Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Cái chết của vua Quang Trung

Xin giới thiệu các bạn một lí giải của Bs Bùi Minh Đức (Mĩ) về nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung. Tôi vẫn phân vân về phương pháp nghiên cứu, và một số dữ liệu tác giả sử dụng. Tuy nhiên diagnosis cuối cùng thì xem ra có vẻ có lí.

NVT

===

Cái chết của vua Quang Trung

Bùi Minh Đức

1. Đặt vấn đề

Theo các tư liệu về Sử học, vua Quang Trung mất ngày 16 tháng 9 năm 1792 lúc mới 40 tuổi, sau một cơn “bạo bệnh”. Không có một tài liệu lịch sử nào nói rõ “bạo bệnh” đó là bệnh gì. Nhiều giả thuyết về cái chết của vua Quang Trung đã được đưa ra nhưng chưa có một khảo cứu nào căn cứ vào Y khoa ngày nay phối hợp với các sự kiện đã được ghi trong các tư liệu Sử học để có thể cho chúng ta biết một cách rõ ràng hơn về bệnh trạng cũng như về nguyên nhân tử vong của nhà vua.

2. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào những tư liệu có giá trị đích thực của Sử học Việt Nam có đề cập đến bệnh trạng của vua Quang Trung để suy nghiệm ra các triệu chứng lâm sàng của Nhà vua. Sau đó, đối chiếu các triệu chứng tìm được đó với một số bệnh cũng có cùng những triệu chứng đó trong Y khoa ngày nay để có thể phỏng đoán được bệnh trạng của nhà vua. Dựa trên các hiểu biết ngày nay về căn bệnh đã phỏng đoán được đó, quay ngược lại để biết thêm những triệu chứng khác của Quang Trung.

3. Hồ sơ bệnh lý của vua Quang Trung trước giờ lâm chung

Bệnh sử (History of the Illness)

Hai tư liệu sử học có giá trị là Đại Nam thực lục chính biên Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết diễn tiến của bệnh nhà vua lúc khởi đầu như sau: “Bệnh nhân đang ngồi chơi buổi chiều, bỗng cảm thấy xây xẩm tối tăm, đau đầu như có ai cầm gậy sắt đánh vào trước trán và té xuống kiền, hôn mê bất tỉnh. Sự việc xẩy ra rất đột ngột. Giờ lâu bệnh nhân mới tỉnh lại”.

Triệu chứng lâm sàng (Clinical Signs)

Xét kỹ bệnh sử, chúng ta có tám yếu tố định bệnh lúc khởi đầu như sau: 1/ Bệnh nhân còn trẻ, chỉ mới 40 tuổi 2/ Đau đầu dữ dội, đột ngột 3/ Xây xẩm chóng mặt 4/ Tối tăm = hỗn loạn thị giác 5/ Hôn mê ngất xỉu thình lình 6/ Bệnh nhân không vận động sức lực 7/ Bệnh nhân không bị tổn thương trên đầu 8/ Bệnh nhân đã tỉnh lại sau đó, không bị hôn mê dài ngày.

Chẩn đoán phân biệt (Differential Diagnosis):

Dựa vào triệu chứng quan trọng là “bất tỉnh” (Loss of Consciousness = LOC). Khi có “Bất Tỉnh bất thình lình” mà không có chấn thương trên đầu, Y khoa ngày nay nghỉ ngay đến “nguyên nhân não bộ”, thường là do “tai biến mạch máu não” (Cerebrovascular Accident = CVA). Theo thống kê, 95% các trường hợp “bBất tỉnh thình lình” là do các mạch máu trên não gây ra. Trong số này, 80% là do “nghẽn động mạch não”, 20% là do “xuất huyết trong não” với 14% “xuất huyết trong não bộ” và 6% “xuất huyết dưới màng nhện”.

Nghẽn động mạch (Arterial Occlusion): Chia ra 50% nghẽn động mạch do “máu đông tại chỗ” (Thrombotic Stroke) và 30% do “cục máu di chuyển tới” (Embolic Stroke). Bệnh nhân thường lớn tuổi. Thông thường không có đau đầu và bệnh trạng xẩy ra không đột ngột.

Xuất huyết não: (Intracerebral Hemorrhage): Do vỡ động mạch trong chất não. Bệnh nhân thường bất tỉnh đột ngột, hôn mê sâu (Coma) nhưng thường là ở những người cao tuổi, thường do cao huyết áp và thường xẩy ra lúc đang vận sức .

Xuất huyết dưới màng nhện: (Subarachnoid Hemorrhage): Thường thường đa số “xuất huyết dưới màng nhện” là do chấn thương sọ não. Số còn lại do “vỡ mạch máu tự phát” (Spontaneous Rupture): 80% do vỡ mạch phình (Aneurysm) và 5% do vỡ mạch dị dạng bẩm sinh (Congenital AV Malformations). Bệnh nhân thường là người trẻ khoảng 14-40 tuổi. Triệu chứng thường rất đột ngột (Sudden Onset). Đau đầu đột ngột, rất dữ dội. Bệnh nhân bất tỉnh ngay lập tức. Ngoài ra còn có thêm: chóng mặt, ói mửa, liệt nửa người, tê nửa người, liệt nửa mặt, rối loạn thị trường, rối loạn nuốt… Ngoài ra, vài tháng trước khi bị bệnh này, 50% các bệnh nhân thường có các “dấu hiệu cảnh báo” (Warning Symptoms) như đau đầu hoặc chóng mặt, tê và liệt nhẹ tay chân .

Chẩn đoán bệnh trạng (Clinical Diagnosis): Đối chiếu các triệu chứng tìm được trên người vua Quang Trung, chúng ta thấy căn bệnh khởi đầu của vua Quang Trung rất có thể là "xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch máu" (Subarachnoid Hemorrhage by Spontaneous Aneurysm Rupture).


Diễn tiến bệnh trạng (Progress Notes): Vừa suy dẫn theo sử liệu, vừa suy đoán theo các hiểu biết của Y khoa ngày nay, ta sẽ có các triệu chứng khác của căn bệnh nhà vua như sau:

Theo Đại Nam thực lục chính biên: “…Huệ ngất ngã ra. Tã hữu đều sợ. Giờ lâu mới tỉnh. Nhân đó ốm không dậy được, dặn con là Quang Toản…”. Bệnh nhân đã không đứng dậy được hoặc vì bị 1/ "liệt tay chân" tức chứng "bán thân bất toại" (Hemiplegia), hoặc do chứng 2/ "chóng mặt" (Dizziness, Vertigo) và cũng có thể cả hai nguyên nhân nầy cùng xẩy đến một lúc. Chứng "huyền vựng" mà tác giả Hoa Bằng đã có lần nêu lên về bệnh trạng của vua Quang Trung trước đây chính là chứng "chóng mặt" này. "Chóng mặt" thường kèm theo 3/ "ói mửa" (Nausea or Vomiting). Ngoài ra, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn có dư chứng 4/ "nhức đầu" (Recurrent Headache).

Theo Ai tư vãn: “Từ nắng hạ mùa thu trái tiết, xót mình rồng mệt mỏi chẳng yên”: Bệnh nhân trên hai tháng mới mất. Bệnh nhân nằm day trở “chẳng yên”trên giường bệnh, có thể do 5/ “chứng bồn chồn” (Restlessness) hoặc do chứng 6/ “co giật” (Convulsions) hoặc do chứng 7/ “động kinh” (Seizures) .

Theo suy nghiệm từ các triệu chứng của căn bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” trong Y khoa ngày nay, chúng ta thấy nhà vua còn có thể có các triệu chứng (Clinical Signs) như sau: 8/ nuốt khó và nuốt sặc do rối loạn về chức năng nuốt (Swallowing problems), 9/ cứng cần cổ, đau cần cCổ (Meningismus), 10/ rối loạn vế thị giác, 11/ Chứng sợ ánh sáng (Photophobia)...

Điều trị (Treatment)

Theo Ai tư vãn: “Xiết bao kinh sợ lo phiền, miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu. Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước, phương pháp nào đổi được cùng chăng?”. Bệnh nhân đã được điều trị 1/ theo cách xưa cổ truyền là cầu đảo thần linh khắp nơi và 2/ chạy thầy chạy thuốc khắp chốn để mong cho bệnh của vua có thể chóng lành.

Tiên lượng bệnh trạng (Prognosis)

Về tư liệu chứng minh, theo Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam thực lục chính biên thì nhà vua “đã vời Trung thư Trần Văn Kỷ và Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về Phú Xuân để trối trăn và bàn bạc chuyện dời đô ra Nghệ An …” Suy nghiệm: Tiên lượng bệnh trạng của vua bằng cách đánh giá tình trạng hệ thần kinh (Bilan Neurologique) của vua sau ngày bị bạo bệnh:

- Nhà vua còn đủ óc phê phán, suy tính lợi hại, như vậy trí thông minh của vua vẫn còn tồn tại. Trung tâm của thông minh, của suy nghĩ và lý luận là ở thùy trán. Như vậy não bộ vùng trán của nhà vua vẫn còn hoạt động.

- Nhà vua còn năng khiếu ngôn ngữ để trối trăn, dặn dò và bàn luận với quần thần. Như vậy trung tâm về ngôn ngữ của vua vẫn còn hoạt động. Trung tâm về ngôn ngữ thường ở phía bên trái của những người thuận dùng tay phải (96%) và như vậy ta có thể phỏng đoán phía não bên trái của nhà vua vẫn còn hoạt động bình thường.

- Từ đó chúng ta có thể suy ra: phía chảy máu não của vua Quang Trung là phía phải và cũng từ đó, có thể suy ra thêm là vua bị tê liệt tay chăn (còn gọi là “bán thân bất toại”) bên phía trái vì các dây thần kinh vận động tay chân từ não bộ phía bên phải bị hư hại chạy tréo qua bên phía trái khi xuống phía dưới tủy sống... Như vậy, ta có thể đoán tay chân phía bên pahir của vua vẫn còn hoạt động bình thường. Nếu nhà vua lúc đó muốn cầm tay công chúa Ngọc Hân hay các cận thần để dặn dò trối trăn thì chắc chắn nhà vua đã phải dùng tay phải để cầm tay họ.

Theo tiên lượng (Prognosis) của Y khoa ngày nay về bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” nầy thì 30% bệnh nhân sẽ chết ngay trong 30 ngày đầu, 30% sẽ hồi phục với các di chứng tàn tật nặng nhẹ khác nhau và 50% sẽ chết do xuất huyết lần đầu và do xuất huyết tái phát.

Các thử nghiệm ngày nay

Y khoa ngày nay đã có nhiều thử nghiệm để định bệnh và xác định vị trí trong tai biến mạch máu mão như CT Scan.

Chọc hút dịch não tủy (Lumbar puncture), X Quang mạch máu, MRI, MRA, Doppler Xuyên Sọ, Xenon CT Scanning, PET Scanning, chụp máu mão...

Điều trị xuất huyết dưới màng nhện hiện nay: “tai biến mạch máu não” cần phải được điều trị nhanh chóng vì não sẽ bị hư hại trong vòng vài giờ sau khi bị tai biến. Chữa trị thường bằng thuốc và bằng phẫu thuật. “kỹ thuật vàng” (Gold Standard) trong phép điều trị bằng phẫu thuật của “xuất huyết dưới màng nhện” là kỹ thuật “kẹp mạch” (Clipping).

Nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung

Theo Ai tư vãn (“Từ nắng hạ mùa thu trái tiết”) thì vua Quang Trung đã qua đời khoảng 2 tháng sau khi bị bạo bệnh. Nguyên nhân nhà vua mất có thể do:

Bệnh tái phát (Recurrent Bleeding): chứng xuất huyết dưới màng nhện khi tái phát thường là trong vòng vài tuần sau đó. Theo “Ai tư vãn”, vua đã sống hơn hai tháng mới mất. Như vậy khó có thể do bệnh tái phát .

Viêm phổi hít (Aspiration Pneumonia): Bệnh nhân khi bị tê liệt nửa người trong xuất huyết não thường bị rối loạn chức năng NUỐT, phát sinh chứng sặc vì thức ăn dễ đi lộn đường vào khí quản. Phế quản có thể bị tắc nghẽn gây nên chứng xẹp phổi (Pulmonary Atelectasis). Ngoài ra, thức ăn vào trong khí quản sẽ bị nhiễm trùng, gây nên chứng “viêm phổi hít” (Aspiration Pneumonia), tiến dần tới viêm phổi dịch, viêm phổi mủ và cuối cùng dẫn đến chứng “suy hô hấp” (Respiratory Distress) và bệnh nhân chết. Và vì vậy, theo chúng tôi, sau hai tháng bị bệnh xuất huyết dưới màng não”, vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh: “suy hô hấp do viêm phổi hít”

4. Kết luận

Dựa vào các hiểu biết của Y khoa hiện đại phối hợp với các tư liệu có giá trị đích thực của Sử Học còn lưu lại đến ngày nay, chúng ta đã CÓ THỂ suy nghiệm ra CĂN BỆNH của vua Quang Trung là: “XUẤT HUYẾT DƯỚI MÀNG NHỆN DO VỠ MẠCH PHÌNH” và NGUYÊN NHÂN TỬ VONG của vua Quang Trung là “SUY HÔ HẤP DO VIÊM PHỔI HÍT”.

HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét