Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Vài ghi chép cuối năm: Kiên Giang và Phú Quốc

Dự tính lần này đi rừng U Minh, vì cũng hơn 30 năm tôi chưa có dịp ghé lại vùng đất đặc biệt này. Mấy lần về quê thăm nhà, anh Đ ngoài Rạch Giá rủ đi “du lịch sinh thái” ở rừng U Minh, mà vẫn lần nào cũng thiếu thì giờ nên chẳng đi được. Lần này thì có thì giờ, nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại … người. Chỉ vì chuyến đi hơi bị nhiêu khê, và thời tiết nghe nói không ổn mấy, nên anh em và bạn bè bàn chuyện hủy bỏ chuyến đi U Minh và thay vào đó là đi Phú Quốc.

Từ Kiên Giang đi Phú Quốc có thể bằng 2 tuyến: máy bay và tàu cao tốc. Máy bay chỉ tốn 20 phút gì đó, nhưng đắt hơn nhiều so với tàu cao tốc (khoảng 2 giờ). Chúng tôi chọn đi tàu cho vui, và một lí do quan trọng khác là gặp lại thằng em họ đang là thuyền trưởng của tàu chạy tuyến Rạch Giá – Phú Quốc.

Tôi đi xe từ quê nhà ra Rạch Giá để đáp chuyến tàu đi Phú Quốc. Chuyến tàu này khởi hành lúc 8 giờ sáng, mà từ nhà tôi ra Rạch Giá cũng mất cả 30 phút, cho nên tôi phải thức sớm cho kịp chuyến tàu. Buổi sáng tinh sương từ quê ra thành phố là một niềm vui đối với tôi. Không có gì thú vị bằng một buổi sáng trời se se lạnh, đi trên đường lộ mà hai bên là ruộng lúa xanh um, có khi còn thơm mùi mạ non hay mùi lúa nữa. Phải hít thở cái không khí trong lành này mới thấy đồng quê miền Tây đáng yêu làm sao!

Nhưng cái không khí đó không tồn tại lâu. Chỉ vài chục phút sau là đường lộ đã khá nhộn nhịp. Xe bus, xe ôtô, hòa nhập cùng dòng xe gắn máy cồng kềnh nông phẩm từ miền quê ra bán ngoài thành phố. Nhìn qua dòng xe Honda, với những người nông dân đen đúa và cái “nồi cơm điện” trên đầu, lỉnh kỉnh những hàng hóa chất đầy xe, tôi chợt nhận ra một thực tế: đất nước này phát triển là nhờ những con người này đây, những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Sao tôi thương mấy người dân chân chất này quá! Họ chính là đồng hương của tôi.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài luận văn của đứa cháu tôi tên là bé Thi. Nó mới học lớp 3 thôi, người nhỏ tí tẹo mà bà con trong xóm cho nó cái biệt danh là “con mắm”, tính tình nó ít nói, quan sát cẩn thận, có xu hướng sống nội tâm, nhưng ai cũng công nhận nó rất thông minh và sâu sắc. Có những buổi trưa hè tôi nằm trên võng, nó đến ngồi bên cạnh nói chuyện lan man, nhưng trong đó có những câu nói hay câu hỏi nó thốt ra làm tôi giật mình ngạc nhiên, và tự hỏi chẳng biết nó học ở đâu! Chẳng hạn như có lần nó hỏi tôi tại sao xã mình nghèo quá mà lúa thì đầy đồng; tại sao người ta không làm sạch con sông; tại sao người ta không xây đường lộ lớn hơn …. Toàn những câu hỏi “tại sao” mà tôi khó trả lời cho đến nơi đến chốn.

Lần này, mấy dì nó khoe rằng trong một bài luận văn với câu hỏi “tại sao nước ta nông nghiệp phát triển”, nó viết có đoạn: nông nghiệp nước ta phát triển là nhờ vào sự cần cù của người nông dân, nhờ vào sự sáng tạo của người nông dân, và biết cách sử dụng đất đai của người nông dân. Nó dùng chữ “nông dân” 3 lần trong một câu văn ngắn. Bài luận văn được cô giáo cho 10 điểm, và nó tìm cách khoe với cậu (tức là tôi) để … kiếm chút phần thưởng (bằng tiền). Tôi không biết bé Thi đã quan sát gì để đi đến nhận xét này (rất có thể nó nhìn chung quanh thấy ba nó, bà con và hàng xóm làm nghề nông), nhưng tôi nghĩ nó suy nghĩ và nhận xét đúng. Đất nước này phát triển là nhờ vào người dân chịu khó làm việc và sáng tạo, chứ không hẳn nhờ vào lãnh đạo của các quan chức. Thật ra, chính các quan chức mới là lực cản của phát triển, vì sự tham nhũng và nhũng nhiễu của giới quan chức thì ai cũng biết chính là cái lực làm kiềm hãm sự phát triển của đất nước.

Suy nghĩ miên man một hồi tôi cũng đến Rạch Giá. Xe chạy ngang Cầu Quay, thằng em tôi chỉ một khu nhà mà nó nói là của gia đình ông Tư Thắng, tức là em sếp Ba Dũng (thủ tướng). Nhìn bề ngoài thì cũng có vẻ đồ sộ, tuy không có gì to lớn lắm, nhưng so với các căn nhà chung quanh thì khu nhà này quả là hoành tráng. Một tòa nhà đáng chú ý khác là văn phòng Tỉnh ủy, mới xây xong trên một miếng đất rộng (có lẽ rộng nhất Rạch Giá), trông rất uy nghi và sạch sẽ, nhưng kiến trúc thì vẫn rất … Liên Xô. Tòa nhà tỉnh ủy đuợc xây theo kiểu cột rất to và cao, như chịu đựng cho cái trần xi măng khổng lồ phía trên, cửa rộng. Nói chung đó là một loại kiến trúc thô kệch, với dáng dấp rất “đe dọa” (threatening), và thiết trí rất “xã hội chủ nghĩa”, hoàn toàn khác với kiến trúc Pháp vốn có duyên và graceful (dịch sao nhỉ?).

Việc đầu tiên là tìm một chỗ ăn sáng. Rạch Giá nổi tiếng với món bún cá, nên tôi kêu thằng em tài xế đến chỗ đó ăn sáng trước khi lên tàu đi Phú Quốc. Nói là quán là cho oai, chứ thật ra đó chỉ là một hàng ăn uống vỉa hè, với những cái bàn và ghế nhựa thấp lè tè. Tuy nhiên, hàng quán cũng tương đối sạch sẽ, chứ không đến nổi tệ. Chị hàng bún quả thật không làm phụ lòng tin tưởng vào món ăn này. Bún tươi, cá lóc tươi, một chút rau thơm, thêm vào một muỗng ớt ngâm dấm (không phải loại tương ớt bột đâu nhé) và một chút nước mắm, là tôi đã có một bữa ăn sáng mà không có bất cứ một món ăn Tây nào có thể sánh bằng. Lặp lại để cho chắc ăn: không có bất cứ một món điểm tâm Tây nào có thể sánh với món bún cá Kiên Giang.

Sau món bún cá là cà phê. Vẫn là cà phê vỉa hè, li cà phê bình dân trông có vẻ hơi … nhuốm màu thời gian, nhưng chất lượng cà phê thì có thể sánh ngang hàng với cà phê 3 đôla Úc mà tôi từng uống bên Sydney. Li cà phê tỉnh lẻ chắc chắn còn ngon hơn li cà phê giá 114.000 đồng trong khách sạn 5 sao ở Sài Gòn, có khác chăng là cái không gian. Một bên là vỉa hè, trông bụi đời, còn một bên là không gian sang trọng, người đi qua lại xức nước hoa Tây phương thơm phức như là một cách khẳng định giai cấp của mình trong cái xã hội có quá nhiều bất công và bất bình đẳng này. Tôi đã nhủ lòng mình là sẽ không bao giờ tiêu ra 114.000 đồng cho một li cà phê ở những khách sạn này, bởi vì tôi thấy nó chẳng xứng đáng mà còn vô lí trong bối cảnh mà chỉ bước ra vài bước là thấy những con người buôn gánh bán bưng với thu nhập 3 ngày chưa chắc đã uống được li trà (84.000 đồng), chứ nói gì đến li cà phê 114.000 đồng!

Tôi vẫn nghĩ ở Việt Nam., muốn uống cà phê ngon, muốn có bữa ăn ngon, thì các quán vỉa hè vẫn là những nơi lí tưởng, chứ không phải là những hàng quán sang trọng và “fancy” ở các thành phố. Có hôm, tôi vào một quán cà phê ở Rạch Giá, thấy có internet wifi và nhìn bề ngoài cũng “oách” nên vào thử cho biết. Ôi, tôi lầm to, vì chất lượng cà phê quá kém; cơm tấm thì nước mắm ngọt như đường, ngọt đến nỗi tôi đành phải trả lại đĩa nước mắm 3 lần (và lần thứ 3 là không ăn luôn); còn wifi thì cứ chập chờn, khó mà vào mạng được. Ấy vậy mà tôi thấy nhiều người có laptop trên bàn, tôi tự hỏi với mạng như thế này, họ dùng laptop để làm gì. Tôi làm một chuyến đi tìm hiểu, chỉ liếc nhìn qua họ làm gì thì tôi phát hiện rằng họ chẳng vào mạng, và chủ yếu là chơi game! Sao họ có nhiều thì giờ phí cho mấy chuyện vớ vẩn này nhỉ. Tôi hỏi thằng em họ, nó nói rằng nhiều người mang laptop đến đây chỉ để “khè”, chứ chưa chắc họ biết sử dụng máy computer gì đâu. “Khè là gi”, tôi hỏi. Nó ôm bụng cười và giải thích rằng, cũng như con rắn nó khè lưỡi để làm cho người ta sợ, mấy người choai choai hay mấy người có nhu cầu khoe dùng laptop như là một phương tiện để người ta nhìn vào mà thán phục, mặc dù chẳng biết thán phục cái gì. Nghe lời giải thích này tôi chợt nhớ đến thời trước 1975 khi thanh niên đeo một cây bút hiệu Parker hay đeo kiếng cận để khẳng định hay quảng cáo cái mác “có học”, cái mác “trí thức” của mình. Người mình ở thời nào cũng co nhu cầu tự quảng cáo.

Tàu mới đi Phú Quốc

Tôi đến bến tàu thì gặp thằng em họ S đang đứng chờ. Ông nội của S là em bà ngoại tôi, và truyền thống trong quê, chúng tôi rất đoàn kết và xem nhau như một đại gia đình. Sau 1975, mỗi đứa một nơi, như S thì vào đại học hàng hải và trở thành thuyền trưởng viễn dương, rồi nay nó về đây đảm nhận chức thuyền trưởng (captain) của tàu SuperDong chuyên đi Phú Quốc. Hôm nay là lần đầu tôi gặp lại nó sau hơn 30 năm “lạc loài”. Nhìn thấy nó cũng già đi, nhưng những nét chính trên mặt thì vẫn không thay đổi mấy. Hai anh em kéo nhau vào quán cà phê và tôi lại có dịp uống thêm một tách cà phê đen ở đây, hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của những 3 thập niên không gặp.

Bến tàu Rạch Giá hôm nay khá nhộn nhịp, có lẽ một phần là buổi sáng, một phần quan trọng khác là có một tàu cao tốc mới tham gia vào thị trường vận tải và du lịch giữa Rạch Giá và Phú Quốc. Ngoài SuperDong, còn có 2 tàu khác là Ngọc Thành và Savana. Ngọc Thành là tàu loại nhỏ, giá rẻ hơn và dịch vụ kém hơn hai tàu Suvana và SuperDong. S cho tôi biết rằng chủ nhân của Savana là một Việt kiều Mĩ. Tàu Savana trước đây thuộc về chính phủ quản lí, và cũng như bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước khác, làm ăn lỗ lã. Anh Việt kiều Mĩ mua lại tàu này với giá khoảng 1 triệu USD và tân trang lại để làm du lịch. Hôm nay là ngày Savana khai mạc chuyến tàu đầu tiên đi Phú Quốc nên có lẳng hoa trước tàu, và anh chủ thì luôn luôn trên điện thoại đốc thúc nhân viên làm việc. Tôi đã lên tàu Savana xem qua thì thấy tàu rất rộng, ghế đẹp, máy lạnh chạy rất tốt, không gian sạch sẽ. Nói chung đây là một tàu dịch vụ có “đẳng cấp”. Hi vọng rằng Savana sẽ thổi một cái mới vào ngành du lịch ở Kiên Giang và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho cả nước.

SuperDong là tàu cao tốc, có khả năng chở khoảng 250 hành khách. Thời gian đi từ Rạch Giá ra Phú Quốc khoảng 2 giờ 30 phút. Giá vé (một chuyến đi) cho mỗi hành khách là 270.000 đồng. Với cái giá này, khách được phát một chai nước lọc và một cái bánh giống như bánh chocolat, nhưng không ngon miệng chút nào. Tàu có máy lạnh cũng khá tốt, có khu cho hành khách hút thuốc lá (phía ngoài bong tàu). Nói chung, chất lượng dịch vụ của tàu cũng ok, không tồi chút nào, nhưng cũng không phải là quá tốt.

Đường từ Rạch Giá ra Phú Quốc biển rất êm, không thấy có sóng lớn. Nhưng thằng em tôi nói “coi vậy chứ cũng có sóng đó, khoảng 1 mét”. Đi tàu lớn trên biển cứ như là đi xuồng trên sông. Có người bạn du khách từ Mĩ về nói đùa rằng phải chi hồi xưa có tàu này đi vượt biên thì tốt biết mấy! Nhìn qua màn hình trên tàu, tôi ngạc nhiên thấy phần lớn con đường Rạch Giá – Phú Quốc chiều sâu biển chỉ có 3-4 mét, có nơi chỉ 2 mét (nhất là ở những hòn gần Rạch Giá), nhưng cũng có nơi xa đảo là khoảng 8-10 mét. Một điều đáng buồn là biển Rạch Giá càng ngày càng bị ô nhiễm vì rác. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hàng đống rác (chắc là từ đất liền hay từ các hòn lân cận) lình bình trên biển.

Bãi rác trên biển

Đây là lần thứ 4 tôi ra Phú Quốc, nhưng mấy lần trước chỉ đi làm việc, họp hội, còn lần này thì đi du lịch. Mà, ngay cả đi du lịch tôi cũng không có nhiều thì giờ: chỉ đúng 1 ngày rưỡi là phải quay về nhà để chuẩn bị cho chuyến đi Hà Nội. Do đó, tôi phải tận dụng thời gian ngắn ngũi này để tìm hiểu Phú Quốc, cho dù chắc chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi.

Ngày thứ nhất tôi đi từ trung tâm thị trấn Dương Đông lên miền bắc, còn ngày thứ hai thì đi khám phá các vùng biển phía nam của đảo. Đường xá trên đảo Phú Quốc vẫn còn khá gập ghềnh. Đi trên những con đường chính, xe phải lượn lách để tránh những ổ gà to tường, và bụi đỏ bay mù mịt. Ngồi trên xe bốn bánh, có máy lạnh, cửa kiếng đóng kín mít, nhìn mấy người đi xe gắn máy phải hứng cái bụi đỏ của những chiếc xe van này mà tôi thấy mình … guilty (có tội).

Người hướng dẫn chúng tôi là một anh người gốc Thanh Hóa, đi lính hải quân nhưng nay đã giải ngũ, lấy vợ địa phương và sống luôn ở đây từ 25 năm qua. Anh tự nhận mình là người miền Nam, và rất thích như thế. Anh nói nhiều về lịch sử hình thành của đảo, và tương lai ra sao. Anh chở chúng tôi đi khắp nơi và thuyết minh về lịch sử của từng vùng. Anh kể vanh vách những miếng đất nào của các quan chức trung ương nào và đang hay sẽ khai thác ra sao. Có một miếng đất rất lớn, lái xe cả 5 phút mới hết chiều dài, được rào rất cẩn thận mà anh nói là của một ngài quan “top” của Việt Nam ngoài Hà Nội. Nói chuyện với anh này cũng vui, vì biết được nhiều chuyện địa phương.

Tôi ghé qua quán Biên Thùy của ông Hai để thưởng thức lại món nhum nướng. Đến nơi thì thấy ông đang nằm trên võng đọc báo, thấy chúng tôi ông lật đật hét nhân viên tiếp khách. Gặp lại tôi ông tỏ ra mừng vì tôi giữ lời hứa là sẽ quay lại chơi. Quán vẫn thế, nằm ngay bên cạnh bờ biển, và giáp ranh giới Cambodia. Đứng bên này quán có thể nhìn phía sinh hoạt bên Cambodia. Mấy ghe tàu đánh cá của Cambodia vẫn khai thác trong vùng biển Việt Nam và bán hải sản cho các quán bên Việt Nam. Ông Hai nói phía Việt Nam xem Cambodia là nước bạn thân thiết, nên không hề làm khó họ trong việc khai thác biển trong lãnh hải của Việt Nam.

Con nhum, một loại hải sản rất độc đáo ở Phú Quốc



Chúng tôi thưởng thức lại món con nhum, nướng và chấm muối tiêu. Món muối tiêu có mùi quế do chính ông chế ra và đăng kí bản quyền. Ông còn tự hào giới thiệu với chúng tôi qui trình làm muối tiêu của ông ra sao, nhưng những gia vị như quế và cây rừng thì ông … không tiết lộ. Trong khi khách ăn uống, ông đờn ca vọng cổ để gọi là phục vụ văn nghệ cho khách. Tuy ở độ tuổi gần 70, nhưng giọng ca của ông vẫn còn “ngon lành” lắm. Ông hay nói đùa là ông có đối thủ cạnh tranh rất lợi hại ở nước ngoài: đó là ca sĩ Mạnh Quỳnh.

Xong quán Biên Thùy, chúng tôi tiếp tục đi khám phá các bờ biển khác trong vùng phía Bắc đảo. Có đi qua những nơi này mới thấy Phú Quốc có tiềm năng rất lớn về du lịch. Hiện nay thì việc tổ chức vẫn chưa được tốt, và các bãi biển vẫn còn hoang sơ. Nhưng chính sự hoang sơ này là yếu tố thu hút khách nước ngoài đến Phú Quốc. Tôi đã gặp nhiều du khách từ Âu châu, Mĩ, Úc đến đây. Có gia đình người Thụy Điển mướn hẳn một căn hộ cả tuần, ngày ngày chỉ đọc sách và đi tắm biển!

Riêng tôi cũng đã có những giây phút thảnh thơi nhất ở các bãi biển này. Tôi chỉ mướn một cái võng, kêu một lon bia, nằm đó để nhìn biển, hưởng cái không khí trong lành, và nhìn cảnh sinh hoạt của dân chày địa phương. Chỉ thế thôi cũng làm cho tôi quên hết mọi phiền toái sau lưng. Ở những chỗ này rất dễ bị … ngủ quên. Nằm trên võng một hồi và với cái gió hiu hiu thì ngủ quên như bỡn, làm rối loạn chương trình du lịch.



Một bãi biển ở Phú Quốc



Một bãi biển khác rất lí tưởng để nghỉ mát



Vài giây phút thảnh thơi


Khách sạn, phục vụ và vấn đề vệ sinh

Ban đêm chúng tôi về khách sạn resort Dương Đông. Đây là một loại khách sạn được xây dựng theo kiểu một resort, tức là có từng cụm phòng như nhà ở. Khách sạn nằm sát bãi biển, và nguyên là khu đất do Tỉnh đội hay Huyện đội quản lí. Thật ra, chủ khách sạn này cũng chính là một cơ quan tài chính thuộc tỉnh đội hay huyện đội. Thời buổi kinh tế thị trường, nên giới quân đội cũng bung ra kinh doanh. Bên cạnh khách sạn Dương Đông, còn có một số khách sạn khác cũng nằm trên những miếng đất đắc địa do quân đội quản lí. Những khách sạn này có những cái tên rất ư là “bao cấp” như A37 hay T90 gì đó (tôi không nhớ chính xác). Lâu lắm rồi, đọc được những cái tên với cách ghép mẫu tự và con số làm tôi nhớ đến thời xa xưa. Không ngờ lại gặp những cái tên đó trên đảo Phú Quốc.

Khách sạn chỉ có khoảng 40 phòng, nhưng phòng ốc tương đối rộng rãi, và giá phòng cũng tùy theo diện tích của phòng. Phòng chúng tôi ở thuộc loại “cao cấp”, tức tương đối rộng, nhìn ra bãi biển, và giá là 500.000 đồng / đêm. So với giá phòng của các resort kế bên như Blue Lagoon hay Thiên Hải Sơn, thì giá ở đây tương đối “mềm”. Tuy nhiên, chất lượng phòng thì tôi không thể nào khen được. Điều làm tôi chú ý nhất là cách họ thiết kế phòng rất … xa xỉ. Phòng của tôi mang tiếng là cho 3 người, nhưng thật ra chỉ 2 người là đã hẹp lắm rồi. Lí do đơn giản là họ dành đến 1/2 phòng để làm nhà tắm và toilet! Nhưng cách họ làm nhà tắm thì rất … Việt Nam. Nói cách khác, nhà tắm không có khu riêng và không được xây cao lên, do đó khi người ta tắm thì nước chảy lênh láng tràn sang toilet, trông rất buồn cười. Cách thiết kế này tôi đã thấy rất nhiều lần trong các nhà riêng ở Việt Nam. Thật không thể nào hiểu nổi tại sao người ta không chịu khó suy nghĩ xây cái phòng tắm và vệ sinh cách biệt nhau, không thể nào hiểu nổi tại sao họ lại làm phòng tắm để cho nước chảy lênh láng như thế. Cái điều đơn giản đó mà chúng ta vẫn không đủ bộ óc để sáng tạo ra cái mới thì chúng ta còn làm được gì ?

Phía bên ngoài phòng ngủ là cái balcon, thoạt đầu nhìn vào cũng hay hay, vì có balcon bằng tre và dây thừng buộc ngang trông rất thân thiện với môi trường. Nhưng đừng có dại dột mà ngồi vào cái balcon đó vì nó chỉ làm cho có, cho vui mắt thôi, chứ ngồi vào thì bị té mang thương tật vào người hay bỏ mạng như bỡn! Còn cái ghế tre đong đưa trước phòng cũng vậy, nó bị xuống cấp thảm hại đến nổi tôi không dám ngồi vào. Do đó, nhìn bề ngoài thì phòng ốc ok, nhưng đi vào chi tiết thì rất tồi tệ và kém chất lượng. Tôi chợt nghĩ hay là người mình làm cái gì cũng chỉ mang tính hình thức, làm cho có; chẳng có cái gì làm cho đến nơi đến chốn, chẳng có thiết kế gì xem được, và chẳng có cái gì có chất lượng cao. Với kiểu làm ăn như thế này thì bao giờ chúng ta mới cạnh tranh được với các nước trong vùng – chưa dám nói với thế giới.

Nhận phòng xong, chúng tôi lại tắm biển. Nước biển ở đây ấm, ngâm mình dưới nước biển không bao giờ thấy chán. Mãi đến 7 giờ tối tôi vẫn còn ngâm mình dưới nước. Mà, nhìn quanh thì thấy khách Tây, khách Ta cũng như tôi, tức là không muốn lên bờ. Đến khi nhân viên thổi còi kêu lên bờ chúng tôi mới chịu “chia tay” tắm biển. Lên bờ họ có một khu tắm nước ngọt, nhưng cách họ làm cực kì … buồn cười. Đó là một cái vòi nước lấy từ giếng, chẳng có phòng ốc gì riêng tư cả, ai cũng đứng đó xả nước trước cái nhìn của mọi người. Người ta phải xếp hàng để vào tắm, vì chỗ đó chỉ có thể “phục vụ” cho một người duy nhất. Lại một điều làm tôi suy nghĩ: tại sao khách sạn không làm nổi một vài cái phòng để khách có thể vào tắm nước ngọt một cách riêng tư và kín đáo?

Tắm xong, chúng tôi đi dạo phố đêm Phú Quốc. Phố đêm Phú Quốc rất nhộn nhịp, dù đường xá chưa được tốt mấy do còn đang trong tình trạng xây dựng. Dọc đường chúng tôi gặp rất nhiều du khách phương Tây đang uống bia hay thưởng thức thức ăn đồ biển tươi được nướng tại chỗ. Có vài quán còn do chính người phương Tây làm chủ, và mấy người này tiếp thị cũng rất độc đáo. Tôi từng ăn trong một quán của anh người Đức lấy vợ Việt Nam và định cư luôn trên đảo. Hàng đêm, anh theo vợ phụ trách hàng quán chuyên bán mấy món Tây như súc-xích kiểu Đức và món Việt Nam do vợ nấu. Ai đi ngang anh ta cũng tuôn ra vài câu mời chào rất vui. Phú Quốc đang trở thành một địa điểm đa quốc gia!

Ngày thứ hai trên đường đi mấy bãi biển phía Nam, chúng tôi tạt qua nhà bảo tàng tư nhân. Nhà bảo tàng được xây rất hoành tráng, khá đẹp và dùng toàn gỗ địa phương. Chủ nhân nhà bảo tàng cố công sưu tầm những hiện vật liên quan đến quá trình hình thành của đảo, kể cả những loài chim hiếm (như đại bàng), và chó Phú Quốc. Tầng trên cùng của nhà bảo tàng lưu lại những vết tích về nhà tù giam cầm những người làm cách mạng. Nhiều hiện vật (như đinh mà người thuyết minh nói là dùng để đóng vào đầu và chân tù nhân) rất dễ gây xúc động cho người xem. Cô thuyết minh, tuổi chưa đầy 25, nói hùng hồn về “tội ác của Mĩ Ngụy” trong thời chiến, mà tôi đoán là cô học thuộc lòng trong sách giáo khoa hay ai đó dạy cho cô nói. Khi một vị du khách lớn tuổi (Việt kiều Mĩ) từng là “cựu tù nhân cải tạo” cả 10 năm nhẹ nhàng chất vấn về những “sự thật” mà cô thuyết minh và nói rằng cái đau không chỉ xảy ra ở những người cách mạng này mà còn xảy ra cho những người được xem là “ngụy”, thì tội nghiệp thay, cô chẳng biết nói gì. Tôi mới nhân cơ hội mà gỡ bí cho cô và nói rằng cô lớn lên sau 1975, được học hành trong sách vở của người thắng trận biên soạn thì làm sao không xảy ra câu chuyện chỉ một chiều. Người du khách già nheo mắt nhìn tôi ra vẻ thông cảm và đồng ý. Sau này, hai chúng tôi có dịp tâm sự nhiều về những thăng trầm trong cuộc đời tị nạn, và những thay đổi đến chóng mặt đang xảy ra trên quê hương. Tôi chợt nhận ra một điều là vị du khách này tuy cũng bị “bầm dập” sau 1975, nhưng ông tỏ ra bình thản với quá khứ, và nhìn về tương lai với cái nhìn có vẻ tích cực hơn.

***

Rạch Giá bây giờ là thành phố (ngày xưa là thị xã). Nay mai, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu trực thuộc trung ương, và tách ra khỏi tỉnh Kiên Giang. Rạch Giá và Phú Quốc vào những ngày giáp Tết thật là bận rộn, và có lẽ chính là tín hiệu cho thấy kinh tế ở đây vẫn ok. Thật vậy, khủng hoảng kinh tế ở đâu thì tôi không biết, chứ ở đây kinh tế có vẻ vẫn phát triển bình thường. Người dân vẫn mua sắm thoải mái. Siêu thị mới ngày càng nhiều. Xe cộ bán ra vẫn nhiều. Rạch Giá bây giờ thậm chí có cả salon bán xe hơi. Ngay cả thằng em họ tôi vì sợ cạnh tranh không lại mấy dịch vụ du lịch khác, nên nó cũng chủ động đổi xe van mới hơn và oách hơn.

Một yếu tố phát triển kinh tế không thể không nhắc đến là Việt kiều. Kiên Giang có lẽ là tỉnh có nhiều người đi nước ngoài nhất, vì trong thời bao cấp, Kiên Giang là nơi lí tưởng để … vượt biên. Sau 2 thập niên ở nước ngoài, những người con Kiên Giang bắt đầu quay về làm ăn và đầu tư. Không biết chính xác bao nhiêu, nhưng có rất nhiều Việt kiều về đây mua nhà, đầu tư bất động sản, xây nhà máy, làm dịch vụ du lịch, v.v… Có lần tôi gặp một anh ở Úc, bây giờ là “đại gia” về sản xuất xuồng và vỏ tắc ráng bán đi khắp nước, anh nói ở đây môi trường kinh doanh càng ngày càng tốt hơn. Trong chuyến đi này, một anh Việt kiều Úc cũng mua hẳn một căn nhà để mai mốt dưỡng già. Hay như anh Việt kiều Mĩ bỏ ra hàng triệu đôla để đầu tư tàu du lịch ra Phú Quốc. Tất cả những đóng góp đó của Việt kiều cũng được Nhà nước ghi nhận đàng hoàng.

Kiên Giang là một Việt Nam thu nhỏ. Tỉnh này có biển và đảo, có rừng núi, và có ruộng vườn. Kiên Giang có một chút Hạ Long (ở Hà Tiên), đồng ruộng phì nhiêu, tài nguyên biển tương đối giàu. Với những điều kiện này, đáng lẽ Kiên Giang còn phát triển hơn nữa. Nhưng trong thực tế thì tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang thấp hơn các nơi khác, kể cả thấp hơn An Giang, nơi không có những điều kiện như Kiên Giang. Đó là một thực tế mà người Kiên Giang nào cũng lấy làm ưu tư. Tôi thì nghĩ rằng Kiên Giang chưa phát triển nhanh là do thiếu đầu tư vào giáo dục.

Kiên Giang vẫn còn là một tỉnh thiếu chữ. Ở đây, tỉ lệ học sinh trung học đỗ tú tài thấp nhất nước. Hầu như các tỉnh lân cận đều có đại học (chưa chắc là dấu hiệu tốt), còn Kiên Giang thì không. Chưa ai làm thống kê, nhưng tôi đoán rằng tỉ lệ dân số có bằng cấp đại học và trung học ở đây có lẽ thuộc vào hàng thấp nhất nước. Chưa có ai phân tích nguyên nhân đằng sau tình trạng này, nhưng tôi nghĩ một phần là do tỉnh thiếu đầu từ vào giáo dục. Nhìn qua các trường tiểu học và trung học trong nông thôn đang hay sắp xuống cấp mà ngao ngán. Ấy vậy mà người ta cứ xầm xì rằng Kiên Giang được nhiều ưu tiên vì sếp thủ tướng Ba Dũng là người gốc Kiên Giang!

Tiềm năng du lịch ở Kiên Giang và Phú Quốc rất lớn. Phú Quốc được ví von là một “đảo ngọc”, mà tôi cũng thấy như thế. Nhưng với cách khai thác du lịch hiện nay và xây dựng bừa bãi và nham nhở hiện nay, tôi sợ trong tương lai gần Phú Quốc sẽ “chết”, hiểu theo nghĩa bị bê tông hóa, làm mất đi cái duyên dáng của vùng đất phương Nam này. Tôi sợ những bãi biển công cộng sẽ bị tư nhân hóa (thật ra là đang bị tư nhân hóa), và mai mốt người dân Phú Quốc sẽ không còn cơ hội để tắm ở những nơi mà cha ông họ từng bỏ công khai khẩn và gầy dựng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét