Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Sữa đậu nành giảm 4 lần nguy cơ tim mạch ?

Đọc bài sau đây, đáng lẽ không viết bình luận, nhưng thấy chữ “chứng minh” nên tôi phải viết vài hàng. Khoa học thực nghiệm (như y khoa) không có chứng minh cái gì cả. Không ai có thể chứng minh một giả thuyết. Điều mà chúng ta có thể làm được (hay phát biểu được) là dữ liệu có phù hợp với giả thuyết hay không mà thôi. Chẳng hạn như giả thuyết là sữa đậu nành có lợi cho tim, và nếu sau khi thực hiện nghiên cứu, chúng ta có những dữ liệu phù hợp với giả thuyết này thì ta phát biểu như thế, chứ không thể phát biểu rằng giả thuyết đó đúng hay dữ liệu đã chứng minh giả thuyết đó đúng.

Nhưng tôi thông cảm cho nhà báo, vì họ không quen với các khái niệm khoa học và triết lí khoa học. Do đó, họ có dùng sai chữ thì cũng chẳng sao, miễn là công chúng hiểu là ok rồi. Nhưng tôi e rằng công chúng cũng chẳng hiểu nổi thông tin trong bài báo này.

Tựa đề bài báo cho biết “2 ly sữa đậu nành giảm 4 lần nguy cơ tim mạch”, nhưng phía dưới thì viết “[…] các sản phẩm từ đậu nành có thể giảm nguy cơ tim mạch của phụ nữ tiền mãn kinh xuống 25%. Những phụ nữ uống sữa đậu nành hàng ngày trong vòng 1 thập niên có khả năng giảm nguy cơ tim mạch từ 3-4 lần.” Đúng là câu trước “đá” câu sau!

Hồi nào đến giờ tôi chỉ nghe người ta nói tăng bao nhiêu lần, chứ chưa nghe nói giảm bao nhiêu lần. Nhưng ngay cả so sánh thì đòi hỏi phải có hai đối tượng, chứ nếu chỉ một thì ai mà hiểu được. Nếu nói “Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người hút thuốc tăng gấp 2 lần” thì câu này hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì người đọc chẳng biết 2 lần so với ai? Do đó, cái tít “2 ly sữa đậu nành giảm 4 lần nguy cơ tim mạch” lại càng vô nghĩa, từ cách so sánh đến đối tượng so sánh đều không rõ ràng.

Khi nói đến giảm, tôi chỉ nghe người ta nói giảm bao nhiêu phần trăm (chứ không phải giảm bao nhiêu lần). Nhưng câu “[…] các sản phẩm từ đậu nành có thể giảm nguy cơ tim mạch của phụ nữ tiền mãn kinh xuống 25%” cũng vô nghĩa, bởi vì giảm từ bao nhiêu xuống thành 25%? Có phải nếu không uống sữa đậu nành thì nguy cơ là 100%, và khi uống thì giảm xuống còn 25%? Vô lí. Chẳng có nguy cơ nào lên đến 100% cả. Mà, 25% ở đây có nghĩa là gì? Có phải là cứ 100 người tiền mãn kinh thì có 25 người mắc bệnh tim mạch? Vô lí. Không có nguy cơ nào mà cao như thế. Vì nếu quả cao như thế thì đàn ông Việt Nam chẳng tìm đâu ra vợ!

Nói gì thì nói, tôi rất sợ làm theo phong trào theo kiểu “24 giờ và 2 ly sữa mỗi ngày”. Bằng chứng nào cho thấy uống nhiều sữa đậu nành sẽ giảm nguy cơ tim mạch? Bằng chứng đó công bố ở đâu? Tại sao chỉ tập trung vào sữa? Bbằng chứng nào cho thấy tập trung vào sữa là có hiệu quả kinh tế? Làm theo kiểu phong trào, theo khẩu hiệu kiểu này có khi chỉ nâng cao thu nhập cho các công ti thương mại chứ chưa chắc đem lại lợi ích cho người dân.

NVT

===

http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/07/855787/

2 ly sữa đậu nành giảm 4 lần nguy cơ tim mạch

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh các sản phẩm từ đậu nành có thể giảm nguy cơ tim mạch của phụ nữ tiền mãn kinh xuống 25%. Những phụ nữ uống sữa đậu nành hàng ngày trong vòng 1 thập niên có khả năng giảm nguy cơ tim mạch từ 3-4 lần.

Thông tin trên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Tim mạch học quốc gia công bố hôm 23/6 – khởi động đề án truyền thông cộng đồng đầu tiên về sức khỏe tim mạch cho phụ nữ sẽ kéo dài suốt 1 năm từ tháng 6/2009 - 6/2010.

Ý tưởng của chương trình xuất phát từ thực tế phụ nữ Việt Nam đang chịu quá nhiều áp lực công việc và gia đình, ít có thời gian chăm sóc bản thân.

Nghiên cứu của AC Nielsel cũng cho biết, phụ nữ Việt Nam nằm trong 3 nước trên thế giới cảm thấy không hạnh phúc với đàn ông – một trong những nguyên nhân dẫn đến stress và nguy cơ tim mạch.

Vì thế, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Tim mạch học quốc gia đã phối hợp tổ chức đề án “Sữa đậu nành bảo vệ sức khỏe tim mạch của phụ nữ Việt Nam” với mục đích khuyến cáo phụ nữ Việt Nam tìm hiểu về bệnh tim mạch, nâng cao hiểu biết và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Trong đó, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, tào phớ, đậu phụ là những thực phẩm chức năng có tính chất bảo vệ tim mạch số một. “Thật may, sản phẩm này luôn sẵn có, rẻ tiền, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn đều “với tới” được”, PGS. Lê Thị Mai, Viện Dinh dưỡng cho biết.

Đó cũng lý do chương trình chọn sữa đậu nành đồng hành cùng “bảo vệ sức khỏe tim mạch của phụ nữ” với slogan “24 giờ và 2 ly sữa mỗi ngày”.

Đặc biệt, các nhà tổ chức cho biết sẽ thăm khám tim miễn phí cho phụ nữ và người thân tại 18 tỉnh, thành trên cả nước suốt 1 năm diễn ra đề án.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét