Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Nhìn gần, không nhìn xa

Tháng trước, tôi gặp một anh bạn trẻ, và qua trao đổi một hồi anh ta khuyên tôi: Thầy về đây, thầy đừng nhìn tương lai quá xa hay tầm vĩ mô (vì thầy sẽ sớm thất vọng); thầy nên nhìn gần, nhìn cái vi mô, chẳng hạn như giúp bọn em vậy nè. Tôi nhớ hoài câu nói này, và tôi cũng xem đó như là một tâm nguyện của chính mình.

Hai tuần qua, do bận đi phó hội bên Việt Nam, và phải liên tục làm việc trong những ngày sau đó, nên không có dịp cập nhật trang blog. Thật ra, lần nào về Việt Nam tôi cũng bận túi bụi, chương trình làm việc hầu như kín mít từ ngày đến cho tới ngày lên máy bay về Sydney.

Tôi đã có những ngày làm việc căng thẳng mà vui vẻ ở Phú Quốc (ngoại trừ “sự cố” liên quan đến ngài phó thủ tướng). Có đêm chúng tôi phải làm việc đến hơn 12 giờ đêm để chuẩn bị cho hội nghị. Tính tôi vốn cẩn thận vì không muốn để người Việt chúng ta mất mặt trước đồng nghiệp ngoại quốc, nên tất cả các bài thuyết trình của người trong nhóm, tôi đều đòi hỏi phải được xem trước và góp ý nhằm làm cho hoàn hảo và chuyên nghiệp hơn (như đúng giờ, nội dung, cách trình bày dữ liệu, cách nói, v.v…).

Ngoài làm việc, tôi cũng có những buổi đi tắm biển sau giờ làm việc thật thoải mái. Biển Phú Quốc dù là buổi sáng nước vẫn rất ấm, nên tắm biển buổi sáng ở đây thật là thú vị. Ngoài ra, tôi còn có dịp đi câu mực, mà thật ra thì chẳng câu được con nào! Thay vào đó là nồi cháo mực đã được nấu sẵn rất ngon, kèm theo rượu sim Phú Quốc.

Sau hội nghị ở Phú Quốc, tôi bay về TPHCM để làm một workshop tại Đại học Y Dược TPHCM. Workshop hè này đã được tổ chức từ 5 năm qua, và mỗi năm một chủ đề khác nhau. Năm nay, tôi chọn chủ đề ứng dụng di truyền học trong lâm sàng. Khóa học thu hút 75 học viên, phần lớn là từ các bệnh viện và trung tâm đào tạo tại TPHCM. Tôi giảng 14 bài, đến ngày thứ 3 thì giọng bắt đầu có vấn đề. Nhưng cũng may, có đồng nghiệp nấu cho nước giá uống từ ngày đầu nên cũng không đến nỗi nào. Tôi phải mượn entry này để chân thành cám ơn bạn đồng nghiệp ẩn danh đó!

Sau workshop là hội nghị nội tiết toàn quốc tại Khách sạn New World. Hội nghị năm nay thu hút cả ngàn đại biểu từ khắp 3 miền đất nước về dự. Nói là “nội tiết”, nhưng thật ra là chủ yếu tập trung vào chủ đề tiểu đường (ở VN bây giờ người ta gọi dân dã hơn là “đái tháo đường”). Tuy nhiên, ban tổ chức cũng ưu ái giao cho tôi lên chương trình một symposium về loãng xương vào ngày 23/8. Symposium này do tôi và Gs Trần Đức Thọ chủ trì với sự tham gia của một giáo sư từ Ấn Độ và các đồng nghiệp trong nước. Phải nói symposium đã thành công vì tạo được sự chú ý của các đại biểu cho đến giây phút cuối.

Trong hội nghị tôi nói 2 bài: một bài về so sánh tỉ lệ mỡ giữa phụ nữ người Á châu và Mĩ, một bài về loãng xương. Bài đầu nhằm phản biện lại quan điểm cho rằng phụ nữ Á châu có nhiều tỉ lệ mỡ hơn phụ nữ da trắng nếu cả hai có cùng BMI. Bài này được nhiều bạn chú ý, kể cả các bạn Singapore muốn làm quen để tìm hiểu thêm.

Cũng như các hội nghị ở Việt Nam, hội nghị này cũng có những đặc điểm “rất Việt Nam”. Chẳng hạn như nhiều diễn giả nói quá giờ, bất chấp thời lượng cho phép, hay chủ tọa nhầm lẫn giữa người điều hành phiên họp và phản biện. Buồn cười nhất là một chủ tọa cứ lạm dụng vai trò của mình để phê phán và bình luận các bài nói chuyện. Tôi chưa thấy ai điều hợp chương trình với vai trò này (ngoại trừ ở Việt Nam!) Đặc biệt các đồng nghiệp miền Trung (Huế) gửi bài nhưng không vào tham dự, và cũng không báo trước dù họ đã được sắp xếp làm chủ tọa!

Lần này, Hội Nội tiết đã làm nên lịch sử: đó là sự kiện một đồng nghiệp phía Nam được bầu làm chủ tịch Hội. Đây là một tiền lệ hiếm hoi trong lịch sử y học sau 1975. Như tôi từng nói, tất cả các hiệp hội chuyên môn, các bác ngoài Bắc đều (dành) làm quyền chủ tịch, còn đồng nghiệp phía Nam chỉ làm … phó. Nó gây nên tâm lí và cảm nhận kẻ thắng người thua. Nhưng sau hơn 30 năm, tình hình có vẻ thay đổi, và thay đổi rất rất rất chậm chạp.

Sau hội nghị, tôi về quê thăm nhà và bà con. Nhưng thật ra thì tôi cũng bận, vì các bạn ở Bệnh viện Kiên Giang mời tôi nói về các tiến bộ mới trong lĩnh vực loãng xương cho các bạn ở đó nghe (vì họ không có dự hội nghị ở Phú Quốc). Thế là tôi nói chuyện nguyên một ngày ở đó. Tôi còn nói một bài về cách trình bày một báo cáo khoa học bằng Powerpoint cho các bạn ở bệnh viện. Chiều hôm đó, anh Đ mời tôi đi Cần Thơ để họp với ông thứ trưởng Bộ Y tế. Thật ra, tôi chỉ đi chơi, chứ anh Đ mới là người họp và làm việc. Tuy nhiên, tôi cũng có vài trao đổi thú vị với anh (nguyên là giám đốc Sở Y tế Kiên Giang). Tôi không dấu diếm rằng tôi không đồng ý với một số chủ trương và chính sách của Bộ Y tế liên quan đến vụ dịch tả - mắm tôm, vụ “ngực nở chân dài”, phòng chống H1N1, v.v… Hóa ra, anh cũng có cùng quan điểm với tôi về các vấn đề này.

Trong lúc ở Cần Thơ, cả tôi và anh đều nhớ món ăn Nam Bộ. Anh ấy thì than ở Hà Nội lâu quá nên nhớ món ăn miền Nam, còn tôi thì chỉ mê món ăn miền Tây. Tôi kêu món gỏi xoài khô cá sặt, nhưng ngạc nhiên thay, cô tiếp viên nói không có khô cá sặt! Thật khó tưởng tượng nổi giữa thủ đô miền Tây mà một nhà hàng hoành tráng như thế này không có khô cá sặt, nghe sao trái tai quá! Nhưng tìm hiểu một hồi tôi mới biết đây là doanh nghiệp Nhà nước, và sự thật này giải thích tất cả những nghịch lí.

Ở dưới quê được đúng 3 ngày, tôi lại khăn gói lên Sài Gòn để về nói chuyện tại một số nơi vốn nằm trong chương trình của chuyến đi. Chiều ngày 27/8 tôi nói chuyện về văn hóa khoa học cho một lớp năng khiếu của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học cũ). Đây là một lớp học dành cho các em học sinh giỏi, những em được đào tạo để giành huy chương trong các kì thì Olympic cho Việt Nam. Phần lớn là những du học sinh tương lai, vì các đại học nước ngoài cấp học bổng. Trong 2 tiếng đồng hồ, tôi nói về tình trạng thua kém của khoa học nước ta so với các nước trong vùng nhằm đánh động tự ái dân tộc của các em; tôi dùng các ví dụ về các khám phá khoa học để nói về những đặc điểm văn hóa khoa học mà các em cần phải có khi làm khoa học, và tôi “khuấy động” tự hào dân tộc của các em. Dù chỉ là những học sinh 14, 15 tuổi, nhưng các em rất thông minh, rất tự tin, hỏi rất nhiều câu hỏi hay. Cũng có cả những câu hỏi thuộc tầm “quốc gia đại sự”. Nhiều câu hỏi quá, mà tôi thì lại có chương trình journal club ở bệnh viện 115 nên đành tạm biệt các em với niềm luyến tiếc vô hạn.

Đến ngày 28/8 tôi nói chuyện về tình trạng ấn phẩm khoa học của Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhân dịp này tôi cũng phân tích những bất cập trong các nghiên cứu y học ở Việt Nam, và đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém này. Nhiều người cho rằng tôi nói quá thật và quá thẳng nên chắc hôm đó tôi đã làm cho vài người mất lòng vì chính họ nằm trong phạm vi mà tôi phê bình về chuẩn mực phong hàm giáo sư. Một anh phó giám đốc nói hóm hỉnh rằng “Với cách nói không úp mở của anh, nếu ở Hà Nội không có người ghét anh sẽ là chuyện lạ”.

Tuy nhiên, ở tại đây – Bệnh viện Chợ Rẫy – các bạn trong ban giám đốc và các đồng nghiệp khác lên tiếng ủng hộ tôi và cho rằng tôi đã phân tích chính xác tình hình trong nước. Giải thích tình trạng thiếu thông tin khoa học trong nước mà tôi nêu lên, một anh phó giám đốc và cũng là giáo sư cho tôi biết rằng chỉ mấy năm trước đây thôi, ngay cả việc đặt mua tập san khoa học từ nước ngoài cũng có thể gặp rắc rối với cơ quan an ninh! Nghe qua câu chuyện làm tôi sững sờ. Nghe điều này làm tôi nhớ đến câu nói của một đồng nghiệp khác cho biết có khi công bố quốc tế công trình nghiên cứu của mình cũng gặp khó khăn với cơ quan an ninh! Thật khó tưởng tượng nỗi trong thế kỉ 21 lại có những chuyện hài hước mà đau lòng như thế này xảy ra tại nước ta.

Trong buổi nói chuyện đó, tôi có đề cập đến một vài chuyện tế nhị bằng một cách nói dí dỏm. Một số bạn (chắc là dân sinh viên trước 1975) hiểu tôi nói gì, nên sau khi xong buổi nói chuyện, mấy anh ấy đến nói với tôi rằng “chắc ngoài quán cà phê, anh nói hay và thật hơn; lần sau phải mời anh ra quán cà phê để nói chuyện mới được”. Vâng, nói chuyện ngoài quán cà phê thì tôi nói chuyện khác vui hơn, chứ hay hơn thì không dám hứa.

Chiều hôm đó, tôi lại được mời nói chuyện tại Bệnh viện 175 ở Gò Vấp (nguyên là Tổng y viện Cộng Hòa trước 1975). Tôi nói 2 bài về sự hiện diện khiêm tốn của y học VN trên trường quốc tế và cách viết một bài báo khoa học cho các tập san quốc tế. Khác với không khí ở Chợ Rẫy, ở đây là các vị trong quân đội, nên họ hơi bị … bảo thủ. Không ai cười khi tôi nói về những bất hợp lí và yếu kém của y học nước ta. Họ quá nghiêm nghị! Tuy nhiên, đến khi thảo luận thì không khí có vẻ dễ thở hơn và thân mật hơn.

Đến ngày 29/8 tôi lại nói chuyện ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM theo lời mời của một anh bạn tại đây. Tôi cũng phân tích những sai sót trong các nghiên cứu y học ở Việt Nam và đề nghị một số giải pháp ngắn hạn đề khắc phục vấn đề. Hình như ai cũng nhận ra Việt Nam ta còn yếu kém, thua kém các nước trong vùng, nhưng chẳng ai biết phải làm gì để thay đổi tình thế, do mọi chuyện đều tùy thuộc vào các Bộ ngoài Hà Nội. Riêng tôi, dù nói thì vẫn nói với tất cả nhiệt tình, nhưng tôi nghĩ Việt Nam vẫn sẽ thua kém các nước trong vùng về mặt khoa học. Hai mươi hay ba mươi năm nữa, nước ta vẫn còn thua họ; đừng nói đến chuyện đuổi kịp họ. Với những tiêu cực có hệ thống từ trên xuống dưới như hiện nay, khó mà thay đổi được tình thế trong vòng 20 hay 30 năm. Có lẽ đến ngày những người thuộc thế hệ chúng tôi nằm xuống, chúng tôi chưa chắc nhìn thấy nước mình ngẩng cao mặt nhìn thiên hạ. Tôi biết đó là cái nhìn bi quan, nhưng tôi chưa có lí do gì để lạc quan về lâu về dài cả. Nhưng hiện nay, tôi làm theo lời khuyên một anh bạn trẻ và cũng là suy nghĩ của tôi: tránh nhìn về viễn cảnh xa xôi (sợ bi quan), chỉ nhìn hiện tại tìm cái tích cực hơn, làm được việc gì có ích cho quê nhà thì phải làm hết lòng.

Chiều ngày 29/8 tôi lên máy bay về Sydney, kết thúc hai tuần làm việc căng thẳng mà vui ở VN. Trong chuyến đi ngắn ngũi vừa qua, tôi quan sát được nhiều điều mà tôi nghĩ là thú vị. Chuyện “thế thái” hình như buồn nhiều hơn vui. Có khi tôi muốn làm như ông Ghandi với hình 3 con khỉ: không nói, không nghe, và không thấy để lòng mình an lành hơn. Nhưng khổ nỗi tôi làm không được như 3 con khỉ đó, nên vẫn còn bận tâm. Vài ngày nữa, khi có thì giờ tôi sẽ ghi lại những cảm nhận của mình trong chuyến về quê vừa qua.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét