Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Đại học Quốc gia TPHCM và “đẳng cấp quốc tế”

Bạn đọc Nhu Tran gửi cho tôi một đường link để đọc bài báo viết về Đại học Quốc gia TPHCM (VNU-HCMC), và hỏi tôi có bình luận gì không. Đọc xong bài "Thành công bước đầu của mô hình Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh", tôi cũng muốn có vài dòng bình luận như là một độc giả qua đường.



Bài báo viết về những thành tựu trong vài năm gần đây của VNU-HCMC, với những con số cụ thể như là làm cơ sở cho những nhận xét đó. Tác giả bài báo viết “Những thành quả bước đầu trong công tác chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của ÐHQG TP HCM đã mang lại những tín hiệu tích cực trong khát vọng hội nhập và vươn đến đẳng cấp khu vực và thế giới của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ÐHQG TP HCM xác định, để hội nhập đầy đủ, được sự ghi nhận của cộng đồng đại học thế giới thì con đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu.” Nói cách khác, thành tựu thì cũng có đấy, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Tôi thì thấy khó khăn phía trước là chuyện đương nhiên (trường nào mà không có khó khăn và thách thức!), chuyện đáng bàn là những thành tựu trong quá khứ (nếu có) có xứng đáng để mình tự hào hay không, có xứng đáng để mình tự tin là sẽ vươn lên đẳng cấp quốc tế?

Chúng ta hãy nhìn vào một số con số liên quan đến trường VNU-HCMC. Trường có một đội ngũ gồm 3830 người; trong số này có 2490 người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu (tức là “faculty” hay “academic staff” hiểu theo nghĩa nước ngoài). Tuy nhiên, trong số 2490 academic staff, chỉ có 562 người (~25%) có bằng tiến sĩ, và chỉ có 149 (6% tổng số academic staff) giáo sư và phó giáo sư. Bài báo còn cho biết trong 3 năm 2006-2008, tổng số bài báo khoa học từ đại học là 1320 bài, nhưng chỉ có 251 bài đăng trên các tập san khoa học quốc tế (ISI), và trong số 251 bài này, tác giả chính từ đại học chiếm ~60%. Tổng chỉ số impact factor là 355.4. Những con số này nên được hiểu như thế nào? Tôi nghĩ những con số này cần phải đặt trong bối cảnh các đại học trong vùng hay các đại học đẳng cấp quốc tế (vì ước nguyện là VNU trở thành đẳng cấp quốc tế). Một khi xem xét những dữ liệu này như thế, tôi có thể đi đến vài nhận xét sau đây.

Thứ nhất là cấu trúc đội ngũ nhân viên của trường VNU-HCMC có phần bất bình thường. Một trường đại học có đẳng cấp quốc tế không chỉ cần một đội ngũ giáo sư hùng hậu, mà còn cần đến một đội ngũ cán bộ nhân viên yểm trợ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học (gọi là “general staff” hay “support staff”). Không có những general staff này thì làm sao làm nghiên cứu khoa học có hiệu quả được. Ở các đại học nước ngoài, tỉ lệ giảng viên và giáo sư thường chiếm khoảng 40-50% tổng số nhân viên. Chẳng hạn như ở trường tôi (UNSW), có 2497 giảng viên và giáo sư, chiếm 47% tổng số 5276 nhân viên, và phần 53% còn lại là general staff. Ở trường ANU (Úc), tỉ lệ giảng viên và giáo sư trên tổng số nhân viên là 41% (1578 / 3874); ở UCSD (Mĩ) tỉ lệ này thậm chí thấp hơn, chỉ 30% hay 5696 trên tổng số 18970 người. Còn ở VNU-HCMC thì số giảng viên và giáo sư chiếm đến 65% tổng số nhân viên của trường! Những so sánh này cho thấy VNU-HCMC thiếu general staff yểm trợ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là trình độ khoa học của đội ngũ giảng viên và giáo sư tương đối thấp. Tỉ lệ giảng viên và giáo sư với bằng tiến sĩ chỉ chiếm ~25%, thạc sĩ 44%, và cử nhân là 31%. Tôi hỏi một đồng nghiệp ở Đại học Mahidol thì được biết ở đại học này và Chulalongkorn, tỉ lệ giảng viên và giáo sư có bằng tiến sĩ là khoảng 60%. Ở các đại học Mĩ và Úc, tỉ lệ giảng viên và giáo sư có bằng tiến sĩ thường là 85-90%. Như vậy, đội ngũ giảng viên của trường chủ yếu là “trò dạy trò”.

Thứ ba là trường có quá ít giáo sư. Trong số 2490 giảng viên và giáo sư, chỉ có 6% là có “hàm” giáo sư và phó giáo sư. Ở UNSW, số giáo sư và phó giáo sư chiếm khoảng 1/3 (35%) tổng số nhân viên giảng dạy. Ở Đại học Mahidol, tỉ lệ giáo sư và phó giáo sư chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên. Nói cách khác, cấu trúc nhân sự khoa bảng của trường VNU-HCMC hơi bất thường (nhưng có lẽ cũng không ngạc nhiên với cái cơ chế hiện hành).

Thứ tư là thành tựu nghiên cứu khoa học còn quá khiêm tốn. Nói đến đại học đẳng cấp quốc tế là nói đến nghiên cứu khoa học. Theo tôi, nếu con số bài báo khoa học là chính xác, tuy đó là một khích lệ nhỏ, nhưng còn rất rất thấp so với chuẩn mực quốc tế. Mỗi năm Đại học Chulalongkorn công bố được khoảng 500 bài (con số của Mahidol hơn một chút), tức gấp 6 lần VNU-HCMC. Ngoài ra, bài báo “nội lực” của 2 đại học Thái Lan là 70%, tức cũng cao hơn so với VNU-HCMC (60%). Chưa vội so sánh với các đại học ở các nước tiên tiến, chỉ so với đại học Thái Lan thì cũng thấy VNU-HCMC còn kém quá.

Về chất lượng, chỉ số impact factor trung bình của những tập san mà VNU-HCMC công bố chỉ 1.4, tức là cực kì thấp. Chỉ số trích dẫn của các công trình thuộc 2 đại học Thái Lan vừa đề cập cao gấp 3 lần so với các công trình từ VNU-HCMC (11 so với 4).

Ở trên, tôi đặt giả định nếu con số bài báo khoa học chính xác, nhưng tôi nghi ngờ con số này. Năm ngoái, Gs Phạm Duy Hiển đã làm một thống kê công phu về con số bài báo khoa học từ các đại học hàng đầu ở Việt Nam, và kết quả cho thấy năm 2004, VNU-HCMC công bố chỉ 26 bài mà thôi (so với VNU-Hà Nội 28 bài); trong số này có 19 bài mà tác giả chính là người của VNU-HCMC. Giả dụ một năm là 40 bài thì 3 năm cũng chỉ có thể 120 bài, chứ khó mà có con số 251 bài như bài báo tường thuật. Tôi e rằng tác giả nhầm lẫn giữa “original article” và “abstract”, nên đánh giá thành tựu của VNU-HCMC [quá] cao hơn thực tế.

Về sinh viên, bài báo cho biết sinh viên VNU-HCMC luôn đi đầu và “đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực NCKH, học thuật, lý luận chính trị, chiến dịch tình nguyện ... và được nhân rộng (phong trào "Sinh viên 3 tốt", các cuộc thi Eureka, Olympic các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Robocon...).” Có lẽ đây là thước đo đánh giá chất lượng sinh viên của VNU-HCMC, nhưng tôi thấy ở nước ngoài người ta chỉ khoe sinh viên giỏi giang trong nghiên cứu khoa học, chứ chẳng thấy trường nào lấy những thành tích về lí luận chính trị để đo lường chất lượng sinh viên.

Hình như bài báo muốn nói đến những hợp tác với các đại học nổi tiếng trên thế giới như UCLA, Amsterdam, Tokyo, Osaka, v.v… như là một sự công nhận đẳng cấp quốc tế của VNU-HCMC. Nhưng tôi nghĩ khác, vì những hợp tác đó không có nghĩa là các trường đó công nhận VNU-HCMC ngang đẳng cấp với họ. Điều này cũng giống như đồng nghiệp nước ngoài sẵn sàng gọi các giáo sư Việt Nam là “professor” hay “doctor” như là một hình thức ngoại giao. Lời nói không mất tiền mua: họ có thể vui miệng khen VNU-HCMC là một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng đó chỉ là cách nói “đầu môi chót lưỡi”, mang tính ngoại giao chứ không phải là một sự công nhận.

Gần đây, có Đại học Việt Đức (mà ngài Bộ trưởng Giáo dục có chân trong ban quản trị) có tham vọng trở thành “đẳng cấp quốc tế” trong vòng 10 năm. Nhưng Đại học Quốc gia TPHCM, một trong những đại học hàng đầu ở VN, mà chỉ với thành tựu quá khiêm tốn như thế, tôi thấy con đường để các đại học VN “cất cánh” còn lắm chông gai. Những phân tích trên đây gợi ý rằng VN không cần phải đặt ra những mục tiêu hoành tráng (như đưa một vài đại học có tên trong danh sách “top 200” của một nhóm nào đó), mà cần phải tổ chức lại nhân sự đại học, nâng cao trình độ nhân sự khoa bảng, đổi mới giảng dạy và chương trình học (bỏ những môn không liên quan), và khuyến khích nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh. Cố nhiên, đã có cải tổ thì phải biết hiệu quả ra sao, và điều này đặt ra nhu cầu phát triển những chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục, một khía cạnh còn rất kém ở VN.

Là người Việt, ai mà không muốn thấy VN có một vài đại học có tên tuổi trên trường quốc tế. Có tham vọng lọt vào “top 200” hay “top 500” gì đó cũng rất cần thiết. Nhưng không nên nhầm lẫn giữa tham vọng và mơ mộng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét