Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Truyền thông thực chứng: 10 tiêu chuẩn để đưa tin khoa học tốt hơn

http://startswithabang.com/wp-content/uploads/2008/06/whats_science.jpg
Đây là một phần trong bài giảng mà tôi đã sử dụng trong một hội thảo về truyền thông khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Vĩnh Phú vào hôm 30/3 vừa qua. Lần đầu tiên ghé qua "đất tổ" Vĩnh Phú, ban đêm đi về trên những con đường tĩnh lặng với hai hàng cổ thụ, tôi có cảm giác như bồi hồi. Chắc đất Phong Châu đâu đây. Đầm Vạc (đang bị bức tử?) chắc cũng có ý nghĩa di tích lịch sử gì đây. Hôm đó, tôi có cơ duyên gặp và "giao lưu" (bây giờ tôi hiểu từ này rồi, nhưng mai mốt sẽ viết ra) với nhiều bạn trong ngành truyền thông phía Bắc. Còn gặp cả anh nhà báo Lý Sinh Sự (người viết cho Lao Động) cực kì thú vị vì những câu chuyện anh ấy kể (đúng là nhà báo!) và chị trưởng khoa báo chí của Đại học QGHN, xinh đẹp, ăn nói lưu loát. Chỉ một ngày mà tôi học rất nhiều điều về báo chí Việt Nam, không tiện/nên nói ra ở đây :-). Hôm đó, tôi nói về khái niệm truyền thông thực chứng và 10 tiêu chuẩn đưa tin khoa học tốt hơn. Nay thì có dịp viết lại cho đàng hoàng và xin chia sẻ cùng các bạn ở đây. Bản ngắn của bài này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.



Giới truyền thông và khoa học có một mục tiêu chung: đi tìm sự thật. Nhưng phương pháp hành nghề thì khác nhau. Tuy nhiên, hai ngành nghề này có thể bổ sung cho nhau. Khái niệm y học thực chứng có thể giúp cho giới phóng viên tiến đến một cách hành nghề theo nguyên lí “truyền thông thực chứng”. Bài viết này trình bày 10 tiêu chuẩn cho truyền thông thực chứng trong lĩnh vực truyền thông khoa học. 

Trong hai thập niên qua, xuất hiện phong trào y học thực chứng (evidence-based medicine) và trở thành một chuẩn mực trong y khoa.  Thật ra, y học thực chứng là một một học thuyết và cũng là một cách thực hành nghề y dựa vào bằng chứng.  Bằng chứng phải được đúc kết từ những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao.  Theo y học thực chứng, ý kiến của chuyên gia, dù là chuyên gia mang hàm giáo sư, không có giá trị khoa học bằng chứng cứ khoa học.  Do đó, y học thực chứng trao thẩm quyền cho khoa học, thay vì cho một chuyên gia.

Phong trào y học thực chứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác như chính sách công cộng, giáo dục, và báo chí.  Mầy năm gần đây, người ta hay đề cập đến khái niệm evidence-based journalism, mà tôi tạm dịch là truyền thông thực chứng.  Truyền thông thực chứng, cũng như y học thực chứng, là một phương pháp hành nghề truyền thông dựa vào bằng chứng.  Có lẽ BBC là nhóm truyền thông cổ vũ sớm nhất cho truyền thông thực chứng, bởi truyền thông thực chứng là cơ sở khách quan (khác với vô tư) cần phải được khuyến khích.  Báo chí thời “Ông A nói”, “Bà B cho rằng” vào đầu thế kỉ 20 phải được thay thế bằng dữ liệu khoa học.  Trong thế giới đồn đại và ý kiến cá nhân, nhu cầu cho truyền thông thực chứng rất cấp thiết.  Ai cũng có quyền phát biểu ý kiến cá nhân, nhưng không ai có quyền sửa đổi dữ liệu thực tế.  Dữ liệu và bằng chứng là một phương tiện để giải quyết những bất đồng ý kiến và động cơ cho phát triển xã hội.

Một trong những ứng dụng thực tế nhất của truyền thông thực chứng là truyền thông khoa học.  Lịch sử của truyền thông khoa học có lẽ bắt đầu từ thời tờ New York Times có mục khoa học qua cây bút Carr van Anda từ năm 1904.  Từ đó đến nay, truyền thông khoa học đã phát triển rất nhanh, nhất là trong thời đại internet.  Nhưng vấn đề chính hiện nay trong truyền thông khoa học là vấn đề đưa tin có chất lượng và chính xác.  Theo cảm nhận của công chúng, phần lớn phóng viên khoa học chỉ làm chức năng tung hứng với giới khoa học.  Thật vậy, phần lớn phóng viên chỉ viết lại những thông cáo báo chí của các trung tâm khoa học.  Có người thậm chí xem phóng viên chỉ là cái loa cho giới khoa học tuyên truyền và tìm … tài trợ cho nghiên cứu. Ở vài nước như Trung Quốc, có phóng viên còn nhận tiền của giới khoa học để “đánh bóng” tên tuổi cho nhà khoa học!

Trước những thực tế trên, nhu cầu cho truyền thông thực chứng rất ư quan trọng.  Để hành nghề truyền thông thực chứng, phóng viên cần phải có kiến thức chuyên sâu về vấn đề khoa học, phải biết thẩm định thông tin, và phải tỏ ra có đạo đức trong việc chuyển tải thông tin đến công chúng.  Cố nhiên, công chúng không thể đòi hỏi giới báo chí phải am hiểu khoa học, bởi vì phần lớn phóng viên xuất thân từ khoa học xã hội, nhân văn.  Vì thế, phóng viên không thể đóng vai trò của nhà khoa học để thẩm định thông tin.  Tuy nhiên, giới báo chí có thể áp dụng một số tiêu chuẩn để đánh giá thông tin.  Trong bài này, tôi chỉ bàn về truyền thông khoa học, chủ yếu là y khoa (chưa bàn đến truyền thông chính trị - xã hội), và tôi xin trình bày 10 tiêu chuẩn như sau.  Mười tiêu chuẩn này không sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng, mà theo thứ tự qui trình khoa học.

Tiêu chuẩn 1: Chất lượng thông tin và bằng chứng.  Khoa học và truyền thông có cùng một mẫu số: kết luận phải dựa vào bằng chứng.  Bằng chứng phải có chất lượng.  Bằng chứng có chất lượng thường được thu thập và xử lí từ những công trình nghiên cứu có hệ thống, hiểu theo nghĩa nghiên cứu làm đúng qui trình khoa học.  Qui trình khoa học chuẩn là đề xuất giả thuyết và ý tưởng; phương pháp đo lường hay thu thập dữ liệu có độ tin cậy cao và chính xác; xữ lì dữ liệu đúng phương pháp khoa học; và diễn giải dữ liệu phải phù hợp với kết quả nghiên cứu.  Thế nhưng trong thực tế, vì lí do nào đó, nhiều nhà khoa học diễn giải dữ liệu một cách chủ quan (tức theo ý của mình), chứ không phù hợp với dữ liệu nghiên cứu.  Rất nhiều nghiên cứu chỉ là … rác rưởi khoa học.  Nhiều nghiên cứu làm không đúng qui trình khoa học, do đó kết quả chỉ có thể xem là rác, và không xứng đáng được đưa tin.  Ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu không làm đúng qui trình khoa học, vi phạm đạo đức khoa học, và do đó chỉ có thể xem là rác.  Phóng viên phải làm quen với qui trình khoa học để có thể thẩm định thông tin có đáng tin cậy và đáng được công bố cho công chúng.

Trong khoa học, tri thức được “sản xuất” bằng một qui trình rất đặc thù mà giới báo chí cần phải biết.  Tri thức khoah ọc là kết quả sau cùng của một qui trình đi từ ý tưởng, giả thuyết, thử nghiệm và tái thử nghiệm, qua thẩm định và công bố quốc tế.  Một thông tin được công bố trong một hội nghị khoa học mà chưa công bố trên một tập san khoa học thì chưa thể xem là tri thức.  Chỉ khi nào thông tin đó đã qua bình duyệt của cộng đồng khoa học, được công bố trên tập san khoa học, và qua tái thẩm định của cộng đồng khoa học thì mới được xem là tri thức mới.  Ở nước ta, rất nhiều thông tin về những “phát hiện”, “phát triển mới”, kể cả tế bào gốc, trong thực tế chưa bao giờ được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, nên rất khó đánh giá giá trị khoa học của những thông tin như thế.

Tiêu chuẩn 2: Ý tưởng có thật sự mới?  Ngày nay, rất hiếm có những đột phá trong khoa học.  Đại đa số những phát hiện và phát triển chỉ là những cải tiến nhỏ so với nhũng gì thế giới đang có, chứ không phải là phát hiện gì mới.  Trong số 78 thuốc do Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm Mĩ (FDA) phê chuẩn năm 2002, chỉ có 17 thuốc thật sự mới. Tuy nhiên, vì nhu cầu tiếp thị nên nhiều trung tâm khoa học và công ti thường đưa ra những thông cáo báo chí mô tả những phát hiện của họ là mới.  Do đó, đứng trước một thông cáo báo chí của trung tâm khoa học, hay một bản tin của báo chí phương Tây, cần phải hoài nghi rằng đây có thật sự là một phát hiện độc đáo, một đột phá trong ngành.

Tiêu chuẩn 3: Định lượng lợi ích bằng con số tuyệt đối.  Nếu trong một nghiên cứu, thuốc A giảm tỉ lệ tử vong từ 2% xuống còn 1%, thì có hai cách phổ biến để mô tả hiệu quả đó.  Cách thứ nhất là nói rằng thuốc có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong 50% (lấy 1 chia cho 2, trừ kết quả cho 1, và nhân cho 100).  Cách thể hiện thứ hai là phát biểu rằng thuốc làm giảm nguy cơ tử vong 1% (lấy 2% trừ cho 1%).  Con số thứ nhất (giảm 50%) là con số tương đối ; cách thể hiện thứ hai (giảm 1%) được tạm gọi là con số tuyệt đối. Giới tiếp thị rất thích con số tương đối để bán thuốc.  Giới khoa học cũng thích con số tương đối để thổi phồng ảnh hưởng hay hiệu quả điều trị mà họ ghi nhận.

Đứng trên phương diện toán, cả hai cách thể hiện đều đúng, nhưng trong thực tế, cách thể hiện con số tương đối có khi là một … ngụy biện.  Nếu thuốc B giảm tỉ lệ tử vong từ 10% xuống còn 5%, thì người ta có thể nói thuốc giảm nguy cơ tử vong 50%.  Như vậy, có thể nào nói rằng hiệu quả của thuốc A tương đương với hiệu quả của thuốc B?  Câu trả lời là không, bởi vì bệnh nhân trong nghiên cứu thuốc A có nguy cơ thấp hơn nhiều so với bệnh nhân trong nghiên cứu thuốc B; do đó, không thể so sánh trực tiếp được.  Tuy nhiên, cách phát biểu bằng con số tương đối lại tạo một ấn tượng tương đương.  Giới phóng viên cần phải đòi hỏi nhà nghiên cứu trình bày bằng con số tuyệt đối, bởi vì đó là con số thật, phản ảnh hiệu quả thấy được trong thực tế.

Tiêu chuẩn 4: So sánh phương pháp mới với phương pháp hiện hành. Bất cứ một phương pháp mới phát hiện hay ý tưởng mới đề xuất đều phải dựa vào những ý tưởng trong quá khứ hay hiện hành.  Trong y khoa, rất nhiều phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị đều được phát triển trên cơ sở những gì đang có.  Do đó, khi đưa tin, phóng viên cần phải so sánh thuật điều trị mới với thuật điều trị hiện hành.  Một loại thuốc mới điều trị ung thư có thể có hiệu quả tốt (qua những con số), nhưng công chúng muốn biết thêm rằng hiệu quả này có tốt như hay tính an toàn thấp hơn so với thuốc hiện hành.

Tiêu chuẩn 5: Nên đề cập đến chi phí.  Sự ra đời của nhiều thuật điều trị (kể cả dược phẩm) và chiến lược phòng ngừa bệnh đặt ra một câu hỏi quan trọng cho bệnh nhân, giới lâm sàng, và người làm chính sách: lợi ích của các thuật điều trị và chiến lược phòng bệnh có xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.  Cách đây vài năm, giới báo chí rộ lên câu chuyện một thuốc mới có tên là Stutent (sunitinib) rất hiệu quả trong điều trị ung thư.  Thế nhưng khi người ta xem xét kĩ kết quả thì thuốc có hiệu quả làm chậm sự phát triển của ung thư khoảng … 6 tháng.  Kinh hoàng hơn nữa, chi phí thuốc điều trị  lên đến 54.000 USD.  Nếu chỉ biết hiệu quả của thuốc, thì thông tin cũng chưa đầy đủ.  Công chúng cần biết -- và giới phóng viên cần phải tìm hiểu và cung cấp thêm -- thông tin về tác hại cũng như chi phí của thuốc, bởi vì chi phí là cái sau cùng làm tổn hại ngân sách gia đình.  Không có quốc gia nào, không có gia đình nào có nguồn ngân sách bất tận.  Do đó, việc thẩm định giá trị kinh tế về sức khỏe của con người đã được đặt ra, giá cả sức khỏe phải được đưa lên bàn cân kinh tế để xác định loại thuốc nào hay thuật điều trị nào đáng “đồng tiền bát gạo”.
Tiêu chuẩn 6: Định lượng tác động tiêu cực. Trong y tế ngày nay, rất hiếm có những “thần dược” trị bá bệnh.  Thời đại của những “viên đạn vàng” của thuốc kháng sinh đã qua khá lâu.  Hầu hết những liệu pháp điều trị, dù là những thuốc được bào chế bằng công nghệ hiện đại nhất như công nghệ sinh học, đều có những tác hại bên cạnh những tác động tích cực.  Chẳng hạn như một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khá hiệu quả, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc có tác hại tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, và tăng nguy cơ mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim và suy tim.  Thuốc điều trị trầm cảm có khi tăng nguy cơ tự tử.  Ngay cả thuốc điều trị bệnh cúm cũng gây phản ứng tiêu cực như ói mửa.  Phẫu thuật cũng có những nguy cơ gây biến chứng, và nguy cơ cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.  Do đó, một cách đưa tin công bằng và cân đối là nên cung cấp tác động tích cực, nhưng cũng không nên bỏ qua những tác động tiêu cực mà có khi bệnh nhân và công chúng rất cần biết.

Tiêu chuẩn 7: Xem xét đến yếu tố tiếp cận và ứng dụng trong thực tế.  Hầu hết những loại thuốc mới đều do các công ti dược nước ngoài (chủ yếu và Mĩ và Âu châu) phát triển và bào chế.  Một khi thuốc được phê chuẩn cho sử dụng trong điều trị, thì điều đó không có nghĩa là bệnh nhân Việt Nam sẽ được tiếp cận thuốc đó nay mai.  Ngoài ra, vì chi phí quá cao, nên ngay cả khi thuốc có trên thị trường ở Việt Nam, số bệnh nhân có khả năng tài chính để theo điều trị cũng chẳng bao nhiêu.

Bên cạnh đó, còn có những bản tin và những khám phá khoa học rất ngoạn mục, nhưng trong thực tế chẳng có ý nghĩa gì cho bệnh nhân!  Những khám phá về điều trị và nguyên nhân của bệnh trên chuột sẽ rất khó có thể ứng dụng cho bệnh nhân.  Những liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc hay tiềm năng của nó mà giới báo chí có thời gian rất “ồn ào” trong thực tế cũng rất khó ứng dụng cho điều trị bệnh nhân, hay có thì số trường hợp cũng rất hạn chế.  Tuy nhiên, cách đưa tin về triển vọng mà không xem xét đến khả năng ứng dụng trong thực tế gây ra một hi vọng ảo cho người bệnh, và cách đưa tin như thế có thể nói là không phù hợp với nguyên lí của truyền thông thực chứng.

Tiêu chuẩn 8: Tránh xu hướng giật gân và gây sợ hãi.  Một trong những điểm đáng phê phán nhất trong giới báo chí, nhất là báo chí phương Tây, là xu hướng gây sợ hãi trong cộng đồng (tiếng Anh gọi là disease mongering).  Bằng những từ ngữ cảm tính và những thủ thuật vặn vẹo con số, giới báo chí có thể (và thường xuyên) gây nên những lo âu, phiền muộn trong cộng đồng.  Cách đưa tin về dịch cúm H5N1, H1N1 trong thời gian qua là một ví dụ tiêu biểu.  Qui mô của vấn đề thật ra rất nhỏ so với cúm thông thường, nhưng với cách trình bày con số tăng 2 lần, 3 lần, kèm theo những hình ảnh ghê rợn của đại dịch vào đầu thế kỉ 20, làm cho thế giới hoang mang.

Một ví dụ khác là phát biểu  rất phổ biến rằng cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị bệnh ung thư vú.  Con số 1/10 đã gây ra sợ hãi trong nữ giới và làm cho họ đổ xô đi khám nghiệm nhũ ảnh một cách không cần thiết.  Nhưng thật ra con số 1/10 đó rất sai.  Con số tỉ lệ ung thư vú 1/10 đó có nghĩa là nếu một cộng đồng gồm 100 người phụ nữ, tất cả đều sống đến tuổi 85, và trong quãng đời đó không mắc và chết vì bất cứ bệnh nào, thì cứ 10 người có 1 người mắc bệnh ung thư vú.  Nhưng chúng ta biết rằng giả định đó không đúng, bởi vì nhiều phụ nữ chết trước tuổi 85 và họ chết vì bệnh tim mạch (và các bệnh khác) nhiều hơn là bệnh ung thư vú.  Do đó, giới phóng viên cần phải đặt câu hỏi thông tin mà giới khoa học đưa ra có mang tính giật gân, và nếu quyết định đưa tin, thì cần phải kèm theo điều kiện và giả định đằng sau con số hay thông tin để người đọc có thể cảm nhận được.

Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh đến hai khái niệm: nguy cơ mắc bệnh và mắc bệnh.  Nguy cơ (tiếng Anh là risk) là một khái niệm tương đối, mang tính xác suất.  Xác suất có giá trị từ 0 đến 100%.  Còn mắc bệnh chỉ có 2 “giá trị”: một cá nhân hoặc mắc bệnh hoặc không mắc bệnh (có hay là không).  Nếu một cộng đồng có 1 triệu người, và trong đó có 100 người mắc bệnh, thì nguy cơ mắc bệnh là 0,01%.  Con số 0,01 là một xác suất.  Một người có thể có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không hề mắc bệnh.  Nguy cơ mắc bệnh áp dụng cho một quần thể, còn mắc bệnh áp dụng cho một cá nhân.  Khi nói hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư phổi, thì phát biểu đó không có nghĩa là tất cả mọi người hút thuốc lá đều mắc bệnh ung thư phổi, mà chỉ nói rằng những người hút thuốc là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người không hút thuốc lá.  Một xét nghiệm với kết quả dương tính cũng không có nghĩa là cá nhân đó mắc bệnh, mà chỉ có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh cao hơn người có kết quả âm tính.  Do đó, một phát hiện về yếu tố nguy cơ cần phải đặt trong một bối cảnh chung để diễn giải đúng ý nghĩa bất định của “yếu tố nguy cơ”.

Tiêu chuẩn 9: Truy tìm những mâu thuẫn về lợi ích. Ngày nay, mối liên hệ đa chiều và tương tác giữa giới khoa học và kĩ nghệ là một điều tất yếu.  Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều người trong giới khoa học chịu sự chi phối của giới kĩ nghệ trong những phán xét của mình.  Hệ quả là nhiều phác đồ điều trị do các giáo sư soạn ra đều bị xem là có sự tác động của kĩ nghệ dược, bởi vì hầu hết những giáo sư này nhận tiền “tư vấn” từ các công ti dược.  Ở nước ta, báo chí đã phanh phui một số bác sĩ nhận huê hồng từ các công ti dược ở mức độ làm cho thế giới y khoa quốc tế phải kinh ngạc.  Với khả năng tài chính và “kĩ thuật” tiếp thị, kĩ nghệ dược có thể biến các giáo sư, tiến sĩ thành những người tiếp thị cho họ.  Điều này hoàn toàn không có nghĩa là ai có liên hệ với kĩ nghệ dược đều đánh mất lương tâm khoa học, nhưng trong thực tế, không ít người chịu sự chi phối của đồng tiền và quyền lợi cá nhân để làm lu mờ phán xét khoa học.  Một số người đang tuyên truyền về triển vọng điều trị bằng tế bào mầm cũng chính là những người đứng đằng sau những công ti do chính họ dựng nên để hưởng lợi, trong khi đó họ lơ là nghiên cứu khoa học để có những bằng chứng khoa học thuyết phục.  Do đó, trước một bản thông cáo báo chí hay bản tin từ báo chí phương Tây, phóng viên cần phải truy tìm xem nhà khoa học trong bản tin đó có liên hệ gì với kĩ nghệ hay không.

Tiêu chuẩn 10: Không nên tùy thuộc vào thông cáo báo chí của giới khoa học.  Phần lớn những bản tin về khoa học xuất phát từ những bản thông cáo báo chí do các trung tâm nghiên cứu khoa học công bố.  Những bản thông cáo báo chí được viết bằng một văn phong và các trình bày nhắm vào giới phóng viên, với mục tiêu tối hậu là được phóng viên chú ý và loan tin.  Do đó, người viết thông cáo báo chí thường đơn giản hóa vấn đề, thậm chí thổi phồng một phát hiện.  Đó là việc của họ, mặc dù có quan điểm cho rằng cách viết như thế là thiếu khách quan.  Vì thế, giới phóng viên cần phải có thái độ hoài nghi.  Hoài nghi không có nghĩa là bác bỏ thông tin của giới khoa học, mà có nghĩa là phải phân biệt được đâu là dữ liệu (fact) và đâu là ý kiến của chuyên gia.  Trong khoa học, ý kiến của chuyên gia tuy quan trọng, nhưng không có giá trị khoa học bằng dữ liệu.  Để tìm dữ liệu, phóng viên phải truy tầm cho được công trình nghiên cứu gốc (hay bài báo khoa học) và bỏ thì giờ xem xét dữ liệu, đối chiếu với những phát biểu trong bản thông cáo báo chí.  Giới phóng viên cũng cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong suy luận khoa học để thẩm định mối liên hệ giữa nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, và cơ quan tài trợ cho nghiên cứu.

Mới đây, một bản tin trên báo Việt Nam lấy từ một bản tin trên báo phương Tây và Ấn Độ về mối liên hệ giữa chiều dài ngón tay và nguy cơ bệnh tật, nhưng thông tin thì chưa đầy đủ.  Bài báo cho biết “Chẳng hạn, nếu ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ, bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối cao gấp đôi người thường.” Vấn đề ở đây là công trình nghiên cứu này chỉ dựa vào lời khai của người tham gia nghiên cứu, chứ các nhà nghiên cứu không có đo lường ngón tay của họ.  Chưa ai biết nếu đo lường nghiêm chỉnh thì kết quả có như thế hay không.  Ngoài ra, bài báo không cho biết rằng người có ngón tay đeo nhẫn (ring finger) dài hơn ngón trỏ (index finger) cũng là những người có nhiều con (nhưng nữ thì ít con!), hung hăn hơn, thường mạo hiểm hơn người có ngón tay đeo nhẫn ngắn hơn ngón trỏ.  Như vậy, chiều dài ngón tay có thể chẳng liên quan gì đến ung thư hay bệnh tật, mà có thể chính vì những thái độ mạo hiểm mới là thủ phạm.  Vả lại, cũng không loại bỏ khả năng kết quả nghiên cứu chỉ là một ngẫu nhiên, chứ không có cơ sở sinh học vững vàng.

Cũng cần phải hoài nghi ý kiến của chuyên gia và quan chức.  Cách đây vài năm, một quan chức Bộ Y tế cho biết “các nghiên cứu khoa học khẳng định, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp.” Nhưng qua truy tìm y văn thì người ta mới phát hiện con số 47% không đề cập đến “các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa” mà nói đến một bệnh cụ thể là tiêu chảy.  Một phân biệt quan trọng khác là con số 47% này không phải là ngăn chận 47% ca bệnh, mà là giảm nguy cơ mắc bệnh.  Hai điều này (“ngăn chận ca bệnh” và “giảm nguy cơ mắc bệnh”) rất khác nhau, chứ không có cùng nghĩa. Hoài nghi, nhìn theo góc độ đó, là một thái độ tích cực vì nó làm cho vấn đề được minh bạch hơn.  Đó cũng chính là một lợi thế của truyền thông thực chứng.

***

Giới truyền thông và khoa học có cùng một mục tiêu: đi tìm sự thật.  Nhưng thẩm định thế nào là sự thật không phải là một việc làm đơn giản.  Khoa học dựa vào sự thật hay dữ liệu thật.  Những sự thật phải được quan sát hay thu thập và đo lường bằng những phương pháp chuẩn.  Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là dữ liệu có liên quan đến vấn đề.  Do đó, đối với báo chí, nếu chỉ đơn thuần cung cấp những dữ liệu, ý kiến, hay thậm chí con số từ một nghiên cứu chưa thể xem là bằng chứng khoa học được.  Phóng viên cần phải vượt ra ngoài những dữ liệu giới khoa học cung cấp, bằng cách phân tích và đối chiếu với bối cảnh cộng đồng để giúp cho người đọc (công chúng) hiểu vấn đề một cách thấu đáo.  Trong chiều hướng đó, hi vọng rằng những tiêu chuẩn trên đây sẽ giúp cho giới phóng viên nước ta, nhất là giới phóng viên khoa học, tiếp cận và thực hành truyền thông theo nguyên lí của truyền thông thực chứng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét