Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Phòng chống cúm từ cá nhân: bài học kinh điển

Bài sau đây đã đăng trên báo Pháp Luật TPHCM, trong đó tôi có nói đến vài biện pháp đơn giản của Úc trong chiến dịch phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Có một nghịch lí là trong khi dịch cúm A/H1N1 đang lan nhanh ở các nước như Úc (đang vào mùa đông) và Mĩ, nhưng giới báo chí ở đây không mấy quan tâm đến chuyện này, còn ở Việt Nam (đang trong mùa hè) tuy có dấu hiệu dịch cúm lây lan và hình như số ca không nhiều, nhưng báo chí có vẻ rất bận rộn, làm rùm beng. Chỉ theo dõi báo chí qua mạng, nhưng tôi có cảm giác mấy tin về cúm A/H1N1 đều được các báo lớn nhỏ đưa lên trang đầu. Có báo mới đây thậm chí còn đưa tin một sinh viên đại học bách khoa tử vong vì cúm, nhưng sau đó thì khẳng định là tin vịt.

Rồi như là một hiệu ứng, người dân thấy nguy cơ nên phản ứng bằng các biện pháp như mua khẩu trang. Hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng chống cúm nói chung (không riêng gì cúm H1N1) chưa được nghiên cứu kĩ nên thông tin có khá hạn chế. Tuy nhiên, có ít nhất là 2 nghiên cứu cho thấy khẩu trang không có hiệu quả phòng chống virút cúm. Thật vậy, ở cộng đồng người đeo khẩu trang có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang. Xin nhấn mạnh rằng đó là nghiên cứu ngoài cộng đồng, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu trong môi trường bệnh viện và cơ sở y tế. Vì thế, đối với người có triệu chứng cúm hay nhân viên y tế thì đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích.

Cần biết một sự thật rằng virút H1N1 có kích thước khoảng 0,08 micromét đến 0,12 micromét. Nếu khẩu trang có mặt nạ lọc n-95 thì cũng có thể lọc được 95% các phần tử có kích thước 0,3 micromét. Do đó, khẩu trang phải có chất lượng tốt mới ngăn ngừa virút H1N1 một cách hữu hiệu. Chưa ai biết các khẩu trang được bày bán trên thị trường Việt Nam có chất lượng như thế nào, nên hiệu quả của các khẩu trang này là một dấu hỏi lớn.

Tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng cúm A/H1N1 không quan trọng bằng các bệnh thông thường khác, thậm chí không độc hại như cúm mùa. Do đó, tập trung tài nguyên vào việc phòng chống cúm A/H1N1 là điều cần thiết, nhưng mức độ tập trung tài lực phải tương ứng với các bệnh nguy hiểm khác.

NVT

http://www.phapluattp.vn/news/khoa-hoc/view.aspx?news_id=263764

Bài học kinh điển: phòng chống cúm từ cá nhân

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 27-7, đã có trên 180 quốc gia báo cáo trên 134.000 ca bệnh cúm A/H1N1 và trong số này có 816 người chết.

Như vậy, tỷ lệ chết là khoảng 0,6%. Trong thực tế, tỷ lệ này có thể thấp hơn vì nguyên nhân chết rất khó xác định là do virus H1N1. Riêng ở nước ta chưa có ai chết.

Dù vậy, các chuyên gia dịch tễ học đều nhất trí rằng số người nhiễm virus H1N1 trên thế giới có thể cao gấp 10 lần con số được báo cáo chính thức. Rất khó xác định số ca bệnh bởi thực tế có rất nhiều ca bệnh chưa biểu hiện triệu chứng hay chưa được xét nghiệm.

Ở nước ta, các giới chức y tế đã có nhiều biện pháp có thể nói là “mạnh tay”, như đóng cửa trường học và cách ly bệnh nhân. Mặc dù các biện pháp này có thể cần thiết để phòng chống sự lây lan của virus H1N1 nhưng trong bối cảnh cúm A/H1N1 đã trở thành cúm mùa thì tôi e rằng các biện pháp đó không cần thiết.

Trước đây, khi cúm A/H1N1 mới khởi phát, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ai Cập và Nhật cũng có những biện pháp mạnh như cách ly bệnh nhân, kiểm dịch, đóng cửa trường học, biến trường học thành bệnh viện dã chiến... Nhưng chỉ sau vài tuần, các nước trên cũng bỏ những biện pháp trên. Đó là những biện pháp mà các chuyên gia và giới chức y tế Mỹ và Âu châu xem là vô lý.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để giảm sự lây lan của cúm A/H1N1? Câu trả lời có lẽ tìm thấy ở Úc. Nước Úc đang vào mùa đông, tức là mùa cúm hoành hành. Chỉ vài tuần trước đây, Úc có hơn 16.000 ca bệnh và hơn 40 người chết được xem là xuất phát từ virus H1N1 nhưng họ đã thành công trong khống chế tình trạng lây lan. Úc không áp dụng biện pháp đóng cửa trường học hay cách ly bệnh nhân. Họ chỉ đơn giản áp dụng chiến lược kinh điển: ngừa bệnh từ cộng đồng.

Đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Hắt hơi được xem là một yếu tố nguy cơ lây lan của vi khuẩn. Do đó, ta cần hướng dẫn người dân cách che mũi bằng tay, bằng giấy. Ngoài ra, biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thói quen này được xem là rất hữu hiệu cho việc phòng ngừa virus cúm ở quy mô cộng đồng.

Ở nhà và cơ quan hay trường học, những chỗ mà virus thường “nương tựa” là bàn ghế, cửa, những vật dụng có tay cầm... Nghiên cứu khoa học cho thấy virus phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25 độ C, virus H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virus lưu trú một cách triệt để.

Nguyên tắc của y tế cộng đồng vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay mỗi trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, chỉ dẫn cho người dân cách nhận dạng hay phát hiện những ca bệnh cúm A/H1N1.

Chúng ta không thể tiêu diệt virus H1N1 (hay các virus cúm khác) một cách vĩnh viễn. Virus tiến hóa rất nhanh. Một nghiên cứu mới nhất công bố trên tập san Science cho thấy virus H1N1 sẽ tồn tại với con người. Do đó, chúng ta phải học cách sống chung với virus.

Virus H1N1 không quá độc hại như nhiều người tưởng. Tỷ lệ chết ở những bệnh nhân cúm A/H1N1 thấp hơn tỷ lệ chết do cúm mùa gây ra. Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 là một định hướng đúng, chúng ta không nên xao lãng những bệnh thông thường nhưng nguy hiểm hơn virus mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét