Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Dự án thép: Trong chán, ngoài thèm

Sau làn sóng đầu tư ồ ạt trong giai đoạn 2000-2005, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã phải cân nhắc lại hiệu quả đầu tư của mình.
 
Dây chuyền sản xuất thép của Công ty thép Việt Úc
Tháng 3/2006, nhà máy phôi thép Đình Vũ của CTCP thép Đình Vũ bắt đầu sản xuất thương mại. Với công suất 200.000 tấn/năm, nhà máy này có giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, sử dụng công nghệ và thiết bị của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, sự có mặt của nhà máy thép Đình Vũ cũng mới chỉ giúp sản lượng phôi thép sản xuất trong nước đạt khoảng 20% tổng nhu cầu.
Sốt mạnh, nguội nhanh
Thế nhưng, hào hứng khi mới đổ bộ vào ngành thép bao nhiêu thì nhiều cổ đông của Đình Vũ cũng đã rút ra khỏi ngành thép nhanh bấy nhiêu. Họ đã không thể kiên nhẫn đồng hành cùng doanh nghiệp. Sau 8 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã 9 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do có sự thay đổi liên tục về cổ đông.
Ở thời điểm hiện nay, Công ty thép Đình Vũ với tên giao dịch mới là Đình Vũ Steel (DVS) đã trở thành thành viên của Tập đoàn đầu tư công nghiệp Úc (VII), một nhà đầu tư không hề xa lạ với ngành thép Việt Nam. Trước đó VII đã thành lập hoặc góp vốn vào Công ty thép Việt Úc (Vinausteel), Công ty lưới thép hàn (VRC), Công ty thép kết cấu (SSE), Công ty Total Building Systems (TBS), Công ty cổ phần tấm lợp kim loại và sản phẩm thép xây dựng (Austnam). Vào ngày 17/8/2009, Công ty thép SSE đã trở thành cổ đông lớn nắm giữ tới 20,51% cổ phần của DVS và tham gia vào ban điều hành của DVS. Còn tại thời điểm này, cổ phần của VII tại DVS đã ở mức trên 70%.
Nhưng không chỉ các cổ đông lớn của CTCP thép Đình Vũ ban đầu thăng trầm chìm nổi với thép. Một tên tuổi khác nổi lên rất nhanh trong ngành thép khoảng 5 năm trở lại đây là Tập đoàn thép Vạn Lợi (khởi nguồn là Công ty TNHH Vạn Lợi) cũng đang gặp khó. Ngoài nhà máy sản xuất thép xây dựng có công suất 180.000 tấn/năm tại Hải Phòng đã hoạt động trong những năm 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng nhà máy luyện phôi thép công suất 600.000 tấn/năm với thiết bị đồng bộ mua từ Trung Quốc. Cùng thời gian đó, nhà máy luyện gang bằng lò cao công suất 500.000 tấn/năm đã được đầu tư và đi vào hoạt động quý II/2008. Ngoài ra, Thép Vạn Lợi còn có một cụm công nghiệp thép tại huyện Bình Giang, Hải Dương; khu liên hợp gang thép tại KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; khu liên hợp gang thép tại KCN Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, từ vài tháng nay, Vạn Lợi đang phải vất vả tìm người góp thêm vốn hoặc bán bớt tài sản ở một số nơi như Bắc Kạn, Hà Tĩnh. Một nguồn tin từ Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng cho hay, VNS cũng đã nhận được thư mời của Thép Vạn Lợi về việc mua lại một số cổ phần nhất định để tham gia quản lý một dự án thép của Tập đoàn này.
Xác nhận thông tin tìm kiếm thêm các cổ đông mới để góp vốn hoặc bán một phần tài sản ở dự án khu liên hợp gang thép tại Hà Tĩnh, nguồn tin từ Thép Vạn Lợi cũng cho hay, dự án này cần đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng và hiện họ đã triển khai được khoảng 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tín dụng ngân hàng bị thắt chặt nên dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn để có thể triển khai tiếp.
Trong một đánh giá mới đây của mình, Công ty chứng khoán VN Direct đưa ra nhận xét, trong năm 2010, 15 doanh nghiệp thuộc ngành thép tài trợ 45% tổng tài sản bằng vay nợ ngắn và dài hạn, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu toàn ngành là 117%. Con số này cho thấy, ngành thép sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc lãi suất gia tăng hiện nay. Theo VN Direct, nếu giá trị vay và nợ được duy trì như trong năm 2010, lợi nhuận ròng toàn ngành sẽ sụt giảm từ 5 - 15% nếu lãi suất tăng thêm từ 1 - 3%.

Ngành thép vẫn không mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho dù không ít trong số đó “tháo chạy”
Danh sách các dự án thép đang gặp khó khăn trong quá trình đầu tư, vận hành nhà máy còn có thêm khu liên hợp luyện cán thép Nghi Sơn của CTCP Gang thép Nghi Sơn, đã thực hiện khởi công vào tháng 3/2008, có tổng công suất 2,25 triệu tấn sản phẩm/năm. Các nhà đầu tư trong nước của dự án này gồm Công ty TNHH An Hưng Tường, Tổng công ty Tài chính Dầu khí, CTCP Licogi 16, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Thành Việt, CTCP Đầu tư Bắc Hà. Tuy nhiên, 3 năm đã trôi qua nhưng dự án vẫn chưa rõ hình hài. Đó là chưa kể sự “tháo chạy” của một số nhà đầu tư nước ngoài như Samoa Quangding với dự án thép không rỉ, Essar stell ở dự án cán thép nguội (đều tại Bà Rịa -Vũng Tàu).
Tranh nhau quặng Thạch Khê
Mặc dù có một số nhà đầu tư cả trong và ngoài nước rút lui hoặc thu hẹp hoạt động trong ngành thép nhưng không vì thế mà ngành công nghiệp này thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư khác.
Sự kiện Tập đoàn Hòa Phát mong muốn có mặt trong CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) hay Tập đoàn VII được nhắc tới ở phần trên là những ví dụ điển hình. Được thành lập cách đây gần 4 năm, TIC có vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của công ty là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép ở trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy luyện phôi thép, với công suất ban đầu 2 triệu tấn/năm và tiếp tục mở rộng khi có điều kiện thuận lợi.

5-15% là mức sụt giảm lợi nhuận ròng của toàn ngành thép nếu lãi suất tăng từ 1-3 %
Ban đầu, với 9 cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30%); Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%), Tổng công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%), Tổng công ty Sông Đà (5%), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (5%), Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Minh (4%) và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%), TIC được kỳ vọng sẽ nhanh chóng gặt hái được kết quả. Tuy nhiên tại thời điểm này, các cổ đông của TIC vẫn chưa góp đủ vốn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể kể tới việc Công ty không đưa ra được kế hoạch hoạt động rõ ràng, mãi mới ký được hợp đồng tư vấn trong khi lại muốn đóng góp tiền ngay. Trong khi các cổ đông của TIC không vội lắm thì sự chậm trễ này lại khiến cho địa phương sốt ruột.
Trong cuộc họp khá căng thẳng về tiến độ góp vốn của dự án này đầu tháng 4 vừa qua tại Bộ Công Thương, tỉnh Hà Tĩnh đã công khai ủng hộ Tập đoàn Hòa Phát tham gia dự án với tỷ lệ cổ phần chi phối, dù nhiều cổ đông khác bày tỏ sự phản đối. Được biết, Hòa Phát đã mua lại 5% cổ phần của một cổ đông sáng lập của TIC.
Cũng cần phải nói thêm rằng, CTCP Khoáng sản Hòa Phát và Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đã vừa chính thức góp vốn thành lập CTCP Khoáng sản Hòa Phát Mitraco với 63,5% cổ phần do phía Hòa Phát nắm giữ. Chức năng chính của Hòa Phát Mitraco là thực hiện dự án nhà máy tuyển và chế biến tinh quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê với công suất 1 triệu tấn/năm. Hiện doanh nghiệp này đã trình dự án lên UBND tỉnh Hà Tĩnh để xây dựng nhà máy với kế hoạch sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị đưa vào sản xuất vào giữa năm 2012.
Trước đó, vào tháng 3/2011, CTCP Hòa Phát Mitraco đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê về việc cung cấp nguyên liệu quặng sắt của mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) cho suốt đời dự án.
Thừa nhận mục tiêu chiếm cổ phần chi phối trong công ty khai thác mỏ sắt Thạch Khê, một lãnh đạo cấp cao của Hòa Phát Group cho hay, với kinh nghiệm khai thác mỏ và làm thép của mình, họ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khai thác mỏ.
Mỏ sắt Thạch Khê có tổng trữ lượng và tài nguyên là 534,45 triệu tấn, trong đó cấp trữ lượng là 273,96 triệu tấn, tài nguyên là 260,49 triệu tấn. Quặng sắt ở đây thuộc loại deluvi, quặng gốc và các thân quặng pha tạp khác. Thân quặng gốc chạy theo hướng Bắc-Nam, dài khoảng 3km, rộng 200.600m, chiều dày thân quặng từ 22.400m, chiều sâu phân bố từ mức -42-750. Hàm lượng trung bình các nguyên tố như sau: Fe = 58,3%; Mn = 0,21%; Zn = 0,07%; S = 0,112%; P = 0,05%. Mỏ Thạch Khê nằm sát biển và ở độ sâu từ -30 mét tới -500 mét, được đánh giá là có điều kiện khai thác không dễ dàng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét