Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Thương cho những hạt tiêu

Hôm đi Phú Quốc, đoàn du lịch chúng tôi ghé thăm một gia đình trồng tiêu ở phía nam của đảo. Tôi chú ý đến một hủ tiêu có ngào đường mà chủ nhân giới thiệu là rất tiện cho việc kho cá. Thử một miếng thì thấy rất ngon, vừa ăn, không quá cay mà cũng không quá ngọt. Thế là mỗi chúng tôi, kể cả gia đình người Mĩ, mua vài hủ tiêu làm quà, mà cũng có thể coi như là hành động ủng hộ gia đình hay là gián tiếp giúp kinh tế đảo. Thế nhưng hủ tiêu đó không về được Úc, mà phải lang thang đâu đó ở TPHCM. Tôi chợt thương những hạt tiêu đó …

Hải quan Việt Nam (HQVN), nổi tiếng như là một huyền thoại, là những con người lạnh lùng, vô cảm, và có thái độ “rất Đông Âu” thời XHCN xa xưa. Nói vậy chứ tôi cũng rất ít bị HQVN làm phiền (mà chính hải quan Úc làm phiền nhiều hơn), cho đến ngày hôm 22/1 tôi mới kinh qua và thấm được cái huyền thoại của HQVN. Câu chuyện nhỏ thôi, nhưng nó làm cho tôi phải đặt câu hỏi HQVN làm việc vì quyền lợi của VN hay của ai.

Hành khách từ Việt Nam đi Úc phải trải qua 3 đợt kiểm tra hành lí (thay vì 2 như thông thường). Lần thứ nhất là kiểm tra bằng máy scan trước khi làm thủ tục hải quan. Lần thứ hai là kiểm tra cũng bằng máy scan sau khi làm thủ tục hải quan. Nhưng nếu đi Úc thì hành khách còn phải chịu một lần kiểm tra thứ ba, ngay tại cổng trước khi lên máy bay (boarding). Người ta ghi trên bảng rõ rằng đây là lần kiểm tra theo yêu cầu của chính phủ Úc. Có lẽ chính phủ Úc muốn tỏ ra quan tâm với người dân của họ, hay chính phủ Úc muốn lên mặt với một nước nghèo như VN để chứng tỏ rằng mình có tiền mướn HQVN làm kiểm tra lần thứ ba. Điều này cũng giống như hành khách đi Mĩ từ phi trường Sydney của Úc cũng phải trải qua một lần kiểm tra thứ hai ngay trước khi lên máy bay của Mĩ.

Lần kiểm tra thứ ba không phải bằng máy scan, mà kiểm tra bằng tay. Cách họ làm y chang như là hải quan Úc làm, tức là nhân viên hải quan lục lọi, săm soi hành lí của từng hành khách có khi họ làm một cách thô bạo, mất lịch sự. Tôi đoán rằng hải quan Úc đã dạy cho HQVN làm như thế ngay tại khu trước khi boarding này. Ngay tại khu này những hạt tiêu của tôi gặp vấn đề.

Một hủ tiêu ngào đường (không phải chất lỏng), cân nặng không đầy 200 g, trị giá không đến 2 USD. Đó là những hạt tiêu rất lí tưởng cho những bà nội trợ, nhưng trong con mắt của giới HQVN thì nó là một mối đe dọa đến an ninh của … máy bay. Họ đòi tịch thu hủ tiêu, nhưng tôi thì cố thuyết phục họ rằng hủ tiêu đó chẳng đe dọa ai, không phải là chất lỏng, và trong quá khứ tôi đã từng đem tiêu về Úc mà hải quan Úc chẳng gây khó dễ gì cả.

Nhưng đúng như dư luận nhận xét, HQVN là những con người lạnh lùng, họ không ưa những lí giải, và càng không thích những phản biện. Khi không giải thích được tại sao hủ tiêu đe dọa đến an ninh của máy bay, của hành khách, anh chàng nhân viên HQ (là một người miền Bắc – xin nói thêm rằng hầu hết những người làm trong HQVN ở Sài Gòn – Tân Sơn Nhất đều là người miền Bắc) nói rằng đó là chất lỏng. Nhưng khi được hỏi định nghĩa thế nào là chất lỏng thì anh ta có vẻ lúng túng, không giải thích được. Từ lúng túng, anh ta quay sang sử dụng một chiêu thức cổ điển của người được trao cái quyền kiểm soát người khác: đó là chiêu thức trả thù. Trả thù những phản biện và chất vấn của tôi. Anh ta nói tôi nên ra ngoài khu check-in để gửi hủ tiêu trong hành lí. Lúc đó là thời điểm lên máy bay (boarding), chỉ còn 10 phút là máy bay cất cánh. Một cách bắt chẹt trẻ con, hèn hạ, nhưng có hiệu quả. Hiệu quả là tôi phải bỏ lại những hạt tiêu để tránh gây thêm phiền phức với những con người vô cảm này. Làm sao có thể tranh luận và lí giải với những con người làm việc khá tùy tiện này (lúc thì tôi được đem đi, nhưng lúc thì không cho đem đi), chẳng có gì minh bạch cả. Làm sao có thể giải thích bằng khoa học về chất lỏng với những con người mà tôi đoán trình độ văn hóa chưa qua đến tú tài II! Thôi thì mình nên chịu thua trước sự vô minh vậy.

Tôi quan tâm đến những hạt tiêu. Ở những nơi khác (như phi trường Bangkok chẳng hạn), tôi thấy khi hành khách bị chận lại và tịch thu rượu hay nước hoa, nhân viên hải quan đổ rượu và nước hoa ngay tại một cái bồn bên cạnh để cho khách thấy họ chẳng có gì “lem nhem” cả. Còn ở Việt Nam, trong cái môi trường thiếu minh bạch, với HQVN khét tiếng tiêu cực, thì tôi chẳng biết những hạt tiêu đó sẽ đi về đâu. Nếu chúng về nhà bếp của các bà nội trợ hải quan tôi cũng an lòng, vì ít ra mình cũng giúp đỡ cải thiện đời sống gia đình cho họ. Nếu những hạt tiêu đó được tung ra thị trường buôn bán thì nó cũng giúp những nhân viên HQVN tăng thêm thu nhập cá nhân.

Mất cái hủ tiêu là một sự mất mát, nhưng điều làm tôi bận tâm nhất là thái độ của nhân viên HQVN. Họ đối xử với người Việt một cách lạnh lùng, trong khi đó họ đối xử với người nước ngoài khả nhã nhặn. Có lẽ họ không nói được tiếng Anh nhiều nên đành phải gật gật cái đầu cho có tính lịch sự, còn đối với người Việt họ xem như là những kẻ thù. Nhìn thái độ đắc thắng của anh chàng HQVN khi anh ta đề nghị tôi đem hủ tiêu ra ngoài khu check-in để gửi, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện thời bao cấp mà nay đã xuất bản thành 2 tập sách “Những câu chuyện thời bao cấp”, cái thời mà nhân viên Nhà nước là những ông quan tha hồ làm khó người dân bằng những thủ tục quái đản. Phải nhìn như thế để thấy rằng ở VN còn rất nhiều lĩnh vực rất ư là bao cấp, và hải quan là một trong những lĩnh vực đó. Người Việt Nam sẽ còn đau khổ, kinh tế Việt Nam sẽ còn bị kiềm hãm phát triển và thua kém thiên hạ vì những con người HQVN này.

Mỗi người Việt Nam từ nước ngoài khi về quê thường hay mua hàng hóa Việt Nam như là một hình thức ủng hộ doanh nghiệp trong nước. Ấy thế mà có người không nhận ra cái điều đơn giản này, và họ quyết tâm ngăn cản không cho những hạt tiêu Việt Nam sang Úc. Tôi bắt buộc phải đặt câu hỏi: những con người làm việc cho ai, vì quyền lợi của Úc hay của Việt Nam. Nếu làm việc vì quyền lợi kinh tế của Việt Nam thì tại sao họ lại không cho những hạt tiêu của tôi sang Úc. Vậy thì tôi chỉ có thể kết luận họ làm việc vì quyền lợi của Úc. Người Việt Nam chúng ta có những danh từ để mô tả những con người này nhưng tôi không nhắc đến ở đây.

NVT

Mới đọc thấy một bài trên Tuần Việt Nam rất thú vị. Xin chép ra đây để cùng suy ngẫm:
http://tuanvietnam.net/2010-01-21-ai-

Ai

Tác giả: Việt Phương

I

Cán bộ hành chính ta là ai
Con sâu mọt đáng đời nguyền rủa
Hành hạ dân đến tột cùng khốn khổ
Vơ vét dân đến cả mớ rau nghèo

Hay ta là người công chức gieo neo
Lương không đủ cho con theo thày học
Dẫu thương dân thì cũng đành bất lực
Cơ chế nào trói chặt sức con người

Hay ta luôn dằn vặt mãi không nguôi
Ngày hai buổi đứng ngồi vô tích sự
Vẹo sườn dưới chồng giấy tờ đồ sộ
Viết những điều cổ hủ đến buồn nôn

Ta giãy giụa trong vòng xoáy sinh tồn
Chỉ mong một môi trường không ô uế
Ta đã từng có một thời trai trẻ
Từng dưới cờ tuyên thệ quyết vì dân

Đời con người dẫu chỉ sống một lần
Khi cả nước hành quân lên hiện đại
Đến cây cằn bỗng nở mùa hoa trái
Đây là lần sống lại của đời ta

Sáng bừng lên những bài học từ xa
Qua ống kính vạn hoa thời đổi mới
Mở tầm mắt nhìn ra ngoài thế giới
Hành chính về trong nguồn cội nhân dân

Đất trời nay đang vào giữa mùa xuân
Nghe trong gió thì thầm lời nhắn nhủ
Thôi giã biệt những lối mòn xưa cũ
Đường ta đi cùng mở với bao người

II

Giám đốc doanh nghiệp ta là ai
Nửa đời chiến chinh nửa đời bao cấp
Thời đổi mới gian truân hơn đánh giặc
Đã mười năm quần quật mở thị trường

Ta là người tiên phong khai phá đường
Gánh trên vai nỗi đoạn trường cải cách
Hay ta là một con sâu luồn lách
Xoay kiến ăn trong những ngách bùn đen

Ta đọa đầy những điêu đứng triền miên
Trên búa dưới đe bốn bề chèn ép
Hay ta hưởng toàn rượu ngon gái đẹp
Khoét của dân giành hết mọi bùi thơm

Ta chất chứa bao niềm vui nỗi buồn
Bao nhiêu tủi hờn bao nhiêu uất ức
Biển quê hương đêm triều dâng rạo rực
Con sóng nào thao thức gọi bình minh

Ta chỉ là một kẻ tù binh
Cưới đầu hổ rùng mình không dám xuống
Hay ta là nhà thơ giàu mộng tưởng
Luôn vươn lên theo hướng mặt trời

Ta lo toan quanh quẩn cái tôi
Lo giữ ghế lo xu thời nịnh hót
Hay ta muốn dân lên người vị ngọt
Dốc đời ta chi chút trả ân tình

Ta lắng nghe đất nước chuyển mình
Từ sâu thắm lòng dân bao khát vọng
Những cay đắng và ngọt ngào cuộc sống
Đang chờ ta lồng lộng gió lên rồi

III

Là nhà khoa học ta là ai
Nhập cuộc sâu hay còn ngoài đổi mới
Ta chủ động hay ta là con rối
Được phát huy hay còm cõi góc bàn

Làm Đảng viên hay khệnh khạng làm quan
Sống chiến đấu hay sống mòn công chức
Bao câu hỏi giữa hai bờ hư thực
Ở đâu nguồn tri thức trả lời đây

Những xấu xa trắng trợn tự phơi bày
Những cơ chế trói tay người tâm huyết
Những cấp phát, xin cho và phê duyệt
Bao tiềm năng nằm liệt đến bao giờ

Ta trở về những thôn cũ làng xưa
Ta đến với những bến bờ mới lạ
Ta hỏi người, hỏi cây và hỏi đá
Hỏi núi rừng đồng lúa hỏi lòng dân

Những lực gì đang ngăn cản dòng sông
Vượt ghềnh thác muôn trùng về biển rộng
Những dự định thời thanh niên mơ mộng
Đêm đên còn cháy bỏng đốt tim ta

Sẽ đến ngày đất nước thăng hoa
Còn xa tắp hay đã là gần lắm
Đường thênh thang hay đường còn thăm thắm
Mẹ già ta đăm đắm đợi lâu rồi

Con tàu ta lướt sóng vượt ra khơi
Nào đâu lực nào đâu thời đâu thế
Cùng dân tộc ta hồi sinh sức trẻ
Nắng ban mai đã hé ở chân trời

Việt Phương (1995)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét