“Câu chuyện tiến sĩ” phản ảnh qua 2 bài báo dưới đây có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm trong kĩ nghệ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Theo tôi thấy, điểm mấu chốt trong câu chuyện mà bài báo tường thuật là vấn đề đầu vào và huấn luyện. Đầu vào của qui trình đào tạo tiến sĩ ở trong nước, nếu nhìn vào thủ tục và văn bản chính thức, ai cũng thấy khá chặt chẽ. Nào là phải thi vào, kể cả thi tiếng Anh; phải có đề cương nghiên cứu, và đề cương phải được duyệt qua. Nhưng trong thực tế thì nó mang nặng tính hình thức và “hành là chính” chứ chẳng mang tính khoa bảng gì cả. Còn qui trình đào tạo thì nếu đọc hết dự thảo “
Qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ” của Bộ GDĐT thì mới thấy có nhiều điều bất cập. Qui chế này có đến 50 điều chia thành 7 chương, qui định về những chuyện nhỏ nhất (như số trang của một luận án) đến chuyện quan trọng nhất (như tổ chức đào tạo), nhưng nội dung khoa học thì không nhiều. Điều đáng tiếc là có nhiều qui định chưa đi sát với trào lưu và chuẩn mực đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến.
Đánh giá đề cương xứng đáng cho một luận án tiến sĩ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ở đây, chưa nói đến chuyện phương pháp, mà chỉ mới nói đến phần ý tưởng. Trong thực tế, rất rất nhiều đề cương nghiên cứu cấp tiến sĩ (tôi chỉ nói trong ngành y) ở Việt Nam chỉ là những công trình mang tính mô tả, hay kiểm kê lâm sàng (clinical audit), chứ chẳng có gì mang tính original hay chuyên sâu nhằm cung cấp câu trả lời cho một vấn đề khoa học. Ngay cả luận án cũng được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Một luận án chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để … cho đủ số trang! Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ là hoàn toàn thừa (vì lặp lại bảng số liệu). Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ mà trong đó, tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê gần phân nữa luận án, và những kết quả thì phải nói là … không kết quả! Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Tôi có đề cập đến vấn đề này thì người ta nói kiểu làm ở VN như thế, làm khác đi là rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt!
Qua những tranh cãi như bài báo dưới đây phản ảnh, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề. Tức là có vấn đề ngay từ đầu vào. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu ok! Có thể những câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Nhưng dù sao đi nữa thì quyết định này cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng, của các chuyên gia phản biện. Ở bên này, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), và họ cũng có quyền bất đồng (thậm chí phản biện lại) quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu họ hỏi … bậy và tào lao. Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: đó là thành viên trong hội đồng phản biện. Những lem nhem về tiền bạt, đường dây móc nối , như phản ảnh trong câu này: "
Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống 'có đi có lại' theo kiểu 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi'. Sau khi 'qua' cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!"
Đã từ lâu, tôi đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Thứ nhất là (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, và chỉ cho phép đào tạo cho những trung tâm có tư cách khoa bảng và có nghiên cứu nghiêm chỉnh. Thứ hai là ra một qui định mới về đào tạo tiến sĩ, trong đó việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch, tiêu chuẩn đào tạp cũng phải rõ ràng, đề ra tiêu chuẩn ai là người có tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ (điểm này rất bát nháo ở VN), qui trình đào tạo tiến sĩ và hậu tiến sĩ. Thứ ba là bỏ buổi lễ bảo vệ luận án; thay vào đó là những kiểm tra định kì (mỗi 6 tháng trong suốt quá trình theo học) bằng những seminar, và tổ chức phản biện kín với 3 người bình duyệt (ít nhất là 1 người từ nước ngoài).
Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần lượng mà cần phẩm chất; chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó để khi họ ra nước ngoài có thể tự hào về mảnh bằng doctor từ Việt Nam.
NVT
===
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216813/Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?
Thứ hai, 25/01/2010, 03:50 (GMT+7)
“Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “TS hóa” đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.
Loạt bài này, từ một vụ việc cụ thể, Báo SGGP muốn đặt ra vấn đề về chất lượng TS và đào tạo TS hiện nay.
Ngày 4-12-2009, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), hơn 10 vị giáo sư và TS bước ra khỏi phòng họp với vẻ mặt tức giận. Họ, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, gần như không kềm nổi bức xúc trước câu chuyện vừa xảy ra trong cuộc họp… bàn về luận án TS.
Còn hơn cả tức giận, nghiên cứu sinh (NCS) T.T.S., người suýt bước lên hàng danh giá của bậc học cao nhất, cho biết sẽ kiện trường và Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước vì có chuyện... mờ ám. Chuyện gì đã xảy ra tại một trường đại học có tiếng chỉn chu và khắt khe trong việc đào tạo TS?
“Lật tẩy” luận án
Sự việc nói trên tiếp nối câu chuyện diễn ra từ 4 tháng trước. Đó là buổi trưa 10-8-2009, Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức bảo vệ luận án TS của NCS T.T.S. với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.
14 giờ 30 phút, lễ bảo vệ được bắt đầu. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Khoa học tiến hành những thủ tục cần thiết, NCS T.T.S. được mời lên tóm tắt nội dung luận án. Ngay lúc bắt đầu, NCS này đã lộ vẻ lúng túng, trình bày không mạch lạc, không nêu được vấn đề trọng tâm của đề tài cũng như cái mới trong luận án của mình. Căng thẳng thật sự bắt đầu khi NCS này đối diện với hơn 10 câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng Khoa học. Một vị trong 7 vị của hội đồng yêu cầu: “Đề nghị NCS phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”. Một vị khác hỏi: “NCS giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”. Hai câu hỏi khá khái quát và liên quan vấn đề chuyên môn nhưng NCS này lại… “bỏ qua” bằng cách gãi đầu, khiến Hội đồng Khoa học cũng… ngẩn ngơ. Hơn 10 câu hỏi phản biện, gần như NCS không trả lời nổi câu hỏi nào. Và điều gây chấn động tại buổi bảo vệ là khi kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Khoa học công bố, lại có tới 5/7 thành viên (trong đó có cả phiếu của chủ tịch hội đồng) cho điểm luận án này… đạt chất lượng. Cả hội trường nhốn nháo…
Tham dự buổi bảo vệ, thạc sĩ N.L.Q., người tham gia nhóm nghiên cứu đề tài này năm 2004 rất bức xúc, nhiều lần xin phép được phát biểu ý kiến nhưng vẫn không được chủ tịch hội đồng chấp thuận. Chính vì vậy, kịch tính xảy ra khi trong lúc chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì thạc sĩ N.L.Q. bật dậy tuyên bố: “Tôi khẳng định những cam kết của NCS là không trung thực bởi đề tài bảo vệ luận án TS cấp nhà nước của NCS T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) chúng tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế…”.
Sai sót vẫn cứ bảo vệ
Nhiều thông tin cho thấy luận án TS do NCS T.T.S. thực hiện còn nhiều “sơ sót” cả về nội dung, chất lượng, thậm chí còn vi phạm quy chế như không đủ 2 giáo viên hướng dẫn và không có nhận xét của người hướng dẫn trước khi đưa luận án ra bảo vệ, thậm chí bị tố cáo là trùng với một đề tài đã nghiên cứu trước đó…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề tài chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế đã được nghiên cứu từ năm 2002 và báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trường vào năm 2004 do nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Năm 2005, một giảng viên trong nhóm nghiên cứu ở trường là PGS-TS T.D.S. (giảng viên hướng dẫn NCS T.T.S.) cải tiến từ thiết bị chế tạo của khoa thành thiết bị mới tốt hơn nên khi đưa đi tham dự hội chợ triển lãm công nghiệp năm 2005 đã được giải thưởng và được cấp chứng nhận bằng sáng chế công nghiệp.
“Với nhiều lỗi sơ đẳng như vậy, lẽ ra luận án TS của NCS T.T.S. phải bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chứ không thể vào vòng “chung kết” cấp Nhà nước được” - một nhà khoa học nhận xét. Theo ông, tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, nhưng nội dung bên trong lại là chế tạo ra thiết bị làm bánh tráng rế công nghiệp! Mà chế tạo thiết bị làm bánh tráng rế thì chẳng cần phải nghiên cứu vì… đã có nhiều rồi. Ông lắc đầu, nói: “Một luận án TS mà sai cơ bản ngay từ đầu như thế là không thể chấp nhận”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận những “sai sót chết người” có nguồn gốc từ những kẽ hở trong quy trình xét duyệt ở cấp cơ sở. TS Lê Trung Chơn, quyền Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, khẳng định: “Đây là bài học “xương máu” của trường”.
Hội đồng khoa học... không nắm quy chế?
Điều khó hiểu và không thể chấp nhận được, đó là trách nhiệm của hội đồng khoa học. Trong 7 vị hội đồng, có 2 vị bỏ phiếu không chấp thuận, nhưng hội đồng vẫn kết luận thông qua luận án. Theo quy chế đào tạo sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM và của Bộ GD-ĐT: “Luận án đạt yêu cầu nếu được ít nhất 3/4 số thành viên hiện diện trong hội đồng bỏ phiếu tán thành”. Việc hội đồng thông qua luận án khi chỉ có 5/7 phiếu tán thành luận án là sai với quy chế. Lẽ nào, cả một hội đồng với nhiều tên tuổi như trong buổi bảo vệ ngày 10-8-2009 lại không nắm được quy chế?
Về những thiếu sót trong khâu thẩm định, quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án, TS Lê Trung Chơn cũng thừa nhận phía trường có một số thiếu sót. Tuy nhiên, sai sót cũng ở chủ tịch hội đồng khoa học vì khi phát hiện ra vấn đề này, trường đã báo lại nhưng chủ tịch hội đồng vẫn cho bảo vệ chứ không ra quyết định tạm ngưng để xác minh làm rõ những vấn đề tranh cãi.
Đặt vấn đề này với GS-TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, ông cho rằng có nghe trường báo cáo lại nhưng do hội đồng khoa học chỉ là tham vấn, còn việc hoãn hay không là do Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định. Ngoài ra, phía nhà trường cũng không cung cấp đầy đủ danh mục để hội đồng kiểm tra…
Để làm rõ giải thích này, chúng tôi đã tìm hiểu và xác định, trong luận án của NCS có kèm theo bằng sáng chế và bằng khen của Bộ KH-CN cho Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cho PGS-TS T.D.S. Như vậy, không thể nói là hội đồng khoa học không được cung cấp danh mục cụ thể để kiểm tra.
Hủy kết quả bảo vệ luận án
Ngày 25-9-2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến ĐH Quốc gia TPHCM về kết quả buổi bảo vệ luận án trên. Ngày 15-10-2009, ĐH Quốc gia TPHCM có công văn trả lời và đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2009, Trường ĐH Bách khoa có công văn kết luận: “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S.
Có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?
Không chỉ “ầm ĩ trong phòng bảo vệ luận án” mà những thông tin “ngoài lề” cũng khiến dư luận quan tâm và bức xúc. Từ chuyện thầy hiệu trưởng và một người thầy chuyên môn về cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM bị gọi điện, nhắn tin dọa tạt axít, phóng hỏa đốt nhà… đến việc GS-TS Phạm Ngọc Lãng ngay sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà (cùng đi với NCS T.T.S. lúc 21 giờ ngày 10-8), khi đi ngang qua phường 14, quận 10 đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo.
Xâu chuỗi những sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216877/Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”. Bài 2: Hội đồng du di!
Thứ ba, 26/01/2010, 01:06 (GMT+7)
Việc sao chép, mua bán, đổi chác đang là chuyện cơm bữa trong “chợ” luận án tiến sĩ (TS)… Nhưng thật ngạc nhiên khi ít có luận án nào không đạt yêu cầu mặc dù quy trình để một luận án TS được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước rất khắt khe, từ việc thi tuyển, đến xét duyệt của cấp bộ môn, đến cấp trường, cấp bộ, quá trình đào tạo, nghiên cứu… Vậy mà, ít ai dám nhìn thẳng nhìn thật vào các cơ sở đào tạo và cấp hội đồng ấy “có gì”, bởi, ngồi vào hội đồng đều là những nhà khoa học có uy tín.
17 bài đi thi, du di 15
Việc Trường ĐH Bách khoa TPHCM hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. cho thấy một thực tế: Hội đồng đã không “hiểu” quy chế! Nhưng đó chỉ là bề nổi, phần chìm mới là điều được dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Ngày 4-12-2009, trên tinh thần chỉ đạo xử lý của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức buổi góp ý cho luận án TS của NCS T.T.S. sau khi kết quả bảo vệ đã bị hủy. Tại buổi góp ý có sự tham dự của PGS-TS T.D.S., người đã cải tiến thiết bị kỹ thuật của nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí chế tạo máy và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế năm 2005, và cũng là… người hướng dẫn luận án cho NCS T.T.S.!
Tại đây, TS Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, cho rằng luận án còn sơ sài, nội dung và tên đề tài chưa phù hợp, trình bày thiếu logic, chương trước với chương sau chưa hợp lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm, phần tính toán vừa mơ hồ vừa không khớp với thực tế và không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả… Với nhận xét như vậy, không hiểu vì sao luận án vẫn được hội đồng cấp bộ môn thông qua?
Có thể nói, việc bảo vệ luận án ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật bị “lật tẩy” là trường hợp hy hữu. Trong buổi bảo vệ của NCS T.T.S., nếu một trong 2 vị bỏ phiếu chống, “ngủ gật” trong lúc ngồi hội đồng, thì chúng ta lại có thêm một… TS (!). Và, nếu TS Nguyễn Trung Chơn, Trưởng phòng Sau đại học ĐH Bách khoa TPHCM, không hoàn thành nhiệm vụ của “người gác đền” khi kiên quyết đề nghị hủy kết quả chấm luận án, thì Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước của buổi bảo vệ “chấn động” kia vẫn là một hội đồng… uy tín.
Tại một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), khi nói về chất lượng các luận án TS, đã cho biết: Khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của thí sinh NCS vào Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam năm 2005 tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên thì chỉ có… 2 bài đạt yêu cầu!
Thật là nực cười chuyện một NCS được yêu cầu viết lại năm lần bảy lượt bản thông tin về luận án để giới thiệu cái mới trong luận án. Cuối cùng, NCS này đã trình bày cái mới là: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng” - một điều đã nằm trong… Điều lệ Đảng! Đó không chỉ là câu chuyện cười ra nước mắt, mà còn là một trong hàng trăm câu chuyện hóm hỉnh về thực trạng “người người làm TS” của chúng ta.
Vấn đề là những bài thi không đạt, những luận án sao chép, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tiễn ấy vẫn lần lượt vượt qua hội đồng chấm đề cương, hội đồng khoa học bộ môn, hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn và… hội đồng khoa học cấp nhà nước!
“Những bông hoa điểm 10”
Xem lại “đường đi” của một luận án TS sẽ thấy suốt chặng đường với khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua khá dễ bằng nhiều cách “làm luật”. Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!
Ở giai đoạn học, thường thì các thầy hướng dẫn đều ở xa đến, NCS phải lo từ khách sạn, vé máy bay, thậm chí ăn uống… Những khoản này đã có trong tiêu chuẩn, nhưng thầy hướng dẫn vẫn… chấp nhận nên không tránh khỏi việc du di cho học trò của mình.
Đến hội đồng cấp nhà nước, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng với cơ sở đào tạo, với các thành viên hội đồng khác khiến một thành viên nào bỏ phiếu chống thì chẳng khác nào tố cáo rằng trình độ của các thầy ở hội đồng cơ sở và cơ sở đào tạo nói chung là… dốt!
Một vị GS nổi tiếng kể, trước đây ông là một trong những người được mời ngồi hội đồng khoa học thường xuyên. Nhưng theo ông, sau này, thấy có nhiều “vấn đề” quá nên không tham gia nữa. Ông chỉ xin tham gia làm thành viên ở một số đề tài hay để cập nhật thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông xót xa… cho mình: “Mỗi lần làm hội đồng là… cay đắng lắm, vì mình phải nhân nhượng, có những luận án không đạt nhưng mình cũng phải cho đạt. Một hội đồng thường có 6 hoặc 7 thành viên, nếu các thành viên khác đều cho đạt mà mình bỏ phiếu không đạt thì… “coi sao được”. Có lần ở một hội đồng, bản thân đề tài và chất lượng NCS chỉ ở mức dưới trung bình. Đang phân vân thì thấy người ta “ném” ra những phiếu toàn đạt, tốt! 6/7 thành viên trong hội đồng cho đạt, mình cũng phải cho qua chứ không thì là người kỳ dị! Nếu mình có bỏ phiếu chống thì luận án vẫn qua như thường vì đạt số phiếu yêu cầu. Sau mấy lần phải bỏ phiếu chung như vậy, đành xin rút khỏi hội đồng”.
Vị GS già kể tiếp, trước đây có một chị bên ngành kinh tế, vẫn thường được gọi là “bông hoa điểm 10”. Chị này thường xuyên tham gia các hội đồng về kinh tế, với một bản nhận xét dùng đi dùng lại trong… nhiều đề tài. Đến mức, các thành viên hội đồng nghe riết rồi thấy cũng… quen. Với bản nhận xét này, mỗi lần được mời ngồi hội đồng thì chị lại… chỉnh sửa vài chữ cho hợp lý một tí là đưa vào đọc trong buổi bảo vệ. Hầu hết NCS được chị cho đạt bằng bản nhận xét mẫu ấy, nên mọi người gọi là “bông hoa điểm 10”.
Nhưng thật cay đắng khi có những đề tài… dở ẹc mà cũng thấy chị ta đánh giá như những luận án tốt! “Tôi được biết thu nhập của nhiều giảng viên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Không hiểu sao nhiều người ngồi hội đồng mà giàu lắm!” – vị GS bộc bạch.
Đề tài “núp bóng”
Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hủy kết quả bảo vệ luận án của NCS T.T.S., là một trong những trường hợp được dư luận phản ánh như là một điển hình cho chất lượng đào tạo TS. Nhiều luận án TS có rất ít tính chất nghiên cứu mới, trong khi đó là điều bắt buộc ở bậc TS. Có những đề tài, theo các nhà khoa học, chỉ là thu thập tư liệu để tổng hợp một vấn đề… không cần nghiên cứu! Tài liệu về các đề tài luận án NCS của một trung tâm đào tạo TS lớn ở phía Nam, trong danh mục hàng trăm luận án đã được bảo vệ thì chiếm đa số là các dạng như “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”, “Những chuyển biến kinh tế - xã hội của…”, “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”… Với các đề tài na ná nhau trên đây, việc ứng dụng vào thực tế gần như không có.
Trong một lần đặt vấn đề về việc này, PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) cho rằng NCS hiện nay thường né tránh các nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các nghiên cứu chất lượng thấp nhưng nhẹ nhàng hơn dưới bóng các nhà khoa học làm lãnh đạo hoặc các GS tên tuổi để dễ bảo vệ. Trong khi một thực tế khác là các vị GS – lãnh đạo luôn bận bịu với công tác quản lý nên không còn nghiên cứu khoa học trình độ cao nữa!
GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) bức xúc: “Đào tạo TS là để có các công trình nghiên cứu. Tên gọi NCS đã nói lên mục đích này. Thế nhưng trên tất cả các bảng thành tích đào tạo của đất nước, ta chỉ thấy trưng ra số lượng TS mà lảng tránh họ đã sản xuất bao nhiêu công trình”.
Nhưng sự nối tiếp thì không ngừng. Những TS với các luận án “lặn sâu” như vậy vài ba năm sau lại trở thành người hướng dẫn cho những NCS khác…
LINH AN - TIẾN ĐẠT
Lỗi ở... hội đồng!
Ngày 12-11-2009, trao đổi với PV Báo SGGP, NCS T.T.S. cho biết nếu Trường ĐH Bách khoa TPHCM không công nhận kết quả luận án TS, anh sẽ kiện nhà trường vì trường đã giao đề tài cho NCS trùng với đề tài trước đây đã thực hiện tại trường!