Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Có bao nhiêu bệnh nhân "bôi trơn" cho bác sĩ?

Tôi phải nói là có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch. […] Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài hạt sạn trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi”.

Đó là tuyên bố của giáo sư giám đốc Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội trong bài phỏng vấn có tựa đề rất cửa quyền “Người bệnh đừng làm khó Bộ Y tế (!?)”. Chú ý rằng phóng viên bỏ dấu chấm thang có lẽ để bày tỏ sự ngạc nhiên, và thêm dấu chấm hỏi để ngầm chất vấn câu tuyên bố của ông giáo đốc đúng hay sai. Tôi thì rất ngại những câu tuyên bố kiểu trên vì nó thường … sai và bất ổn.

Cái bất ổn thứ nhất là vấn đề suy luận. Ông nói rằng “hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc” tức là mặc nhiên có mối liên hệ giữa không nhận phong bì và làm việc tốt. Hay có thể suy luận nhận phong bì tương đương với làm việc dở? Tôi tưởng việc nhận phong bì (là một hình thức ăn hối lộ) thuộc về lĩnh vực đạo đức, chứ chưa chắc dính dáng gì đến chất lượng nghiệp vụ. Thử hỏi bệnh nhân xem, rất nhiều bác sĩ có kinh nghiệm vẫn đưa tay nhận phong bì tỉnh queo. Do đó, tôi thấy kiểu liên kết khía cạnh nhận hối lộ với chất lượng nghiệp vụ chắc sai.

Ông giám đốc làm một so sánh rất … vui. Ông nói: “Có người tham nhũng hàng chục tỷ nhưng là tham nhũng của tập thể, của Nhà nước, chẳng đụng chạm trực tiếp đến ai. Nhưng nếu y tá, bác sĩ nhận 50.000 đồng của người bệnh là chết bởi đã đụng chạm trực tiếp vào túi tiền của họ.” Theo tôi thấy dù chỉ nhận hối lộ 1000 đồng cũng là hối lộ. Nên nhớ rằng rất nhiều người dân làm quần quật mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 50000 đồng (thậm chí ít hơn). Ăn 50000 đồng của họ là ăn trên mồ hôi nước mắt đó ông à.

Nếu phải so sánh thì ông nên làm thế này mới công bằng hơn. GDP nước ta là khoảng 91.7 tỉ USD, tức mỗi ngày cả nước có GDP ~251 triệu USD. Thu nhập của người lao động là 50,000 đồng một ngày. Do đó, bác sĩ ăn hối lộ 50,000 đồng của một người lao động cũng giống như [hay tương đương với] ăn hối lộ 251 triệu USD của nước Việt Nam. Nếu ông muốn so sánh, tôi nghĩ so sánh như thế thì may ra có lí hơn.

Thứ hai là vấn đề định lượng. Câu hỏi hiển nhiên mà người đọc khi đọc qua câu tuyên bố trên là “hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y tế” hay “rất ít người” là bao nhiêu người? Tôi đoán khi trả lời phỏng vấn, ông giám đốc không có thì giờ để [nói theo tiếng Anh là] làm “homework”. Thống kê của Bộ Y tế cho biết số nhân viên y tế trên cả nước năm 1999 là 227,539 người, đến năm 2002 con số này là 234,354 người, tức tăng trung bình khoảng 1% mỗi năm. Thống kê không cho biết năm 2010 VN có bao nhiêu nhân viên y tế, nhưng dựa vào 2 con số trên, chúng ta có thể đoán rằng cả nước hiện nay có khoảng 250,000 người (trong số này có khoảng 57,000 bác sĩ). Do đó, con số “hàng vạn, hàng vạn” của ông giáo sư cần phải xem xét lại.

Thứ ba là vấn đề qui mô hối lộ. Câu hỏi đặt ra là qui mô ăn hối lộ trong giới y tế Việt Nam có phải “rất ít” như ông nói hay không? Cụ thể hơn, câu hỏi đặt ra là: có bao nhiêu nhân viên y tế ăn tiền của bệnh nhân? Theo tôi biết thì chưa có ai làm nghiên cứu hay điều tra để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi cách khác để quay ngược lại vấn đề: có bao nhiêu bệnh nhân hối lộ (hay bôi trơn) cho nhân viên y tế? Đã có người ngoại quốc làm nghiên cứu và phân tích để trả lời câu hỏi này. Trong bài “Informal payments and the financing of health care in developing and transition countries” của tác giả Maureen Lewis (Ngân hàng Thế giới) công bố trên Health Affairs năm 2007, tác giả cho biết một điều tra từ năm 1992 cho thấy khoảng 80% bệnh nhân ở Việt Nam phải làm “informal payments” (có nghĩa là “bôi trơn” hay “phong bì” theo ngôn ngữ ngày nay). Nên nhớ rằng “informal payments” được định nghĩa là corruption (hối lộ). Nhưng đó là số liệu từ năm 1992, qua báo chí phản ảnh, tôi đoán bây giờ có thể tỉ lệ bệnh nhân nước ta bôi trơn cho bác sĩ đã lên đến 100% như các nước Pakistan, Sri Lanka, hay Moldova.

Biểu đồ về tỉ lệ bệnh nhân "bôi trơn" cho giới y tế.
bấm vào hình sẽ thấy rõ hơn
(Nguồn: Health Affairs 2007; 26:984-996)

Mỗi năm, vẫn theo thống kê Bộ Y tế, có khoảng 7 triệu lượt bệnh nhân nội trú. Đây là con số năm 2002, vì họ lười biếng không cho biết con số các năm sau đó là bao nhiêu. Chúng ta thử làm con toán, nếu 1 lần bệnh nhân nhập viện phải bôi trơn, tính trung bình, 200 ngàn đồng (rất khiêm tốn!) thì con số trên có nghĩa là mỗi năm bệnh nhân phải hối lộ cho giới y tế khoảng 1,415,072,000,000 đồng (hay tương đương 78.6 triệu USD). GDP của nước ta vào năm 2008 là 91.7 tỉ USD. Nói cách khác, số tiền mà bệnh nhân bôi trơn cho giới y tế VN chiếm 0.1% GDP. Thật là kinh khủng!

Quay trở lại câu hỏi: có bao nhiêu bác sĩ Việt Nam nhận phong bì? Chúng ta thử tính: mỗi năm có 7 triệu lượt bệnh nhân nội trú, và cả nước có khoảng 57,000 bác sĩ; có thể 50% bác sĩ làm trong bệnh viện. Số lần bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân rất nhiều. Đương nhiên, không phải bác sĩ nào cũng nhận phong bì, nên con số này không thể tuân theo luật phân phối nhị thức (binomial distribution) được. Có lẽ luật phân phối mô tả tình trạng này thích hợp nhất là luật phân phối Poisson. Vì chúng ta không biết có bao nhiêu bác sĩ nhận hối lộ, nên phải thế những con số từ 0% đến 100%, xem con số nào phù hợp với 2 con số bệnh nhân nội trú và bác sĩ. Nếu dùng phần mềm tính toán, chỉ không đầy 2 phút là có kết quả là ~91%. Nói cách khác, theo phân tích này, khoảng 91% bác sĩ trong bệnh viện nhận phong bì của bệnh nhân.

Tôi nghĩ người dân quê tôi mà đọc những phân tích trên đây sẽ cười ngất và nói: mô hình ông này tính trật lất, phải 100% mới đúng. Và, họ có hàng chục câu chuyện để kể cho chúng ta nghe. Vì vậy, thay vì ra lệnh “Người bệnh đừng làm khó Bộ Y tế” thì nên lắng nghe tiếng nói của bệnh nhân, và nhìn vào cuộc sống vất vả của họ. Nếu chỉ quanh quẩn trong thành phố thì có lẽ các quan chức y tế khó mà thấy và nghe được những câu chuyện người bệnh thà chết (thậm chí thắt cổ chết) chứ không dám vào bệnh viện vì không có tiền để bôi trơn. Và, khi đã thấy và nghe như thế, tôi nghĩ ông giám đốc sẽ cảm thấy hối hận vì câu tuyên bố của mình.

NVT


Ghi thêm ngày 5/3/10: một bạn đọc trang blog này gửi email bổ sung thêm thông tin sau đây. Theo nghiên cứu năm ngoái của Gs Phạm Thị Minh Đức (ĐH Y Hà Nội) thì có đến 65% bác sĩ "thỉnh thoảng" vi phạm y đức, và những biểu hiện vi phạm thường là gây khó khăn cho bệnh nhân, gợi ý và nhận tiền của bệnh nhân, móc ngoặc với công ti dược để ra toa thuốc đắt tiền ... Trong các hình thức vi phạm đó, nhiều nhất là gợi ý và nhận tiền bệnh nhân (gần 50%).

Nguồn:
http://www.thethaovanhoa.vn/132N20090729115117603T132/bac-si-thinh-thoang-vi-pham-y-duc.htm

====

http://vietnamnet.vn/xahoi/201003/Ai-noi-bac-si-cua-vien-nay-voi-vinh-la-khong-xong-897050/

GĐ viện Việt Đức: Người bệnh đừng làm khó Bộ Y tế (!?)
“Tôi phải nói là có hàng vạn người công tác trong ngành y không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài hạt sạn trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định.

“Tôi không bao biện”
Ông là giám đốc một bệnh viện lớn, đã công tác trong ngành y mấy chục năm nay. Ông cũng là người dám “nói mạnh, nói thẳng” nhiều vấn đề nội bộ về ngành của mình. Vậy ông nghĩ gì về việc cán bộ y tế nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” người bệnh?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi phải nói là có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch.
Hiện nay, một số hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra trong ngành y nhưng theo tôi là rất ít. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài “hạt sạn” trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi.

Đây là nhận định của ông đối với toàn ngành, hay chỉ là riêng ở bệnh viện Việt Đức?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Với bệnh viện của tôi (bệnh viện Việt Đức), ai nói là y tá, bác sĩ của bệnh viện này vòi vĩnh là “không xong” với tôi! Tôi đố ai tìm được cán bộ nào của bệnh viện nhận phong bì. Bệnh nhân mà đưa phong bì có khi còn bị mắng là đằng khác.

Tôi không khẳng định 100% là không bao giờ có tiêu cực nhưng chắc chắn không có chuyện cán bộ y tế của viện tôi vòi vĩnh, nhũng nhiễu theo kiểu phải có phong bì mới làm tốt, không có thì không làm tốt.

Tuy nhiên, nếu bác sĩ chăm sóc tốt cho người bệnh rồi, và chăm sóc một cách “vô tư”, khi họ ra viện, đưa phong bì có khi bác sĩ vẫn lấy. Điều này thì tôi công nhận là có. Nhưng riêng tôi, tôi chưa bao giờ cầm một phong bì của một người bệnh nào.

Ông khẳng định là có rất ít bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân. Nhưng ông có thể giải thích vì sao chuyện “phong bì” cho cán bộ y tế lại vẫn là nỗi bức xúc quá lớn đối với người bệnh?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi không bao biện nhưng phải nói thế này: Hiện nay có một số hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế nhưng oái oăm là những hiện tượng tiêu cực ít ỏi đó lại toàn đụng vào vấn đề “nhạy cảm”.

Có người tham nhũng hàng chục tỷ nhưng là tham nhũng của tập thể, của Nhà nước, chẳng đụng chạm trực tiếp đến ai. Nhưng nếu y tá, bác sĩ nhận 50.000 đồng của người bệnh là chết bởi đã đụng chạm trực tiếp vào túi tiền của họ.

“Tăng lương, tiêu cực chưa chắc giảm”
Ông từng nói: “Nếu lương y tá nâng lên mức 6 đến 7 triệu thì chẳng ai còn tiêu cực”. Nhưng thực tế cho thấy có những người (ở các lĩnh vực khác) lương cao gầp chục lần mức ông đề xuất mà vẫn tham nhũng. Ông nghĩ sao về điều này?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tăng lương, tiêu cực chưa chắc đã giảm bởi nếu chỉ tăng lương thôi thì chưa đủ điều kiện để giảm tiêu cực, dù lương là một yếu tố rất quan trọng.
Muốn giảm tiêu cực, tôi nghĩ phải làm đồng thời mấy việc như thế này:

Phải có cơ chế, chính sách cởi mở. Hiện nay, chúng ta có quy định khống chế bao nhiêu giường bệnh thì bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu kỹ thuật viên/bác sĩ, vv … Từ đây đẻ ra tình trạng thủ tục rất rườm rà, không đi vào thực chất. Ngành y tế theo cơ chế bao cấp nhưng thu nhập của ngành quá thấp nên không đủ trả lương cho nhân viên nên phải khống chế như thế.

Thứ hai là tạo môi trường trong sáng để cán bộ y tế yên tâm làm việc. Tức là từ giám đốc đến các phó giám đốc, công đoàn, Đảng ủy đều phải tôn trọng, quan tâm đến đời sống và không “ăn hơn” các cán bộ y tế của viện cái gì cả. Tất cả cùng hết lòng vì tập thể, hết lòng vì bệnh nhân.

Thứ 3 là tăng lương. Tôi không dám nói trước vì có người có cả chục tỷ vẫn tham ô nhưng nếu lương cán bộ y tế tương đương mặt bằng chung của xã hội thì tiêu cực sẽ giảm tối đa. Còn nhu cầu của con người thì vô cùng lắm, mình nên hài lòng với những gì mình đạt được bằng sức lao động chính đáng. Đừng thấy người khác có xe đẹp, nhà sang mà cố bằng mọi cách để có được như thế.

Thứ 4 là phải có cơ chế giám sát, kỷ luật. Nếu 3 điều kiện kia đảm bảo rồi thì phải có giám sát chặt, hiện tượng đó sẽ được đẩy lùi.

Vậy theo ông, sự tự giác của cán bộ y tế nằm ở đâu?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Y đức là y thuật và đạo đức. Anh có giỏi đến mấy mà anh không có đạo đức thì cũng bỏ đi, và ngược lại, anh tốt đấy nhưng không cứu được người bệnh thì cũng không thể giải quyết được điều gì.

Người thầy thuốc lấy đạo đức làm người thông thường làm nền tảng. Nền tảng này do gia đình, nhà trường, xã hội xây dựng, rèn giũa từ tấm bé. Sau khi vào trường Y, sinh viên mới được giáo dục tiếp về đạo đức của người thầy thuốc. Như vậy có thể thấy sự “tự giác” này, ngoài ý thức đạo đức nghề nghiệp thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cá nhân (như hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập) và bối cảnh chung của cả xã hội. Và vấn đề y đức luôn là sự trau dồi thường xuyên, mãi mãi.

Ông không nhận phong bì của bệnh nhân, nhưng ông nghĩ gì nếu ông vẫn bị “vơ đũa cả nắm”?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Những thầy thuốc làm nghề đúng mực nghe những việc này thì họ tức lắm. Có người còn nói tôi làm Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đi mổ xẻ liên miên, thu nhập một tháng chắc phải đến cả trăm triệu. Nghe vậy là tôi bức xúc lắm. Tôi làm nghề vì cái tâm của tôi. Đối với tôi, thu nhập 10 triệu/tháng đã là quá to rồi.

Ông có gặp khó khăn gì không khi từ chối phong bì của người bệnh?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Có trường hợp từ chối rất dễ dàng, có trường hợp rất khó khăn. Có người đưa mình không lấy thì thôi, nhưng có người lại không như thế, cứ khăng khăng phải đưa cho bằng được.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Người bệnh đừng “làm khó” cán bộ y tế

"Vì ít y tá nên có những người bệnh vì chưa đến lượt nên phải chờ đợi đã nghĩ rằng: “À, thế là đòi phong bì đấy”. Người bệnh không nên nghĩ vậy.

Người bệnh và người nhà đừng nghĩ rằng cứ vào viện là phải có tiền. Họat động bệnh viện phải tuân thủ quy định: Nặng khám trước, nhẹ khám sau. Người thầy thuốc nào cũng phải có lương tâm và trách nhiệm, đừng gây khó dễ cho người ta".

Cẩm Quyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét