Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Bauxite Tây Nguyên

Mấy hôm trước đọc trên một trang blog nước ngoài thấy có bài của La Thành (một tác giả ở Hà Nội) bàn về vụ bauxite Tây Nguyên và ý nghĩa của nó đến sự tồn vong của đất nước. Tôi rất ít khi nào bỏ thời gian đọc mấy bài đao to búa lớn như thế, nhưng riêng bài này thì tôi đọc và thấy bị lôi cuốn ngay từ đầu. Bài dài lắm, có thể xem trên trang nhà của Diễn Đàn (địa chỉ dưới đây).

"Như bức thư đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho hay, vào đầu thập kỉ 1980, sự trù mật quặng bauxite ở cao nguyên miền Trung đã từng được đưa ra mời mọc các đối tác COMECON như một món quà ra mắt đáng giá của tân binh Việt Nam vào thời điểm nó vừa mới gia nhập khối này, song lời mời đã được can ngăn — một sự can ngăn được cho là công tâm — bởi các chuyên gia Liên Xô. Hẳn rằng khi đóng lại hồ sơ dự án đầu tiên về bauxite Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Giáp đã không thể ngờ rằng nó sẽ được phục hồi và hơn nữa, được thực hiện một cách đầy quyết tâm bởi các hậu bối của ông sau đó gần ba thập niên, cũng dưới quan kiến của nước ngoài. Mặc dù sự khép lại dự án 30 năm về trước là một quyết định đúng đắn một cách may mắn, ít ai để ý rằng giữa hai quyết định trái ngược nhau vào hai thời điểm khác nhau kia tồn hữu một qui luật: trong khi khinh thị, bấp chấp và sẵn sàng đè bẹp mọi ý kiến khác biệt từ nội bộ, các chính quyền kế tiếp nhau của Đảng Cộng sản luôn luôn ngoan ngoãn phục tùng ý chỉ của các nước lớn có cùng ý thức hệ. Vì sao vậy? Câu trả lời đã có sẵn và hoàn toàn đơn giản: chính thể toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và luôn luôn được duy trì chủ yếu nhờ các thế lực bên ngoài. Từ sự thật mang tính nguyên lí này, sẽ không có khả năng đại dự án khai thác bauxite bị lật ngược. Chính phủ Việt Nam đang và sẽ “làm bauxite bằng mọi giá"!"

Trong đoạn “Chủ nghĩa bán nước Việt Nam versus Tinh thần ái quốc Mĩ Latin”, La Thành viết:

"Ở một đơn vị lớn của quân đội đóng trên địa bàn Hà Nội, những cuộc họp chi bộ Đảng hằng tháng gần đây đã biến thành những xê-mi-na sôi nổi xung quanh chủ đề bauxite Tây Nguyên. Một vài sĩ quan đã không ngần ngại phát biểu công khai: “Chúng nó đang bán nước!” Thái độ khiếp nhược, nô lệ của giới cầm quyền trước nước lớn phương Bắc đã được đem ra mổ xẻ. Có ý kiến cho rằng sự thần phục và những nhượng bộ của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc trong nhiều năm qua là bất khả kháng, thậm chí là lựa chọn khôn ngoan duy nhất của một nhược quốc không may có chung đường biên giới với Trung Quốc. Bác lại ý kiến này, nhiều người đã đưa ra những phản đề đầy sức thuyết phục. Một trong những phản thí dụ điển hình nhất là ứng xử đối với Trung Quốc và đối với các cường quốc nói chung của ban lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, quốc gia có vị thế địa chính trị và ý thức hệ tương đồng với Việt Nam. Có thể thấy rõ rằng trong suốt nửa thế kỉ tồn tại của chế độ cộng sản Bắc Hàn, các nhà độc tài Kim Il Sung và Kim Zhong Il ở đây — mặc dù khét tiếng về hạnh kiểm nhân quyền đối với nhân dân của họ — chưa bao giờ tự coi mình là những hầu tước của triều đình Bắc Kinh, bất chấp món nợ xương máu mà chế độ của họ từng mắc phải với Trung Quốc hồi thập niên 1950."

Viết về chuyến thăm Trung Quốc của TBT Đỗ Mười, tác giả mô tả một cách sinh động:

"Tháng Mười Một 1991, Đỗ Mười lên đường đi Hoa Lục trong một lịch trình thăm thú dông dài. Ở Bắc Kinh, mặc dù được tiếp đón không mấy vồn vã, Mười vẫn lao đến ôm hôn Giang Trạch Dân, không một chút tự trọng. Khi những cuộn băng hình ghi lại chuyến đi được phát trên ti-vi Hà Nội, nhiều người đã không khỏi sượng sùng trước cảnh Tổng Bí thư Việt Nam lăn xả vào vòng tay của ngay cả một viên bí thư huyện uỷ của Trung Quốc, đến nỗi một quan chức tháp tùng phải níu tay kéo lại…

Đó là hành xử của những kẻ bất tài và nô lệ. Bất tài nên chỉ biết nệ giáo điều, không có khả năng vượt thoát những tư duy xơ cứng của một ý thức hệ lỗi thời và lầm lạc để tranh thủ một vận hội lớn lao đã từng gõ cửa đất nước và dân tộc. Nô lệ nên phải có chủ để dựa dẫm, để được giúp lựa chọn các quyết định và để được thực thi các mệnh lệnh trong khi hoàn toàn vô ý thức về phẩm giá."

Về bauxite, La Thành nhận định:

"Cần phải thấy rằng sự trở lại bình thường của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hồi thập niên 1990 là một thắng lợi của Trung Quốc, chứ không phải của Việt Nam. Trước đó, vị thế quốc tế của Trung Quốc đang hết sức khó khăn: trong “vấn đề Cam-pu-chia”, họ đang bị cộng đồng quốc tế cô lập vì đã hậu thuẫn những tội ác diệt chủng của nhóm Pol Pot, và đang đứng trước khả năng bị mất vai trò trong việc giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Việc Liên Xô - Đông Âu tan rã và ban lãnh đạo Việt Nam cuống cuồng cầu thân trở lại với Trung Quốc đã trở thành một cống vật bất ngờ đối với Bắc Kinh. Từ đấy, tiến trình giải quyết vấn đề Cam-pu-chia đã diễn ra theo những điều kiện của Trung Quốc, bởi lẽ sự hoàn tất tiến trình này là giá của món quà “quan hệ bình thường” mà Trung Quốc đã giành được quyền trao cho ban lãnh đạo Việt Nam.

Từ khi quan hệ Việt-Trung được tái bình thường hoá, sau các hiệp định bất bình đẳng về hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà nước lớn hơn là kẻ thủ lợi, bauxite Tây Nguyên chỉ là nước ăn quân tiếp theo của tay cờ Bắc Kinh trên bàn cờ thế Trung-Việt mà lợi thế áp đảo luôn luôn nghiêng về Trung Quốc. Nói đúng hơn thì phía Việt Nam đã và luôn luôn chủ động “thí quân” một cách ô nhục. Biểu hiện điển hình nhất là lâu nay, trước những hoạt động của Trung Quốc gặm nhấm và/hoặc hợp pháp hoá sự cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, giới chức Việt Nam tỏ ra buông xuôi rõ rệt, không hề làm gì tích cực hơn những tuyên bố môi mép sáo rỗng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao (đã từ rất lâu rồi người ta không thấy một phản đối nào được đưa ra ở tầm Chính phủ!), trong khi đáng lẽ cần phải mạnh mẽ đầu tư thu thập chứng lí và khởi kiện Trung Quốc ra một toà án quốc tế để ít nhất, quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Một nỗi nhục khó quên khác là hồi đầu 2005, trước việc một nhóm ngư dân Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá bị hải quân Trung Quốc vô cớ bắn giết, bắt giữ trái phép và vu cáo một cách đê tiện, nhà đương cục Việt Nam đã chỉ ươn hèn câm lặng đồng thời ép buộc các nạn nhân phải câm lặng… Những động thái vừa nêu hoàn toàn tương phản với sự tận tuỵ mẫn cán mà giới chức các cấp đang thể hiện trong việc triển khai và bảo vệ các dự án khai thác bauxite phục vụ cho nhu cầu của Trung Quốc.

Vì sao lại như vậy? Vào lúc này, sau hai thập kỉ kể từ các sự biến Liên Xô - Đông Âu, nỗi lo mất chế độ của giới cầm quyền Việt Nam đang tạm thời giảm tính nguy cấp. Mặt khác, mặc dù đã tự đặt mình vào vị thế hèn đớn để luôn luôn bị Trung Quốc chèn ép, giới chức Việt Nam chưa phải đã không còn gì để mặc cả: đằng sau họ là cả một dân tộc mà hàng nghìn năm nay Trung Quốc chưa khuất phục thành công, là một quốc gia có toạ độ địa chính trị và địa vị quốc tế không đến nỗi tầm thường; ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thượng nghị sĩ Hoa Kì John McCain được biết là đã mang theo những gợi ý có sức nặng nếu được chấp thuận… Trong những điều kiện như vậy, sự nhũn nhượng khó coi của tập đoàn cầm quyền ở Việt Nam trước Trung Quốc chỉ có thể được giải thích bởi một sự thật: ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng tất cả các thuộc cấp gắn bó với nó về lợi ích, đã hoàn toàn bị nước lớn kia mua chuộc. Không còn gì phải nghi ngờ, bauxite Tây Nguyên là một qui hoạch tuyệt đối vô giá trị về kinh tế đối với đất nước, song những kẻ bày ra và theo đuổi qui hoạch này sẽ không bao giờ thua lỗ: họ đã được giới tài phiệt đỏ Trung Hoa bảo đảm quyền lợi."

Về đạo đức:

"Một trong những người thầy Nga của tôi, một nữ giáo sư ngôn ngữ học, khi được tôi hỏi “theo bà, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự tan rã của Liên Xô?”, đã viết trong thư trả lời tôi như sau:

'Sự suy đồi đạo đức, có lẽ vậy. Y như thời kì cuối của Đế quốc La-mã, nếu anh từng quan tâm đến. Vào thời gian cuối của Liên Xô, xã hội Xô-viết giống như một cái thùng sắt tây rỗng tuếch. Quân đội thì vẫn còn một chút nanh vuốt nào đấy, nhưng mọi thứ khác đều đã thành vô dụng và nhạt thếch. Nạn nhũng lạm lây lan như dịch hạch, trở thành nguồn sống và môi trường sống cho mọi người. Trọn một thế hệ đã sinh ra, được dưỡng dục và trưởng thành trong đó. Cuối cùng thì điều không tránh khỏi là chỉ cần một cú chọc bất kể theo hướng nào cũng sẽ khiến cái vỏ rỗng kia bẹp dúm vào trong. Không ai biết chắc sai hỏng bắt đầu từ đâu. Có thể là từ những năm tháng sơ khởi đẫm máu của chế độ: thói độc đoán và lạm dụng bạo lực đã in hằn vào dân chúng tình cảm bất tín và căm ghét chính quyền…'

Khi tôi đưa cho một đồng nghiệp xem những trích đoạn này, anh đã phát biểu không một chút do dự: “Ở Việt Nam điều này không còn là tiên tri nữa, mà là thực tế: chế độ cộng sản đang vô cùng cô độc. Việc nó ngã vào vòng tay Trung Quốc là hậu quả tất yếu của sự cô độc đó.” Tôi xin thêm vào nhận xét của anh: đất nước cũng đang bị cách li với thế giới bởi hàng loạt tiêu chí giá trị, nổi cộm là các giá trị đạo đức. Bản Thông cáo Báo chí của Bộ Công thương hôm 27 tháng Tư, từ góc nhìn khái quát, chỉ là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy đồi đạo đức.

Tôi e rằng so với Liên Xô cũ, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn nguy khốn hơn nhiều. Liên Xô đã sụp đổ chỉ như một thiết chế nhà nước, còn các bản thể quốc gia - dân tộc của thiết chế này — Liên bang Nga và những nền độc lập mới tách ra từ nó — vẫn nguyên vẹn, trong đó nước Nga từ nhiều thế kỉ nay đã vươn lên thành một sức mạnh toàn cầu. Việt Nam, trái lại, trong 150 năm qua hết là thuộc địa lại bị chia cắt bởi các trung tâm quyền lực quốc tế. Ba mươi tư năm sau thời khắc loé sáng 1975 — hãy cứ cho là như vậy –, quốc gia nghìn năm sử của người Việt chẳng những vẫn chưa được thái an, mà còn đang đứng trước hoạ bị tận diệt. Đây không hề là sự kích động.

Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia - dân tộc.

Hoặc nó đang là phép thử đối với phản xạ tự vệ của dân tộc và quốc gia Việt."

Một lời cảnh báo đáng lắng nghe!

NVT


Nguyên văn bài đó ở đây:

http://www.diendan.org/viet-nam/phep-thu-phan-xa-cua-quoc-gia-viet/

Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vệ của quốc gia Việt

La Thành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét