Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Sử học và khoa học


Nhân đọc bài “Vài điều băn khoăn sau khi đọc một bài viết hay”, tôi chợt nhận ra rằng sử học, vốn là một ngành khoa học xã hội, cũng có vài điểm tương đồng với khoa học thực nghiệm.  Nhưng nhìn qua cách soạn sử (hay nghiên cứu sử) ở nước ta, những đặc tính khoa học hình như vẫn là một câu hỏi.


Trong bài “Vài điều băn khoăn sau khi đọc một bài viết hay”, tác giả Nguyễn Đình Khoa cho rằng nước ta hiện nay thiếu những nhà viết sử đúng nghĩa, hiểu theo tinh thần “Trung Thực, Chính Xác, và Không Thiên Vị”.  Đây cũng có thể xem là những tiêu chuẩn phổ quát trong khoa học.  Nói theo tiếng Anh, có lẽ trung thực là honesty, chính xác là accuracy, và không thiên vị chính là unbiasedness. Ai làm khoa học cũng biết những tiêu chuẩn này, nhưng thiết tưởng cũng không phí thì giờ nhắc lại để nhớ:

Trung thực  = honesty.  Thời Trung Cổ, nhiều người theo đuổi giấc mộng biến kim loại thành vàng.  Giới giáo sĩ thì bắt mọi người phải tin vào những thuyết hoang tưởng của giáo hội, ai nói khác đi là chịu hình phạt nặng nề (như trường hợp Galileo).  Nhưng dưới ánh sáng của khoa học thực nghiệm, chúng ta biết rằng những niềm tin tôn giáo hoặc là sai, hoặc là chẳng có cơ sở gì cả.  Cái khác biệt giữa nhà khoa học thật và dỏm là nhà khoa học đi đến kết luận dựa vào bằng chứng thực nghiệm và suy luận logic; còn nhà khoa học dỏm dựa vào niềm tin, phớt lờ chứng cứ thực tế.  Nhà khoa học thật khi làm thí nghiệm phải ghi lại những dữ liệu một cách trung thực, không được sửa dữ liệu thật cho dù là dữ liệu không phù hợp với giả thuyết (ngay cả khi phương tiện đo lường có vấn đề, cũng không được sửa số liệu).  Ngược lại, giới khoa học dỏm thì sẵn sàng sửa dữ liệu cho phù hợp với niềm tin của mình.  Sửa đổi dữ liệu thật là một trọng tội trong khoa học, và hình phạt thường rất nặng, như trường hợp của giáo sư Scott S. Reuben trước đây.

Chính xác = accuracy.  Khoa học thực nghiệm dựa vào cân đo đong đếm.  Mà, cân đo đong đếm thì đòi hỏi phải chính xác.  Khái niệm chính xác đề cập đến hệ thống đo lường cho ra kết quả đúng (hay càng gần đúng càng tốt) với giá trị thật.  Chẳng hạn như đo chiều cao, phương tiện đo nào phản ảnh đúng chiều cao thật của một cá nhân thì phương tiện đó được xem là chính xác.  Một khía cạnh khác của đo lường là độ tin cậy hay reliability, đề cập đến mức độ nhất quán của nhiều lần đo lường.  Nếu một máy DXA chiều cao của một cá nhân nhiều lần mà cho ra kết quả giống nhau thì đó chính là độ tin cậy.

Trong khoa học xã hội như sử học, tôi nghĩ khái niệm chính xác hay accuracy đề cập đến sự thật hay truth, còn reliability chính là mức độ chi tiết của câu trả lời cho sự việc.  Chẳng hạn như câu chuyện Lê Văn Tám được báo chí trước đây nhắc đến nhiều lần như là một thiếu niên anh hùng vì dám tự đốt mình để tiêu hủy kho nhiên liệu của địch, thì sự thật ở đây là tự đốt mình, và tính accuracy là câu chuyện có phản ảnh sự thật hay không, và độ tin cậy hay precision là những tình tiết chung quanh câu chuyện.

Thật ra, trong khoa học còn có một khái niệm quan trọng khác, gọi là validity = tính hợp lí. Có hai loại tính hợp lí: hợp lí nội tại (internal validity) và hợp lí ngoại tại (external validity).  Nói như thế cũng quá đơn giản, vì trong thực tế khoa học xã hội phân biệt cả chục tính hợp lí, nhưng tôi không bàn ở đây.  Nói ngắn gọn, hợp lí nội tại đề cập đến một phát hiện phải đặt trong bối cảnh tri thức hiện hành để đi đến một kết luận về nhân quả. Chẳng hạn như nếu tôi nói nữ mang guốc cao hay bị gãy xương thì phát hiện đó cần phải đặt trong bối cảnh sinh học, và câu hỏi đặt ra là có lí do sinh học nào làm cho người phụ nữ mang guốc cao gót bị gãy xương; nếu không thì phát hiện đó chưa đáp ứng tiêu chuẩn hợp lí nội tại. Tôi nghĩ trong khoa học xã hội, một phát hiện hay "sự kiện" được ghi lại mà không đặt trong bối cảnh khả dĩ thì tính hợp lí nội tại cũng có vấn đề.  Hợp lí nội tại có ý nghĩa quan trọng trong qui trình nghiên cứu.  Nếu tiêu chuẩn chính xác và tin cậy được duy trì thì tính hợp lí nội tại cũng được duy trì một phần lớn.

Khách quan = unbiasednessBias là một khái niệm trong khoa học thống kê, đề cập đến một độ khác biệt về giá trị ước lượng [của một mô hình thống kê] và giá trị kì vọng của một biến số.  Nếu độ khác biệt bằng 0, thì mô hình thống kê được xem là unbiased, mặt khác, nếu độ khác biệt cao hay thấp hơn 0 thì mô hình có vấn đề biased.  Khái niệm khách quan cũng rất quan trọng trong khoa học xã hội.  Lấy ví dụ nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem có bao nhiêu người Việt Nam đồng ý với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và giả dụ như có 10% người đồng ý với dự án.  Thay vì lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng, nhà nghiên cứu chọn 800 đại biểu Quốc hội và kết quả cho thấy có 50% đồng ý với dự án, thì con số 50% này là biased, không khách quan, không mang tính đại diện cho cộng đồng.

Đối chiếu những tiêu chuẩn trên với sử học hiện đại nước ta, dễ thấy vài khác biệt đáng chú ý.  Chẳng hạn như bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” được công bố rầm rộ gần đây, được giới thiệu như là một “công trình khoa học lớn, một bộ sách quý có giá trị sâu sắc về chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa nhiều mặt trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của Việt Nam” gây chú ý của nhiều người, kể cả tôi. Tôi chú ý là vì chuyện kháng chiến Nam bộ có dính dáng đến Ba tôi, người từng đi "Nam tiến" và hi sinh một cánh tay trong thời chống Tây. Bây giờ thì Ba tôi đã qua đời, nên làm gì đọc được những trang sử của một thời lừng danh đó. Tôi thì không có thì giờ để đọc cả ngàn trang sách, mà chỉ muốn nhìn qua lăng kính khoa học thực nghiệm thôi.  Nhìn qua ban biên tập của bộ sách có thể thấy vài điều thú vị.

Bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến.” (Ảnh: Internet)








Điều thú vị thứ nhất là tính chỉ đạo.  Trong khoa học thực nghiệm không có ai chỉ đạo (ngoại trừ thầy hướng dẫn làm thí nghiệm cho đúng phương pháp), vì nếu khoa học thực nghiệm chịu sự chỉ đạo của cấp trên thì kết quả có thể ảnh hưởng đến tính chính xác và trung thực.  Nhưng trong sử học thì có sự chỉ đạo.  Bộ sách được soạn ra dưới sự chỉ đạo của một hội đồng mà trong đó có cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thới Bưng, Nguyễn Văn Chí, Mai Chí Thọ, Trần Văn Sớm, Trần Bạch Đằng, Phạm Văn Hy, và Ngô Thị Huệ.  Ngoài ra, còn có hội đồng chỉ đạo biên tậpxuất bản, gồm có PGS TS Tô Huy Rứa, Lê Thanh Hải, Ngô Văn Dụ, GS TS Lê Hữu Nghĩa, TS Nguyễn Duy Hùng, và Trần Văn Kính.  Có lẽ trong sử học, viết sử cần sự chỉ đạo của cấp trên để đảm bảo tính chính xác và trung thực.

Điểm thú vị thứ hai là tính khách quan.  Chưa biết nội dung bộ sách ra sao (vì chưa thấy ai điểm sách), nhưng nhìn qua danh sách ban biên tập toàn là những cựu tướng lãnh, sĩ quan, cán bộ cao cấp trong chính quyền, v.v. nhưng không thấy tên của các nhà sử học nổi tiếng, làm cho người đọc ngạc nhiên.  Người trong cuộc có cái hay là có thể nhớ lại sự việc chính xác hơn người ngoài cuộc, nhưng cách diễn giải của người trong cuộc có thể chịu sự chi phối của tình cảm cá nhân và niềm tin.  Trong khoa học thực nghiệm, tính khách quan thể hiện ở chỗ dữ liệu phải được đánh giá bởi nhiều đồng nghiệp không dính dáng gì đến công trình nghiên cứu.  Nhưng hình như trong sử học không có truyền thống đánh giá độc lập.

Thế mới biết sử học và khoa học thực nghiệm tuy giống nhau mà … khác nhau.  Giống nhau ở chỗ hai lĩnh vực khoa học (hãy cứ xem sử học là khoa học) có cùng lí tưởng và tiêu chuẩn chung: đó là trung thực, chính xác, khách quan.  Nhưng khi thực hiện thì hai lĩnh vực khoa học này khác nhau.  Tôi tự hỏi không biết ở nước ngoài người ta viết sử và nghiên cứu sử có giống như ở nước ta?  Có lẽ chính vì sự khác biệt trên mà khoa học xã hội nói chung và sử học nói riêng vẫn được xem là một loại khoa học mềmsoft science.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét