Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Đại dịch đã đến ?

Hôm qua, một quan chức của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là Tiến sĩ Keiji Fukuda có một cuộc họp báo về tình trạng cúm H1N1. Trong buổi họp báo, Ts Fukuda có nói nhiều về chuyện có nên tuyên bố đây là một đại dịch hay không. “Đại dịch” là chữ tôi dịch từ thuật ngữ “Pandemic”.

Pandemic là gì ?

Pandemic là chữ gốc Hi Lạp, với hai phần: phần đầu “pan có nghĩa là “tất cả”, và tiếp vĩ ngữ demic có gốc là “demos” có nghĩa là “người”. Do đó, sách dịch tễ học định nghĩa pandemic là một dịch cúm ảnh hưởng đến nhiều người và lan truyền giữa người với người trên qui mô đa quốc gia. Đó là định nghĩa hàn lâm, còn theo định nghĩa thực tế và hiện hành của WHO thì dịch cúm được chia thành 6 giai đoạn có thể tóm lược như sau:

Giai đoạn 1 (Phase 1) là khi các virút tìm thấy trong thú vật và gia cầm nhưng không gây nhiễm trùng cho con người.

Giai đoạn 2 là khi virút tìm thấy trong thú vật hay gia cầm được biết là nguyên nhân gây truyền nhiễm ở người.

Giai đoạn 3 là khi có virút lan truyền từ thú vật hay gia cầm sang người, và gây ra một số ca bệnh trong những nhóm nhỏ, nhưng không có lan truyền từ người sang người, hoặc có nhưng chỉ trong điều kiện tiếp xúc rất gần nhau.

Giai đoạn 4 là khi virút tìm thấy ở thú vật hay gia cầm gây cúm cho người, có bằng chứng cho thấy virút đó lan truyền từ người sang người, và gây dịch bệnh cho một cộng đồng nhỏ.

Giai đoạn 5 là khi virút lan truyền từ người sang người, và lan truyền sang ít nhất là 2 quốc gia trong một vùng. (Hiện nay một cách chính thức cúm H1N1 đang ở giai đoạn này.)

Giai đoạn 6 (còn gọi là pandemic hay đại dịch) là khi virút lan truyền từ người sang người, và lan truyền sang ít nhất là 2 quốc gia ở khác vùng trên thế giới.

Do đó, đại dịch hiểu theo nghĩa thông thường là dịch bệnh lan truyền ở qui mô xuyên quốc gia và toàn cầu, và gây ra nhiều tử vong. Những đại dịch trong qúa khứ như dịch cúm Tây Ban Nha gây ra tử vong cho gần 40 triệu người, hay đại dịch 1968-1969 cũng gây tử vong cho hơn 1 triệu người. Theo những dự đoán lạ lùng của giới khoa học chiêm tinh gia, có người cho rằng một đại dịch sẽ xảy ra nhưng không biết lúc nào. Trước đây khi cúm H5N1 người ta cũng tiên đoán “đại dịch”, và trước đó SARS cũng không thoát khỏi ngữ vựng này. Nay thì đến H1N1. Vậy chúng ta thử xem WHO nói gì, và xem lại tình hình thực tế ra sao.

Dữ liệu thực tế

Theo tôi hiểu từ phát biểu của Fukuda, đại dịch H1N1 quả thật đang xảy ra trên thế giới. Nhưng WHO tỏ ra lúng túng có nên tuyên bố chính thức đây là một đại dịch (tức là giai đoạn 6, giai đoạn cao nhất trong hệ thống kiểm soát dịch bệnh toàn cầu). Fukuda cho biết WHO đang chờ ý kiến từ các quốc gia thành viên và sẽ quyết định tuyên bố đại dịch hay không.

WHO là một cơ quan của Liên hiệp quốc có trách nhiệm theo dõi và cải tiến y tế toàn cầu. Vai trò của WHO là lãnh đạo, chứ đâu phải theo đuôi mà phải chờ ý kiến người khác. Cách làm việc của WHO kể ra thì cũng khiêm tốn đấy, nhưng nó cũng chẳng khác gì mấy người khởi xướng cuộc cách mạng năm 1848 rượt đuổi đám đông ở vườn Luxembourg (Paris) và hô hào: "Ta là người lãnh đạo của họ! Ta phải theo họ!"

Bây giờ chúng ta thử xem xét dữ liệu thực tế. Có hai dữ liệu chúng ta có thể dựa vào để bàn luận:

Thứ nhất là dịch cúm H1N1 dù có qui mô toàn cầu, nhưng số ca không nhiều. Tính đến ngày hôm qua (9/6/2009), thống kê của WHO cho thấy thế giới có 25,228 ca bệnh. Trong tương lai, cúm có thể vẫn còn lan rộng, nhưng trong thời gian qua thì tốc độ lan truyền có vẻ chậm so với các đại dịch trước đây. Không ai đoán được số ca bệnh là bao nhiêu, nhưng nếu theo tốc độ hiện nay, thì số ca toàn cầu có thể chỉ giới hạn trong con số dưới 100 ngàn.

Thứ hai là tử vong không cao. Thật vậy, trong số 25,228 ca bệnh, có 139 người tử vong, tức tỉ lệ tử vong là 0.55%. Trong thực tế, tỉ lệ này có thể còn thấp hơn, nhưng chúng ta tạm chấp nhận tỉ lệ này như là một ước số. Riêng Việt Nam ta có 15 ca, và chưa có ca tử vong nào.


Nguồn: CDC

Thứ ba là số liệu từ biểu đồ trên đây cho thấy chỉ 2.8% ca là các virút cúm thông thường (cúm mùa loại A và B). Phần 97% còn lại là virút H1N1 mới (75%) và không mới (15%) hay không rõ (7%). Do đó, phần lớn cúm lan truyền hiện nay là virút H1N1.

Ba dữ liệu trên cho thấy dù H1N1 có lan truyền ở qui mô toàn cầu (đáp ứng tiêu chuẩn đại dịch) nhưng không nguy hiểm.

Nên gọi là gì ?

Vấn đề tôi đặt ra là có cần thiết gọi là đại dịch hay không? Như tôi vừa nói, tình trạng lây lan toàn cầu hiện nay có thể nói là cúm H1N1 đã là một “đại dịch”, cho dù WHO có muốn gọi như vậy hay không. Nhưng nếu H1N1 là đại dịch thì tại sao chúng ta không gọi những dịch cúm hàng năm vào mùa đông là đại dịch, bởi vì những trận cúm này cũng xảy ra ở qui mô toàn cầu hàng năm và còn gây ra nhiều tử vong hơn là cúm H1N1 hiện nay.

Nhưng chẳng ai sợ đại dịch cúm mùa, mà rất sợ đại dịch H1N1 hay H5N1. Nghiên cứu tâm lí cho biết con người chúng ta thường sợ hãi những gì mình chưa biết, những gì bất ngờ, cho dù nguy cơ thì rất thấp. Chúng ta sợ tai nạn máy bay nhưng không sợ tai nạn xe cộ. Người Việt chúng ta sợ cúm H1N1 (dù cúm chưa gây tử vong cho ai) nhưng không sợ xe gắn máy là “thủ phạm” giết chết cả 15 ngàn người mỗi năm. Do đó, tuyên bố đại dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu, vì do sợ hãi, nên chắc chắn có người sẽ từ chối đi làm, sẽ có “bế quan tỏa cảng” như Úc đã làm, sẽ có hạn chế đi lại, giao dịch thương mại, v.v… Nhìn ở khía cạnh này tôi rất thông cảm cho WHO khi họ cân nhắc có nên tuyên bố pandemic hay không.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cách phân cấp dịch bệnh của WHO không còn thích hợp nữa. Thay vì phân cấp dịch bệnh theo 6 cấp, WHO có thể cập nhật hóa số ca bệnh hàng ngày để thế giới biết sự lan truyền bệnh ra sao.

Thật vậy, điều mà công chúng cần biết không phải là một thuật ngữ “đại dịch” hay “tiểu dịch”, hay dịch cấp 5, cấp 6, mà là bao nhiêu bệnh nhân chịu ảnh hưởng và bao nhiêu trường hợp tử vong. Trong thời đại y học thực chứng, chúng ta cần bằng chứng, và bằng chứng trong trường hợp này phải thể hiện bằng con số cụ thể, chứ không phải những mĩ từ dịch bệnh mang tính hành chính.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét