Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Vaccine phòng chống cúm A/H1N1 của TQ

Trong bất cứ một đại dịch cúm nào, vaccine đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng chống nhiễm virus cúm. Trong thời đại công nghệ sinh học, đại dịch cúm A/H1N1 là một mối lo của người dân toàn cầu, nhưng lại là một cơ hội vàng son đối với các công ti sản suất vaccine vì đây là thời điểm để họ hái ra tiền.

Các “đại gia” trong kĩ nghệ dược phẩm trên thế giới chạy đua bào chế những vaccine phòng chống cúm A/H1N1. Ngoài các công ti có tiếng trên thế giới, còn có một số công ti nhỏ hay mới xuất hiện như Sinovac (Trung Quốc) và CSL (Úc). Công ti CSL của Úc, một công ti có kinh nghiệm về vaccine, cho biết họ đã thử nghiệm một vaccine phòng chống A/H1N1, và nếu kết quả khả quan, vaccine có thể đưa vào sản xuất hàng loạt vào tháng 9/2009.

Ngày 3/8 vừa qua, Sinovac tuyên bố rằng họ đã thử nghiệm thành công vaccine ngừa cúm A/H1N1 đầu tiên trên thế giới. Mặc dù thông cáo báo chí của công ti (có trên trong thị trường chứng khoán) đề cập đến “thành công”, nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế. Theo thông tin của công ti, công trình thử nghiệm lâm sàng vaccine được thực hiện từ ngày 22/7/2009 với 1.614 tình nguyện viên (bao gồm 101 người cao tuổi, 706 trung niên, 404 thiếu niên, và 403 trẻ em) đã được tiêm chủng vaccine. Trong thời gian 3 ngày theo dõi, có 12% người phản ứng thuốc, nhưng những phản ứng này được xem là nhẹ, không có trường hợp nào được đánh giá là nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đó là dữ liệu về an toàn của vaccine; dữ liệu quan trọng hơn về hiệu quả lâm sàng của vaccine thì không được đề cập đến. Chúng ta không biết trong thời gian theo dõi có bao nhiêu người được tiêm và bao nhiêu người không được tiêm vaccine bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Dữ liệu cực kì quan trọng này chưa được công bố. Thật ra, kết quả mà công ti Sinovac công bố trên báo chí chưa bao giờ được công bố trên bất cứ một tập san y khoa quốc tế nào. Do đó, rất khó biết hiệu quả lâm sàng của vaccine ra sao.

Nhưng chúng ta không nên quá kì vọng vào vaccine để phòng chống cúm A/H1N1. Nếu vaccine có hiệu quả phòng chống virus cúm A/H1N1, thì kết quả đó nên được diễn giải như thế nào, và có ý nghĩa gì với việc phòng chống cúm ở qui mô cộng đồng? Câu trả lời nằm ở tỉ lệ người bị nhiễm virus A/H1N1 trong cộng đồng nếu không được tiêm chủng vaccine. Trong tình huống nghiêm trọng nhất, tỉ lệ nhiễm virus A/H1N1 trong dân số là 0,2%, và nếu vaccine có hiệu quả ngăn ngừa được cúm A/H1N1 50%, thì điều này có nghĩa là chúng ta phải tiêm vaccine cho 1000 người để ngăn ngừa 1 ca bị nhiễm. Hiệu quả kinh tế của con số này còn tùy thuộc vào giá thành của vaccine. Nếu vaccine tốn 5 USD một liều, điều này có nghĩa là cộng đồng phải chi ra 5000 USD chỉ để phòng ngừa 1 ca bệnh cúm!

Ngay cả Tamiflu và Zanamivir là hai loại thuốc được đề cập khá nhiều trong việc điều trị và phòng ngừa cúm. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy hai thuốc này có hiệu quả giảm thời gian mắc triệu chứng cúm khoảng … 1 ngày (so với không điều trị). Một số nghiên cứu khác cho thấy Tamiflu và Zanamivir không có tác dụng phòng ngừa cúm, hay làm giảm phát triển triệu chứng giống cúm. Thật ra, có nghiên cứu cho thấy người sử dụng hai thuốc này có triệu chứng cúm cao hơn nhóm không dùng thuốc từ 28%, đến 51% dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng chống cúm; biện pháp không y tế công cộng (không dùng vaccine) có thể có hiệu quả tương đương với vaccine. Một nghiên cứu mới công bố vào tuần qua cho thấy chỉ đơn giản rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giảm nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 khoảng 42%. Do đó, trong khi chờ đợi vaccine, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như vệ sinh cá nhân và nhận dạng ca bệnh sớm để điều trị kịp thời để phòng ngừa dịch cúm ở qui mô cộng đồng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét