Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Lại chuyện tiếng Anh: Sex training!

http://www.istockphoto.com/file_thumbview_approve/3483564/2/istockphoto_3483564-sex-education.jpg
Một người bạn trong statistics.vn giới thiệu bài báo trên Thanh Niên có tựa đề "Khởi động Sex Training Tour 2011", và hỏi ý kiến. Câu chuyện xem ra thú vị, nên tôi có vài ý kiến như sau.


Không hiểu tại sao Thanh Niên lại đặt cái tựa đề nửa Tây nửa Ta như thế!  Có bao nhiêu người đọc Thanh Niên am hiểu tiếng Anh để hiểu cụm từ “Sex training tour” là gì.  Tôi đoán chắc không nhiều.  Training có nghĩa là rèn luyện, tập luyện, tập huấn, đào tạo.  Còn danh từ sex thì … có nhiều nghĩa: nghĩa đơn giản nhất là giới tính; nghĩa phức tạp hơn là giao phối.  Thật ra, ngày nay ở Việt Nam, nói sex thì chắc nhiều người đã hiểu và sex có khi trở thành một từ trong từ vựng tiếng Việt (?). Còn tour là chuyến đi du lịch, đi chơi.  Do đó, sex training tour có lẽ nên hiểu là chuyến du lịch về tập luyện giao cấu.  Như vậy, sex training tour đâu có nghĩa “Chương trình du lịch giáo dục giới tính” mà Thanh Niên dịch.

Thật ra, sex tour hay sex tourism là một loại hình du lịch hàm ý tiêu cực, nếu không muốn nói là xúc phạm.  Nói đến du lịch sex người ta nghĩ ngay đến du lịch kèm theo các hành vi mua bán dâm với đĩ điếm ở nước sở tại.  Một thời gian dài, Thái Lan ăn nên làm ra vì những loại hình du lịch này.  Người Tây phương, nhất là những kẻ có học vấn thấp ở các nước như Úc, Mĩ, Âu châu, v.v… nhìn Thái Lan như là một thị trường du lịch sex, nơi mà họ có thể bỏ tiền ra mua dâm một cách rẻ mạt, để thể hiện cái thực dân chủ nghĩa thời xa xưa của cha ông họ.  Tôi không nghĩ là Việt Nam muốn tự biến thành một địa điểm sex tourism hay sex training tourism, vì như thế thì nhục lắm.

Đọc đến đoạn cuối của bản tin tôi mới biết rằng mục tiêu của chương trình du lịch là “giáo dục giới tính”, hay nói theo tiếng Anh là Sex Education.  Giáo dục giới tính là một thuật ngữ chung để nói đến những chương trình giáo dục về sinh lí, tái sản sinh, sức khỏe giới, v.v… Vậy thì tại sao không đặt tựa đề bản tin là “Khởi động chương trình du lịch giáo dục giới tính”?  Sao lại “chơi nổi” để cho ra một tựa đề [xin lỗi] lai căng như thế nhỉ?  Chẳng những lai căng mà con sai ý nghĩa. Xin nói thêm rằng tuy hai chữ education và training có cùng một phạm trù về nghĩa, nhưng education là hàm ý nói đến lí thuyết, khái niệm, khoa học; còn training là chủ yếu đề cập đến thực hành, kĩ năng, dạy nghề.  (Bộ Giáo dục và Đào tạo là Ministry of Education and Training).

Các chuyên gia thường khuyến khích nên viết tiếng Anh đơn giản.  Tôi nghĩ tiếng Việt cũng thế: chọn chữ nào càng đơn giản và dễ hiểu càng tốt. Tránh những cái tựa đề hay câu chữ lâu lâu chen vào mấy chữ Anh như teen, top hit, album, hay vô duyên hơn là sex training.

Nói đến chữ training làm tôi nhớ cách đây không lâu khi nhóm chúng tôi tranh luận nhau chữ trained nurse, trained technologist trong bài báo khoa học.  Thông thường trong nghiên cứu y khoa, y tá cùng bác sĩ thu thập dữ liệu, và các chuyên gia tiến hành đo lường các chỉ số sinh hóa, nên người ta thường có câu “Data collection was done by a trained nurse and a doctor.  The skeletal measurements were done by a trained technologist”.  Chữ trained nurse hàm ý nói rằng y tá được huấn luyện để thu thập dữ liệu, và trained technologist là nói rằng chuyên gia được tập huấn để làm đo lường.  Có người trong ban biên tập phê bình rằng chữ trained thường hay dùng cho ... chó (như trained dog) chứ không nên dùng cho người.  Vả lại, đã là y tá hay technologist và đã tham gia nghiên cứu thì phải qua đào tạo rồi, nên viết trained nurse là thừa.  Ai cũng sững sờ trước nhận xét này vì bấy lâu nay ai cũng sử dụng cách viết đó như là một quán tính mà không ai để ý đến ý nghĩa thật của nó.  Nói như thế để thấy rằng cần phải cẩn thận với việc dùng chữ training hay trained. Tôi nghĩ nguyên tắc an toàn là nếu không rõ ý nghĩa của từ, thì cách "an toàn" nhất là dùng từ đơn giản và có ý nghĩa mà ai cũng hiểu.

NVT
===
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110228/Khoi-dong-Sex-Training-Tour-2011.aspx

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Một vài ý kiến về “làng ung thư”

http://3.bp.blogspot.com/_QHTO0QEfEKE/S5aLOehFJzI/AAAAAAAAAVA/AWDg-65THlU/s320/cancer+cluster+map.jpg
Đc lot bài ni đau làng ung thư mà tc anh ách! Phóng viên tiêu ra nhiu thi gian đ ghi li mt cách công phu nhng thm cnh gia đình có người mc bnh ung thư. Thế nhưng h không có nhng d liu đnh lượng, nhng con s đ so sánh, đ thuyết phc người đc. Theo tôi, đó là mt khiếm khuyết ln. Trong entry này, tôi so sánh vài t s ung thư đ cho thy rng cn phi điu tra và nghiên cu thêm để đi đến một biện pháp có lợi cho người dân. 

Trong vài năm gần đây chúng ta hay nghe và đọc về những làng ung thư xuất hiện trên toàn quốc mà giới truyền thông có khi gọi là sự bùng phát các “làng ung thư”.  Mẫu số chung của các làng ung thư này là sự hiện diện của các nhà máy kĩ nghệ và ô nhiễm môi trường sống.  Vì chưa có những nghiên cứu có hệ thống và dữ liệu cụ thể nên rất khó để kết luận gì về mối liên hệ nhân quả giữa môi sinh và phát sinh ung thư.  Nhưng thiếu bằng chứng về mối liên hệ không có nghĩa là mối liên hệ không hiện hữu. 
 
Có thể xem sự bộc phát của các làng ung thư là một hiện tượng y tế công cộng rất đáng được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhiều cộng đồng. Nhưng rất tiếc là đứng trước những thông tin về làng ung thư, phản ứng của ngành y tế còn quá dè dặt đến độ ngạc nhiên.  Cuối năm 2005, phát biểu với báo chí về hiện trạng “làng ung thư” Thạch Sơn (tỉnh Phú Thọ), một thứ trưởng y tế nói: “tỉ lệ ung thư tại Thạch Sơn tương đương các tỉnh thành phía Bắc.  Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.”  Một chuyên gia ung thư khác thì cho biết: “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.  Có lẽ xuất phát từ đánh giá như thế của các quan chức, dù các làng ung thư lần lượt xuất hiện mà ngành y tế chưa có động thái nào để kiểm soát tình hình.

Mãi đến nay, khi báo Người lao động nêu vấn đề, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra. Một vấn đề y tế công cộng đã xảy ra hàng 5 năm trời mà phải cần đến ý kiến của thủ tướng thì thật là bất bình thường.

Theo bài “Nỗi đau ‘làng ung thư’”, tại xã Thạch Sơn (Phú Thọ) có hơn 50 người mắc bệnh ung thư, và tính từ 2010 đến nay đã có hơn 30 người chết vì ung thư.  Tuy nhiên, phóng viên không cho biết làng Thạch Sơn có bao nhiêu cư dân.  Nếu là một làng trung bình ở Việt Nam, đó là một con số rất lớn.  Không thể bỏ qua được.

Dữ liệu thực tế không phù hợp với những đánh giá trên của vị quan chức và chuyên gia.  Tôi đã thu thập một số dữ liệu về các làng ung thư và trình bày trong bảng dưới đây.  Theo nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia, ở nước ta cứ 100.000 dân số thì có 106 nam và 59 nữ tử vong vì bệnh ung thư.  Áp dụng tỉ lệ này cho làng Thạch Sơn với dân số khoảng 7.000, chúng ta kì vọng sẽ có khoảng 6 người tử vong vì bệnh ung thư, nhưng trong thực tế ở làng này mỗi năm có 15 người chết vì ung thư.  Nói cách khác, tỉ lệ tử vong vì ung thư ở Thạch Sơn cao hơn tỉ lệ quốc gia đến 2,6 lần!  Như vậy, không thể nói rằng “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.

Thật ra, số liệu mà tôi thu thập trong bảng dưới đây (rất có thể chưa đầy đủ) cho thấy ở bất cứ làng ung thư nào mà báo chí nêu, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư đều cao từ 3 đến 9 lần so với tỉ lệ tử vong của cả nước.  Chẳng hạn như làng Kim Thành (Nghệ An) chỉ 1.900 dân số, mà trong thời gian 7 năm có đến khoảng 100 người tử vong vì ung thư, và tỉ lệ này cao gấp 9 lần so với tỉ lệ của toàn quốc.

Tỉ lệ tử vong vì ung thư tại một số làng xã
Làng / xã (tỉnh)  
Dân số (ước tính) 
Số tử vong do bệnh ung thư mỗi năm 
Tỉ lệ tử vong tính trên 100.000 dân 
So sánh với tỉ lệ trung bình toàn quốc (1) 
Thạch Sơn (Phú Thọ)
7.000
15
214
2,6 lần
Đông Lỗ (Hà Tây)
5.800
22
379
4,6 lần
Minh Đức (Hải Phòng)
?
67
?
?
Thổ Vị (Thanh Hóa)
1.700
80 (14 năm)
336
4,1 lần
Kim Thành (Nghệ An)
1.900
100 (7 năm)
752
9,1 lần
Khánh Sơn (Đà Nẵng)
760
10 (5 năm)
263
3,2 lần
Đại An (Quảng Nam)
1.140
33 (10 năm)
289
3,5 lần
(1) Tính trên tỉ lệ tử vong do nguyên nhân ung thư toàn quốc là 82.5 trên 100.000 dân số (nguồn: PH Anh, ND Duc. Jpn J Clin Oncol 2002;32:S92-S97). 

Hiện tượng “làng ung thư”, mà giới dịch tễ học nước ngoài hay gọi là “cancer cluster” (cụm ung thư) không phải là một hiện tượng mới.  Ở Mĩ, người ta đã chú ý đến những trường hợp ung thư tập trung ở một số địa điểm, và cũng như ở Việt Nam, những địa điểm này thường có các nhà máy kĩ nghệ lớn và có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.  Trước hiện tượng này và trong khi chưa có dữ liệu nghiên cứu, người ta thường nghĩ đó là hiện tượng … ngẫu nhiên.

Do đó, vấn đề cần đặt ra nghiêm chỉnh là các làng ung thư ở nước ta có phải là ngẫu nhiên?  Với một số giả định dịch tễ học và vài phép tính xác suất, chúng ta có thể dễ dàng thấy xác suất mà tần số ung thư xảy ra theo cụm như trên là rất thấp (dưới 8 phần vạn).  Nói cách khác, tỉ lệ tử vong trong các làng ung thư trên không phải là do các yếu tố ngẫu nhiên.  Tỉ lệ tử vong ở các làng ung thư này là một hiện trạng bất thường, không thể nói là tương đương với các tỉnh miền Bắc được.

Nếu không phải do yếu tố ngẫu nhiên thì do yếu tố nào?  Trong vài thập niên qua, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát sinh ung thư.  Nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những cư dân sống trong vùng phải dùng nước giếng (khoan từ lòng đất) có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột cao gấp 2 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số.  Nghiên cứu ở Nhật cho thấy nồng độ NO2 và SO2 trong không khí có ảnh hưởng đến sự phát sinh ung thư phổi.  Ở Mĩ, có nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị phơi nhiễm diesel có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 1,4 lần so với nguy cơ trong dân số.  Do đó, không thể nói rằng “Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.”

Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến cho thấy nghiên cứu các cụm ung thư thỉnh thoảng dẫn đến những khám phá quan trọng trong việc phòng chống ung thư.  Chẳng hạn như khám phá nguyên nhân của ung thư Kaposi, ung thư bọng đái, ung thư bìu đái, v.v… là từ những phân tích dữ liệu sinh thái.  Từ những nghiên cứu này, người ta rút ra một bài học quan trọng là: mối liên hệ giữa phơi nhiễm một yếu tố nguy cơ nào đó (có thể là ô nhiễm không khí hay ô nhiễm nguồn nước), dù là cảm nhận hay thực tế, cần phải được điều nghiên cẩn thận, chứ không nên bỏ qua hay lờ đi.  Giải quyết mối quan tâm của người dân cũng thường dẫn đến những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hơn.

Như nói trên mẫu số chung của các “làng ung thư” này là sự hiện diện của các nhà máy kĩ nghệ và xuống cấp môi trường.  Cho dù hiện nay chưa có dữ liệu để kết luận mối liên quan giữa sự hiện diện các nhà máy này và ung thư, các nghiên cứu từ các cụm/làng ung thư ở Mĩ cho chúng ta biết rằng các chất sau đây làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng: arsenic (thạch tính), cadmium, chronium, nickel (kền), asbestos, và  benzene.  Các chất hóa học này cũng giải thích tại sao cư dân thành phố và cư dân sống trong vùng gần nhà máy kĩ nghệ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn cư dân trong các vùng nông thôn.

Nước ta đang trong quá trình độ thị hóa rất nhanh.  Nhưng phát triển kinh tế nhanh thường kèm theo những hệ lụy về môi sinh và môi trường có ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cộng đồng.  Chúng ta nhìn sang Trung Quốc và đã thấy những tàn phá về môi trường, nhưng chúng ta chưa có giải pháp tránh những tàn phá như thế ở nước ta.  Hệ quả là ngày nay rất nhiều sông rạch ở nước ta đang trong tình trạng ô nhiễm ở mức báo động.  Chất lượng không khí ở những vùng kĩ nghệ và thành phố lớn cũng bị ô nhiễm ở mức báo động.  Với những hóa chất có khả năng gây ung thư như vừa kể trên, không ai ngạc nhiên khi thấy tần suất bệnh ung thư trong cộng đồng càng ngày càng gia tăng.  Hai thập niên phát triển kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng e rằng cái giá về suy giảm chất lượng cuộc sống mà chúng ta phải trả vẫn chưa được cân đo đúng mức.  Nếu không quan tâm ngay từ bây giờ, thu nhập kinh tế có thể sẽ không bù đấp được cho những hao hụt trong chi tiêu cho các dịch vụ sức khỏe.

Nền tảng của y tế dự phòng là: duy trì sức khỏe lành mạnh tốt hơn là mắc bệnh hay chết.  Đó là tiền đề và cũng là cứu cánh của một nền y tế hiện đại.  Phát biểu đó cần và đủ.  Mỗi cái chết là một mất mát cho quốc gia.  Sứ mệnh của ngành y tế là cứu người và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.  Do đó, trước sự bộc phát của các làng ung thư, cần phải có biện pháp điều nghiên và xác định nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ tử vong ở các làng ung thư.  Chỉ có thể qua điều nghiên cẩn thận mới có thể tiến đến một chiến lược phòng ngừa.  Các chuyên gia ung thư quốc tế ước tính rằng có đến khoảng 50% trường hợp ung thư có thể xem là có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi cách sống khỏe hơn, và thay đổi môi trường sống lành mạnh hơn.  Cư dân các làng ung thư có quyền đòi hỏi môi trường sống của họ lành mạnh hơn để giảm thiểu những cái chết vì ung thư.

Quay trở lại trường hợp xã Thạch Sơn. Thạch Sơn cũng là địa bàn của một công ti hóa chất ngày đêm xả khói. Nhưng có thể nào nói hoạt động và phế thải của công ti là một nguồn gây ung thư cho dân làng?  Đứng trên phương diện khoa học, không thể kết luận được, và cũng khó có thể suy luận về nguyên nhân -- hệ quả. Nhưng đối với các nhà môi trường học thì có thể làm nghiên cứu thêm để tìm hiểu mối liên hệ. Những dữ liệu ban đầu cho thấy (nếu những con số báo chí nêu là đúng) thì một cuộc điều tra y tế cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Hoc Photoshop - Biến mập thành ốm 1

Học Photoshop: Chữ 2D thành chữ 3D trong Phoshop CS5

Bảy mươi năm tình ca Việt Nam

http://cothommagazine.com/nhac/lyrics/Music.jpg
Có thể xem đây là một “anthology” (hợp tuyển) nhạc tình Việt Nam, giống như Nhà văn Võ Phiến đã từng làm một anthology công phu cho văn học miền Nam trước 1975. Thật ra, phải nói chính xác hơn là 70 năm tình ca miền Nam Việt Nam, bởi vì người sưu tập và tuyển chọn chủ yếu giới hạn trong những nhạc sĩ và tác phẩm ở miền Nam Việt Nam.  Hợp tuyển gồm 94 phần giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhạc sĩ từ năm 1930 đến 2000.


Qua hợp tuyển này, các bạn sẽ được nghe một số nhạc phẩm tiêu biểu của những nhạc sĩ thời khởi đầu tân nhạc Việt Nam như Phạm Duy, Lê Thương, Văn Cao, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Hoàng Giác, Đan Thọ, đến những nhạc sĩ ở miền Nam trong thời chiến tranh như Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Thanh Sơn, Anh Bằng, Hoài Linh, Mạnh Phát.  Ngoài ra, người sưu tập còn giới thiệu một số nhạc sĩ sau 1975 như Ngọc Lễ, Quốc Dũng, Lê Tín Hương, Trịnh Nam Sơn, v.v… Tuy chưa đủ (và có lẽ người sưu tập – Hoài Nam – cũng không có tham vọng đó) nhưng đã cho chúng ta một “bức tranh” tổng quan về âm nhạc miền Nam trước 1975. Mỗi nhạc sĩ, người sưu tập đã có công nói sơ qua về thân thế, sự nghiệp, và bối cảnh sáng tác của họ.  Tôi nghĩ các bạn trẻ chưa quen với nền âm nhạc Việt Nam thời xưa sẽ tìm thấy một số thông tin thú vị về các nhạc sĩ mà nhạc phẩm của họ mình đã nghe qua hay thậm chí ca hát hàng ngày.  Có thể những nhận xét đó có phần thiên lệch, thậm chí vài ngôn từ mang âm hưởng Bolsavik, nhưng nói chung tôi thấy người sưu tập cố gắng tỏ ra khách quan.

Nghe trực tiếp hợp tuyển này tại đây

Không chỉ giới thiệu tiểu sử, người sưu tập còn có công lớn đưa ra vài nhận xét về tác phẩm của các nhạc sĩ. Có thể những nhận xét về âm nhạc chưa chuyên sâu, chưa chuyên nghiệp, hay chẳng có phát hiện gì mới, nhưng tôi vẫn thấy đó là những lời nhận xét đáng chú ý và chừng mực. Ít ra là người sưu tập đã nói ra nhiều suy nghĩ của cá nhân tôi.  Nghe người sưu tập nói, tôi chợt chú ý một nhạc sĩ mà rất ít ai để ý đến vì tác phẩm của ông được xếp vào nhóm “nhạc bình dân” (hay nói trắng ra là nhạc sến), thế nhưng lời ca thì thật hay: đó là Hoài Linh.  Xin nói thêm là không phải Hoài Linh bây giờ đâu, mà là nhạc sĩ Hoài Linh, tác giả của những ca khúc như Chiều thương đô thị, Chúng mình ba đứa, Cô bé ngày xưa, Kể chuyện đêm mưa, Quán nửa khuya, Về đâu mái tóc người thương, v.v… Và, cũng xin mở ngoặc để nói ngay rằng khi nói “nhạc sến” tôi không có ý xem thường hay khinh thường loại nhạc này, mà chỉ nói theo cách nói phổ thông. Quả thật, ngày xưa tôi chỉ nghe những bài ca của ông và xem như loại “nhạc sến” của Lam Phương hay Trần Thiện Thanh, và vì thế tôi chỉ nghe để giết thì giờ, chứ ít khi nào để ý lời hay ý đẹp trơng ca khúc.  Đến khi nghe nhận xét của người sưu tập tôi mới chú ý đến những câu như:

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối


Ngày nay, có mấy ai còn có thể viết những lời ca đẹp như thế.

Xin giới thiệu cùng các bạn anthology 70 năm tình ca Việt Nam.

NVT

TB. Có thể tải tất cả 94 phần của hợp tuyển từ các website sau đây:

Phần thứ nhất gồm  đoạn 1 đến 38: http://www.megaupload.com/?d=B4IN5CED

Phần thứ hai gồm đoạn 39 đến 94: http://www.megaupload.com/?d=LE2TJV54

Đi mua "người tình" giá hơn triệu


Theo ĐS&PL 
Chỉ với từ 700 ngàn - 1,2 triệu đồng, người ta có thể dễ dàng đặt mua 1 con búp bê tình dục được làm bằng nhựa, silicon bơm hơi trông giống như người thật ở trên mạng internet. Trong vai một người muốn “cưới” một “em” chúng tôi xâm nhập vào thị trường này ở ngoài đời...


Thập thò mua bán


Trong vai một "thượng đế" đi mua hàng, chúng tôi liên hệ với một "đầu nậu" tên M. Trao đổi trước qua điện thoại, M luôn miệng giới thiệu về chất lượng cũng như giá cả của các sản phẩm này. Lấy lí do đã có nhiều "thượng đế” bị ăn "quả đắng" vì mua hàng trên mạng bị chủ hàng "treo đầu dê bán thịt chó", bán không đúng như hàng quảng cáo nên tôi đề nghị muốn đến tận nhà xem hàng. Sau một phút lưỡng lự, M cho tôi địa chỉ nhà trên phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên, M giao hẹn, trước khi đến nhà phải gọi điện trước đó 30 phút để anh chuẩn bị hàng.




Sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn. Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, lúc này, cửa hàng "sung sướng" vẫn chưa mở cửa. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cửa hàng này thực chất là một hiệu thuốc tư nhân. Bấm chuông rồi đợi chừng 10 phút, người đàn ông trên 40 tuổi, trong bộ đồ ngủ, ngáp ngắn ngáp dài chạy đến mở cửa. Thấy chúng tôi, M mở hé cửa, ngó đầu hỏi: "Các em cần hỏi ai?" Khi biết chúng tôi đến mua mặt hàng "tế nhị", ông chủ cửa hàng này mời chúng tôi vào nhà và không quên đóng kín cửa.


M hỏi: "Thế chú định mua loại búp bê mini hay búp bê bơm hơi. Búp bê mini giá 400 - 700 nghìn đồng/con, còn búp bê bơm hơi giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con". Thấy tôi còn chưa hiểu, M tiếp lời: "Búp bê mi ni là búp bê cũng được làm bằng chất liệu cao su, silicon tùy thuộc vào giá tiền nhưng chỉ có kích thước 50cm, còn búp bê bơm hơi có kích thước, số đo, hình dáng giống như người thật".


M vừa nói vừa lôi trong chiếc túi nilon màu đen cất trong hộp các tông một "nàng" búp bê chưa bơm hơi được đóng gói một cách sơ sài. Đi kèm với búp bê là chiếc bơm nhựa nhỏ và một ống gel bôi trơn dành cho các "thượng đế" sử dụng khi "hành sự". Tuy đã nhìn thấy các mẫu quảng cáo trên mạng nhưng khi "thực mục sở thị", chúng tôi không ngờ búp bê tình dục lại giống người thật đến như vậy. Mặc dù làm bằng cao su nhưng "da" của "nàng" búp bê này rất mịn màng. Sau một hồi cho chúng tôi xem hàng, M ra giá: "Con này lấy chú 1,2 triệu đồng. Nếu ưng thì lấy luôn, dạo này hàng hiếm lắm". M đỡ con búp bê trên tay và dạy cách sử dụng chi tiết cho chúng tôi.


Thấy chúng tôi chê đắt, ông chủ M bảo: "Cửa hàng anh là chỗ rẻ nhất rồi đấy, nếu không tin, các em cứ việc đi tham khảo nơi khác. Nhiều chỗ nó quảng cáo bán 4- 5 triệu nhưng chất lượng cũng chỉ bằng hàng của anh thôi. Toàn đồ Trung Quốc cả mà".


“Chân dài” giá “khủng”


M cho biết, anh chỉ để một vài con búp bê tình dục ở nhà để các "thượng đế" khó tính có thể đến xem hàng trực tiếp. Còn hầu hết việc buôn bán của "đầu nậu" này được thực hiện trên mạng internet. Khách hàng xem trên mạng, sau đó gọi điện hẹn giờ giao hàng. M sẽ cho người mang búp bê đến tận nhà và khách hàng sẽ phải chịu phí vận chuyển. Khi tôi hỏi búp bê liệu có được bảo hành, ông chủ M bảo: "Khách mang hàng về rồi thì không được đổi, trả lại, không được bảo hành. Vì nó có phải máy móc đâu mà bảo hành được. Từ trước đến nay, cửa hàng anh chưa bị khách trả lại hay gặp sự cố gì".




Được biết, giá của búp bê mà M kinh doanh chỉ dành cho những khách hàng thuộc dạng "bình dân". Còn những "thượng đế" thuộc vào hạng đại gia thì thường "săn" những "em" có giá lên đến trăm triệu đồng. M bảo, những hàng giá "khủng" như vậy thì phải đặt trước và chờ từ một tuần đến nửa tháng mới có. Tuy nhiên, theo M, những "nàng" búp bê cao cấp giá tiền trăm triệu ở Hà Nội bán không được nhiều. Trong khi đó, những con búp bê có giá 1 - 5 triệu đồng nhiều khi cháy hàng.


Người bán hàng tên M cho biết, từ lúc mở hàng kinh doanh mặt hàng này, búp bê tình dục mà ông bán được giá tiền "kỷ lục" nhất là 35 triệu đồng. Được biết, con búp bê đó được sản xuất từ Nhật Bản làm bằng chất liệu silicon cao cấp. "Thấy nhiều người dùng thử kháo nhau, sử dụng những con búp bê giá cao, chất liệu tốt còn có cảm giác "thích" hơn cả người thật", M quảng cáo.


Theo M, giá của búp bê tình dục tùy thuộc vào chất liệu cấu tạo nên sản phẩm đó. Giá tiền càng cao thì càng giống người thật. Các sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng được làm bằng cao su, sản phẩm có giá tiền cao hơn thì được làm từ silicon. Trong chất liệu silicon cũng có hai loại: Silicon thường và silicon cao cấp. Ngoài ra, một yếu tố quyết định đến giá cả đắt rẻ của búp bê là nguồn gốc xuất xứ. Thông thường, búp bê được sản xuất từ Nhật Bản có giá cao hơn búp bê Trung Quốc.
Nguy cơ  "thích giả, chán thật"
Chuyên gia tâm lí, Bác sĩ Vũ Minh Phượng (Chương trình "Cửa sổ tình yêu" của Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: "Việc sử dụng búp bê tình dục để thỏa mãn nhu cầu có hai mặt có lợi và có hại. Trước tiên, nếu chỉ dùng búp bê để thỏa mãn nhu cầu tình dục thì cũng không có vấn đề gì vì nó tránh mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, tác hại của nó là, nếu lạm dụng quá mức thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe".
Chuyên gia tâm lí Minh Phượng còn cho biết thêm, nếu lạm dụng búp bê quá mức rất có thể dẫn đến hội chứng "thích giả, chán thật" ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của họ. Hoặc có nhiều người chưa nhận thức được vấn đề, có thể dùng búp bê chung nhau và chính con búp bê sẽ biến thành vật lây bệnh. "Tôi khuyên các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng loại "đồ chơi" này", bà Phượng nói.
TS. BS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì lại thiên về ý kiến cho rằng "tự sướng" với búp bê là một thói quen xấu. ông cho rằng: "Tôi cũng đã từng được biết việc buôn bán búp bê tình dục tại Việt Nam. Người ta sử dụng búp bê tình dục, đồ chơi tình dục như là một dụng cụ để giải quyết nhu cầu về sinh lí. Việc sử dụng những sản phẩm này là trái với tự nhiên, mà trái với tự nhiên thì chắc chắn sẽ không tốt. Nhiều người quan niệm sử dụng các búp bê sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh liên quan đến bệnh tình dục. Tuy nhiên, việc sử dụng chung một cách bừa bãi, không vệ sinh cẩn thận thì búp bê lại là vật lây nhiễm bệnh nguy hiểm".


Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Cách làm hiện các Folder và File bị ẩn

        Vì có quá nhiều người hỏi về việc không tìm thấy tài liệu trong máy (Folder và File) hay ở USB. Nguyên nhân có thể bị mất như do bạn xóa hoặc ai đó xóa hoặc virut tấn công mat hẵn luôn... Hoặc do người dùng sử dụng các phần mềm khóa và ẩn tài liệu của bạn đi, còn một trường hợp nữa là do Folders hoặc Files của bạn đang ở dạng ẩn( Hiden). Khi trình duyệt Explorer của máy tính không kích hoạt chế độ xem các Folders hay Files bị ẩn(hiden) thì bạn không tìm thấy tài liệu này đâu cả. Cách làm hiện các Folder và File bị ẩn như sau:

Mở My Computerlên, trên thanh Menu chính chọn Tool\Folder Options

Xuất hiện hộp thoai như sau:
Chọn thẻ View


Chọn ở mục Hidden files and folders như trong hình ( khung bôi đỏ) sau:

Sau đó nhấn OK

Một đề nghị cải cách chức danh “giáo sư”

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/f/ff/Professor.PNG
Năm 2010, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) vừa tiến phong cho 71 giáo sư và 507 phó giáo sư.  Tính từ đầu thập niên 1980 đến nay, nước ta đã có gần 9000 giáo sư, trong số này có 1407 giáo sư.  Mặc dù chức danh giáo sư trên danh nghĩa dành cho những nhà khoa bảng giảng dạy và nghiên cứu trong đại học, ở nước ta chỉ có khoảng 2100 giáo sư và phó giáo sư (tức chưa đến 1 phần 4) thực sự giảng dạy trong các đại học.  Theo tôi, cần có một sự cải cách trong việc tiến phong và phân nhóm giáo sư để phù hợp với tình hình phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. 


Chức danh giáo sư và hệ thống khoa bảng 

Hệ thống thang bậc khoa bảng trên thế giới có nhiều khác biệt, và đã trải qua nhiều thời kì cải cách.  Trong các trường đại học Tây phương, người ta phân biệt ba cấp khoa bảng mà tôi tạm gọi [theo chức năng và trình độ] là: tập sự, trung cấp, và cao cấp.

Ở bậc tập sự gồm các chức vụ như Teaching Assistant, Tutor. Proctor, v.v...  Những nhân viên này có trách nhiệm làm phụ giảng, chấm bài thi, giám thị trong phòng thí nghiệm, v.v…

Ở bậc trung cấp gồm những nhân viên khoa bảng mang học hàm như Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre Assistant (Pháp) và Assistant Professor (Mĩ).  Những nhà khoa bảng này là những người đang ở bước đầu trong nấc thang sự nghiệp khoa bảng, có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy sinh viên và làm nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc dưới sự chỉ đạo của các giáo sư thâm niên.

Trên trung cấp một bậc là những nhân viên khoa bảng mang học hàm Reader, hay Senior Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre de Conférence (Pháp) và Associate Professor (Úc và Mĩ).  Những người này là những nhà khoa bảng đang ở trong thời kì "quá độ" để chuẩn bị được đề bạt lên một chức vụ khoa bảng cao nhất trong hệ thống học hàm đại học.  Trong đại đa số, họ cũng là những nhà nghiên cứu độc lập và có ít nhiều uy tín trong chuyên môn cấp quốc gia và quốc tế.

Cao nhất là các chức danh Professor.  Họ là những nhà khoa bảng kinh nghiệm lâu năm và quá trình nghiên cứu có uy tín trên trường quốc tế.  Họ cũng thường là những chuyên gia hàng đầu trong một chuyên ngành và có nhiều đóng góp đáng kể cho chuyên ngành cấp quốc tế.

Nói chung, các đại học trên thế giới hiện nay có xu hướng đơn giản hóa hệ thống chức danh khoa bảng theo mô hình của Mĩ.  Theo mô hình này, có 3 chức danh chính: assistant professor, associate professor, và professor.  Các đại học Á châu và một số ở Âu châu đã dần dần chuyển sang hệ thống 3 bậc giáo sư của Mĩ.  Ngay cả một số đại học Úc từng theo truyền thống Anh quốc (có 4 hay 5 bậc chức danh) ngày nay cũng bắt đầu chuyển hướng sang mô hình đơn giản của Mĩ.

Ở Việt Nam ta, hệ thống khoa bảng có vẻ đơn giản hơn.  Hiện nay, chúng ta chỉ có hai chức danh “phó giáo sư” (được xem là tương đương associate professor) và “giáo sư” (professor).  Thật ra, từ “phó” có lẽ không chính xác, bởi vì trong thực tế, người mang danh phó giáo sư chẳng làm phó cho ai cả, mà họ là những nhà nghiên cứu độc lập, thậm chí còn giữ chức vụ hành chính cao hơn cả giáo sư.


Chức danh giáo sư Ta và giáo sư Tây

Ở hầu hết các đại học phương Tây và Á châu, chức danh giáo sư là một chức được bổ nhiệm.  Và tính bổ nhiệm, nên chức danh giáo sư cũng có thời hạn nhất định.  Thông thường, chức danh giáo sư có thời hạn từ 3 đến 5 năm.  Sau thời hạn đó, ứng viên phải làm thủ tục được bổ nhiệm lại (renew).  Sau khi nghỉ hưu, tùy vào trường hợp, có nhiều người không có quyền dùng danh xưng “giáo sư” trước tên mình.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, chức danh giáo sư được xem như là một phẩm hàm.  Vì là phẩm hàm, nên người được tiến phong có quyền sử dụng danh xưng này suốt đời.  Ngày nay, qua vài lần cải cách, chức danh giáo sư không còn là một phẩm hàm, nhưng người được tiến phong chức danh vẫn phải tìm một cơ sở giáo dục để nghiên cứu hay giảng dạy.

Ở các nước trong vùng hay phương Tây, chức danh assistant professor, associare professorprofessor thường gắn liền với một trường đại học. Đó là những chức danh do trường đại học cấp, dựa theo những tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học, thành tựu trong giảng dạy và đào tạo, mức độ đóng góp cho chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế, mức độ đóng góp cho cộng đồng.
Vì là chức danh của một trường đại học cụ thể, giáo sư của một trường này không hẳn sẽ được công nhận ở một trường khác.  Trên thế giới, và ngay cả trong cùng một quốc gia, không phải đại học nào cũng như nhau về mặt chất lượng.  Do đó, tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư cũng rất khác nhau giữa các đại học.  Một người có thể là giáo sư ở đại học A, nhưng nếu chuyển đến đại học B thì có thể chỉ là phó giáo sư, hay thậm chí thấp hơn.

Ngược lại với qui chế ở nước ngoài, Việt Nam có qui chế tiến phong chức danh theo mô hình tập trung.  Theo mô hình này, chức danh giáo sư do HĐCDGSNN xét duyệt và phong tặng sau khi ứng viên đã trải qua xét duyệt ở cấp cơ sở và đã đạt những tiêu chuẩn do HĐCDGSNN đề ra.  Người được đề bạt chức danh giáo sư có khi không gắn liền với một trường đại học nào.  Thật vậy, trong số gần 9000 giáo sư và phó giáo sư đã được tiến phong trong gần 30 năm qua, hơn 75% không làm việc trong các đại học.  Rất nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính và quản lí tuy không làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy nhưng cũng mang chức danh giáo sư!  Đó là một điều bất bình thường.

Cần cải cách chức danh giáo sư

Trong trào lưu tương tác giữa đại học, chính phủ và kĩ nghệ, cần phải có qui chế về chức danh cho những người không làm việc trong các đại học.  Ở các nước phương Tây, một số chuyên gia tuy không nằm trong biên chế của đại học, nhưng do có những đóng góp cho đại học qua giảng dạy và nghiên cứu cũng có thể được phong chức danh giáo sư, nhưng tiêu chuẩn rất khác với các giáo sư của đại học.  Theo tôi, cơ chế này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam.

Tôi đề nghị phải phân biệt rõ giữa 2 loại giáo sư chính thức và giáo sư không chính thức.  Giáo sư chính thức là những người thuộc biên chế của đại học và nhận lương từ đại học.  Giáo sư “không chính thức” là những người không phải của đại học và cũng không nhận lương từ đại học, nhưng có đóng góp hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho đại học.  Do đó, ngoài việc phong chức danh cho các giáo sư như hiện nay, cần phải phát triển những tiêu chuẩn cụ thể cho các giáo sư không chính thức (không nằm trong biên chế của đại học).  Theo đó, cần phải có những chức danh giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng.

Giáo sư kiêm nhiệm:  Ở các nước phương Tây, người ta có chức danh conjoint professor hay adjunct professor, có thể tạm dịch là giáo sư kiêm nhiệm. Trong một số ngành như y khoa, kinh tế, và kĩ thuật, chức danh giáo sư có thể trao tặng cho những chuyên gia tuy không làm trong đại học, nhưng có đóng góp cho đại học, có hợp tác chặt chẽ với đại học qua nghiên cứu khoa học hay giảng dạy qua hình thức seminar và workshop.  Trong các bệnh viện, một số bác sĩ chuyên khoa cao cấp, tuy nhiệm vụ chính không phải là nghiên cứu khoa học nhưng có đóng góp trong việc huấn luyện thực tập sinh, cũng có thể được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm.  Đây là một hình thức tăng cường sự hợp tác giữa đại học và các trung tâm ngoài đại học như bệnh viện, cơ sở kĩ nghệ và quản lí.

Giáo sư danh dự: Hầu như tất cả các trường đại học ở các nước phương Tây đều có những kế hoạch để biểu dương tên tuổi và danh tiếng của trường mình đến với thế giới bên ngoài.  Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học thường dùng chính sách cấp học vị và học hàm danh dự cho những nhân vật quan trọng trong cộng đồng.  Những học vị và học hàm danh dự được trao tặng thường là những văn bằng và chức vụ cao nhất trong đại học như Honorary Professor (giáo sư danh dự).  Người được trao tặng không nhất thiết phải là cựu sinh viên hay cựu nhân viên của trường, cũng không cần phải có quá trình học vấn nào, mà có thể là một nhà hoạt động chính trị, nhà hoạt động xã hội, một nghệ sĩ, nhà báo, công chức … có uy tín tốt.  Ở Úc, cựu Thủ tướng Paul J. Keating, người có trình độ học vấn cấp phổ thông trung học, sau khi rời chính trường, được Trường Đại học New South Wales trao tặng học hàm “Honorary Professor”, để ghi nhận đóng góp của ông trong nỗ lực đem tên tuổi đại học và nước Úc vào thị trường kinh tế Á châu.

Cựu giáo sư: Những giáo sư đã nghỉ hưu nhưng đã và đang có đóng góp quan trọng cho trường đại học cũng cần phải được ghi nhận.  Một trong những hình thức thực tế nhất để ghi nhận đóng góp của những chuyên gia này là phong cho họ chức danh cự giáo sư mà tiếng Anh hay gọi là Emeritus Professor.  Ở các đại học phương Tây, chỉ có một số giáo sư (sau khi nghỉ hưu) có chức danh này.
Giáo sư thỉnh giảng (Visiting Professor) là một chức danh khá phổ biến trong các đại học và viện nghiên cứu phương Tây.  Đây là một loại chức danh được phong tặng cho các nhà khoa học ngoài đại học để họ đến giảng hay nghiên cứu tại đại học trong một thời gian ngắn (thường từ 3 tháng đến 1 năm).  Đây cũng là một hình thức mà các đại học ở các nước đang phát triển “bóc lột” tri thức từ các chuyên gia có tên tuổi một cách khá hữu hiệu.  Thông thường, trường đại học mời các nhà khoa học hay giáo sư nước ngoài có uy tín tốt về một chuyên ngành tiêu ra một thời gian ngắn tại đại học để trao đổi với các giáo sư và nghiên cứu sinh, và qua đó tăng cao khả năng nghiên cứu của trường.  Giáo sư thỉnh giảng thường được đại học trả lương trưng, nhưng đại học tài trợ các chi phí ăn ở và đi lại trong thời gian lưu lại tại đại học.

Tất cả những chức danh giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng là một hình thức nhằm tăng cường mối liên hệ và tương tác giữa đại học với viện nghiên cứu hay kĩ nghệ.  Cần phải có những tiêu chuẩn cho các chức danh giáo sư “không biên chế” như trên, và những tiêu chuẩn này phải “nhẹ” hơn tiêu chuẩn cho các giáo sư biên chế.  Ở các đại học phương Tây, người ta ghi rõ người được phong các chức danh trên đây khi công bố công trình nghiên cứu phải đề tên đại học trong địa chỉ tác giả, chỉ được sử dụng chức danh giáo sư trong những trường hợp thích hợp và cụ thể.  Chẳng hạn như người có chức danh giáo sư kiêm nhiệm chỉ được xưng là “Adjunct Professor” (kèm theo tên trường đại học), chứ không được xưng “Professor”.

***

Chức danh giáo sư là một chức danh cao quí.  Các giáo sư là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam.  Vì thế, xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh giáo sư.  Xã hội muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế, và có đóng góp thực sự cho sự phát triển khoa học nước nhà.  Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn và ngạch đề bạt giáo sư ở nước ta. 

Trên thế giới và cả ở nước ta chức danh giáo sư đã trải qua nhiều thay đổi.  Những năm gần đây, nước ta cũng có thay đổi về tiêu chuẩn và qui trình phong chức danh này, tuy có cải tiến theo chiều hướng tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải xem lại để phù hợp với chuẩn mực quốc tế.  Chẳng hạn như việc tính điểm một cách máy móc để làm chuẩn cho việc phong giáo sư theo tôi là không hợp lí và hàm chứa nhiều cơ hội cho tiêu cực.  Tuy nhiên, một trong những điều bất cập hiển nhiên nhất hiện nay là chưa phân biệt được chức danh giáo sư biên chế của đại học và giáo sư kiêm nhiệm, nên dẫn đến tình trạng chỉ có khoảng 1/4 giáo sư thực sự giảng dạy và nghiên cứu khoa học.  Để tránh tình trạng nhập nhằng này, tôi đề nghị cần phải tạo ra những chức danh giáo sư mới và tách bạch những giáo sư thực thụ với những giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng.

TB. Bản ngắn hơn đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần với tựa đề : Chức danh “giáo sư”: cần cải cách

Phan Vũ, đi và lạc

http://www.emoihanoipho.com/home/wp-content/uploads/2010/07/01.jpg
Xin giới thiệu một bài tạp bút của Lê Vũ (là một nhạc sĩ ở Sài Gòn) mà anh muốn chia sẻ cùng các bạn về Nhà thơ Phan Vũ, tác giả bài thơ mà Nhạc sĩ Phú Quang đã phổ thành một ca khúc rất hay: Em ơi Hà Nội Phố. Lần đầu tiên tôi nghe bài này cũng đã trên 20 năm (thời Việt Nam mới mở cửa và nhạc từ trong nước bắt đầu xuất hiện ở ngoài này), và thấy ca khúc rất . Hay từ lời thơ đến nhạc điệu. Bây giờ vẫn thấy bài này hay. Qua bài tạp bút này, chúng ta sẽ gặp Phan Vũ là một họa sĩ với nhiều tác phẩm ấn tượng. NVT


Phan Vũ, đi và lạc

Phan Vũ
Từ buổi tóc còn xanh, những chuyến đi đã mang mang ám ảnh "Ta lại xếp mớ hành trang đã bao lần xếp lại/ cho chuyến đi chưa có buổi lên đường"(Đợi chờ). Đi, một hành trình dịch chuyển, một dấn thân hay một kiếm tìm ? Câu trả lời neo lại đâu đó nhưng mặc kệ, Phan Vũ vẫn giẫm lên những rạn nứt im lìm, vẫn thí thân cho những tình cờ cuộc đi để rồi lạc: Một con đường chia thành trăm ngả/ Ngã nào cũng lạc cũng bơ vơ ( Ngày trở về)

Gần 90 năm băng băng cuộc người, Phan Vũ tìm thấy mình, một gã trần trụi đi qua thời gian không có gì trối trăn nhưng ngoảnh đầu lại, anh vẫn hồn nhiên mỉm một nụ cười với dâu bể. Quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Hỏi anh đâu chốn quê nhà, vầng trán anh nhăn nhíu một vệt buồn: Quê hương không phải "mỗi người chỉ một" nên nói chi một con đường, cuối cùng tất cả là mê lộ trần gian.

Một mình giữa bóng chiều sa / Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha.

Không chỉ lạc nhà, anh còn lạc nghề. Nghề là chọn lựa với dấn thân nhưng cầm súng, biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo...nghề nào cũng mất mát, nghiệp nào cũng ê hề quạnh quẹo dù còn đó những giải thưởng với vinh quang. Làm đạo diễn, anh lạc vai diễn lạ mặt mình. Viết báo, anh buồn những tin lặt nhặt ngã năm ngã bảy. Làm thơ đem đọc rồi đốt để hóa vàng . Bỏ đi thôi, 70 tuổi bắt đầu học nghề cầm cọ và anh vui sướng vì ở đây "Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh họe" nhưng rồi cọ cũng lạc màu nhòe nhoẹt thành  "Những ngọn cụt"(1). Chiều rồi manh manh vỡ ra một vùng sáng tối mờ mịt gió lên : Tôi đứng giữa miền sáng tối âm dương/ Chiều manh manh/ Rờn rợn xanh ngọn lá/ Hun hút gập ghềnh mê lộ/ Một cõi hoang lầm lũi mãi đi về. ( Suy tư chiều).

Ngày xô vào đêm, đêm trộn ngày, thành viên sót lại của Ban chấp hành Hội Nhà văn 60 năm trước, người lãnh giải thưởng văn học vở kịch Lửa cháy lên rồi năm 1955, tác giả "Em ơi Hà Nội phố", người đọc thơ giữa Hà Nội chào mừng Ngàn năm Thăng Long 2010, vẫn phi về phía trước với lịch làm việc dày kín từ sáng sớm: những sắc màu, triển lãm,  thơ ca  và bè bạn. Thời gian không còn nữa. Tôi phải  "cháy" như ngọn nến đến tận khoảnh khắc cuối cùng...
***
Phan Vũ, cái tên không còn lạ với Hà Nội, Sài Gòn...Ai đó có thể gọi anh là đạo diễn, nhà báo, họa sĩ..., tùy hỉ. Riêng tôi, tôi chỉ muốn gọi anh là khách thơ, một người thơ hồn nhiên sống giữa chợ người kiểu Bùi thi sĩ "ngứa cổ hót chơi" và đem thơ tặng chuồn chuồn châu chấu. Thơ là người và Phan Vũ, chưa một lần thuyết giảng đạo đức, ve viên thơ thành đạn đồng đạn chì hay bày biện mâm cổ tình dục. Thơ, một kiếm tìm bản lai diện mục, một đào xới cõi tâm thức những hoài niệm, một chân thực bày tỏ nỗi niềm trăm năm cũ, một khát khao cho trăm năm sau.  Hỏi mục đích thơ, Phan Vũ ngắn gọn: Tôi làm thơ cho tôi, cho vợ, cho người tình, cho những vùng đất đã đi đã sống.làm thơ không phải viết thơ nên 82 tuổi, anh mới góp nhặt những chợt nhòa chợt hiện và xuất bản tập thơ đầu tay : Thơ Phan Vũ-  trường ca  Em ơi Hà Nội phố, như là " một cuộc trò chuyện" .

1972, Hà Nội khói lửa mịt mùng, bom nổ bến đò Dâu, Phan Vũ đi qua chuyến đò, gõ cửa nhà bạn tặng mấy đóa cúc dại mừng sinh nhật như đã đinh ninh hẹn lời. Và "Em ơi Hà Nội phố" ra đời chính trên những bước chân kiếm tìm "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ những mảnh vỡ trên thềm..."Em ơi Hà Nội phố", ẩn tàng tâm thức người thơ và tự nó có những niềm riêng bí mật & lạ lẫm. Nếu Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống trong một đêm và hôm sau đã công bố thì "Em ơi Hà Nội phố" có nhiều nhiều dị bản vì đã im lìm gần 40 năm để đến hội mừng Thăng Long ngàn năm tuổi mới bùng vỡ giữa những mặt người Hà Nội. Mỗi bài thơ có số phận riêng của nó và những va đập định mệnh. Nhưng mai sau dù có bao giờ ,Thâm Tâm với Tống biệt hành, Phan Vũ với "Em ơi Hà Nội phố", là những thi sĩ thứ thiệt.

"Em ơi Hà Nội phố", trước hết là khoảng không gian mở cửa về phía hôm qua, ở đó là ngôi nhà số 52 phố Hàng Bún Thang gác cọt kẹt thời gian/ Thân gỗ, là miền tuổi thơ cơn mưa chiếc thuyền giấy, quả bóng lăn, là ngõ phố cột đèn, bờ đê, ngôi chùa cổ đường lượn mái cong, ngói âm dương xô lệch vào chiều. Em không chỉ là tiếng gọi mà gói lại biểu cảm những dịu dàng vấn vít yêu thương: bờ tóc xõa, đôi guốc mộc , mắt lúng liếng, cánh tay trần, hồng đôi má , tiếng dương cầm lả tả, những  chân tìm nhau vội vả và Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối/ Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...Em còn là thân thương Hà Nôi bốn mùa xuân hạ với chùm hoa thu tím ngát, mùa sen nở, hoàng lan thơm nhụy , hoa sấu ngực đông, hoa sữa thơm tràn, là những mặt người lạ quen: một gã Trương Chi ôm guitare, hóa đá, một bà quán ê a chuyện nàng Kiều, người soát vé áo bành tô cũ nát, là mẹ với đàn con trên bến đợi, là cô hàng hoa, ông đồ xưa bút mực tàu...Hà Nội động chuyển, phi qua những mây bay, tỏa hương hoa như nó là.  

"Em ơi Hà Nội phố" như thế và như thể thước phim quay chậm trên nhiều cung bậc sắc màu & ánh sáng, trên những góc quay đa chiều. Hình là cận cảnh đời thường, có khi tươi nguyên lãng mạn cuộc tình đầu ngọt lịm, có cả bộn bề hiện thực lờ mờ lá bánh củ khoai, mảnh trăng vỡ tiễn người bỏ xứ, có khi lô nhô trắng sáng năm cửa ô, năm cửa gió và ba mươi sáu phố/ bao nhiêu mảnh vỡ, rồi những hình nhân nhợt nhạt vàng son.. Phim cũng đồng thời ghi âm một tiếng rao đêm/ lạc giọng, căn nhà đổ, những lanh canh tiếng chưông reo hay lời kêu khổ. Không, Phan Vũ không trốn chạy hiện thực nhưng nhà thơ cắt nghĩa hiện thực theo cái cảm quan chân thực của mình và thơ cứ như mồ hôi rươm rướm, như máu chảy từ tim ...

"Em ơi Hà Nội phố" còn là bức tranh màu tô lên những phiên bản thời gian. Này là một màu xám hư vô, những hoàng hôn vàng suộm bi ai phế hưng thành quách; cung cách ngàn năm đã cạn để Hàng Mã không còn ngựa xe võng lọng, một Hàng Đào không bán đào, một Hàng bạc không còn thợ bạcđường Trường Thi không chõng không lều. Này là bóng tối buồn dằng dặc những chia tay, con tàu đêm, sân ga lạc. Này là bình minh nắng lên những gót son bờ môi ai đậm đỏ bích đào. Thực pha với mộng, lịch sử chồng xếp lên ngày tháng hôm nay; toa xe điện cuối ngày trộn với tháng chạp mùi hương dài theo phố, lung linh Tháp Rùa trộn với đậm đầy đắng cay những biến động cuộc ngày. Tất cả làm nên một Hà Nội đẹp và buồn nên cứ ám ảnh ám thị. 

Bước vào cõi thơ ""Em ơi Hà Nội phố", Phan Vũ lạc vào hoài niệm và ta lạc trong miền suy tưởng chiêm ngắm Hà Nội trên những cột mốc thời gian. Những hình ảnh chồng xếp lên nhau, vô hình trung trở thành những biểu tượng."Ta còn em" chạy dọc bài thơ thành ra là tiếng kêu của mất mát chứ không hề là một lời chào mừng Em hiện hữu. "Em ơi Hà Nội phố", do vậy, bỗng ngậm ngùi một dự báo tương lai Hà Nội đổi thay không còn có thể nhận ra, để rồi buồn tiễn biệt " nhật ký sang trang/ ghi thêm nổi khổ".

"Em ơi Hà Nội phố" cuối cùng là thơ hay lời tơ than (2)? Phan Vũ không biết, ta cũng mơ hồ chỉ là, bài thơ không bi tráng, không máu me xương xẩu, không cả nước mắt nhưng ngọn gió Nghi Tàm, Cổ Ngư cành phượng vĩ, từng ngõ phố góc đường mùi hương phả vào chúng ta bầu khí thân mật thân quen và níu giữ lòng ta cho đến mai sau. Phan Vũ đã thành công khi dựng lại một Hà Nội máu thịt mà không hề tụng ca, hay thổi phồng cảm xúc. Thơ đích thực, vỡ ra từ một tấm lòng ... Anh đã biết buồn và buồn thật, buồn như ngày chiếc bình vỡ : Trên đường đi đầy hoa đỏ/ Nhưng không có mùi hương thơ ngây/ Bởi trong tôi chiếc bình xanh đã vỡ ( Bình vỡ). Nhưng có ai bắt buộc thơ phải vui ? Và Phan Vũ bảo nhỏ với tôi "Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp nào không buồn. Nỗi buồn là sự thật"... Chiều xuống rồi. Đã muộn cho một cuộc đi...

***
Một tác phẩm của Phan Vũ

86 tuổi rồi, Phan Vũ không dừng lại vì cuộc đời như cuộc chơi, dùng lại là chấm hết. Anh đang bận rộn chuẩn bị cho việc đọc thơ- không hề và không phải là trình diễn thơ - lần thứ hai giữa Sài Gòn: trường ca "Bao giờ là mãi mãi", tùy bút thơ về Sài Gòn, dài đến 300 câu. Với anh, Hà Nội chỉ là năm tháng ngụ cư, Sài Gòn mới thực là chốn thường trú, là mảnh đất in dấu chân anh thời trai hào hùng, là vùng đất anh lập nghiệp khi bước vào tuổi trung niên. Nên "Bao giờ và mãi mãi" là một trả đền cho hôm nay, một gửi gắm cho mai sau.

"Bao giờ là mãi mãi" khởi viết từ 1996 và đến 2010 mới tạm hoàn thành, là một chiêm ngắm suy tư về đất và người. Bao giờ về Sài Gòn / Em sẽ tìm hàng me/ Màu xanh non/ Một đêm cây trổ lá/ Đường đến trường tiếng cười rộn rã/ Nắng vừa lên/ Tà áo trắng bay bay...Những con chữ còn đó vỡ ra âm hưởng nồng nàn tiếng gọi ; nhưng không, tâm thức biến cải rồi nên thi pháp cũng loạn gió để vỡ bờ. Trong "Em ơi Hà Nội phố" tuyệt không có nước mắt, máu & mồ hôi, không có khăn tang bia mộ, không chiến tranh và những cái chết cận kề cũng không bừng bừng câu chính khí . "Bao giờ và mãi mãi" gần như ngược lại, là một cái nhìn khác của Phan Vũ về hiện thực, của một người đã bước qua ngưỡng cửa " cổ lai hy". 

"Bao giờ là mãi mãi" trước hết là những câu chuyện tự sự, là mảng ký ức từ thuở tóc xanh cầm súng xa nhà kháng chiến, là nỗi nhớ đồng đội, là suy tư cho hôm nay trước mặt trời dựng xây ngày mới.  Hãy nghe nhà thơ kể chuyện : Mùa thu năm ấy/ Tháng chín hai mươi ba/ Câu hát mài gươm thành câu hát tiễn. Đường qua xóm lập lòe ngọn lửa/ Mái chèo khua nhịp tiếng trống đồn/ Cuộc tiễn quân dài chín dòng sông ...Chất trữ tình đã nhường chỗ cho sử thi, một tiếng thơ hào hùng vang động mà âm ba dội giữa giang hà. Chiến tranh rồi chia cắt, đất nước thành hai đầu nỗi nhớ, câu thơ bỗng nhoi nhói nỗi niềm, tưởng chừng rươm rướm lệ : Lưỡi gươm xẻ dọc con sông/ Giữa đất nước dựng hàng rào phân địa/ Hình hài non sông lỗ chỗ đạn bom...Thơ không thở than, thơ, tiếng kêu xé lòng : Mẹ bồng con ngồi giữa mịt mùng/ Mảnh gang lạnh ghìm trên cánh cửa ...Lần này, và ở đây, Phan Vũ đã bê nguyên hiện thực chiến tranh vào thơ, là kể chuyện sống chết, đối địch, súng gươm và hận thù, kể cả chuyện tưng bừng bi tráng khúc tháng tư : Người lính trẻ giữa ngã tư thành phố/ Nước mắt rưng rưng câu hát vỡ òa/ Sài Gòn ơi ta đã về đây...Đó là khúc dạo đầu của "Bao giờ là mãi mãi" khác biệt với "Em ơi Hà Nội phố" lằng lặng những thanh âm dịu dặt.

"Bao giờ là mãi mãi" cũng chụp và chép, là đoạn phim quay chậm hình ảnh Miền Nam hai mươi năm chiến tranh khốc liệt; Sài Gòn không bình yên. Này là hình ảnh đồng đội, có người vừa chào lạy mẹ cha đã nằm xuống không trở dậy: Có những bàn chân leo qua ngọn núi/ Mộ phần hiu quạnh giữa rừng hoang/ Có người ngã xuống ngay trước ngõ ...Này là dòng máu chảy tràn nuôi bông lúa trổ, nuôi ngày mai nở hoa độc lập: Máu theo dòng chảy con sông/ Hồng Hà, Cửu Long Sông Mã, sông Hương, sông Hàn / màu xanh pha sắc đỏ ...Và còn đó là hình ảnh vợ tôi, tuổi mười sáu vượt làn ranh/ Từ Sài Gòn ra bưng biền... Thơ chững lại, ngập ngừng một chút trao duyên, một nhánh lá xanh giữa rừng rực sắc đỏ của đạn bom mất mát : Nhớ một chiều, giữa rừng tràm/ Anh bẻ một nhánh lá tặng em/ Kể như chùm hoa trao duyên ngày cưới ...Cuộn phim cho ta nhận ra một Phan Vũ khác, một Phan Vũ không tự đóng đinh vào những nỗi buồn tư riêng, những lãng mạn tiểu tư sản. Thơ đã bước qua cái tôi, cũng bước qua bóng tối của trầm tư quá vãng để quăng mình vào hiện thực Miền Nam Thành đồng. Anh không còn lạc trong nỗi buồn tím ngát nhưng mở mắt để nhận diện chân lý : máu chảy là một hiến dâng, một vĩ đại hiến dâng.  Và thơ kêu vang, tra vấn hiện thực : "Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng" 

Trường ca Sài Gòn đi về đoạn kết, không kể lể mà phơi bày hiện thực, một Sài Gòn phố ùn tắc, những mặt người âu lo, vết đen hằn lam lũ bàn tay, một Sài Gòn cơm áo gạo tiền trăm nghìn nỗi tính toan theo số nhỏ, một Sài Gòn mà hố sâu giàu nghèo ngày càng phân cách: một bên tầng chín tầng mười, bên kia vùng nước đen, ao tù bùn đọng.  Và Phan Vũ lại lang thang đi và tìm, lại lạc trong những nghĩa trang buồn ở đó : Lính chết trận, thưa ông bà tiên tổ/ sao chỉ một bên là tử sĩ / Trong những ngôi nhà Việt Nam / đều khắp giải khăn tang. Câu hỏi không chỉ đau lòng mà nhèm nhẹp đen bóng tối của nghi kỵ, của mối hận thù chưa thể cởi mở sau bao nhiêu năm Nam Bắc sum họp. Trường ca khép lại hình ảnh Phan Vũ cô quạnh trên đường, lạc trong giấc mơ và những chiêm nghiệm nhân sinh,  miệng lầm thầm một "cầu nguyện lớn" : Có muộn không? Một quy mô siêu độ kinh cầu/ Vinh danh liệt sĩ/ Và tưởng niệm hương hồn toàn tử sĩ/ cả những thường dân trong cuộc chiến vong thân.

"Bao giờ là mãi mãi" trải ra trên chiều rộng của Miền Nam và chiều dài hai mươi năm Nam Bắc phân cách chia lìa với tang thương mất mát & hy sinh.  Hình ảnh Sài gòn nổi lên trong giấc mơ bận bịu câu hỏi lặp đi lặp lại " Bao giờ về Sài Gòn". Về, chỉ để nghe một tiếng rao đêm, ăn một chén chè khuya phố,  để " ra bến sông ngắm những con tàu". Thơ vọng âm từ hơi thở cuộc sống đời thường mà nồng nàn lãng mạn. Nhưng điệp khúc chủ đạo của trường ca lại là một phát vấn, một nghiêm trang câu hỏi : "Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng"? Câu hỏi treo ở đó cho cả mai sau.

***

Thơ là người, người thơ không dành lấy cho mình danh hiệu phấn son, khẩu phần chia chát, cũng không đấu đá biện bày những hí lộng với ngoa ngôn. Đọc và nhìn lại Phan Vũ từ "Em ơi Hà Nội phố"  đến "Bao giờ là mãi mãi", ta nhận ra một người thơ hồn nhiên đi giữa càn khôn bộn bề mà chẳng hề bận bịu với lo toan. Anh đi, đi và để lạc: lạc đi từ chốn quê nhà, lạc cả nghề lẫn nghiệp, nhất là lạc trong cõi thơ, những hoài niệm và giấc mơ cứ vướng chân anh. Thơ Phan Vũ thuộc về hoài niệm nhưng lại mở ra những dự báo cho tương lai cho nên thơ & người thơ sẽ là của hôm sau và hôm sau nữa./.

Tp Hồ Chí Minh 21/12/2010 . LV

•1-     Bức tranh tự họa của Phan Vũ
•2-     Nguyễn Du : Văn chương tàn tích nhược như ti . Bùi Giáng dịch thành : văn chương tiếng thở như lời tơ than
•3-     Chữ in nghiên trích thơ Phan Vũ
•4-     Tài liệu trích dẫn  : Thơ Phan Vũ ( đã in 2008). Trường ca "Bao giờ và mãi mãi " chưa xuất bản

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

5 lời khuyên để chọn thiết kế tối ưu cho ngôi nhà của bạn


(Archi) – Rất nhiều gia đình khi lựa chọn bản thiết kế cho ngôi nhà của mình thường rơi vào tình trạng băn khoăn giữa sở thích của các thành viên trong nhà với những nhu cầu sử dụng thực tế.

Điều này dẫn đến hệ quả là ngôi nhà khi đưa vào sử dụng, đôi khi, sẽ thiếu đi tính thực tế, dẫn đến cảm giác bất tiện hoặc mất đi tính thẩm mỹ cần có. Như vậy ngôi nhà sẽ không đáp ứng được sự mong mỏi của bạn, cũng như không mang lại một không gian sống tốt nhất cho các thành viên trong gia đình, dẫn đến việc lãng phí và khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Dù bạn sống trong một căn hộ chung cư, một căn nhà tập thể hay một ngôi nhà riêng thì việc chọn một thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hoà với không gian xung quan đều là yếu tố quan trọng. Việc lựa chọn thiết kế phần lớn sẽ được dựa trên thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình và hình thể khu đất, căn hộ.
 
Archi - 5 lời khuyên để chọn thiết kế tối ưu cho ngôi nhà của bạn

5 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn trong việc lựa chọn cho ngôi nhà của mình thiết kế tối ưu:

1. Thiết kế trước hết phải tạo sự thuận lợi và phù hợp với thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình:

Có rất nhiều yếu tố mà bạn cần lưu ý đến khi lựa chọn phong cách thiết kế cho nhà mình như: diện tích của các căn phòng với số lượng và độ tuổi của các thành viên trong gia đình.
Trong bài Ưu và nhược điểm của thiết kế mở chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc những ưu và khuyết điểm của  phong cách thiết kế này.

Với những gia đình có trẻ nhỏ thì sẽ thường ưa chuộng thiết kế mở, nối liền các không gian phòng ngủ và phòng tắm, phòng khách và phòng bếp lại thành từng nhóm để tiện lợi cho việc trông coi và chăm sóc trẻ. Trong khi đó, những gia đình với các cô bé, cậu bé thuộc độ tuổi vị thành niên hoặc đã trưởng thành lại thiên về những không gian riêng tư hơn.

Tương tự như thế đối với các phong cách thiết kế khác, bạn cũng nên xét đến những ưu và nhược điểm của chúng dựa trên cơ sở là những thói quen cụ thể của gia đình mình thay vì những phân tích chung chung.

2. Tần suất tiếp khách và vui chơi giải trí của gia đình trong ngôi nhà:

Rất nhiều gia đình khi thiết kế nhà thường chú trọng đến việc tạo cảm giác thoải mái và thể hiện sự hiếu khách ngay khi các vị khách bước những bước chân đầu tiên vào nhà. Một hành lang rộng rãi dẫn tới phòng khách được nối liền với phòng ăn và chuyển tiếp mềm mại ra không gian ngoài trời sẽ là một “hành trình” thú vị cho các vị khách đến thăm nhà.

Tuy nhiên, với những người yêu thích sự riêng tư, họ sẽ không muốn phần lớn ngôi nhà của mình được “trưng bày” ngay từ cái nhìn đầu tiên khi mở cửa. Trong trường hợp này, một phòng khách trang trọng liền kề cửa ra vào là lựa chọn tốt nhất. Thiết kế này cho phép các vị khách tiếp cận ngay với không gian dành cho mình một cách thoải mái trong khi đó vẫn đảm bảo được sự riêng tư cho phần còn lại của ngôi nhà.
 
Archi - 5 lời khuyên để chọn thiết kế tối ưu cho ngôi nhà của bạn 

3. Nên xây nhà một tầng hay nhiều tầng:

Một số gia đình thích xây nhà một tầng vì sẽ hạn chế được những tiếng động không mấy thú vị khi lên xuống cầu thang. Một vài ngôi nhà một tầng hoặc nhà được thiết kế theo phong cách của những nông trang thường có xu hướng đặt các không gian công cộng tại vị trí trung tâm, các không gian riêng tư, phòng tắm sẽ nằm hai bên “cánh” nhà.  Những ngôi nhà này thường được những gia đình có người già và trẻ em lựa chọn do tránh được những nguy hiểm có thể xảy ra khi di chuyển giữa các tầng.

Với những ngôi nhà cao tầng có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất sử dụng và đa dạng hoá góc nhìn cho ngôi nhà. Nhà nhiều tầng cũng thuận lợi hơn trong việc bố trí không gian riêng tư cho các thành viên trong gia đình. Những ngôi nhà này thường được các gia đình có những người ở độ tuổi thành niên, trưởng thành ưa chuộng.
 
4. Cân nhắc những điểm đặc biệt cần chú ý:

Khi lựa chọn thiết kế cho ngôi nhà của mình bạn cần chú ý đến những yếu tố đặc biệt trong nhà. Ví dụ có thành viên nào sống và làm việc tại nhà cần có thêm không gian hoạt động, nếu nhà bạn nhiều trẻ em thì hành lang cần rộng hơn để có thêm không gian cho trẻ chơi đùa, chạy nhảy…Những ngôi nhà kiểu cũ thường có hành lang hẹp, lối vào và cửa thường khá thấp, vì vậy bạn cũng cần lưu ý đến những yếu tố này.

Tính toán sẵn các kế hoạch dự phòng về sự thay đổi không gian chức năng trong lương lai là điều nên làm. Có thể hiện tại gia đình bạn có trẻ nhỏ và bạn lựa chọn phong cách thiết kế mở, nhưng khi trẻ bước sang tuổi vị thành niên và cần không gian riêng cho mình, bạn cần phải có sẵn phương án dự phòng.

5. Những hoạt động ngoài trời của gia đình:

Thiết kế cho ngôi nhà của bạn có thể bao gồm cả những không gian vui chơi, giải trí ngoài trời. Đó có thể đơn giản là hành lang trước nhà, hiên nghỉ hay cao hơn nữa là hồ bơi hoặc một khu vườn rộng rãi, bạn đều nên dành cho chúng sự đầu tư xứng đáng.
Những không gian này rất có tiềm năng trong việc mang lại cho bạn và gia đình những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn thú vị.  Có thể đơn giản là một bàn trà nhỏ để gia đình cùng trò chuyện, một khu vườn treo cho ông bà, một góc nhỏ lãng mạn cho vợ chồng trẻ….Vì vậy bạn không nên bỏ qua hoặc coi nhẹ những khoảng không này khi thiết kế nhà.
 
Nhật Minh

Những điều nên tránh khi bài trí tượng Phật


(Archi) - Thờ cúng và bài trí tượng Phật trong nhà cũng cần biết những điều cấm kỵ giúp gia đình đạt được bình an và phú quý.

Thông thường, trong mỗi gia đình theo Phật giáo đều có bàn thờ Phật, tranh Phật hay bài trí tượng Phật để cầu xin bảo hộ bình an, phát tài. Tượng Phật rất linh thiêng, vì vậy chúng ta nên chú ý đến những điều kiêng kỵ để tránh mang lại những điều không may đến cho gia đình.

Sau khi mua tượng Phật, tuyệt đối không được khóa trong két bạc hay cất trong tủ kín giống các đồ quý khác như vàng, bạc, đá quý... Hành động này bị coi là bất kính nhất đối với tượng Phật. Nếu để tượng trong két bạc còn làm cho nhà xảy ra rất nhiều chuyện không hay, nhất là trẻ em hay bị ốm.
 
Archi - Những điều nên tránh khi bày trí tượng Phật 

Phòng ngủ là không gian riêng tư của gia đình. Vì vậy, không được bài trí tượng Phật hay vứt bùa phù hộ có hình tượng Phật lung tung trong căn phòng này, vì điều đó sẽ dẫn đến việc ngủ không ngon, hay mộng mị.

Không nên mua tượng Phật một cách ngẫu hứng, tùy tiện. Trong nhà chỉ nên thờ nhiều nhất là ba vị và phải sắp đặt chung một bàn, càng nhiều tượng Phật thì người sống trong nhà càng cảm thấy phân tâm, bất an.

Nếu tượng Phật trong nhà quá cũ, để lâu năm thì không được vứt hoặc ném vào một góc nào đó mà cần mua tượng Phật mới để thay và mang tượng Phật cũ lên chùa, miếu hoặc có thể đốt cùng tiền vàng (vào mùng 1, ngày rằm để tiễn tượng Phật quy vị).

Nếu tượng Phật không may bị vỡ, không nên dùng chổi quét và vứt tùy tiện mà phải dùng giấy vàng gói lại, vào ngày mùng một, ba, năm, bảy, chín đốt dưới nắng, tiễn tượng Phật quy vị. Nếu ngón tay tượng Phật bị gãy thì nên dùng giấy đỏ cuộn lên rồi lắp vào, nếu thân Phật có vỡ, nên dán lại bằng giấy đỏ.

Khi đặt tượng Phật lên bàn thờ, dưới tượng phải để một đĩa có giấy đỏ nhằm tỏ lòng thành kính và trang trọng đối với Phật.

Trong khi thờ Tam thế Phật, phải sắp đặt chung một bàn. Nếu tượng lồng kính thì nên đặt ngay thẳng, không được cái cao, cái thấp, cũng không được cái to, cái bé; còn với tượng gỗ, tượng đồng, tượng sành, thì để ngang hàng đồng bậc, không nên để tầng trên, cấp dưới.

Bàn thờ Phật không được bày theo hứng mà phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ ông bà, thì nên thờ một bên. Nếu nhà cao tầng thì thờ Phật ở tầng trên. Tại bàn thờ Phật thì không nên để tạp vật nào khác, ngoài bình bông, lư hương, chân đèn và đĩa quả. Những vật này, mỗi ngày cần được săn sóc lau quét sạch sẽ.

Ngoài ra, những tranh in hình Phật tuyệt đối không được cuộn lên, bởi làm như vậy sẽ gây đau đầu cho những người sống trong gia đình. Khi mắt, ngón tay của tượng Phật trong tranh bị hỏng thì phải sửa chữa hoặc vẽ lại, nếu không vẽ lại như cũ thì người sống trong nhà dễ bị mắc bệnh đối ứng chỗ hỏng của tượng Phật.

Lục Bảo

Kiêng kỵ khi bố trí sân phơi


Người ta đại kỵ để sân phơi (Thủy) lộ đất (Thổ) và liền với khu bếp (Hỏa).

Trong ngôi nhà xưa nay, chỗ giặt và phơi quần áo không phải là không gian chính, nhưng nếu sắp xếp bất hợp lý sẽ dẫn đến thiếu tiện dụng và ảnh hưởng xấu sang các không gian khác. Tương tự như khu vệ sinh hay chỗ tập thể dục, nơi giặt và phơi đồ trong nhà... đòi hỏi các yêu cầu đặc trưng riêng về phong thủy.

Vị trí & phương hướng

Nếu kết hợp được chỗ giặt cùng với sân phơi sẽ giúp bạn không phải di chuyển nhiều, đồng thời dùng nguyên lý "Tọa Hung" (đối với khu bếp hay khu vệ sinh cũng vậy) sẽ khá hữu hiệu về phong thủy. Những hướng xấu, hướng ít giao tiếp thường bố trí sân phơi và chỗ giặt, tất nhiên là có che chắn hợp lý để không làm hỏng máy giặt hoặc nắng gắt làm hại quần áo.
 
Archi - Kiêng kỵ khi bố trí sân phơi 

Tốt nhất là làm thành phòng giặt (dù nhỏ) và sân phơi có mái, chung quanh là khung lưới để tránh mưa nắng trực tiếp, đồng thời có thể ngăn đồ đạc không bị thất lạc. Ngoài ra, nên dự phòng một phần phơi đồ trong nhà vào những mùa mưa bão kết hợp làm nơi ủi đồ.

Nơi giặt và phơi đồ cũng phải đặt khuất tầm nhìn từ ngoài vào, với nhà 1 tầng thường ở giếng trời (phía sau) hay sàn nước, còn nhà có mái bằng thì dùng sân thượng là hợp lý. Tuy nhiên, cần chú ý sân phơi nên đặt về phần sân phía sau của nhà để vừa tránh lộ ra mặt tiền thiếu thẩm mỹ, vừa không phải mang quần áo qua lại phòng thờ (thường hay hướng ra trước).

Đây là điều phong thủy vốn kỵ: không treo y phục trước Minh Đường (khoảng trống thoáng đãng, sáng sủa trước mỗi nhà) và nơi trang nghiêm. Các hướng Đông, Đông Bắc, Bắc và Tây Bắc là hướng có trường khí thuộc dương, phù hợp để bố trí chỗ giặt - phơi. Tùy theo nhà, đây cũng là những hướng đón nhiều nắng sáng hoặc nắng chiều

Âm dương & ngũ hành hợp lý

Khi đặt nơi giặt phơi tại tầng 1 cũng cần phải lát gạch - tạo dốc tốt, tránh để sân lộ đất vì Thổ khắc Thủy, đã ẩm càng ẩm thêm. Riêng với bếp, khu vực mang tính Hỏa, mà Thủy khắc Hỏa, do đó không nên bố trí chỗ giặt - phơi trong hoặc bên cạnh bếp.
 
Archi - Kiêng kỵ khi bố trí sân phơi 

Nơi giặt giũ là chỗ có lượng nước sử dụng thuộc loại nhiều nhất trong nhà, do đó đây là chỗ cần chú ý cấp thoát nước (lai khứ thủy) đầy đủ. Có nước nhiều nhưng tính chất lại khác biệt nhà tắm hay nhà vệ sinh, người làm việc có thể ngồi lâu (nếu giặt tay), do đó không nên đặt chung khu giặt giũ với khu vệ sinh, sẽ khá bất tiện lúc sử dụng. Bạn cũng cần làm miệng thu thoát nước riêng và bố trí sàn âm để hạn chế nước chảy tràn lan ra sân.

Nơi giặt giũ nhiều nước luân chuyển nên tính âm cao, nếu lại đặt trong môi trường âm nữa thì sẽ "âm thịnh dương suy", không khí ẩm ướt, quần áo khó khô ráo, sạch sẽ, có nhiều nước xả cũng dễ gây trơn trượt. Vì thế, tốt nhất là bạn nên đặt khu giặt và phơi tại chỗ có nhiều ánh sáng (dương quang) chiếu vào để vừa cân bằng âm dương, vừa khô ráo, dễ dàng đi lại thao tác và giúp bạn thoải mái bước vào không gian này.
 
 (Theo vzone)