Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Vài bài viết về Hữu Loan

Thế là thi sĩ Hữu Loan đã về cõi vĩnh hằng. Tôi định viết vài dòng tiếp để gọi là nhật kí cá nhân để ghi lại sự ra đi của ông, một thi sĩ tôi mến mộ từ lâu (nhưng chưa bao giờ diện kiến), nhưng đọc qua hàng chục bài viết tưởng niệm ông thì tôi thấy mình viết gì cũng là thừa. Chỉ sau vài ngày ông năm xuống, đã có một loạt bài viết về ông, trong và ngoài nước, tất cả đều tỏ lòng ngưỡng phục cho một thi sĩ có tài và can trường. Nếu tập hợp lại chắc cũng cả trăm trang, dễ làm một tuyển tập. Trong số này, tôi chỉ chọn được 3 bài là có thể giới thiệu ở đây.

Bài thứ nhất của Dương Tường giới thiệu bài thơ mà ông cho là kiệt tác của Hữu Loan nhưng rất ít ai biết đến: đó là Tình Thủ đô, ông viết trong khoảng 1950 và 1954, nhưng không ai biết chính xác năm nào. Đọc bài thơ này đúng là một phong cách rất Hữu Loan: câu thơ ngắn, ý tưởng cuồn cuộn, và cách trình bày mang tính cách tân. Thôi, để cho bác Dương Tường giới thiệu hay hơn, chứ tôi nói một hồi chắc lạc đề.

Bài thứ hai là bài “Hữu Loan, Đèo cả” của nhà phê bình văn học Đặng Tiến, đăng trên Diễn Đàn (Paris). Tôi rất thích Đặng Tiến phê bình văn chương. Một cây bút tài hoa mà nhận xét về một thi sĩ nổi danh như Hữu Loan thì phải đọc!

Bài thứ ba là bài tự phỏng vấn của Hữu Loan đăng trên talawas đã lâu, nhưng nay vietsciences đăng lại. Đọc để thấy cuộc đời khốn khổ của ông, và càng cảm phục ông hơn.

NVT

TB. Ngoài ra, xin giới thiệu các bạn một số bài sau đây:

Nhạc sĩ Phạm Duy: 'Anh Hữu Loan đi, tôi chỉ tiếc thương cái tài'

Màu tím Hữu Loan của Lưu Nhi Dũ

Tím cả chiều hoang đến phút cuối

Suối mang bóng người soi những về đâu…

Người thơ bận việc làm người

Sống mãi Màu tím hoa sim

CHIỀU HOANG BIỀN BIỆT - BIỀN BIỆT HỮU LOAN

Vĩnh biệt “cậu Tú Loan”

Hữu Loan - tím mãi màu hoa sim

Hữu Loan - cây gỗ vuông màu tím

Kỳ nhân Hữu Loan và bài thơ tình hay nhất thế kỷ


http://thethaovanhoa.vn/133N2008073110365390T0/ky-1-nha-tho-va-nguoi-phu-vac-da.htm

http://thethaovanhoa.vn/133N20080801113940543T0/ky-2-moi-tinh-am-duong-cach-biet-va-bai-tho-tinh-bat-hu.htm

http://thethaovanhoa.vn/133N200882111042121T0/ky-3-moi-tinh-set-danh-va-nhung-be-dau-kiep-nguoi.htm

http://thethaovanhoa.vn/173N20080804032848588T133/ki-4-het-ky-nhan-huu-loan-va-nhung-tran-tro-cuoi-cung.htm

===

http://www.diendan.org/sang-tac/mot-kiet-tac-111oi-ho-nhu-quen-han/
Tình Thủ đôMột kiệt tác đời hồ như quên hẳn

Dương Tường

Là do cô nhà thơ trẻ Dạ Thảo Phương tự dưng bàn sang chuyện cầu Long Biên, cái tháp Eiffel nằm ngang vắt qua sông Hồng ấy. Ấy thế là quẫy lên từ sâu thẳm ký ức tôi những câu đầy hào khí: “Qua cầu Long Biên/ Sông bóng người đi/ Vai cao rộng/ Mặc núi rừng Việt Bắc...” trong bài thơ “Tình Thủ đô” của Hữu Loan.

Bài thơ mà cách đây nửa thế kỷ, bọn tôi, mấy gã lính văn nghệ tuổi ngoài hai mươi, thường say sưa cùng nhau tấu lên giữa rừng sâu Việt Bắc hay Trung Thượng Lào mà nước mắt giàn giụa. Tôi bảo Thảo Phương: “Có một bài thơ về Hà Nội kháng chiến mà chú coi là một kiệt tác bị lãng quên, nghĩa là chưa từng được đưa vào bất cứ tuyển tập thơ Việt Nam nào từ trước tới nay. Cháu có muốn nghe không?” và tôi cao hứng đọc luôn. Nhưng đến câu: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa...” thì tôi bỗng khựng lại, không sao nhớ tiếp được. “Chao, trí nhớ suy yếu cùng với tuổi già dạo này luôn chơi mình những vố thật khăm!” - tôi bực bội nghĩ thầm.

Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi, đào bới ký ức, và nhớ thêm được nhiều đoạn khác nhưng vẫn không nối lại được mạch ở chỗ bị khựng lại lúc chiều. Ngày xưa, bọn tôi – Tất Vinh, Vũ Như, Mạc Lân và tôi - thường đọc với nhau theo kiểu đồng ca hoặc “hát đuổi”, người nọ nối người kia, câu trước gọi câu tiếp theo... Giá lúc này, tụ lại cùng nhau “đồng ca hát đuổi”, chắc thể nào cũng nhớ ra hết. Tất Vinh mất đã hơn hai mươi năm, Vũ Như cũng đi từ lâu, chỉ còn Mạc Lân...

Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện cho Mạc Lân. Từ đầu dây đằng kia, một giọng thều thào: “Tường đấy hở? Tao mệt lắm. Mấy hôm nay ngất hoài. Tao bây giờ sống thêm ngày nào là ăn gian của trời đất ngày ấy”. Tôi lưỡng lự một chút, e vấn đề đặt ra không đúng lúc, nhưng rồi quyết định cứ hỏi: “Mày (bọn tôi bây giờ đều đã ngoài bảy mươi, thậm chí ngót tám mươi, nhưng vẫn không thể nào thay đổi cách xưng hô mày - tao thuở xưa) còn nhớ bài “Tình Thủ đô” cua Hữu Loan không?” – “Nhớ chứ, sao lại không!” Giọng nói ở đầu dây đằng kia bỗng trở nên tỉnh táo, linh hoạt. Và Lân đọc luôn trong máy: “Trên những chuyến xe bò/ Đi về đường Chèm - Vẽ...”. Lân đọc mỗi lúc một bốc, ờ, vẫn cái giọng sang sảng ngày xưa. Thế là chúng tôi lại “hát đuổi” với nhau một lúc, trước khi tôi hẹn vào thăm Lân ngay trong buổi sáng hôm ấy để chụm đầu với nhau ôn lại từng khổ, từng câu cho đến hết bài.

Thật cảm động và kỳ diệu đến mức khó tin, lòng yêu thơ, như một thứ thần dược, đã làm cho Mạc Lân như khoẻ hẳn lên. Mạc Lân, một người với cả nửa tá bệnh hiểm nghèo đóng trụ sở thường trực trong phủ tạng - tim, gan, thận, phổi, thần kinh...- suốt hơn hai mươi năm nay chống chọi với cái chết luôn rình rập, tháng nào cũng dăm bảy lần ngất, có đận trên 20 lần một tháng. Nhưng lúc này, anh như một người khác. Giọng vang vang, mắt anh long lanh như mỗi lần nhắc đến những bài thơ và người thơ anh yêu. “Không thể để một bài thơ như thế này mất đi”, chúng tôi bảo nhau thế. Mấy ngày liền, tôi đi xe ôm vào Cầu Giấy làm việc với Lân. Có đêm, rất khuya rồi Lân còn gọi điện ra: anh vừa nhớ ra cái đoạn mà hồi chiều chúng tôi bị vấp và chững lại.

Cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn tất công việc “phục chế” bài thơ.

Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước – chắc chắn là sau chiến dịch biên giới (1950) và trước chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca Tình Thủ đô là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong Kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939 - 1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa... Nắng loá tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối...”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa...”. Ngoài giá trị nghệ thuật cao – chuyện này còn phải bàn dài dài khi có dịp - bài thơ còn đặc biệt thân thiết với thế hệ chúng tôi bởi lẽ nói cách nào đó, nó là một phần của cái quá khứ mà bọn tôi vẫn coi là thời hoàng kim của cách mạng. Cùng với những câu thơ, khổ thơ được hồi nhớ, những kỷ niệm cũng trỗi dậy, chúng tôi như sống lại cả một thuở xa xưa. Bài thơ gắn liền với tuổi trẻ của chúng tôi, những gã trai Hà Nội đã bỏ lại “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Ngày về - Chính Hữu) để theo Cụ Hồ đi kháng chiến chống Pháp. Bởi thế, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà nó vẫn sống trong lòng bọn tôi, từng câu từng chữ vẫn tươi sắc hồng cầu trong huyết quản - ký ức bọn tôi. Nói cách khác, nó đã thành một mảnh hồn của chúng tôi.

Nghĩ rằng thế hệ trẻ hiện nay, dù không từng sống “những ngày thủ đô/ như ộc máu triền miên” ấy, vẫn có thể cảm nhận ở những mức độ khác nhau những gì được chuyển tải trong “Tình Thủ đô”, chúng tôi quyết tâm ghi lại để chờ dịp công bố rộng rãi. Tôi những muốn nhân dịp này vào Thanh Hoá thăm anh Hữu Loan để anh duyệt lại bản ghi cho thật chính xác trước khi công bố, nhưng thật tiếc là không có điều kiện. Với lại, dạo xưa, tuy rất quý mến anh nhưng tôi không có dịp gần anh nhiều, chỉ đôi lần trò chuyện sơ sơ, chẳng biết anh có còn nhớ tôi không. Dù sao nếu bản ghi này tới được anh, cũng mong anh bổ chính cho những chỗ còn sót hoặc chưa chính xác, và nhất là, nhận ở đây tấm lòng của những kẻ đã suốt nửa thế kỷ mang trong tim mình bài thơ của anh mà đời hồ như đã quên hẳn.

Nguồn: Trong tập Chỉ tại con chích choè, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2009. Tác giả gửi cho Diễn Đàn khi được tin nhà thơ Hữu Loan từ trần.

tình thủ đô

Hữu Loan

Trên những chuyến xe bò
Đi về đường Trèm Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư
Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc
Một chiều xưa
Quan Thánh
Cổ Ngư
Bạch Mai
Bóng liễu Tháp Rùa
Một thằng bạn
Một thằng con
ở lại

*

Khấp khểnh xe đi
Vấp vào đêm tối

Thủ đô
Ngày mùa thu
Thủ đôCờ bốc lửa

phố dài
Cờ bốc lửa
công trường Nhà Hát lớn.

Thủ đô
Ngày Tổng Khởi Nghĩa
Ngày Thủ đô chờ đón
Đoàn Giải phóng quân về
Qua cầu Long Biên
Sông bóng người đi
Vai cao rộng
Mặc núi rừng Việt Bắc
Ai về Thủ đô
Khăn thầm nước mắt
Quốc ca mình
Đoàn lính Việt đầu tiên
- Có người làng đi
Trong đoàn lính trẻ.

Thủ đô
Tuần Lễ Vàng
Hà Nội dãy dọc toà ngang
Quên giai cấp
Trong căm thù dân tộc

Thủ đô
Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập

Thủ đô
Ngày Tổng Tuyển Cử đầu tiên
Những ngày Thủ đô
Như ộc máu triền miên
Máu những người Tây giết
Chảy về từ lịch sử
Tiếng hátVùng lên
Xích xiềng rơi vỡ.

Thủ đô
Ngày Tàu trắng
Quốc dân đảng
Và thực dân
Nghênh ngang phố chật
Bắt cóc
Tống tiền
Khiêu khích
Bắn người
Đám ma đi
Cờ đỏ phủ quan tài
Phố Ôn Như Hầu
Những người bị giết
Xác quăng đầy hố
Đoàn Giải phóng quân đi
Như gại dao trên đường nhựa.

Thủ đô
Quân lệnh đêm
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói

Nắng loé tường vôi
Chữ cào xương nhức nhối:
THANH NIÊN SỐNG CHẾT VỚI THỦ ĐÔ!
Mắt em thiếu nhi
Hồ trăng Trung Thu:
Các anh hãy giữ non sông
Cho chúng em!
Bàn tay lớn
Nhận lòng tin bé nhỏ.
Cụ Hồ hỏi anh em bộ đội:

– Các chú liệu giữ được Thủ đô
Bảy ngày?
Một rừng nắm tay
Thét tiếng:
– Thề với Bác!

*
Lửa cháy Thủ đô

Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn
Xác thằng con
Trên hè phố Thủ đô

Giặc khởi hấn rồi!
Đường tản cư khuya
Lửa toé sắt bánh xe bò
Một Quyết tử quân hy sinh
Là một đoàn giặc chết
Một Quyết tử quân hy sinh

Và bắt đầu từ đó
Những ngày đêm Thủ đô
Tàn sátKhu Đồng Xuân
Lính Trung đoàn Thủ Đô
Đâm giặc trên bàn thịt
Như chọc tiết bò
Đuổi giặc
Vật lăn trên nóc chợ

Hai tháng giết nhau
Một đêm thủ đô
Có đoàn Quyết tử
Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng Thủ đô
Những đơn vị rút đi
Góc phố Thủ đô
Bóng những người ở lại
ánh hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ
Người Quyết tử quân
cuối cùng.

*
Những người dân Thủ đô

Về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng
Thức đêm may cờ ba sắc
Và những sớm mai
Tay xót xa
Đem treo cờ giặc trước nhà
Ai về Hà Nội
Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội
Giặc xây thêm ngục tù
Xe Phòng Nhì
Chở từ ngoại ô
Từng đoàn người xiềng tay
Về qua phố tối.
Ai về Hà Nội
Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội Ngã-Tư-Sở
Hà Nội Khâm-Thiên
Đèn khuya chảy vàng
Những hộp đêm
Mọc theo tiếng giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ
Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố
Và giữa trưa Hà Nội yên lành
Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng
Một xác Việt gian
Ngã tư
nắng đọng

Lũ lượt kéo nhau về Hà Nội
Từng đoàn thiêu thân
Mang trong mình định mệnh
Mủ đờm nhớt lạnh
Và uế khí hôi tanh
Sợ ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép
Cánh tay người Kháng Chiến

Từ vùng tự do
Có người vào nội thành
Ném chứng thư Việt Minh
Trên dòng sông
Chào thằng bạn chiến khu
Mà phục tấm lòng.

Đêm Thủ đô
Rét đến
Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu Vũ
Cơm gia đình
Đũa bát nhớ người đi.
Và những sớm mai
Từng đoàn phi cơ giặc
Chở tóc tang đầy trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về
Chuyển Hà Nội mênh mông
Tìm người Hà Nội
Rung lên như đất chuyển
– Những người Thủ đô tản cư
– Những đồng bào kháng chiến.

Những em mùa thu
Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn lên
Tìm đường chiến khu Việt Bắc.
Những người ngày xưa
Ghét Việt Minh
Bắt đầu chờ đợi
Bao giờ Việt Minh
Mới đánh vào Hà Nội
Cho ánh sáng xa hoa
Vỡ rơi thành bóng tối
Trên xác người máu me
Ngổn ngang gạch ngói?
Đến bao giờ Việt Minh
Mới đánh vào Hà Nội?

Những người bắt sống Le Page
và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.
Mắt vời xa
Cô gái Hà Nội tản cư
Đẹp trong màu áo vải quê mùa
Sẽ còn những ai
Trong đoàn quân trở lại
Ngày thủ đô chiến thắng tưng bừng?
*
Em về Thủ đô

Chân phố cũ
Ngập ngừng

Khoảng cuối 1950 - đầu 1951
(Dương Tường & Mạc Lân ghi lại theo trí nhớ. Tác giả Hữu Loan đã xem lại)

===

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/huu-loan-111eo-ca/
Hữu Loan, đèo Cả
Đặng Tiến

Hữu Loan là khuôn mặt văn học đặc biệt trong nền thi ca đương đại từ hơn 60 năm nay. Ông làm thơ hay, hiện đại, tân kỳ, nhưng tên tuổi thường xuất hiện theo thời sự. Màu tím hoa sim, làm trong thời chống Pháp, là bài thơ nổi tiếng nhất, nhưng được nhắc nhở, đôi khi không phải vì lý do văn học, thậm chí còn làm nhiễu lý luận văn chương.

Khắc họa chân dung văn học chân chính và phức tạp của Hữu Loan là việc khó nhưng trước sau cũng phải làm.

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2.4.1916, tại làng quê, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và qua đời cũng tại đây, ngày 18.3.2010. Qua non một trăm năm dâu biển, sinh và mất cùng một xóm quê, đã là nét đặc biệt, trong nhiều đặc biệt khác của Hữu Loan.

Ông thường kể lại là mình xuất thân từ một gia đình nông dân, tá điền nghèo. Nhưng chắc là không nghèo lắm nên mới được học và đỗ tú tài năm 1938. Thời đó là học hàm cao : với văn bằng này Xuân Diệu đã đi làm Tây Đoan, Vũ Hoàng Chương đi làm thanh tra hỏa xa, còn Hữu Loan thì không dính dáng gì đên quan trường. Thỉnh thoảng giận đời - năm ba lần trong đời - ông đã bỏ bút mực về quê cầy ruộng, đánh cá, từ 1958 thì đi xe thồ chở củi, chở đá nặng nhọc. Cũng lại là điều không giống ai.

Ông cưới vợ giàu và gia thế, dù cho bà ấy có mất sớm, thì nếu muốn nhờ cậy, ông vẫn có nơi dựa, nhất là quan hệ với « ba người anh đi bộ đội », trước kia là học trò ông dạy kèm trong nhiều năm, về sau là chức trọng quyền cao. Cũng là nét đặc thù. Thêm nhiều chi tiết khác, tổng hợp lại, có thể vẽ lên chân dung Hữu Loan. Ông có chìm nổi, có gian lao thật, nhưng là cuộc đời ông chọn lựa làm một « khúc gỗ vuông »; lịch sử có eo ép thật, nhưng là lịch sử chung, còn hoàn cảnh riêng, có phần do ông tạo ra, không phải là quy luật.

Điều thiệt thòi cho ông là : khi nhắc đến Hữu Loan, ít người quan tâm, bàn luận đến những đóng góp của ông vào nghệ thuật thi ca từ thời 1945 đến nay. Ít nhiều cũng do chính bản thân ông không mấy quan tâm đến sự nghiệp văn học, dù ông là một trong những người đi tiên phong trong việc cách tân thơ Việt Nam.

*
Bắt đầu là bài Đèo Cả , làm năm 1946 :

Đèo cả ! Đèo Cả
Núi cao ngút
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương

Bên quán « Hồng Quân » người ngựa mỏi
Nhìn dốc ngồi than,
Thương ai lên đường !
Chầy ngày lạc giữa núi
Sau chân lối vàng xanh tuôn
Dưới đây bên suối độc
Cheo leo chòi biên cương(…) Rau khe, cơm vắt
Áo phai màu sa trường
Ngày thâu vượn hú
Đêm canh gặp hùm lang thang

Trên báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 7, tháng 12-1948, trong mục Tiếng Thơ, Xuân Diệu đã giới thiệu trích đoạn này trong bài viết tại Vĩnh Yên, ngày 23.11.1948 :

« Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả. Một Đỗ Phủ của thời mới đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong đất nước ta, đứng giữa Phú Yên với Khánh Hòa, mà lại hóa thành heo hút quá. Vì bên này là ta, bên kia là giặc. Nhất là khi chiến tranh chưa lan toàn quốc, từ Bắc Bộ, đi suốt vào Đèo Cả, lên Đèo Cả thấy bên kia giặc rắc tai ương. Đèo Cả biên thùy, đứng trên đầu bể thẳm đụng tới mây cao, Đèo Cả treo giữa biên thùy, mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ » (tr.35).

Xuân Diệu viết hào hứng, vì rung cảm trước bài thơ, chứng tỏ giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ông không đề xuất tên tác giả, có lẽ vì bài thơ không ký tên, được đăng trên báo Chiến Sĩ, của Quân khu IV, in tại Vinh, số 8, năm1947 ; lý do không ký tên có lẽ vì chính tác giả Hữu Loan làm chủ biên tờ báo. Lại là một nét đặc biệt.

Bài Đèo Cả, có lẽ làm trong chiến dịch Nam tiến ; không khí nhắc đến bài thơ đồng thời, là Nhớ Máu của Trần Mai Ninh, làm xong ngày 9.11.1946 tại Tuy Hòa, hay bài Ngoại Ô Mùa Đông 46 của Văn Cao, cùng đăng trên báo Văn Nghệ, năm đầu tiên, 1948.

Cùng một mạch thơ, khoảng cuối 1950, đầu 1951, Hữu Loan có bài Tình thủ đô do bè bạn ghi theo trí nhớ, và tác giả đã duyệt lại :

Trên những chuyến xe bò
đi về đường Trèm, Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư
Đoàn xe bò
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc
Một chiều xưa(…)
Những người bắt sống Le Page
và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.

(trích theo Dương Tường, phụ lục « Chỉ tại con Chích Chòe », nxb Hội nhà Văn, Hà Nội, 2009)

Bài này phảng phất ít nhiều hơi hướm, tình cảm lãng mạn, như trong Màu Tím Hoa Sim, viết về người thật và việc thật xảy ra trong đời Hữu Loan : người vợ trẻ mới cưới, tên Lê Đỗ Thị Ninh, chết vì tai nạn – té xuống sông – ngày 25 tháng 5 âm lịch 1948 , theo lời kể Hữu Loan.

Nàng có ba người anh đi bộ đội…
(…) Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
(…) Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
mấy người đi trở lại
(…) Nhưng không chết người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
(…)

Sự việc, tự nó đã buồn. Nó còn bi thảm hơn nữa khi người đọc tưởng tượng ra cảnh người vợ chết vì bom đạn, và qua lời thơ bi thiết :

Những chiều hành quân
qua những đồi sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa…

Cái chết ở đây là do tai nạn, thời nào, nơi nào, cũng có thể xảy ra ; nhưng nó đã xảy ra trong thời chiến tranh ; và tác giả đã khéo lồng vào khung cảnh khói lửa :

Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng…

Do đó bài thơ có giá trị truyền cảm và biểu tượng mạnh mẽ, trên một đất nước tan nát vì một chiến cuộc kéo dài ; giới văn học ngày nay gọi là « liên văn bản ». Điều này không loại trừ chất nghệ thuật của tác phẩm và tài năng của Hữu Loan, nhưng thời đại cũng đã góp phần hậu thuẫn cho tác phẩm.

Chưa kể là bài thơ khi ra đời, đã bị ngăn chặn, vì tính cách bi quan, « phản chiến » của nó, trong giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Tác phẩm miêu tả sự thật, mà bị cấm đoán thì càng được truyền tụng, nhất là về phía « bên kia ». Câu chuyện dài dòng – thậm chí ngoài đề – tôi sẽ trở lại trong một bài khác.

Trong nguồn thơ kháng chiến, tháng 12 - 1956, ông có bài thơ mừng xuân « Ôm Tết vào lòng », phấn khởi sau chiến thắng và hòa bình, nhưng vẫn còn bầm tím vết tích của chiến tranh :

Tết và mùa xuân
Như mắt người ứa lệ
Những người đầu tang còn
Rối tóc rối khăn
Ôm Tết vào lòng
Băng bó lại mùa xuân
Cùng nói lên
nói lớn
một lần
Không được giẫm lên mùa xuân
Không được giẫm lên Tết nữa
Không được
giẫm chân lên
lòng người.
(Giai Phẩm, Xuân 1957, nxb Văn Nghệ, Hà Nộị)

« không được giẫm lên lòng người » là một khuynh hướng trong tâm đạo Hữu Loan, thiết tha với tự do, thường xuyên phản kháng. Ông can dự vào phong trào Nhân văn giai phẩm, và trên Giai phẩm mù Thu, tập 2, ông có bài « Cũng những thằng nịnh hót », làm tháng 9-1956 :

Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa
Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống
(…) Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường chính sách
Chúng nó còn thằng nào
Là chế độ chúng ta chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết
mọi thằng.
Những người đã đánh bại xâm lăng
Đỏ bừng mặt vì những tên quốc sỉ
Ngay giữa thời nô lệ
Là người, chúng ta
không ai biết
cúi đầu.

Trên Giai phẩm mùa Đông, tập 1, tháng 12.1956, ông còn có truyện ngắn « Lộn sòng » mô tả những tiêu cực trong đời sống khó khăn của giáo giới Thanh Hóa.

Thời điểm này, ông phải đi tham gia Cải cách ruộng đất, chứng kiến nhiều cảnh ngộ bất nhẫn. Bà vợ sau của ông, gốc gác địa chủ lại là nạn nhân trực tiếp của chính sách. Ông bỏ công việc biên tập viên nhà xuất bản Văn Nghệ, bỏ Đảng, bỏ Hà Nội, về quê Thanh Hóa sống lao động lam lũ và vất vả : đốn củi, thồ củi, thồ đá bằng xe bò bánh gỗ và bị áp bức mọi mặt. Ông vẫn dũng cảm và kiên quyết sống bất khuất, nuôi nấng đàn con mười đứa.

Năm 1988, Hữu Loan lại xuất hiện trong thời sự văn chương và chính trị, vì tham gia một chuyến đi xuyên Việt do một vài anh em văn nghệ tỉnh Langbian tổ chức, để cổ động cho tự do, dân chủ, và có bài thơ Chuyện Di Tề :

Lịch sử là một
trò hề
diễn lại
diễn đi
chưa


mới mẻ
chỉ có bọn
Trùm Hề

nhiều
ngón
bịp
mới hơn

Trong bối cảnh đó, ông tự chọn cách tồn tại :

Tôi là cây
gỗ
vuông
chành chạnh
suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn lóc thế nào
thì lăn lóc.
Chân
tính
đấy
Hỡi
Rìu
Bào
Phó mộc

Lưu ý : những chữ Rìu, Bào, Phó mộc viết hoa.
*
Người xưa có câu « cái quan định luận » : đóng nắp quan tài, mới định luận được phẩm giá một người. Ngày nay sự việc có phần phức tạp hơn.

Nhưng với Hữu Loan qua cuộc đời dài non thế kỷ, sôi nổi, khói lửa, trầm luân, đánh giá từ đâu, kiểu gì đi nữa thì chúng ta đều phải công nhận hai nét son : tài hoa và tiết tháo.
Làm nhớ đến một câu văn tế xa xưa :

Ngọc dầu tan,
vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy,
tiết ngay vẫn để.

Đặng Tiến

Orléans, vào Xuân, 21.3.2010

http://www.vietsciences.org/nhipcaubandoc/tinvuibuon/thisiNguyenHuuLoandaradi.htm

Hữu Loan Tự phỏng vấn

Năm 1988, khi cuộc Đổi mới bắt đầu, nhà thơ Hữu Loan rất phấn chấn. Ông đã viết một bài "tự phỏng vấn" gửi cho báo Lao động Chủ nhật nhưng không được in. Nay, 19 năm sau, nhà thơ 91 tuổi đã đồng ý để talawas công bố bài trên. Các chú thích trong bài được phóng viên talawas ghi trực tiếp theo lời của nhà thơ và gia đình trong cuộc gặp gỡ mới đây tại nhà ông.

Tiểu sử Tên Hữu Loan cũng có tên đời là Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì… Tên chợ là Ông già Vườn Lồi (Phù Viên Lỗi). Sinh năm Bính Thìn (1916), tại thôn Vân Hoàn, Nga Sơn, Thanh Hóa.

Từ 1936 đến 1942 làm cách mạng trong phong trào học sinh và nhà trường.

Từ 1943 đến 1945 về đi cày và đánh cá, làm Việt Minh và làm khởi nghĩa huyện nhà [1] . Cùng năm làm Ủy ban Lâm thời tỉnh phụ trách 4 ty Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính. Chán lại về đi cày và đánh cá nuôi bố mẹ già.

Từ nửa năm 1946 đến 1951, điện mời làm chủ bút báo Chiến sĩ Quân khu IV ở Huế. Gặp Nguyễn Sơn, ủng hộ đường lối ưu tiên với văn nghệ sĩ [2] .

Khi Nguyễn Sơn bị đình chỉ công tác, trả cho Trung Quốc, đường lối Nguyễn Sơn bị Lê Chưởng và Hoàng Minh Thi phản đối, Hữu Loan đề nghị giữ Phạm Duy ở lại không được, lại về đi cày cho đến 1954 tiếp quản thủ đô lại có điện mời ra làm biên tập cho báo Văn nghệ, được mời vào làm hội viên Hội Nhà văn. Sau tham gia Nhân văn rồi bỏ về đi cày, đi thồ, từ 1958 cho đến giờ (cuối 1987) [3] …

Phóng viên: Từ mấy chục năm nay trong dân gian và trong văn học thường hay nói đến "Nhân văn-Giai phẩm", đến "vụ án Nhân văn-Giai phẩm" như là một chuyện gì ghê gớm lắm mà những người đã tham gia vụ ấy là những tên đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo không thể dung tha được, những bọn cặn bã xấu xa nhất của xã hội ta. Nhưng trong thực tế thì thơ, nhạc của họ đều được nhân dân truyền tụng ngầm rồi đến công khai, cấm cũng không xong, càng ngày càng lan tràn. Ngay cả đến nhà nước lại cũng đã tuyên bố phục hồi cho họ, in lại thơ, lại nhạc. Như thế là trước kia không phải họ sai mà nhà nước sai hay sao? Nếu nhà nước sai thì làm gì còn có "vụ án Nhân văn"? Có sai mới có án, mà đã không thì cái gọi là "vụ án Nhân văn" là một vụ oan. Nhưng mới gần đây vẫn có người trịnh trọng tuyên bố "vụ Nhân văn" là một vụ án. Chúng tôi là những người cầm bút chuyên môn mà vẫn thấy mâu thuẫn khó hiểu, huống hồ người dân thì lâu nay chỉ được thông tin một chiều… Họ thắc mắc hỏi chúng tôi, chúng tôi rất lúng túng không giải thích nổi. Vậy thì thưa ông Hữu Loan, ông đã là người trong cuộc, xin ông giảng lại cho: Thế nào là "Nhân văn"? Thế nào là "Vụ án Nhân văn"?

Hữu Loan: Tất cả mọi cái này, tôi đã có ý kiến đầy đủ trong bản kiểm điểm của tôi ở trại chỉnh huấn Nhân văn. Các anh nên đến qua Công an Hà Nội tìm đọc thì hơn.

Phóng viên: Bác ngại sao? Hữu Loan: Cũng ngại chứ! Phóng viên: Vì sao vậy?

Hữu Loan: Vì tuổi tác cũng có. Nhất là vì mới đây thấy hưởng ứng lời kêu gọi tự do báo chí, Nguyên Ngọc chỉ cho đăng số bài của các nơi gửi về mà đã bị kết tội là sai phạm lệch lạc nghiêm trọng hơn nhiều, rồi hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, để kiểm điểm, để bàn cách đối phó. Nhưng dù sao, khắp nơi các báo chí đều dám lên tiếng ủng hộ Nguyên Ngọc.

Còn hồi tôi về thì không một người bạn nào dám đến đưa chân ngay ở nhà chứ đừng nói ra ga, mặc dù có những bạn tôi đã đấu tranh cho được vào biên chế, được vào Hội Nhà văn mà mới cách đây vài năm đi công tác qua nhà tôi cũng vẫn còn sợ liên quan không dám vào. Họ đều đổ cho là tại chế độ, tại tình hình. Nhưng nếu chế độ là chế độ thì người cũng phải là người chứ. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Đấy là bè bạn, là người ngoài. Ruột thịt đối với tôi còn tàn nhẫn hơn nhiều.

Những năm 1943, 1944, 1945, Nhật đánh Pháp ở ta dữ dội, trường tư tôi dạy phải đóng cửa, tôi về quê vừa làm ruộng, đánh cá để nuôi bố mẹ và để hoạt động Việt Minh bí mật. Mấy năm ấy đói to. Bố mẹ tôi vẫn phải nhịn cháo rau cho cán bộ Việt Minh bí mật về ăn. Những người cùng ở ban khởi nghĩa với tôi làm to cả, gia đình nào bố mẹ cũng sung sướng, nguyên tôi lại về. Mẹ tôi buồn ốm chết. Bố tôi chửi tôi:

“Mày làm Việt Minh chặt hết của tao một giặng tre để rào làng, rào giếng.”

Các cháu trong nhà trong họ không đứa nào không chửi:

“Ông về là đúng! Trời làm tội ông. Lúc ông phụ trách 4 ty còn ai nhiều chức hơn ông mà con cháu chả đứa nào được nhờ. Ông cho trong huyện hơn bốn mươi người ra làm giáo viên, con cháu xin thì ông bảo: ‘Chúng mày rồi hẵng…’ Ông chỉ toàn khuyên các cháu đi bộ đội. Nghe ông, bốn đứa xung phong đi, giờ còn có một đứa về… Hồi Việt Minh còn đang bí mật, ông đứng ra lãnh gạo, muối, diêm về phát cho dân. Ông phát cho dân trước, đến lượt ông và con cháu ông lần nào cũng hụt, có lần hết sạch. Bây giờ ông coi họ lãnh sữa bột, dầu cải của quốc tế cho trẻ em, họ chia nhau trước, đến lượt trẻ em thì hết. Không ai dại như ông. Khi ông có tiêu chuẩn xe con, đi các huyện khác thì ông còn đi xe con chứ khi nào về huyện ta ông toàn đi xe đạp, trong khi những người không có tiêu chuẩn xe, họ mượn xe của ông để về vênh váo với làng nước. Ông bảo ông làm cách mạng, để cho cả làng được đi học. Khi cách mạng thành công thì thằng con ông thi đại học đậu thừa điểm đi nước ngoài họ không cho đi ngay cả trong nước và chúng đã thay vào chỗ con ông một tên Cường không đậu, tên na ná với tên con ông là Cương.”

Có đứa nó như phát điên và nó đã chửi tôi:

“Ông là loại ngu nhất. Ông bảo ông mẫu mực, cái mẫu mực ấy đem mà vứt cho nó ăn. Chả đứa nào nó thương ông. Ông tự làm khổ ông lại làm khổ lây đến con cháu…”

Mỗi lần như thế tôi phải đấu dịu với chúng:

“Thôi tao van chúng mày, nếu mẫu mực mà lại được ngay ô tô nhà lầu thì chúng tranh chết nhau để làm mẫu mực chứ chả đến phần tao. Ngay ngày 2/9, bên xã mổ thịt bán tự do cho dân về ăn Quốc khánh, tao biết thân phải đến rất sớm mà cũng chả đến phần. Những ông Đảng ủy, Ủy ban v.v… được mua trước, đến mình thì hết phần…”

Phóng viên: Như vậy là bác chán không muốn nói đến chuyện "Nhân văn-Giai phẩm" nữa?

Hữu Loan: Ai mà chả phải chán. Mình đấu tranh cho họ, bênh vực họ, khổ vì họ, họ lại đè mình họ chửi, họ oán. Những kẻ gây tai họa cho họ, họ lại cho là đúng, là gương để cho họ noi theo.

Phóng viên: Xưa nay bác vẫn là người nói thẳng, nói thật, lúc trẻ bác còn dám nói, giờ già rồi không lý nào bác lại sợ, lại hèn?

Hữu Loan: Anh kích tôi đấy phỏng? Tôi là người không bị động bao giờ.

Phóng viên: Cháu không dám hỗn thế đâu, nhưng đây là một vấn đề của lịch sử, trước sau rồi cũng phải đưa ra ánh sáng. Chỉ có bác là người trong cuộc, bác giúp cho bọn cháu thì nó cụ thể hơn, sát hơn, để các cháu có thể hiểu được những cái vô cùng rắc rối của giai đoạn xã hội hiện nay…

Hữu Loan: Thực ra nếu bên Liên Xô không có Khrushchev lật Stalin, đưa ra phong trào chống sùng bái cá nhân thì bên Tàu không làm gì Mao Trạch Đông đưa ra chuyện “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng" và bên ta hưởng ứng tức thời bằng phong trào mang tên dịch lại nhãn hiệu Trung Quốc “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Tên nôm na của ta là “Chống sùng bái cá nhân”.

Trước đó thì ở ta có hiện tượng rất phổ biến này: Khi gặp nhau, trước bất cứ câu đối đáp nào đều phải có nhóm thành ngữ “ơn Đảng ơn Bác" đứng đầu. Thí dụ:

“Ơn Đảng ơn Bác, đồng chí có khỏe không?”

“Dạ, ơn Đảng ơn Bác lâu nay tôi ốm mãi, ơn Đảng ơn Bác tôi mới xuất viện được 2 hôm nay.”

“Ơn Đảng ơn Bác thế mà em không hay biết gì…”

Sau hàng tháng phát động đấu tranh kiểm điểm ở từng cơ quan để bỏ chữ Bác đi và thay thế bằng: “Ơn Đảng ơn Chính phủ”:

“Ơn Đảng ơn Chính phủ vụ mùa này thu hoạch có đủ nộp không?”

“Ơn Đảng ơn Chính phủ nhà em có con lợn mới độ 30 ký đang lớn, thanh niên cờ đỏ vào bắt nợ rồi, được bao nhiêu thóc đong hết sạch mà còn thiếu phải bù bằng lợn…”

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc liên tiếp bị đô hộ, hết Tàu đến Tây, đến Nhật, đến Mỹ… Cái khao khát, cái đói cố hữu của dân tộc này là đói độc lập, tự do, cơm áo. Khi thấy Đảng hứa đem lại những thứ ấy cho thì người dân tin tuyệt đối vào Đảng. Đảng bảo gì họ theo nấy, bảo phá nhà thì phá nhà, bảo bỏ ruộng thì bỏ ruộng, bảo bỏ bố bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ Trời bỏ Phật, bỏ được tất, còn dễ hơn từ bỏ đôi dép rách. Anh đội trưởng cải cách chỉ là một sứ giả của Đảng mà dân cũng đã tin hơn trời: “Nhất đội nhì trời”.

Lòng dân tin vào Đảng không thước nào đo được, nên khi phát động để phủ nhận một điều gì Đảng đã chủ trương trước kia, thật là vô cùng khó khăn. Nguyên chỉ để thay đổi câu “Ơn Bác ơn Đảng” và kiểm điểm những việc làm trước kia có tính chất sùng bái cá nhân mà cũng mất hàng tháng phát động ở mọi cơ quan.

Khẩu hiệu là “Nói thẳng, nói thật, nói hết để xây dựng Đảng!” Không những nói mồm mà còn viết lên các báo. Không những viết lên các báo nhà nước mà còn khuyến khích mở báo tư nhân để viết. Vì thế mới có Nhân văn, Giai phẩm của chúng tôi. Và Trăm hoa của Nguyễn Bính.

Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo Trăm hoa. Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là Trăm hoa số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa”, 22 anh em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp báo Nhân dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo Văn nghệ không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh, mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính, Bính đến xin ngày bài “Hoa lúa” về đăng Trăm hoa. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem đến trả cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng Văn nghệ chỉ được 7 đồng.

Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra) nhưng Hữu Loan đi cải cách chị cũng cần tiêu (15đ bằng 150.000đ bây giờ). Một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đ. Nói ra điều này để thấy rằng mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của cả một quyển sách hiện nay không bằng tiền của một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi. Nhà thơ Tố Hữu đã có dự báo thiên tài: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng!” Từ ấy đến giờ xuống dốc tuồn tuột không phanh, không thắng…

Chính sự xuống cấp thảm hại trong đời sống đã là nguyên nhân chính trong việc lưu manh hóa một số nhà văn, họ đã phải uốn cong ngòi bút, cũng như trong việc in sách đen sách trắng vừa rồi.

Phóng viên: Xin bác cho biết lại về vụ "Nhân văn".

Hữu Loan: “Nói thẳng nói thật, nói hết, để xây dựng Đảng”. Không những chỉ có Nhân văn hay Trăm hoa mới nói thật, mà cả nước nói thật. Cả nước kêu oan. Những “Ban Giải oan” đã thành lập để vào trong các nhà tù giải oan cho hàng vạn người bị cải cách quy oan….

Nhưng đã ăn thua gì. Đơn từ kêu oan từ các nơi gửi về tòa soạn Nhân văn thật đã cao bằng đầu, như “đống xương vô định”. Nhân văn đã xếp thành văn kiện chuyển cho Trung ương Đảng nghiên cứu để thay đổi chính sách. Thật ra Nhân văn chỉ khái quát tình hình để đúc thành lý luận. Bài báo bị cho là phản động, phản Đảng, phản dân nhất của Nhân văn là bài “Vấn đề pháp trị” do Nguyễn Hữu Đang viết [4] .

Trong bài ý nói: sở dĩ chỗ nào cũng có áp bức chà đạp lên con người là vì chưa có pháp luật rõ ràng. Tòa án là một tòa án tha hồ tùy tiện còn hơn Tôn giáo Pháp đình của giáo hội La Mã hồi Trung Cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử… Bài báo kêu gọi cần phải phân quyền thì người dân mới có bình đẳng trước pháp luật… Sau hơn ba mươi năm do tình trạng pháp luật tùy tiện mà xã hội xuống cấp một cách tệ hại như hiện nay. Vấn đề hàng đầu đang đặt ra để giải quyết cũng là mấy vấn đề pháp trị mà Nguyễn Hữu Đang đã đặt ra cách đây hơn 30 năm (mà phải nói đây là vấn đề sống còn của chế độ).

Không có một cộng đồng nào mà thành viên nào cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh, không người nào biết phải biết trái, mà sống nổi lâu dài. Nhân loại sinh ra để hợp tác với nhau, để tin nhau là chính, mới sống được đến giờ. Ngày xưa, ngay hồi Pháp thuộc cả một vùng lớn như một huyện mới có độ 5 – 6 tên trộm mà trộm không được pháp luật bênh như thế, mà dân cũng còn lo ngay ngáy cho số phận trâu bò của cải của mình. Còn bây giờ thì chỉ một thôn thôi cũng có hàng vài chục tên trộm cướp công khai, coi thường pháp luật thì hỏi người dân còn an cư thế nào để lạc nghiệp được?

Một vấn đề nữa Nhân văn đặt ra là “Vấn đề Trần Dần” đăng trong Nhân văn số 1, có chân dung Trần Dần to tướng với một vết dao lam cứa cổ to tướng do danh họa Nguyễn Sáng vẽ [5] . Từ trước ai cũng một lòng tin Đảng, cả trong lĩnh vực văn học. Tự Liên Xô đưa về rồi tự Diên An đưa sang, tài liệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, tức là con đường đi lên trong văn học nghệ thuật. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến cái xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có chứ không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt. Rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau để ăn cắp, nhưng văn học không được nói thực mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng. Luận điệu thuộc lòng là: Không có ăn cắp mới lạ, có ăn cắp là tất nhiên. Đấy là thứ sốt rét vỡ da của nhân vật khổng lồ, của một chế độ khổng lồ!

Cũng thành khổng lồ thật nhưng lại là khổng lồ đi xuống, một thứ quỷ khổng lồ hay một thứ khổng lồ không tim như đã dự báo trong một truyện ngắn ở Nhân văn. [6]

Đường lối đó ở ta đã được ông Trường Chinh tiếp thu và bảo vệ, và truyền giáo như một thánh tông đồ xuất sắc.

Một người nhà báo hỏi ông: “Như vậy là Cách mạng đã cấm tự do ngôn luận.” Ông Trương Chinh sửng sốt: “Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.”

Như thế là đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa đã cấm hẳn hiện thực phê phán là thứ vũ khí sắc bén nhất của báo chí để cải tạo kịp thời xã hội. Lý luận hiện thực XHCN này được học tập ráo riết trong quân đội, trung tâm đào tạo những tông đồ để áp dụng và đi phổ thuyết về “con đường đi lên” là Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ do ông Nguyễn Chí Thanh làm Tổng cục trưởng và ông Tố Hữu làm Tổng cục phó. Trong số văn nghệ sĩ phản đối đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa có Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Tử Phác… Có lẽ quyết liệt nhất là Trần Dần, nên Trần Dần bị bắt giam và trong nhà giam Trần Dần đã dùng dao lam cắt ven cổ nhưng chỉ toác da, chưa đứt đến ven thì đã kịp thời chặn lại.

Vì thế mà có bài “Vấn đề Trần Dần” trong Nhân văn số 1 như đã nói trên. Đây là một vấn đề văn học, hoàn toàn văn học. Đây là một cử chỉ khí tiết của nho sĩ Việt Nam trước cường quyền không bao giờ là không có, dù cường quyền có thiên la địa võng đến đâu thì cái truyền thống đáng tự hào ấy, cái hồn thiêng của sông núi ấy không tà khí nào làm mờ nổi. Trần Dần chỉ là hậu thân của những người đã viết “Vạn ngôn thư”, “Thất trảm sớ”… Cũng như vấn đề pháp trị của Nguyễn Hữu Đang, vấn đề văn học mà Trần Dần đòi xét lại cách đây hơn 30 năm hiện giờ vẫn đang rất là thời sự. Cái tai họa lớn nhất hiện giờ vẫn là do khuyến khích tô hồng, đề cao người giả, việc giả, hàng giả… Những người thấy trước tai họa, chân tình muốn ngăn chặn tệ nạn xã hội tô hồng thì bị gán ngay cho cái tội bôi đen.

Đáng nhẽ những người như Nguyễn Hữu Đang và Trần Dần phải được một giải thưởng quốc gia, một cái giải vinh quang là đã đưa ra được giải pháp để cứu nguy cho dân tộc.

Nhưng trái lại, lại vu oan giá họa, đặt lên đầu họ cái án gọi là "án Nhân văn".

Thực ra Nhân văn hưởng ứng lời Đảng gọi: “Nói thật, nói thẳng, nói hết để xây dựng Đảng", và chỉ đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận mong thực hiện tự do bầu cử vào quốc hội, vào chính phủ. Chỉ cần thực hiện thật sự dân chủ nội dung của Hiến pháp là cũng đã lý tưởng rồi.

Hiện nay báo Văn nghệ cũng đang làm cái việc như Nhân văn ngày xưa làm, cũng do được kêu gọi, được giao trách nhiệm Nguyên Ngọc mới dám làm, và báo Văn nghệ cũng đang bị khép tội là mắc những lệch lạc nghiêm trọng.

Có điều khác là: Nhân văn ngày xưa đơn độc, khi bị đánh không ai dám bênh, ngậm cái miệng cúi đầu mà mang án. Còn bây giờ thì hoàn cảnh trong nước và ngoài nước đã khác. Không thể đóng cửa mãi ở trong nhà và ngủ yên được mãi trên những sai lầm vô định. Khi Nguyên Ngọc bị đánh, đã có báo chí khắp nơi lên tiếng, những bản kiến nghị đang tiếp tục gửi về…

Nếu phong trào tự do báo chí, phong trào ủng hộ Nguyên Ngọc và báo Văn nghệ mà bị dập, tức là bọn quan liêu cơ hội thắng thế, kết quả là xúc tiến sự sụp đổ toàn diện, sự tổng khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị và uy tín của Đảng sẽ bị mất hoàn toàn vì bọn chúng. Quần chúng sẽ mất hết tin tưởng vào Đảng.

Từ trước tới giờ: làm sai cũng là bọn cơ hội, kêu gào sửa sai cũng là chúng, rồi đàn áp sửa sai cũng lại là chúng. Khi sai quá rồi không sửa thì dân không chịu nổi phải nổ. Nhưng sửa đến triệt để thì cháy nhà lại ra mặt chuột, nên cứ nửa chừng thì lại đàn áp sửa sai; chúng vu cho những người đã từng làm theo chúng tội rất nặng, càng nặng thì quần chúng càng dễ quên tội của chúng và cho rằng những rối loạn trước kia là do âm mưu bọn sửa sai gây ra. Chúng bàn nhau mưu kế dựng chuyện theo bài bản, những ông trên không sát cũng phải tin như thật.

Chính Nguyễn Hữu Đang đã rơi vào trường hợp như vậy.

Đang là người giác ngộ cách mạng sớm. Anh là linh hồn của Hội Truyền bá Quốc ngữ mà cụ Nguyễn Văn Tố là danh nghĩa. Dựa vào Hội TBQN, Nguyễn Hữu Đang đã hoạt động cho mặt trận Văn hóa Cứu quốc. Những nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, đều do Đang tổ chức vào mặt trận. Khi chính phủ vào Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang là trưởng ban tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập, sau làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Khi rút khỏi Hà Nội năm 1952-1953 vào Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Đang là Tổng thanh tra Bình dân học vụ. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, Trung ương cho xe vào Thanh Hóa mời Đang ra, muốn nhận bộ trưởng nào thì nhận, mời sinh hoạt Đảng, anh đều khước từ. Tôi hỏi vì sao, anh bảo:

“Nội bộ thiếu dân chủ trầm trọng, mình bây giờ chỉ một mình một Đảng.”

Sau hỏi anh làm gì, anh xin về làm nhà in, trình bày cho báo Văn nghệ.

Mãi đến gặp phong trào "Trăm hoa", Đảng phát động cho viết báo tự do, lại cho mở báo riêng thì anh Đang mới ra làm Nhân văn.

Anh Đang là một người rất có khả năng về chính trị cả về lý luận lẫn tổ chức, lại là một người rất hay giúp đỡ anh em và rất giữ lời hứa. Để một người có tài có đức như vậy thì bọn cơ hội hết đường xoay xở nên phải đánh. Một mặt phải phát động tố điêu dựng tội (như hồi cải cách dựng địa chủ) để đưa Nguyễn Hữu Đang lên thành phản động đầu sỏ. Một mặt sai điều động từ Thanh Hóa ra, từ các nơi về, hàng 6 sư đoàn để về vây thủ đô đề phòng bọn Nhân văn làm phản (trong khi Nhân văn chỉ mấy thằng đi kháng chiến về, đói rách trói gà không nổi). Việc điều động một lực lượng quân đội lớn như vậy mãi sau tôi về quê gặp những người ở trong các đơn vị ấy nói lại tôi mới biết.

Khi học tập, dựng tội cho Nguyễn Hữu Đang xong, cả lớp học sát khí đằng đằng hò hét nào là tên Đang, nào là thằng Đang phản động đầu sỏ. Mọi người ký vào kiến nghị lên Trung ương Đảng đòi xử tội đích đáng Nguyễn Hữu Đang. Tôi là người duy nhất đã ký như sau: “Khi Nguyễn Hữu Đang hoạt động với tôi, tôi thấy Nguyễn Hữu Đang là người có tài, có đức, tội trạng mới đây của Nguyễn Hữu Đang tôi chỉ tai nghe, mắt không thấy, tôi không dám kết luận. Ký tên: Hữu Loan"

Thế là Nguyễn Hữu Đang bị kết án 17 năm tù, mới đi được 7 năm thì nhờ đâu có sự can thiệp của Nhân quyền Quốc tế nên anh được tha. Đáng nhẽ không thưởng, không giải oan cho Nguyễn Hữu Đang thì im quách đi cho nó xong, đừng nay gào mai gào “Vụ Nhân văn là một vụ án chính trị!”. Gào như vậy nhưng nếu có ai hỏi đến để tìm hiểu lịch sử thì lại bảo “Đó là vụ án đã qua, bọn Nhân văn đã nhận tội không nên nhắc đến nữa!”.

Nếu không nhắc Nhân văn, sao người ta vẫn nhắc đến phát-xít, Hitler, đến Stalin, đến Pol Pot? Thậm chí bọn vua chúa hay Pháp Nhật Mỹ đã đi từ lâu rồi, mà bao nhiêu vụ ăn cắp cũng là do phong kiến đế quốc, bao vụ cưỡng hiếp phụ nữ trong cơ quan cũng là do phong kiến đế quốc, mặc dù những người thực hiện các vụ ấy đều thuần túy xã hội chủ nghĩa gốc Việt.

Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông có cấm nói đến mình được mãi không, dù là những bạo chúa, những nhà độc tài cỡ quốc tế?

Ngoài Nguyễn Hữu Đang còn có thêm những người này: Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” [7] : 7 năm tù giam. Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha. Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm như Đang.

Nhà nước xuất bản thì lúc nào cũng kêu lỗ, mặc dù in nhiều hơn Minh Đức mà trả quyền tác giả lại rất rẻ mạt. Nhà Minh Đức xuất bản Vũ Trọng Phụng, mời con gái của Phụng lên lĩnh nhuận bút mà còn bỏ tiền về Hà Đông xây mộ cho Vũ Trọng Phụng. Minh Đức định xuất bản Kiều để vào xây mộ cho Nguyễn Du nhưng bị bắt. Ngoài ra từ 1954 đến 1956 Minh Đức còn mua được ½ nhà ưu giá 30.000đ (bằng 150 cây vàng). Nhà Minh Đức làm ăn lời lãi như vậy mà ngoài anh ta ra chỉ có thêm vài người giúp việc. Còn những nhà xuất bản của nhà nước thì nhà nào cũng rất đông người làm mà chả được bao nhiêu việc, nhà nào cũng kêu lỗ, nhưng vẫn cứ cố bao nhiêu rơm cũng ôm.

Xưa nay bất cứ ai nhận một công việc gì đều phải có trách nhiệm với công việc ấy, công việc càng khó khăn, lớn lao trách nhiệm càng nặng nề, ở ta lại toàn chuyện ngược đời. Một lái xe chặn chết người muốn sửa sai không được, anh phải đi tù, phải tước bằng. Anh bác sĩ chữa bệnh làm chết người cũng thế, phải tước bằng và đi tù. Đấy là những người làm chết ít người. Còn những người cầm vận mệnh của cả nước đã làm cho đồng bạc mất giá hàng vạn lần, làm cho hầu hết công nông trường xí nghiệp phá sản, cho 90% con cái gia đình thành lưu manh, cho 50% trẻ em mất dinh dưỡng, còn giết oan bao nhiêu người có tài, có đức, còn phá phách bao nhiêu công trình văn hóa lịch sử. Những con giun bị đạp gào lên: "Sai rồi!" thì họ rất bình tĩnh trả lời: "Sai thì sửa!" hoặc bất đắc dĩ phải sửa thì không sửa chân thành.

Họ vẫn núp dưới cờ Đảng để đi từ sai lầm tày trời này đến sai lầm tày trời khác. Họ đang làm cho dân không còn tin vào Đảng. Họ xúc phạm vào anh linh những đảng viên ưu tú đã nằm xuống. Họ coi thường những Đảng viên ưu tú đang sống, đang không ngớt đấu tranh để thể hiện những tính cách vô cùng cao quý của người cộng sản cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khổ trước sướng sau v.v… Hỡi những người Đảng viên quang vinh của Đảng Cộng sản vô cùng quang vinh, người dân đau khổ lâu đời lúc nào cũng đứng bên các bạn. *

Giai thoại về một bài thơ

Hồi ấy vào đầu năm 1955. Tôi lúc ấy là cán bộ biên tập báo Văn nghệ ở Hà Nội. Tôi được cử đi cải cách ruộng đất ở xã Tứ Kỳ, Hải Dương. Cán bộ ai cũng “được” đi cải cách. Đấy là một vinh dự vì “chưa qua cải cách thì chưa thể làm người được".

Ngoài việc đi để làm người, tôi còn có nhiệm vụ viết bài cho báo. Theo tinh thần trong những buổi học tập trước khi đi thì nông dân được phát động vô cùng vui sướng phấn khởi. Ngay cả giai cấp địa chủ là có tội mà cũng không oán Đảng vì Đảng rất công minh. Nhưng thực tế thì khác nhiều. Địa chủ không dám oán đã đành nhưng nông dân, chính nông dân thì lại kêu ca rất nhiều về những hành động của anh em cốt cán, nhất là những gia đình liệt sĩ lại càng bị sách nhiễu hết mức như thu gian thuế, hay bắt phải làm cơm rượu cho hàng chục người ăn thì mới cho người đem giúp đến kho độ 5 yến thóc… Họ đều kêu là bao nhiêu từng áp bức, kêu trời, trời xa, kêu Bác Hồ còn cao hơn trời…

Tôi bèn làm một bài thơ gửi về tòa soạn.

Ngày hôm sau tôi nhận được điện khẩn của anh Xuân Diệu: “Hữu Loan về tòa soạn ngay!”. Chai lì như tôi mà vẫn thấy lo lắng. Vừa về gặp anh Xuân Diệu tôi hỏi ngay:

“Cái gì đấy anh? Lành hay dữ?”

Xuân Diệu trấn an ngay:

"Bài thơ hay quá!"

Tôi không khỏi lạ. Hay sao lại phải điện khẩn về, ai mà không khỏi hoảng.

“Nhưng phải sửa một câu thì mới đăng được.”

Tôi vội hỏi:

“Câu nào?”

“Câu: Cụ Hồ như trời cao / Kêu làm sao cho thấu!"

Tôi hơi bực:

“Đăng thì đăng cả, bỏ bỏ cả, cả bài tôi chỉ thích có câu ấy.”

Một lúc rồi Xuân Diệu mới rủ rỉ như tâm sự:

“Để câu ấy thì ra Bác kính yêu của chúng mình lại xa quần chúng à?”

Tôi khẳng định:

“Bác là thánh là trời thật, nhưng khi có những người cản mắt Bác thì Bác thấy quần chúng làm sao được. Chính những người như anh đang che mắt Bác đấy. Làm như tôi, lại không che. Tôi đề nghị anh thỉnh thị Bác, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài thơ này.”

Tôi không hiểu anh Xuân Diệu có dám thỉnh thị Bác không, nhưng bài thơ của tôi không được đăng. Tôi chắc lý do không đăng là vì Bác lúc nào cũng quan tâm đến quần chúng, khi quần chúng khổ đã phải thét lên thành tiếng thì Bác không thể nào bình tĩnh được.

===

0 nhận xét:

Đăng nhận xét