Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Hối lộ bệnh viện

Bài sau đây đăng trên talawas nêu lên một vấn đề không mới, nhưng vẫn cần phải nêu: Đó là vấn đề y đức và tham nhũng trong hệ thống y tế VN. Tác giả dùng một văn phong trần trụi lột tả hết những khó khăn khi đương đầu với những người có danh xưng là “bác sĩ” thuộc một tỉnh ngoài Bắc. Câu chuyện dưới đây có lẽ xảy ra hàng ngày trên khắp nước, chứ chẳng riêng gì ngoài Bắc. Tôi chợt nhớ cách đây vài hôm, một bệnh viện nọ ở vùng Sydney chuyển bệnh nhân sang một bệnh viện khác không đúng chỉ định, suýt làm cho bệnh nhân chết, và thế là phe “đối lập” (ở Úc có 2 đảng chính) tố cáo bộ trưởng y tế … giết người. Đương nhiên, chuyện chẳng dính dáng gì đến Bộ trưởng y tế, nhưng vì ông ấy đứng đầu ngành, nên bao nhiêu oan sai đều trút lên đầu ông ấy. Chỉ 1 tuần sau, bộ trưởng y tế ra lệnh rà soát lại tất cả qui trình chuyển viện. Có áp lực thì họ sẽ làm. Đó là chuyện ở Úc, chứ còn ở nước ta thì …. [khó nói quá]. :-) Chẳng biết đến bao giờ người bệnh vào “nhà thương”, thay vì “nhà ghét” như hiện nay.

NVT



====

http://www.talawas.org/?p=16180

Tôi đã biết đưa hối lộ

Vũ Hải Ngọc

Thưa các bạn, tôi không bao giờ ngờ được rằng có ngày chính bản thân mình lại biết cầm tiền bỏ vào phong bì để mang đi hối lộ! Lúc này đây, ngồi viết những dòng này, tôi cảm thấy mình có tội, cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình, và muốn tìm một lý do nào để bào chữa.

Ở cái tuổi mà người ta gọi là tam thập nhi lập, tôi vẫn chẳng thể đủ can đảm để đưa hối lộ. Có thể nói tôi bắt đầu tự lập khi tôi bước chân vào trường đại học, năm 1995, với niềm kiêu hãnh của bản thân và sự ghen tỵ của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cú sốc đầu tiên là khi tôi bị một điểm toán dưới trung bình. Khi ấy lớp học đại cương của tôi có đến một nửa là điểm dưới trung bình môn toán. Tất nhiên vẫn có thi lại lần 2, lần 3, thậm chí lần 4. Tuy nhiên tôi sốc vì lần đầu tiên tôi bị một điểm dưới trung bình. Khi ấy đa số những đứa điểm thấp đều đến nhà thầy giáo xin nâng điểm hoặc giúp đỡ cho thi lại lần 2. Có nhóm thì đi chung, có đứa thì đi một mình nhưng quà bất luận là thứ gì cũng không thể thiếu cái phong bì phía dưới cùng. Tôi thì chịu, chẳng phải vì không vay được tiền, mà vì tôi quá xấu hổ nếu phải đút lót để được cái gì người ta ban phát. Hoặc cũng có thể vì tôi quá tự trọng bản thân. Chỉ chắc chắn là khi đó dù biết có cách nhưng tôi không vượt qua được nỗi hổ thẹn để làm.

Tôi tốt nghiệp với mảnh bằng xếp loại khá. Khi ấy, tôi vẫn kiêu hãnh vì là người duy nhất trong số những thằng đồng hương cùng về cơ quan với hồ sơ đẹp nhất, sau rất nhiều năm cơ quan cần người. Tôi luôn được đánh giá rất cao trong công việc bởi sự thông minh và hiệu quả, thời gian hoàn thành nhanh nhất. Có thể chính vì điều đó lại làm cho tôi thêm cao ngạo. Làm việc trong cái cơ chế thị trường định hướng XHCN, nhưng tôi vẫn tuyệt nhiên chưa bao giờ đủ can đảm nghĩ rằng mình sẽ hối lộ để đạt được điều gì đó. Vậy có ai hối lộ tôi không? Có chứ, nhiều là khác. Người ta vẫn dùng những mỹ từ như bồi dưỡng, lót tay hay hoa hồng… Tuy nhiên, nếu làm công khai, chính đáng, đôi khi giúp đỡ cả công việc cho khách hàng, thì vẫn nhận được tiền, tất nhiên ít hơn và đồng tiền này tôi lại cầm đàng hoàng, công khai, tự hào. Còn làm trái với quy định, hoặc không có lợi cho cơ quan thì dù số tiền là bao nhiêu tôi cũng chịu. Nhiều người nói tôi cứng nhắc, máy móc!

Trong công việc và cuộc sống thật khó để tôi hình dung được có ngày tôi sẽ biết hối lộ. Bởi tôi cho rằng thế là tự xỉ nhục bản thân. Bởi tôi cho rằng, chừng nào tôi chưa hài lòng việc cung phụng bố mẹ tôi, thì chừng đó, không bao giờ tôi lại hạ thấp mình để cung phụng kẻ khác.

Bố tôi ốm. Nay, ông đã suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ.

Một tháng vừa qua, là quãng thời gian mà thực tế đã dạy cho tôi phải biết đứng lên trên tự trọng, hạ thấp kiêu hãnh để đạt được mục đích của mình.

Bắt đầu từ khi tôi đưa bố vào bệnh viện Bạch Mai. Tất cả những bạn bè quen biết tôi đều thông báo để những mong tìm sự trợ giúp. Các bạn tôi rất nhiệt tình, họ rất tốt, thậm chí nhiều người sẵn sàng giúp tôi rất nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi đau đớn nhận ra rằng, tất cả họ chẳng có ai là bác sỹ điều trị cho bố tôi cả! Sau này có người trách tôi không biết quan hệ. Điều này đúng, bệnh viện Bạch Mai rất đông bệnh nhân như bố tôi, những bác sỹ, những hộ lý sẽ không thể chú ý để chăm sóc điều trị cho riêng một bệnh nhân nào, trừ khi người nhà bệnh nhân đó có khả năng gây sự chú ý cho họ. Tôi gây chú ý bằng cách: gặp bác sỹ điều trị và ông phó khoa trình bày hoàn cảnh khó khăn với mong muốn tiến triển bố tôi tốt hơn và giảm thiểu chi phí. Đáp lại sự khẩn khoản của tôi sau đó là khoảng thời gian chờ đợi và sợ hãi! Tôi sợ bố tôi chết trước khi được bác sỹ đưa ra hướng điều trị.

Tôi sợ hết tiền, tôi sợ… và tôi đã mất tất cả 5 triệu trên đất Hà Nội vô ích.

Tôi lại thuê xe đưa bố tôi về Hải Dương, nơi mẹ tôi đang sốt ruột mong tin.

Đúng ngày 01/01/2010, cái ngày mà người ta tung tăng vui vẻ hay nhậu nhẹt đâu đó thì tôi đưa bố tôi vào cấp cứu ở khoa Hồi sức của bệnh viện TV Hải Dương. Tôi biết rất rõ nguyên tắc điều trị với bệnh nhân cấp cứu. Bố tôi là hưu trí và có bảo hiểm, tuy nhiên chưa được cấp loại thẻ mới, vẫn cầm thẻ loại cũ. Chẳng biết đó có phải là nguyên nhân khiến cho bố tôi bị hắt hủi không, nhưng tôi thấy tủi nhục chẳng khác gì khi ở bệnh viện Bạch Mai. Thẻ cũ không được tính, tôi phải nộp tiền đặt cọc, khi nào có thẻ mới, ra viện thanh toán sau. Số tiền quá lớn, tôi chìa ví ra, móc toàn bộ tiền, nói chỉ có chừng đó đặt cọc, nhưng không nhận được trả lời từ cái bản mặt lạnh như cứt ngâm của đám nhân viên mặc áo blu trắng kia. Tôi lấy giấy tờ xe máy để lên bàn làm tin… cũng chẳng nhận được sự thông cảm nào. Bố tôi đã hôn mê vì Ure và Creatinin đã tăng quá cao, với các chỉ số xét nghiệm khác, bác sỹ lúc cấp cứu chỉ định bố tôi phải lọc máu cấp cứu và truyền máu ngay. Vậy mà 24h trôi qua, bố tôi vẫn nằm đó thở ô xy.

Tôi đẩy mạnh cửa phòng bác sỹ, hét vào mặt ông ta:

“Này bác sỹ, ông có còn là con người nữa không? Máu truyền đặt cọc 650.000, lọc máu cấp cứu 600.000, tôi đã nói là chỉ cầm đi 500.000. Ông sợ bệnh nhân chạy làng hay ông sợ người nhà bệnh nhân không chịu trả? Bố tôi có bảo hiểm, chỉ phải chịu 5%, nhưng chưa đổi được thẻ mới, ông hiểu chưa?”

Thằng bác sỹ chừng 40 tuổi, tái mặt, giải thích vòng vo rồi bảo y tá đưa bố tôi đi lọc máu cấp cứu và lĩnh máu về truyền.

Tôi đã phải trả giá cho hành động “không biết quan hệ” của mình. Ngay đêm đó, đúng 23h30, hắn yêu cầu chuyển bố tôi sang khoa Nội 3 (thận và nội tiết).

“Này bác sỹ, trời đang mưa và rất lạnh, từ đây sang khoa Nội 3 đi làm sao để không ướt, với lại bố tôi đã tỉnh đâu? Huyết áp trên 200mmHg, 30phút mất một cái bỉm vì đi ngoài lỏng…”

“Anh ơi, ở khoa này chỉ có nhiệm vụ cứu để bệnh nhân không chết thôi, rồi sau đó là chuyển sang chuyên khoa điều trị.”

“Đ.mẹ mày, tao xin lỗi mày nhé, bố tao sẽ không thể chết nhưng có tai biến xảy ra thì mày tính sao?”



“Thôi không nói nhiều nữa, chuyển đi ngay đi mấy đứa này.”

Đám y tá, hộ lý cuống quýt thực hiện y lệnh.

Khoa Nội 3 là một khoa có các bác sỹ rất trẻ! Tôi đã thuộc chi tiết họ tên, tuổi của từng bác sỹ ở đây bởi bố tôi có thâm niên điều trị hàng chục lần tại khoa này trong vòng 3 năm trở lại đây. Có cái loại bác sỹ kiểu gì lại sợ điều trị bệnh nhân nặng! (Sau này tôi mới biết, bệnh viện TV gần đây tuyển vào rất nhiều bác sỹ từ tuyến dưới như tuyến quận, huyện lên. Với đặc thù của ngành y thì điều đó là quá tệ!)

Mẹ cha nó chứ, ốm nhẹ thì vào đấy làm đéo gì cho tốn tiền gửi xe mỗi ngày 20.000. Tôi đã nhủ thầm khi bác sỹ điều trị gọi tôi sang thông báo tiên lượng bệnh tình của bố tôi rất xấu. Suy thận giai đoạn cuối, huyết áp không giảm, đi ngoài lỏng ồ ạt, liên tục, có dấu hiệu của lao phổi, suy hô hấp, thở ôxy, hồng cầu giảm còn 1/3 bình thường, bắt đầu hôn mê… Họ nói thế rồi yêu cầu tôi ký vào giấy xin điều trị và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quá trình điều trị nếu có tai biến xấu xảy ra.

Hic, ký thì ký, chứ cái trò con nít này thật là vớ vẩn. Người nhà bệnh nhân ký vào bệnh án để bác sỹ yên tâm điều trị, quyền chỉ định điều trị, mọi quyết định là của bác sỹ cũng như mọi diễn biến bệnh đều chỉ có chuyên môn bác sỹ mới biết. Người nhà ký vào hồ sơ chịu hoàn toàn trách nhiệm thì… ai chẳng làm bác sỹ điều trị được!

Những ngày sau đó bố tôi có khá hơn nhưng vẫn đi ngoài nhiều và khó thở. Vẫn lọc máu cấp cứu 2 ngày một lần. Tôi lấy 350ml máu của tôi để truyền cho bố tôi, lấy xong rồi mà cái đứa kỹ thuật viên nó bắt tôi phải nộp 600.000 tiền mua máu. Sau khi nghe tôi trình bày thì nó trả lời:

“Đây là nguyên tắc, kể cả có bảo hiểm và người nhà cho máu. Nhưng chúng em chỉ biết thu tiền khi phát máu cho bệnh nhân và viết giấy để người cho máu sáng mai nhận 210.000 tiền bồi dưỡng. Còn sau đó nếu là người nhà hoặc bệnh nhân có bảo hiểm thì được hoàn trả.”

“Tệ quá em ơi, anh chỉ còn 450.000, anh nộp tạm 400.000 và em cầm cái giấy biên nhận cho máu của anh nhé.”

“Không được đâu anh ơi, mai ca người khác làm rồi, em không trực sáng mai.”



“Này, tiên sư mày chứ. Có cái luật nào mà người cho máu lại phải trả tiền mua máu của chính mình không? Nguyên tắc nào cũng là do con người nghĩ ra. Mày gọi trưởng khoa mày ra đây tao dạy cho.”

“Anh đợi em một tý em gọi điện thoại cho trưởng khoa.”



“Thôi được rồi anh ơi, anh cầm giấy biên nhận này về đi và sáng mai quay lại lấy 210.000 tiền bồi dưỡng. Anh không phải ứng tiền máu nữa đâu.”

“Hic, bồi cái con khỉ. Nói trắng ra là bán máu để bệnh viện đi buôn cho nó chuẩn lại còn bày đặt bồi với chả đắp. Bệnh nhân phải trả 600.000 là sao?”

Quay trở lại câu chuyện của bác sỹ khoa Nội 3. Sau 2 lần thuyết phục tôi không được, họ đành quay ra thuyết phục mẹ tôi, với cùng nội dung: ký vào sổ cam kết chịu trách nhiệm như tôi đã làm, đồng thời thuyết phục: hãy xin về nhà. Rất rõ ràng là bác sỹ rất sợ điều trị bệnh nhân nặng. Lỡ có làm sao sợ người nhà kiện cáo, lỡ có làm sao thì mất danh hiệu, lỡ có làm sao thì ăn nói thế nào nếu muốn kê khai thành tích. Thế nên thuyết phục nhiều lần cả tôi và mẹ tôi hãy xin về nhà đi vì bệnh nặng lắm. Tôi, đồng thời thuyết phục mẹ tôi: lờ đi, không nói gì cả, không xin. Để tôi lo.

Rồi một ngày, bác sỹ D – bác sỹ trực tiếp điều trị cho bố tôi, sang phòng bệnh:

“Bác đã đỡ đi ngoài chưa anh ơi?”

“Bác sỹ ơi, bố tôi vẫn chưa đỡ. Bác sỹ xem có hướng nào khác không, chứ mấy ngày nay đi ngoài nhiều hơn và mệt nhiều hơn đấy.”

“Tôi đã nói rồi mà, đây là do biến chứng. Rồi kể cả bệnh này khỏi thì cũng sẽ lại nhiễm bệnh khác thôi. Anh nghe chúng tôi nói từ trước rồi đấy, bệnh của bác rất nặng, có khi chỉ vài ngày nữa là… là không ai lường trước được đâu.”

Rồi những ngày sau đó, bố tôi kiên quyết không ăn, không uống thuốc. Chỉ bởi đơn giản bố tôi nghe thấy bác sỹ đã nói. Bố tôi thều thào: để bố đi cho nhanh, để hai mẹ con khỏi khổ và tốn tiền. Còn mẹ tôi chỉ biết khóc và khóc! Tôi đau quá chạy sang phòng giao ban của bác sỹ:

“Này chị ơi, thật sự tôi không thể hiểu chị nghĩ gì mà chị… vô duyên quá (chẳng nhẽ nói là quá ngu, vì có lần chị ta kê đơn cho tôi đi mua chỉ có loại thuốc viên để về truyền tĩnh mạch, tôi đem sang hỏi trưởng khoa thì biết là chị ta nhầm!). Trong khi bệnh án thì các chị giấu biệt, không bao giờ cho người khác tiếp cận, thế mà chị đứng trước mặt bệnh nhân nói rằng họ chỉ sống được 2-3 ngày nữa, rằng giờ nó biến chứng đủ thứ… như AIDS vậy. Chị chẳng có đạo đức nữa rồi, bây giờ tôi làm sao thuyết phục được bố tôi uống thuốc và ăn đây? Trong khi lúc xấu nhất thì tôi vẫn nói dối mẹ tôi và bố tôi là chỉ nằm đây đợi làm cầu tay để chạy thận là về nhà ăn Tết, vậy mà chị lại… chán quá!”

Những ngày sau là hội chẩn triền miên, nào là mời bác sỹ bên Hồi sức nội, bác sỹ khoa Thận nhân tạo, bác sỹ khoa Truyền nhiễm và cả bác sỹ bên bệnh viện Lao sang hội chẩn. Cuộc hội chẩn nào mẹ tôi cũng được gợi ý bồi dưỡng. Và hình như mẹ tôi chỉ bồi dưỡng cho bác sỹ bên lao phổi, vì là bác sỹ của bệnh viện khác đến hội chẩn.

Rồi người ta phát hiện ra bố tôi bị nấm đường ruột và lao phổi. Vậy là một lần nữa bố tôi chuyển sang khoa Truyền nhiễm. (Sau này tôi được biết chẳng phải nấm cũng chẳng phải lao, đó là lý do để chuyển, vì thuốc đó bố tôi có uống đâu, bệnh vẫn đỡ.)

Lại một lần nữa ê chề! Cho dù bác sỹ trưởng khoa Truyền nhiễm đồng ý tiếp nhận, nhưng ông ấy đâu phải là người trực tiếp khám và điều trị hàng ngày? Bà bác sỹ điều trị kê cho cái đơn thuốc 30 viên điều trị nấm đường ruột “hết chỉ có 4,5 triệu thôi”! Tôi biết làm sao, đành ra hiệu thuốc mua loại 4.500 đồng/viên, mua trước 15 viên. Còn đám hộ lý thì ì sèo, lườm nguýt với thái độ rằng gia đình tôi không biết “quan hệ tốt” với họ! Ngày hôm sau, đến lịch bố tôi mổ phẫu thuật ở cánh tay để làm “cầu tay” nhằm chạy máy lọc máu lâu dài, việc mổ là do bác sỹ khoa Ngoại lồng ngực và thần kinh thực hiện. Lịch mổ thì khoa Ngoại có rồi, bác sỹ bên đó yêu cầu phải sang khoa Ngoại nằm tối hôm trước để sáng hôm sau mổ. Việc mổ này chỉ có thể gọi là tiểu phẫu, nên sau khi mổ chừng 1 giờ là có thể đưa bệnh nhân về lại khoa cũ đang điều trị.

Tất cả mọi bệnh nhân đều như vậy, chỉ trừ bố tôi. Bác sỹ điều trị khoa Truyền nhiễm yêu cầu chuyển hẳn, tức là bố tôi phải mang tất cả đồ đạc theo. Lại một lần nữa tất cả như bỉm, 2 bô đứng, 2 phích đựng nước, bát đũa, quần áo, chăn, đồ ăn nước uống, túi lớn túi nhỏ… mang đi. Tôi thật sự tủi thân.

“Cô này, cháu hỏi thật cô nhé, thế bố cháu có thực sự bị nhiễm lao hay không mà bên Nội 3 người ta lại hắt hủi sang đây như vậy?” Tôi tỏ vẻ am hiểu và chua xót hỏi bác sỹ điều trị, một phó khoa trẻ.

“Bố mày sang đây là vì cấy phân thấy có nấm, chứ không phải vì lao. Người ta làm xét nghiệm chán chê rồi có phát hiện ra cái con ô-mê-ga khỉ gió gì gì ấy đâu. Nhưng là vì cách đây 16 năm bố mày đã điều trị lao, nên nay có thể đề kháng kém sẽ nhiễm lại. Thôi thì cứ uống cho yên tâm.”

“Nhưng uống thuốc lao mệt người lắm cô ơi. Ngày xưa bố cháu điều trị cháu biết chứ. Với lại có nhất thiết phải chuyển hẳn bố cháu sang Ngoại như thế không cô? Bên đó nói mổ xong là quay về luôn mà?”

“Chúng tao chỉ chữa liên quan đến ỉa, còn nếu mổ xong thì phải quay về Nội 3 để điều trị tiếp chứ.”

“Thế sao khi bên Nội 3 người ta vẫn điều trị ỉa, vẫn mời bác sỹ của các chuyên khoa khác sang hội chẩn và điều trị?”

“Thôi không nói nhiều. Chuyển hết đi nhé. Cái đi ỉa của bố mày chỉ uống thuốc đó vài hôm nữa là khỏi.”



Nếu điều trị đường ruột do biến chứng của tiểu đường dễ như thế, sao bên Nội 3 hội chẩn mãi không ra nhỉ?

Một điều may mắn, ở khoa ngoại tôi biết được bác sỹ mổ cho bố tôi lại chính là thằng em, một thằng tôi chơi thân với nó cách đây nhiều năm. Chính nó trực ca đó, chính nó là người đồng ý nhận bố tôi vào khoa. Bởi về nguyên tắc, thì các y tá trực đã từ chối nhận do bệnh nhân đang thở ô xy, không thể nhập khoa Ngoại để xếp lịch mổ được. Tôi thực sự chán nản bởi chính lúc chuyển bố tôi sang khoa Ngoại thì bác sỹ bên Truyền nhiễm mới cho thở ô xy và nói: có như thế thì chuyển đi người ta mới nhận. Bây giờ thì tôi mới hiểu, tại sao bác sỹ đó nói mổ xong lại quay về Nội 3 chứ không quay về chỗ bà ấy nữa. Nhưng thằng em bác sỹ kia cũng hiểu bên Truyền nhiễm đã đá bóng sang chân nó. Tôi cảm thấy nhẹ người khi thằng em trấn an tôi, rằng việc mổ đơn giản lắm, anh yên tâm.

Sáng hôm sau 9h bố tôi được chuyển sang khu mổ. Bên ngoài hành lang có nhiều người nhà của những bệnh nhân đang mổ. Trong các câu chuyện để giết thời gian, tôi và mẹ tôi biết rằng ai cũng chuẩn bị một phong bì người thì cầm trên tay, người thì đút túi ngực, nhưng hơi nhô lên để lộ ra. Người ít nhất là 500.000, có người 1, 2 triệu. Mẹ quay sang hỏi tôi đã chuẩn bị chưa? Tôi vừa nói dối vừa giải thích với mẹ tôi: đã lo bọn y tá rồi, còn bác sỹ mổ là chính, nhưng có đưa phong bì nó cũng không dám cầm của tôi. Chỗ anh em thân tình, mặt mũi nào làm thế.

Quả thực ca mổ bố tôi rất tốt, trong khi có nhiều người như bố tôi phải mổ lại hôm sau. Nhưng điều khiến tôi vừa bực vừa tủi thân lại chính ở những đứa chẳng có trình độ và công việc quyết định đến việc mổ. Khi xe cáng đưa bố tôi ra, để người nhà cùng đưa bệnh nhân về khoa.

“Em ơi, anh cảm ơn em nhé. Thôi lúc nào anh em mình ngồi với nhau nói chuyện sau.”

“Vâng anh đưa bác về đi, em kiểm tra lại rồi, vết mổ tốt lắm, mạch thông tốt, không tắc.”

“Cảm ơn các chị nhé,” tôi quay sang 2 y tá.

“Ơ, thế chỉ cảm ơn thế thôi à?”

“Sao hả chị? Em chưa biết phải cảm ơn thế nào khác nữa. Không lẽ người nhà bác sỹ mổ và giám đốc của bệnh viện cũng không được cảm ơn hả chị?”



Tôi xin bác sỹ trưởng khoa Truyền nhiễm cho quay lại khoa đó để điều trị cho đến khi có thể ra viện. Ông vui vẻ đồng ý và trấn an, tư vấn cho tôi. Cũng từ sau đó mọi thuốc lao tôi bảo mẹ tôi đừng cho uống, ném vào sọt rác. Bố tôi ăn uống và mọi sinh hoạt đều tại giường, mông đã bắt đầu loét. Khoa Truyền nhiễm ở tầng 1 nên việc vận chuyển sang khoa Thận nhân tạo bằng xe cáng là thuận tiện hơn khoa Nội 3 ở tầng 2 rất nhiều vì đi cầu thang bộ.

Ở khoa Truyền nhiễm, tôi lại thấy họ vẫn mời được bác sỹ bên Nội 3 và các khoa liên quan đến khám, hội chẩn và cho thuốc. Đấy, chẳng cần đúng chuyên ngành, muốn thì vẫn có bác sỹ chuyên khoa chỉ định.

Bố tôi đã bớt đi ngoài, nhưng có lẽ đó là do loại thuốc men tụy mà một người bạn ở Hà Nội mua giúp tôi. Vì thuốc lao và thuốc tiêu hóa của khoa bố tôi đã không uống nữa.

Trước khi bố tôi ra viện, tôi đã sang bệnh viện TG, gần nhà tôi, để liên hệ việc chạy thận suốt đời cho bố tôi tại đây. Ở đó họ nói vẫn còn máy, nhưng phải đưa bệnh nhân đến họ xem có nhận được không thì mới nhận. Tôi lờ mờ phỏng đoán rằng tức là họ chỉ nhận nếu có điều kiện nào đó. Có thể điều kiện là bệnh nhân không yếu quá hoặc người nhà bệnh nhân biết “quan hệ tốt”?

Tôi tranh thủ trốn đầu giờ làm việc để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm và giấy tờ ra viện. Đợi từ 7h nhưng đến 8h họ mới làm việc. Rất đông. Đành kiên nhẫn chờ thôi. Nhưng chờ họ làm việc chứ chờ họ ngồi vừa làm vừa buôn dưa lê thì quả là cực hình với đa số người nhà bệnh nhân.

“Này chị ơi, chị làm việc bằng tay hay bằng mồm mà cứ nói liên mồm và dừng tay lại thế kia? Đông thế này, chị làm ơn đi.”

Một cái lườm và nguýt đồng loạt của mấy nhân viên bảo hiểm khiến ai cũng lạnh người. Tuy nhiên điều tích cực hơn là họ đã tập trung làm việc trở lại.

Rồi hồ sơ của tôi cũng đến, dù là người đầu tiên nhưng họ cũng mất 2 tiếng để làm!!! Chỉ bởi đơn giản tôi chẳng giống ai, chẳng biết “quan hệ tốt”!

“Chị ơi sửa giúp tôi họ của bệnh nhân là Vũ chứ không phải Võ.”

“Ui giời, là Vũ à, hay nhỉ.”

“Ơ, cái chị này. Chị chưa thấy ai họ Vũ bao giờ à? Nhầm họ thì làm sao Bảo hiểm thanh toán được?”



“Chị ơi, bệnh nhân đồng chi trả 5% chi phí, sao số tiền tôi lấy về lại chỉ khoảng 50% so với đã ứng ra nộp thế?”

“À anh ơi, thế là đúng rồi đấy. Thế này nhé, thế này, thế này… chỗ này chừng này chừng này, anh chỉ được trả chừng này… Tóm lại là: bệnh viện người ta thu tiền của anh theo đơn giá Thành phố, còn bên Bảo hiểm chúng em lại chỉ thanh toán theo đơn giá của Bảo hiểm Việt Nam, thấp hơn nhiều.”

“Thế tiền chênh lệch đó là bệnh nhân phải chịu, nó chạy đi đâu?”

“Cái đó chắc bệnh viện thu, chúng em không biết.”

“Quái lạ, tất cả đều hưởng lương ngân sách và khi nộp tiền cũng ở đây, thanh toán cũng ở đây. Thế mà lại quy định 2 đơn giá chênh nhau nhiều thế nhỉ!”

Để cho xong việc rồi chuyển bố tôi sang bệnh viện TG nên tôi ký nhận tiền và ra về. Liệu có bao nhiêu khoản mục Thành phố quy định để bệnh viện thu tiền cao hơn so với đơn giá của bảo hiểm? Không lẽ cùng một định mức điều trị mà bên bảo hiểm người ta lại không có chuyên môn để đưa ra định mức cho chính xác như Thành phố và bệnh viện? Và đơn giá Thành phố phê duyệt chính là do bệnh viện xây dựng và đề xuất tham mưu trình ký đấy thôi!

Bố tôi đã xuất viện TV để chuyển sang xin nhập viện TG điều trị lâu dài.

Để đưa bố tôi đi nhập viện TG, tôi đã phải nhờ cô hàng xóm đi cùng, để nếu phải ngoại giao “quan hệ tốt” thì cô ấy làm giúp. Trước khi đưa bố tôi vào bệnh viện TG, tôi đã bảo bố tôi hãy cố gắng hết sức để tỏ ra là mình đã hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo. Tôi dìu bố và cứ bước chân dài ra, để đi như con rối dây ấy. Kế hoạch đó không thực hiện được bởi bố tôi quá yếu, phải bế vào giường từ taxi.

Tay bác sỹ bên bệnh viện TG là phó khoa Thận nhân tạo hỏi giấy tờ của bố tôi.

“Tình hình bố anh thế này rất khó, tôi không chắc chắn nhận được. Để mai cho làm xét nghiệm máu và báo cáo giám đốc rồi mời hội chẩn xem có nhận được không anh ạ. Nhiều bệnh thế này khó lắm.”

Trình bày không được kết quả, tôi quay ra nhờ đến cô hàng xóm đi cùng. Cô ấy vào 2 phút sau quay ra, hớn hở tủm tỉm cười. Thì ra cô chỉ nói: “cháu xem giúp cô” và để cái phong bì 100.000 trên bàn. Tay bác sỹ kia chẳng nói gì cất ngay vào túi và: cô gọi cái anh lúc nãy vào đây.

“Thế này anh ạ, bây giờ tôi sẽ cho xét nghiệm máu ngay, đồng thời tôi sẽ nhận bố anh nhưng anh phải sửa lại cái giấy chuyển viện. Chứ đề lao phổi thế này thì phải sang bệnh viện Lao điều trị.”

“Ok!”



Lại quay về trình bày với bác sỹ điều trị của khoa Truyền nhiễm. Đến mỏi lưỡi cũng chẳng ăn nhằm gì. Rằng cứ coi như không có lao, sau này có phát hiện ra thì coi như mới nhiễm, chứ thuốc lao toàn vứt đi, mà bệnh nhân vẫn hô hấp bình thường, chẳng có biểu hiện của lao… Năn nỉ, giải thích… vô ích. Dù chính bà ấy cũng công nhận chẳng phải lao. Nhưng bệnh án trước đây đã ghi rồi thì nay không thể không ghi trong giấy chuyển viện được. Dù cũng lại biết là bệnh án ghi thế cho có lý do để chuyển khoa!

Nản quá!

Đợi bà ta về, quay đi tìm ông bác sỹ trưởng khoa tốt bụng kia.

“Chú ơi, chú làm ơn giúp cháu viết lại cái giấy chuyển viện này với. Cô P cô ấy về rồi.”

“Oui, thế làm sao phải viết lại?” Ông bác sỹ rất hay đệm tiếng Pháp khi nói chuyện.

“Vâng, cái giấy này có 2 điều mà bên bệnh viện TG nói sẽ không tiếp nhận, là: họ tên bị sửa và có bệnh lao.”

“Thế thì viết lại, có sao đâu. Cháu muốn viết thế nào cứ bảo chú, việc này quá đơn giản. Nhưng khi đi đóng dấu thì đừng nói mình bỏ chữ lao phổi đi nhé, chỉ nói sai họ tên chép lại thôi, chứ không lại khổ đấy.”

Tôi hiểu khổ là thế nào rồi. Rất may mọi thứ ổn cả đúng khi kết thúc giờ làm việc buổi sáng của ông bác sỹ trưởng khoa kia. Chính ông ấy là người chuyển quà cưới từ Hà Nội về cho tôi cách đây hơn 1 năm. Bạn cô giáo tôi đấy.

Hôm sau quay lại bệnh viện TG. Tay bác sỹ kia gắt gỏng hỏi đủ thứ giấy tờ chưa có và còn nói chưa chắc chắn nhận đâu. Mặc dù mới hôm trước trình đủ thứ cho ông ta xem, ông ta yêu cầu photo thành 2 bộ rồi đưa cho y tá khoa.

Cũng lạ, bác sỹ bận trăm công nghìn việc, bận nghiên cứu khoa học nên đãng trí quá. Chóng quên quá. Bác sỹ tuyệt nhiên không biết là 100.000 thì là bình thường so với mặt bằng thu nhập chung, nhưng là cả một khoản lớn đối với bệnh nhân điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối, bởi vì họ sẽ phải chi phí hàng tháng không hề nhỏ.

Vậy mà, lại… vẫn chưa chắc chắn có nhận điều trị hay không mới đểu chứ!

Thế là lần đâu tiên, vâng, đây chính là lần đầu tiên tôi hối lộ đấy các bạn ạ! Kiếm một cái phong bì và bỏ vào đó 100.000 để… chúc tết bác sỹ. Cái cảm giác lừa dối bản thân, cảm giác xấu hổ xen lẫn xót xa trong khi cố tạo trạng thái tươi cười khi đưa phong bì nó khiến tôi ghê tởm.

Vâng, tôi cũng chẳng thể khẳng định tôi có tiếp tục hay sẽ dừng lại cái việc đưa tiền để giải quyết công việc như vậy sau này nữa hay không. Nhưng chắc chắn tôi sẽ làm tất cả những gì để thuận lợi nhất cho việc điều trị của bố tôi. Bố tôi đã được cứu sống nhờ sự quyết tâm của tôi và mẹ.

Và cũng chắc chắn tôi sẽ biết nhận hối lộ, sẽ biết “làm tiền” mạnh tay hơn nữa với các khách hàng của tôi, đặc biệt là khách hàng nào liên quan đến lĩnh vực y tế.

Tôi nhận ra mình đã may mắn, suốt thời gian qua, thời điểm quan trọng nhất thì mình gặp người tốt. Tôi đã không phải “quan hệ tốt” với bác sỹ trước và sau khi mổ (dù thằng em kia vẫn nhận tiền của những người khác trước mặt tôi). Cũng may được người khác quan hệ tốt đúng nghĩa với ông bác sỹ trưởng khoa kia.

Đã từ lâu, tôi nhận ra và luôn ý thức được rằng một thằng chuyên viên giỏi không phải là một thằng có trình độ thực hiện công việc tốt, mà phải là một người nhân viên ngu khi sếp khôn và là một thằng khôn khi sếp ngu. Ngu khôn – khôn ngu. Nhưng tôi chưa phải là con tắc kè để thay hình đổi dạng thích hợp được. Chưa làm được.

Nay tôi sẽ thử!

Nguồn: http://www.talawas.org/?p=16180

0 nhận xét:

Đăng nhận xét