Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Một buổi tát đìa

12/1. Hai chữ “tát đìa” chắc còn xa lạ đối với các bạn không từng ở trong quê, nhất là vùng quê miền Tây Nam bộ. Nhưng đối với tôi và những ai từng lớn lên ở miền Tây thì tác đìa là một thú vui, là kỉ niệm khó quên trong đời. Đìa không phải là ao, mà là một vùng trũng hẹp có bờ để giữ nước và cá. Đìa thường nằm bên cạnh hay chung quanh một thửa ruộng. Tát đìa có nghĩa là hút nước trong đìa ra ruộng đến một mức cạn vừa đủ để tiện cho việc nhận dạng cá và để tiện việc bắt cá.

Ở quê tôi, cũng giống như các vùng quê khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cứ mỗi khi giáp Tết thì người ta hay tát đìa và dở chà. Dở chà là một cách bắt cá tôm trên sông, nhưng tôi sẽ không bàn đến trong bài này. Hôm về quê, nghe nói ông anh họ tôi trong rạch Lô Bích sẽ tát đìa vào ngày 12/1 nên tôi hăm hở điện thoại cho anh chờ tôi về tham dự tát đìa cho vui (lúc đó tôi còn ở Phú Quốc). Thời đại điện thoại di động tiện ghê, chỉ cần cú điện thoại là tôi đã có hẹn chính xác, chứ chẳng cần phải chèo xuồng cho tốn công!

Từ nhà tôi đến nhà anh Đ (ông anh họ tôi) ngày xưa phải chèo xuồng khoảng 20 phút, còn ngày nay thì “con ngựa sắt” nó có thể đưa tôi đến nơi không đầy 10 phút. Đáng lẽ nhanh hơn, nhưng vì ông Nhà nước xây đường quá hẹp và quá gập ghềnh nên xe vừa chạy mà cũng vừa bò. Đó là chưa nói đến những đoạn phải qua những cây cầu được thiết kế rất quái đản, làm tôi muốn thót ruột, không phải tôi sợ té xuống sông (vì tôi lội sông giỏi lắm) mà sợ con ngựa sắt xuống sông mới là phiền phức. Ngày xưa đi cầu khỉ sợ té xuống sông, còn ngày nay đi qua cầu sợ xe Honda “té” xuống sông, nhờ cách xây cầu quá tuyệt vời của các kĩ sư nhà ta.

Một thửa rộng xanh rì, bao bọc chung quanh bằng đìa

Đến nơi đã thấy bà con chòm xóm khá đầy đủ đang chuẩn bị tát đìa. Mỗi lần tát đìa ở dưới quê là mỗi lần đại gia đình và hàng xóm tụ tập. Ông anh tôi là người có tổ chức nên phân chia nhân sự thành 3 nhóm: nhóm kĩ thuật, nhóm thu hoạch cá, và nhóm hậu cần. Nhóm kĩ thuật gồm 3 thanh niên phụ trách phần tát nước. Ngày xưa là phải tát nước bằng tay, nhưng ngày nay thì đã có cái máy Kohler bơm nước. Cái máy Kohler này chắc cũng 40 tuổi, đã qua nhiều lần biến chế và sửa sang, hãng sản xuất khó mà nhìn ra sản phẩm của họ (và chắc phải thán phục cho nông dân Việt Nam vì nó đã được cải biên không còn là cái Kohler chính hiệu nữa). Máy chạy xình xịch, chầm chậm bơm nước ra ngoài. Ba người thanh niên đứng cạnh theo dõi mực nước đến đâu, theo dõi xăng dầu của máy, và để sửa chữa nếu máy trở chứng không chịu “làm việc”. Nhóm thu hoạch hùng hậu hơn, gồm cả chục người, chuyên lo dụng cụ, xuồng, đồ đựng cá, bình điện sẵn sàng để vào cuộc khi mực nước xuống đến mức có thể “hành động”. Ngày xưa, người ta bắt cá bằng tay, nhưng ngày nay thì có bình điện và cái xiệc làm cho cá ngất xỉu (không để chết), và việc bắt cá hơn. Nói là “cá”, chứ trong thực tế thì có cả lươn, rắn, đủ thứ cả. Nhóm hậu cần chỉ là những bà nội trợ và các cô gái trong xóm, chuyên phụ trách cân cá, sàng lọc cá nào để mấy ông nhậu, cá nào đem đi bán, và cá nào dành để biếu cho bà con chòm xóm. Nồi cháo, nồi canh chua, bếp lửa đã sẵn sàng; chỉ cần bắt cá lên và trong vòng 10 phút là có đồ ăn ngay. Ngoài 3 nhóm kia, còn có mấy đứa trẻ trong xóm cũng lăn xăn phụ giúp việc. Ngày tát đìa cứ như là một ngày hội.

Đìa của ông anh tôi bao bọc một thửa ruộng khoảng 10 công, với chiều dài khoảng 50 thước và bề ngang cũng 50 thước, tức là thuộc vào loại đìa lớn. Khi nước đìa đã cạn dần, nhóm thu hoạch bắt đầu cho hai xuồng nhỏ xuống đìa. Trên mỗi xuồng là 1 người cầm xiệc và 1 người giữ cá, còn phía dưới nước thì có 4-5 người chuyên lo mò cá và bắt cá. Họ di chuyển xuồng một cách chậm chạp để dồn cá vào một khu vực và sẽ tóm hết tại khu đó. Nhưng đi hết một vòng vẫn chưa bắt hết cá, vì mấy chú cá này trốn tránh con người rất giỏi. Chúng có thể chui vào bùn, vào bụi rậm, hay lặn sâu để trốn. Nhưng con người thông minh hơn cá, nên chỉ cần đảo xuồng 2,3 vòng với cái xiệc điện thì mấy chú cá không có cách nào thoát khỏi bàn tay của con người.

Đội bắt cá


Những con cá lóc, các chép, cá rô, cá trê vàng lớn nhất đều để lại để … nhậu và ăn tiệc. Ngay bên cạnh sân nhậu đã có mấy đứa trẻ nhóm lửa sẵn sàng, khi cá được bắt lên, mấy đứa trẻ này cho vào nướng trui và thưởng thức ngay tại chỗ. Hôm đó, ông sui của ông anh họ tôi cũng có đến chia vui, và đem theo một hủ rượu thuốc (ông hành nghề đông y). Còn rau thì không cần đi đâu xa, mà chỉ “khai thác” ngay các loại rau mọc trong vườn và bờ ruộng. Nào là me, rau đắng, rau thơm, rau dừa (loại này càng ngày càng hiếm) được mấy đứa trẻ hái về để phục vụ cho bữa ăn. Chúng tôi đã có một bữa ăn (nhậu) rất dân dã, ngon miệng, mà có phần thịnh soạn nữa.

Những con cá rô to loại này khó tìm ở chợ


Cá rô nướng tại chỗ


Tát đìa xong, giải lao bằng cá rô, cá lóc và cá trê vàng nướng, cùng rượu đế


Và cá trê vàng, rất hiếm ngày nay


Một con cá chép nặng 4 kg


Một con cá chép khác






Một con cá lóc 3 kg


Lâu lắm rồi (chắc trên dưới 40 năm) tôi mới có dịp tham dự vào buổi tát đìa như thế này. Tuy “công nghệ” tát đìa ngày nay có phần thay đổi hiện đại hơn một chút, nhưng tinh thần và ý nghĩa thì vẫn như cũ. Nhìn mấy đứa trẻ lăn xăn chạy bắt từng con cá làm tôi nhớ đến thời tôi ở vào độ tuổi của mấy đứa này, vào cái thời mà kí ức tát đìa không bao giờ phai nhòa trong tôi. Tôi nghĩ mấy đứa trẻ này sau khi lớn lên và lưu lạc ra khỏi vùng quê cũng như tôi, tức là cũng đem theo những kỉ niệm và kí ức của một thời tát đìa dưới quê.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét