Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Thi sĩ Hữu Loan ( 12/4/1916 – 18/3/2010)

Sáng nay đọc được một tin rất buồn: Thi sĩ Hữu Loan đã qua đời. Ông thọ gần 95 tuổi. Chín mươi lăm năm làm kẻ trọ trần gian, góp công làm cho đời thêm thi vị qua những vần thơ mà tôi cho là rất tuyệt, thì thiết tưởng chắc ông chẳng còn gì hối tiếc. Nhưng tôi thì tiếc cho ông vì đến ngày cuối đời mà hình như người ta vẫn chưa ghi nhận đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà. Dù sao đi nữa, cầu mong hương hồn ông sớm "về chốn xa xôi cuối trời".

Thi sĩ Hữu Loan

Tôi biết đến tên tuổi Hữu Loan chắc cũng 40 năm, từ những ngày còn ngồi ghế trung học, và từ lúc còn hát nghêu ngao với những ca khúc như Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy. Hồi đó, tôi cũng thích … làm thơ, nhưng đầu óc nghĩ không ra câu chữ nào hay cả (và đành gác mộng làm thi sĩ), nên đọc những vần thơ của những người như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Đinh Hùng, v.v… tôi phục lắm. Bây giờ vẫn còn phục. Tôi tự hỏi làm sao mà họ có đầu óc sáng tạo ra những vần thơ bay bổng và thoát tục, với những câu chữ độc đáo, và âm điệu du dương như thế. Những vần thơ của họ là hành trang vào đời của tôi cho đến tận ngày nay và mãi mãi mai sau. Sau này, đọc qua nhiều bài viết về Hữu Loan và Hoàng Cầm tôi mới biết cuộc đời của họ trải qua một giai đoạn (hay nhiều giai đoạn) đau khổ có khi đến tận cùng. Nhưng tôi chẳng những ái mộ mà còn khâm phục Hữu Loan về cái tính can trường của ông: thà về quê ở ẩn và đập đá kiếm sống chứ không khuất phục trước đe dọa của bạo lực. Có lẽ vì cái tính can trường này mà ông phải trả giá khá đắt để đánh lấy một cuộc sống kham khổ. Nhưng Hữu Loan đã, đang và sẽ được thế hệ sau ghi công qua những sáng tác của ông.

Tôi vốn xem thơ như là … phương trình trong khoa học. Những phương trình này cũng có thể “lột” ra từng lớp một, và những liên kết tinh vi của chúng cũng theo đó mà dần dần hiện ra. Tương tự, trong một bài thơ hay, mỗi câu thơ, thậm chí mỗi lời thơ, khi được phân tích cẩn thận, từng ý nghĩa được phơi bày, lôi cuốn người thưởng thức tìm hiểu thêm về thông điệp sâu xa của bài thơ. Những bài thơ lớn và trứ danh có một đặc điểm giống như phương trình: đó là nội lực. Như tôi nói thơ là một hình thức súc tích nhất của ngôn ngữ, cũng giống như phương trình là một cách diễn đạt cô đọng nhất về một hiện tượng tự nhiên. Do đó, tôi nghĩ trong khi chúng ta vinh danh các nhà khoa học, chúng ta cũng phải vinh danh các nhà thơ. Thật ra, tôi thấy làm thơ khó hơn làm khoa học. Làm nhà thơ tầm cỡ như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Đinh Hùng … lại càng khó hơn.

Nếu linh hồn của khoa học hiện đại là những phương trình lớn mô tả các định luật cơ bản của thế giới tự nhiên, thì linh hồn của văn học nước ta là những bài thơ bất hủ. Nước ta có nhiều tác giả và bài thơ như thế, nhưng cá nhân tôi chọn Hữu Loan và Màu tím hoa sim là một “phương trình thơ” của văn học Việt Nam.

Tôi xin có lời chia buồn cùng gia đình nhà thơ Hữu Loan, và cũng như SGTT, tôi xin thắp một nén nhang vĩnh biệt người thi sĩ đáng kính.

NVT

TB. Xin nhắc lại một số entry về Hữu Loan:

Lời tự thuật của tác giả bài thơ "Màu Tím Hoa Sim"

Hữu Loan bây giờ

Hữu Loan với tình yêu trong Màu tím hoa sim



===

http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=64433&fld=HTMG/2010/0318/64433

Tác giả Màu tím hoa sim đã ra đi…

Vào lúc 19g00 tối nay 18.3.2010, nhà thơ Hữu Loan, tác giả của bài thơ "Màu tím hoa sim" đã vĩnh viễn từ giã cõi đời khi chuẩn bị bước sang tuổi 95 (12.4.1916 – 18.3.2010). Trong lúc chờ đợi con cái về đông đủ, bà Nhu, vợ ông và 4 người con ở quê đã khâm liệm đặt ông vào quan tài yên nghỉ vào lúc 23g cùng ngày.

Nhà thơ Hữu Loan tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan, quê làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đậu tú tài nhưng về quê mở trường dạy học và hoạt động phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1943 , ông gây dựng phong trào Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Uỷ viên Văn hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp ông thuộc Đại đòan 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại báo Văn Nghệ

Bài thơ "Đèo cả" mở đầu sự nghiệp thi văn của ông đã vang danh khắp chiến trường kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó, người vợ đầu tiên Nguyễn Thị Ninh mất (1949) và ông nghe tin dữ khi đang trên đường hành quân khiến ông đã viết lên những vần thơ bất hủ "Màu tím hoa sim" đi sâu vào lòng người cho đến tận bây giờ và có lẽ cũng là mãi mãi.

Lấy người vợ thứ hai vào năm 1954, bà Nguyễn Thị Nhu, ông tiếp tục làm ở báo Văn Nghệ cho đến khi bị đi tù với nỗi oan nghiệt dính vào nghiệp văn chương. Ra tù, ông trở về quê đục đá kiếm sống nuôi 10 người con và sống với những ký ức vừa đẹp đẽ vừa đau thương cho đến ngày hôm nay, bên cạnh người vợ tần tảo, thủy chung.

Đêm nay, xin thắp một nén hương thiêng vĩnh biệt linh hồn người thi sĩ đáng kính.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét