Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Hiệu quả của tamiflu và relenza

Khi một trận dịch cúm xảy ra, người ta nghĩ ngay đến vắcxin hay thuốc chống nhiễm (antiviral drug) như là một liệu pháp phòng chống cúm. Lần này cũng thế, khí dịch A/H1N1 xảy ra, ai cũng nghĩ đến 2 loại thuốc phổ biến nhất hiện nay là tamiflu và relenza. Ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định là có đủ thuốc để phòng chống dịch cúm H1N1. Hi vọng thế. Nhưng đọc bài dưới đây của một người trong cuộc thì thấy hình như tuyên bố của Bộ trưởng không đúng với thực tế. Bs Hiền viết “Nghe đâu chúng ta cũng chỉ có vài trăm ngàn liều Tamiflu do viện trợ hay mua, nhưng vấn đề là mua nhiều quá mà không có dịch thì sao?” Chỉ vài trăm ngàn liều liệu có thể sử dụng cho toàn quốc không? Ai mà nghĩ như thế thì có vẻ lãng mạng quá.

Thật ra thế nào là đủ? Nước ta có 86 triệu dân, và vì virút cúm không phân biệt độ tuổi, cho nên số người phơi nhiễm phải là 86 triệu. Nếu mỗi người một liều tamiflu hay relenza thì chúng ta cần ít nhất là 86 triệu liều thuốc. Hiểu như thế để thấy vài trăm ngàn liều tamiflu thì có nghĩa lí gì đâu!

Nhưng còn một chuyện quan trọng hơn nữa: đó là hiệu quả của tamiflu và relenaza. Bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy virút H1N1 kháng thuốc tamiflu và relenaza. Tỉ lệ kháng thuốc, tùy theo nghiên cứu, có thể dao động từ 12% đến 98%. Nói cách khác, cho dù chúng ta có đủ hai thuốc này đi nữa, thì hiệu quả thật của nó cũng rất thấp, chẳng ngăn ngừa được bao nhiêu ca bệnh cả.

Thật ra, ngay cả tamiflu và relenza có hiệu quả thật sự (tức là ngăn ngừa cúm khoảng 60% ca), người ta đã làm meta-analysis (một dạng phân tích tổng hợp) và cho thấy sử dụng hai thuốc này trên bình diện cộng đồng không đem lại hiệu quả kinh tế. Tại sao tamiflu không có hiệu quả kinh tế? Tại vì tamiflu có tác dụng làm ngắn thời gian mắc bệnh, giảm độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng bệnh, chứ không giảm tử vong. Mục tiêu tối hậu của một phòng dịch cúm là giảm tử vong, nhưng tamiflu không có hiệu quả đó. Chính vì thế mà tamiflu không được xem là có hiệu quả kinh tế. Điều này cho thấy không nên sử dụng tamiflu một cách đại trà.

NVT

Ghi thêm 26/5/09: tôi xóa bỏ đoạn nhận xét về bài báo trên tờ NEJM vì một anh bạn trong cuộc cho biết đoạn này báo TTCN biên tập hơi "quá", chứ trong thực tế anh không có ý nói điều đó. Do đó, nhận xét của tôi có lẽ không công bằng, và tôi rút bỏ đoạn đó.



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315020&ChannelID=119

Văcxin ngừa cúm và nỗi buồn nước nghèo

LTS: Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vừa tham dự hội nghị thế giới về văcxin ngừa cúm (Conference on influenza vaccines for the world) diễn ra tại Cannes (miền nam nước Pháp) từ 26 đến 30-4-2009. TTCT giới thiệu một số ghi nhận của BS Hiền từ hội nghị này.

Tham gia mấy chủ đề về “sẵn sàng đối phó cúm” ở hội nghị, tôi chợt nhận ra các nước nghèo (được gọi một cách “ngoại giao” là “nước đang phát triển”) thực chất trong tay không có gì để sẵn sàng đối phó với đại dịch một khi xảy ra ở phạm vi toàn cầu! Cứ theo thông tin từ Roche và GSK, hai công ty sản xuất thuốc trị cúm Tamiflu và Relenza, ít nhất sáu tháng sau khi đại dịch bùng nổ họ mới tăng sản lượng thuốc được. Nhiều đại biểu vặn hỏi số lượng chính xác, cả hai đều cho biết tùy thuộc đơn đặt hàng.

Không biết trong số “những nước đang phát triển” có nước nào đặt hàng chưa, chứ hiện nay Anh đã trữ được 35 triệu liều Tamiflu và sẽ tăng lên 50 triệu liều nữa. Như vậy cứ sáu người Anh có năm người được bảo vệ. Mỹ, Pháp, Úc cũng chuẩn bị tương tự. Về văcxin, mới bùng phát cúm A/H1N1 vài ngày Hoa Kỳ đã tuyên bố cố gắng sản xuất thuốc ngừa cho chủng virus gây dịch H1N1 ở Mexico, đến cuối năm nay họ hi vọng sẽ có 50-60 triệu liều.

Vậy Việt Nam thì sao? Nghe đâu chúng ta cũng chỉ có vài trăm ngàn liều Tamiflu do viện trợ hay mua, nhưng vấn đề là mua nhiều quá mà không có dịch thì sao? Không thể có khả năng dự trữ (stockpile) như Anh hay Mỹ được. Còn về văcxin, Viện Vệ sinh dịch tễ ở Hà Nội (NIHE) đang thử nghiệm văcxin H5N1 sản xuất theo công nghệ mới là “nuôi cấy trên tế bào” (cell-based production), nhưng theo các chuyên gia Hoa Kỳ, công nghệ này vẫn chưa sẵn sàng, nghĩa là chưa an toàn.

Trong khi đó, ghi nhận từ hội nghị thì Hoa Kỳ và Úc đã bao trọn gói văcxin chống H5N1 (Emerflu) của Sanofi Pasteur rồi! Như vậy, nếu có đại dịch toàn cầu, người dân các nước đang phát triển chỉ còn nước cầu Chúa, khấn Phật vì thuốc và văcxin đều không có đủ, nếu có đủ thì chỉ sau sáu tháng!

Người ta thường dùng hình tượng ba cột “chống trời” khi đương đầu với đại dịch là thuốc, văcxin và các biện pháp khác. Thế nhưng thuốc và văcxin như thế còn các biện pháp khác thì sao? Trang thiết bị phòng hộ cá nhân (personal protective equipments) khi có khi không và không đồng bộ, ngay cả khẩu trang N95 cũng đâu phải nhiều nhặn gì.

Một vấn đề khác là chẩn đoán nhanh. Tuần qua, Mexico và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đổ lỗi cho nhau “phản ứng chậm chạp để bệnh lan rộng”. Nhưng khi cậu bé Édgar Hernández - người bệnh đầu tiên ở La Gloria, Mexico - bị sốt, không ai chẩn đoán ra “cúm heo” (như lúc đầu người ta gọi) vì phải chờ xét nghiệm PCR ở Mexico City và Canada, mà kết quả 10 ngày sau mới có (13 đến 23-4). Chuyện này cho thấy cần đến sự nhạy bén của bác sĩ lâm sàng. Tôi hỏi nhiều người ở Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ, không ai biết rõ đặc tính lâm sàng của cúm H1N1 mới này cả! Kinh nghiệm từ H5N1 cho thấy bị cảm cúm mà bạch cầu máu thấp 3.000-4.000/microL thường gặp lắm...

Nên mình phải chờ đợi các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để có thể làm một lưu đồ (algorithm) dùng chẩn đoán trên lâm sàng. Nhớ hồi năm 2004, chỉ ba tuần sau khi có dịch H5N1 ở Việt Nam, chuyên gia nước ta đã tổng kết được các đặc điểm lâm sàng của bệnh để đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine của Mỹ rồi. Xem ra ngành truyền nhiễm Việt Nam đáng tự hào thật, vì có lẽ chúng ta đã quen “chinh chiến” với dịch bệnh rồi.

TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN
(phó giám đốc ệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét