Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Bác sĩ cắt "của quí" bệnh nhân

Báo Thanh Niên có đi một bài rất đáng chú ý về một ca bệnh có thể nói là hiếm, nhưng cái đáng nói là sự cố xảy ra. Câu chuyện có thể tóm lược như sau:

Ngày 29/5/2009, ông P đến khám bệnh và điều trị tại phòng khám tư của bác sĩ CKA, cũng là phó giám đốc Trung tâm Y tế Ninh Hòa, được chẩn đoán là hoại tử dương vật, viêm tấy tinh hoàn. Một ngày sau (30/5/2009), bác sĩ CKA tiến hành cắt một phần dương vật của ông P (tại phòng khám tư). Gần 3 tháng sau (ngày 17/8/2009), ông P đến khám tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa và nhập viện và “bị” cắt toàn bộ dương vật. Không thấy nói có kết quả giải phẫu bệnh hay xét nghiệm ra sao. Ngày 21/9/2009, ông P. được xuất viện. Sau đó, ông P. có đơn kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ việc cắt dương vật của ông.

Tháng 11/2009, Sở Y tế Khánh Hòa đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra và hội đồng chuyên môn (HĐCM) để xem xét đơn của ông P. Ngày 9/12/2009, sau khi khám bệnh, HĐCM đã đề nghị chuyển ông P. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chẩn đoán và điều trị. Theo kết luận của HĐCM, bệnh của ông P. được chẩn đoán là ung thư dương vật đã vào giai đoạn xâm lấn, lan rộng, nhiễm trùng, nên việc chữa trị rất khó khăn. Hiện tại, tình trạng bệnh của ông P. chưa ổn định, cần được tiếp tục điều trị.

HĐCM kết luận “Việc bác sĩ Anh chỉ định cắt dương vật ông P. là phù hợp, nhằm ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư để kéo dài sự sống người bệnh. Tuy nhiên, việc bác sĩ Anh thực hiện phẫu thuật cắt dương vật tại phòng khám bệnh tư nhân là vượt quá phạm vi hành nghề cho phép, vi phạm Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.”

Tôi thấy câu chuyện đặt ra nhiều câu hỏi. Phẫu thuật cắt dương vật chắc chắn không phải là tiểu phẫu, và đòi hỏi chuyên gia niệu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của các bác sĩ và kĩ thuật viên. Ấy thế mà phẫu thuật đó thực hiện trong phòng mạch tư! Tôi nghĩ nếu ông P mà ở Úc thì câu chuyện này đã lên đến tận ông bộ trưởng y tế và giới y khoa sẽ có một cuộc điều tra rầm rộ, chứ không phải chỉ là vấn đề "vi phạm hành chính".

Chẳng thấy nói đến dựa vào xét nghiệm gì để chẩn đoán là hoại tử dương vật hay ung thư dương vật. Cũng chẳng thấy nói gì đến sinh thiết! Ung thư dương vật rất hiếm. Ở Mĩ mỗi năm chỉ có khoảng 1000 người mắc bệnh này. Điều đáng nói là gần 4 tháng sau bệnh nhân đến khám tại BV đa khoa tỉnh, được HĐCM chẩn đoán là ung thư! Nếu ung thư ở dạng squamous carcinoma (>95%), tức tiến tiển chậm, vậy sau khi cắt toàn bộ dương vật rồi thì xác suất bằng chứng còn lại cũng rất thấp (ngoại trừ bệnh nhân có di căn xa) để đi đến chẩn đoán. Tôi nghi (và chắc nhiều người cũng nghĩ) rằng công lí chưa đến với ông P.

Viết đến đây tôi chợt nhớ một thống kê nổi tiếng trước đây ở Mĩ cho thấy khoảng 4% bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện Mĩ là nạn nhân của các sai lầm y khoa. Sai lầm và “tai nạn” y khoa xảy ra ở các bệnh viện Úc, Canada và Âu châu dao động từ 7% đến 17%. Trong số này, một phần ba là do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của bác sĩ, dược sĩ, và điều dưỡng.

Ở nước ta, chưa có những nghiên cứu tương tự để biết qui mô của vấn đề. Tuy nhiên, nếu chấp nhận tỉ lệ tai nạn 7% (tần số trung bình ở Mĩ, Úc, Canada và Âu châu), với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 7 triệu (số liệu Bộ Y tế năm 2003), có thể ước tính rằng mỗi năm ở nước ta có khoảng 500,000 bệnh nhân bị “tai nạn” y khoa trong các bệnh viện. Đó là chưa kể đến những tai nạn do sai lầm trong các phòng mạch mà con số có thể gấp 5 lần con số ở bệnh viện. Tôi sợ trường hợp ông P là đã góp phần làm nên con số thống kê trên.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét