Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Cơn sốt khẩu trang và hiệu quả thật của khẩu trang

Ngày thường tôi mua một hộp khẩu trang y tế loại 60 chiếc nhãn hiệu Bảo Thạch chỉ giá 35 ngàn đồng. Nhưng hôm qua tôi đã bị một nhà thuốc ở phường Trung Dũng, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đẩy lên 200 ngàn đồng/hộp. Khiếp quá!” Đó là phản ảnh của một độc giả cho biết con sốt khẩu trang ở Việt Nam hiện nay.

Đọc bản tin đó (về sốt khẩu trang) tôi chỉ biết lắc đầu. Rõ ràng là người dân phản ứng theo cảm tính của đám đông, chứ chưa hẳn dựa vào lí trí hay khoa học. Khẩu trang không có hiệu quả phòng chống virus cúm như người ta tưởng; nếu đeo không đúng cách, khẩu trang lại chính là yếu tố nguy cơ lây lan cúm. Ấy thế mà người ta kéo nhau đi mua khẩu trang! Tôi nghĩ một số người trong giới báo chí đã viết bài mang tính báo động, và thế là tạo cơ hội cho một vài con buôn làm giá, làm khổ người dân.

Đã có ít nhất là 2 nghiên cứu cho thấy đeo khẩu trang không có hiệu quả giảm lây lan virút cúm Thật ra, có một nghiên cứu cho thấy những người đeo khẩu trang có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang.

Mặc dù bằng chứng khoa học là như thế, và mặc cho khuyến cáo của các giới chức y tế, một số người dù chẳng có triệu chứng gì cũng đeo khẩu trang. Tuy nhiên, con số người đeo khẩu trang “tự nguyên” này rất ít. Vậy đeo khẩu trang có lợi và bất lợi như thế nào? Chúng ta thử phân tích xem sao.

Cái lợi của việc đeo khẩu trang là nó cho người chung quanh một tín hiệu hay một lời cảnh cáo là “đừng lại gần tôi”. Bởi vì sự lây lan của virút thường xảy ra khi hai cá nhân gần nhau, do đó, tín hiệu này cũng có thể có hiệu quả phòng ngừa lây lan ở một mức độ cá nhân.

Nhưng đeo khẩu trang là một bất tiện. Đúng như một độc giả nhận xét trên báo Pháp Luật TPHCMCúm đã đến bến xe đâu mà lo. Đeo khẩu trang y tế vừa ngộp thở vừa kỳ”. Chính vì sự bất tiện này mà trong công trình nghiên cứu tôi đề cập, chỉ có 50% người chịu đeo khẩu trang.

Đeo khẩu trang không dễ. Nhân viên y tế biết cách đeo khẩu trang đúng cách, nhưng phần đông quần chúng không được chỉ dẫn cách đeo khẩu trang, nên thường sử dụng không đúng cách. Như đề cập trên, đeo khẩu trang không đúng cách cũng là một yếu tố làm cho cúm lây lan trong cộng đồng.

Chính vì những nghiên cứu trên và lí do vừa kể mà các giới chức y tế các nước như Mĩ, Úc, Anh, Canada không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Ở Việt Nam, theo tôi thấy, bác sĩ Phan Văn Nghiệm (Sở Y tế TPHCM) nói đúng: “chưa cần thiết buộc toàn dân phải mang khẩu trang.” Nhưng tôi muốn thêm rằng nếu người có triệu chứng cúm hay mắc cúm thì có thể đeo khẩu trang để giảm lây lan sang người khác.

Cần nói thêm rằng Việt Nam đang vào mùa hè, môi trường không tốt cho virút H1N1. Virút H1N1 thường thích môi trường ôn đới và khô ráo. Nhưng khi nhiệt độ 28oC đến 30oC và độ ẩm 80%, sự lan truyền của virút giảm đáng kể. Khí hậu ở Việt Nam lúc này thường ở 30 độ C và ẩm, nên không phải là môi trường lí tưởng để virút H1N1 lan rộng.

Do đó, nếu tôi có một lời khuyên, tôi sẽ nói: nếu bạn chưa có triệu chứng gì liên quan đến cúm, đừng tốn tiền mua khẩu trang và đừng đeo khẩu trang; nếu bạn có triệu chứng bệnh cúm thì nếu cần bạn có thể sử dụng khẩu trang đúng cách. Quan trọng hơn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, khi hắt hơi hay xổ mũi nên che bằng tay hay giấy tissue và bỏ giất tissue trong thùng rác.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét