Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Vi khuẩn tả trong ruột chó ?

Các quan chức y tế Hà Nội rầm rộ tuyên bố rằng họ phát hiện vi khuẩn tả trong ruột chó. Theo báo chí tường thuật, kết quả xét nghiệm 6 mẫu thịt chó và phân chó tại Hà Đông cho thấy 5 mẫu dương tính với vi khuẩn tả. Tin này được lan truyền đi rất nhanh, có báo còn chạy cái tít giật gân như “tóm được phẩy khuẩn tả trong thịt chó”.

Trước một bản tin như thế chúng ta có 3 câu hỏi: thông tin có đáng tin cậy không; diễn giải thông tin đó như thế nào; và chúng ta phải làm gì? Tôi sẽ lần lược bàn đến 3 câu hỏi đó.

Thông tin có đáng tin cậy không? Đằng sau mỗi thông tin khoa học là vấn đề phương pháp. Ở đây, phương pháp xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để chúng ta có thể đánh giá độ tin cậy của thông tin. Tất cả các phương pháp xét nghiệm, dù tinh vi và đắt tiền đến đâu, cũng đều có vài sai sót như dương tính giả (tức thịt chó không bị nhiễm khuẩn nhưng kết quả là dương tính) và âm tính giả (thịt chó bị nhiễm khuẩn tả, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính). Chúng ta không biết tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả mà các quan chức y tế Hà Nội xét nghiệm là bao nhiêu.

Cần nói thêm rằng họ xét nghiệm 6 mẫu thịt chó, nhưng 5 mẫu có kết quả dương tính (tức tỉ lệ là 83%). Chúng ta có thể nào tin rằng 83% mẫu thịt chó nhiễm khuẩn tả? Tại sao thử nghiệm trên 6 mẫu thịt chó, mà không là 60 mẫu, hay 600 mẫu, hay 6000 mẫu? Cơ sở khoa học nào để chọn 6 mẫu? Quan trọng hơn, 6 mẫu đó được chọn như thế nào, được bảo quản như thế nào? Có rất nhiều vấn đề cần biết, nhưng bản tin trên không cung cấp được những thông tin căn bản đó.

Còn nhớ trước đây khi các quan chức dịch tễ học và WHO tuyên bố với báo chí thế giới rằng ăn thịt chó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả 20 lần. Khi chúng tôi viết thư chất vấn ông trường đại diện WHO ở Việt Nam về bằng chứng khoa học ở đâu, thì ông không cung cấp được bằng chứng! Khi chúng tôi nêu vấn đề ông vi phạm qui ước khoa học trong việc công bố kết quả, ông cũng không trả lời thỏa đáng. Lần này cũng thế, trong khi kết quả chưa công bố trên bất cứ một diễn đàn khoa học nào, nhưng các quan chức y tế Việt Nam đã vội vã tuyên bố rằng họ đã phát hiện khuẩn tả trong thịt chó! Nói cách khác, họ đã vi phạm qui ước khoa học.

Diễn giải thông tin có vi khuẩn tả trong thịt chó như thế nào? Cho đến nay, chưa thấy quan chức y tế giải thích cho chúng ta biết thông tin trên có ý nghĩa gì. Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, “đây là một phát hiện mới vì từ trước tới nay chưa phát hiện phẩy khuẩn tả trong đường ruột chó.” Năm 2006, các nhà khoa học Thái Lan phát hiện virút H5N1 trong chó, sau khi chó ăn thịt vịt bị nhiễm H5N1. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Thái Lan tính toán thì xác suất nhiễm như thế rất thấp.

Nếu tìm thấy vi khuẩn tả trong thịt chó, chúng ta có thể kết luận thịt chó là nguồn gây dịch tả? Câu trả lời dứt khoát là không. Muốn kết luận thịt chó là nguyên nhân gây dịch tả, cần phải đáp ứng 4 điều kiện. Điều kiện thứ nhất là vi khuẩn đó phải tồn tại ở tất cả bệnh nhân ăn thịt chó. Điều kiện thứ 2 là vi khuẩn đó phải được tách ra từ chó và có thể nuôi dưỡng trong môi trường thí nghiệm. Điều kiện thứ 3 khi vi khuẩn nuôi trong môi trường thí nghiệm cấy vào chó và làm cho chó mắc bệnh. Điều kiện thứ tư là tư, khi vi khuẩn cấy vào chó và gây bệnh được tách ra phải chính là vi khuẩn được tách ra ở bước 2. Nói cách khác, hiện nay, chúng ta vẫn không thể kết luận gì về thông tin vi khuẩn tả có trong thịt chó, và dứt khoát không thể nói thịt chó là nguyên nhân của bệnh tả hiện nay.

Chúng ta phải làm gì? Đối với công chúng, chẳng làm gì cả. Nên nhớ rằng vi khuẩn tả không thể sống trong nhiệt độ cao. Do đó, ăn uống thịt, kể cả thịt chó, chỉ cần nấu chín là an toàn.

Trước đây, cũng các quan chức y tế khăng khăng cho rằng mắm tôm là nguyên bệnh của bệnh tả, nhưng sau đó thì họ nói mắm tôm vô tội (dù chúng tôi đã phân tích từ lâu rằng mắm tôm không thể là nguồn gây bệnh dịch tả). Hết mắm tôm, nay đến thịt chó bị tố cáo là thủ phạm. Qua kinh nghiệm trước đây, tôi e rằng thịt chó lại bị hàm oan.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét