Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Cảm nhận về 2 chuyến ghé thăm Đại học Quốc gia

Trong chuyến công tác ngắn ngũi ở Việt Nam, tôi có cơ duyên ghé thăm 2 trường Đại học Quốc gia: một ở Hà Nội và một ở TPHCM. Tất cả cũng chỉ tình cờ, chứ chẳng nằm trong chương trình làm việc của tôi. Nhưng những cuộc gặp gỡ tình cờ thường để lại nhiều ấn tượng và kỉ niệm lâu dài. Xin ghi lại đây vài cảm nhận cá nhân qua 2 lần ghé thăm 2 trung tâm giáo dục lớn nhất nước ...

Tôi không có duyên với Hà Nội. Lần nào đi Hà Nội cũng có những kỉ niệm buồn, và lần này không phải là một ngoại lệ (tôi sẽ thuật lại chuyện tôi bị “ăn cướp” ngay tại thủ đô trong một bài sau). Lần nào ở Hà Nội thời khóa biểu làm việc đều kín mít, mà toàn là những việc bên lề, chẳng liên quan gì đến chương trình của chuyến đi. Những chuyện nói là “bên lề” nhưng lại là chuyện – nói theo người Tây phương – là gần với trái tim tôi (close to my heart): đó là chuyện giáo dục đại học và chất lượng nghiên cứu khoa học. Tôi viết rất nhiều (có lẽ hàng trăm) bài viết về 2 chủ đề này, và phần lớn đều được Tạp chí Tia Sáng đăng tải, còn lại thì Tạp chí (hay bản tin) Đại học Quốc Gia Hà Nội và tờ báo mạng Tuần Việt Nam đăng tải. Do đó, tôi có cơ duyên quen biết các bạn biên tập trong 3 tờ báo này. Có người tôi chưa gặp mặt ngoài đời, nhưng các anh bạn trong Tia Sáng thì gặp 2 hay 3 lần rồi. Do đó, chuyến đi Hà Nội nào tôi cũng tranh thủ thời gian gặp bạn bè đã quen và chưa gặp để nói chuyện.

Buổi sáng ngày 15/1, trước khi bay vào Sài Gòn, tôi hẹn gặp các bạn trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tôi đến Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), nên cái gì cũng mới đối với tôi. Từ khách sạn Fortuna (nơi tôi lưu trú lần này) đến ĐHQGHN ở Cầu Giấy chỉ 5 km gì đó, nhưng taxi chạy loanh quanh cũng mất cả 10 phút! Mới bước vào khuôn viên đại học, tôi thấy trường cũng rộng rãi, chắc chắn là rộng hơn và sạch sẽ hơn so với Đại học Khoa học Tự nhiên ở Sài Gòn. Hình như trường đại học nào ở Hà Nội (ngoại trừ trường nông lâm) cũng đều rộng và sạch hơn đại học trong Sài Gòn. Nói ra nhận xét này chắc các bạn trong Nam sẽ không hài lòng, nhưng đó là cảm nhận cá nhân tôi có được sau khi đi qua và so sánh.

Nơi tôi đến gặp là Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng (tiếng Anh là Center for Mass Communication and Public Relations). Ở đây tôi quen biết 2 người bạn trẻ: tôi từng biết P từ những ngày anh còn cộng tác bên Tia Sáng, và sau này là H trong một chuyến về Hà Nội và đàm đạo bên quán cà phê sinh viên gần khách sạn Melia (lúc đó tôi ở khách sạn này). Chúng tôi có vẻ hợp ý nhau lắm, và cùng có một mối quan tâm về các vấn đề quản lí chất lượng nghiên cứu khoa học, nên câu chuyện của chúng tôi hầu như không bao giờ có hồi kết! Nhưng hôm nay tôi gặp anh Q, là giám đốc trung tâm và cũng là tổng biên tập của tạp chí Đại học Quốc gia HN. Chúng tôi đã có một giờ bàn luận thú vị về các vấn đề chung quanh những bài viết của tôi. Tôi cũng có dịp giải thích những quan điểm và cái nhìn của tôi về tình hình khoa học ở trong nước. Tôi quen tính người miền Nam, “nghĩ sao nói vậy người ơi”, nên chẳng biết có làm phiền các anh không. Tôi nghĩ là không, vì nhìn qua cách nói và với một phong cách thoáng của anh Q tôi nghĩ chúng tôi nói chuyện cùng “băng tần”.

Tôi nói sơ qua về các chỉ số đánh giá một nhà khoa học, và nhắc lại rằng có lẽ tôi là người đầu tiên giới thiệu chỉ số H ở Việt Nam. Tôi cũng nhắc lại những vấn đề liên quan đến quan niệm, qui trình và tiêu chuẩn phong chức danh giáo sư ở Việt Nam. Tôi nói rằng quan niệm về chức danh giáo sư ở nước ta lạ lùng quá, vì nó như là một phẩm hàm, một phần thưởng chứ không phải là một chức danh khoa học. Có lẽ chính vì quan niệm lệch với thế giới nên chúng ta có quá nhiều giáo sư không giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu, mà làm trong các cơ quan hành chính và quản lí. Về qui trình và tiêu chuẩn cũng có nhiều vấn đề cần bàn và xem xét lại. Một trong những tiêu chuẩn phong hàm giáo sư là số lượng và chất lượng bài báo khoa học, nhưng rất tiếc là cách hiểu về “bài báo khoa học” của hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước theo tôi là không đúng. Không thể nào xem những abstract trong các hội nghị khoa học là “paper” (bài báo khoa học) được. Cũng không nên đánh đồng các bài báo khoa học đăng trên các tập san quốc tế, vì các tập san này rất khác nhau về chất lượng; cần phải dựa vào một số chỉ số để đánh giá chất lượng tập san. Các chỉ số này có lẽ không hoàn hảo, nhưng nó vẫn tốt hơn là không dựa vào cảm tính hay ý kiến của những vị “giáo sư đầu ngành”. Theo tôi, ý kiến của giáo sư, cho dù là giáo sư đầu ngành, có giá trị thấp nhất nếu không kèm theo những dữ liệu cụ thể.

Đến khi vào Sài Gòn tôi lại có dịp ghé thăm Đại học Quốc gia TPHCM. Cơ duyên của tôi với ĐHQGTPHCM là qua trung gian một người quan tâm đến chất lượng giáo dục. Đại học này mới ra đời, hình như là 15 năm. Đại học này ra đời với một tổ chức hơi … phức tạp (và bây giờ tôi mới hiểu chút chút). Một cách đại khái, Đại học Quốc gia là tập hợp một số đại học thành viên. Trong trường hợp ĐHQGTPHCM, các đại học thành viên là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (tên gì mà dài thế), Đại học Bách khoa, và Đại học Công nghệ Thông tin. Điều đáng nói là mặc dù ĐHQGTPHCM là cơ quan ngang bộ (tức báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ), nhưng các đại học thành viên thì lại trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giám đốc ĐHQG trên danh nghĩa là tương đương bộ trưởng, nhưng “quân” của ông thì báo cáo cho một bộ trưởng khác! Thật là phức tạp! Tôi không biết với cơ chế như vậy thì vận hành làm sao cho trôi chảy.

Đại học tọa lạc trên một khu đất rất rộng ở Thủ Đức. Vì ở xa như thế (thật ra thì chẳng có gì là xa nếu tính cây số) và phần lớn nhân viên đều ở trong nội thành, nên nghe nói rằng nhiều nhân viên đi làm ở đây phải đi xe bus của trường từ trung tâm Sài Gòn. Tôi phải đi taxi (do trường có nhã ý trả) từ Sài Gòn ra Thủ Đức (tốn khoảng 200 ngàn đồng). Trên đường đi, tôi thấy đoạn đường này cực kì bận rộn, với nhiều đoàn xe tải ngược xuôi vận chuyển hàng hóa có lẽ từ các trung tâm kĩ nghệ về thành phố và ngược lại. Phải đi qua con đường này mới thấy kinh tế Việt Nam sôi động cỡ nào.

Vẫn như ở ĐHQGHN, tôi cũng không có cơ duyên gặp các vị lãnh đạo trường ĐHQGTPHCM, vì ai cũng bận đi công tác hay chuẩn bị lễ kỉ niệm 15 năm thành lập trường. Nhưng tôi vẫn có dịp nói chuyện với vài đồng nghiệp quan tâm về chất lượng giáo dục đại học. Hai lần tiếp xúc với hai đại học quốc gia là hai lần tôi nghe đến chuyện đổi mới trong giáo dục đại học, chuyện nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo, nhưng chưa thấy nói đến nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, những bàn luận vẫn chỉ xoay quanh những vấn đề chung, chưa đi vào chi tiết, chưa bàn đến làm gì và làm ra sao, chưa nói đến “kĩ thuật”, tức là những vấn đề phức tạp hơn là nói chung chung.

Mấy năm gần đây người ta nói đến ý định đưa đại học Việt Nam lên tầm quốc tế (world class), với những thời điểm cụ thể và con số cụ thể. Nhưng cảm nhận của tôi qua ghé thăm nhiều trường đại học (đương nhiên không phải tất cả) thì giấc mơ đẳng cấp quốc tế còn xa vời lắm. Chưa có một đại học nào có nghiên cứu nội lực thật tốt. Chưa có một đại học nào có cơ sở vật chất tốt. Chưa có một đại học nào có thư viện cho đúng nghĩa. Chưa có đại học nào mà giáo sư có thành tích nghiên cứu thuộc hàng đẳng cấp quốc tế (tức chỉ số H trên 20). Vậy thì làm sao chúng ta mơ tưởng đến chuyện trở thành đẳng cấp quốc tế trong vài năm được. Tốt hơn hết là tự mình làm cho tốt, đến khi đủ nội lực rồi sẽ nói chuyện đẳng cấp quốc tế. Làm tốt phải bắt đầu từ những chuyện xây dựng cơ sở vật chất, đặt nặng nghiên cứu khoa học, thu hút người tài và đảm bảo cuộc sống cho họ. Chỉ khi nào làm được mấy chuyện này thì chúng ta sẽ nói đến đẳng cấp quốc tế; còn bây giờ hãy nói đến chất lượng đào tạo và những thước đo chất lượng trước.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét