Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc

Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong giới quan chức Việt Nam là họ thường có bằng cấp rất cao. Thật vậy, chỉ nhìn qua những danh thiếp của cấp thứ trưởng, vụ trưởng, hay thỉnh thoảng đọc báo về chức danh của các bộ trưởng, chúng ta thấy họ thường là tiến sĩ hay thạc sĩ. Ngược lại, đối với giới quan chức nước ngoài, ấn tượng tôi có qua các danh thiếp của họ là trình độ học vấn trung bình, thường thường là bậc cử nhân, rất hiếm thấy bộ trưởng các nước phương Tây có bằng tiến sĩ. Nhưng đó chỉ là ấn tượng, chứ chưa có bằng chứng nào để so sánh cụ thể. Theo tôi biết, cho đến nay, vẫn chưa có ai làm thống kê để biết trình độ học vấn của quan chức Việt Nam và ngoại quốc như thế nào. Có được những thông tin này tôi thiết nghĩ cũng thú vị vì nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về trình độ của các quan chức chính phủ.

Tôi chọn các quan chức cấp bộ trưởng, vì thông tin về các vị này tương đối đầy đủ hơn. Các thông tin về chức vụ, năm sinh, trình độ học vấn của các bộ trưởng (hay quan chức tương đương cấp bộ trưởng) của Việt Nam, , và Úc được thu thập cho từng cá nhân. Riêng trường hợp Việt Nam, tôi còn thu thập thêm thông tin về quê quán để xem sự phân phối giữa 3 miền ra sao.

Kết quả cho thấy nội các của Việt Nam có 26 thành viên, ít hơn Úc (28 người), nhưng đông hơn Mĩ (23 người). Tuy nhiên, có sự mất cân đối nghiêm trọng về phân bố giới tính. Trong số 26 thành viên nội các chính phủ Việt Nam, chỉ có 1 nữ duy nhất: đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong khi đó, nội các chính phủ Mĩ có đến 7 người là nữ, và con số này chiếm gần 1/3 chính phủ Obana, nhiều hơn cả chính phủ Úc với 4/28 thành viên (hay 14%) là nữ giới.

Về tuổi tác, các bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam tương đối cao tuổi hơn so với đồng nghiệp của họ ở Mĩ và Úc. Tuổi trung bình của các bộ trưởng Việt Nam là 59, kế đến là Mĩ (tuổi trung bình 56) và Úc (50 tuổi). Người trẻ nhất trong chính phủ Việt Nam là ông Hoàng Trung Hải (50 tuổi), nhưng người trẻ tuổi nhất trong chính phủ Úc chỉ 33 tuổi (Kate Ellis, bộ trưởng thể thao), còn bộ trưởng trẻ nhất của Mĩ cũng chỉ 42 tuổi (ông Peter R. Orszag, giám đốc ngân sách quốc gia, với bằng tiến sĩ từ London School of Economics).

Về trình độ học vấn, chính phủ Việt Nam có trình độ cao nhất so với Mĩ và Úc. Trong số 26 thành viên trong nội các chính phủ Việt Nam, có đến 50% (13 người) có bằng tiến sĩ, 10 người có bằng cử nhân, và 3 người có bằng thạc sĩ. Phân tích kĩ hơn thì tôi thấy trong số 13 tiến sĩ bộ trưởng Việt Nam, phần lớn là tiến sĩ về kinh tế (7 người, gồm các ông Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Khôi Nguyên, Vũ Huy Hoàng, Lê Doãn Hợp, Trần Văn Tuấn, Cao Đức Phát, và Nguyễn Văn Giàu), phần còn lại là xã hội học (ông Nguyễn Quốc Triệu), luyện kim (ông Phạm Gia Khiêm), điều khiển học (ông Nguyễn Thiện Nhân), luật (ông Hà Hùng Cường), kiến trúc (ông Nguyễn Hồng Quân), và toán lí (ông Hoàng Văn Phong).

Ở Úc, trong số 28 thành viên chính phủ, chỉ có 1 người duy nhất có bằng tiến sĩ (ông Craig Emerson), 5 người có bằng thạc sĩ, và đa số (22 người ) có bằng cử nhân. Nội các chính phủ Obama có trình độ học vấn cao hơn Úc một chút, nhưng vẫn còn thua xa so với Việt Nam. Trong số 23 thành viên, 7 người có bằng tiến sĩ, 8 người với bằng thạc sĩ, và 8 người với bằng cử nhân.

Nếu [tạm] tính PhD là 10 năm theo học đại học, thạc sĩ 6 năm, và cử nhân 4 năm, thì tính trung bình mỗi bộ trưởng hay thành viên trong nội các chính phủ VN có 7.2 năm học đại học, kế đến là Mĩ (6.5 năm), và thấp nhất trong nhóm là Úc (4.6 năm).

Phân tích theo vùng. Nói đến Việt Nam là phải nói đến chính trị vùng. Tình hình phân bố các thành viên và trình độ học vấn trong nội các chính phủ Việt Nam không đồng đều giữa 3 vùng. Trong số 26 thành viên, đa số là từ miền Bắc (12 người, hay 46%), miền Trung và miền Nam mỗi miền có 7 người. Điều thú vị ở đây là trong số 12 thành viên từ miền Bắc, có đến 8 người (67%) có bằng tiến sĩ. Số thành viên có bằng tiến sĩ từ miền Trung là 3/7 (43%), và miền Nam là 2/7 (28%).

Vài nhận xét

Trong loạt bài về những bất cập trong việc đào tạo tiến sĩ trên Sài Gòn Giải Phóng, tác giả viết như sau: “Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ TS rất cao! […] Trên các nước, TS nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít.” Những phân tích trong bài này phù hợp với nhận xét đó. Phân nửa các bộ trưởng (hay quan chức tương đương bộ trưởng) Việt Nam có bằng tiến sĩ, và con số này cao hơn so với chính phủ Mĩ và Úc, hai nước mà trình độ dân trí cao hơn Việt Nam. Tôi chưa có bằng chứng, nhưng tôi nghi rằng tỉ lệ tiến sĩ trong chính phủ Việt Nam có lẽ là cao nhất thế giới.

Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lí lạ lùng: muốn đề bạt chức vụ nào đó thì phải có bằng cấp tương xứng. Chẳng hạn như điều kiện tiên quyết cho chức vụ giám đốc sở thì phải là bằng cử nhân hay thạc sĩ, trưởng khoa một bộ môn trong bệnh viện thì cần phải có bằng tiến sĩ và … đảng viên. Do đó, người ta đổ xô nhau đi “làm” tiến sĩ, tìm mọi cách và mọi giá để có một cái bằng tiến sĩ chỉ để thăng quan tiến chức, hơn là phục vụ cho khoa học. Chú ý là người ta “làm” tiến sĩ, chứ không hẳn là “học” tiến sĩ. Động từ “làm” ở đây bao gồm nhiều hành động, kể cả những việc làm có thể xem là tiêu cực.

Tuy nhiên, qui định bằng cấp và chức vụ đó là ở cấp địa phương và cơ sở, còn đối với các cấp bộ trưởng hay tương đương thì tôi nghĩ không có qui định bằng cấp càng cao mới được bổ nhiệm chức cao, vì ở cấp này, vị thế và thành tích chính trị đóng vai trò quan trọng hơn là bằng cấp. Nhưng trước khi làm bộ trưởng thì các vị này cũng đã trải qua các chức vụ thấp hơn, nên nhu cầu bằng cấp lúc đó ắt phải có. Điều này có nghĩa là phong trào tiến sĩ và chức vụ đã xảy ra trước đây, và bây giờ chính là giai đoạn gặt hái thành quả. Hiểu theo nghĩa này, tôi nghĩ trong tương lai chúng ta sẽ còn thấy nhiều tiến sĩ trong chính phủ hơn nữa. Nhiệm kì tới biết đâu con số bộ trưởng có bằng tiến sĩ không phải là 50% như bây giờ mà có thể là 2/3.

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống bằng cấp đại học. Thông thường, con số người có bằng tiến sĩ thấp hơn con số thạc sĩ, và số người với bằng thạc sĩ ít hơn số người với bằng cử nhân. Đó là xu hướng mà chúng ta thấy ở Mĩ và Úc. Ở Úc, chỉ có 1 bộ trưởng duy nhất có bằng tiến sĩ. Nhưng trong chính phủ Việt Nam thì ngược lại: số người có bằng tiến sĩ nhiều hơn số người có bằng cử nhân và thạc sĩ. Đó là một sự phân bố bất bình thường. Sự bất bình thường đó đặt ra câu hỏi có phải bằng tiến sĩ ở Việt Nam quá dễ “lấy”. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng những lem nhem và bất cập về cách đào tạo tiến sĩ ở trong nước mà báo chí phản ảnh trong thời gian qua làm cho xã hội đánh một dấu hỏi lớn.

Thật ra, nhìn một cách tích cực hơn, chính phủ có nhiều tiến sĩ là một tín hiệu tốt. Con số 50% bộ trưởng có bằng tiến sĩ cho thấy nước ta đúng là nước có trình độ học vấn cao, có lẽ cao nhất thế giới. Phần lớn các tiến sĩ bộ trưởng học về kinh tế, và điều này nói lên rằng chúng ta có thể tin tưởng rằng kinh tế VN sẽ phát triển vượt bực nay mai. Trong khi chưa có bằng chứng cho phát biểu đó, chúng ta hãy cứ tin và hi vọng vậy.

Ở các nước tiên tiến, phần lớn tiến sĩ làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu, với một thiểu số nhỏ làm việc trong ngành quản lí. Ở Việt Nam thì ngược lại: phần lớn tiến sĩ làm trong ngành quản lí hành chính, rất ít người giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Thật vậy, chỉ có khoảng ~20% giảng viên trong các đại học lớn ở VN có văn bằng tiến sĩ. Trong khi đó, 50% bộ trưởng VN có bằng tiến sĩ. Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là chính phủ có cần nhiều tiến sĩ như thế hay không trong khi các trường đại học rất thiếu giảng viên ở trình độ tiến sĩ?

NVT

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010

Cẩn thận với kết tội qua xét nghiệm DNA

Trong thời gian ở VN tôi chú ý đến một trường hợp đau lòng, mà không có thì giờ viết vài hàng đóng góp ý kiến. Hôm nay, nhân ngày cuối tuần, tôi muốn nêu lại vấn đề liên quan đến một người đau khổ mà tôi chưa bao giờ gặp mặt và chưa quen biết.

Báo Tuổi trẻ ngày 14/12/2009 có một bài viết đáng chú ý về DNA. Câu chuyện có thể tóm lược như sau. Ông Nguyễn Văn Tho (người địa phương quen gọi là Tư Tho), quê quán ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, 47 tuổi, góa vợ từ năm 30 tuổi. Cách đây 12 năm, con gái ông lúc đó mới 15 tuổi có quan hệ với T, một thanh niên trong làng làm nghề tài xế xe tải. Kết quả của mối quan hệ này là một đứa bé. Gia đình bên T thoạt đầu đồng ý làm đám cưới nhưng sau đó thì không giữ lời hứa. Những gì xảy ra sau đó là một chuỗi sự việc buồn:

• Ngày 14/11/1998, Tư Tho bị bắt vì kết quả giám định DNA tại phân viện khoa học hình sự của Bộ Công an xác định ông Tư Tho là cha ruột của đứa trẻ với xác suất 99.97%.

• Ông Tư Tho kêu oan. Tổ chức giám định pháp y trung ương của Bộ Y tế làm xét nghiệm DNA thì thấy T là cha ruột đứa trẻ chứ không phải ông Tư Tho.

• Đến ngày 10/9/2001, Bộ công an lại làm giám định do Tiến sĩ Nguyễn Trọng Toàn làm chủ tịch, và kết luận rằng ông Tư Tho là cha ruột đứa bé với xác suất 99.999%. Ông Tư Tho bị phạt 3 năm tù giam.

• Đến tháng 7/2003, Tòa án phúc thẩm tối cao TPHCM tuyên án hủy hồ sơ vì quá trình lấy mẫu đã vi phạm qui định tố tụng.

• Tòa án tỉnh Tiền Giang không chịu kết luận của tòa án TPHCM nên lại đưa ông Tư Tho ra tòa và kết quả là ông bị phạt 3 năm tù.

• Không đầy 2 tháng sau, Tòa án phúc thẩm tối cao TPHCM lại tuyên bố hủy bỏ vụ án.

• Ngày 29/9/2005, công an tỉnh Tiền Giang lại cho xét nghiệm DNA (lần thứ 4) và Viện khoa học hình sự kết luận rằng ông Tư Tho là cha đứa bé với xác suất 99.997%. Dựa vào kết quả này tòa án Tiền Giang tuyên phạt ông Tư Tho 5 năm tù giam.

• Ông Tư Tho và con gái kêu oan. Ngày 24/8/2007, Tòa án phúc thẩm tối cao TPHCM lại tuyên bố hủy bỏ vụ án.

Câu chuyện đến đó, tôi không biết kết cục sự việc ra sao, vì bài báo không tường thuật thêm. (Báo chí VN thường rất chán, tường trình câu chuyện chẳng đến nơi đến chốn, cứ để lơ lửng như là nhà văn viết tiểu thuyết vậy). Tuy nhiên, câu chuyện nói lên sự nguy hiểm trong việc dựa vào DNA để kết tội. Trước đây, tôi cũng đã có một bình luận chung về vấn đề này và chỉ ra những sai sót trong suy luận mang tính “Prosecutor’s Fallacy” và những bất định trong việc xét nghiệm DNA. Tôi nghi ngờ rằng phía Bộ Công an đã sai lầm khi kết tội ông Tư Tho. Sai lầm này rất cổ điển mà giới luật sư và khoa học các nước phương Tây đã từng kinh qua.

Xác định quan hệ huyết thống qua xét nghiệm DNA là một việc làm cực kì khó khăn và phức tạp. Khó khăn và phức tạp là do sự kết hợp giữa hai lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn rất cao: đó là di truyền học và toán thống kê. Cách làm đơn giản và cơ bản nhất là phân tích allele (biến thể gien) của nhiều gien từ người mẹ, đứa bé, và người tình nghi là cha. Sau đó là một loạt tính toán phức tạp để ước tính (chỉ có thể “ước tính” mà thôi) xác suất quan hệ huyết thống hay probability of paternity (POP).

Mỗi bước và qui trình trên đều có thể sai sót. Nếu sai sót xảy ra từ bước thứ nhất thì tất cả các kết quả và thông tin hai bước sau trở thành vô nghĩa, và bằng chứng không được chấp nhận trước tòa. Đặc biệt là trong bước một, kết quả xét nghiệm DNA có thể sai sót về kĩ thuật như enzyme có vấn đề, hoặc mẫu máu bị nhiễm hay hư hỏng, hoặc nồng độ muối [dùng cho phân tích DNA] bất bình thường, hoặc do lẫn lộn mẫu máu, hoặc đơn giản do sai sót của kĩ thuật viên. Rất khó biết tỉ lệ sai sót trong bước một là bao nhiêu (vì ít ai chịu công bố sai sót kĩ thuật!), nhưng kinh nghiệm của người viết bài này thì tỉ lệ sai sót có thể dao động từ 1 đến 5%. Ở Mĩ, qua tái thẩm định 75 báo cáo trùng hợp hồ sơ DNA, người ta phát hiện 3 sai sót trong bước 1, tức tỉ lệ 4%.

Ước tính xác suất POP khá phức tạp, và có khi phải có sự hỗ trợ của chuyên gia toán thống kê. Chúng ta biết rằng 50% biến thể gien của đứa trẻ được di truyền từ cha, và 50% từ mẹ. Thông thường, một số gien hay loci được phân tích để tăng cao xác suất POP. Mỗi gien có 2 hay nhiều biến thể gien (allele), và 2 biến thể gien này kết hợp thành dạng gien (genotype). Trong xét nghiệm xác định quan hệ huyết thống, biến thể gien của đứa trẻ được so sánh với mẹ và “cha” để xác định xem một biến thể đó xuất phát từ mẹ hay “cha”. Chẳng hạn như nếu đứa bé có dạng gien AB, và người mẹ có dạng gien AC, thì có thể xác định rằng biến thể A đến người mẹ, và biến thể B xuất phát từ người “cha”. Do đó, nếu người “cha” không có biến thể B thì chắc chắn không phải là cha đứa bé (với giả định rằng không có mutation hay đột biến gien).

Trong trường hợp không thể loại trừ khả năng người đàn ông là cha, thì câu hỏi kế tiếp là xác suất mà một người đàn ông chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng dân số có hồ sơ DNA (qua biến thể gien) trùng hợp với đứa bé là bao nhiêu? Thông thường, người ta phải xét nghiệm nhiều gien chứ không phải chỉ 1 gien. Bao nhiêu là đủ? Khó có câu trả lời, nhưng ở Mĩ người ta thường xét nghiệm 9-15 gien. Trong ví dụ trên, tôi dùng A, B, C để kí hiệu biến thể gien, nhưng trong thực tế vì có nhiều gien nên các chuyên gia thường sử dụng mã số từ các microsatellite markers (như 9, 17, 21, v.v…) để nhận dạng biến thể gien.

Đầu tiên là tính “chỉ số cha” (paternity index hay PI). Chỉ số này được tính cho mỗi gien với công thức: PI = X / Y, trong đó X là xác suất mà người đàn ông truyền biến thể gien đến đứa bé, Y là xác suất mà một người đàn ông khác chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng truyền biến thể đó cho đứa bé. X = 1 nếu người “cha” có dạng gien homozygous (tức AA hay BB), và X = 0.5 nếu người “cha” có dạng gien heterozygous (như AB). Còn Y có thể ước tính từ tần số biến thể gien trong cộng đồng.

Để minh họa cho vấn đề, tôi lấy một ví dụ trong y văn như sau. Trong trường hợp này các chuyên gia phân tích 9 markers của người mẹ, đứa bé, và người đàn ông bị tình nghi là cha. Cột sau cùng là biến thể gien cần tìm hiểu. Chẳng hạn như với marker D81179, đứa bé có dạng gien 13/14 và người đàn ông là 13/15, cho nên biến thể cần tìm hiểu là 13. Đối với marker FGA, dạng gien của người đàn ông là 21/21, tức là homozyygous.

Bước kế tiếp là xác định tần số biến thể gien cần tìm hiểu trong cộng đồng. Để có những số liệu này cần phải làm nghiên cứu rất khó khăn. Số liệu về tần số biến thể gien trong cộng đồng ở Mĩ là như sau:

Dựa vào những tần số này, chúng ta có thể ước tính PI như sau. Chẳng hạn như với marker D8179, người đàn ông có dạng gien 13/15 (tức heterozygous), nên X là 0.5, và tần số biến thể 13 xuất hiện trong cộng đồng là 0.308; do đó, PI = 0.5 / 0.308 = 1.62. Riêng đối với marker FGA thì PI = 1 / 0.176 = 5.68 vì người đàn ông có dạng gien homozygous:



Từ đó, chỉ số tích lũy PI, gọi tắt là CPI là:

CPI = 1.62 x 12.2 x 4.0 x 3.6 x 2.28 x 5.68 x 1.4 x 1.82 x 2.9 = 27,234.

Bước kế tiếp là áp dụng định lí xác suất Bayes để ước tính POP. Xác suất POP thực ra được ước tính dựa vào công thức:

POP = CPI / (CPI + (1 – prior probability)),

trong đó “1 – probability” là “xác suất tình nghi”, tức là trước khi có kết quả xét nghiệm, xác suất mà người đàn ông là cha đứa bé. Xác suất này thường được ước tính là 0.5 (50%), nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Giả dụ như probability là 0.5, số liệu trên cho phép chúng ta ước tính POP như sau:

POP = 27234 / (27234 + (1-0.5)*100) = 99.99%.


Bây giờ, quay lại trường hợp ông Tư Tho, có nhiều câu hỏi đặt ra:

1. Qui trình lấy mẫu máu như thế nào, nhiệt độ bảo quản là bao nhiêu, lab phân tích DNA được các hiệp hội sinh hóa quốc tế công nhận chưa? Tỉ lệ sau sót trong phân tích DNA là bao nhiêu?

2. Những gien hay markers mà các trung tâm của Bộ Công an và Bộ Y tế phân tích là những gien hay markers nào? Sử dụng SNP hay là microsatellite? Hai cách chọn này có ảnh hưởng lớn đến kết quả.

3. Tần số biến thể của các gien này trong cộng đồng được ước tính ra sao? Theo tôi biết ở VN rất ít làm nghiên cứu về gien, vậy thì tần số của những gien đó đến từ đâu, sắc dân nào, ai làm, và đã công bố trên tập san khoa học nào? Không có những con số này, tất cả tính toán đều vô nghĩa.

4. Phương pháp tính POP của Bộ Công an và Bộ Y tế cần phải minh bạch hóa. Phương pháp tính cụ thể là gì, và những giả định đằng sau của cách tính là gì. Đây là vấn đề cực kì quan trọng, vì Viện khoa học hình sự kết luận rằng ông Tư Tho là cha đứa bé với xác suất 99.997%.

Đây là những câu hỏi rất quan trọng và có liên quan đến bản án dành cho ông Tư Tho. Sự thật là có khác biệt về kết quả phân tích giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, và điều này nói lên vấn đề kĩ thuật. Do đó, vấn đề nằm ở khâu kĩ thuật và phương pháp, kể cả phương pháp tính toán. Những gì tôi trình bày trên đây cực kì cơ bản và có tính cách minh họa; trong thực tế cách tính toán phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi phải có chương trình máy tính hỗ trợ. Ngay cả cách tính PI cũng phải hết sức cẩn thận vì có thể sai lầm như mô tả trong bài báo từ thập niên 1980s (CC Li, et al. Basic fallacies in the formulation of the Paternity Index. Am J Hum Gent 1985;37:809-18). Một phương pháp ước tính khác tốt hơn là do một “tổ sư” di truyền học đề nghị vào năm 1986 (RC Elston, Probability and Paternity Testing. Am J Hum Gent 1986; 39:112-122) nhưng khá phức tạp nên tôi không mô tả ở đây. Điểm chính cần biết là: ước tính PI và POP không dễ chút nào. Nhất là ở đây, trong trường hợp người cha tình nghi lại là ông ngoại, thì việc tính toán phức tạp hơn. Không biết những chuyên gia pháp y trong Bộ Công an và Bộ Y tế tính toán như thế nào. Phương pháp này cần phải minh bạch hóa để người khác có thể bình luận.

Nhưng nếu sai sót trong khâu phân tích DNA hay trước đó là các lấy và bảo quản mẫu máu, dù có máy tính đi nữa thì kết quả vẫn sai sót nghiêm trọng. Trong quá khứ đã có nhiều (rất nhiều) trường hợp mà công lí bị sai lầm nghiêm trọng chỉ vì sai lầm về cách phân tích và diển giải DNA. Do đó, kết án một người nào đó dựa trên DNA cần phải hết sức thận trọng. Nếu không chắc ăn, cách tốt nhất là chờ và tham vấn chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài. Tôi nghĩ không nên kết tội ông Tư Tho khi những bằng chứng về DNA vẫn còn bất định. Trong bối cảnh thiếu nghiên cứu khoa học như ở VN thì việc kết tội ông ấy là quá vội vàng.

NVT

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Một buổi tát đìa

12/1. Hai chữ “tát đìa” chắc còn xa lạ đối với các bạn không từng ở trong quê, nhất là vùng quê miền Tây Nam bộ. Nhưng đối với tôi và những ai từng lớn lên ở miền Tây thì tác đìa là một thú vui, là kỉ niệm khó quên trong đời. Đìa không phải là ao, mà là một vùng trũng hẹp có bờ để giữ nước và cá. Đìa thường nằm bên cạnh hay chung quanh một thửa ruộng. Tát đìa có nghĩa là hút nước trong đìa ra ruộng đến một mức cạn vừa đủ để tiện cho việc nhận dạng cá và để tiện việc bắt cá.

Ở quê tôi, cũng giống như các vùng quê khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cứ mỗi khi giáp Tết thì người ta hay tát đìa và dở chà. Dở chà là một cách bắt cá tôm trên sông, nhưng tôi sẽ không bàn đến trong bài này. Hôm về quê, nghe nói ông anh họ tôi trong rạch Lô Bích sẽ tát đìa vào ngày 12/1 nên tôi hăm hở điện thoại cho anh chờ tôi về tham dự tát đìa cho vui (lúc đó tôi còn ở Phú Quốc). Thời đại điện thoại di động tiện ghê, chỉ cần cú điện thoại là tôi đã có hẹn chính xác, chứ chẳng cần phải chèo xuồng cho tốn công!

Từ nhà tôi đến nhà anh Đ (ông anh họ tôi) ngày xưa phải chèo xuồng khoảng 20 phút, còn ngày nay thì “con ngựa sắt” nó có thể đưa tôi đến nơi không đầy 10 phút. Đáng lẽ nhanh hơn, nhưng vì ông Nhà nước xây đường quá hẹp và quá gập ghềnh nên xe vừa chạy mà cũng vừa bò. Đó là chưa nói đến những đoạn phải qua những cây cầu được thiết kế rất quái đản, làm tôi muốn thót ruột, không phải tôi sợ té xuống sông (vì tôi lội sông giỏi lắm) mà sợ con ngựa sắt xuống sông mới là phiền phức. Ngày xưa đi cầu khỉ sợ té xuống sông, còn ngày nay đi qua cầu sợ xe Honda “té” xuống sông, nhờ cách xây cầu quá tuyệt vời của các kĩ sư nhà ta.

Một thửa rộng xanh rì, bao bọc chung quanh bằng đìa

Đến nơi đã thấy bà con chòm xóm khá đầy đủ đang chuẩn bị tát đìa. Mỗi lần tát đìa ở dưới quê là mỗi lần đại gia đình và hàng xóm tụ tập. Ông anh tôi là người có tổ chức nên phân chia nhân sự thành 3 nhóm: nhóm kĩ thuật, nhóm thu hoạch cá, và nhóm hậu cần. Nhóm kĩ thuật gồm 3 thanh niên phụ trách phần tát nước. Ngày xưa là phải tát nước bằng tay, nhưng ngày nay thì đã có cái máy Kohler bơm nước. Cái máy Kohler này chắc cũng 40 tuổi, đã qua nhiều lần biến chế và sửa sang, hãng sản xuất khó mà nhìn ra sản phẩm của họ (và chắc phải thán phục cho nông dân Việt Nam vì nó đã được cải biên không còn là cái Kohler chính hiệu nữa). Máy chạy xình xịch, chầm chậm bơm nước ra ngoài. Ba người thanh niên đứng cạnh theo dõi mực nước đến đâu, theo dõi xăng dầu của máy, và để sửa chữa nếu máy trở chứng không chịu “làm việc”. Nhóm thu hoạch hùng hậu hơn, gồm cả chục người, chuyên lo dụng cụ, xuồng, đồ đựng cá, bình điện sẵn sàng để vào cuộc khi mực nước xuống đến mức có thể “hành động”. Ngày xưa, người ta bắt cá bằng tay, nhưng ngày nay thì có bình điện và cái xiệc làm cho cá ngất xỉu (không để chết), và việc bắt cá hơn. Nói là “cá”, chứ trong thực tế thì có cả lươn, rắn, đủ thứ cả. Nhóm hậu cần chỉ là những bà nội trợ và các cô gái trong xóm, chuyên phụ trách cân cá, sàng lọc cá nào để mấy ông nhậu, cá nào đem đi bán, và cá nào dành để biếu cho bà con chòm xóm. Nồi cháo, nồi canh chua, bếp lửa đã sẵn sàng; chỉ cần bắt cá lên và trong vòng 10 phút là có đồ ăn ngay. Ngoài 3 nhóm kia, còn có mấy đứa trẻ trong xóm cũng lăn xăn phụ giúp việc. Ngày tát đìa cứ như là một ngày hội.

Đìa của ông anh tôi bao bọc một thửa ruộng khoảng 10 công, với chiều dài khoảng 50 thước và bề ngang cũng 50 thước, tức là thuộc vào loại đìa lớn. Khi nước đìa đã cạn dần, nhóm thu hoạch bắt đầu cho hai xuồng nhỏ xuống đìa. Trên mỗi xuồng là 1 người cầm xiệc và 1 người giữ cá, còn phía dưới nước thì có 4-5 người chuyên lo mò cá và bắt cá. Họ di chuyển xuồng một cách chậm chạp để dồn cá vào một khu vực và sẽ tóm hết tại khu đó. Nhưng đi hết một vòng vẫn chưa bắt hết cá, vì mấy chú cá này trốn tránh con người rất giỏi. Chúng có thể chui vào bùn, vào bụi rậm, hay lặn sâu để trốn. Nhưng con người thông minh hơn cá, nên chỉ cần đảo xuồng 2,3 vòng với cái xiệc điện thì mấy chú cá không có cách nào thoát khỏi bàn tay của con người.

Đội bắt cá


Những con cá lóc, các chép, cá rô, cá trê vàng lớn nhất đều để lại để … nhậu và ăn tiệc. Ngay bên cạnh sân nhậu đã có mấy đứa trẻ nhóm lửa sẵn sàng, khi cá được bắt lên, mấy đứa trẻ này cho vào nướng trui và thưởng thức ngay tại chỗ. Hôm đó, ông sui của ông anh họ tôi cũng có đến chia vui, và đem theo một hủ rượu thuốc (ông hành nghề đông y). Còn rau thì không cần đi đâu xa, mà chỉ “khai thác” ngay các loại rau mọc trong vườn và bờ ruộng. Nào là me, rau đắng, rau thơm, rau dừa (loại này càng ngày càng hiếm) được mấy đứa trẻ hái về để phục vụ cho bữa ăn. Chúng tôi đã có một bữa ăn (nhậu) rất dân dã, ngon miệng, mà có phần thịnh soạn nữa.

Những con cá rô to loại này khó tìm ở chợ


Cá rô nướng tại chỗ


Tát đìa xong, giải lao bằng cá rô, cá lóc và cá trê vàng nướng, cùng rượu đế


Và cá trê vàng, rất hiếm ngày nay


Một con cá chép nặng 4 kg


Một con cá chép khác






Một con cá lóc 3 kg


Lâu lắm rồi (chắc trên dưới 40 năm) tôi mới có dịp tham dự vào buổi tát đìa như thế này. Tuy “công nghệ” tát đìa ngày nay có phần thay đổi hiện đại hơn một chút, nhưng tinh thần và ý nghĩa thì vẫn như cũ. Nhìn mấy đứa trẻ lăn xăn chạy bắt từng con cá làm tôi nhớ đến thời tôi ở vào độ tuổi của mấy đứa này, vào cái thời mà kí ức tát đìa không bao giờ phai nhòa trong tôi. Tôi nghĩ mấy đứa trẻ này sau khi lớn lên và lưu lạc ra khỏi vùng quê cũng như tôi, tức là cũng đem theo những kỉ niệm và kí ức của một thời tát đìa dưới quê.

NVT

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Hai lần bị ăn cướp ngay tại thủ đô!

Phi trường Nội Bài. Chiều ngày 13/1. Có lẽ là vào buổi xế chiều tối nên ít khách, và quang cảnh tương đối vắng vẻ. Lấy hành lí xong, tôi đi lang thang trong phi trường tìm xe về trung tâm thành phố. Tìm hoài chẳng thấy taxi, nên đành phải ghé qua một quầy dịch vụ “travel”. Hỏi giá xe đi Hà Nội thì được biết có 3 hạng giá: 350.000đ nếu đi xe Matiz (Hàn Quốc), 450.000đ dành cho xe Toyota, và 600.000đ dành cho xe loại “4-wheel” Hyundai. Tôi mua vé 450.00 đồng. Vé có tên người liên lạc (Ms. Huyen 0986-989-418) và có hẳn hóa đơn để tôi thanh toán với cơ quan bảo trợ cho chuyến đi.

Mua vé xong vẫn chưa đi, vì hình như họ phải điều phối xe. (Sau này thì tôi biết là họ kêu xe ngoài – hay còn gọi là xe dù – vào). Trong khi đứng chờ, người bán vé hỏi một câu làm tôi ngạc nhiên. Cô ấy hỏi: có phải đảng viên đảng cộng sản không được vào Mĩ? Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe đến qui định này (tôi chỉ nghe nói thỉnh thoảng nhân viên hải quan Mĩ hỏi khách vào có phải là đảng viên đảng cộng sản, chứ không nghe đến chuyện cấm đoán. Tôi nói rằng tôi không biết ở bên Mĩ thì sao, nhưng ở bên Úc thì không ai hỏi khách vào theo đảng phái gì, và cũng không cấm đảng viên đảng cộng sản vào Úc. Có thể họ không có cảm tình với đảng viên đảng cộng sản, nhưng Úc không cấm người cộng sản sang đây học hành hay du lịch.

Cuối cùng thì anh tài xế taxi cũng đến. Xe anh hiệu Toyota loại VIOS, màu xám. Bên trong xe rất sạch sẽ, vì xe gần như là mới. Nhìn sang đồng hồ cây số, xe mới chạy chưa đầy 7000 km. Anh tài xế là một trung niên, với giọng Bắc rất “Hà Lam Linh”, nhưng rất dễ mến. Đường từ Nội Bài vào trung tâm thành phố hình như là 35 km, tốn gần 40 phút, nên chúng tôi có một buổi trò chuyện vui vẻ, thoải mái. Vẫn là những chuyện thời sự làm bức xúc người dân: nào là cán bộ tham nhũng, đảng viên sa đọa, đạo đức xã hội ngày càng tồi tệ hơn, các tập đoàn kinh tế nhà nước độc quyền lộng hành gây khổ cho dân, giá cả tăng cao, đời sống càng ngày càng khó khăn, v.v… được anh tài xế có dịp tuông ra. Tôi chẳng biết nói gì ngoài vài câu khuyên lơn vô thưởng vô phạt.

Bận bịu với công việc, tôi quên không còn nhớ cái giá 450.000 đồng, vì cứ tưởng đó là giá chuẩn. Đến một hôm tôi đi thăm bạn bè, nên có dịp đi xe hãng Mai Linh. Trên đường đi, tôi hỏi giá xe từ Hà Nội ra phi trường Nội Bài (hay ngược lại) là bao nhiêu, thì anh tài xế nói là 180.000 đồng. Tôi tưởng mình nghe lầm nên hỏi lại là 180.000 hay 280.000 đồng. Anh ta nói chắc: “180.000 đồng, bác ạ”. Anh ta còn nói thêm: “Tối đa là 200.000 đồng”. Tôi im lặng. Thấy tôi không nói gì, anh ta tưởng là giá quá đắt nên gióng tiếng tiếp thị: “xe chúng em đi chắc giá, bác không sợ lầm đâu, nếu bác đi xe taxi dù thì coi chừng bị gạt”. Đến đây thì tôi đành thố lộ với anh là tôi đã trả 450.000 đồng cho chuyến đi từ Nội Bài về Hà Nội. Anh taxi trẻ cười ngất nói: “Đấy, em đã bảo mà!”

Thế là tôi bị ăn cướp lần thứ nhất trong chuyến đi này. Điều làm tôi chú ý là họ ăn cướp có bài bản, có hóa đơn và có giấy chứng nhận đàng hoàng. Có thể gọi đây là hình thức ăn cướp có hệ thống?

Khác với loại ăn cướp có hệ thống là loại ăn cướp … cơ hội, phi hệ thống. Tưởng rằng mình đã bị một lần ăn cướp như vậy cũng đủ, nhưng tôi thật chẳng may mắn phải trải qua một lần nữa. Sáng 14/1, tôi có hẹn với vài bạn ở Đại học Quốc gia Hà Nội, cách khách sạn Fortuna tôi ở khoảng 4-5 cây số, và theo bảo vệ khách sạn nói thì giá taxi chỉ khoảng 50.000-60.000 ngàn đồng. Tôi lên chiếc xe taxi nhỏ do nhân viên bảo vệ khách sạn bố trí.

Lên xe, nói chuyện đời vui vẻ, tôi thấy anh tài xế cũng có vẻ đáng tin cậy và biết điều, nhưng tôi lầm to. Anh ta hỏi tôi tình hình kinh tế miền Nam ra sao, và tỏ ý muốn vào Nam một chuyến cho biết. Anh này, khoảng 50 tuổi, tuy sống và lớn lên ở Hà Nội nhưng hình như không thuộc sử mấy. Tôi giả bộ hỏi anh rằng những tên đường như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Hồng Phong, v.v… là những nhân vật nào, thì anh ta trả lời trớt quớt hết! Anh nói Lê Duẩn là ông chủ tịch nước có công rất lớn với giai đoạn hiện đại hóa Việt Nam, còn ông Trường Chinh là chủ tịch Đảng, cực kì giỏi vì nghe nói có hai bộ não, nên có thể tiếp thu và trao đổi với 2 người cùng một lúc! Đương nhiên, tôi đâu biết hư thực ra sao, nhưng tôi nghi những chức vụ mà anh này nói là sai.

Quay trở lại chuyến đi của tôi, khi gần đến nơi tôi thấy anh ta bấm nút tắt đồng hồ nhưng tôi vẫn thấy cái giá lúc đó là khoảng 54.000 hay 74.000 đồng. Khi xe ngừng hẳn trước cổng trường, tôi hỏi anh giá bao nhiêu, anh ta “hét” giá 150.000 đồng. Tôi hỏi anh làm sao biết giá bao nhiêu khi chẳng có chỉ định của đồng hồ cây số. Anh ta nói rằng đồng hồ hỏng, nhưng anh ta chắc giá là 150.000 đồng, rồi nói tôi thông cảm! Tôi nói rằng tôi sẽ cho anh 100.000 đồng, chứ không phải trả tiền, và anh chỉ có thể chụp giựt tôi một lần thôi. Tôi cố tình nói giọng bình thản, nhỏ nhẹ, nhưng nhấn mạnh chữ “chụp giựt”, vì tôi thật sự nghĩ anh ta là một tên lưu manh, có lẽ quen với nghề chụp giựt người miền Nam hay khách ngoại quốc. Anh ta không nói gì, chụp lấy tờ giấy 100.000 đồng và phóng xe chạy, nhưng tôi kịp nhận ra xe anh mang biển số 30L-4866 (tôi quên tên hãng taxi). Lúc đó là khoảng 9:00 sáng (ngày 14/1/2010). Tôi viết ra chi tiết để nếu hãng taxi có đọc trang blog này có thể kiểm chứng và kiểm tra anh tài xế ăn cướp này. Tôi thật sự nghĩ anh chàng này quả đúng là một tên ăn cướp đội lốt tài xế taxi.

Mặc dù đã nghe qua nhiều về cách làm ăn chặt chém khách của một số người trong giới taxi Hà Nội, nhưng tôi không ngờ mình lại chính là nạn nhân của thói làm ăn này. Chẳng những bị ăn cướp một lần, mà lại bị đến 2 lần. Lần thứ nhất, người ăn cướp có hẳn văn phòng và biểu giá; lần thứ hai, kẻ ăn cướp thuộc thành phần “lao động vinh quang” và hình như có chút máu lưu manh. Mà, bị ăn cướp ngay tại cái nơi gọi là “thủ đô” với những mĩ từ như “ngàn năm văn vật” hay “thủ đô văn hóa”, tôi thấy nó mỉa mai làm sao! Nghĩ đến hai chữ “văn hóa” tôi đôi khi mỉm cười một mình, và không biết phải gọi cái thói làm ăn chụp giựt, con người đóng kịch hai mặt, trơ tráo, thói cướp hoa giữa ban ngày đó là văn hóa gì. Chắc chắn cái văn hóa đó không phải là văn hóa Việt Nam, nhưng khổ nỗi những cái đó nó xảy ra nhiều lần, và có thể nói là gần như thành hệ thống. Vì sao chỉ qua vài mươi năm mà những người Tràng An thanh lịch trong sách của Thạch Lam lại có thể trở nên những kẻ ăn cướp như thế?

Tìm hiểu trên báo thì tôi mới biết giới taxi Hà Nội có trăm phương ngàn cách để ăn cướp và chụp giựt hành khách. Nào là sửa đồng hồ để tăng cây số và tăng tiền, chạy lòng vòng để kéo dài cây số, toàn là những “chiêu” làm ăn bất lương. Một điều đáng chú ý là nạn nhân của mấy vụ ăn cướp này thường là người du khách ngoại quốc và người miền Nam. Lần trước, khi ra Hà Nội và khi đến hàng quán ăn uống, nghe giọng miền Nam của tôi, bà chủ quán liền “hét” giá. Hình như mấy người này nghĩ dân miền Nam hái tiền từ trên cây, và họ tự cho mình cái quyền lấy tiền đó.

Ngày nay, sau vài lần với những kinh nghiệm buồn ở Hà Nội, tôi thấy hơi sợ cái thành phố này. Tôi thấy mình như mất tin tưởng vào những con người mà Nhà nước liệt kê vào giao cấp “lao động” cao quí ở Hà Nội. Nói như vậy cũng không công bằng vì chắc chắn chỉ có vài “con sâu” mà thôi, nhưng những con sâu này nó có khả năng phá nát văn hóa Hà Nội, nó có tiềm năng làm cho kĩ nghệ du lịch phía Bắc bị lụn bại, nó chính là yếu tố chính làm cho du khách “một đi không trở lại”. Những con sâu này cũng chính là yếu tố làm nên một nền du lịch hỗn hào. Hà Nội sắp kỉ niệm 1000 năm, nhưng với những tài xế taxi chụp giựt như tôi vừa mô tả và một nền du lịch hỗn hào, thì còn ai dám đến Hà Nội để chia vui.

NVT

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Vài ghi chép cuối năm: Kiên Giang và Phú Quốc

Dự tính lần này đi rừng U Minh, vì cũng hơn 30 năm tôi chưa có dịp ghé lại vùng đất đặc biệt này. Mấy lần về quê thăm nhà, anh Đ ngoài Rạch Giá rủ đi “du lịch sinh thái” ở rừng U Minh, mà vẫn lần nào cũng thiếu thì giờ nên chẳng đi được. Lần này thì có thì giờ, nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại … người. Chỉ vì chuyến đi hơi bị nhiêu khê, và thời tiết nghe nói không ổn mấy, nên anh em và bạn bè bàn chuyện hủy bỏ chuyến đi U Minh và thay vào đó là đi Phú Quốc.

Từ Kiên Giang đi Phú Quốc có thể bằng 2 tuyến: máy bay và tàu cao tốc. Máy bay chỉ tốn 20 phút gì đó, nhưng đắt hơn nhiều so với tàu cao tốc (khoảng 2 giờ). Chúng tôi chọn đi tàu cho vui, và một lí do quan trọng khác là gặp lại thằng em họ đang là thuyền trưởng của tàu chạy tuyến Rạch Giá – Phú Quốc.

Tôi đi xe từ quê nhà ra Rạch Giá để đáp chuyến tàu đi Phú Quốc. Chuyến tàu này khởi hành lúc 8 giờ sáng, mà từ nhà tôi ra Rạch Giá cũng mất cả 30 phút, cho nên tôi phải thức sớm cho kịp chuyến tàu. Buổi sáng tinh sương từ quê ra thành phố là một niềm vui đối với tôi. Không có gì thú vị bằng một buổi sáng trời se se lạnh, đi trên đường lộ mà hai bên là ruộng lúa xanh um, có khi còn thơm mùi mạ non hay mùi lúa nữa. Phải hít thở cái không khí trong lành này mới thấy đồng quê miền Tây đáng yêu làm sao!

Nhưng cái không khí đó không tồn tại lâu. Chỉ vài chục phút sau là đường lộ đã khá nhộn nhịp. Xe bus, xe ôtô, hòa nhập cùng dòng xe gắn máy cồng kềnh nông phẩm từ miền quê ra bán ngoài thành phố. Nhìn qua dòng xe Honda, với những người nông dân đen đúa và cái “nồi cơm điện” trên đầu, lỉnh kỉnh những hàng hóa chất đầy xe, tôi chợt nhận ra một thực tế: đất nước này phát triển là nhờ những con người này đây, những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Sao tôi thương mấy người dân chân chất này quá! Họ chính là đồng hương của tôi.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài luận văn của đứa cháu tôi tên là bé Thi. Nó mới học lớp 3 thôi, người nhỏ tí tẹo mà bà con trong xóm cho nó cái biệt danh là “con mắm”, tính tình nó ít nói, quan sát cẩn thận, có xu hướng sống nội tâm, nhưng ai cũng công nhận nó rất thông minh và sâu sắc. Có những buổi trưa hè tôi nằm trên võng, nó đến ngồi bên cạnh nói chuyện lan man, nhưng trong đó có những câu nói hay câu hỏi nó thốt ra làm tôi giật mình ngạc nhiên, và tự hỏi chẳng biết nó học ở đâu! Chẳng hạn như có lần nó hỏi tôi tại sao xã mình nghèo quá mà lúa thì đầy đồng; tại sao người ta không làm sạch con sông; tại sao người ta không xây đường lộ lớn hơn …. Toàn những câu hỏi “tại sao” mà tôi khó trả lời cho đến nơi đến chốn.

Lần này, mấy dì nó khoe rằng trong một bài luận văn với câu hỏi “tại sao nước ta nông nghiệp phát triển”, nó viết có đoạn: nông nghiệp nước ta phát triển là nhờ vào sự cần cù của người nông dân, nhờ vào sự sáng tạo của người nông dân, và biết cách sử dụng đất đai của người nông dân. Nó dùng chữ “nông dân” 3 lần trong một câu văn ngắn. Bài luận văn được cô giáo cho 10 điểm, và nó tìm cách khoe với cậu (tức là tôi) để … kiếm chút phần thưởng (bằng tiền). Tôi không biết bé Thi đã quan sát gì để đi đến nhận xét này (rất có thể nó nhìn chung quanh thấy ba nó, bà con và hàng xóm làm nghề nông), nhưng tôi nghĩ nó suy nghĩ và nhận xét đúng. Đất nước này phát triển là nhờ vào người dân chịu khó làm việc và sáng tạo, chứ không hẳn nhờ vào lãnh đạo của các quan chức. Thật ra, chính các quan chức mới là lực cản của phát triển, vì sự tham nhũng và nhũng nhiễu của giới quan chức thì ai cũng biết chính là cái lực làm kiềm hãm sự phát triển của đất nước.

Suy nghĩ miên man một hồi tôi cũng đến Rạch Giá. Xe chạy ngang Cầu Quay, thằng em tôi chỉ một khu nhà mà nó nói là của gia đình ông Tư Thắng, tức là em sếp Ba Dũng (thủ tướng). Nhìn bề ngoài thì cũng có vẻ đồ sộ, tuy không có gì to lớn lắm, nhưng so với các căn nhà chung quanh thì khu nhà này quả là hoành tráng. Một tòa nhà đáng chú ý khác là văn phòng Tỉnh ủy, mới xây xong trên một miếng đất rộng (có lẽ rộng nhất Rạch Giá), trông rất uy nghi và sạch sẽ, nhưng kiến trúc thì vẫn rất … Liên Xô. Tòa nhà tỉnh ủy đuợc xây theo kiểu cột rất to và cao, như chịu đựng cho cái trần xi măng khổng lồ phía trên, cửa rộng. Nói chung đó là một loại kiến trúc thô kệch, với dáng dấp rất “đe dọa” (threatening), và thiết trí rất “xã hội chủ nghĩa”, hoàn toàn khác với kiến trúc Pháp vốn có duyên và graceful (dịch sao nhỉ?).

Việc đầu tiên là tìm một chỗ ăn sáng. Rạch Giá nổi tiếng với món bún cá, nên tôi kêu thằng em tài xế đến chỗ đó ăn sáng trước khi lên tàu đi Phú Quốc. Nói là quán là cho oai, chứ thật ra đó chỉ là một hàng ăn uống vỉa hè, với những cái bàn và ghế nhựa thấp lè tè. Tuy nhiên, hàng quán cũng tương đối sạch sẽ, chứ không đến nổi tệ. Chị hàng bún quả thật không làm phụ lòng tin tưởng vào món ăn này. Bún tươi, cá lóc tươi, một chút rau thơm, thêm vào một muỗng ớt ngâm dấm (không phải loại tương ớt bột đâu nhé) và một chút nước mắm, là tôi đã có một bữa ăn sáng mà không có bất cứ một món ăn Tây nào có thể sánh bằng. Lặp lại để cho chắc ăn: không có bất cứ một món điểm tâm Tây nào có thể sánh với món bún cá Kiên Giang.

Sau món bún cá là cà phê. Vẫn là cà phê vỉa hè, li cà phê bình dân trông có vẻ hơi … nhuốm màu thời gian, nhưng chất lượng cà phê thì có thể sánh ngang hàng với cà phê 3 đôla Úc mà tôi từng uống bên Sydney. Li cà phê tỉnh lẻ chắc chắn còn ngon hơn li cà phê giá 114.000 đồng trong khách sạn 5 sao ở Sài Gòn, có khác chăng là cái không gian. Một bên là vỉa hè, trông bụi đời, còn một bên là không gian sang trọng, người đi qua lại xức nước hoa Tây phương thơm phức như là một cách khẳng định giai cấp của mình trong cái xã hội có quá nhiều bất công và bất bình đẳng này. Tôi đã nhủ lòng mình là sẽ không bao giờ tiêu ra 114.000 đồng cho một li cà phê ở những khách sạn này, bởi vì tôi thấy nó chẳng xứng đáng mà còn vô lí trong bối cảnh mà chỉ bước ra vài bước là thấy những con người buôn gánh bán bưng với thu nhập 3 ngày chưa chắc đã uống được li trà (84.000 đồng), chứ nói gì đến li cà phê 114.000 đồng!

Tôi vẫn nghĩ ở Việt Nam., muốn uống cà phê ngon, muốn có bữa ăn ngon, thì các quán vỉa hè vẫn là những nơi lí tưởng, chứ không phải là những hàng quán sang trọng và “fancy” ở các thành phố. Có hôm, tôi vào một quán cà phê ở Rạch Giá, thấy có internet wifi và nhìn bề ngoài cũng “oách” nên vào thử cho biết. Ôi, tôi lầm to, vì chất lượng cà phê quá kém; cơm tấm thì nước mắm ngọt như đường, ngọt đến nỗi tôi đành phải trả lại đĩa nước mắm 3 lần (và lần thứ 3 là không ăn luôn); còn wifi thì cứ chập chờn, khó mà vào mạng được. Ấy vậy mà tôi thấy nhiều người có laptop trên bàn, tôi tự hỏi với mạng như thế này, họ dùng laptop để làm gì. Tôi làm một chuyến đi tìm hiểu, chỉ liếc nhìn qua họ làm gì thì tôi phát hiện rằng họ chẳng vào mạng, và chủ yếu là chơi game! Sao họ có nhiều thì giờ phí cho mấy chuyện vớ vẩn này nhỉ. Tôi hỏi thằng em họ, nó nói rằng nhiều người mang laptop đến đây chỉ để “khè”, chứ chưa chắc họ biết sử dụng máy computer gì đâu. “Khè là gi”, tôi hỏi. Nó ôm bụng cười và giải thích rằng, cũng như con rắn nó khè lưỡi để làm cho người ta sợ, mấy người choai choai hay mấy người có nhu cầu khoe dùng laptop như là một phương tiện để người ta nhìn vào mà thán phục, mặc dù chẳng biết thán phục cái gì. Nghe lời giải thích này tôi chợt nhớ đến thời trước 1975 khi thanh niên đeo một cây bút hiệu Parker hay đeo kiếng cận để khẳng định hay quảng cáo cái mác “có học”, cái mác “trí thức” của mình. Người mình ở thời nào cũng co nhu cầu tự quảng cáo.

Tàu mới đi Phú Quốc

Tôi đến bến tàu thì gặp thằng em họ S đang đứng chờ. Ông nội của S là em bà ngoại tôi, và truyền thống trong quê, chúng tôi rất đoàn kết và xem nhau như một đại gia đình. Sau 1975, mỗi đứa một nơi, như S thì vào đại học hàng hải và trở thành thuyền trưởng viễn dương, rồi nay nó về đây đảm nhận chức thuyền trưởng (captain) của tàu SuperDong chuyên đi Phú Quốc. Hôm nay là lần đầu tôi gặp lại nó sau hơn 30 năm “lạc loài”. Nhìn thấy nó cũng già đi, nhưng những nét chính trên mặt thì vẫn không thay đổi mấy. Hai anh em kéo nhau vào quán cà phê và tôi lại có dịp uống thêm một tách cà phê đen ở đây, hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của những 3 thập niên không gặp.

Bến tàu Rạch Giá hôm nay khá nhộn nhịp, có lẽ một phần là buổi sáng, một phần quan trọng khác là có một tàu cao tốc mới tham gia vào thị trường vận tải và du lịch giữa Rạch Giá và Phú Quốc. Ngoài SuperDong, còn có 2 tàu khác là Ngọc Thành và Savana. Ngọc Thành là tàu loại nhỏ, giá rẻ hơn và dịch vụ kém hơn hai tàu Suvana và SuperDong. S cho tôi biết rằng chủ nhân của Savana là một Việt kiều Mĩ. Tàu Savana trước đây thuộc về chính phủ quản lí, và cũng như bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước khác, làm ăn lỗ lã. Anh Việt kiều Mĩ mua lại tàu này với giá khoảng 1 triệu USD và tân trang lại để làm du lịch. Hôm nay là ngày Savana khai mạc chuyến tàu đầu tiên đi Phú Quốc nên có lẳng hoa trước tàu, và anh chủ thì luôn luôn trên điện thoại đốc thúc nhân viên làm việc. Tôi đã lên tàu Savana xem qua thì thấy tàu rất rộng, ghế đẹp, máy lạnh chạy rất tốt, không gian sạch sẽ. Nói chung đây là một tàu dịch vụ có “đẳng cấp”. Hi vọng rằng Savana sẽ thổi một cái mới vào ngành du lịch ở Kiên Giang và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho cả nước.

SuperDong là tàu cao tốc, có khả năng chở khoảng 250 hành khách. Thời gian đi từ Rạch Giá ra Phú Quốc khoảng 2 giờ 30 phút. Giá vé (một chuyến đi) cho mỗi hành khách là 270.000 đồng. Với cái giá này, khách được phát một chai nước lọc và một cái bánh giống như bánh chocolat, nhưng không ngon miệng chút nào. Tàu có máy lạnh cũng khá tốt, có khu cho hành khách hút thuốc lá (phía ngoài bong tàu). Nói chung, chất lượng dịch vụ của tàu cũng ok, không tồi chút nào, nhưng cũng không phải là quá tốt.

Đường từ Rạch Giá ra Phú Quốc biển rất êm, không thấy có sóng lớn. Nhưng thằng em tôi nói “coi vậy chứ cũng có sóng đó, khoảng 1 mét”. Đi tàu lớn trên biển cứ như là đi xuồng trên sông. Có người bạn du khách từ Mĩ về nói đùa rằng phải chi hồi xưa có tàu này đi vượt biên thì tốt biết mấy! Nhìn qua màn hình trên tàu, tôi ngạc nhiên thấy phần lớn con đường Rạch Giá – Phú Quốc chiều sâu biển chỉ có 3-4 mét, có nơi chỉ 2 mét (nhất là ở những hòn gần Rạch Giá), nhưng cũng có nơi xa đảo là khoảng 8-10 mét. Một điều đáng buồn là biển Rạch Giá càng ngày càng bị ô nhiễm vì rác. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hàng đống rác (chắc là từ đất liền hay từ các hòn lân cận) lình bình trên biển.

Bãi rác trên biển

Đây là lần thứ 4 tôi ra Phú Quốc, nhưng mấy lần trước chỉ đi làm việc, họp hội, còn lần này thì đi du lịch. Mà, ngay cả đi du lịch tôi cũng không có nhiều thì giờ: chỉ đúng 1 ngày rưỡi là phải quay về nhà để chuẩn bị cho chuyến đi Hà Nội. Do đó, tôi phải tận dụng thời gian ngắn ngũi này để tìm hiểu Phú Quốc, cho dù chắc chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi.

Ngày thứ nhất tôi đi từ trung tâm thị trấn Dương Đông lên miền bắc, còn ngày thứ hai thì đi khám phá các vùng biển phía nam của đảo. Đường xá trên đảo Phú Quốc vẫn còn khá gập ghềnh. Đi trên những con đường chính, xe phải lượn lách để tránh những ổ gà to tường, và bụi đỏ bay mù mịt. Ngồi trên xe bốn bánh, có máy lạnh, cửa kiếng đóng kín mít, nhìn mấy người đi xe gắn máy phải hứng cái bụi đỏ của những chiếc xe van này mà tôi thấy mình … guilty (có tội).

Người hướng dẫn chúng tôi là một anh người gốc Thanh Hóa, đi lính hải quân nhưng nay đã giải ngũ, lấy vợ địa phương và sống luôn ở đây từ 25 năm qua. Anh tự nhận mình là người miền Nam, và rất thích như thế. Anh nói nhiều về lịch sử hình thành của đảo, và tương lai ra sao. Anh chở chúng tôi đi khắp nơi và thuyết minh về lịch sử của từng vùng. Anh kể vanh vách những miếng đất nào của các quan chức trung ương nào và đang hay sẽ khai thác ra sao. Có một miếng đất rất lớn, lái xe cả 5 phút mới hết chiều dài, được rào rất cẩn thận mà anh nói là của một ngài quan “top” của Việt Nam ngoài Hà Nội. Nói chuyện với anh này cũng vui, vì biết được nhiều chuyện địa phương.

Tôi ghé qua quán Biên Thùy của ông Hai để thưởng thức lại món nhum nướng. Đến nơi thì thấy ông đang nằm trên võng đọc báo, thấy chúng tôi ông lật đật hét nhân viên tiếp khách. Gặp lại tôi ông tỏ ra mừng vì tôi giữ lời hứa là sẽ quay lại chơi. Quán vẫn thế, nằm ngay bên cạnh bờ biển, và giáp ranh giới Cambodia. Đứng bên này quán có thể nhìn phía sinh hoạt bên Cambodia. Mấy ghe tàu đánh cá của Cambodia vẫn khai thác trong vùng biển Việt Nam và bán hải sản cho các quán bên Việt Nam. Ông Hai nói phía Việt Nam xem Cambodia là nước bạn thân thiết, nên không hề làm khó họ trong việc khai thác biển trong lãnh hải của Việt Nam.

Con nhum, một loại hải sản rất độc đáo ở Phú Quốc



Chúng tôi thưởng thức lại món con nhum, nướng và chấm muối tiêu. Món muối tiêu có mùi quế do chính ông chế ra và đăng kí bản quyền. Ông còn tự hào giới thiệu với chúng tôi qui trình làm muối tiêu của ông ra sao, nhưng những gia vị như quế và cây rừng thì ông … không tiết lộ. Trong khi khách ăn uống, ông đờn ca vọng cổ để gọi là phục vụ văn nghệ cho khách. Tuy ở độ tuổi gần 70, nhưng giọng ca của ông vẫn còn “ngon lành” lắm. Ông hay nói đùa là ông có đối thủ cạnh tranh rất lợi hại ở nước ngoài: đó là ca sĩ Mạnh Quỳnh.

Xong quán Biên Thùy, chúng tôi tiếp tục đi khám phá các bờ biển khác trong vùng phía Bắc đảo. Có đi qua những nơi này mới thấy Phú Quốc có tiềm năng rất lớn về du lịch. Hiện nay thì việc tổ chức vẫn chưa được tốt, và các bãi biển vẫn còn hoang sơ. Nhưng chính sự hoang sơ này là yếu tố thu hút khách nước ngoài đến Phú Quốc. Tôi đã gặp nhiều du khách từ Âu châu, Mĩ, Úc đến đây. Có gia đình người Thụy Điển mướn hẳn một căn hộ cả tuần, ngày ngày chỉ đọc sách và đi tắm biển!

Riêng tôi cũng đã có những giây phút thảnh thơi nhất ở các bãi biển này. Tôi chỉ mướn một cái võng, kêu một lon bia, nằm đó để nhìn biển, hưởng cái không khí trong lành, và nhìn cảnh sinh hoạt của dân chày địa phương. Chỉ thế thôi cũng làm cho tôi quên hết mọi phiền toái sau lưng. Ở những chỗ này rất dễ bị … ngủ quên. Nằm trên võng một hồi và với cái gió hiu hiu thì ngủ quên như bỡn, làm rối loạn chương trình du lịch.



Một bãi biển ở Phú Quốc



Một bãi biển khác rất lí tưởng để nghỉ mát



Vài giây phút thảnh thơi


Khách sạn, phục vụ và vấn đề vệ sinh

Ban đêm chúng tôi về khách sạn resort Dương Đông. Đây là một loại khách sạn được xây dựng theo kiểu một resort, tức là có từng cụm phòng như nhà ở. Khách sạn nằm sát bãi biển, và nguyên là khu đất do Tỉnh đội hay Huyện đội quản lí. Thật ra, chủ khách sạn này cũng chính là một cơ quan tài chính thuộc tỉnh đội hay huyện đội. Thời buổi kinh tế thị trường, nên giới quân đội cũng bung ra kinh doanh. Bên cạnh khách sạn Dương Đông, còn có một số khách sạn khác cũng nằm trên những miếng đất đắc địa do quân đội quản lí. Những khách sạn này có những cái tên rất ư là “bao cấp” như A37 hay T90 gì đó (tôi không nhớ chính xác). Lâu lắm rồi, đọc được những cái tên với cách ghép mẫu tự và con số làm tôi nhớ đến thời xa xưa. Không ngờ lại gặp những cái tên đó trên đảo Phú Quốc.

Khách sạn chỉ có khoảng 40 phòng, nhưng phòng ốc tương đối rộng rãi, và giá phòng cũng tùy theo diện tích của phòng. Phòng chúng tôi ở thuộc loại “cao cấp”, tức tương đối rộng, nhìn ra bãi biển, và giá là 500.000 đồng / đêm. So với giá phòng của các resort kế bên như Blue Lagoon hay Thiên Hải Sơn, thì giá ở đây tương đối “mềm”. Tuy nhiên, chất lượng phòng thì tôi không thể nào khen được. Điều làm tôi chú ý nhất là cách họ thiết kế phòng rất … xa xỉ. Phòng của tôi mang tiếng là cho 3 người, nhưng thật ra chỉ 2 người là đã hẹp lắm rồi. Lí do đơn giản là họ dành đến 1/2 phòng để làm nhà tắm và toilet! Nhưng cách họ làm nhà tắm thì rất … Việt Nam. Nói cách khác, nhà tắm không có khu riêng và không được xây cao lên, do đó khi người ta tắm thì nước chảy lênh láng tràn sang toilet, trông rất buồn cười. Cách thiết kế này tôi đã thấy rất nhiều lần trong các nhà riêng ở Việt Nam. Thật không thể nào hiểu nổi tại sao người ta không chịu khó suy nghĩ xây cái phòng tắm và vệ sinh cách biệt nhau, không thể nào hiểu nổi tại sao họ lại làm phòng tắm để cho nước chảy lênh láng như thế. Cái điều đơn giản đó mà chúng ta vẫn không đủ bộ óc để sáng tạo ra cái mới thì chúng ta còn làm được gì ?

Phía bên ngoài phòng ngủ là cái balcon, thoạt đầu nhìn vào cũng hay hay, vì có balcon bằng tre và dây thừng buộc ngang trông rất thân thiện với môi trường. Nhưng đừng có dại dột mà ngồi vào cái balcon đó vì nó chỉ làm cho có, cho vui mắt thôi, chứ ngồi vào thì bị té mang thương tật vào người hay bỏ mạng như bỡn! Còn cái ghế tre đong đưa trước phòng cũng vậy, nó bị xuống cấp thảm hại đến nổi tôi không dám ngồi vào. Do đó, nhìn bề ngoài thì phòng ốc ok, nhưng đi vào chi tiết thì rất tồi tệ và kém chất lượng. Tôi chợt nghĩ hay là người mình làm cái gì cũng chỉ mang tính hình thức, làm cho có; chẳng có cái gì làm cho đến nơi đến chốn, chẳng có thiết kế gì xem được, và chẳng có cái gì có chất lượng cao. Với kiểu làm ăn như thế này thì bao giờ chúng ta mới cạnh tranh được với các nước trong vùng – chưa dám nói với thế giới.

Nhận phòng xong, chúng tôi lại tắm biển. Nước biển ở đây ấm, ngâm mình dưới nước biển không bao giờ thấy chán. Mãi đến 7 giờ tối tôi vẫn còn ngâm mình dưới nước. Mà, nhìn quanh thì thấy khách Tây, khách Ta cũng như tôi, tức là không muốn lên bờ. Đến khi nhân viên thổi còi kêu lên bờ chúng tôi mới chịu “chia tay” tắm biển. Lên bờ họ có một khu tắm nước ngọt, nhưng cách họ làm cực kì … buồn cười. Đó là một cái vòi nước lấy từ giếng, chẳng có phòng ốc gì riêng tư cả, ai cũng đứng đó xả nước trước cái nhìn của mọi người. Người ta phải xếp hàng để vào tắm, vì chỗ đó chỉ có thể “phục vụ” cho một người duy nhất. Lại một điều làm tôi suy nghĩ: tại sao khách sạn không làm nổi một vài cái phòng để khách có thể vào tắm nước ngọt một cách riêng tư và kín đáo?

Tắm xong, chúng tôi đi dạo phố đêm Phú Quốc. Phố đêm Phú Quốc rất nhộn nhịp, dù đường xá chưa được tốt mấy do còn đang trong tình trạng xây dựng. Dọc đường chúng tôi gặp rất nhiều du khách phương Tây đang uống bia hay thưởng thức thức ăn đồ biển tươi được nướng tại chỗ. Có vài quán còn do chính người phương Tây làm chủ, và mấy người này tiếp thị cũng rất độc đáo. Tôi từng ăn trong một quán của anh người Đức lấy vợ Việt Nam và định cư luôn trên đảo. Hàng đêm, anh theo vợ phụ trách hàng quán chuyên bán mấy món Tây như súc-xích kiểu Đức và món Việt Nam do vợ nấu. Ai đi ngang anh ta cũng tuôn ra vài câu mời chào rất vui. Phú Quốc đang trở thành một địa điểm đa quốc gia!

Ngày thứ hai trên đường đi mấy bãi biển phía Nam, chúng tôi tạt qua nhà bảo tàng tư nhân. Nhà bảo tàng được xây rất hoành tráng, khá đẹp và dùng toàn gỗ địa phương. Chủ nhân nhà bảo tàng cố công sưu tầm những hiện vật liên quan đến quá trình hình thành của đảo, kể cả những loài chim hiếm (như đại bàng), và chó Phú Quốc. Tầng trên cùng của nhà bảo tàng lưu lại những vết tích về nhà tù giam cầm những người làm cách mạng. Nhiều hiện vật (như đinh mà người thuyết minh nói là dùng để đóng vào đầu và chân tù nhân) rất dễ gây xúc động cho người xem. Cô thuyết minh, tuổi chưa đầy 25, nói hùng hồn về “tội ác của Mĩ Ngụy” trong thời chiến, mà tôi đoán là cô học thuộc lòng trong sách giáo khoa hay ai đó dạy cho cô nói. Khi một vị du khách lớn tuổi (Việt kiều Mĩ) từng là “cựu tù nhân cải tạo” cả 10 năm nhẹ nhàng chất vấn về những “sự thật” mà cô thuyết minh và nói rằng cái đau không chỉ xảy ra ở những người cách mạng này mà còn xảy ra cho những người được xem là “ngụy”, thì tội nghiệp thay, cô chẳng biết nói gì. Tôi mới nhân cơ hội mà gỡ bí cho cô và nói rằng cô lớn lên sau 1975, được học hành trong sách vở của người thắng trận biên soạn thì làm sao không xảy ra câu chuyện chỉ một chiều. Người du khách già nheo mắt nhìn tôi ra vẻ thông cảm và đồng ý. Sau này, hai chúng tôi có dịp tâm sự nhiều về những thăng trầm trong cuộc đời tị nạn, và những thay đổi đến chóng mặt đang xảy ra trên quê hương. Tôi chợt nhận ra một điều là vị du khách này tuy cũng bị “bầm dập” sau 1975, nhưng ông tỏ ra bình thản với quá khứ, và nhìn về tương lai với cái nhìn có vẻ tích cực hơn.

***

Rạch Giá bây giờ là thành phố (ngày xưa là thị xã). Nay mai, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu trực thuộc trung ương, và tách ra khỏi tỉnh Kiên Giang. Rạch Giá và Phú Quốc vào những ngày giáp Tết thật là bận rộn, và có lẽ chính là tín hiệu cho thấy kinh tế ở đây vẫn ok. Thật vậy, khủng hoảng kinh tế ở đâu thì tôi không biết, chứ ở đây kinh tế có vẻ vẫn phát triển bình thường. Người dân vẫn mua sắm thoải mái. Siêu thị mới ngày càng nhiều. Xe cộ bán ra vẫn nhiều. Rạch Giá bây giờ thậm chí có cả salon bán xe hơi. Ngay cả thằng em họ tôi vì sợ cạnh tranh không lại mấy dịch vụ du lịch khác, nên nó cũng chủ động đổi xe van mới hơn và oách hơn.

Một yếu tố phát triển kinh tế không thể không nhắc đến là Việt kiều. Kiên Giang có lẽ là tỉnh có nhiều người đi nước ngoài nhất, vì trong thời bao cấp, Kiên Giang là nơi lí tưởng để … vượt biên. Sau 2 thập niên ở nước ngoài, những người con Kiên Giang bắt đầu quay về làm ăn và đầu tư. Không biết chính xác bao nhiêu, nhưng có rất nhiều Việt kiều về đây mua nhà, đầu tư bất động sản, xây nhà máy, làm dịch vụ du lịch, v.v… Có lần tôi gặp một anh ở Úc, bây giờ là “đại gia” về sản xuất xuồng và vỏ tắc ráng bán đi khắp nước, anh nói ở đây môi trường kinh doanh càng ngày càng tốt hơn. Trong chuyến đi này, một anh Việt kiều Úc cũng mua hẳn một căn nhà để mai mốt dưỡng già. Hay như anh Việt kiều Mĩ bỏ ra hàng triệu đôla để đầu tư tàu du lịch ra Phú Quốc. Tất cả những đóng góp đó của Việt kiều cũng được Nhà nước ghi nhận đàng hoàng.

Kiên Giang là một Việt Nam thu nhỏ. Tỉnh này có biển và đảo, có rừng núi, và có ruộng vườn. Kiên Giang có một chút Hạ Long (ở Hà Tiên), đồng ruộng phì nhiêu, tài nguyên biển tương đối giàu. Với những điều kiện này, đáng lẽ Kiên Giang còn phát triển hơn nữa. Nhưng trong thực tế thì tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang thấp hơn các nơi khác, kể cả thấp hơn An Giang, nơi không có những điều kiện như Kiên Giang. Đó là một thực tế mà người Kiên Giang nào cũng lấy làm ưu tư. Tôi thì nghĩ rằng Kiên Giang chưa phát triển nhanh là do thiếu đầu tư vào giáo dục.

Kiên Giang vẫn còn là một tỉnh thiếu chữ. Ở đây, tỉ lệ học sinh trung học đỗ tú tài thấp nhất nước. Hầu như các tỉnh lân cận đều có đại học (chưa chắc là dấu hiệu tốt), còn Kiên Giang thì không. Chưa ai làm thống kê, nhưng tôi đoán rằng tỉ lệ dân số có bằng cấp đại học và trung học ở đây có lẽ thuộc vào hàng thấp nhất nước. Chưa có ai phân tích nguyên nhân đằng sau tình trạng này, nhưng tôi nghĩ một phần là do tỉnh thiếu đầu từ vào giáo dục. Nhìn qua các trường tiểu học và trung học trong nông thôn đang hay sắp xuống cấp mà ngao ngán. Ấy vậy mà người ta cứ xầm xì rằng Kiên Giang được nhiều ưu tiên vì sếp thủ tướng Ba Dũng là người gốc Kiên Giang!

Tiềm năng du lịch ở Kiên Giang và Phú Quốc rất lớn. Phú Quốc được ví von là một “đảo ngọc”, mà tôi cũng thấy như thế. Nhưng với cách khai thác du lịch hiện nay và xây dựng bừa bãi và nham nhở hiện nay, tôi sợ trong tương lai gần Phú Quốc sẽ “chết”, hiểu theo nghĩa bị bê tông hóa, làm mất đi cái duyên dáng của vùng đất phương Nam này. Tôi sợ những bãi biển công cộng sẽ bị tư nhân hóa (thật ra là đang bị tư nhân hóa), và mai mốt người dân Phú Quốc sẽ không còn cơ hội để tắm ở những nơi mà cha ông họ từng bỏ công khai khẩn và gầy dựng.

NVT

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Bình luận: "Đào tạo tiến sĩ - 'Chất' và 'lượng'"

“Câu chuyện tiến sĩ” phản ảnh qua 2 bài báo dưới đây có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm trong kĩ nghệ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Theo tôi thấy, điểm mấu chốt trong câu chuyện mà bài báo tường thuật là vấn đề đầu vào và huấn luyện. Đầu vào của qui trình đào tạo tiến sĩ ở trong nước, nếu nhìn vào thủ tục và văn bản chính thức, ai cũng thấy khá chặt chẽ. Nào là phải thi vào, kể cả thi tiếng Anh; phải có đề cương nghiên cứu, và đề cương phải được duyệt qua. Nhưng trong thực tế thì nó mang nặng tính hình thức và “hành là chính” chứ chẳng mang tính khoa bảng gì cả. Còn qui trình đào tạo thì nếu đọc hết dự thảo “Qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ” của Bộ GDĐT thì mới thấy có nhiều điều bất cập. Qui chế này có đến 50 điều chia thành 7 chương, qui định về những chuyện nhỏ nhất (như số trang của một luận án) đến chuyện quan trọng nhất (như tổ chức đào tạo), nhưng nội dung khoa học thì không nhiều. Điều đáng tiếc là có nhiều qui định chưa đi sát với trào lưu và chuẩn mực đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến.

Đánh giá đề cương xứng đáng cho một luận án tiến sĩ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ở đây, chưa nói đến chuyện phương pháp, mà chỉ mới nói đến phần ý tưởng. Trong thực tế, rất rất nhiều đề cương nghiên cứu cấp tiến sĩ (tôi chỉ nói trong ngành y) ở Việt Nam chỉ là những công trình mang tính mô tả, hay kiểm kê lâm sàng (clinical audit), chứ chẳng có gì mang tính original hay chuyên sâu nhằm cung cấp câu trả lời cho một vấn đề khoa học. Ngay cả luận án cũng được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Một luận án chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để … cho đủ số trang! Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ là hoàn toàn thừa (vì lặp lại bảng số liệu). Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ mà trong đó, tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê gần phân nữa luận án, và những kết quả thì phải nói là … không kết quả! Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Tôi có đề cập đến vấn đề này thì người ta nói kiểu làm ở VN như thế, làm khác đi là rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt!

Qua những tranh cãi như bài báo dưới đây phản ảnh, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề. Tức là có vấn đề ngay từ đầu vào. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu ok! Có thể những câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Nhưng dù sao đi nữa thì quyết định này cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng, của các chuyên gia phản biện. Ở bên này, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), và họ cũng có quyền bất đồng (thậm chí phản biện lại) quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu họ hỏi … bậy và tào lao. Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.

Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: đó là thành viên trong hội đồng phản biện. Những lem nhem về tiền bạt, đường dây móc nối , như phản ảnh trong câu này: "Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống 'có đi có lại' theo kiểu 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi'. Sau khi 'qua' cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!"

Đã từ lâu, tôi đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Thứ nhất là (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, và chỉ cho phép đào tạo cho những trung tâm có tư cách khoa bảng và có nghiên cứu nghiêm chỉnh. Thứ hai là ra một qui định mới về đào tạo tiến sĩ, trong đó việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch, tiêu chuẩn đào tạp cũng phải rõ ràng, đề ra tiêu chuẩn ai là người có tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ (điểm này rất bát nháo ở VN), qui trình đào tạo tiến sĩ và hậu tiến sĩ. Thứ ba là bỏ buổi lễ bảo vệ luận án; thay vào đó là những kiểm tra định kì (mỗi 6 tháng trong suốt quá trình theo học) bằng những seminar, và tổ chức phản biện kín với 3 người bình duyệt (ít nhất là 1 người từ nước ngoài).

Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần lượng mà cần phẩm chất; chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó để khi họ ra nước ngoài có thể tự hào về mảnh bằng doctor từ Việt Nam.

NVT

===

http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216813/

Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?

Thứ hai, 25/01/2010, 03:50 (GMT+7)

“Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “TS hóa” đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.

Loạt bài này, từ một vụ việc cụ thể, Báo SGGP muốn đặt ra vấn đề về chất lượng TS và đào tạo TS hiện nay.

Ngày 4-12-2009, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), hơn 10 vị giáo sư và TS bước ra khỏi phòng họp với vẻ mặt tức giận. Họ, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, gần như không kềm nổi bức xúc trước câu chuyện vừa xảy ra trong cuộc họp… bàn về luận án TS.

Còn hơn cả tức giận, nghiên cứu sinh (NCS) T.T.S., người suýt bước lên hàng danh giá của bậc học cao nhất, cho biết sẽ kiện trường và Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước vì có chuyện... mờ ám. Chuyện gì đã xảy ra tại một trường đại học có tiếng chỉn chu và khắt khe trong việc đào tạo TS?

“Lật tẩy” luận án

Sự việc nói trên tiếp nối câu chuyện diễn ra từ 4 tháng trước. Đó là buổi trưa 10-8-2009, Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức bảo vệ luận án TS của NCS T.T.S. với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.

14 giờ 30 phút, lễ bảo vệ được bắt đầu. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Khoa học tiến hành những thủ tục cần thiết, NCS T.T.S. được mời lên tóm tắt nội dung luận án. Ngay lúc bắt đầu, NCS này đã lộ vẻ lúng túng, trình bày không mạch lạc, không nêu được vấn đề trọng tâm của đề tài cũng như cái mới trong luận án của mình. Căng thẳng thật sự bắt đầu khi NCS này đối diện với hơn 10 câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng Khoa học. Một vị trong 7 vị của hội đồng yêu cầu: “Đề nghị NCS phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”. Một vị khác hỏi: “NCS giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”. Hai câu hỏi khá khái quát và liên quan vấn đề chuyên môn nhưng NCS này lại… “bỏ qua” bằng cách gãi đầu, khiến Hội đồng Khoa học cũng… ngẩn ngơ. Hơn 10 câu hỏi phản biện, gần như NCS không trả lời nổi câu hỏi nào. Và điều gây chấn động tại buổi bảo vệ là khi kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Khoa học công bố, lại có tới 5/7 thành viên (trong đó có cả phiếu của chủ tịch hội đồng) cho điểm luận án này… đạt chất lượng. Cả hội trường nhốn nháo…

Tham dự buổi bảo vệ, thạc sĩ N.L.Q., người tham gia nhóm nghiên cứu đề tài này năm 2004 rất bức xúc, nhiều lần xin phép được phát biểu ý kiến nhưng vẫn không được chủ tịch hội đồng chấp thuận. Chính vì vậy, kịch tính xảy ra khi trong lúc chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì thạc sĩ N.L.Q. bật dậy tuyên bố: “Tôi khẳng định những cam kết của NCS là không trung thực bởi đề tài bảo vệ luận án TS cấp nhà nước của NCS T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) chúng tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế…”.

Sai sót vẫn cứ bảo vệ

Nhiều thông tin cho thấy luận án TS do NCS T.T.S. thực hiện còn nhiều “sơ sót” cả về nội dung, chất lượng, thậm chí còn vi phạm quy chế như không đủ 2 giáo viên hướng dẫn và không có nhận xét của người hướng dẫn trước khi đưa luận án ra bảo vệ, thậm chí bị tố cáo là trùng với một đề tài đã nghiên cứu trước đó…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề tài chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế đã được nghiên cứu từ năm 2002 và báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trường vào năm 2004 do nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Năm 2005, một giảng viên trong nhóm nghiên cứu ở trường là PGS-TS T.D.S. (giảng viên hướng dẫn NCS T.T.S.) cải tiến từ thiết bị chế tạo của khoa thành thiết bị mới tốt hơn nên khi đưa đi tham dự hội chợ triển lãm công nghiệp năm 2005 đã được giải thưởng và được cấp chứng nhận bằng sáng chế công nghiệp.

“Với nhiều lỗi sơ đẳng như vậy, lẽ ra luận án TS của NCS T.T.S. phải bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chứ không thể vào vòng “chung kết” cấp Nhà nước được” - một nhà khoa học nhận xét. Theo ông, tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, nhưng nội dung bên trong lại là chế tạo ra thiết bị làm bánh tráng rế công nghiệp! Mà chế tạo thiết bị làm bánh tráng rế thì chẳng cần phải nghiên cứu vì… đã có nhiều rồi. Ông lắc đầu, nói: “Một luận án TS mà sai cơ bản ngay từ đầu như thế là không thể chấp nhận”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận những “sai sót chết người” có nguồn gốc từ những kẽ hở trong quy trình xét duyệt ở cấp cơ sở. TS Lê Trung Chơn, quyền Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, khẳng định: “Đây là bài học “xương máu” của trường”.

Hội đồng khoa học... không nắm quy chế?

Điều khó hiểu và không thể chấp nhận được, đó là trách nhiệm của hội đồng khoa học. Trong 7 vị hội đồng, có 2 vị bỏ phiếu không chấp thuận, nhưng hội đồng vẫn kết luận thông qua luận án. Theo quy chế đào tạo sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM và của Bộ GD-ĐT: “Luận án đạt yêu cầu nếu được ít nhất 3/4 số thành viên hiện diện trong hội đồng bỏ phiếu tán thành”. Việc hội đồng thông qua luận án khi chỉ có 5/7 phiếu tán thành luận án là sai với quy chế. Lẽ nào, cả một hội đồng với nhiều tên tuổi như trong buổi bảo vệ ngày 10-8-2009 lại không nắm được quy chế?

Về những thiếu sót trong khâu thẩm định, quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án, TS Lê Trung Chơn cũng thừa nhận phía trường có một số thiếu sót. Tuy nhiên, sai sót cũng ở chủ tịch hội đồng khoa học vì khi phát hiện ra vấn đề này, trường đã báo lại nhưng chủ tịch hội đồng vẫn cho bảo vệ chứ không ra quyết định tạm ngưng để xác minh làm rõ những vấn đề tranh cãi.

Đặt vấn đề này với GS-TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, ông cho rằng có nghe trường báo cáo lại nhưng do hội đồng khoa học chỉ là tham vấn, còn việc hoãn hay không là do Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định. Ngoài ra, phía nhà trường cũng không cung cấp đầy đủ danh mục để hội đồng kiểm tra…

Để làm rõ giải thích này, chúng tôi đã tìm hiểu và xác định, trong luận án của NCS có kèm theo bằng sáng chế và bằng khen của Bộ KH-CN cho Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cho PGS-TS T.D.S. Như vậy, không thể nói là hội đồng khoa học không được cung cấp danh mục cụ thể để kiểm tra.

Hủy kết quả bảo vệ luận án

Ngày 25-9-2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến ĐH Quốc gia TPHCM về kết quả buổi bảo vệ luận án trên. Ngày 15-10-2009, ĐH Quốc gia TPHCM có công văn trả lời và đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2009, Trường ĐH Bách khoa có công văn kết luận: “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S.

Có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?

Không chỉ “ầm ĩ trong phòng bảo vệ luận án” mà những thông tin “ngoài lề” cũng khiến dư luận quan tâm và bức xúc. Từ chuyện thầy hiệu trưởng và một người thầy chuyên môn về cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM bị gọi điện, nhắn tin dọa tạt axít, phóng hỏa đốt nhà… đến việc GS-TS Phạm Ngọc Lãng ngay sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà (cùng đi với NCS T.T.S. lúc 21 giờ ngày 10-8), khi đi ngang qua phường 14, quận 10 đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo.

Xâu chuỗi những sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?


http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/1/216877/
Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”. Bài 2: Hội đồng du di!

Thứ ba, 26/01/2010, 01:06 (GMT+7)
Việc sao chép, mua bán, đổi chác đang là chuyện cơm bữa trong “chợ” luận án tiến sĩ (TS)… Nhưng thật ngạc nhiên khi ít có luận án nào không đạt yêu cầu mặc dù quy trình để một luận án TS được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước rất khắt khe, từ việc thi tuyển, đến xét duyệt của cấp bộ môn, đến cấp trường, cấp bộ, quá trình đào tạo, nghiên cứu… Vậy mà, ít ai dám nhìn thẳng nhìn thật vào các cơ sở đào tạo và cấp hội đồng ấy “có gì”, bởi, ngồi vào hội đồng đều là những nhà khoa học có uy tín.

17 bài đi thi, du di 15

Việc Trường ĐH Bách khoa TPHCM hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. cho thấy một thực tế: Hội đồng đã không “hiểu” quy chế! Nhưng đó chỉ là bề nổi, phần chìm mới là điều được dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Ngày 4-12-2009, trên tinh thần chỉ đạo xử lý của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức buổi góp ý cho luận án TS của NCS T.T.S. sau khi kết quả bảo vệ đã bị hủy. Tại buổi góp ý có sự tham dự của PGS-TS T.D.S., người đã cải tiến thiết bị kỹ thuật của nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí chế tạo máy và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế năm 2005, và cũng là… người hướng dẫn luận án cho NCS T.T.S.!

Tại đây, TS Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, cho rằng luận án còn sơ sài, nội dung và tên đề tài chưa phù hợp, trình bày thiếu logic, chương trước với chương sau chưa hợp lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm, phần tính toán vừa mơ hồ vừa không khớp với thực tế và không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả… Với nhận xét như vậy, không hiểu vì sao luận án vẫn được hội đồng cấp bộ môn thông qua?

Có thể nói, việc bảo vệ luận án ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật bị “lật tẩy” là trường hợp hy hữu. Trong buổi bảo vệ của NCS T.T.S., nếu một trong 2 vị bỏ phiếu chống, “ngủ gật” trong lúc ngồi hội đồng, thì chúng ta lại có thêm một… TS (!). Và, nếu TS Nguyễn Trung Chơn, Trưởng phòng Sau đại học ĐH Bách khoa TPHCM, không hoàn thành nhiệm vụ của “người gác đền” khi kiên quyết đề nghị hủy kết quả chấm luận án, thì Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước của buổi bảo vệ “chấn động” kia vẫn là một hội đồng… uy tín.

Tại một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), khi nói về chất lượng các luận án TS, đã cho biết: Khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của thí sinh NCS vào Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam năm 2005 tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên thì chỉ có… 2 bài đạt yêu cầu!

Thật là nực cười chuyện một NCS được yêu cầu viết lại năm lần bảy lượt bản thông tin về luận án để giới thiệu cái mới trong luận án. Cuối cùng, NCS này đã trình bày cái mới là: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng” - một điều đã nằm trong… Điều lệ Đảng! Đó không chỉ là câu chuyện cười ra nước mắt, mà còn là một trong hàng trăm câu chuyện hóm hỉnh về thực trạng “người người làm TS” của chúng ta.

Vấn đề là những bài thi không đạt, những luận án sao chép, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tiễn ấy vẫn lần lượt vượt qua hội đồng chấm đề cương, hội đồng khoa học bộ môn, hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn và… hội đồng khoa học cấp nhà nước!

“Những bông hoa điểm 10”

Xem lại “đường đi” của một luận án TS sẽ thấy suốt chặng đường với khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua khá dễ bằng nhiều cách “làm luật”. Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!

Ở giai đoạn học, thường thì các thầy hướng dẫn đều ở xa đến, NCS phải lo từ khách sạn, vé máy bay, thậm chí ăn uống… Những khoản này đã có trong tiêu chuẩn, nhưng thầy hướng dẫn vẫn… chấp nhận nên không tránh khỏi việc du di cho học trò của mình.

Đến hội đồng cấp nhà nước, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng với cơ sở đào tạo, với các thành viên hội đồng khác khiến một thành viên nào bỏ phiếu chống thì chẳng khác nào tố cáo rằng trình độ của các thầy ở hội đồng cơ sở và cơ sở đào tạo nói chung là… dốt!

Một vị GS nổi tiếng kể, trước đây ông là một trong những người được mời ngồi hội đồng khoa học thường xuyên. Nhưng theo ông, sau này, thấy có nhiều “vấn đề” quá nên không tham gia nữa. Ông chỉ xin tham gia làm thành viên ở một số đề tài hay để cập nhật thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông xót xa… cho mình: “Mỗi lần làm hội đồng là… cay đắng lắm, vì mình phải nhân nhượng, có những luận án không đạt nhưng mình cũng phải cho đạt. Một hội đồng thường có 6 hoặc 7 thành viên, nếu các thành viên khác đều cho đạt mà mình bỏ phiếu không đạt thì… “coi sao được”. Có lần ở một hội đồng, bản thân đề tài và chất lượng NCS chỉ ở mức dưới trung bình. Đang phân vân thì thấy người ta “ném” ra những phiếu toàn đạt, tốt! 6/7 thành viên trong hội đồng cho đạt, mình cũng phải cho qua chứ không thì là người kỳ dị! Nếu mình có bỏ phiếu chống thì luận án vẫn qua như thường vì đạt số phiếu yêu cầu. Sau mấy lần phải bỏ phiếu chung như vậy, đành xin rút khỏi hội đồng”.

Vị GS già kể tiếp, trước đây có một chị bên ngành kinh tế, vẫn thường được gọi là “bông hoa điểm 10”. Chị này thường xuyên tham gia các hội đồng về kinh tế, với một bản nhận xét dùng đi dùng lại trong… nhiều đề tài. Đến mức, các thành viên hội đồng nghe riết rồi thấy cũng… quen. Với bản nhận xét này, mỗi lần được mời ngồi hội đồng thì chị lại… chỉnh sửa vài chữ cho hợp lý một tí là đưa vào đọc trong buổi bảo vệ. Hầu hết NCS được chị cho đạt bằng bản nhận xét mẫu ấy, nên mọi người gọi là “bông hoa điểm 10”.

Nhưng thật cay đắng khi có những đề tài… dở ẹc mà cũng thấy chị ta đánh giá như những luận án tốt! “Tôi được biết thu nhập của nhiều giảng viên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Không hiểu sao nhiều người ngồi hội đồng mà giàu lắm!” – vị GS bộc bạch.

Đề tài “núp bóng”

Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hủy kết quả bảo vệ luận án của NCS T.T.S., là một trong những trường hợp được dư luận phản ánh như là một điển hình cho chất lượng đào tạo TS. Nhiều luận án TS có rất ít tính chất nghiên cứu mới, trong khi đó là điều bắt buộc ở bậc TS. Có những đề tài, theo các nhà khoa học, chỉ là thu thập tư liệu để tổng hợp một vấn đề… không cần nghiên cứu! Tài liệu về các đề tài luận án NCS của một trung tâm đào tạo TS lớn ở phía Nam, trong danh mục hàng trăm luận án đã được bảo vệ thì chiếm đa số là các dạng như “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”, “Những chuyển biến kinh tế - xã hội của…”, “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”… Với các đề tài na ná nhau trên đây, việc ứng dụng vào thực tế gần như không có.

Trong một lần đặt vấn đề về việc này, PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) cho rằng NCS hiện nay thường né tránh các nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các nghiên cứu chất lượng thấp nhưng nhẹ nhàng hơn dưới bóng các nhà khoa học làm lãnh đạo hoặc các GS tên tuổi để dễ bảo vệ. Trong khi một thực tế khác là các vị GS – lãnh đạo luôn bận bịu với công tác quản lý nên không còn nghiên cứu khoa học trình độ cao nữa!

GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) bức xúc: “Đào tạo TS là để có các công trình nghiên cứu. Tên gọi NCS đã nói lên mục đích này. Thế nhưng trên tất cả các bảng thành tích đào tạo của đất nước, ta chỉ thấy trưng ra số lượng TS mà lảng tránh họ đã sản xuất bao nhiêu công trình”.
Nhưng sự nối tiếp thì không ngừng. Những TS với các luận án “lặn sâu” như vậy vài ba năm sau lại trở thành người hướng dẫn cho những NCS khác…

LINH AN - TIẾN ĐẠT

Lỗi ở... hội đồng!

Ngày 12-11-2009, trao đổi với PV Báo SGGP, NCS T.T.S. cho biết nếu Trường ĐH Bách khoa TPHCM không công nhận kết quả luận án TS, anh sẽ kiện nhà trường vì trường đã giao đề tài cho NCS trùng với đề tài trước đây đã thực hiện tại trường!

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Những “thước đo” năng lực của một nhà khoa học

Thời gian gần đây, trên một vài diễn đàn báo chí trong nước, người ta bàn đến việc đánh giá nhà khoa học. Đây là vấn đề khó khăn và gai góc. Trong bài này tôi sẽ bàn qua một số chỉ số mà các đại học ngoài này hay sử dụng.

NVT

Việc đánh giá năng lực của một nhà khoa học là việc cần thiết. Các trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng năm phải tuyển dụng nhà khoa học, phải tuyển chọn nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ, và hội đồng tuyển chọn phải đi đến một quyết định chọn đúng người trong số nhiều ứng viên. Các trường đại học cũng cần đánh giá nhà khoa học, vì mỗi năm họ phải xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư, phó giáo sư) cho nhiều ứng viên. Các hội đồng tuyển chọn hay hội đồng khoa bảng cần những chỉ số khách quan để so sánh các ứng viên, và qua đó mà tuyển chọn đúng người hay đề bạt người xứng đáng vào các chức danh khoa bảng.

Nhưng việc đánh giá năng lực và sự nghiệp của một nhà khoa học là một việc làm khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là do năng lực của một cá nhân lúc nào cũng là một đặc tính đa chiều và có nhiều tiêu chí. Chẳng hạn như một nhà khoa học, ngoài “sản phẩm” chính là sáng tạo tri thức mới, còn có những khía cạnh khác như đào tạo nghiên cứu sinh, phục vụ cho chuyên ngành, hay phục vụ cộng đồng. Cho đến nay, cộng đồng khoa học vẫn chưa nhất trí một công thức khách quan nhất để tồng hợp các tiêu chí này.

Có lẽ cách đơn giản nhất là đọc tất cả những công trình nghiên cứu của nhà khoa học, hay cách làm của Đại học Harvard khi đề bạt chức danh khoa bảng là thẩm định 5 công trình mà nhà khoa học tự đánh giá là có giá trị nhất. Nhưng ngay cả việc làm này phi thực tế, vì đòi hỏi thời gian và cần phải có những chuyên gia trong chuyên ngành. Ngay cả những chuyên gia trong ngành cũng chưa chắc khách quan trong việc đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, vì do cảm tính và cảm tình cá nhân của người đọc đối với nhà khoa học.

Do đó, để đánh giá năng lực một nhà khoa học, các hội đồng khoa bảng phải dựa vào một số chỉ số mang tính định lượng, dù biết rằng những chỉ số này tự nó cũng không hẳn là hoàn hảo. Hiện nay, có 3 chỉ số chính để đánh giá một nhà khoa học: số lượng ấn phẩm khoa học, hệ số ảnh hưởng (impact factor hay thường viết tắt là IF), và chỉ số Hirsch (thường viết tắt là H index).

Số lượng ấn phẩm khoa học

Sản phẩm chính và có lẽ quan trọng nhất của một nhà khoa học là số lượng ấn phẩm khoa học đã được công bố. Cần phải nói thêm rằng cụm từ “ấn phẩm khoa học” ở đây được hiểu theo nghĩa tiếng Anh là “original article”, hay “paper”, tức những bài báo nghiên cứu mang tính nguyên thủy đã được công bố trên một tập san khoa học, và tập san khoa học đó có một cơ chế bình duyệt (peer-review) và tập san đó được cộng đồng khoa học chuyên ngành công nhận. Công nhận ở đây có nghĩa là tập san được liệt kê trong các danh bạ của Viện thông tin khoa học (Institute of Scientific Information).

Ấn phẩm khoa học không bao gồm những bản tóm lược trong các hội nghị khoa học (abstract hay conference proceeding), những bài bình luận (commentary), những bài xã luận (editorial), hay những thư bình luận (letter to the editor) trên các tập san khoa học. Bài báo khoa học cũng không phải là những bài báo đăng trên các tạp chí phổ thông dù là của một hiệp hội chuyên môn; hay những bài đăng trên các tờ báo đại chúng, bởi vì những bài này không đáp ứng tiêu chuẩn đã qua bình duyệt của đồng nghiệp chuyên ngành.

Một số lớn các trường đại học phương Tây thường dựa vào số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng. Tuy không có qui định nào cụ thể là ứng viên phải có bao nhiêu bài báo để được xét duyệt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là giáo sư dự khuyết (assistant professor) phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư (associate professor) thì ít nhất là 20, và giáo sư (professor) thì ít nhất là 50.

Số lượng ấn phẩm phản ảnh một phần về phần lượng, phần năng suất của một nhà khoa học. Tuy nhiên, trong xu hướng hợp tác nghiên cứu khoa học như hiện nay, một bài báo (nhất là trong khoa học thực nghiệm như y khoa) thường có nhiều tác giả, và một số không ít những tác giả này chẳng có đóng góp gì cho công trình nghiên cứu nhưng được ghi tên “tác giả làm quà” (còn gọi gift authorship). Một nhà khoa học có thể có nhiều bài báo, nhưng trong thực tế chỉ là hợp tác, hay thậm chí là “tác giả làm quà”, và do đó số lượng ấn phẩm khoa học không phản ảnh được điều này.

Ngoài ra, số lượng ấn phẩm khoa học như nói trên chỉ phản ảnh phần lượng, nhưng có thể không phản ảnh phần phẩm chất. Một người có thể công bố nhiều công trình khoa học, nhưng là những công trình có chất lượng thấp thì không thể xem là có năng lực. Ngược lại, một nhà khoa học giỏi có thể chỉ công bố vài công trình, nhưng toàn là những công trình có giá trị lâu dài, những công trình được cộng đồng khoa học ghi nhận, nhưng số lượng không phản ảnh được tài năng của nhà khoa học.

Chỉ số trích dẫn

Một công trình khoa học có giá trị hay có chất lượng thường được trích dẫn. Trong một nghiên cứu [1] về lí do trích dẫn, các nhà khoa học trình bày những lí do sau đây : (a) ghi nhận công trạng của tác giả ; (b) kính trọng tác giả ; (c) phương pháp liên quan ; (d) bài báo cung cấp thông tin nền có ích ; (e) trích dẫn để phê bình hay phản nghiệm ; và (f) trích dẫn để làm cơ sở cho các phát biểu trong bài báo. Do đó, ngoài số lượng ấn phẩm khoa học, tần số trích dẫn là một chỉ số rất quan trọng để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.

Chỉ số trích dẫn cũng rất khác biệt giữa các bộ môn khoa học, nhưng tính trung bình chỉ có trên dưới 1% bài báo khoa học được trích dẫn hơn 6 lần mà thôi trong vòng 5 năm. Do đó, có đề nghị là một bài báo được trích dẫn một cách độc lập (tức không phải chính tác giả tự trích dẫn) hơn 5 lần được xem là "có ảnh hưởng". Những công trình có ảnh hưởng lớn thường có số lần trích dẫn 100 lần trở lên. Một nghiên cứu trong thập niên 1970s về tần số trích dẫn các nghiên cứu công bố trước khi các nhà khoa học được trao giải Nobel cho thấy tính trung bình, số lần trích dẫn là 62 (so với tần số trung bình của tất cả các nhà khoa học là 6 lần).

Cần nói thêm rằng theo phân tích của Viện ISI, trong tất cả các bài báo khoa học công bố trên thế giới, có khoảng 55% không bao giờ được ai (kể cả chính tác giả) trích dẫn hay tham khảo sau 5 năm công bố [2]! Trong các ngành như kĩ thuật (engineering), tần số không trích dẫn lên đến 70%. Ở nước ta, theo phân tích của tôi, khoảng 50% những bài báo toán học không được trích dẫn sau 10 năm công bố.

Chỉ số ảnh hưởng (impact factor)

Đánh giá chất lượng một công trình khoa học hay một bài báo khoa học không phải là việc làm đơn giản vì nó đòi hỏi thời gian và phương pháp đánh giá. Một công trình nghiên cứu cơ bản sau khi công bố có khi phải chờ đến 20 năm hay lâu hơn mới có khả năng ứng dụng, hay được cộng đồng khoa học chấp nhận. Tuy nhiên, đối với các hội đồng khoa bảng, họ không có thì giở phải chờ đến 20 năm sau để đánh giá một nhà khoa học; họ cần những chỉ số ngắn hạn nhưng đáng tin cậy để làm “thước đo” chất lượng nghiên cứu của một nhà khoa học.

Một trong những thước đo phổ biến hiện nay là hệ số ảnh hưởng hay impact factor (IF). Hệ số này được phát triển từ thập niên 1950s để đánh giá chất lượng tập san khoa học [3] ở Mĩ, và ngày nay được sử dụng trên toàn thế giới. Theo định nghĩa của Eugene Garfiled (người phát triển chỉ số IF), IF là tần số trích dẫn trung bình của những bài báo khoa học sau khi đã công bố trong vòng 2 năm. Cố nhiên, IF chỉ tính cho những tập san được liệt kê trong danh bạ ISI hay Journal Citation Report của ISI. Chỉ số IF được tính dựa vào số liệu trong 3 năm. Chẳng hạn như IF của năm 2005 của một tập san được tính như sau: IF = A/B, trong đó A là số lần trích dẫn trong năm 2005 của những bài báo đã công bố trong thời gian 2003-2004, và B là số bài báo đã công bố trong thời gian 2003-2004. Ví dụ: trong 2 năm 2003 và 2004 tập san y khoa Lancet công bố 450 bài báo khoa học, và trong năm 2005 có 10,500 bài báo khác trích dẫn 450 bài báo đó, thì hệ số IF = 10.500 / 450 = 23.3. Mỗi năm ISI đánh giá cho khoảng 7,500 tập san trên thế giới. Hiện nay, IF của các tập san dao động từ 0.02 đến 69.

Chỉ số IF tuy được sử dụng rộng rãi, nhưng cũng bị phê bình rất nhiều. Một số khiếm khuyết của IF đã được chỉ ra trong quá khứ bao gồm những vấn đề liên quan đến văn hóa ngành, cách tính toán, :
• IF không biết đến sự khác biệt về "văn hóa" giữa các ngành khoa học, như ngành toán thường có chỉ số trích dẫn thấp hơn ngành vật lí ;
• IF tính luôn những bài bình luận và xã luận trong vế B (như nói trên) mà những bài này trong vế A ;
• IF không thể phân biệt xu hướng tác giả tự trích dẫn bài báo của mình ;
• IF trung bình hóa quá đáng, bởi vì trong thực tế chỉ có khoảng 20% trích dẫn của một tập san có thể chiếm đến 80% tổng số trích dẫn ;
• khoản thời gian 2 năm trong tính toán IF là quá ngắn và không công bằng cho các ngành khoa học cơ bản ;
• IF không phân biệt được những công trình nghiên cứu sai nhưng được trích dẫn thường xuyên để làm ví dụ.

Dù bị phê bình nhiều, nhưng IF vẫn được các cơ quan tài trợ nghiên cứu, đại học, và trung tâm khoa học áp dụng rộng rãi. Sự thật là hiện nay thế giới có trên 108.000 tạp chí khoa học với đủ thứ chất lượng “thượng vàng hạ cám” (con số này chưa kể đến các tạp chí trực tuyến). Do đó, một công trình nghiên cứu dù có chất lượng thấp cỡ nào đi nữa, và nếu tác giả kiên trì theo đuổi, thì công trình sẽ được in trong một tạp chí nào đó, cũng có thể mang tiếng “tạp chí quốc tế”. Do đó, việc sử dụng IF như là một tiêu chí để đánh giá năng lực của nhà khoa học là điều có thể hiểu được.

Như đề cập trên, bởi vì IF dao động rất lớn giữa các bộ môn khoa học. Chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số tác dụng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học. Nhưng ngay cả trong cùng một bộ môn khoa học các tập san cũng có IF rất khác nhau. Chẳng hạn như trong ngành toán học, tập san “Bulletin of the American Mathematical Society” có IF khoảng 1.8, Annals of Methametics 1.7, nhưng tập san toán của Trung Quốc (Chinese Annals of Mathematics) có IF chỉ 0.3 hay tập san toán của Viện hàn lâm khoa học Nga (Russian Academy of Sciences Izvestiya Mathematics) có IF 0.04. Do đó, việc sử dụng IF trong khi đánh giá năng lực của một nhà khoa học cần phải đặt IF trong từng bộ môn khoa học, chứ không thể so sánh giữa các bộ môn.

Cho dù IF không phải là chỉ số hoàn hảo để “đo lường” ảnh hưởng của tập san và bị nhiều “tai tiếng”, nhưng trong thực tế bất cứ nhà khoa học nào cũng biết rằng công bố một bài báo trên các tập san có IF cao thường khó hơn rất nhiều so với công bố trên một tập san có IF gần bằng 0! Ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, và ngay cả Hàn Quốc, Đài Loan, người ta thưởng cho nhà khoa học nào có những bài báo trên các tập san có IF cao.

Chỉ số Z và vị trí tác giả

Nghiên cứu khoa học trong những thập niên gần đây thường mang tính cách liên ngành. Một công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thực nghiệm như y sinh học, đòi hỏi sự đóng góp từ rất nhiều nhà khoa học với các chuyên ngành như sinh hóa, y khoa lâm sàng, thống kê học và dịch tễ học, y học hạt nhân, sinh học phân tử, di truyền học, v.v... Không những trong các ngành khoa học thực nghiệm, mà ngay cả khoa học xã hội cũng có xu hướng liên ngành. Theo một phân tích vào thập niên 1960s, có đến 62% số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được trao giải Nobel là do hợp tác với các đồng nghiệp khác [4].

Xu hướng hợp tác liên ngành dẫn đến xu hướng đa tác giả trong các bài báo khoa học. Ngày nay, không ngạc nhiên khi có những bài báo trên các tập san lớn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA ... mà danh sách tác giả có khi kéo dài đến nửa trang ! Do đó, một bài báo có thể xuất hiện trong hàng trăm lí lịch khác nhau.

Một trong những khó khăn trong các bài báo với nhiều tác giả là vấn đề định lượng công trạng (credit). Một cách hiển nhiên và theo cách hiểu thông thường, người nào có đóng góp nhiều nhất phải là tác giả đầu tiên, người có đóng góp quan trọng thứ hai đứng vai tác giả thứ hai … nhưng trong thực tế thì không đơn giản như thế. Trong thực tế, rất ít nhóm nghiên cứu tuân thủ theo các tiêu chuẩn trên đây, nhưng thứ tự tác giả thường được hoạch định theo một "văn hóa" của trung tâm nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ngầm chấp nhận. Các "qui chế" bất thành văn trong các văn hóa này có thể tóm lược như sau [5]:

• Văn hóa thứ tự (sequence-determined credit). Theo văn hóa này, tác giả có công nhiều nhất (ý tưởng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bản thảo) sẽ đứng tên tác giả số 1, người có công thứ hai đứng tên tác giả 2, và người có công ít nhất đứng tên tác giả sau cùng. Đối với văn hóa thứ tự, tác giả đầu tiên có k điểm, tác giả hai có k/2 điểm, tác giả 3 có k/3 điểm, v.v... trong đó k là IF của tập san.

• Văn hóa tương đương (equal contribution norm). Theo văn hóa này, tất cả các tác giả có mức độ đóng góp như nhau, và thứ tự tác giả sẽ được quyết định bằng chữ cái của họ. Nói cách khác, tác giả nào có chữ cái là A sẽ đứng tên tác giả đầu, và cứ theo thứ tụ đến tác giả sau cùng có chữ cái của họ là Z. Đối với văn hóa tương đương, việc tính điểm dễ hơn, vì chỉ cần lấy k chia cho số tác giả trong bài báo.

• Văn hóa "đầu chót" (first-last emphasis). Theo văn hóa này, tác giả thứ nhất và tác giả sau cùng là hai người có đóng góp nhiều nhất và chịu trách nhiệm về dữ liệu trong bài báo. Thông thường, tác giả thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, tác giả sau cùng là trưởng nhóm nghiên cứu của lab hay cơ sở nghiên cứu, và các tác giả theo sau tác giả đầu được xếp theo mức độ đóng góp. Đối với văn hóa trước đầu chót, tác giả đầu có k điểm, tác giả chót k/2 điểm, các tác giả còn lại có k/n điểm, trong đó n là tổng số tác giả.

• Văn hóa định lượng (percent contribution indicated). Trong văn hóa này, chi tiết về đóng góp của từng tác giả được liệt kê một cách vắn tắt, và định lượng trong nội bộ với nhau. Chẳng hạn như hai hay ba tác giả có đóng góp tương đương nhau, và thứ tự tác giả được sắp xếp theo chữ cái của họ hay theo một phương pháp khá khoa học : đó là ngẫu nhiên hóa ! Đối với văn hóa định lượng, mỗi tác giả i có số phần trăm đóng góp (kí hiệu là pi), và điểm cho từng tác giả chỉ đơn giản là kpi.

Do đó, chúng ta cần phải điều chỉnh chỉ số Hc cho vị trí tác giả. Mới đây, có đề nghị tính yếu tố Z (Z factor) như sau [6]:

Z = tổng số (IFi x Pi)

Trong công thức này, P là “contribution factor”, phản ảnh đóng góp của tác giả cho công trình nghiên cứu. Chẳng hạn như tác giả đầu và cuối có P = 1, còn tác giả đóng vai trò hợp tác thì P có thể 0.3. IF là chỉ số ảnh hưởng của tập san. Thường thường, thời gian đòi hỏi một paper được trích dẫn cũng phải 2-5 năm, cho nên khi đánh giá thành tích trong năm, người đánh giá không có lựa chọn nào khác là dựa vào IF.

Do đó, một nhà khoa học công bố được N = 5 bài với IF của 5 tập san đó lần lược là 1, 2, 4.5, 2.5, và 3. Ngoài ra, trong số này nhà khoa học là tác giả chính của 2 bài, còn 3 bài kia là người hợp tác, chỉ số Z được tính như sau:

Z = 1×1 + 2×1 + 4.5×0.3 + 2.5×0.3 + 3×0.3 = 6

Một nhà khoa học khác cũng có 5 bài báo và cũng với IF như trên, nhưng nếu là tác giả chính thì chỉ số Z là 13.

Như vậy Z khắc phục được khiếm khuyết của số lượng bài báo và tính đến công trạng của tác giả. Tuy Z có phần tốt hơn IF, nhưng vấn đề lớn nhất của chỉ số Z là không tính phần trích dẫn và dựa vào IF, một chỉ số tự nó đã không hoàn hảo.

Chỉ số Hirsch (H index)

Nhưng hệ số ảnh hưởng IF chỉ phản ánh uy tín của tạp chí chứ không hẳn phản ảnh chất lượng của một bài báo cụ thể. Năm 2005, nhà vật lí học Jorge Hirsch (Đại học California San Diego) thực hiện một phân tích về xu hướng công bố bài báo khoa học và tần số trích dẫn, và qua kết quả phân tích, ông đề nghị một chỉ số mà ông lấy tên là H index (H có lẽ là viết tắt họ của ông) [7]. Ngay từ khi chỉ số H ra đời, có nhiều người tán thành và lấy đó làm thước đo thành tựu và ảnh hưởng của một nhà khoa học. Ngày nay, các tập san khoa học danh tiếng như Nature, Science, Cell, PNAS, v.v… và các cơ quan quản lí khoa học ở Âu châu, Mĩ châu, Úc châu đều sử dụng chỉ số H để làm cơ sở cho đề bạt, cấp tài trợ, và đánh giá thành công của một nhà khoa học hay một nhóm nghiên cứu.

Chỉ số H được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn. Mục tiêu của chỉ số H là đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học. Chỉ số H được định nghĩa như sau: Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Một giáo sư (professor) ở đại học có tiếng ở Mĩ thường có chỉ số H khoảng 20. Một nhà khoa học với H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học thành công (successful); một chỉ số H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là xuất sắc (outstanding) thường hay thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; một chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là thật sự cá biệt (truly unique) [7].

Chỉ số H qua cách tính như mô tả có 2 vế : năng suất và ảnh hưởng của nhà khoa học. Tuy được phát triển để đánh giá năng lực một cá nhân, nhưng ngày nay, chỉ số H được sử dụng để đánh giá một nhóm nhà khoa học, phân khoa trong đại học, thậm chí đánh giá năng lực khoa học của một quốc gia. Ngay cả Viện thông tin khoa học (ISI Thomson) cũng sử dụng chỉ số H trong báo cáo của họ.

Nhưng chỉ số H vẫn chưa hoàn hảo. Trong những khiếm khuyết mà giới khoa học chỉ ra trong thời gian qua, có 3 khiếm khuyết lớn. Thứ nhất, chỉ số H luôn luôn tăng theo thời gian, và do đó tùy thuộc vào độ tuổi của nhà nghiên cứu và thời gian làm nghiên cứu. Thứ hai, chỉ số H không phân biệt được những nhà khoa học đã nghỉ hưu với những nhà khoa học đang làm việc. Thứ ba, chỉ số H còn tùy thuộc vào ngành khoa học, với các ngành khoa học tự nhiên và thực nghiệm (như vật lí, y sinh học) có xu hướng công bố nhiều công trình nghiên cứu và thường hay trích dẫn nhau hơn các nghành khoa học như toán học hay xã hội học.

Để khắc phục các khiếm khuyết về thời gian tính, một vài chỉ số khác đã được đề xuất để “điều chỉnh” chỉ số H. Để điều chỉnh cho thời gian làm nghiên cứu, Hirsch đề nghị chia chỉ số H cho thời gian làm nghiên cứu và ông gọi chỉ số này là Chỉ số m. Chẳng hạn như một người làm khoa học 30 năm với chỉ số H = 61 thì chỉ số m là 61 / 35 = 1,74.

Nhưng khiếm khuyết thứ ba là đáng quan tâm nhất. Chúng ta biết rằng các bộ môn khoa học có những văn hóa ngành khác nhau. Chẳng hạn như các ngành khoa học thực nghiệm thường có truyền thống trích dẫn cao hơn so với các ngành khoa học tự nhiên như toán học. Do đó, rất khó mà so sánh chỉ số H của một nhà vật lí học với một nhà toán học, nếu không có một hệ số điều chỉnh.

Khi phân tích tổng số bài báo từ 1995 đến 2005, người ta thấy tần số trích dẫn bình quân (tính trên mỗi bài báo) của ngành miễn dịch học là 19.55, vật lí 7.22, còn ngành toán chỉ 2.66, ngành khoa học máy tính 2.49, v.v... Do đó, người ta phải đề ra một chỉ số H chuẩn hóa (standardized H index). Cách chuẩn hóa là lấy ngành vật lí làm ngưỡng chuẩn. Chỉ số H chuẩn hóa (kí hiệu Hc) là Hc = H×c, trong đó H là chỉ số H do ISI cung cấp, và c là hệ số liên quan đến trích dẫn của một ngành khoa học. Chẳng hạn như hệ số c của ngành vật lí [đương nhiên là] 1, toán 1.83, khoa học máy tính 1.75, miễn dịch học 0.52. Do đó, nếu một nhà toán học có H = 10 thì Hc = 18.3, tức cao hơn một nhà vật lí học có cùng H.

Vài nhận xét

Thành quả nghiên cứu khoa học có thể đánh giá qua số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Trong thời gian qua, đã có khá nhiều tranh cãi chung quanh con số và cách tính điểm bài báo khoa học trong qui trình đề bạt chức vụ giáo sư, nhưng chưa ai bàn đến cách đánh giá chất lượng bài báo khoa học. Chẳng hạn như vị cựu Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư, cho biết: "Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín", và mỗi ngành chỉ có hai "tạp chí uy tín" ở trong nước, hiểu theo nghĩa "nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi." Đây là một cách đánh giá theo số lượng là chính, nhưng không/chưa xét đến chất lượng một cách có hệ thống.

Nhưng phân tích trên đây cho thấy số lượng bài báo khoa học không phải là một chỉ số đáng tin cậy, vì còn có vấn đề nhiều tác giả và văn hóa ngành. Ngay cả IF chỉ là chỉ số phản ảnh chất lượng của tập san, chứ không phải cá nhân nhà khoa học. Trong trường hợp này, chỉ số Z có lẽ là một thước đo tương đối khách quan, nhưng để áp dụng chỉ số này, cần phải hiểu phân định công trạng trong văn hóa ngành.

Có lẽ chỉ số đánh giá năng lực của một nhà khoa học tốt nhất hiện nay là chỉ số H (hay các chỉ số được cải tiến như chỉ số m). Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng chỉ số H dựa vào tần số trích dẫn, mà tần số trích dẫn thì còn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu (database). Hiện nay, có 3 cơ sở dữ liệu chính là ISI Web of Knowledge, Scopus, và Google Scholar, và mỗi cơ sở dữ liệu có những ưu và khuyết điểm riêng. Chẳng hạn như ISI Web of Knowledge có đầy đủ các tập san in (print journals), nhưng dữ liệu về các bài báo trong các hội nghị chính (vốn rất quan trọng trong ngành khoa học máy tính) thì không đầy đủ ; do đó, chỉ số H dựa vào ISI có thể thấp hơn so với thực tế cho các nhà khoa học máy tính. Scopus thì bao trùm tốt các bài báo trong hội nghị nhưng lại rất thiếu các tập san ; do đó, dựa vào nguồn dữ liệu này có thể cho ra chỉ số H thấp hơn thực tế. Google Scholar có khả năng bao trùm các tập san in và bài báo hội nghị, nhưng chỉ hạn chế những bài sau 1990 ; do đó, không thể sử dụng cơ sở dữ liệu này để tính chỉ số H.

Không có một chỉ số nào là hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các chỉ số như H hay Z vẫn còn khách quan hơn là đánh giá dựa vào ý kiên cá nhân hay cơ chế bình duyệt (peer review). Trước đây, một số nước Âu châu, kể cả Anh, từng dựa vào cơ chế bình duyệt để đánh giá các đại học, nhưng sau 2008 họ quyết định áp dụng các chỉ số trích dẫn để đánh giá các đại học. Ở nước ta, việc đánh giá năng lực nhà khoa học đã được đặt ra, nhưng phương pháp đánh gia vẫn chưa thích hợp và chưa khách quan. Hi vọng rằng những chỉ số trình bày trên đây sẽ cung cấp cho các hội đồng khoa bảng và đại học một số thước đo để đánh giá năng lực nhà khoa học chính xác và khách quan hơn. Áp dụng các chỉ số trên đây để đánh giá hoạt động khoa học của một đại học hay trung tâm nghiên cứu cũng là một hình thức giúp khoa học nước ta hội nhập quốc tế.


Ghi chú :

[1] Lawani SM. Citation analysis and the quality of scientific productivity. BioScience 1977; 27:26-31. Trong phân tích này, người ta thấy các công trình của Albert Eistein được trích dẫn 346 lần trong năm 1974.

[2] Phelan TJ. A compendium of issues for citation analysis. Scientometrics 1999; 45:117-36. Theo một nghiên cứu khác, có đến 90% các bài báo khoa học công bố không bao giờ được trích dẫn hay tham khảo (xem L. I. Meho, The rise and rise of citation analysis, Physics World). Tuy nhiên, tôi nghĩ con số 90% này được tính cả những bản tóm tắt (abstract) trong các hội nghị và các conference papers. Do đó, con số 55% chính xác hơn.

[3] Garfield E. The impact factor [internet] Current Contents 1994 20;3-7 (cited 16 August 2002). Hệ số ảnh hưởng cũng không phải là một chỉ số hoàn hảo phản ảnh chất lượng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chỉ số nào tốt hơn, cho nên giới khoa học vẫn phải sử dụng hệ số ảnh hưởng cho việc đề bạt giáo sư, tài trợ nghiên cứu, và đánh giá uy tín của một nhà khoa học. Ở Úc, khi ứng viên xin được đề bạt, ngoài danh sách bài báo khoa học, ứng viên còn phải cung cấp hệ số ảnh hưởng của tạp và số lần trích dẫn cho mỗi bài báo.

[4] Zuckerman H. Nobel laureates in science : patterns of productivity, collaboration, and authorship. American Sociological Review 1967 ; 32 :391-403.

[5] Tscharntke T, et al. Author sequence and credit for contributions in multiauthored publications. PLoS Biology January 2007 volume 5, issue 1, e18.

[6] Z factor : a new index for measuring academic research output. Molecular Pain 2008 ;4 :53.

[7] Chỉ số h do một nhà vật lí học đề nghị, và tài liệu tham khảo là: Hirsch, Jorge E., (2005), "An index to quantify an individual's scientific research output," Proc Natl Acad Sci USA 2005;102(46):16569-16572. Bài báo này có thể download hoàn toàn miễn phí từ địa chỉ sau đây: http://www.pnas.org/cgi/content/abstract/102/46/16569.