Nhiều công trình nghiên cứu y học ngày nay thường do các công ti dược tài trợ hay bảo trợ, và chính vì mối liên hệ này đã và đang làm nảy sinh một số mâu thuẫn trầm trọng giữa người thầy thuốc và kĩ nghệ dược. Những mâu thuẫn này thường xuất phát từ việc kĩ nghệ dược kiểm soát nguồn thông tin, và chỉ muốn công bố những thông tin có lợi cho chiến lược tiếp thị của họ. Hệ quả là thông tin y học bị bóp méo theo chiều hướng phục vụ cho kinh doanh, thay vì phục vụ cho lợi ích của bệnh nhân. Tình trạng này được gọi là Marketing-based Medicine (MBM), một "thuật ngữ" mới, mà tôi tạm dịch là Y học thực thị.
Y học thực thị như trình bày trên có thể hiểu (hay định nghĩa) là khoa học bị bắt cóc nhân danh đồng tiền, nhân danh lãi suất. Nếu y học thực chứng kêu gọi người thầy thuốc thực hành y khoa dựa vào bằng chứng khoa học, thì y học thực thị ảnh hưởng đến kiến thức và thực hành y khoa, kể cả dấu diếm thông tin, lấp liếm các dữ liệu "tiêu cực", hiện tượng “tác giả ma”, y khoa hóa đời sống thường nhật, và làm tha hóa y khoa.
Trong thời đại y học thực chứng, thông tin khoa học đóng vai trò chủ đạo. Thông tin khoa học đúc kết từ những công trình nghiên cứu lâm sàng có ý nghĩa rất lớn với một loại thuốc và có khi ảnh hưởng đến số mệnh thương mại của một công ti. Một công trình nghiên cứu lâm sàng do kĩ nghệ dược tài trợ thường tốn khoảng 10 đến 20 triệu USD và kéo dài 3 năm. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có hiệu quả lâm sàng, thì đó là một tin vui cho công ti, vì nhà chức trách sẽ cho phép thuốc được lưu hành trên thị trường. Nhưng nếu kết quả cho thấy thuốc kém hay không có hiệu quả lâm sàng, thì khả năng thuốc đó xuất hiện trên thị trường rất thấp, và bao nhiêu tiền bạc bỏ ra cho nghiên cứu (thường 5-10 năm) xem như mất. Chính vì lí do này mà kĩ nghệ dược muốn kiểm soát dữ liệu nghiên cứu. Hai chữ "kiểm soát" ở đây bao gồm cả việc quyết định công bố hay không công bố kết quả nghiên cứu. Đứng trên quan điểm của khoa học, dù kết quả công trình nghiên cứu là "tích cực" hay "tiêu cực" đều cần phải được công bố. Nhưng đứng trên quan điểm kinh doanh và tiếp thị, chẳng ai muốn "vạch áo cho người xem lưng" để công bố những dữ liệu không có lợi cho công ti vốn đã bỏ ra hàng chục triệu USD cho nghiên cứu. Mâu thuẫn giữa khoa học và kinh doanh xuất phát từ việc kiểm soát và xử lí thông tin khoa học.
Một số tài liệu của kĩ nghệ dược tiết lộ trong tòa án Mĩ gần đây cho thấy y học thực chứng đang chịu sự chi phối của tiếp thị. Một tài liệu của công ti Pfizer viết rõ: Pfizer bảo trợ cho các nghiên cứu thuộc về công ti, chứ không thuộc về một cá nhân nào (ý nói dữ liệu là của công ti chứ không phải của nhà nghiên cứu), mục đích của dữ liệu là yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp co việc tiếp thị sản phẩm.
Các sản phẩm dược, nhất là các thuốc điều trị lâm sàng, thường được cấp bằng sáng chế (patent) và công ti có quyền khai thác sản phẩm một thời gian (trước khi sản phẩm trở thành generic). Trong thời gian sản phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền cũng chính là thời gian các công ti "ăn nên làm ra". Thông tin khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng cho ra những kết quả dương tính; trong thực tế có nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc không có hiệu quả lâm sàng. Bởi vì kĩ nghệ dược là chủ nhân của thông tin, nên họ có quyền không công bố những kết quả âm tính. Hệ quả là bệnh nhân có thể bị thiệt thòi vì sự lệch lạc thông tin.
Trường hợp thuốc Seroquel là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng dấu diếm thông tin. Seroquel là thuốc anti-psychotic thế hệ thứ 2. Năm 2000, AstraZeneca thực hiện một số nghiên cứu so sánh hiệu quả của Seroquel với một đối thủ khác là haloperidol (một loại thuốc có cùng chức năng nhưng thế hệ cũ). Kết quả nghiên cứu được trình bày trong Đại hội của Hiệp hội tâm thần Mĩ, tác giả tuyên bố "Tôi hi vọng rằng những kết quả phân tích này sẽ giúp bác sĩ hiểu tốt hơn về lợi ích của Seroquel, và giúp cho bệnh nhân sớm có thuốc mới". Thế nhưng tài liệu trình bày trước tòa án cho chúng ta thấy một "câu chuyện" rất khác. Tài liệu nghiên cứu của chính công ti AstraZeneca cho thấy Seroquel có hiệu quả lâm sàng kém hơn haloperidol. Một giám đốc của AstraZeneca viết email như sau: "Những dữ liệu này xem ra chẳng tốt chút nào. Thật ra, tôi không biết làm sao chúng ta có thể công bố kết quả này". Khi bị chất vấn trước thông tin này, tác giả thú nhận rằng quả thật có sự thổi phồng, nhưng khăng khăng nói rằng ông đã phân tích đúng phương pháp!
Câu chuyện Seroquel không phải là cá biệt. Trong thực tế, hàng loạt thuốc của các công”đại gia” trong kĩ nghệ dược như Lily, GlaxoSmithKline, Merck, Proter Gamble, v.v.. đều có vấn đề trong việc kiểm soát thông tin. Nhiều khi hiệu quả của thuốc đổi đen thành trắng. Tài liệu của chính kĩ nghệ dược thú nhận rằng những ém nhẹm thông tin hay cung cấp thông tin có chọn lọc là một bí mật nhỏ mang tính bẩn thiểu (“dirty little secret”). Y học thực thị đã và đang trở thành một thực tế trong thế kỉ 21.
Nói tóm lại, qua tài liệu mật của kĩ nghệ dược được tiết lột trước tòa án Mĩ, công chúng có dịp biết đến cả một kĩ nghệ đằng sau những sản phẩm của kĩ nghệ dược. Kĩ nghệ này bao gồm viết thuê, mua hay hối lộ các nhà nghiên cứu, tuyên truyền nhằm y khoa hóa đời sống thường ngày để bán thuốc, v.v… Điều đáng quan tâm là các thông tin khoa học bị “vận dụng” để phục vụ cho mục tiêu tiếp thị thay vì chăm sóc bệnh nhân. Tiếp thị tự nó không có gì sai hay đáng trách; tiếp thị chỉ có vấn đề khi thông tin khoa học bị vặn vẹo và có tiềm năng gây tác hại đến người bệnh. Y học thực chứng dựa vào và đòi hỏi thông tin khoa học phải chính xác, nhưng trong tình huống y học chịu sự chi phối của kĩ nghệ tiếp thị thì mục tiêu của y học thực chứng có thể bị lệch.
Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010
Y học "thực thị"
17:27
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét