Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Sách giáo khoa và vấn đề sở hữu trí tuệ

Nhân đọc bài “Phó giáo sư, tiến sĩ... “luộc” sách!” trên Pháp Luật TPHCM (11/3/2010) tôi nghĩ có lẽ qui trình xuất bản sách giáo khoa và sách chuyên khảo ở Việt Nam có vấn đề. Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân trong việc xuất bản sách giáo khoa ở ngoài dưới đây.

Trả lời phỏng vấn về “tai nạn luộc sách”, ông Huỳnh Bá Lân, Giám đốc nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết chức năng của nhà xuất bản là “chỉ cấp phép xuất bản và biên tập về những vấn đề chính trị, tư tưởng” chứ không thể biết được nội dung chính xác ra sao. Ông nói tiếp: “Thực ra các vị giáo sư, tiến sĩ ấy chôm với nhau như thế nào thì ai mà biết được. Trách nhiệm pháp lý vẫn là nhóm tác giả của cuốn sách”. Qua câu trả lời này, tôi mường tượng rằng có vấn đề về qui định xuất bản sách và bản quyền tri thức ở Việt Nam.

Đúng là nhà xuất bản không thể kiểm tra toàn bộ nội dung cuốn sách, nhưng nhà xuất bản nên có cơ chế để giảm thiểu vấn đề cóp nội dung. Kinh nghiệm của tôi trong việc xuất bản sách hay chương sách ở nước ngoài cho thấy các nhà xuất bản đều có một qui trình chặt chẽ từ lúc kí hợp đồng, nộp bản thảo, biên tập cho đến lúc công bố. Khi tác giả nộp bản thảo, nhà xuất bản sẽ chọn một hay 2 chuyên gia (hay tổng biên tập) bình duyệt về nội dung chung của sách. Sau khi nhận được bình duyệt của chuyên gia, tác giả có nhiệm vụ phải giải quyết các vấn đề mà chuyên gia bình duyệt nêu lên. Sau đó, bản thảo sẽ đến chuyên gia biên tập về ngôn ngữ (như giảm số từ, tránh trùng lập), kiểm tra nguồn gốc các dữ liệu và tài liệu tham khảo. Cho dù cuốn sách hay chương sách có hàng trăm tài liệu tham khảo, họ vẫn kiểm tra sự chính xác từng tài liệu một! Với qui trình này, nhà xuất bản đóng vai trò rất quan trọng chẳng những để góp phần đảm bảo chất lượng của nội dung, mà còn đảm bảo sự chính xác của nguồn gốc dữ liệu, và do đó góp phần giảm tình trạng đạo văn.

Nguồn gốc dữ liệu trong sách cần phải được quan tâm đặc biệt. Các sách giáo khoa khoa học thường là tập hợp những công trình nghiên cứu trong quá khứ đã được công bố trên những tập san khoa học. Những dữ liệu (kể cả biểu đồ, hình ảnh, bảng số liệu) của những công trình này thường được trích dẫn và in lại trong sách. Theo qui định hiện hành thì nhà xuất bản của tập san giữ bản quyền những dữ liệu đó. Do đó, nếu nhà xuất bản sách hay tác giả cuốn sách muốn sử dụng các dữ liệu đó, họ cần phải nộp một tờ form để xin phép sử dụng lại dữ liệu và phải có sự đồng ý của nhà xuất bản tập san. Thông thường thì các nhà xuất bản tập san đều cho phép sử dụng lại những dữ liệu đó mà không đòi hỏi chi phí nào cả.

Qui trình xin phép này có khi xảy ra trong cùng một nhà xuất bản! Tôi có một kinh nghiệm thú vị là khoảng 5 năm trước, tôi đóng góp một chương sách cho một cuốn sách giáo khoa do đồng nghiệp biên soạn. Trong chương sách đó, tôi trích dẫn một số dữ liệu của chính tôi đã đăng trên một tập san khoảng 10 năm trước. Nhà xuất bản tập san cũng chính là nhà xuất bản quyển sách. Thế nhưng nhà xuất bản sách vẫn yêu cầu tôi xin phép nhà xuất bản tập san (mà thực tế thì chỉ là một) sử dụng lại những dữ liệu của chính tôi đã từng công bố! Cách làm việc này có vẻ máy móc, nhưng đây là vấn đề luật sở hữu trí tuệ và pháp lí.

Tuy nhiên, vấn đề sử dùng dữ liệu của người khác vẫn chưa được hiểu đúng mức hay quan tâm đúng mức ở trong nước. Tôi đã thấy một số (có thể nói là là nhiều) sách giáo khoa xuất bản trong nước dùng rất nhiều dữ liệu (như số liệu, biểu đồ, ý tưởng) từ các sách giáo khoa, sách chuyên khảo và các tập san xuất bản ở nước ngoài, nhưng không hề ghi nguồn. (Đối với những người chuyên môn, có những biểu đồ và số liệu thuộc vào hạng kinh điển, nên rất dễ nhận ra chúng). Rất có thể các nhà xuất bản trong nước không có chuyên gia bình duyệt, và cũng chưa biết qui định xin phép sử dụng các dữ liệu đó. Dù sao đi nữa, chiếu theo luật xuất bản thì rất nhiều sách giáo khoa VN đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Sách giáo khoa và sách chuyên khảo là một nguồn tài nguyên tri thức quan trọng trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Những sách loại này là kết tinh của rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Để có những kết quả đó, người ta đã phải chi ra hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD với sự hợp tác của rất nhiều chuyên gia ưu tú. Ghi nhận sự đóng góp của họ là một tiêu chuẩn đạo đức trong văn hóa khoa học. Tôi hiểu và biết rằng các nhà xuất bản Việt Nam rất khó làm theo qui trình của các nhà xuất bản ở các nước Âu Mĩ, vì thiếu chuyên gia, hạn chế thời gian và ngân sách. Tuy nhiên, trong thời kì nước ta hội nhập thế giới, kể cả thế giới khoa học, thiết tưởng chúng ta cần phải quan tâm đến những chuẩn mực và đạo đức mà cộng đồng khoa học quốc tế công nhận.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét