Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Elena Ceausescu: “đỉnh cao” của khoa học rởm

Bài sau đây tôi "lượm" từ trang blog của Gs Nguyễn Tiến Zũng (Pháp) viết về Elena Ceausescu, phu nhân của cựu chủ tịch N. Ceausescu. Cả hai vợ chồng bị tử hình sau khi XHCN sụp đổ ở Rumani. Bài viết có nhiều thông tin rất thú vị.

NVT

====

http://zung.zetamu.com/?p=1470

Elena Ceausescu: “đỉnh cao” của khoa học rởm

(tham khảo từ nhiều tài liệu khác nhau)

Trên thế giới, có rất nhiều nhà khoa học chân chính, và bên cạnh đó cũng có những “nhà khoa học” rởm, mua danh bán tước. Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam, mà cũng xuất hiện lẻ tẻ ở các nước khác. Nhưng các nhà khoa học rởm đương thời chắc sẽ phải ghen tị với những kỳ tích của “kĩ sư tiến sĩ viện sĩ” Elena Ceausescu.

Mẹ dân tộc

Elena Ceausescu sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân mang tên Petruscu ở Rumani (Romania). Bà ta bỏ học năm lớp 4 vì không theo nổi, lên thủ đô Bucharest, làm phụ tá trong một xưởng dược phẩm nhỏ, rồi làm công nhân xưởng dệt. Năm 1939, bà ta gặp Nicolae Ceausescu trong phong trào hoạt đông chính trị, và đến năm 1947 thì họ cưới nhau. Khi cưới, bà ta sửa năm sinh của mình thành 1919 để cho trẻ hơn chồng (sinh năm 1918), do vậy một số tài liệu ghi năm sinh bà ta là 1919. Cùng với sự thăng quan nhanh chóng của Nicolae Ceausescu (ông ta làm Tổng bí thư Đảng của Rumani từ năm 1965, Chủ tịch nước từ năm 1967 cho đến lúc bị tử hình năm 1989), Elena Ceausescu cũng dần chiếm lấy vị trí quan trọng trong chính phủ. Sau chuyến thăm Trung Quốc năm 1971, khi thấy Giang Thanh nắm nhiều quyền hành, Elena Ceausescu càng thấy việc mình nắm quyền là hết sức tự nhiên. Từ năm 1973, bà ta trở thành ủy viên Bộ Chính Trị của Rumani, và từ năm 1980 nắm chức Phó thủ tướng thứ nhất, chỉ đứng sau chồng mình trong nội các. Có những biển quảng cáo tuyên truyền của Rumani thập kỷ 1980 vẽ hình hai vợ chồng nguyên thủ quốc gia cùng chỉ đường dẫn lối cho dân chúng.

Bộ máy tuyên truyền của Rumani thời đó còn gọi Elena Ceausescu là “mẹ dân tộc”. Tuy nhiên, các ý tưởng của “mẹ dân tộc” lại có thể là thảm họa cho nhân dân. Một trong các ý tưởng đó là phát triển kinh tế bằng cách đẻ thật nhiều để “tạo sức lao động”. Từ năm 1966, luật của Rumani cấm các biện pháp tránh thai và nạo thai. Thay vào đó, mỗi phụ nữ được yêu cầu phải đẻ ít nhất 4-5 con. Dân số bùng nổ và quản lý kinh tế yếu kém đẩy Rumani vào tình trạng nghèo đói đến mức nhiều gia đình Rumani không có khả năng nuôi con, phải gửi con vào trại trẻ mồ côi. Do điều kiện chắm sóc quá tồi và thiếu ăn, nên phần lớn các trẻ em trong các trại mồ côi đó bị ốm yếu bệnh tật cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong những năm 1980, hàng nghìn trẻ em trong các trại này bị nhiễm bệnh SIDA do truyền máu, nhưng hội đồng y tế quốc gia do Elena Ceausescu cầm đầu thì khẳng định là “không thể có bệnh SIDA ở Rumani”.

“Mẹ dân tộc” sẽ không tha thứ cho kẻ nào dám vượt trội mình. Một lần, trong một chuyến đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), có bộ trưởng ngoại giao Rumani và vợ của ông ta đi theo, ông thủ tướng Turkey tưởng nhầm vợ của ông bộ trưởng ngoại giao là bà Ceausescu vì trông bà ta sáng sủa nhất, tuy rằng bà Ceausescu đứng ngay cạnh đấy và ăn vận bộ đồ vô cùng đắt tiền. Hai hôm sau, ông bộ trưởng này liền bị cách chức.

Viện sĩ trình độ lớp 4

Để khẳng định vị trí “mẹ dân tộc” của mình, Elena Ceausescu đã lựa chọn “con đường khoa học”. Bà ta ghi tên làm tiến sĩ về hóa học ở Bucharest theo hệ học từ xa buổi tối . Với tấm bằng tiến sĩ, bà Ceausescu nhanh chóng trở thành “nhà khoa học lỗi lạc”, viện trưởng Viện hóa học vào năm 1965 (?), rồi chủ tịch hội đồng quốc gia về khoa học và công nghệ vào năm 1970, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Rumani vào năm 1974, chủ tịch hội đồng quốc gia về văn hóa và giáo dục vào năm 1975. Hàng loạt bài báo khoa học, đặc biệt là về các vật liệu polymer, được ký tên Ceausescu. Người ta gọi bà một cách kính cẩn là “kỹ sư tiến sĩ viện sĩ Elena Ceausescu”. Bà ta còn ứng cử vào chức Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học, tuy không được bầu.

Một giáo sư người gốc Rumani hiện làm việc ở Paris kể câu chuyện sau: Khi làm Viện trưởng Viện hóa học, bà Ceausescu đưa ra 3 cải cách mà các nhà khoa học Rumani sẽ còn nhớ lâu. Đó là:
- Những người làm việc trong viện phải mặc đồng phục, mỗi tầng mặc một màu khác nhau (như vậy sẽ dễ nhận biết ai có lảng vảng ở tầng không thuộc phận sự của mình).
- Ai đi vào nhà vệ sinh, thì phải ghi giờ đi vào và đi ra khỏi nhà vệ sinh.
- Đóng cửa thư viện. (Kẻ nào mà cần tra cứu sách thư viện, tức là kẻ đó chưa đủ kiến thức trong đầu, không xứng đáng được làm ở viện!)

Đằng sau lưng, người ta gán cho bà Ceausescu biệt danh “codoi”, vì bà ta thậm chí không biết đọc đúng ký hiệu CO2 và đọc nó thành “codoi”, nhưng tiếng Rumani “codoi” có nghĩa là cái đuôi. Sự vô học của bà ta là một “điều bí mật mà ai cũng biết”. Sau năm 1989, các nhà khoa học Rumani khẳng định là các “công trình khoa học” của Elena đều do nhữngngười khác viết, do đồng lõa hoặc bị ép buộc. Nhưng dưới thời Ceausescu, ai dám mở miệng nói ra những điều như vậy sẽ bị trừng trị thích đáng. Nhà hóa học Rumani nổi tiếng thế giới, ông Cristofor Simionescu, bị cách chức hiệu trưởng Bách Khoa Iasi năm 1976 sau khi nói với Đại sứ Liên Bang Đức là bà Ceaucescu là “kẻ mù chữ” (trong một cuộc nói chuyện riêng, nhưng bị cơ quan an ninh của Rumani ghi âm). Một số nhà khoa học bị đuổi việc, hoặc thậm chí bị đi tù, vì dám gọi chệch một quyển sách về polymere ký tên bà ta thành polypere (tiếng Rumani: mere là quả táo, pere là quả lê). Ngược lại, những nhân vật khoa học chấp nhận “ăn theo” Ceausescu sẽ được thăng quan tiến chức. Trong đó có một người nổi bật tên là Ion Ursu, chuyên “viết thuê” cho bà ta.

Hơn 100 văn bằng danh dự

Năm 1978, hai vợ chồng Ceausescu được nữ hoàng Anh mời thăm chính thức (thường mỗi năm nữ hoàng Anh chỉ mời 2 nguyên thủ quốc gia). Tất nhiên, có sự vụ lợi của Anh trong việc mời mọc này. Về mặt kinh tế, họ đang chào bán cho Rumani một loạt 80 máy bay dân sự (nhãn hiệu BAC 1-11, với động cơ Rolls-Royce), và hợp đồng mua bán này sẽ được ký trong chuyến đi thăm London của Ceausescu. Về phía Ceausescu, đây cũng là dịp để họ khẳng định vị trí chính trị của mình. Elena Ceausescu đòi hỏi Viện hàm lâm hoàng gia Anh (Royal Society) và Đại học Oxford phong danh hiệu viện sĩ và tiến sĩ danh dự. Tuy nhiên cả hai nơi đều từ chối. Giới khoa học Anh thừa biết “tiểu sử khoa học” rởm của bà ta. Cuối cùng, các nhà ngoại giao móc nối được hai nơi khác, là Royal Institute of Chemistry đồng ý phong danh hiệu thành viên danh dự (honorary fellow) cho bà ta, và Polytechnic of Central London đồng ý phong danh hiệu giáo sư danh dự. Trong các buổi lễ phong danh hiệu danh dự đó, Elena Ceausescu đã được mấy nhân vật có quyền lực trong giới khoa học của Anh đọc diễn văn tâng bốc lên thành “nhà hóa học lỗi lạc, với những công trình ảnh hưởng lớn đến nhân loại”.

Elena Ceausescu nhận được các danh hiệu viện sĩ, tiến sĩ hay giáo sư danh dự không chỉ ở Anh, mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, Pháp, Mexico, Hy lạp, v.v. Cứ nơi đâu mà vợ chồng Ceausescu đặt chân tới theo danh nghĩa nguyên thủ quốc gia, thì các nhà ngoại giao và các nhà khoa học của Rumani được giao chỉ thị phải mặc cả cho được danh hiệu danh dự của một vài tổ chức khoa học uy tín tại nơi đó. Tất nhiên, đối với dân chúng, lần nào cũng sẽ là viện hay trường nước ngoài “rất kính trọng và đánh giá cao các công trình khoa học vĩ đại của bà, và vì nể họ nên bà nhận bằng danh dự mà họ muốn được trao tặng bà”. Tổng cộng, Elena Ceausescu thu thập được hơn 100 danh hiệu danh dự như vậy.

Kết thúc bi kịch

Cuối năm 1989, xảy ra đảo chính ở Rumani lật đổ chế độ độc tài Ceausescu. Hai vợ chồng Ceausescu bỏ trốn bằng máy bay trực thăng ra khỏi Bucharest, nhưng sau đó bị cảnh sát bắt giữ. Họ bị lôi ra xử và kết án tử hình trong một phiên tòa cấp tốc chỉ kéo dài chưa đầy 2 tiếng đồng hồ vào ngày 25/12/1989. Trong phiên tòa, Elena Ceausescu vẫn kiêu ngạo tự nhận mình là nhà khoa học lớn. Hai vợ chồng Ceausescu bị đem ra xử bắn ngay trong ngày hôm đó. Kết thúc bi kịch của Ceausescu mở ra một trang sử mới cho Rumani.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét