Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Không thể ngờ được, Quý Thanh …

Xin giới thiệu một bài viết của tác giả Phùng Hoài Ngọc ở An Giang (cách quê tôi khoảng 70 km) bàn về bài viết của tác giả Quý Thanh đang gây ra làn sóng tranh cãi gần đây. Trong bài này, tác giả Phùng Hoài Ngọc nhận xét về những sai sót trong văn hóa tranh luận. Trong những sai sót đó, có một sai sót rất phổ biến trong tranh luận trên báo chí Việt Nam: đó là ad hominem mà trang web này đã đề cập đến trong một bài về thói ngụy biện ở người Việt trước đây.  Xin mời các bạn theo dõi. NVT


Không thể ngờ được, Quý Thanh …

Nhân đọc bài viết của tác giả Quý Thanh trên An ninh Thế giới về GS Ngô Bảo Châu, tôi thấy không thuyết phục. Không thuyết phục vì bài viết có nhiều sai lầm cơ bản trong văn chương chính luận. Trong bài này, tôi muốn chỉ ra những sai lầm và có vài đề nghị cụ thể.

Trước hết là những sai lầm cơ bản trong tranh luận:


1/ Sai lầm về kiến thức. GS Châu gọi đúng ba người Hector, Turnus, Kinh Kha là “những huyền thoại”, còn Quý Thanh gọi nhầm là ba anh hùng trong lịch sử nhân loại. Thực ra họ chỉ là ba nhân vật văn học có nguyên mẫu, được hư cấu như là ba biểu tượng anh hùng thôi. Quý Thanh có lẽ không đọc hay đọc mà không hiểu kỹ về lịch sử và văn học thế giới, nên mới phạm một sai lầm cơ bản như thế.

Xin nhắc lại, hôm qua GS Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ ra một sai lầm về trích dẫn. Nhưng theo tôi đó là một sai lầm khác do hụt hẫng về kiến thức.

2/ Trốn tránh luận điểm. Tác giả Quý Thanh tránh né tranh luận trực tiếp về những luận cứ cơ bản mà GS Ngô Bảo Châu đã nêu nhằm phê phán Tòa án Hà Nội. Thay vào đó, tác giả sử dụng những ngôn từ hoa mỹ để đánh lạc hướng vấn đề sang chuyện cá nhân, như bao nhiêu năm sống ở nước ngoài không hiểu tình hình trong nước. Cách viết đó thể hiện một sự thiếu tự tin về luận điểm và đánh tráo vấn đề.

3/ Ngụy biện. Thay vì tranh luận về vấn đề và luận điểm, Quý Thanh lại sỉ nhục đời tư cá nhân Cù Huy Hà Vũ. Quý Thanh không dám đề đề cập những thành tích chống tiêu cực của ông vốn đã được báo chí lề phải đưa tin rộng rãi. Tấn công cá nhân (ad hominem) là một ngụy biện phổ biến của những người không đủ kiến thức để tranh luận và phải dùng những chiêu thức thấp kém, phi chính thống.

4/ Hoạn Thư luận. Quý Thanh viết bài theo phương pháp Hoạn thư luận, tức là “Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Phương pháp này đã lạc hậu trong thời đại ngày nay. Nó chứng tỏ tác giả còn quá non nớt trong tranh luận, đến nỗi phải dựa vào một kiểu tranh luận phi chính thống.

Những sai lầm cơ bản trên chứng minh rằng Quý Thanh là một nhà báo (?) tắc trách. Có thể ông/bà chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không tính đến phản ứng dữ dội của bạn đọc.

Xét thấy bài viết của Quý Thanh có thể sử dụng làm một trường hợp nghiên cứu (case study) để dạy sinh viên, tôi xin phép báo An ninh Thế giới (ANTG) mượn bài văn của Quý Thanh cho sinh viên Ngữ văn phân tích mổ xẻ như là một bài văn nghị luận chất lượng kém, hầu giúp các em sau này viết tiểu luận bút chiến có chất lượng hơn.

Sau cùng tôi có một đề nghị nhỏ: Tôi xin phép mượn lời GS Ngô Bảo Châu gửi đến Báo ANTG “rất nên tạo điều kiện cho ông/bà Quý Thanh chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn”.

Phùng Hoài Ngọc

An Giang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét