị không cần nhọc công phủ nhận ông như vậy làm gì - điều đó không làm Phạm Duy thấp đi mà chỉ làm chính các vị thấp đi mà thôi. Đã là người của công chúng thì phải biết kiềm chế, đừng có bộc lộ sự ghen tị của mình một cách dễ dàng như thế chứ!

(*) Riêng tôi thì thấy tuổi thơ mình thật thiệt thòi khi không được nghe những bài hát trong sáng hồn nhiên như "Ông trăng xuống chơi" của Phạm Duy, mà cứ bị nhồi sọ các bài hát "bác học" sặc mùi chính trị của các vị. Trẻ thơ thì hãy để chúng sống hồn nhiên như lứa tuổi, xin đừng có nhồi vào đầu chúng "quan điểm" với chả "lập trường", thiếu nhân văn lắm!

Nguyễn Tuệ Anh, từ Hà Nội

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc

Entry này không phải của tôi, mà là của một bạn đọc gửi cho. Tôi thấy vấn đề anh nêu cũng đúng với thực tế, và qua kinh nghiệm cá nhân, tôi chia sẻ với những quan tâm của anh.

Trước đây, khi tôi “dấn thân” vào ngành di truyền học, lúc đó chữ “genetics” hầu như rất nổi và nóng. Tôi may mắn sống và làm việc trong thời hoàng kim của di truyền học. Nghiên cứu nào dính dáng đến di truyền học cũng đều được công bố trên các tập san lớn và có impact factor cao. Riêng nhóm của tôi, trong 4 năm liền chiếm nhiều giải thưởng của ASBMR cho các công trình về gien VDR, về population genetics, và osteocalcin.

Nhưng không ai tắm một dòng sông hai lần. Mấy năm sau, càng ngày người ta càng nhận ra rằng di truyền học hình như đặt ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Thế rồi đến stem cell research hay nghiên cứu tế bào gốc / tế bào mầm. Hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe đến những phát hiện độc đáo và thú vị về sự mầu nhiệm của tế bào gốc. Thế nhưng hỏi một đồng nghiệp làm về chuyện này trong nhóm nghiên cứu ung thư thì hắn cười nhạt và buông nhỏ một chữ: “propaganda”.

Con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một con đường dài. Từ phát hiện phân tử (molecule), đến tìm hiểu chức năng và cơ chế, đến thử nghiệm trên chuột, đến thử nghiệm trên người giai đoạn tiền lâm sàng, giai đoạn I, II, III, v.v… tốn cả hai chục năm. Thời gian gần đây, do cải tiến trong công nghệ sinh học, nên rút ngắn khoảng 10 năm. Nhưng tính trung bình, trong số 10 ngàn phân tử phát hiện, chỉ 1 phân tử là thành công đến giai đoạn II. Nói như thế để thấy con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là con đường rất dài và chông gai.

Nhưng ở nước ta, hình như con đường đó ngắn và thẳng quá. Chúng ta có thể đi tắt đón đầu, nhưng trong khoa học ít có con đường đi tắt lắm.

NVT

===



Gần đây, một số thông tin cập nhật đã cho thấy ở Việt nam các nhà nghiên cứu Y học đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm điều trị bằng tế bào gốc trên người [1]. Điều đáng chú ý là các nghiên cứu này đang vi phạm các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu cũng như đạo đức Y học. Đầu tiên phải kể đến việc ứng dụng.

Mặc dù nhiều nước trên thế giới có công bố về việc thành công trong điều trị bằng tế bào gốc cho bệnh nhân nhưng cũng chưa có quy trình hay phác đồ điều trị nào được chấp nhận mà hầu hết chỉ đang nằm ở dạng tiếp tục được nghiên cứu. Do đó, để được phép thử nghiệm trên người, nhóm nghiên cứu phải là một nhóm nghiên cứu có uy tín, có các công trình công bố liên tục về lĩnh vực họ sẽ thực hiện, đặc biệt là những thử nghiệm tiền lâm sàng (tức là những thử nghiệm trên động vật thực nghiệm) một cách đầy đủ.

Tuy nhiên các nhóm nghiên cứu về tế bào gốc ở Việt Nam hoạt động hoàn toàn khác.
Trước hết, một vài nhóm đã công bố có thành công bước đầu trong việc ghép tế bào gốc vùng rìa giác mạc hoặc tế bào gốc cuống rốn cho bệnh nhân hỏng giác mạc. Vấn đề chính ở đây là thành công bước đầu là thành công như thế nào? Công bố ở đâu và ai là người thẩm định thành công đó? Ai sẽ chịu trách nhiệm theo dõi cho bệnh nhân sau khi ghép và theo dõi đó sẽ được công bố ở đâu? Lịch sử Y học Việt nam vẫn còn nhớ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những người ghép giác mạc mắt đầu tiên chịu hậu quả rất nặng nề và không ai chịu trách nhiệm.

Vấn đề ghép tế bào gốc trong máu cho bệnh nhân đột quỵ cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên chưa có bất cứ một bài báo công bố quốc tế của bất kỳ một nghiên cứu nào từ Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Vậy mà đã có tới một vài bệnh nhân được tiến hành thử nghiệm. Bộ Khoa Học Công nghệ cũng đã ra quyết định đấu thầu đề tài nhà nước cho lĩnh vực này. Điều đáng bàn chính là ở chỗ trong nội dung đấu thầu yêu cầu thử nghiệm trên bệnh nhân. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu nghiên cứu không thành công hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân? Vì cho đến nay trên thế giới đây cũng mới chỉ là hướng nghiên cứu khả thi trong tương lai [2].

Bỏ qua quá trình thử nghiệm trên động vật và nghiên cứu cơ bản để nhảy lên nghiên cứu ứng dụng là một hình thức trốn công bố quốc tế, trốn tránh các qui định nghiêm ngặt về Y đức cũng như đạo đức nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu tốt hay không thì cũng chỉ là trong nhà đóng cửa bảo nhau. Mong rằng các nhà nghiên cứu Y học quan tâm hơn nữa về vấn đề Y đức, đặc biệt là phải làm trên động vật thực nghiệm và công bố quốc tế trước khi tiến hành trên người trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc để điều trị.

1. http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/04/844397/
2. G. Gerosa and C. d'Agostino
Cell therapy in ischemic settings: Fact and fiction.
J. Thorac. Cardiovasc. Surg., May 1, 2008; 135(5): 986 - 990.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Nhà vệ sinh: chuyện quan trọng

Trong ngành y tế từ lâu vẫn tồn tại một nghịch lí: Bệnh viện được thiết kế là nơi chữa trị bệnh, nhưng cũng là một môi trường nguy hiểm cho bệnh nhân. Sự hiểm nguy ở bệnh viện không chỉ là những nhầm lẫn, sai sót y khoa, hay sai sót trong toa thuốc, mà còn là nơi lan truyền bệnh. Một yếu tố lan truyền bệnh khá phổ biến nhất là vấn đề vệ sinh, hay cụ thể hơn và thực tế hơn là nhà vệ sinh. Loạt bài “Nhà vệ sinh bệnh viện” trên Tuổi Trẻ phản ảnh chính xác tình trạng thiếu vệ sinh ở các nhà dù mang tên là “nhà vệ sinh” nhưng thực tế lại là “nhà bẩn”.

Theo nhận xét của tôi, tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam, không chỉ nhà xí dành cho bệnh nhân là thân nhân thiếu vệ sinh, mà ngay cả nhà xí dành cho nhân viên y tế của bệnh viện cũng thiếu vệ sinh. Ở một bệnh viện lớn của một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà tôi ghé qua, nguyên khu vực hành chính dành cho toàn giám đốc, phó giám đốc và các cán bộ, chuyên gia cao cấp chỉ có một cầu xí duy nhất, không phân biệt nam hay nữ. Mà, cầu xí này chắc xây vào thời đầu thế kỉ 20 (loại ngồi). Kinh hơn nữa, cầu tiêu không có khăn lau tay! Ngay tại trường Đại học Y dược TPHCM, trong khu vực thư viện và hành chính, cầu xí đã cực kì dơ bẩn, và cũng không có khăn lau tay, còn nước thì chảy lênh láng, trông rất phản cảm là nơi đào tạo các bác sĩ tương lai!

Thật ra, tình trạng nhà xí tồi tệ không chỉ thấy ở bệnh viện hay trường đại học, mà có thể thấy ở hầu hết các cơ sở công cộng như trường trung tiểu học, nhà hàng, thậm chí ngay cả những nơi được xem là cửa ngỏ của đất nước như nhà ga phi trường quốc tế. Có nhiều nhà hàng được xây dựng hoành tráng nhưng khi vào đến nhà xí thì thực khách “hết hồn”.

Vấn đề nhà xí ở nước ta không còn là vấn đề nhỏ nữa, mà có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước. Người Tây phương khi đi du lịch ở nước ta và khi về nước họ, nỗi ám ảnh lớn nhất là ... nhà xí. Tôi đã đọc (với tâm trạng vừa giận vừa thông cảm) không biết bao nhiêu bài bút kí, nhật kí, phóng sự, khuyến cáo, v.v... mà họ viết ra với văn phong giễu cợt, mỉa mai, trịch thượng, và có khi khinh miệt Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không cải thiện được vệ sinh công cộng và nhà xí thì nước ta vẫn chứng kiến cảnh 75% du khách “một đi không trở lại”. Vấn đề nhà vệ sinh và vệ sinh công cộng đã trở thành sỉ diện quốc gia, thành vấn đề văn hóa, chứ không đơn giản là vấn đề cá nhân hay nội bộ nữa.

Tôi nhớ đọc đâu đó lâu lắm rồi, mà trong đó tác giả kể rằng lúc cụ Hồ còn sống, cứ mỗi lần đi công tác hay thăm địa phương nào đó, bất kể là công sở hay nhà dân, điều đầu tiên là ông vào xem cái nhà bếp và nhà vệ sinh. Một nguyên thủ quốc gia mà quan tâm đến y tế công cộng như thế thì chúng ta phải biết vấn đề “đầu vào” và “đầu ra” quan trọng như thế nào.

Nhà vệ sinh không phải là cái gì cấm kị không nên bàn trên giấy trắng mực đen. Chúng ta cần trịnh trọng đặt nó lên bàn để thảo luận nghiêm chỉnh. Phải chấp nhận một thực tế là ở nước ta, nhà vệ sinh chưa được xem là một “cơ quan” quan trọng., dù cơ quan này thực sự là một vũ khí phòng bệnh rất hữu hiệu.

Hơn một thế kỉ trước đây, nhà vệ sinh giúp thực hiện một cuộc cách mạng về y tế công cộng ở New York, London và Paris. Chính việc cải tiến vệ sinh và đặc biệt là nhà xí là yếu tố chinh phục bệnh truyền nhiễm và gia tăng tuổi thọ ở người Tây phương. Thật vậy, nguyên chính về sự gia tăng tuổi thọ của người dân ở các nước tiên tiến chính là cải tiến môi trường vệ sinh công cộng và nhà xí, chứ không phải nhờ các thiết bị y khoa hiện đại hay thuốc men đắt tiền tăng tuổi thọ và cải tiến chất lượng đời sống. Do đó, Liên hiệp quốc nhận thức rằng cầu xí là một phương tiện phòng chống bệnh rất quan trọng ở các nước đang phát triển như nước ta.

Ở nước ta, các nạn dịch bệnh cứ “đến hẹn lại lên”, như nạn dịch tả hiện nay đang hoành hành ở một số vùng phía Bắc. Một số nghiên cứu ngay tại Việt Nam cho thấy nguồn nước và nhà vệ sinh là hai trong những yếu tố nguy cơ của dịch tả. Do đó, “vũ khí” phòng chống bệnh rất hữu hiệu nằm trong tầm tay chúng ta: nhà xí. Các cơ quan chức năng của Nhà nước và người dân cần phải quan tâm đến nhà xí hơn nữa.

Điều đáng buồn là chúng ta đã ở thế kỉ 21, thế mà bệnh viện lại không có những nhà vệ sinh đúng nghĩa. Có lẽ một cách để xóa bỏ nghịch lí y tế là các bệnh viện nên quan tâm một cách nghiêm chỉnh hơn nữa về nhà vệ sinh. Trên thế giới, người ta có tổ chức WTO, không phải là Tổ chức Thương mại Thế giới, mà là Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organuzation). Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhà vệ sinh, nên thế giới lấy ngày 19/11 làm “ngày Nhà vệ sinh” (World Toiley Day). Có lẽ nước ta cũng nên lấy ngày đó làm “Ngày vệ sinh Việt Nam”.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Tuổi thọ trung bình của người Việt

Hôm nay đọc được một tin vui: tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng. Theo bản tin dưới đây, trích số liệu của Tổ chức y tế thế giới, tuổi thọ trung bình của nữ là 75 và nam và 70. Tính trung bình cho nam và nữ, tuổi thọ trung bình là 72 năm.

Tuy nhiên, tôi check qua trang nhà của WHO thì thấy họ báo cáo rằng tuổi thọ trung bình của nam là 69 (chứ không phải 70 như bài báo viết), và tuổi thọ trung bình của nữ là 75 (đúng như bài báo viết). Thế thì số liệu nào đúng hơn? Có thể đoán rằng số liệu của WHO đáng tin cậy hơn.

Tại sao tuổi thọ trung bình của người Việt gia tăng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải biết qua cách tính tuổi thọ trung bình của một quần thể vốn chỉ tùy thuộc vảo 3 thông số: dân số cho từng độ tuổi (0, 1, 2, 3, 4, …, 120), tỉ lệ tử vong ở từng độ tuổi, và tỉ lệ sinh sản cho từng độ tuổi. Nói cách khác, tuổi thọ trung bình của một quần thể tăng khi tỉ lệ tử vong giảm, nhất là tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của một dân số tùy thuộc khá lớn vào tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, nếu tuổi thọ trung bình của dân Việt tăng trong thời gian gần đây cũng có thể là do Việt Nam thành công giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi.

Tại sao tuổi thọ của nam thấp hơn nữ. Có nhiều cách để giải thích hiện tượng phổ biến này, kể cả thuyết chọn lọc tự nhiên và tiến hóa của Darwin (rất thú vị). Nhưng ở đây, chúng ta thực tế hơn với phương pháp để hiểu câu trả lời. Bởi vì tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh hay trẻ dưới 5 tuổi thường ở nam thường cao hơn nữ, và như nói trên tỉ lệ tử vong ở trẻ có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ trung bình, cho nên nam thường sống ít năm hơn nữ -- ở qui mô quần thể.

Do đó, chúng ta cần đến một chỉ số khác để đo lường tuổi thọ của dân số Việt Nam: đó là tuổi thọ trung bình tính sau 5 tuổi. Chỉ khi nào chúng ta có chỉ số này thì chúng ta mới kết luận được là nam thật sự chết sớm hơn nữ. Tuy chưa có chỉ số này, tôi vẫn nghĩ câu trả lời cũng có thể đoán được.

Nhưng tôi lại … lan man. Tại sao tính toán tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam mà chúng ta phải nhờ đến các chuyên gia WHO? Thời đại máy tính ngày nay, với số liệu tốt và đầy đủ (mà Việt Nam thì có đấy), việc tính toán tuổi thọ trung bình cho một tỉnh tốn không đến 5 giây. Ấy thế mà chúng ta lại nhờ đến người ngoài làm cái công việc mà học sinh trung học cũng có thể làm! Thật khó hiểu nổi!

NVT

===

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=161675&ChannelID=9
Thứ Bảy, 23/05/2009, 09:32

Người Việt sống thọ trung bình 72 tuổi

TP - Thống kê sức khỏe thường niên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 22/5 cho biết, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 75 tuổi, và đàn ông 70 tuổi. Tính trung bình, người Việt thọ 72 tuổi.

Thống kê mới nhất của WHO cũng ghi nhận ,Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt được tiến bộ đáng kể trong việc gia tăng tuổi thọ trung bình, kể từ năm 1990, thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe khá thành công.

Theo thống kê của WHO, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 75 tuổi, so với 72 tuổi năm 2000 và 68 tuổi của năm 1990. Tương tự, tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt Nam cũng tăng từ 64, 68 lên 70 năm.

Cũng theo thống kê của WHO, tuổi thọ trung bình cho cả hai giới ở Việt Nam tăng từ 66 tuổi năm 1990 lên 70 tuổi năm 2000 và nay là 72 tuổi.

Người Nhật sống lâu gấp đôi dân Afghanistan

Một bé gái sinh năm 2009 tại Nhật Bản có thể mừng sinh nhật lần thứ 86 vào năm 2095 và đàn ông có tuổi thọ trung bình 79.

Tuy nhiên, đàn ông có tuổi thọ cao nhất thế giới không thuộc về Nhật Bản, mà là ở San Marino, một trong những quốc gia nhỏ bé thanh bình nhất hành tinh, nằm ở đông bắc Italy, nơi tuổi thọ trung bình của phái mạnh lên tới 81.

Theo WHO, tuổi thọ trung bình hiện nay của người Nhật (cả hai giới) là 83, đứng đầu thế giới; tiếp theo là người Australia, Iceland, Italy, San Mario, Thụy Sĩ đều thọ 82 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người Mỹ tăng từ 72 lên 76 tuổi cho đàn ông và 79 lên 81 tuổi cho phụ nữ. Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga giảm từ 64 xuống 60 và phụ nữ cũng giảm từ 74, xuống 73 tuổi.

Trong khi đó, đàn ông Afghanistan, đất nước bị xé nát bởi xung đột, trung bình đàn ông chỉ sống được 41 năm và phụ nữ là 42 năm.

Theo WHO, đàn ông sinh ra ở vùng đất nghèo đói, đẫm máu Siera Leone (châu Phi) đoản thọ nhất thế giới với vòng đời chỉ 39 năm.

Thống kê của WHO cho thấy, tuổi thọ trung bình giảm mạnh ở nhiều nước châu Phi, kể từ năm 1990 chủ yếu do đại dịch HIV/AIDS cùng với những cuộc xung đột đẫm máu.
Tuổi thọ đàn ông và phụ nữ ở Lesotho, nằm ở miền nam châu Phi, có mức sụt giảm kỷ lục lên tới 16 năm, xuống còn 43 và 47.

Tại vương quốc láng giềng Swaziland, phụ nữ có tuổi thọ trung bình 49, giảm 14 năm; trong khi vòng đời của đàn ông cũng giảm xuống 12 năm, còn 47...

Tại Zimbabwe, nơi khủng hoảng kinh tế tạo ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tuổi thọ trung bình của phụ nữ giảm 19 năm, xuống còn 44 và đàn ông giảm 12 năm, xuống còn 45.

Chiến tranh, xung đột chấm dứt và việc triển khai hiệu quả các chương trình cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, giúp nhiều quốc gia tăng tuổi thọ trung bình cho người dân ở mức cao.

Tại Liberia (châu Phi), tuổi thọ trung bình của đàn ông tăng thêm tới 29 năm và phụ nữ tăng thêm 13 năm. Tuổi thọ trung bình của cả hai giới tại Angola, Bangladesh, Maldives, Đông Timor cũng tăng lên khoảng 10 năm kể năm 1990.

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Y đức: cười buồn

Thấy trên không gian blog của bài này của một người quen. Đọc thấm thía quá! Vậy xin bạn cho tôi copy về đây làm tư liệu nhé. Khi nào xong chuyện “cơm áo gạo tiền” tôi sẽ quay lại bàn tiếp chủ đề này.

Một người bạn tôi đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, mới đi công tác nước ngoài về, và chị kể lại vài câu chuyện mà chị nghĩ sẽ là động cơ để làm mới dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện của chị. Trong thời gian ngắn ở nước ngoài, thay vì đi shopping, chị bỏ thì giờ ghé qua thăm các trường đại học và bệnh viện, được mời đi "grand round" và xem cách đồng nghiệp nước ngoài tiếp xúc với bệnh nhân. Tôi hỏi ấn tượng của chị sau khi thăm và xem qua phong cách làm việc ở bên Tây ra sao, chị nói rằng các bác sĩ ở đây rất lịch sự với bệnh nhân, nói năng thân mật và nhỏ nhẹ với bệnh nhân, không bao giờ ra lệnh hay tỏ ra là "bề trên" của bệnh nhân. Cho dù có bận cách mấy, bác sĩ vẫn phải tự mình ra ngoài mời bệnh nhân vào phòng khám. Các y tá cũng rất tận tụy với công việc của mình, chăm sóc bệnh nhân từ tấm trải giường, đèn giường, tạo sự thoải mái, và lúc nào cũng quan tâm sự an toàn của bệnh nhân.

Phong cách chăm sóc vừa kể rất khác với phong cách của giới bác sĩ và y tá ở Việt Nam vốn tự xem mình là người ban phát ân huệ, và từ cái vị trí tưởng tượng đó, họ tự cho mình cái quyền hà hiếp bệnh nhân. Tôi hỏi chị làm sao thay đổi được cái "văn hóa" y khoa ở Việt Nam trong tình hình hiện nay, thì chị cũng thấy đầy trở ngại. Trở ngại thứ nhất là phải thuyết phục được cấp lãnh đạo dám thay đổi văn hóa y khoa. Bệnh viện may mắn có lãnh đạo trẻ và quyết tâm làm, nhưng ngay cả với một lãnh đạo như thế, chưa chắc đã thay đổi được một hệ thống trong khi các thành viên trong hệ thống đó đã quá quen với lề lối cũ. Nhưng trở ngại lớn nhất có lẽ là từ phía giáo dục. Bởi vì cả một hay hai thế hệ đã được đào tạo ra trong môi trường và đạo đức mà người bạn mô tả trong bài dưới đây thì vấn đề không chỉ là một bệnh viện hay một trung tâm mà là chuyện của một quốc gia. Nghĩ đến đây, bạn tôi chợt thở dài ...

NVT


http://drnikonian.wordpress.com/2009/05/15/sad-smile/

Báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay khá nóng về cuộc tranh luận chung quanh cái gọi là lương tâm chức nghiệp của giới thầy thuốc ở các bệnh viện công. Khen có, chê cũng kha khá. Lại có một ý kiến của đồng nghiệp HT bị ném đá tơi bời. Nó như thế này:

"Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM. Đọc bài “Bác sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).

Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời, toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?

Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn, phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000 đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?

Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.

Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem.
….."

Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP. Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học BS là khó lắm không?” (??????)

Không cần bình luận gì thêm về tính chất vô giáo dục và cực kỳ ngạo mạn của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế. Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)

Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.

Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi, tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, phàm cứ ít tiền thì hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?

Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi (xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?

Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!

Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết! Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như vậy!

Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc, bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. “Không ăn ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống đối chế độ điều trị, cho ra viện”. Ghê chưa?

Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ. Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe cũng phải giật mình kính phục.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ): “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ!

Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?

vân vân và vân vân…

Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng biết những cách đó là gì!

Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi ổng phán thế này: “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)

Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao giảng. Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận hành guồng máy y tế như bây giờ? Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?

Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ. Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.

Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người. Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!

Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Kĩ năng "mềm" cho quan Quốc hội

Cách đây vài tuần, Gs Nguyễn Huệ Chi, Gs Nguyễn Thế Hùng và Nhà văn Phạm Toàn thay mặt cho 135 người Việt trong và ngoài nước soạn thảo một lá thư kiến nghị về vụ “Bôxít Tây Nguyên”. Ba vị này đến tận văn phòng Quốc hội để trao lá thư đó cho người có trách nhiệm.

Gần 3 tuần sau, ngày 8/5/2009, ông Trần Đình Long thay mặt Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII hồi đáp lá thư kiến nghị. (Bạn đọc có thể đọc lá thư đó ở đây). Đọc lá thư hồi đáp của một quan Quốc hội, tôi chỉ biết lắc đầu kinh tởm trước thái độ xem thường người dân của ông quan này.

Trước hết là thái độ vô lễ đối với Gs Nguyễn Huệ Chi. Lá thư hồi đáp do ông Trần Đình Long kí tên ghi tên của Gs Nguyễn Huệ Chi là “Gs Nguyễn Thị Huệ”! Thật là hết ý. Ông quan này tự cho mình cái quyền thay đổi giới của giáo sư Huệ Chi từ nam sang nữ. Chẳng những thay đổi giới mà còn viết sai tên của giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Chỉ có người trong lúc say rượu, hay trong trạng thái tâm thần mê sảng, hay tế bào não bị đột biến mới có thể phạm phải một nhầm lẫn tày trời như thế, chứ một người bình thường biết đọc biết viết thì khó mà sai sót như vậy được. Nếu không là một trò chơi xỏ lá, thì đây phải được xem là một thái độ vô cùng mất lịch sự của một quan chức.

Ai có quan tâm đến văn hóa và văn học đều biết Gs Nguyễn Huệ Chi, bởi vì ông rất nổi tiếng qua những công trình nghiên cứu thơ văn đời Lý – Trần và công trình về Nguyễn Trãi. Điều này chứng tỏ ông quan Quốc hội đó chẳng quan tâm gì đến văn hóa và văn học nước nhà. Người ta phải đặt câu hỏi: làm quan to ở Quốc hội mà không biết đến văn học và văn hóa Việt Nam thì có xứng đáng với chức vụ đó không?

Thứ hai là thái độ xem thường người dân của ông quan Quốc hội. Thật ra, đó không phải là một lá thư hồi đáp, mà chỉ là một cái “form” dành cho những người đệ đơn. Chính vì thế mà có dòng chữ “Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhận được đơn của ông (bà)”. Chú ý rằng họ không buồn tình bỏ chữ “bà”, có lẽ vì nghĩ rằng “Nguyễn Thị Huệ” là bà và Gs Nguyễn Thế Hùng là ông. Nếu nghĩ thế thì sao không viết là ông và bà? Thật ra, họ có suy nghĩ đâu, có đọc gì đâu. Bằng chứng là trong cái form đó, đã có những câu chữ sẵn, và có những ô trống. Người viết chỉ việc điền vào những ô trống đó, kí tên, đóng mộc, và gửi đi. Nói cách khác, ông quan Quốc hội này chẳng thèm đọc qua lá thư kiến nghị nói gì. Do đó, chỉ có thể kết luận từ thái độ này là một sự tắc trách và vô cảm.

Thứ ba là thái độ lười biếng và quan liêu. Thư trả lời cho người dân kiến nghị đáng lẽ phải được đánh máy chữ nghiêm chỉnh, nhưng đằng này quan ta lại viết nguệch ngoạc. Thật vậy, chữ viết rất giống như là một người đang học hay mới tốt nghiệp lớp bình dân học vụ.

Lá thư còn thể hiện tính quan liêu của các quan chức công quyền: đó là không hề có một lời cám ơn. Nếu là một người có văn hóa tối thiểu, thì câu đầu tiên (cho dù là viết sẵn) cũng phải có một câu cảm ơn người viết thư kiến nghị, và câu cuối cũng phải có một câu mến chúc hay thân mật nào đó. Nhưng ở đây, lá thư hoàn toàn mở đầu bằng một câu thông báo: “Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhận được đơn của ông (bà) đề ngày 21/4/2009” và không có dấu chấm câu. Câu cuối thì viết: “Ủy ban pháp luật của Quốc hội xin thông báo để ông (bà) biết./” Cái dấu “/” có ý nghĩa gì ở đây? Chẳng ai biết.

Nhưng dù có ý nghĩa gì đi nữa thì toàn bộ lá thư thể hiện một thái độ vô lễ, vô văn hóa, bất lịch sự, vô cảm, lười biếng, xem thường người dân, và quan liêu. Một lá thư như thế thật bất xứng với một cơ quan lập pháp cao nhất nước.

NVT

Nhân dịp này làm tôi nhờ lại thời còn đi học. Dạo đó, thầy tôi muốn cho tôi kĩ năng liên lạc (mà ông ấy gọi là communication skill), tức là những kĩ năng như viết thư cho các tập san khoa học, viết thư cho đồng nghiệp quốc tế, cách viết bài phản biện, v.v… Lần đầu viết một lá thư để nộp một bản thảo của một bài báo khoa học cho một tập san y khoa bên Mĩ là lần tôi học nhiều điều. Theo qui ước, phải nói được công trình nghiên cứu là gì, ý nghĩa ra sao, và tại sao nộp cho tập san này (mà không là tập san khác). Nhưng tất cả 3 ý đó chỉ gói gọn 1 trang, vì hơn 1 trang là có thể xem là “thất bại”. Tôi còn nhớ lá thư được sửa đi, sửa lại hơn 10 lần. Từng câu văn, từng chữ được chọn, đến cách sắp xếp margin và font chữ đều được xem xét cẩn thận trước khi gửi đi. Đó chỉ là một lá thư kèm theo bài báo (chứ cũng không phải là bài báo), và nơi gửi chỉ là ban biên tập một tập san (tức đồng nghiệp), mà chúng tôi phải cẩn thận như thế. Ấy thế mà một lá thư mang danh nghĩa của Quốc hội của một nước 86 triệu dân được viết cẩu thả và vô trách nhiệm thì quả là không thể chấp nhận được. Có lẽ ông quan Quốc hội đó nên ghi danh đi học kĩ năng mềm trong giao tiếp là vừa, chứ với đà này thì cách tiếp dân của Quốc hội dễ biến thành một câu chuyện hài hước trong dân gian quá.

Địa chỉ lá thư hồi đáp:
http://www.bauxitevietnam.info/thongbao/090520_thuuybanphaplyquochoi.htm

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói

Hôm qua thấy có bài “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” trên ANTG số tháng 4-2009, nhưng không thấy trên báo mạng. Có lẽ nội dung hơi tế nhị nên người ta không đăng báo mạng chăng? Bài viết ghi lại ý kiến của các quan chức âm nhạc của Việt Nam về Phạm Duy.

Ngay cả câu giới thiệu cũng đã mang tính áp đặt: “Tuy nhiên, không ít điều xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng xung quanh đêm nhạc Phạm Duy đã gây nên những bức xúc cho người chính trực.” Ai là “những người bức xúc”, và ai là “người chính trực”. Nếu mấy ông quan nhạc sĩ này có vấn đề với Phạm Duy thì nói huỵch tẹt ra đi, cần gì phải úp mở ngụy biện như thế nhỉ?

Cả ba ý kiến của các vị quan chức này đều bày tỏ sự khó chịu (hay hằn học?) của họ trước dư luận quá ái mộ Phạm Duy được biểu hiện qua những show nhạc “hoành tráng” từ Nam chí Bắc. Ngay cả một công ti văn hóa bỏ tiền ra mua toàn bộ tác phẩm của ông cũng bị đem ra bàn tán với lời lẽ không mấy tử tế. tuy nhiên họ không tự hỏi tại sao công ti đó không mua tác phẩm của họ mà mua tác phẩm của Phạm Duy.

Cả ba ý kiến không có tính học thuật gì cả, mà tập trung vào tấn công cá nhân, hay nói theo tiếng Anh là smear hay personal vendetta. Họ răn đe Phạm Duy. Họ nhắc nhở Phạm Duy nhớ về quá khứ của mình (cái này thì nên để lịch sử đánh giá). Họ trịch thượng lên lớp Phạm Duy rằng đừng tưởng mình tài giỏi (cái này thì Phạm Duy đâu cần nói, để công chúng đánh giá). Đọc hết bài này tôi thấy phảng phất một hoạt cảnh một nhóm tam nhân mặt mũi hầm hầm, cầm roi lăm le chờ người diễn viên đang được khán giả ái mộ ra khỏi sân khấu để ăn thua đủ: tại sao mày dám nổi tiếng, muốn yên thân thì câm miệng lại, đừng có diễn hát ồn ào, nghe chưa. Một không khí đe dọa, khủng bố tinh thần. Một kiểu trâu buộc ghét trâu ăn? Hay là hội chứng người đứng cao (tall poppy syndrome). Hay một cách bày tỏ sự thiếu tự tin vào tài năng của chính mình?

Định viết vài hàng bình luận tiếp, nhưng tôi thấy có một người kí tên là “thầy giáo làng” có bài phản hồi quá đầy đủ mà còn rất hay nữa. Xin giới thiệu các bạn bài phản hồi của thầy giáo làng (còn bài lên lớp và cảnh cáo Phạm Duy thì tôi nghĩ không đáng copy lại ở đây. Ai muốn đọc thì ở đây).

NVT

http://blog.360.yahoo.com/blog-l6d9Jzs5equCOax5sHxEkZQ5hw--?cq=1

Phản hồi về bài:
Nhạc Phạm-Duy và những điều cần nói
(Bài đăng trên báo:An ninh cuối tháng số 93,tháng 4-2009)


Tôi vừa được đọc bài báo nói trên sáng nay và nhận thấy có đôi điều cần được "lạm bàn "mặc dầu, như nickname của tôi vẫn dùng trong các entries viết trước đây,tôi chỉ là một "Thầy giáo làng", có nghĩa là một người "ngoại đạo" với âm nhạc.Tuy nhiên theo thiển nghĩ của tôi,cứ gì phải là một nhạc sĩ có chân trong Hội Nhạc sĩ mới có quyền phát biểu đôi điều về âm nhạc, quyền thưởng thức âm nhạc là của tất cả mọi người, và ai cũng đều có thể đánh giá, bài hát nào hay, bài nào dở.

Điều cần nói trước tiên là những người viết bài báo nói trên là ba vị quan chức cao cấp của ngành Âm nhạc nước ta: NS Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký Hội Âm nhạc VN, NS Hồng Đăng, nguyên phó tổng thư ký Hội Âm nhạcVN, Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tổng thư ký phân hội NSVN Hà Nội.

Người đời thường nói: "miệng kẻ sang có gang có thép", vì vậy bài báo đó có thể coi như tiếng nói của toàn thể giới nhạc sĩ VN chăng?

Mỗi tác giả đều có nhận định riêng của mình, nhưng có vẻ như họ đã hội ý với nhau trước về cái ý thống nhất của bài báo, đó là: Hãm phanh dư luận của giới Báo chí gần đây đã, theo lời ba vị là "Tâng bốc quá mức về thành công của những đêm nhạc Phạm-Duy tổ chức ở những thành phố lớn, cùng với tên gọi "Ngày trở về".

Cả ba vị đều có "Nhã ý trích ngang lý lịch "của nhạc sĩ PD mà tôi xin phép được tóm tắt như sau: PD là một NS có tham gia những năm đầu KC chống Pháp <1946-1950>, và ông đã có một số tác phẩm được nhiều ngừoi biết đến như: Nương chiều, Nhạc tuổi xanh... Ông đã có công trong việc đưa dân ca áp dụng vào các ca khúc như Dân ca Thương binh, dân ca Sông Lô... nhất là những bài Bà mẹ Do linh, Về miền Trung ... sáng tác sau chuyến đi thực tế vào Bình Trị Thiên năm 1949.

Hầu như cả ba vị NS khả kính trên đều áp dụng chiêu "xoa trước,đánh sau", mà cái phần thứ hai này được viết với văn phong mà trong âm nhạc gọi là fortissimo. Họ nói ông đã "dinh tê" năm 1950, sau đó đã đổi lời một số bài hát đã làm trong KC cho hợp với hoàn cảnh mới như: bài Bao giờ anh lấy được đồn Tây thành ra bài Quê nghèo ...

Rồi sau khi vào Nam năm 1954, ông lại có một số bài có nội dung chống lại CM … và Sau nhiều lần "ngoái đầu về cố quốc" , Tết năm 2005 nhạc sĩ PD chính thức trở về với quê hương ... Theo thiển ý của tôi, thiếu gì chữ nghĩa hay hơn mà mấy ông nhà báo lại dùng động từ "ngoái đầu" cho lời mở đầu của bài báo thêm nặng nề.

Theo hiểu biết của tôi,việc trở về quê hương của nhạc sĩ PD mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là "sau khi ngoái đầu về nhiều lần, thấy việc trở về có thể làm mình nổi tiếng hơn ở nước ngoài thì PD mới về." Mà cái sự nổi tiếng của Phạm Duy thì các anh cũng thừa biết, anh ấy đã quá nổi tiếng trước khi về nước từ lâu rồi.

Tôi nghĩ việc các nghệ sĩ Đức Huy, Elvís Phương ...và sau đó là PD về nước, là một biểu hiện tuyệt đẹp của chính sách Hòa hợp Dân tộc mà chúng ta đã chủ trương ngay từ sau ngày Thống nhất đất nước, nó chẳng hề mang tính chất cơ hội như một số người lầm tưởng.

Cần gì mà ông Trọng Bằng phải viết: "PD phải tỉnh táo,vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ củaPD là một tội lỗi!!!! Thiết nghĩ việc đánh giá công hay tội của một con người là một việc của lịch sử,không cá nhân nào được phép nhân danh lịch sử để lên án, bôi nhọ người khác. Trong lịch sử có những người như Hồ quí Ly chẳng hạn, đã có một thời gian dài, người ta coi ông như một kẻ tiếm ngôi nhà Trần, một nhân vật phản diện. Nay sử sách đã phải có một cách nhìn khác về ông mà coi ông như một nhà cải cách lớn. Rồi nhà Nguyễn Gia Long nữa, trước đây chúng ta coi như họ là một lũ "Cõng rắn cắn gà nhà..." Nay thì họ đã được đánh giá là có công mở rộng bờ cõi về phía Nam .... Lịch sử bao giờ cũng công bằng, và việc đánh giá đó nhiều khi đòi hỏi một thời gian hằng thế kỷ hay lâu hơn nữa. Chúng ta phải biết kiên nhẫn đợi chờ.

Mà có nhiều trường hợp, chúng ta đâu có cần gì phải chờ đợi quá lâu, mới có được những đánh giá đúng đắn về một cá nhân nào đó. Như trường hợp của Staline chẳng hạn. Trước khi ông chết, một caí chết đã làm cho nhà thơ Tố Hữu phải làm cả một bài thơ dài để khóc ông thì cả Thế giới đã coi ông như một người hùng của Thế chiến thứ 2, người đã chiến thắng trùm Phát xít Hitler. Vậy mà khi ông nằm xuống chưa bao lâu,các nhà lãnh đạo mới của Liên sô đã vạch ra những sai sót lớn của ông với tệ nạn "Tôn sùng cá nhân", rằng ông đã thủ tiêu nhiều đồng chí của mình. Báo chí Liên sô còn viết: có nhiều người, khi được ông "mời đến điện Kremlin họp" đã vĩnh biệt vợ con trước vì biết rằng chuyến đi này sẽ không có ngày về!!!

Tôi còn nhớ cả chuyện Nhạc sĩ Trọng Bằng, khi ấy còn là một SV trường Dự bị Đại học, <1953> đã kịp làm bài "Ca ngợi Malencốp" khi ông này lên thay Staline, trong đó câu kết của bài là: "Hát lên Malencốp muôn đời". Rủi cho anh là Malencốp lên chưa nóng chỗ đã bị thay bởi một nhà lãnh đạo khác. Nếu không có sự kiện đó thì bên cạnh những: "Em bé Triều tiên, Bão nổi lên rồi ... anh đã có thêm một tác phẩm "để đời khác".

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: Nếu có người nước ngoài nào muốn nghiên cứu về nền Âm nhạc của VN giai đoạn 1954-1975 mà chỉ thấy toàn là những: Anh vẫn hành quân, Sẵn sàng bắn, Không cho chúng nó thoát, Bão nổi lên rồi ... thì họ có thể cho rằng: "Quái sao trong từng ấy năm mà con trai, con gái nước này, họ không yêu nhau, không nhớ nhau thì làm sao họ tồn tại được nhỉ?

May mà trong kho tàng âm nhạc của chúng ta, sau ngày đất nước Thống nhất còn có những tình ca của Trịnh công Sơn, và sau chính sách "Đổi mới ta lại có thêm những tác phẩm của Ngô thụy Miên, Đức Huy ... và sau khi ông PD về định cư ở quê hương ta lại "phục hồi nhân phẩm" cho những: "Ngàn trùng xa cách, Nha trang ngày về, Ngày xưa Hoàng thị … Nếu không thì chúng ta ăn nói thế nào về tình trạng "trong một cái vườn hoa đẹp như nền âm nhac của chúng ta, một nền âm nhạc mà ta luôn tự hào là "đậm đà bản sắc Dân tộc, là vô cùng phong phú, lại thiếu đi hẳn một mảng lớn những bông hoa mà nước nào cũng có,đó là những bản tình ca, những bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa ... Tìm đến mỏi cả mắt, mãi mới thấy có "Gửi nắng cho em, Hoa sữa, Em ơi Hà nội phố ...

Mà ở miền Bắc nước ta,đâu có thiếu người viết tình ca hay. Lừng lững như một Văn Cao, người mà cả ba tác giả khả kính nói trên đều hết lời ca ngợi, người có thể coi là ông vua tình ca, một người có những bài nhạc sang trọng như một ông Hoàng cũng chỉ có được một số tình ca đếm đủ trên đầu hai bàn tay, mà toàn là những bài mà người ta gọi là "tiền chiến".

Ngoài Văn Cao ra, chúng ta còn có Đoàn Chuẩn,người được coi nhu một nhạc sĩ của Mùa Thu Hà nội, ông cũng còn kịp viết ra được hơn mười tình khúc bất hủ trước khi tự nguyện treo bút vĩnh viễn sau bài "Gửi người em gái miền Nam". Còn những nhạc sĩ tài danh khác thì sao? Mỗi người trong đám họ cũng đánh bạo mỗi ngừời có được một hay hai tình ca mà mỗi lần trình diễn, ban tổ chức cứ phải nói chệch ra là "nhạc Tiền chiến" tức là loại nhạc họ viết ra từ trước CM. Tôi có đem chuyện này ra hỏi Nhạc sĩ Tô Hải xem ông viết Nụ cười sơn cước khi nào thì ông cười mà nói: ngày trước cậu cũng có đóng quân ở Kim Bôi không nhỉ. Năm 1948 mình đã trú quân ở đó ít lâu, trong Bản có một cô gái người Mường tên là cô Phẩm, cô ấy rất xinh, đúng như hình ảnh mình đã viết: Hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn mầu trắng trắng, một chiếc vòng sáng long lanh với nụ cười em quá xinh ... Mình lúc đó mới 20 tuổi, cũng chỉ là thấy thinh thích thôi, chứ đã nước non gì đâu. Thế là sau khi rời Kim bôi, trong một buổi chiều mà tớ viết "trong lòng, mưa hơn cả ngoài trời" tớ đã sáng tác bài đó rất nhanh. Mà thực ra hôm đó có mưa gió gì đâu, lại còn nắng như đổ lửa ấy chứ. Nhưng,cái câu đó, cậu còn nhớ tớ học được ở đâu cậu biết không? Ở câu:"il pleut sur la route, il pleut dans mon coeur...." trích từ một bài thơ Pháp do cụ Phương giảng từ hồi học Primaire Sup ở Thái bình ấy mà. Thế sao gọi là "Tiền chiến" được? Tôi hỏi. Anh cười nói: có nói thế mới lách được. Đoạn anh cười nói thêm: thì cũng như Dư âm của Nguyễn văn Tý, hắn làm năm 1950 ở khu 4, Tạ từ của Tô Vũ làm ở Đống năm Thái binh năm 1949 ... Toàn là tiền chiến giả hiệu cả thôi. Phải nói thế để chứng tỏ rằng những bài nhạc lãng mạn, ủy mị đó chúng tớ viết từ khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng. Thực sự gọi là "Tiền chiến" thì chỉ có Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Biệt ly của Doãn Mẫn, Bẽ bàng của Lê Yên cùng toàn bộ các tình khúc của Văn Cao như Buồn tàn Thu, Thiên thai, Bến Xuân … ngay cả Trương chi, ông cũng chỉ hoàn thành năm 1946, nghĩa là sau CM tháng 8.

Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên thì viết về hiện tượng báo chí ở Thành phố HCM rùm beng quá nhiều về live show "Ngày trở về" của PD. Thậm chí còn có một công ty in ấn, xuất bản bỏ hàng mấy trăm triệu ra mua toàn bộ các tác phẩm của PD đã được phép trình diễn trở lại. Rồi trong đêm "Duyên dáng VN 15 hay 16 gì đó chỉ một ca từ: "Tôi yêu tiếng nước tôi" trong bài Tình ca của PD cũng đem bán đấu giá được mấy chục triệu, như thê là quá bất công với các nhạc sĩ trong nước khác". Cũng xin nói thêm, cùng thời gian này cũng có công ty đã bỏ ra hàng trăm triệu chỉ để mua một bài thơ "Mầu tím hoa sim"của Hữu Loan.

Có lẽ mấy vị nhạc sĩ này quên mất một điều là nền Kinh tế nước ta hiện nay là một nền KT thị trường, cho dù nó còn mang thêm một cái đuôi "có định hướng XHCN" thì điều mà những người làm KT hiện nay nghĩ đến trước tiên phải là lợi nhuận. Họ mua các tác phẩm đã được phép phổ biến của PD là một hình thức kinh doanh. Không lẽ họ mua: "Anh vẫn hành quân, Bão nổi lên rồi ... để mà lỗ chỏng gọng ra à.

Còn phần viết của tác giả ca khúc "Hoa sữa" nổi tiếng thì ông Hồng Đăng có phàn nàn về chuyện năm 1994, ở Hà nội có tổ chức 4 đêm "Nửa thế kỷ âm nhạc VN" ở Hà nội rất thành công, mà sau đó không tổ chức được ở Thành phố HCM vì lý do thiếu kinh phí. Tôi tự hỏi: Sao lúc đó ông không kêu gọi các nhà làm KT đứng ra tài trợ? Hỏi vậy nhưng câu trả lời cũng đến ngay. Sở dĩ họ không dám tài trợ là vì thói thường, con người làm KT thường "Trông dỏ, bỏ thóc" Họ bỏ tiền ra cũng phải nghĩ đến sự thành công của đêm nhạc. Lỗi không phải ở họ, anh Hồng đăng ạ, họ đã được Đảng ta cho phép "làm giầu đúng luật". Thời nay, đâu phải là thời gian ông "Vua lốp Chẩn" bị tịch thu tài sản chỉ vì có nhiều tiền một cách "bất minh" . Thực ra thì tài sản của "Vua lốp Chẩn" bị tịch thu hồi đó, gọi là nhiều chứ có bao nhiêu đâu. Số tiền đó chắc cũng không đủ để chi cho một bữa nhậu của các "Đại gia" ngày nay đâu.

Anh Hồng Đăng có nói một ý là: "những anh em nhạc sĩ bây giờ, tác phẩm cứ "ngồn ngộn" ra đấy mà không có đủ kinh phí để tổ chức một đêm nhạc cho riêng mình! Đọc chữ "ngồn ngộn" của anh viết khiến tôi cứ hình dung ra một miếng thịt quay ngon lành, được các Bà xã của chúng ta mua từ một tiệm danh tiếng ở Chợ Lớn về, rồi được những bàn tay vụng về của cánh đàn ông chúng ta dùng một con dao cùn để cắt ra những miếng thịt "to đùng", chỉ mới nhìn, mọi người đã phát khiếp lên rồi, còn ai dám ăn nữa.

Đúng là đội ngũ nhạc sĩ các anh hiện nay quá đông đúc, với số tác phẩm "ngồn ngộn" ra thật, nhưng xin phép anh được nói thật: Các cụ ngày xưa nói: "Quí hồ tinh, bất quí hồ đa". Trong ngành Giáo dục của chúng tôi, các vị có trách nhiệm cũng đề ra tiêu chí: "ít mà tinh" trong việc dậy học, dậy ít kiến thức thôi, nhưng là những gì thật cần thiết, không dậy lan man những kiến thức vô bổ. Điều này tôi nói có hơi lạc đề với vấn đề âm nhạc của các anh, nhưng xin thú thực với anh là: một nền Giáo dục mà để cho các con, các cháu chúng ta phải đi học "Luyện thi vào lớp 1", phải đeo chiếc cặp to đùng đến vẹo cả sống lưng khi đi học thì đó là một điều kinh tởm, đáng xấu hổ.

Trở về với vấn đề Âm nhạc của các anh, số tác phẩm của các anh có "ngồn ngộn" thực nhưng là những bài như: "đàn ông là như thế", "Giữa anh và người ấy, em chọn ai", "kiếp đỏ đen" ... Những cái tựa đề như thế, chỉ mới đọc thấy thôi đã thấy "chết khiếp" đi rồi, nếu nghe xong cả giai điệu lẫn ca từ của chúng, kèm theo những động tác múa minh họa với các cô, các cậu người mẫu giật đùng đùng cứ như người bị cơn động kinh ấy, thì..."chết thật".

Những đêm nhạc mang những tựa đề mỹ miều như "Bài hát Việt tháng x, y, z ..."chỉ có tác dụng làm cho các bà nội trợ của chúng ta mừng rơn vì: "Tháng này lại đỡ được ít tiền điện đây" vì cứ đến giờ phát sóng, các bà cứ việc tắt TV đi mà không gặp sự phản ứng của các đức ông chồng. Nói thêm là các bà chỉ sợ đêm nào mà AC milan gặp MU hay Real Madrid gặp Liverpool thôi, tiền điện cứ là tăng vùn vụt.

Anh Hồng Đăng còn viết: "các nhạc sĩ bây giờ khai thác dân ca giỏi hơn anh nhiều lắm anh Duy ạ. Sau đó anh kể một lô một lốc những Thái cơ, Phó đức Phương, Nguyễn Cường,Trần Tiến, Văn thành Nho, Nguyễn đình Bảng, Lê Mây ...

Ý kiến này, theo ý tôi, anh viết hơi vội vàng đấy. Ai giỏi hơn ai là một vấn đề không dễ thẩm định như vậy đâu. Nó chẳng rõ ràng như Barcelona thắng Real Madrid 2-0 thì Barca giỏi hơn RM. Mà thắng hôm nay nhưng lần sau có thể lại thua chứ.

Trở lại với câu anh viết ở trên tôi thấy anh hơi "bất công" với thế hệ các nhạc sĩ lớp trước như Phạm Duy, Dương thiệu Tước ...

Thời của các anh đó mà viết được những ca khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ như Dân ca Thương binh, Dặn dò, những bài mang âm hưởng Bình trị Thiên như Bà mẹ do Linh,Về miền Trung, Quê nghèo ... Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa ... theo tôi là giỏi vì các anh đó là những người đi tiên phong trong vấn đề đưa dân ca vào ca khúc, ngày ấy vấn đề này mối manh nha, chưa có chủ trương rõ ràng như bây giờ. Đòi hỏi PD phải viết được chùm ca khúc mang âm hưởng Tây nguyên như Nguyễn Cường hay chùm ca khúc mang âm hưỡng Chăm của Trần Tiến là một chuyện không tưởng. Lúc đó đang là KC chống Pháp <1949>, làm sao PD có thể vào các buôn làng Tây nguyên như Nguyễn Cường đã làm ngày nay. Còn những gương mặt khác mà anh kể thì tôi thấy chưa thuyết phục lắm với những bài như: "Rặng trâm bầu, Mùa hoa đỏ, Đất nưởc lời ru ... những bài như thế này thì đâu hơn được những gì các anh Duy, anh Tước đã viết từ hơn 50 năm về trước.

Theo tôi nghĩ nếu anh muốn dẫn chứng những gương mặt vận dụng tài tình dân ca vào ca khúc thì anh nên nhắc tới anh Nguyễn văn Tý với "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ gỗ, với âm hưởng của hát Ví dặm Nghệ Tĩnh và sau này là "Dáng đứng Bến Tre" với âm hưởng dân ca miền Tây Nam bộ.

Tôi xin phép cả ba Nhạc sĩ nói trên được nói lên một điều mà trách nhiệm, theo tôi nghĩ, không hoàn toàn thuộc về các anh, nhưng vì các anh là những người đã từng lãnh đạo giới nhạc sĩ cả nước. Không nói với các anh, tôi biết bầy tỏ cùng ai.

Trong bài báo đã nêu trên, tôi thấy tuy mỗi người có một ý riêng, nhưng có một điều mà cả ba anh đều thống nhất: đó là khi nói về anh Văn Cao, cả ba anh đều đánh giá rất cao về tài năng và nhân cách của con người này. It khi có được một sự nhất trí cao trong việc đánh giá về một con người như vậy, nhất là trong giới Văn nghệ của các anh. Vậy có khi nào, các anh nghĩ rằng, kể từ sau vụ án "Nhân văn giai phẩm", xẩy ra từ hơn 50 năm trước, một tài năng lớn như Văn Cao đã phải "ngồi chơi sơi nước" trong suốt mấy chục năm trời, không được viết lách gì cả. Anh chỉ được đến cơ quan để trình bầy mấy cái bìa sách cho bạn bè, hay là đến vẽ poster cho mấy vở kịch. Mốt sự "lãng phí chất xám" đến mức không thể nào tưởng tượng nổi.

Hồi đó, có kẻ độc miệng đã thốt lên: "cái ông Văn Cao này cạn nguồn cảm hứng rồi, viết lách gì được nữa".

Thật không ngờ, sau ngày đất nước Thống nhất, Tết năm 1976, anh Văn Cao cho ra đời bài "Mùa Xuân đầu tiên" với phong cách rất "Văn cao" từ giai điệu cho đến ca từ. Người lại tìm thấy trong cái thân hình già yếu của ông , một tâm hồn trẻ trung như thuở ông viết "Trường ca Sông Lô, Làng tôi...." vậy.

Thậm chí, người ta , còn tổ chức cả một cuộc thi làm bài Quốc ca mới để thay cho bài: "Tiến quân ca", bài ca đã từng đi cùng Dân tộc qua tất cả những thăng trầm của đất nước. Cũng may cho các anh, và cũng là đại phúc cho dân tộc là cuộc thi đó không có ai trúng giải, và cũng không thấy hội Nhạc sĩ tổng kết cuộc thi đó. Cái kết thúc có hậu đó,theo thiển ý của tôi,là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Dân ngoại đạo chúng tôi xin phép ba anh để gọi nó là "Một trận Điện biên phủ trên lĩnh vực Âm nhạc". Mà người nào đã đề nghị bỏ lửng cuộc thi đó, theo tôi xứng đáng được gắn một Huân chương cao quí của nhà nước ta.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi cũng xin phép các anh để nói một điều là khi đất nước ta còn bị chia cắt làm hai miền, thì ở trong Nam cái gọi là "Việt nam Cộng hòa" vẫn dùng bài "Tiếng gọi Thanh niên" của anh Lưu hữu Phước làm "Quốc thiều" của họ. Họ không biết Lưu hữu phước là ai chăng? Tôi tin rằng có thể họ còn biết rõ hơn chúng ta nữa vì anh Phước là người miền Nam mà. Và họ cũng chẳng lạ gì chuyện cái ông Huỳnh minh Siêng đang kêu gọi "Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng..." để lật đổ họ cũng vẫn chỉ là Lưu hữu Phước mà thôi.

Vậy giữa chúng ta và họ, ai là người "Bao dung" hơn ai?

Còn một ý này nữa, nhân đây cũng xin phép cả ba anh nói ra cho hết nhẽ. Trong cả ba phần viết của các anh, các anh đều răn đe anh Phạm Duy không được so sánh mình với bất cứ nhạc sĩ kháng chiến nào khác, đặc biệt là so mình với Văn cao.

Tôi có được đọc cuốn "Nhớ", hồi ký của Phạm Duy do nhà Xuất bản Trẻ xuất bản. Trong cuốn đó, tôi có thấy anh Phạm Duy so sánh mình với một ai đâu. Còn trong những phần , anh ấy nói về Văn Cao, về con người và tác phẩm của Văn Cao, anh ấy không hề có ý gì muốn được so mình với Văn Cao, mà chỉ thấy anh ấy hết lời ca ngợi về những gì mà Văn Cao đã viết từ trước đến khi anh được "ngồi chơi sơi nước" .

Xin phép được dẫn ra đôi dòng PD đã viết về VC để có dẫn chứng

Trong trang 99 của cuốn"Nhớ" nói trên,PD đã viết:

"... Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì những bài Suối mơ, Bến xuân là cực điểm của lãng mạn tình trong ca nhạc VN. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa! Sẽ có nhạc tình cảm, nhạc não tình ... nhưng không thể có thêm những bài nhạc lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn-Cao ..."

Không cần phải dẫn chứng thêm những gì mà PD viết về VC nữa. Chừng ấy đã quá đủ để chứng tỏ là PD đã đánh giá về VC chắc chắn là cao hơn, kính trọng hơn những người đã tổ chức ra cái cuộc thi "Quốc ca", một sự kiện mà theo tôi, là một "Quái thai" lớn nhất của hậu bán thế kỷ thứ 20, nó chỉ có thể xẩy ra duy nhất trong nền Tân nhạc nước ta. Cũng xin phép được nói thêm một sự kiện nữa, tuy không sẩy ra ở ta, nhưng nó cũng là một sự kiện liên quan đến vấn đề Quốc ca một nước. Đó là việc tuy ở Liên bang Nga, thể chế chính trị đã thay đổi hẳn, nhưng họ vẫn lấy bài Quốc ca thời Liên sô làm Quốc thiều của mình. Chỉ riêng một sự kiện này cũng đủ thấy, vừa qua, chúng ta đã làm một việc "Không giống ai"!!!

Một kẻ ngoại đạo về nhạc như tôi mà đã dám bàn hơi dài về một bài báo không dài lắm, kể cũng hơi "bạo phổi", phải không thưa ba anh.

Những ý kiến của tôi có thể đúng hay sai,đó là lẽ thường tình. Nếu có gì quá sai lầm, mong các anh cứ chỉ bảo, nếu xác đáng tôi xin lĩnh ý. Động cơ chính của tôi trong bài viết này là chỉ mong giới nhạc sĩ chúng ta nên có một cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn về anh Phạm Duy, một con người mà khi bắt đầu KC, đã có những đóng góp nhất định cho nền âm nhạc của chúng ta. Sau đó anh đã từ bỏ chúng ta để đi về phía bên kia. Nhân vô thập toàn mà, ai mà chẳng có những sai lầm trong cuộc đời.

Nay anh ấy đã ngấp nghé tuổi 90, nghĩa là đã đến rất gần với những ngày cuối của đời mình. Anh trở về Tổ quốc có lẽ cũng là một sự chuẩn bị cho ngày "Lá rụng về cội".

Theo tôi nghĩ, ở tuổi anh ấy, còn tìm vinh quang, tìm nổi tiếng làm gì nữa. Nếu Báo chí có hơi rùm beng về những đêm nhạc của anh thì đó là việc của họ. Anh ấy đâu còn có động cơ nào để mua chuộc họ nữa, mà để làm gì nữa khi con người đã ý thức được ngày về với cát bụi chẳng còn xa nữa.
Hãy rộng lượng vơi mọi người hơn nữa các anh ạ, bởi vì cả chúng ta nữa,trước sau chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau cả thôi. Khi đó mọi giận hờn, yêu ghét phỏng còn có ý nghĩa gì nữa. Một lần nữa, xin lỗi các anh về sự mạo muội này của tôi.

Saigon, đầu hạ 2009

Thầy giáo làng

Tôi đã viết xong entry này từ hôm 29-4, nhưng ngày hôm qua, nhân ngày lễ lớn 30-4, tôi có đến thăm một người bạn già, đó là nhạc sĩ Tô Hải, một người đã từng rất nổi tiếng trước đây, với những tình khúc như: Nụ cười Sơn cước, Qua sông lại nhớ con đò ... và trên hết là Cantate; "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy", một bản Hợp xướng mang tính chất của nhạc bác học của nền Tân nhạc nước ta.

Ông cho biết là ông có đọc bài viết của tôi, và ông muốn bổ xung một số điễm mà theo ông, tôi viết chưa được rõ ràng. Dưới đây là những điểm mà ông đã bổ xung cho những gì tôi viết còn chưa đầy đủ:

Ông nói cuộc thi quốc ca năm đó là do ông Tố Hữu, khi đó còn sống và đang giữ một chức vụ rất cao trong chính phủ, đã chỉ thị cho ông Đỗ Nhuận, khi ấy cũng còn sống và là Chủ tịch Hội Nhạc sĩViệt Nam phải vận động toàn thể các nhạc sĩ hội viên, ai cũng phải tham gia. Làm xong sẽ có một Hội đồng thẩm định để chọn ra 10 bài hay nhất để biểu diễn trước Quốc hội và có một ban giám khảo gồm các nhạc sĩ có uy tín đứng ra chấm giải. Bài nào hay nhất sẽ có giải thưởng rất cao, và nếu Quốc hội cũng nhất trí thì bài đó sẽ được chọn làm Quốc ca mới thay cho bài "Tiến quân ca" của Văn Cao.

Có một chi tiết khá thú vị mà ông bạn Nhạc sĩ của tôi , vừa tủm tỉm cười vùa nói là: ai có bài thi thì lúc nộp bài, sẽ được tạm ứng một số tiền tương đương với 500.000 đồng bây giờ, gọi là tiền bồi dưỡng.

Ông nói thêm, vì lý do cơm áo và cũng vì khoản bồi dưỡng quá hấp dẫn này mà hầu hết các nhạc sĩ hội viên, ai cũng có bài dự thi, mà toàn là những tác phẩm đồ sộ như đại hợp xướng, trường ca, phối âm phối khí rất chuyên nghiệp, với phần nhạc đệm do Giàn nhạc Giao hưởng phụ họa. Có điều lạ là có người chỉ gửi phần ca từ đến dự thi, kèm theo lời đề nghị là có ai nhất trí thì làm ơn "phổ nhạc" dùm

Đoạn, không chờ tôi hỏi, ông đã nói ngay: cả tớ nữa. Tuy chả hào hứng gì với một cuộc thi không giống ai, tớ cũng phải cho ra một bài hát mà cho tới giờ, tớ chẳng nhớ nổi tí gì. Ngày đó tiền khó kiếm lắm, không dễ như bây giờ đâu. Tự nhiên có được 500.000 đồng đễ ăn phở, thằng nào chả làm.

Thế sau đó tổng kết ra làm sao, tôi hỏi.

Ông cười trả lời: "Tất cả những bài dự thi đó, sau khi chọn ra được 10 bài hay nhất đã được đem ra biểu diễn trước Quốc hội rất rầm rộ, chỉ thương cho mấy cụ già đại biểu Quốc hội, tự nhiên phải ngồi nghe 10 bài hát trong mấy tiếng đồng hồ, mệt chết người đi được, mà ai mà nghe được đến cả chục bài hát như vậy được, kể cả cánh nhạc sĩ chúng tớ. Rồi lại còn phaỉ đánh giá xem bài nào hay nhất nữa chứ.

Đến đây tôi ngắt lời ông để hỏi: trong số 10 tác giả được chọn đó có những tên tuổi nào? có anh không?

Anh cười trả lời: làm sao tớ lọt vào số đó được, chỉ có những "tai to mặt lớn" như Đỗ Nhuận, Trọng Bằng, Huy Du ... hình như có cả La Thăng nữa thì phải.

Sau cùng, cả Quốc hội nhất trí vẫn dùng bài "Tiến quân ca" làm quốc thiều, chỉ yêu cầu đổi mấy ca từ nghe có vẻ không được nhân bản lắm như:

Thề phanh thây, uống máu quân thù ... hay "tiến lên cùng thét lên, nghe có vẻ hiếu chiến quá.
Đoạn ông bạn tôi nói tiếp: "Đây có lẽ là lần duy nhất mà ở nước ta có sự "không nhất trí giữa hai cơ quan Hành pháp và Lập pháp, mọi lần khác thì mấy ông nghị của chúng ta chỉ có việc mà "gật đầu" mỗi khi "chính phủ" hỏi các vị có OK với một vấn nào đó không.

Đoạn ông cười mà hỏi tôi thêm: Mà cậu có biết ai là người thất vọng nhất trong vụ "Đảo chính hụt" này không? Tôi lắc đầu ra vẻ không biết, thì ông vừa cười, vừa nói: Dĩ nhiên, người thất vọng nhất là ông Tố Hữu, người bầy ra cái trò "Thi Quốc ca" này để hạ bệ Văn Cao, còn trong đám nhạc sĩ thì Đỗ Nhuận là người buồn nhất, vì ngày đó, ông ta đang là chủ tịch Hội NSVN, nếu có người trúng giải thì sao lọt khỏi tay ông ta được.

Đầu đuôi câu chuyện"Thi Quốc ca" là như thế, thế mà bây giờ tôi mới được biết. Không biết tôi nên cười hay nên khóc đây?

Tôi xin phép được khép lại bài viết này ở đây. Xin thành thật cáo lỗi những ai đã quan tâm, vì lý do đã lấy của các vị quá nhiều thời gian để đọc nó.

Thầy-Giáo-Làng

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Chạy đua vũ khí và … dịch cúm

Một trong những câu hỏi và cũng là vấn đề của y tế công cộng hiện nay là tại sao các virút, kể cả virút cúm, phát triển khả năng kháng thuốc rất nhanh. Sự kháng thuốc của virút là một kết quả của một sự cạnh tranh vì sinh tồn giữa virút và con người, và về lâu dài, con người lại chính là kẻ chiến bại.

Một trong những quan tâm lớn về cúm A/H1N1 hiện nay là tình trạng kháng thuốc của virút H1N1. Theo những nghiên cứu mới nhất virút H1N1 đang trở nên kháng các thuốc như Tamiflu (oseltamivir) và Relenza (zanamivir), hai trong những thuốc hàng đầu chống virút cúm. Tỉ lệ kháng thuốc được ghi nhận dao động từ 12% ở Mĩ và 16% trên thế giới. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tỉ lệ kháng thuốc có thể lên đến 98%.

Tại sao virút H1N1 hay các virút gây bệnh nói chung có khả năng kháng thuốc? Có thể xem khả năng kháng thuốc của virút như là một quá trình tiến hóa vì sinh tồn của virút, một cuộc cạnh tranh với con người. Cuộc cạnh tranh này cũng chẳng khác gì … cuộc chạy đua vũ khí giữa các quốc gia trên thế giới. Mối quan hệ giữa ki sinh vật và kí chủ cũng là một cuộc chạy đua để sinh tồn. Kí sinh vật ở đây kể cả những vi rút gây bệnh, và kí chủ là người, chim, heo, v.v… Cuộc chạy đua này rất khốc liệt, tàn nhẫn, và phí phạm, mà chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ quân sự và chiến tranh mới có thể minh họa được vấn đề.

Một cuộc cạnh tranh không công bằng

Cứ mỗi lần một quốc gia hay bộ lạc có một vũ khí mới thì đối phương sẽ tìm cách sản xuất ra một vũ khí mới khác để tự vệ. Ngày xưa, sự ra đời của kiếm, cung và tên là động cơ để phát triển áo giáp và lá chắn. Ngày nay, sự có mặt của radar cho ra đời một loại máy bay Stealth có thể tránh radar. Tương tự, nếu chó sói có khả năng chạy nhanh để săn bắt thỏ thì thỏ cũng có khả năng tiến hóa chạy nhanh hơn chó sói, và chó sói lại tiến hóa để chạy nhanh hơn ... Đây là những cuộc chạy đua toàn cầu với sự tham gia của hầu hết các sinh vật sống trên hành tinh này, một cuộc chạy đua không có hồi kết.

Nhiều người trong giới khoa học nghĩ rằng kí sinh và kí chủ thường đồng tồn tại với nhau trong tình trạng hợp tác vì hòa bình. Nhưng giả định này sai và phi thực tế. Một số cơ chế phòng bệnh của cơ thể con người đã tiến hóa trong thời gian 10.000 năm qua, và trong thời gian đó, có lẽ con người đã trải qua 300 thế hệ. Nhưng con người đã tiến hóa với khả năng kháng các bệnh truyền nhiễm như bệnh đậu mùa và bệnh lao trong vài thế kỉ qua, với khoảng 12 thế hệ. Trong khi đó, các virút cúm và vi trùng lao có thể tiến hóa 300 thế hệ trong vòng 1 tuần! Trong khi chúng ta cần 1000 năm để tiến hóa thì virút và vi trùng có thể tiến hóa trong vòng 1 ngày. Do đó, trong cuộc chạy đua sinh tồn này, con người ở vào một vị thế bất lợi, chúng ta không thể tiến hóa nhanh để chạy trốn khỏi sự tấn công của virút.

Kích thước nhỏ của virút là một lợi thế của chúng: chúng có thể tồn tại với một số lượng cực kì đông đảo. Kích thước của virút H1N1 chỉ bằng khoảng 1 phần 10.000 mm. Một giọt nước cũng có thể hàm chứa 1 tỉ virút. Mỗi chúng ta mang trong người khoảng 5 tỉ tế bào virút, phần lớn là ở trong hệ thống tiêu hóa và hô hấp. Với số lượng khổng lồ này, ngay cả với một tỉ lệ tiến hóa rất thấp, các virút có thể biến hóa khôn lường mà chúng ta không thể nào tiên lượng một cách chính xác được.

Ngày nay, virút H1N1 đang hoành hành ở Bắc Mĩ thật ra không phải là một virút cúm heo, cũng không phải là virút đã gây đại dịch Tây Ban Nha năm 1918. Các nhà khoa học mới phát hiện rằng virút hiện hành chỉ mới tiến hóa trong vòng 6 đến 11 tháng trước đây. Một số cấu trúc DNA của chúng có nguồn gốc từ virút cúm tìm thấy ở Bắc Mĩ, một mảng DNA có nguồn từ Âu châu và Á châu, và một mảng DNA có nguồn gốc từ chim và virút cúm mùa.

Kháng thuốc

Thuốc kháng sinh có lẽ là một trong những phát minh có ích nhất trong thế kỉ 20, và thể hiện một đóng góp ngoạn mục của khoa học cho y khoa. Dù arsenic đã được sử dụng cho điều trị bệnh giang mai từ những năm đầu thập niên 1910, nhưng thời đại kháng sinh chỉ thật sự hình thành khi Alexander Fleming phát hiện rằng vi khuẩn trong các đĩa thí nghiệm không thể tăng trưởng khi đặt gần các nơi có mốc penicillium. Tại sao thuốc kháng sinh hiệu quả nhất lại xuất phát từ mốc? Có thể nói thuốc kháng sinh là một loại vũ khí hóa học được tiến hóa trong nấm và vi khuẩn để các sinh vật này có thể phòng chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Chúng đã được tiến hóa qua hàng triệu năm với những quá trình sửa sai (trial and error) để khai thác thế yếu của vi khuẩn mà không gây độc hại cho nấm.

Một số lượng nấm và sản phẩm từ vi khuẩn mà con người sử dụng ngày nay tương đối an toàn và có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh lao, hô hấp, và một số bệnh truyền nhiễm khác. Trong nhiều thập niên qua, thuốc kháng sinh là một phương tiện y tế quan trọng của các nước đã phát triển để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Qua những biện pháp y tế công cộng và thuốc kháng sinh, các nước đã phát triển nói chung đã thành công một cách ngoạn mục trong việc chinh phục bệnh truyền nhiễm. Trước thành công này, năm 1969, Bộ trưởng Y tế Mĩ tuyên bố đầy tự hào rằng “đã đến lúc chúng ta đóng sổ bệnh truyền nhiễm”.

Nhưng cũng như bất cứ thời đại vàng son khác, thời đại vàng son chống bệnh nhiễm cũng có thời gian ngắn ngũi. Ngày nay, chúng ta biết rằng những vi khuẩn gây bệnh lao và bệnh lậu rất khó kiểm soát và khống chế hơn là những vi khuẩn gây bệnh này trong quá khứ. Các vi khuẩn đã tiến hóa chống lại các thuốc kháng sinh như là chúng đã tiến hóa để chống lại các vũ khí tự nhiên của con người và nấm trong suốt lịch sử tiến hóa.

Vi khuẩn staphylococcal là một vi khuẩn phổ biến nhất trong các vết thương. Năm 1941, tất cả vi khuẩn này đều bị thuốc penicillin khống chế. Đến năm 1944, một số chủng dòng thuộc vi khuẩn này đã tiến hóa để có thể sản xuất các enzyme có khả năng cắt penicillin ra từng mảnh và vô hiệu hóa penicillin. Ngày nay, 95% các dòng staphylococcus đều có dấu hiệu hay khả năng kháng penicillin. Năm 1950, một loại penicillin nhân tạo là methicillin có thể sản xuất để tiêu diệt các vi sinh vật này, nhưng các vi khuẩn này sau đó lại tiến hóa thành những chủng và dòng mới, và thuốc kháng sinh mới cần phải sản xuất. Năm 1980, thuốc ciprofloxacin cho chúng ta một niềm hi vọng lớn khi mới được giới thiệu trên thị trường, nhưng chỉ vài năm sau, hơn 80% các dòng staphylococcal đã trở nên kháng thuốc.

Vào thập niên 1960, phần lớn những ca bệnh lậu có thể điều trị dễ dàng với thuốc penicillin, hay nếu có kháng thuốc thì vẫn có thể điều trị bằng ampicillin. Ngày nay, 75% các dòng vi khuẩn gây bệnh lậu đã có sẵn enzyme để “chặt chém” ampicillin và vô hiệu hóa thuốc này.

Cơ chế tiến hóa của vi khuẩn khá đơn giản. Chúng chỉ cần thay đổi một vài khúc DNA trong bộ gen, hay đột biến một số gen cần thiết để đương đầu với “kẻ thù” mới (con người). Nhưng ngoài ra, vi khuẩn còn có thể tiến hóa bằng một thủ thuật đơn giản: chúng có thể tự gây nhiễm trùng bằng một khúc nhỏ DNA gọi là plasmid. Năm 1976, các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn gây bệnh lậu mới có một số gen có chức năng tiêu diệt penicillin qua plasmid từ E. coli, một vi khuẩn sống trong đường ruột của con người. Do đó, khoảng 90% vi khuẩn bệnh lậu ở Thái Lan và Phi Luật Tân trở nên kháng thuốc.

Hiện nay, virút H1N1 mới phát hiện đã được tiến hóa và có khả năng kháng thuốc tamiflu và relenza. Trong vòng 6 tháng tới, thế giới sẽ có thuốc mới chống virút H1N1 mới. Tuy nhiên, theo qui luật tiến hóa của virút và cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa virút và con người, chúng ta có thể kì vọng rằng một virút H1N1 mới khác sẽ xuất hiện trong tương lai, một loại thuốc mới khác sẽ ra đời, và một cuộc chạy đua mới giữa kí sinh và kí chủ lại diễn ra.

Chấp nhận sống chung với virút

Tuy nhiên, có một tin mừng. Đứng trên phương diện miễn nhiễm học, một đại dịch có thể thay đổi sự phân phối gen của một dân số một cách đột ngột. Những người mắc bệnh và sống sót sẽ có khả năng đề kháng nhiễm trùng trong tương lai, bởi vì họ tích tụ trong cơ thể một hàm lượng lymphocyte có thể sản xuất kháng thể chống lại các virút gây bệnh.

Những đại dịch trong quá khứ cho thấy con người có thể tiến hóa để chống virút trong vòng vài tháng. Khi người Âu châu đến khai thác Mĩ châu, họ mang theo virút bệnh làm chết cho gần 90% người bản xứ trong một thời gian ngắn. Nếu kháng sinh chịu ảnh hưởng của gen, người bản xứ không còn sống sót ắt hẳn phải mang trong người những gen tốt chống virút.

Danh sách những đe dọa mà chúng ta đương đầu với các vi khuẩn kháng thuốc là một danh sách dài và đáng sợ. Virút đã, đang và sẽ tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ chúng hoàn toàn. Vấn đề không phải là tìm cách loại trừ chúng (vì không thể làm được), nhưng phải học cách sống với chúng một cách sáng suốt. Có khi chúng ta phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều. Mức độ nguy hiểm có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, và trong trường hợp này, lí trí là một phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống mới. Nhận thức về những rủi ro như dịch cúm gia cầm là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để hốt hoảng.

Chú thích: Bài đã đăng trên TTCN.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Làm toán và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam

Tiền cho nghiên cứu khoa học

Đọc bài phỏng vấn sau đây không biết nên cười hay nên khóc. Có lẽ cả hai. Cười vì những chuyện cứ như là khôi hài mà có thật. Tỉ dụ như đoạn này “Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được.”

Còn chuyện đáng khóc có lẽ là câu này: “Nhiều người không hiểu biết chuyên môn vẫn đứng tên chủ nhiệm đề tài. […] nhiều người ngộ nhận ngân quỹ dành cho KH&CN là công cụ để… ‘xóa đói giảm nghèo’, bù cho lương.”

Theo Gs Chu Hảo, mỗi năm Nhà nước chỉ khoảng 2% ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Con số này tương đương với 8.000 tỉ đồng (hay ~400 triệu USD). Nhưng thật ra, con số thật sự dành cho các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học chỉ có 17%, tức chỉ có 68 triệu USD. Nếu 40% số tiền này bị thất thoát vì tham nhũng (xem bài “Tham nhũng trong khoa học biến hóa khôn lường”) con số thật sự chi tiêu cho nghiên cứu khoa học ở nước ta chỉ khoảng 41 triệu USD mà thôi.

Nhưng thật ra, 41 triệu USD đây dành cho các đề tài “cấp nhà nước”. Do đó, nếu các nhà khoa học địa phương, nhất là ở các tỉnh phía Nam, muốn làm nghiên cứu thì chắc số tiền này không bao giờ đến tay họ. Không ngạc nhiên chút nào khi thấy năng suất khoa học ở nước ta cứ lẹt đẹt theo sau mấy nước láng giềng.

Thêm một viện toán cho Việt Nam!

Nếu thông tin trên làm cho chúng ta sốc, thì thông tin dùng “500 tỷ đồng để lập viện nghiên cứu toán có 5 biên chế?” có lẽ sẽ làm cho chúng ta sốc hơn. Nước ta đúng là khoái làm toán. Chả trách một nhà báo nước ngoài trước đây nhận xét rằng hình như học sinh Việt Nam thích làm thể dục về toán, chứ không quan tâm đến phát triển kĩ thuật.

Nếu nói về mức độ đóng góp cho khoa học Việt Nam thì ngành toán cũng không khá hơn các ngành khác. Trong thời gian 1996 đến 2005, Việt Nam công bố 3456 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này chỉ có 11% là liên quan đến toán. Riêng ngành y sinh học đóng góp gần 1/4 tổng số bài báo khoa học của Việt Nam.

Ngành toán học ở Việt Nam đã từng đào tạo ra những nhân tài xuất chúng, nhưng tôi nghĩ trên bình diện quần thể thì hình như ngành toán học chúng ta cũng chẳng hơn ai. Phân tích các ấn phẩm nghiên cứu về toán học của Việt Nam trong vòng 10 năm qua, tôi thấy tính trung bình một bài báo về toán được 1 trích dẫn trong vòng 2 năm. Có đến 44% chẳng có ai trích dẫn. Tuy trong “văn hóa” ngành toán ít trích dẫn (so với ngành y khoa), nhưng con số 44% không ai trích dẫn khá cao so với trung bình trên thế giới. Con số 44% bài báo không ai trích dẫn cũng có nghĩa là 44% công trình toán học của Việt Nam rơi vào khoảng trống im lặng, chẳng ai thèm để ý.

Không ai có thể chối cãi là khoa học cần toán, vì toán được xem là hoàng tử của khoa học. Nhưng toán chỉ có thể là “hoàng tử” nếu toán học có thể giúp đỡ cho phát triển khoa học thực nghiệm. Tôi e rằng ở Việt Nam, ngành toán học chưa bao giờ là hoàng tử, vì chưa có bằng chứng gì cho thấy ngành này giúp cho các nghiên cứu khoa học thực nghiệm cả. Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, chúng ta có cần đến 2 viện toán học? Tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành khoa học liên quan đến đời sống, công nghệ sinh học, tin học, và xã hội học. Thế nhưng trong thực tế, Việt Nam có xu hướng “chạy” các ngành này, mà chỉ theo đuổi những ngành thiếu ứng dụng.

Cả trăm năm về trước, các nhà văn hóa nhận xét rằng người Việt Nam có xu hướng thích văn thơ phù phiếm, nhưng thiếu sáng tạo trong kĩ thuật và khoa học. Còn ngày nay, có thể nói người Việt Nam thích làm toán, chứ không thích theo đuổi những ngành khoa học đem lại phúc lợi cho cuộc sống con người. Nhưng thành tựu là gì? Nhìn lại, tôi thấy chúng ta có vẻ rất khá trong việc chiếm những giải toán dành cho học sinh trung học mang danh olympics, nhưng chiếm những giải lớn hơn thì chỉ đếm đầu ngón tay.

Ở nước ta, ngành toán đã “ngốn” biết bao học sinh ưu tú của Việt Nam trong thời gian qua. Những học sinh giỏi được tuyển chọn để đào tạo đi “đá gà”, chiếm những giải thưởng toán cấp trung học. Lớn lên lại theo đuổi ngành toán. Điều này rất khác với các nước tiên tiến, nơi mà ngành toán khó thu hút sinh viên. Ở những nước này, chỉ có học sinh có điểm tốt nghiệp trung học thấp mới theo học toán, còn những học sinh có điểm cao đều theo đuổi các ngành khoa học thực dụng hơn.

Trong khi dịch bệnh hoành hành khắp nước, và các bệnh nan y càng ngày càng phổ biến, mà cả nước không có đến một viện nghiên cứu y khoa cho nghiêm chỉnh. Ấy thế mà Nhà nước ta chơi sang, chi gần 30 triệu USD để thành lập viện nghiên cứu toán. Tôi thử hỏi tại sao không sử dụng số tiền đó để thành lập một viện nghiên cứu y khoa tầm cỡ ở phía Nam?

NVT

===

http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/1790.svvn

Phải là những người làm khoa học thực sự

(SVVN) Nhiều năm nghiên cứu khoa học, rồi trải qua cương vị Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), sau khi về hưu ông là một nghiên cứu viên độc lập, GS Chu Hảo khá am tường về thực trạng của việc nghiên cứu KHCN hiện nay, và đường đi của những đồng tiền dành cho lĩnh vực này...

"QUỸ PHÁT TRIỂN KHCN KHÁC QUỸ… XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO"

Thưa GS, theo ông, ngân sách dành cho KHCN đang được sử dụng như thế nào?

Tôi theo dõi nhiều năm thì thấy rằng việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho các hoạt động khoa học - công nghệ mấy chục năm nay có nhiều điều chưa hợp lý, nếu không muốn nói là chưa có hiệu quả.

Theo tôi được biết, từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đầu tư khoảng 2% chi ngân sách (hiện nay là khoảng 8.000 tỷ đồng) cho KHCN. Nhưng số tiền thực sự dành cho các nghiên cứu KHCN có vẻ như không được nhiều lắm. 8000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) được phân bổ đại loại như sau:

Khoảng 43% là đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản do Bộ KHĐT trực tiếp quản lý; gần 20% đưa về các Bộ, ngành; gần 20% đưa về các địa phương; gần 20% còn lại do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý, trong đó khoảng 17% dành cho các chương trình, dự án, đề tài cấp Nhà nước.

Các chương trình, đề tài cấp Nhà nước chưa được tổ chức và quản lý một cách có hiệu quả; các chương trình, đề tài cấp Bộ, ngành và địa phương quản lý còn kém hiệu quả hơn nhiều!

Ấy vậy còn có khi … tiêu không kịp, cuối năm phải trả lại Bộ Tài chính. Tiêu không kịp cũng một phần bởi hệ thống công bố, tuyển chọn, đấu thầu các đề tài đó vẫn còn cồng kềnh, nặng nề, và lại theo năm kế hoạch.

Nếu là kế hoạch 5 năm, thì đã mất gần 1 năm đầu và gần 1 năm cuối cho việc xây dựng kế hoạch và tổng kết kế hoạch. Như vậy thời gian thực sự cho nghiên cứu khoa học còn không được là bao.

Cách tổ chức chương trình, đề tài, cách lựa chọn đơn vị thực hiện... cho đến nay tuy đã cải tiến, nhưng vẫn chưa có được sự thay đổi thực chất. Nếu cứ tiếp tục làm như hiện nay, thì chắc là KHCN của VN vẫn chưa thể có sức bật.

Hiện nay đã có một bước tiến khá tốt cho nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển KHCN. Thế nhưng ngoài đề tài về nghiên cứu cơ bản, thì còn có những đề tài khác mang tính chất ứng dụng, dự án.v.v... vẫn tổ chức theo chương trình, đề tài như ngày xưa.

Quan điểm của ông trong vấn đề này là như thế nào?

Theo tôi nghĩ, đáng lẽ ra chúng ta cần bỏ cách nghiên cứu theo chương trình, đề tài như hiện nay. Mà tập trung vào một quỹ có tên là Phát triển khoa học, và tập trung vào Trung ương, theo mô hình Quỹ Nghiên cứu khoa học của Mỹ.

Và quỹ này có hội đồng khoa học "chất lượng cao" để lựa chọn những đơn xin tài trợ nghiên cứu một cách liên tục, thường xuyên, không theo kiểu năm kế hoạch. Cấp trực tiếp cho đơn vị làm nghiên cứu, không qua bất cứ một cơ quan quản lý trung gian nào cả.

Đương nhiên là khi cấp, thì cơ quan quản lý đơn vị nghiên cứu khoa học đó có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng để cùng theo dõi. Theo tôi, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như hiện nay, mà cả các lĩnh vực nghiên cứu khác, nếu được tổ chức theo mô hình trên thì sẽ hiệu quả hơn nhiều….

Theo GS, đâu là sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học hiện nay?

Tôi cho rằng sự lãng phí ở chỗ những kết quả nghiên cứu chưa được đăng thành các bài báo nghiêm chỉnh, và chưa được ứng dụng nhiều. Theo dõi nhiều thì thấy rằng, một số công trình khoa học đã cho kết quả, nhưng nhiều công trình chẳng "kết trái, ra hoa" mà chỉ là những tập tài liệu báo cáo nghiệm thu mà thôi.

Không ít công trình chỉ làm cho có, nhiều đề tài làm theo kiểu "trời ơi đất hỡi", nghe tên đã thấy là không ổn. Tôi thấy một thực tế: có nhiều vấn đề là nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên của các cơ quan chuyên ngành lại được "vẽ ra" thành đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều quan chức và cán bộ lãnh đạo làm chủ nhiệm các chương trình, đề tài nghiên cứu ở cấp địa phương cũng như ở Trung ương. Có lẽ đấy là những biểu hiện bất thường. Nhưng tiếc thay lại ngày càng phát triển.

Có ý kiến cho rằng, có nhiều người có chức danh và học vị xem ngân sách dành cho KHCN là một bầu sữa, hoặc là quỹ... xóa đói giảm nghèo. Nên không ít người cũng cố gắng "thâm canh, tăng vụ"...?!

(Cười) Đó là một thực tế lâu nay. Nhiều người không hiểu biết chuyên môn vẫn đứng tên chủ nhiệm đề tài. Với chuẩn mực khoa học không nghiêm túc, nhiều người ngộ nhận ngân quỹ dành cho KH&CN là công cụ để… "xóa đói giảm nghèo", bù cho lương.

Bên cạnh đó, trong khoa học, ít nhiều đang còn tình trạng học phiệt. Có những người làm khoa học theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Có người có bằng cấp rồi, nhưng 20 năm nay không nghiên cứu gì cả, không có một công trình nghiên cứu nào cả, vậy mà vẫn được coi là "nhà khoa học đầu đàn", vẫn tham gia các Hội đồng Khoa học để xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu…Phải phân biệt được rằng, việc quan chức làm khoa học có thể có 3 trường hợp xảy ra:

Một là, các anh em trẻ làm khoa học không có mối quan hệ để xin được đề tài, nên phải dựng một vị quan chức lên đứng tên cho dễ xin, và càng dễ xin hơn khi vị này đã có học vị nào đó. Đây là tình trạng khá phổ biến.

Thứ hai, chính bản thân các quan chức không nghiêm túc, tự muốn làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu để tư lợi cho mình. Đây là một kiểu tham nhũng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, là có những vị quan chức muốn làm khoa học thực sự nghiêm chỉnh, cần được khuyến khích, nhưng phải có cơ chế hợp lý.

THẦY KHÔNG NGHIÊM TÚC, THÌ KHÓ ĐÒI HỎI Ở TRÒ

GS đánh giá thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay?

Theo tôi, việc tổ chức nghiên cứu khoa học cho sinh viên ở các trường đại học đang có nhiều bất cập. Bất cập thứ nhất là thầy giáo không đủ thì giờ, và nguy hại hơn nữa là không có nhu cầu nhiều lắm cho việc nghiên cứu khoa học.

Chuẩn mực nghiên cứu khoa học chưa được đồng thuận trong giới nghiên cứu. Mỗi người hiểu nghiên cứu khoa học theo một cách khác nhau, một phách khác nhau. Đáng lẽ ra công tác nghiên cứu được tổ chức ở những nơi có thầy giáo hướng dẫn, dù em sinh viên có giỏi đến mấy đi nữa mà chưa qua bậc đại học, chưa bao giờ làm công tác nghiên cứu thực sự, thì vẫn cần có sự hướng dẫn để đi cho đúng hướng.

Và người hướng dẫn phải là những người làm nghiên cứu thực sự. Thế mà bây giờ thầy không làm nghiên cứu thì làm sao hướng dẫn được trò làm nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh. Có thể có những vấn đề mà thầy giáo không nghiên cứu, nhưng sinh viên vẫn có thể tự mày mò, vì ở một chừng mực nào đó sinh viên có thể tìm các dữ liệu trên mạng Internet để làm.

Nhưng đi vào nghiên cứu một cách thực thụ, nếu không có thầy hướng dẫn nghiên cứu nghiêm chỉnh thì e là sinh viên khó lòng tiến xa. Tôi không phủ nhận rằng có nhiều sinh viên rất thông minh, có thiên hướng và điều kiện để làm nghiên cứu. Nhưng xin nhắc lại, vấn đề quan trọng là sinh viên cần được tổ chức và hướng dẫn của thầy giáo và của nhà trường.

Tình trạng nghiên cứu khoa học èo uột như ông phân tích ở trên, vậy GS giải thích thế nào khi vẫn có nhiều tiến sĩ trong nước được "ra lò" ào ạt?

Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được. Nhìn vào đó thì mới biết thực trạng chất lượng của các công trình nghiên cứu của ta hiện nay ra sao. Nghĩ đến chuyện phải có 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm nữa thì quả là vấn đề nan giải.

Xin cảm ơn GS!

BÀI: Lê Ngọc Sơn

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Một vài vấn đề về qui định chức danh giáo sư ở Việt Nam

Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) lại vừa ra qui định và tiêu chuẩn mới cho chức danh giáo sư và phó giáo sư. Qui định mới có phần hợp lí hơn so với các qui định trước, nhưng vẫn còn rất khác và phức tạp hơn so với các chuẩn mực ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tôi nghĩ cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn mới sao cho phù hợp với đa số các nước trên thế giới. Bài viết này sẽ chỉ ra những khác biệt và bất cập chính về tiêu chuẩn cho chức danh GS/PGS.

Thứ nhất là cách tính điểm bài báo khoa học. Theo qui định mới, "bài báo khoa học đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn" có điểm tôi đa là 2. Ở đây có hai vấn đề. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tập san khoa học (khoảng 108.000 tập san và con số vẫn gia tăng) với chất lượng thượng vàng hạ cám, dù chúng đều có danh xưng “quốc tế” đâu đó trong tên gọi. Để sàng lọc thật và giả, Viện thông tin khoa học (Mĩ) căn cứ vào một số tiêu chuẩn về hoạt động và hời gian lập nên một danh sách chỉ trên dưới 5000 tập san mà giới chuyên môn công nhận là “nghiêm chỉnh”.

Viện thông tin khoa học còn phát triển một chỉ số để đánh giá chất lượng của một tập san, và chỉ số đó có tên là "hệ số ảnh hưởng" (impact factor, IF). Chỉ số IF dao động từ 0 đến 80 giữa các tập san. Nói chung, tập san có IF cao cũng là tập san có uy tín cao và ảnh hưởng lớn hơn các tập san có IF thấp. Nhưng IF còn tùy thuộc vào bộ môn khoa học, với những bộ môn thực nghiệm thường có IF cao hơn các bộ môn như xã hội học và toán học. Theo tôi biết, chưa có một tập san khoa học nào của Việt Nam có chỉ số IF.

Những vấn đề thực tế trên cho thấy không thể đánh giá một công trình đăng trên tập san Việt Nam bằng một công trình đăng trên một tập san quốc tế với IF trên 10. Tương tự, cũng không thể xem một bài báo trên một tập san ở Úc, hay Nhật, hay Hàn Quốc, hay Trung Quốc với chỉ số IF <> 20, dù tất cả đều là "tập san quốc tế". Ngoài ra, cũng không thể đánh giá IF của tập san toán với một tập san ngành y học. Do đó, không nên cho điểm một bài báo khoa học một cách máy móc mà không xem đến tập san bài báo đó được công bố.

Nhưng IF chỉ phản ảnh uy tín và chất lượng của một tập san, chứ không phản ảnh chất lượng của bài báo trên tập san đó. Một công trình nghiên cứu có thể công bố trên một tập san có IF cao nhưng không được ai trích dẫn không có giá trị bằng một công trình công bố trên một tập san có IF thấp nhưng được nhiều người trích dẫn. Trong thực tế, có hơn 50% các bài báo trên các tập san quốc tế chẳng bao giờ được ai trích dẫn! Do đó, khi xem xét cho điểm bài báo, cũng cần phải xem chỉ số trích dẫn, chứ không chỉ IF của tập san.

Như nói trên, IF của tập san tùy thuộc vào từng ngành chuyên môn. Độ dao động IF cũng rất khác nhau giữa các ngành chuyên môn. Do đó, tôi nghĩ có một cách để “chuẩn hóa” bằng cách tính chỉ số Z cho một tập san. Nói cách khác, lấy IF của một tập san mà ứng viên công bố trừ cho cho chỉ số IF trung bình của ngành và chia kết quả tính toán cho độ lệch chuẩn trong ngành. Với chỉ số Z, chúng ta có thể so sánh tương đối (chỉ “tương đối” thôi) khách quan giữa các ngành chuyên môn.

Số lần trích dẫn bao nhiêu là phản ảnh chất lượng? Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Vì chỉ số trích dẫn còn tùy thuộc theo “văn hóa ngành” (tức một số ngành như toán có chỉ số trích dẫn thấp hơn các ngành khác như vật lí hay sinh học), do đó cần phải điều chỉnh cho từng tập san. Theo đó, nếu số lần trích dẫn của bài báo cao hơn chỉ số trích dẫn trung bình của tập san thì có thể được xem là có chất lượng cao. Chẳng hạn như tập san A có chỉ số trích dẫn trong 10 năm là 35 lần / bài báo, và nếu một bài báo của ứng viên trên tập san đó có số lần trích dẫn trên 35 lần thì được xem là có chất lượng cao.

Cũng như chỉ số IF, chỉ số trích dẫn cũng rất phụ thuộc vào “văn hóa ngành”, và so sánh chỉ số trích dẫn giữa các ngành cũng không công bằng. Bởi vì mỗi ngành đều có những số liệu như chỉ số trích dẫn trung bình và độ dao động, tôi đề nghị tính chỉ số Z cho số lần trích dẫn tương tự như chỉ số Z cho IF.

Thứ hai là vấn đề vị trí tác giả trong việc định điểm. Phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thường là hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, và tác giả Việt Nam thường không đứng tên đầu (xem bài “Khoa học Việt Nam đang ở đâu?” của tôi), tức không phải là người chủ trì công trình nghiên cứu. Do đó, nếu một ứng viên có nhiều bài báo khoa học dù trên các tập san có IF cao, nhưng nếu chỉ đóng vai trò “tác giả phụ”, thậm chí “tác giả làm quà” (gift author) thì không thể đánh đồng với một tác giả chính được. Cần nói thêm rằng, hiện tượng “gift author” là trong đó các nhà khoa học cho tên của đồng nghiệp hay cấp trên của mình vào danh sách tác giả dù người này chẳng biết hay chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu. Hiện tượng gift author khá phổ biến trong khoa học, nhất là ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong các qui định của Hội đồng chức danh, không thấy nói đến vấn đề tế nhị như tôi vừa đề cập.

Thứ ba là sách chuyên khảo. Theo qui định mới thì sách chuyên khảo được 3 điểm, sách giáo trình 2 điểm, sách tham khảo 1,5 điểm, và sách hướng dẫn 1 điểm. Những ai làm nghiên cứu khoa học thực nghiệm đều biết rằng sách, dù là sách chuyên khảo, chỉ là tập hợp những công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tập san. Trong ngành y, sinh viên ít khi nào học từ sách, mà học từ các bài báo khoa học trên các tập san khoa học, bởi vì sách thường lạc hậu hơn tập san.

Do đó, không nên quan trọng hóa việc đánh giá hay cho điểm sách như là một tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS/PGS, bởi vì sách không có giá trị như là những công trình nghiên cứu trên các tập san khoa học có IF cao. Ở nước ngoài, các hội đồng khoa bảng khi duyệt đơn đề bạt giáo sư ít khi nào quan tâm đến sách.

Thứ tư là vấn đề “giáo sư giảng dạy” và “giáo sư kiêm nhiệm”. Theo qui định mới, "điểm sàn" của giáo sư kiêm nhiệm cao gấp 2 lần giáo sư giảng dạy, và tôi xem đây là một điều bất bình thường, không hợp lí. Hình như có một sự nhầm lẫn về giáo sư kiêm nhiệm và giáo sư giảng dạy.

Ở nước ngoài, các đại học có 2 thành phần giáo sư mà (tùy theo trường) họ gọi là "academic professor" và "conjoint professor". Academic professor là những giáo sư thuộc biên chế chính thức của đại học, họ nghiên cứu và giảng dạy trong đại học, và họ hưởng lương từ trường đại học. Đây có lẽ là “giáo sư giảng dạy” theo qui định của Hội đồng chức danh. Chức danh “conjoint professor” thường được áp dụng cho những chuyên gia hay nhà khoa học thuộc các trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, thậm chí công ti kĩ nghệ tư nhân có quan hệ mật thiết với trường đại học (như nhận sinh viên thực tập, hay có đóng góp cho các chương trình đào tạo của trường đại học). Những conjoint professor không thuộc biên chế của trường đại học, tức không nhận lương bổng từ trường đại học. Đây có lẽ là những "giáo sư kiêm nhiệm" theo qui định của Hội đồng chức danh.

Vì là kiêm nhiệm, cho nên tiêu chuẩn đề được đề bạt chức danh conjoint professor thường thấp hơn tiêu chuẩn cho một giáo sư khoa bảng. Chẳng hạn như nếu một academic professor (giáo sư khoa bảng) cần phải có 50 bài báo khoa học để được đề bạt, thì giáo sư kiêm nhiệm chỉ cần 25 bài. Nhưng ở Việt Nam, tiêu chuẩn này ngược lại: giáo sư kiêm nhiệm có tiêu chuẩn cao hơn giáo sư giảng dạy! Tôi nghĩ cần phải xem xét lại tiêu chuẩn này.

Thứ năm là số người bình duyệt đơn đề bạt. Theo qui định mới, một hồ sơ đề bạt sẽ được duyệt xét bởi 3 người (thay vì 2 như trước đây). Theo tôi, chỉ 3 người duyệt hồ sơ vẫn chưa đủ. Duyệt đơn đề bạt của một cá nhân rất quan trọng vì quyết định có ảnh hưởng đến sự nghiệp của ứng viên, cho nên cần phải có nhiều ý kiến. Ở nước ngoài, các đại học thường cần đến 7 hay 8 chuyên gia bình duyệt độc lập, trong số này có ít nhất là 2 người từ nước ngoài.

Kinh nghiệm từ ngoài

Ở nước ngoài, mà cụ thể là Úc và Mĩ, các đại học xét duyệt đề bạt chức danh GS/PGS dựa vào 4 tiêu chuẩn chính: thành tựu nghiên cứu khoa học (research output), giảng dạy và đào tạo (teaching & training), lãnh đạo (leadership), và phục vụ (services).

Thành tự nghiên cứu khoa học bao gồm số lượng và chất lượng công trình nghiên cứu đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngoài ra, các bằng sáng chế (patents) cũng được xếp trong tiêu chí này. Hội đồng khoa bảng dựa vào những chỉ số như hệ số IF của tập san và chỉ số H của cá nhân ứng viên. Không có con số cụ thể về IF để đánh giá chất lượng cao hay thấp, bởi vì IF quá tùy thuộc vào từng bộ môn khoa học, nhưng nói chung, hội đồng chú ý đến những bài báo được công bố trên những tập san hàng đầu trong chuyên ngành. Chỉ số H rất quan trọng, vì đây là chỉ số quyết định một phần sự thành bại của ứng viên. Các trường đại học danh tiếng và lớn bên Mĩ thường đòi hỏi ứng viên phải có chỉ số H tối thiểu là 15 (thường là 20) để được đề bạt chức danh giáo sư.

Giảng dạy và đào tạo là những chỉ tiêu về số môn học (course) mà ứng viên thiết kế và giảng dạy. Ứng viên phải trình bày rất chi tiết về số sinh viên, đánh giá của sinh viên ra sao, và thành tựu trong giảng dạy. Tôi từng thấy có ứng viên đem cả băng video và DVD, kèm theo những kết quả thăm dò ý kiến của sinh viên về môn học, để chứng minh khả năng giảng dạy của mình cho hội đồng khoa bảng xem xét.

Lãnh đạo ở đây không phải là quản lí hay hành chính, mà là đi đầu trong một lĩnh vực nghiên cứu. Không có những thước đo cụ thể về tiêu chuẩn này, nhưng những “tín hiệu” sau đây được xem là liên quan đến “lãnh đạo”: được mời viết xã luận, bình luận, bài tổng quan, được mời thuyết giảng trong các hội nghị lớn tầm quốc tế (còn gọi là invited lecture, keynote lecture, v.v…) mà ban tổ chức tài trợ hoàn toàn, được mời tham gia soạn thảo chương trình khoa học cho hội nghị, đóng vai trò chủ tọa hội nghị, v.v…

Phục vụ ở đây là phục vụ cho chuyên ngành và cộng đồng. Hội đồng thường xem xét đến những đóng góp cho các tập san khoa học trong vai trò phản biện, bình duyệt, hay cao hơn là được mời làm thành viên của ban biên tập cho tập san, hoặc cao hơn là đóng vai trò tổng biên tập và phó biên tập của các tập san khoa học quốc tế. Phục vụ trong các hiệp hội khoa học cũng được xem là một chỉ tiêu quan trọng. Ngoài ra, hội đồng cũng xét duyệt đến những cống hiến bình duyệt đơn xin tài trợ, tham gia bình duyệt luận án tiến sĩ cho các đại học nước ngoài, tham gia bình duyệt đơn xin đề bạt của đồng nghiệp nước ngoài. Đó là những “chỉ tiêu” được xem là đóng góp, phục vụ cho chuyên ngành.

Vài đề nghị

Đối chiếu những tiêu chí và tiêu chuẩn này với tiêu chuẩn của Việt Nam, tôi thấy những tiêu chí và tiêu chuẩn mới công bố rất phức tạp, máy móc, tính toán theo kiểu “cân đo đong đếm” rất phi khoa học tính. Ngoài ra, tiêu chuẩn tiếng Anh có thể cần thiết nhưng tôi thấy khá mù mờ, vì rất khó định nghĩa được thế nào là “có khả năng giao tiếp”. Nếu những gì vừa trình dày dẫn đến cải tiến, tôi nghĩ đến những đề nghị sau đây:

Thứ nhất là nên phân chia ngạch đề bạt. Ở nước ta có nhiều người mà nhiệm vụ chính là giảng dạy, và xét phong giáo sư cho những người này không nên đặt nặng vào những tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học. Do đó, cần phải có những tiêu chuẩn cho những người chuyên về giảng dạy, nghiên cứu, và thậm chí phục vụ. Thật vậy, có người tuy không giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng có thành tích trong việc phục vụ và quản lí, thì Hội đồng chức danh cũng nên có cơ chế để công nhận đóng góp của họ.

Thứ hai là không nên có những tiêu chuẩn cứng nhắc theo kiểu cân đo đong đếm. Những chỉ số Z mà tôi đề nghị cũng chỉ mang tính tham khảo hơn là dựa vào đó để đánh giá cao thấp, bởi vì đánh giá như thế đòi hỏi nhiều khía cạnh khác chứ không phải chỉ công bố quốc tế. Trái với các tiêu chuẩn đề bạt trong nước về đề bạt chức danh khoa bảng bằng cách tính điểm bài báo, ở nước ngoài người ta không có những điểm cụ thể, mà chỉ đánh giá mang tính nửa lượng nửa chất. Về lượng, họ xem xét đến hệ số ảnh hưởng của tập san, chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học đã công bố, và nhất là chỉ số H của ứng viên. Họ không đề ra những con số bài báo cụ thể phải là bao nhiêu để được đề bạt. Những chỉ số chỉ mang tính tham khảo, vì họ còn phải đánh giá số lượng bài báo được mời đóng góp hay những lần giảng tại hội nghị quốc tế được ban tổ chức mời và chi trả.

Thứ ba là vận dụng tối đa hệ thống bình duyệt (peer review). Không như ở một số nước việc bình duyệt chức danh khoa bảng được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín, ở nhiều trường bên Úc và Mĩ, người ta sử dụng hệ thống bình duyệt do chính các đồng nghiệp của ứng viên làm. Triết lí đằng sau cách làm này là chỉ có đồng nghiệp cùng chuyên môn với ứng viên là những người đánh giá chính xác nhất về thành tựu và uy tín của ứng viên. Một số đơn mà người viết bài này bình duyệt, hội đồng chức danh yêu cầu ứng viên tự chỉ ra trong đơn là họ tương đương với ai trên thế giới. Ngoài ra, hội đồng chức danh còn yêu cầu người bình duyệt chỉ ra thành tựu của ứng viên có thể xếp vào nào và tương đương với ai trên thế giới. Nói tóm lại, để cho đồng nghiệp trong và ngoài đánh giá còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình đề bạt.

Thứ tư là tính minh bạch. Tất cả các chi tiết về thủ tục và tiêu chuẩn đề bạt cho từng chức vụ đều được phổ biến trên internet. Ngoài ra, danh sách những người trong hội đồng phỏng vấn và lĩnh vực nghiên cứu cần được công bố cho ứng viên biết trước. Thành phần hội đồng phỏng vấn được tuyển chọn sao cho đảm bảo bình đẳng giới tính, khoa học và ngoài khoa học, trong và ngoài đại học, v.v… Tính minh bạch còn thể hiện qua qui định ứng viên có quyền được xem các báo cáo bình duyệt của đồng nghiệp. Ngoài ra, phải có cơ chế để ứng viên “khiếu nại” nếu đơn xin đề bạt không thành công.

Cố nhiên, tình hình thực tế ở nước ta không thể ứng dụng các tiêu chuẩn Âu Mĩ để đề bạt giáo sư, nhưng tôi nghĩ có thể dựa vào các tiêu chí quốc tế như là một bước đầu trong quá trình hội nhập quốc tế.

NVT
NB: Bài này trên Tia Sáng