Việt Nam chúng ta có tham vọng xây dựng vài trường đại học đẳng cấp quốc tế, hay nói theo tiếng Anh là “world class university”. Đó là một tham vọng cao, một giấc mơ đẹp. Tôi nghĩ chẳng có gì chê trách khi có tham vọng hay mơ cao, nhưng tham vọng và ước mơ cũng nên thực tế một chút để khỏi phải mang tiếng là nói quá. Đọc qua bài viết dưới đây, tôi thấy giấc mơ đẳng cấp quốc tế thật là xa vời …
Trước đây tôi có vài ý kiến về đại học đẳng cấp quốc tế. Tôi nói rằng một đại học đẳng cấp quốc tế phải hội đủ 5 điều kiện. Trong đó, điều kiện thứ nhất là cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế, những giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín cao trên trường quốc tế, những người “có tên tuổi” trong lĩnh vực chuyên môn của họ; điều kiện thứ hai là phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai.
Nhưng đọc qua lá thư của anh này “Tự sự nhức lòng của tiến sĩ 'ngoại' trở về ĐH lớn” (tôi đọc 2, 3 lần) thì thấy con đường đến đẳng cấp quốc tế ở nước ta còn xa vời vợi. Tôi không bàn đến những so sánh mà anh đưa ra, vì thấy nó quá đúng, nhưng tôi chú ý đến những câu chữ mà có lẽ phải đọc 2, 3 lần mới hiểu. Chẳng hạn như ở nước ngoài, người giảng viên hay giáo sư “được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến chuyên môn”, còn ở nước ta thì “bị chi phối bởi các quy định, thủ tục hành chính và những mối quan hệ cá nhân ‘nhạy cảm’ trong cơ quan”. Chú ý mấy chữ tôi tô đậm. Lại còn có những qui định lạ lùng như “quota ‘nghiên cứu’ theo êkíp”:
“Một vấn đề nữa khiến tôi rất thất vọng là thực tế nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay. Thứ nhất là tìm được người đồng nghiệp cùng sở thích cùng đam mê là rất khó. Nhiều khi ở VN là chỉ định, là ép anh B, anh C hoàn toàn không cùng sở thích, cùng lĩnh vực…nghiên cứu một đề tài với nhau. Như thế rất khó mà làm cùng nhau được và rất khó có kết quả tốt.
Thứ hai là viết đề cương, nhiều khi ở cấp trường, cấp cơ sở coi thành tựu nghiên cứu khoa học như quota, ví dụ năm nay anh viết đề tài rồi thì sang năm phải để cho người khác, dù là họ viết rất dở nhưng đến lượt thì họ vẫn được làm, nó là như vậy. Thế còn ở cấp cao hơn thì lại gặp phải vấn đề khác, nhiều khi tế nhị, nhạy cảm hơn, nhiều khi có những cây đa, cây đề lớn quá, có khi họ cũng là thầy của những người trẻ đi sau, nên người sau muốn làm thì cũng không được, lại sợ bị mang tiếng là không tôn trọng người đi trước”
Lạ lùng thật! Thật ra thì tôi cũng nghe và có biết qua chút chút, và cũng có góp ý nhưng chẳng ai lắng nghe.
Với cách dùng người và những qui định đi ngược lại tinh thần học thuật như thế thì tôi e rằng việc thu hút người có khả năng về làm việc cho đại học còn lắm nhiều khó khăn. Và, nếu không có người có khả năng thì làm sao có thể đưa đại học VN thành đẳng cấp quốc tế.
Điều đáng nói là khi đọc qua những ý kiến bạn đọc (rất nhiều) tôi thấy người viết bài này rất … cô đơn. Rất nhiều người chê trách anh ta không biết luồn lách, không biết sử dụng hệ thống để tồn tại, thậm chí có người nói không trụ được thì đi ra ngoài làm. Nhưng tôi thấy những ý kiến này [nói theo tiếng Anh là] “miss the point”, đi lạc điểm chính mà anh ta muốn nêu. Điểm chính mà anh ta muốn nói là hệ thống (THE system) chưa/không tạo điều kiện để anh làm việc có hiệu quả. Vấn đề không phải là luồn lách, là biết sử dụng hệ thống, mà hệ thống phải làm gì để phát huy tài năng của người trong hệ thống. Vấn đề là “luật chơi” phải công bằng và minh bạch, để không có chuyện luồn lách.
Tôi rất rất thông cảm cho anh bạn viết bài “Tự sự nhức lòng của tiến sĩ 'ngoại' trở về ĐH lớn” và không biết làm gì để giúp anh ta. Có lẽ anh nên tìm một nơi nào khác, kể cả nước ngoài, để phát huy khả năng của mình. Đời người rất ngắn, chỉ có khoảng chục năm (tính từ tuổi 25)là ở “đỉnh” của sức sáng tạo. Nếu phí 10 năm đó thì sẽ rất thiệt thòi cho cá nhân mình và thiệt thòi xã hội.
NVT
===
Đại học đẳng cấp quốc tế
(bài này đăng ở đâu tôi quên, nhưng đã đăng năm ngoài hay năm trước đó)
Gần đây, báo VietNamNet nêu câu hỏi “Đại học Việt Nam đẳng cấp quốc tế: Tại sao không?” và kêu gọi bạn đọc tham gia thảo luận. Trong điều kiện hiện nay, có thể nói đây là một ý nghĩ táo bạo. Nhưng tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay ở nước ta, sự có mặt tương đối đông đảo của người Việt trong thành phần khoa bảng thuộc các trường đại học nước ngoài, và tham vọng công nghiệp hóa đất nước, thiết tưởng ý nghĩ này không phải là quá xa vời. Thực ra, chẳng riêng gì nước ta, hầu như nước nào cũng mong muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng ít ai bàn cụ thể một đại học như thế đòi hỏi những gì và phải vận hành ra sao. Qua bài viết này tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chung quanh chủ đề này.
Ý tưởng về một đại học đẳng cấp quốc tế được hình thành ở Đức từ thời cuối thế kỉ 19. Theo đó, một đại học đẳng cấp quốc tế không chỉ đơn thuần là một trung tâm đào tạo xuất sắc theo các tiêu chuẩn quốc tế, mà chủ yếu là một trung tâm nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Nhưng câu hỏi đặt ra ai là người đề ra những tiêu chuẩn này? Chưa ai trả lời được câu hỏi này, nhưng nói đến một đại học đẳng cấp quốc tế tức là nói đến một bối cảnh xuyên quốc gia. Và, theo xu hướng quốc tế, các đại học danh tiếng ở Mĩ và Tây phương thường được xem là những mô hình “chuẩn” để tham khảo. Theo sắp hạng của các tạp chí quốc tế, các đại học hàng đầu thế giới là Harvard, Yale, Stanford, MIT, California Institute of Technology, Cambridge, Oxford, Sorbonne, và Tokyo. Nhìn qua những đại học này chúng ta thấy vài đặc điểm chung, và cũng có thể là những yêu cầu mà chúng ta phải xem xét đến:
Thứ nhất, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế. Đó là những giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín cao trên trường quốc tế, những người “có tên tuổi” trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ thu hút giáo sư giỏi gốc Việt ở trong và ngoài nước, mà còn phải thu hút cả những nhà nghiên cứu tài danh quốc tịch nước ngoài. Chẳng hạn như trong nỗ lực nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển, một số nước trong vùng Á châu như Đài Loan đã thu hút được Yang Chen Ning (giải Nobel vật lí) về làm việc, và Hàn Quốc đã thuyết phục Robert Laughlin từ Mĩ (giải Nobel vật lí, Đại học Stanford) về nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ. Điều kiện để thu hút các giáo sư đẳng cấp quốc tế như thế là một môi trường làm việc tự do để họ có thể theo đuổi định hướng nghiên cứu của họ, tự do tuyển dụng chuyên gia nghiên cứu, tự do phát biểu ý kiến về những vấn đề khoa học mà không chịu sự ràng buộc hay chi phối từ các áp lực chính trị và quản lí hành chính.
Thứ hai, một đại học đẳng cấp quốc tế phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai. Cơ chế tuyển dụng và nuôi dưỡng các nhà nghiên cứu trẻ có tiềm năng lớn cần phải được minh bạch và công bằng. Những ai từng quen thuộc với cơ chế tuyển dụng của các trường đại học lớn ở Mĩ đều biết rằng các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp thấp thường được nâng đỡ trong vòng 3 đến 5 năm để họ tự chứng minh khả năng của mình, sau đó họ phải trải qua một quá trình bình duyệt từ bên ngoài, và chỉ có những người xuất sắc với những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế mới được giữ lại làm việc. Dù cơ chế này chưa thể áp dụng cho các trường đại học ở nước ta, nhưng một đại học đẳng cấp quốc tế phải xem xét đến cách thức nuôi dưỡng nhân tài như thế.
Thứ ba, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có (hay tạo ra) một môi trường nghiên cứu với những cơ sở vật chất nghiên cứu đầy đủ. Những công trình nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo nhất phụ thuộc một phần lớn vào những thông tin mới nhất và cơ sở thí nghiệm thích hợp. Một đại học ngày nay, cho dù là đại học không phải đẳng cấp quốc tế, khó mà vận hành một cách hữu hiệu nếu không có một hệ thống thư viện và internet hoàn chỉnh. Do đó, nhu cầu cho một thư viện đẳng cấp quốc tế với hàng triệu sách tham khảo và tạp chí khoa học là một điều kiện hàng đầu.
Thứ tư, để tận dụng năng lực của các giáo sư đẳng cấp quốc tế cần phải có ngân sách nghiên cứu dồi dào. Và nghiên cứu phải là những nghiên cứu cơ bản, bởi vì phần lớn những tiến bộ khoa học gần đây đều xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là công nghệ sinh học. Một công trình nghiên cứu khoa học cơ bản trung bình có thể tốn đến một triệu USD trong một năm. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy ngân sách dành cho nghiên cứu tại các trường đại học lớn của Mĩ có khi lên đến con số một tỉ USD. Tại nhiều trường đại học Tây phương ngày nay, trường đại học chỉ cung ứng cho nghiên cứu và trả lương giáo sư trong vòng 3 hay 5 năm, sau thời gian này giáo sư phải tự tìm lấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Thành ra, dù rằng một phần ngân sách nghiên cứu (có thể là 60%) do nhà nghiên cứu tìm được từ nước ngoài, nhưng trường đại học vẫn phải sẵn sàng cung ứng khi nguồn tài trợ từ nước ngoài gặp khó khăn.
Thứ năm, dù đối với các giáo sư hay nhà nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, lương bổng có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu, nhưng phần lớn họ đều mong muốn được hưởng lương bổng theo giá thị trường quốc tế. Không thể kì vọng một giáo sư với hàng trăm ngàn USD lương bổng lại chịu làm việc tại một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam với số lương 50 ngàn USD. Còn nhớ khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc, rất nhiều giáo sư ngoại quốc rời bỏ các đại học Hồng Kông vì họ không thể sống với lương bổng mới và cách quản lí mới. Phải cần đến 5 năm các đại học Hồng Kông mới mời các giáo sư này quay lại làm việc.
Một đại học đẳng cấp quốc tế như các điều kiện trên sẽ xây dựng dựa vào các đại học đang tồn tại hay một đại học hoàn toàn mới? Kinh nghiệm trong thời gian qua về sự hình thành của Đại học quốc gia cho thấy việc chuyển các trường đại học hiện có thành một đại học cực kì khó khăn và đòi hỏi nhiều tiền bạc cũng như thời gian. Do đó, tôi đề nghị Nhà nước cần phải mạnh dạn xây dựng một đại học mới và độc lập, với những tiêu chuẩn quốc tế. Một trường đại học đẳng cấp quốc tế có giá trị hơn nhiều đại học trung bình, vì nó sẽ phục vụ như là một đầu tàu cống hiến vào nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ để góp phần đưa nước ta vào hạng các nước đã phát triển. Kinh nghiệm ở Mĩ cho thấy phần lớn khám phá khoa học quan trọng đều xuất phát từ các đại học danh tiếng, và qua đó các đại học này góp phần giữ vị thế lãnh đạo của Mĩ trong khoa học và công nghệ.
Nhưng cũng nên cân nhắc trước những hệ quả của việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ta. Thứ nhất, cần phải nhận thức rằng một đại học đẳng cấp quốc tế không phải ưu tú trong tất cả mọi bộ môn khoa học. Chẳng hạn như Đại học Harvard chưa bao giờ đứng đầu trong các ngành kĩ thuật. Do đó một số đại học trên thế giới tập trung vào việc xây dựng các phân khoa “mạnh” để trở thành những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, như Mã Lai tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ cao su nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương. Ở Việt Nam ta cũng có thể tập trung vào công nghệ thông tin và nghiên cứu nông nghiệp.
Tập trung tài lực vào thiết lập một đại học đẳng cấp quốc tế có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các đại học khác và hệ thống khoa bảng. Bởi vì dồn tài chính và nhân lực vào việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu cấp cao sẽ ảnh hưởng đến ngân sách cho nhu cầu giảng dạy của các trường khác. Một đại học đẳng cấp quốc tế đặt kì vọng rất cao vào các giáo sư và nhà nghiên cứu, và nếu những kì vọng này không đạt được nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của giáo sư và sinh viên nói chung.
Trước những yêu cầu này có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay liệu bao giờ chúng ta mới có một đại học đẳng cấp quốc tế. Vào cuối thế kỉ 19 ở Mĩ, cũng có người đặt câu hỏi đó. John D. Rockefeller từng hỏi Charles W. Eliot (lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard suốt 40 năm liền) nếu muốn thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế cần những điều kiện gì. Eliot trả lời rằng cần 50 triệu USD và 200 năm! Nhưng Eliot đã sai lầm to. Trường Đại học Chicago được thành lập vào đầu thế kỉ 20, với trên 50 USD (do chính Rockefeller trao tặng) nhưng chỉ sau 20 năm hoạt động, đã trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế.
Tất nhiên, đó là câu chuyện thời xưa, thời mà trường đại học còn rất hiếm và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học chưa xảy ra, nhưng câu chuyện cho chúng ta một bài học: muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, điều kiện tiên quyết là tài chính và thời gian. Kinh nghiệm của các trường như MIT và Stanford ở Mĩ cho thấy trong thời gian đầu Nhà nước phải tài trợ cho các trường này, và sau một thời gian hoạt động, nhất là kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong công nghiệp, họ có khả năng tự tìm nguồn tài trợ từ tư nhân hay từ các học sinh cũ.
Ở nước ta, năm 2020 thường được đề cập đến như một cái mốc thời điểm để hoàn thành công cuộc kĩ nghệ hóa và hiện đại hóa đất nước. Thời gian 20 năm không phải là dài, nếu không muốn nói là quá ngắn, cho một mục tiêu xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế đầy thử thách và tham vọng này. Tuy nhiên, nếu lịch sử là một bài học quí thì kinh nghiệm từ các đại học trên cũng cho chúng ta lí do và động cơ để phấn đấu.
NVT
Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010
Môi trường đại học và nghĩ về đại học đẳng cấp quốc tế
03:41
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét