Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2009

Nhìn lại dịch cúm heo 1976

Hôm cuối tuần có thì giờ đọc một bài nghiên cứu về dịch cúm heo xảy ra ở Fort Dix vào năm 1976, nên có hứng viết vài hàng về dịch cúm A/H1N1 hiện nay. Hiện nay, thế giới đang trải qua một đại dịch có tên là A(H1N1), và giới khoa học đang bận rộn xây dựng lại diễn biến (hay “kịch bản”) của đại dịch đã được xảy ra như thế nào. Nhưng đây không phải là dịch cúm heo lần đầu trong lịch sử con người. Năm 1976, một dịch cúm heo xảy ra ở Fort Dix (bang New Jersey) làm cho hàng ngàn người bị nhiễm, 13 người nhập viện, và 1 người chết. Thời đó, giới chức y tế Mĩ phản ứng quyết liệt: cho tiêm vaccine toàn dân, nhưng đến khi 44 triệu người được tiêm vaccine thì cuộc vận động phải ngưng, vì người ta biết rằng dịch cúm không xảy ra ngoài Fort Dix; và tiêm vaccine cũng gây ra vài ca biến chứng nguy hiểm.

Chính nhờ vào dữ liệu được thu thập cẩn thận trong dịch cúm heo 1976, mà các nhà dịch tễ học đã có nhiều kinh nghiệm về mô phỏng và phân tích sự lây lan của dịch cúm. Năm 2007, giáo sư Lessler và đồng nghiệp công bố một bài báo trên tập san Journal of the Royal Society Interface tìm hiểu qui luật lây lan của virus H1N1 vào năm 1976. tại sao cúm heo H1N1 vào năm 1976 chỉ kéo dài 1 tháng mà cúm A(H1N1) hiện nay lan tràn khắp thế giới từ tháng 4 vừa qua?

Đây là kịch bản của Lessler: Ngày 4/2/ 1976, một người lính chết ở doanh trại Fort Dix vì bệnh phổi. Khi xét nghiệm, người ta phát hiện anh ta bị nhiễm virus cúm H1N1 giống như virus lan truyền trong heo. Do đó, theo qui ước đặt tên virus cúm, virus này được đặt tên là A/New Jersey/76. Từ đó, virus cúm H1N1 được giới dịch tễ học chú ý, bởi vì không thấy chúng lan truyền ở con người từ đại dịch 1957-1958. Điều tra dịch tễ học sau đó cho thấy virus A/New Jersey/76 lan truyền rộng rãi ở những quân nhân tại Fort Dix từ 5/1 đến 14/2, và đến lúc đó thì virus biến mất! (Lessler et al., J. R. Soc. Interface).

Fort Dix là một trung tâm huấn luyện quân sự, được tổ chức thành 7 đại đội. Một đại đội có 4 tiểu đội, với 50 tân binh. Các tiểu đội này rất ít tiếp xúc nhau. Các tân binh mới trở về từ mùa nghỉ hè thì bị dịch cúm hoành hành. Nhưng dịch chỉ diễn ra đúng 33 ngày sau ca đầu tiên phát hiện. Cư dân ngoài vùng Fort Dix không có ai bị nhiễm. Tại sao?

Dựa vào dữ liệu năm 1976 và các phương pháp phân tích dịch tễ học hiện đại, Lessler và đồng nghiệp ước tính 2 thông sớ cơ bản: chỉ số tái sản sinh R0, và thời gian. R0 là số ca bệnh mới (trung bình) khi một ca bệnh sống chung trong một cộng đồng mà trước đó không hề bị nhiễm. Bởi vì những tân binh đều còn trẻ với sức đề kháng cao, do đó đây là quần thể lí tưởng để ước tính R0. Còn thông số kia, khoản thời gian liên tiếp (serial interval), là thời gian trung bình từ một ca bệnh lây lan sang một ca bệnh khác.

Ngay cả một virus trong một quần thể có trị số R0 trên 1.0 chỉ có thể lan truyền trong một cộng đồng khép kín. Một virus nhiễm các tân binh trong một cộng đồng tương đối cô lập (như một doanh trại quân đội) có thể sẽ không có thêm kí chủ để “nương tựa”. Nếu các quân nhân bị nhiễm không tiếp xúc với đồng nghiệp hay người ngoài thì chắc chắn virus sẽ khó có đất sống, và dịch cúm phải chấm dứt.

Nhưng dĩ nhiên cộng đồng quân nhân đâu phải hoàn toàn cô lập. Họ cũng có tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao virus không lây lan ra ngoài Fort Dix? Câu trả lời mà Lessler và đồng nghiệp cung cấp trong bài báo là virus này không mấy mạnh mẽ. Họ ước tính trị số R0 chỉ 1.2 (và khoảng tin cậy 95% từ 1.1 đến 1.4), tức là còn thấp hơn trị số R0 trong các dịch cúm mùa (khoảng 2.0 đến 3.0). Thông số thứ 2 mà họ ước tính (khoảng cách thời gian giữa 2 ca) cũng khá ngắn: chỉ 1.9 ngày.

OK, bây giờ chúng ta đi vào “chi tiết kĩ thuật” một chút. Cứ mỗi tiếp xúc giữa cá nhân trong một cộng đồng, có một xác suất virus sẽ lây nhiễm. Nếu ca bệnh tiếp xúc một cá nhân có khả năng miễn nhiễm, xác suất này đương nhiên là 0; và, trong trường hợp này R0 sẽ giảm, và nếu có nhiều người trong cộng đồng có khả năng miễn nhiễm thì R0 sẽ giảm <1.0. Vậy thì câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu phần trăm cá nhân trong cộng đồng chúng ta cần để có một hiệu ứng miễn nhiễm? Câu trả lời tùy thuộc vào R0. Nếu R0 = 1.2, chúng ta cần 17% ; nếu R0 = 1.1 chúng ta chỉ cần 9%.

Virus A/New Jersey/76 và sự “thất bại” của nó trong việc lan truyền cho chúng ta một hi vọng là với hệ thống báo động tốt và kiểm soát dịch bệnh, các dịch cúm trong tương lai sẽ được khống chế tốt hơn.

Riêng đối với cúm A(H1N1) lần này thì trị số R0 có vẻ tương đương với cúm mùa, và việc kiểm soát rất khó, nhưng hệ thống báo dộng đóng vai trò quan trọng ở đây. Sự thật là virus cúm heo H1N1 lần này lan truyền không mấy hiệu quả, và điều này cho thấy virus cúm heo có lẽ đã “lưu hành” khá lâu trong một quần thể kín với nhiều tiếp xúc, như hãng xưởng hay nông tại, cho đến khi chúng có khả năng đột nhiên tăng chỉ số R0 và lan truyền ở con người. Tuy nhiên, đó chỉ là một suy luận, vì trong thực tế, chúng ta chưa biết chính xác câu trả lời là virus A(H1N1) hiện nay đến từ đâu.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét