Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Trả lời phỏng vấn đầu năm

Nhân dịp Tết, một phóng viên trẻ của nhóm bayvut.com.au có nhã ý phỏng vấn tôi và một bài bạn bè (anh Trần Nam Bình thuộc Trường kinh tế Đại học New South Wales, và anh Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia về môi trường thuộc Cục bảo vệ môi trường Úc) về những suy tư trước thềm năm mới. Dưới đây là những trao đổi đó của chúng tôi.

Trí thức Việt ở Úc nghĩ về năm mới Canh Dần

VASPA (Vietnamese Association for Scientist Professionals in Australia) là nhóm hoạt động trên cơ sở tự nguyện của một số nhà khoa học gốc Việt hiện đang sống ở Úc, những người có cùng mối quan tâm đối với những vấn đề trong nước. Nhân dịp năm mới Canh Dần, một số thành viên của nhóm đã chia sẻ với Bay Vút những suy nghĩ cá nhân về Tết cổ truyền và tình hình Việt Nam năm 2010.

Tết Việt trong tâm tưởng

Nguyễn Văn Tuấn: “Ở bên này, chúng ta không có một cái Tết đúng nghĩa. Tôi muốn nói rằng không có ngày nghỉ quốc gia (public holiday) cho ngày Tết, cũng không có những cuộc tụ họp gia đình như ở dưới quê tôi nhân ngày đầu năm. Do đó, mình chỉ ăn Tết trong tâm tưởng, có một chút tưởng tượng rằng mình cũng ăn Tết, và cũng có ngày nghỉ như ai (vì năm nay, ngày mồng một rơi vào ngày Chủ Nhật). Mấy đứa con tôi chúng nó cũng biết Tết, vì thấy cũng có bánh tét, bánh chưng, mức ngọt, rượu chè… nhưng hình như chúng nó không cảm nhận được cái Tết cổ truyền ở Việt Nam mà tôi từng kinh nghiệm qua mấy mươi năm trước.”

Trần Nam Bình: “Tuy xa Việt Nam đã lâu, ngày Tết cổ truyền vẫn có ý nghĩa đặc biệt cho cá nhân va gia đình tôi, phần lớn là vì đại gia đình của vợ chồng chúng tôi tập trung hầu hết tại Sydney. Ý nghĩa đầu tiên là đoàn tụ gia đình, nhất là với các anh em ở xa. Ý nghĩa thứ nhì là một dịp tỏ lòng biết ơn ông bà và các tiền nhân nước Việt. Ý nghĩa thứ ba là sự cảm nhận tính cách thiêng liêng của trời đất vào lúc chuyển từ năm cũ qua năm mới, với các hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Vì thế, chúng tôi cố giữ gìn phong tục ngày Tết, thờ cúng, lì xì, ăn bánh chưng, tránh nói gở... Dĩ nhiên, vợ chồng chúng tôi rất hi vọng con gái của chúng tôi, tuy sinh trưởng tại Úc, vẫn tiếp tục truyền thống này, càng nhiều càng tốt.”

Nguyễn Đức Hiệp: “Trong cuộc sống hiện tại hằng ngày ở Úc thì đối với tôi những ngày gần Tết là dịp để nhìn lại, nhớ lại, giữ lại quá khứ tạo ra con người của mình. Gia đình vẫn theo thông lệ truyền thống của các ngày Tết (ngày ông Táo về trời, Giao Thừa, mùng Một), cũng là dịp hy vọng để con cái sinh đẻ ở Úc biết đến văn hóa Việt Nam. Đối với riêng tôi thì ngày Tết cũng là dịp để nhớ lại kỷ niệm cá nhân của tuổi thơ, thời trẻ, may mắn với công ơn của cha mẹ mình.”

“Có lẽ dấu ấn mạnh nhất của tôi là trong thời trung học, không nhớ là vào thời điểm lớp đệ thất hay đệ lục (tức lớp 7 và lớp 8 ngày nay), những ngày gần Tết thì coi như không học gì nhiều, đến trường chỉ chơi vui là chính, thì được thầy giáo Việt văn viết lên bảng trong phòng học bài thơ ‘Chợ Tết’ của Đoàn Văn Cừ để cả lớp thưởng lãm và học. Phải nói là bài thơ này diễn tả rất sống động không khí làng quê từ sáng tinh mơ đi chợ Tết, hình ảnh mộc mạc, quang cảnh, âm thanh, con người, vạn vật sinh hoạt ở chợ cho đến hết ngày của buổi họp chợ và dư vị sau cùng. Quang cảnh chợ Tết ở làng quê này ở những thập niên đầu thế kỷ trước lúc đó chỉ còn là ký ức của tác giả nhưng nó đẹp đẽ và thanh bình biết bao. Kẻ hậu sinh như tôi thì không có được thấm nhuần với hương vị Tết thật như vậy trước buổi giao thời và làng quê Việt cũng đã thay đổi. Bài thơ lúc đó đã làm tôi say mê và gây ấn tượng mạnh ghi sâu vào ký ức của tôi. Nếu dư âm ngày Tết cổ truyền của chúng ta là các tranh Đông Hồ, bài thơ ‘Ông đồ’ của Vũ Đình Liên thì ‘Chợ Tết’ của Đoàn Văn Cừ cũng là dư âm Tết trong tôi.”

Nhìn về Việt Nam trong năm Canh Dần 2010


Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi quan tâm đến nhiều vấn đề ở bên nhà lắm và phần lớn chẳng liên quan gì đến công việc chuyên môn của tôi.”

“Tôi quan tâm đến sự tụt hậu của khoa học Việt Nam, so với thế giới và ngay cả so với các nước láng giềng; đến chất lượng giáo dục trung học và đại học, mà tôi nghĩ là còn quá thấp; và rất chú ý đến vấn đề y tế vốn là nỗi bức xúc muôn thuở của người dân.”

“Tôi quan tâm đến vấn đề tự do báo chí và tư tưởng, vì thấy trong mấy tháng gần đây tôi thấy có nhiều phóng viên ‘gặp nạn’ vì những lí do có vẻ mơ hồ và nhiều tờ báo mang tính đấu tranh cao mà tôi từng ưa thích trước đây thì nay gần như ‘mất lửa’, đến nỗi tôi không còn hào hứng theo dõi báo chí trong nước. Tôi hi vọng rằng trong năm 2010, báo chí Việt Nam sẽ có cơ hội phản ảnh những thành tựu kinh tế ổn định chính trị cũng như những bức xúc của người dân, những ý tưởng có ích cho đất nước và những bất công trong xã hội. Tôi thấy thật là tiếc trong năm qua khi một số người trẻ bị phạt tù quá nặng chỉ vì những sai sót nhỏ (đứng trên quan điểm nào đó) của họ trong nhận thức chính trị. Tôi nghĩ một xã hội hiện đại và rộng lượng cần phải đối xử có tình có nghĩa với công dân, chứ không nên quá khắt khe như thế.”

“Tôi rất quan tâm đến thái độ dã man và tàn bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và sự xâm lấm của Trung Quốc đối với lãnh hải của Việt Nam. Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam cần phải đưa vấn đề ra công lí quốc tế và cần huy động sức mạnh của người dân Việt Nam đứng đằng sau nhà nước. Tuy nhiên nhà nước chỉ huy động được sức mạnh của người dân khi người dân đồng lòng và tạo điều kiện cho họ có tiếng nói phản biện.”

Trần Nam Bình: “Như mọi quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội đến chính trị, từ công bằng xã hội cho đến khí hậu thay đổi. Gần đây, nhiều người tỏ ý quan tâm đến các vấn đề như bauxite, biển Đông, áp lực của Trung Quốc, tham nhũng, đàn áp các nhà tranh đấu dân chủ...”

“Là một nhà giáo, đối với cá nhân tôi, vấn đề quan trọng nhất cho Việt Nam vẫn là cải tổ giáo dục. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiêu nguy cơ tụt hậu vì không những dân trí thấp mà dân khí cũng yếu. Nói khác đi, các lời kêu gọi cải cách cách đây trên dưới 100 năm của nhà cách mạng tiền bối Phan Chu Trinh vẫn còn hợp thời. Đó là một điểm đáng buồn cho Việt Nam. Sự thay đổi lớn nào cũng cần một nhà vô địch khởi xướng và dẫn đạo. Vì thế, câu trả lời của tôi trở thành một câu hỏi: Ai sẽ là nhà vô địch cho cải tổ giáo dục tại Việt Nam?”

Nguyễn Đức Hiệp: “Vấn đề tôi quan tâm trong năm mới là về sự tham gia của xã hội công dân vào vấn đề bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa và sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam.”

“Không có sự tham gia của ý thức công dân, của vai trò xã hội dân sự qua các tổ chức phi chính phủ thì những vấn nạn về môi trường, rừng bị suy thoái, sinh vật tuyệt chủng, đa dạng sinh học bị đe dọa, văn hóa bản địa biến mất… sẽ không giải quyết được. Kinh nghiệm cho thấy ở nhiều chính phủ không bao giờ có thể có chính sách và quản lý môi trường thiên nhiên, văn hóa tốt được nếu không có sự tham dự của quần chúng và tổ chức xã hộidân sựmà giới trí thức có vai trò quan trọng.”

“Và tình hình hiện nay thì giới trí thức bị lực cản làm tản mạn không tụ hội được để có thể bước đầu làm được những tổ chức giúp chính phủ làm những sứ mệnh quan trọng như vậy được. Điển hình năm qua là sự giải thể của tổ chức công dân IDS và sự làm khó khăn, cố ý làm mất đi sinh khí dân tộc từ tiếng nói tự phát của ‘bauxitevietnam’ qua sự đe dọa môi trường Tây Nguyên và chủ quyền dân tộc.”

Nguồn: www.bayvut.com.au

0 nhận xét:

Đăng nhận xét