Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Luật chơi khoa học khác người ?

Đọc bài “Luật chơi khác người” của GS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học) tôi phải có vài ý kiến. Theo qui định mới của Quĩ nghiên cứu khoa học (gọi tắt là Nafosted) thì người chủ trì đề tài nghiên cứu phải liệt kê các công trình nghiên cứu công bố trên các tập san quốc tế trong vòng 5 năm qua. Người có tư cách duyệt (hay phản biện) đề tài cũng phải có công bố quốc tế trong vòng 5 năm qua.

GS Trung phản đối qui định về thời gian đó. Ông cho rằng đó là một “luật chơi khác người”, bởi vì theo ông “các nước khi tổ chức xét duyệt các đề tài nghiên cứu cơ bản có quy định như vậy đâu.” Dù là chỗ quen biết và tôi rất mến GS Trung, nhưng tôi e rằng ông … sai.

Theo tôi biết thì có đấy. Qui định về quãng thời gian 5 năm rất phổ biến ở ngoài này. Tôi nói “ngoài này” là Mĩ, Úc, Anh, Canada, Hà Lan, Hồng Kông, v.v… những nơi mà tôi thường hay làm người bình duyệt các đề tài cho các cơ quan tài trợ nghiên cứu.

Ở Úc, cơ quan NHMRC (National Health and Medical Research Council) họ có qui định rất rõ ràng rằng ứng viên (hay chủ nhiệm đề tài) phải liệt kê [trong đơn xin tài trợ] chi tiết những công trình đã công bố trong 5 năm qua. Những chi tiết họ đòi hỏi là impact factor của tập san và số lần trích dẫn. Chẳng những thế, họ còn yêu cầu phải tách riêng những bài “original research” (nghiên cứu gốc) với những bài “review” (tổng quan), vì những bài review thì không có giá trị cao. Còn những abstracts hay proceedings trong các hội nghị thì không ai xem đến. NIH (của Mĩ) hay Welcome Trust (Anh) cũng có yêu cầu tương tự.

Có lần tôi vô ý nên liệt kê những bài 6 "tuổi", và thế là bị phàn nàn rằng tôi ... ăn gian. Và, họ còn cảnh cáo rằng không nên phạm luật chơi lần thứ 2!

Đương nhiên họ không phải chỉ quan tâm đến những công trình trong 5 năm, mà còn quan tâm đến những công trình trước đó. Do vậy, NHMRC còn khuyến cáo ứng viên liệt kê những bài báo trên 5 “tuổi” nếu (nhấn mạnh: nếu) những bài này có liên quan đến đề cương và chủ đề nghiên cứu.

Lí do mà họ nhấn mạnh 5 năm là họ muốn đánh giá cái “sustained track record” (tức là thành tích bền vững – dịch nghe ngô nghê quá, nhưng tôi chưa biết dịch như thế nào sang tiếng Việt!) Để hiểu cái sustained track record, chúng ta có thể xem 2 nhà khoa học: ông A có 80 bài báo trong vòng 30 năm qua, nhưng trong vòng 5 năm qua ông chỉ có một công trình duy nhất; chị B có 50 bài báo trong vòng 30 năm qua, nhưng số bài báo hàng năm càng ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Nếu chọn người để cấp tài trợ, người ta chắc chắn chọn chị B hơn là ông A. Tài trợ cho nghiên cứu là một hình thức đầu tư. Và, người ta bắt buộc phải “chọn mặt gửi vàng”, đầu tư cho người nào có triển vọng và có sustained track record, hơn là đầu tư cho người có thành tích trong quá khứ mà hiện nay thì là con số 0.

Còn lấy ví dụ về John Nash thì tôi e rằng không thuyết phục. Đại đa số chúng ta làm khoa học trong cái mô thức (paradigm) chứ không phải ai cũng như John Nash. Nếu nói thế, tôi cũng có thể lấy Einstein ra làm ví dụ, vì những tập san mà ông công bố nghiên cứu của mình không có impact factor cao, nhưng ai cũng biết ông là ai và để lại gì cho khoa học. Tôi muốn nói rằng không nên lấy những trường hợp cá biệt để phản bác lại một qui định cho quần thể. Trong một quần thể nào cũng có vài cá nhân xuất sắc, nhưng họ không đại diện cho quần thể. Cũng như toán học Việt Nam có vài người xuất sắc (cứ tạm cho là như thế đi, vì nếu hỏi chuyên gia toán thứ thiệt thì họ có thể nghĩ khác!) nhưng nền toán học Việt Nam vẫn được xem là trung bình hay dưới trung bình.

Ở Úc, cũng có vài người lãnh giải Nobel y học, nhưng khi xin tài trợ từ NHMRC thì vẫn thất bại như thường. Ngay cả người đã từng có giải Nobel cũng không được xin vào chức danh Principal Research Fellow! Chẳng phải là Úc “chảnh chẹ” gì, nhưng họ chỉ làm đúng theo tiêu chuẩn và tiêu chí mà cộng đồng khoa học công nhận. Giải Nobel là một giải thưởng cao quí, nhưng người nhận giải đó không có nghĩa là tài xuất chúng hơn mọi người khác, bởi vì đánh giá thành tựu một cá nhân, không ai chỉ căn cứ vào một giải thưởng cả. Đừng bao giờ nghĩ rằng có cái giải gì đó là mình đứng trên thiên hạ!

Tôi nghĩ đây là “luật chơi” bình thường, chẳng có gì khác người cả. Do đó, tôi ủng hộ qui định của Nafosted trong việc này. Còn vài qui định khác của Nafosted thì tôi thấy hơi lạ, nhưng đây là một đề tài tôi sẽ quay lại khi có thì giờ.

NVT

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=2957

Luật chơi khác người ?

Với sự ra đời của Quỹ Nafosted, chúng ta lần đầu tiên có cơ hội thay đổi các lề lối cũ trong việc đánh giá đề tài khoa học. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi cần phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế chung, để tránh việc tùy tiện đưa ra những “luật chơi khác người” vì mọi sự thay đổi hôm nay sẽ đặt nền móng cho những thay đổi mai sau.

Vừa qua, có nhiều ý kiến về việc Quỹ Nafosted quy định việc thành viên các Hội đồng khoa học Ngành, người phản biện và chủ nhiệm các đề tài phải có công trình ISI trong 5 năm cuối. Điều này thực sự là một “luật chơi khác người” vì các nước khi tổ chức xét duyệt các đề tài nghiên cứu cơ bản có quy định như vậy đâu.

Việc chọn Hội đồng Ngành và người phản biện dựa theo công bố ISI trong 5 năm cuối là một “tiêu chuẩn khác người”. Tôi có đề cập việc này với một số đồng nghiệp nước ngoài thì họ thắc mắc tại sao chúng ta lại có một cách làm kỳ cục như vậy? Thành viên Hội đồng Ngành và người phản biện phải là người am hiểu nhất về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài và có tầm nhìn sâu rộng, kiến thức dùng để đánh giá đề tài đâu phải là kiến thức của 5 năm cuối. Giống như hội đồng trọng tài một số môn thể thao đậm chất kỹ thuật như trượt băng nghệ thuật hay thể dục dụng cụ đều gồm những vận động viên nổi tiếng trước đây hay Ban giám khảo các liên hoan phim chỉ gồm các đạo diễn hay diễn viên gạo cội. Họ đâu có cần đến việc phải có giải thưởng trong 5 năm cuối mới làm việc được.

Nhìn chung có thể hiểu được những tiêu chuẩn “quá tả” ở trên vì chúng ta đã có nhiều tiêu chuẩn “quá hữu” rồi. Quả lắc lắc sang phải mãi thì cũng phải lắc sang trái trước khi quay trở lại trạng thái cân bằng. Vấn đề là chúng ta có muốn quay trở về trạng thái cân bằng không?

Hiện nay một số nhà khoa học đề nghị Quỹ Nafosted cần phải công bố danh mục công trình ISI trong 5 năm cuối của thành viên các Hội đồng Ngành cho phù hợp với tinh thần đổi mới và hội nhập của Quỹ. Đây là một đề nghị đổi mới nhưng không hội nhập! Các nước chọn Hội đồng dựa trên thành tích khoa học của các nhà khoa học chứ đâu có dựa vào thành tích 5 năm cuối. Thậm chí còn có ý kiến phải ghi cả Impact Factor của tạp chí bên cạnh từng bài báo... Ai cũng biết là những cái này chỉ có giá trị tương đối, có ai thấy lý lịch khoa học của một nhà khoa học nghiêm chỉnh nào có ghi những cái này bên cạnh các bài báo chưa? Về chuyện nay, GS Hoàng Tụy có đưa ra một ví dụ điển hình: Nhà toán học Nash, giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 1994, được xem là một tài năng toán học lỗi lạc, tuy không có nhiều công trình đăng hay được trích dẫn nhiều trong các tạp chí Toán hàng đầu.

Vì vậy, Quỹ nên công bố toàn bộ lý lịch khoa học của thành viên các Hội đồng theo thông lệ quốc tế, trong đó ngoài danh mục tất cả các công trình (đã đăng) còn phải ghi rõ tất cả những thành tích khoa học khác như đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ, đã làm giáo sư mời ở đâu, làm báo cáo mời ở những hội nghị nào, làm biên tập cho tạp chí nào, các bằng cấp và giải thưởng v.v.

Tóm lại, chúng ta không nên làm những điều trái với thông lệ quốc tế chỉ để phục vụ những “mục tiêu cao cả” nào đó. Đơn giản chỉ vì làm như thế, chúng ta sẽ không khác gì những bậc tiền nhiệm và chúng ta sẽ không bao giờ hội nhập với thế giới quanh ta cả.

Ngô Việt Trung

0 nhận xét:

Đăng nhận xét