Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Gần 2/3 sinh viên Cần Thơ hiểu chính xác nghiên cứu khoa học

Bài báo dưới đây có vài điều đáng nói về nội dung và về con số. Cứ theo như giọng văn của bài báo thì con số sinh viên (31.48%) hiểu chính xác về nghiên cứu khoa học (NCKH) còn ít quá. Nhưng tôi lại nghĩ khác: con số 31% sinh viên năm thứ 3 không rành về nghiên cứu khoa học có nghĩa là 69% (tức gần 2/3) rành hay biết về nghiên cứu khoa học. Đó là điều đáng ngạc nhiên, ngạc nhiên là có quá nhiều sinh viên giỏi. Tôi nói thật, không phải châm biếm đâu. Ở ngoài này, khi sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học vẫn chưa biết gì về nghiên cứu khoa học (dù họ đã học qua vài ba môn), họ không biết giả thuyết là gì, chứ chưa nói gì đến phương pháp hay qui trình nghiên cứu. Đó là sinh viên y khoa, tức là rất gần với khoa học thực nghiệm mà còn như thế, thì nói gì đến những ngành khoa học nhân văn. Do đó, con số gần 2/3 sinh viên Cần Thơ biết về NCKH là điều đáng mừng, chứ sao lại nói là đáng quan tâm?

Nhưng trước khi mừng, chúng ta phải xem xét cẩn thận. Trước khi đánh giá ít hay nhiều thì chúng ta cần phải thẩm định một cách nghiêm chỉnh. Cụm từ quan trọng ở đây là “hiểu chinh xác NCKH”. Có hai câu hỏi đặt ra: Thế nào là hiểu chính xác và thế nào là nghiên cứu khoa học? Nói đến chính xác là nói đến đo lường (hay cân đo đong đếm), mà NCKH là một qui trình, và qui trình tùy thuộc vào lĩnh vực khoa học, cho nên làm gì có chuyện “chính xác” ở đây. Chỉ có hiểu đúng và hiểu sai mà thôi, chứ tôi nghĩ không có hiểu chính xác được. Kế đến là câu hỏi: thế nào là nghiên cứu khoa học? Câu hỏi tuy dễ mà không hẳn dễ trả lời. Tôi thấy ở Việt Nam, rất nhiều người, kể cả cấp giáo sư, chưa hiểu đúng (chứ chưa nói chính xác) thế nào là NCKH. Chẳng hạn như có lần một giáo sư khả kính cho rằng các bà nội trợ đi chợ cũng là nghiên cứu khoa học. Nhưng rất tiếc đó là một hiểu lầm. Có lẽ từ hiểu lầm về NCKH cho nên tôi thấy có nhiều công trình chỉ có thể xem là audit (kiểm kê) chứ không thể nào là nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như những thống kê về bệnh nhân và “outcome” của một bệnh viện hay clinic, tuy người ta nói là “nghiên cứu”, nhưng thực sự chỉ là những việc làm mang tính hành chính. Do đó, tôi nghi ngờ rằng có lẽ cách đặt vấn đề chưa rõ ràng, nên kết quả cũng làm cho chúng ta … ngạc nhiên.

Thứ hai là con số 31.48%. Thỉnh thoảng đọc báo Việt Nam tôi thấy giới báo chí trình bày con số chính xác đến … không cần thiết. Điển hình là bài báo này, khi tác giả viết 31.48%, tức là độ chính xác đến 2 số thập phân! Nhưng làm gì có sự chính xác như thế. Chẳng lẽ nói trong số 100 người có 31.48 người không hiểu “chính xác NCKH”. Tôi nghĩ con người không có số lẻ: 1 người, 2 người, n người, chứ đâu có 31.48 người ?!

Tôi nghĩ ngay cả viết báo cáo khoa học, người ta vẫn không cần chính xác đến 2 số lẻ. Khả năng con người nhớ con số đã khó, mà nhớ số lẻ càng khó hơn, huống hồ chi là nhớ đến 2 số lẻ. Cuộc sống hàng ngày đã bề bộn, với bao nhiêu chữ số cần nhớ, tại sao lại gây khó khăn thêm cho người đọc? Tại sao không viết là 31%, hay tốt hơn là “gần 1 phần 3”, hay dễ hiểu hơn là “cứ 3 sinh viên thì có 1 em không hiểu …”.

Nhân nói chuyện nghiên cứu khoa học làm tôi nhớ đến hội nghị loãng xương quốc tế năm ngoái tổ chức ở Sydney. Trong hội nghị có một poster báo cáo một công trình nghiên cứu (tôi quên đề tài) mà tác giả là 2 anh em chỉ 12 hay 15 tuổi. Đương nhiên, khi trình bày poster thì tác giả phải đứng đó giải thích cho người xem về giả thuyết, lí do làm nghiên cứu, mục tiêu, phương pháp, và giải thích ý nghĩa của kết quả. Hai em bé này giải thích y như người lớn, y như là một nhà khoa học chuyên nghiệp, làm ai cũng thán phục và chụp hình tùm lum. Hóa ra, người đứng đằng sau công trình này là ... cha mẹ của 2 em. Nhưng cha mẹ em chỉ đóng vai trò cố vấn, còn tất cả các công đoạn đều do 2 em làm. Câu chuyện cho thấy ngay cả học sinh trung học, thậm chí tiểu học, cũng có thể làm NCKH, nếu có dự dìu dắt của người có kinh nghiệm. (Tuy nhiên, trường hợp 2 em này thì thú thật tôi không mấy "mặn mà", vì tôi nghĩ -- chẳng biết có sai không -- là 2 em bị cha mẹ "tẩy não" và méo mó nghề nghiệp quá).

Quay lại câu chuyện trong bài báo, như tôi nói, 2/3 hiểu biết về NCKH là đáng khen chứ không phải là vấn đề. Chỉ có điều có kết quả có thật sự chính xác, tức là sinh viên có thật sự hiểu NCKH hay không, hay là do cách nghiên cứu, chẳng hạn như cách đặt câu hỏi và cách chọn đối tượng. Thật ra, nghiên cứu này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời câu hỏi.

NVT

====

http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/dantri.com.vn/3148-SV-chua-nam-duoc-the-nao-la-nghien-cuu-khoa-hoc/4052354.epi

31,48% SV chưa nắm được thế nào là nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - Qua phỏng vấn trên 1.000 sinh viên năm thứ 3 của Trường ĐH Cần Thơ trong năm 2009 về vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) trong nhà trường cho thấy 68,52% SV có hiểu biết chính xác về NCKH, có tới 31,48% sinh viên chưa nắm được thế nào là NCKH.

Thạc sĩ Đinh Minh Quang - Ủy viên Thường vụ BCH Đoàn Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong vòng 3 năm qua, số lượng đề tài NCKH trong SV của 7 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ (gồm ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Tây Đô, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ và CĐ Nghề Cần Thơ) chỉ có 48 đề tài NCKH.

Trong đó ĐH Cần Thơ có 41 đề tài NCKH; ĐH Y Dược Cần Thơ: 1 và ĐH Tây Đô: 6. Còn lại các trường CĐ hầu như không có đề tài nào. Con số này cho thấy các đề tài NCKH chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi trường.

Còn báo cáo kết quả khảo sát về NCKH của SV năm thứ 3 ĐH Cần Thơ trong năm 2009, Ths. Đinh Minh Quang đưa ra con số: phỏng vấn 1.000 SV thì 68,52% SV có hiểu biết chính xác về NCKH và có đến 31,48 % SV chưa nắm được thế nào là NCKH.

Năm 2006- 2007, ĐH Cần Thơ có 6 đề tài (chi 79 triệu đồng); năm 2008 không có đề tài nào; năm 2009 có 29 đề tài (chi 305 triệu đồng); năm 2010 đợt 1 có 13 đề tài (chi 168 triệu đồng). Ông Lê Văn Lâm - Phó Phòng Quản lý Khoa học (ĐH Cần Thơ) cho biết, trong những năm qua nhà trường đã chi khá nhiều tiền để khuyến khích các SV tham gia thực hiện đề tài NCKH, tuy nhiên số lượng đề tài vẫn chưa nhiều.

Đánh giá nguyên nhân, theo Ths. Đinh Minh Quang thì nhiều SV chưa quen với khái niệm NCKH: “SV coi NCKH là cái gì đó to tát lắm, NCKH chỉ dành cho các thầy cô, giảng viên, các Thạc sĩ, Tiến sĩ mà thôi”.

Ngoài ra, kiến thức của các SV chưa đủ, đặc biệt là phương pháp NCKH. Khó khăn trong việc hình thành ý tưởng và tìm người hướng dẫn. Đặc biệt nguồn kinh phí, thủ tục thanh toán còn rườm rà. Ths. Quang nhận định: “Nếu tháo gỡ những khó khăn trên thì có thể sẽ tạo nên cú hích thúc đẩy nhiều SV quan tâm hơn đến NCKH ”.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết, có một thực tế là các đề tài trong 3 năm qua ứng dụng thực tế của nó chưa thấy rõ lắm. Tuy nhiên ĐH Cần Thơ cũng có những giải thưởng trong cả nước về các đề tài NCKH.

Lý giải con số 31,48% SV chưa nắm được thế nào là NCKH, PSG.TS. Hà Thanh Toàn cho biết, có một số ngành như nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật… có môn học về phương pháp NCKH nên SV các ngành này có điều kiện tiếp cận vấn đề NCKH hơn. Còn các ngành khoa học xã hội (KHXH) như Luật, Sư phạm, Du lịch…thì ngược lại, SV các ngành này ít quan tâm đến NCKH do khi bước sang năm 3 thì các em đi thực tập, thực tế không có thời gian để có thể tìm đề tài nghiên cứu.

Hiện Trường ĐH Cần Thơ đang đầu tư lĩnh vực NCKH cho SV các ngành KHXH. Theo đó, sẽ đào tạo nguồn cán bộ, đây là thành phần giữ vai trò quan trọng vì sẽ là những người hướng dẫn các em SV trong khi thực hiện đề tài, viết dự án gửi các Bộ ngành hỗ trợ đề tài về KHXH, kinh phí để khuyến khích các SV.

Môi trường đại học và nghĩ về đại học đẳng cấp quốc tế

Việt Nam chúng ta có tham vọng xây dựng vài trường đại học đẳng cấp quốc tế, hay nói theo tiếng Anh là “world class university”. Đó là một tham vọng cao, một giấc mơ đẹp. Tôi nghĩ chẳng có gì chê trách khi có tham vọng hay mơ cao, nhưng tham vọng và ước mơ cũng nên thực tế một chút để khỏi phải mang tiếng là nói quá. Đọc qua bài viết dưới đây, tôi thấy giấc mơ đẳng cấp quốc tế thật là xa vời

Trước đây tôi có vài ý kiến về đại học đẳng cấp quốc tế. Tôi nói rằng một đại học đẳng cấp quốc tế phải hội đủ 5 điều kiện. Trong đó, điều kiện thứ nhất là cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế, những giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín cao trên trường quốc tế, những người “có tên tuổi” trong lĩnh vực chuyên môn của họ; điều kiện thứ hai là phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai.

Nhưng đọc qua lá thư của anh này “Tự sự nhức lòng của tiến sĩ 'ngoại' trở về ĐH lớn” (tôi đọc 2, 3 lần) thì thấy con đường đến đẳng cấp quốc tế ở nước ta còn xa vời vợi. Tôi không bàn đến những so sánh mà anh đưa ra, vì thấy nó quá đúng, nhưng tôi chú ý đến những câu chữ mà có lẽ phải đọc 2, 3 lần mới hiểu. Chẳng hạn như ở nước ngoài, người giảng viên hay giáo sư “được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến chuyên môn”, còn ở nước ta thì “bị chi phối bởi các quy định, thủ tục hành chính và những mối quan hệ cá nhân ‘nhạy cảm’ trong cơ quan”. Chú ý mấy chữ tôi tô đậm. Lại còn có những qui định lạ lùng như “quota ‘nghiên cứu’ theo êkíp”:

“Một vấn đề nữa khiến tôi rất thất vọng là thực tế nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay. Thứ nhất là tìm được người đồng nghiệp cùng sở thích cùng đam mê là rất khó. Nhiều khi ở VN là chỉ định, là ép anh B, anh C hoàn toàn không cùng sở thích, cùng lĩnh vực…nghiên cứu một đề tài với nhau. Như thế rất khó mà làm cùng nhau được và rất khó có kết quả tốt.

Thứ hai là viết đề cương, nhiều khi ở cấp trường, cấp cơ sở coi thành tựu nghiên cứu khoa học như quota, ví dụ năm nay anh viết đề tài rồi thì sang năm phải để cho người khác, dù là họ viết rất dở nhưng đến lượt thì họ vẫn được làm, nó là như vậy. Thế còn ở cấp cao hơn thì lại gặp phải vấn đề khác, nhiều khi tế nhị, nhạy cảm hơn, nhiều khi có những cây đa, cây đề lớn quá, có khi họ cũng là thầy của những người trẻ đi sau, nên người sau muốn làm thì cũng không được, lại sợ bị mang tiếng là không tôn trọng người đi trước”

Lạ lùng thật! Thật ra thì tôi cũng nghe và có biết qua chút chút, và cũng có góp ý nhưng chẳng ai lắng nghe.

Với cách dùng người và những qui định đi ngược lại tinh thần học thuật như thế thì tôi e rằng việc thu hút người có khả năng về làm việc cho đại học còn lắm nhiều khó khăn. Và, nếu không có người có khả năng thì làm sao có thể đưa đại học VN thành đẳng cấp quốc tế.

Điều đáng nói là khi đọc qua những ý kiến bạn đọc (rất nhiều) tôi thấy người viết bài này rất … cô đơn. Rất nhiều người chê trách anh ta không biết luồn lách, không biết sử dụng hệ thống để tồn tại, thậm chí có người nói không trụ được thì đi ra ngoài làm. Nhưng tôi thấy những ý kiến này [nói theo tiếng Anh là] “miss the point”, đi lạc điểm chính mà anh ta muốn nêu. Điểm chính mà anh ta muốn nói là hệ thống (THE system) chưa/không tạo điều kiện để anh làm việc có hiệu quả. Vấn đề không phải là luồn lách, là biết sử dụng hệ thống, mà hệ thống phải làm gì để phát huy tài năng của người trong hệ thống. Vấn đề là “luật chơi” phải công bằng và minh bạch, để không có chuyện luồn lách.

Tôi rất rất thông cảm cho anh bạn viết bài “Tự sự nhức lòng của tiến sĩ 'ngoại' trở về ĐH lớn” và không biết làm gì để giúp anh ta. Có lẽ anh nên tìm một nơi nào khác, kể cả nước ngoài, để phát huy khả năng của mình. Đời người rất ngắn, chỉ có khoảng chục năm (tính từ tuổi 25)là ở “đỉnh” của sức sáng tạo. Nếu phí 10 năm đó thì sẽ rất thiệt thòi cho cá nhân mình và thiệt thòi xã hội.

NVT

===

Đại học đẳng cấp quốc tế
(bài này đăng ở đâu tôi quên, nhưng đã đăng năm ngoài hay năm trước đó)

Gần đây, báo VietNamNet nêu câu hỏi “Đại học Việt Nam đẳng cấp quốc tế: Tại sao không?” và kêu gọi bạn đọc tham gia thảo luận. Trong điều kiện hiện nay, có thể nói đây là một ý nghĩ táo bạo. Nhưng tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay ở nước ta, sự có mặt tương đối đông đảo của người Việt trong thành phần khoa bảng thuộc các trường đại học nước ngoài, và tham vọng công nghiệp hóa đất nước, thiết tưởng ý nghĩ này không phải là quá xa vời. Thực ra, chẳng riêng gì nước ta, hầu như nước nào cũng mong muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng ít ai bàn cụ thể một đại học như thế đòi hỏi những gì và phải vận hành ra sao. Qua bài viết này tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chung quanh chủ đề này.

Ý tưởng về một đại học đẳng cấp quốc tế được hình thành ở Đức từ thời cuối thế kỉ 19. Theo đó, một đại học đẳng cấp quốc tế không chỉ đơn thuần là một trung tâm đào tạo xuất sắc theo các tiêu chuẩn quốc tế, mà chủ yếu là một trung tâm nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Nhưng câu hỏi đặt ra ai là người đề ra những tiêu chuẩn này? Chưa ai trả lời được câu hỏi này, nhưng nói đến một đại học đẳng cấp quốc tế tức là nói đến một bối cảnh xuyên quốc gia. Và, theo xu hướng quốc tế, các đại học danh tiếng ở Mĩ và Tây phương thường được xem là những mô hình “chuẩn” để tham khảo. Theo sắp hạng của các tạp chí quốc tế, các đại học hàng đầu thế giới là Harvard, Yale, Stanford, MIT, California Institute of Technology, Cambridge, Oxford, Sorbonne, và Tokyo. Nhìn qua những đại học này chúng ta thấy vài đặc điểm chung, và cũng có thể là những yêu cầu mà chúng ta phải xem xét đến:

Thứ nhất, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế. Đó là những giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín cao trên trường quốc tế, những người “có tên tuổi” trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ thu hút giáo sư giỏi gốc Việt ở trong và ngoài nước, mà còn phải thu hút cả những nhà nghiên cứu tài danh quốc tịch nước ngoài. Chẳng hạn như trong nỗ lực nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển, một số nước trong vùng Á châu như Đài Loan đã thu hút được Yang Chen Ning (giải Nobel vật lí) về làm việc, và Hàn Quốc đã thuyết phục Robert Laughlin từ Mĩ (giải Nobel vật lí, Đại học Stanford) về nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ. Điều kiện để thu hút các giáo sư đẳng cấp quốc tế như thế là một môi trường làm việc tự do để họ có thể theo đuổi định hướng nghiên cứu của họ, tự do tuyển dụng chuyên gia nghiên cứu, tự do phát biểu ý kiến về những vấn đề khoa học mà không chịu sự ràng buộc hay chi phối từ các áp lực chính trị và quản lí hành chính.

Thứ hai, một đại học đẳng cấp quốc tế phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai. Cơ chế tuyển dụng và nuôi dưỡng các nhà nghiên cứu trẻ có tiềm năng lớn cần phải được minh bạch và công bằng. Những ai từng quen thuộc với cơ chế tuyển dụng của các trường đại học lớn ở Mĩ đều biết rằng các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp thấp thường được nâng đỡ trong vòng 3 đến 5 năm để họ tự chứng minh khả năng của mình, sau đó họ phải trải qua một quá trình bình duyệt từ bên ngoài, và chỉ có những người xuất sắc với những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế mới được giữ lại làm việc. Dù cơ chế này chưa thể áp dụng cho các trường đại học ở nước ta, nhưng một đại học đẳng cấp quốc tế phải xem xét đến cách thức nuôi dưỡng nhân tài như thế.

Thứ ba, một đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có (hay tạo ra) một môi trường nghiên cứu với những cơ sở vật chất nghiên cứu đầy đủ. Những công trình nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo nhất phụ thuộc một phần lớn vào những thông tin mới nhất và cơ sở thí nghiệm thích hợp. Một đại học ngày nay, cho dù là đại học không phải đẳng cấp quốc tế, khó mà vận hành một cách hữu hiệu nếu không có một hệ thống thư viện và internet hoàn chỉnh. Do đó, nhu cầu cho một thư viện đẳng cấp quốc tế với hàng triệu sách tham khảo và tạp chí khoa học là một điều kiện hàng đầu.

Thứ tư, để tận dụng năng lực của các giáo sư đẳng cấp quốc tế cần phải có ngân sách nghiên cứu dồi dào. Và nghiên cứu phải là những nghiên cứu cơ bản, bởi vì phần lớn những tiến bộ khoa học gần đây đều xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là công nghệ sinh học. Một công trình nghiên cứu khoa học cơ bản trung bình có thể tốn đến một triệu USD trong một năm. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy ngân sách dành cho nghiên cứu tại các trường đại học lớn của Mĩ có khi lên đến con số một tỉ USD. Tại nhiều trường đại học Tây phương ngày nay, trường đại học chỉ cung ứng cho nghiên cứu và trả lương giáo sư trong vòng 3 hay 5 năm, sau thời gian này giáo sư phải tự tìm lấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Thành ra, dù rằng một phần ngân sách nghiên cứu (có thể là 60%) do nhà nghiên cứu tìm được từ nước ngoài, nhưng trường đại học vẫn phải sẵn sàng cung ứng khi nguồn tài trợ từ nước ngoài gặp khó khăn.

Thứ năm, dù đối với các giáo sư hay nhà nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, lương bổng có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu, nhưng phần lớn họ đều mong muốn được hưởng lương bổng theo giá thị trường quốc tế. Không thể kì vọng một giáo sư với hàng trăm ngàn USD lương bổng lại chịu làm việc tại một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam với số lương 50 ngàn USD. Còn nhớ khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc, rất nhiều giáo sư ngoại quốc rời bỏ các đại học Hồng Kông vì họ không thể sống với lương bổng mới và cách quản lí mới. Phải cần đến 5 năm các đại học Hồng Kông mới mời các giáo sư này quay lại làm việc.

Một đại học đẳng cấp quốc tế như các điều kiện trên sẽ xây dựng dựa vào các đại học đang tồn tại hay một đại học hoàn toàn mới? Kinh nghiệm trong thời gian qua về sự hình thành của Đại học quốc gia cho thấy việc chuyển các trường đại học hiện có thành một đại học cực kì khó khăn và đòi hỏi nhiều tiền bạc cũng như thời gian. Do đó, tôi đề nghị Nhà nước cần phải mạnh dạn xây dựng một đại học mới và độc lập, với những tiêu chuẩn quốc tế. Một trường đại học đẳng cấp quốc tế có giá trị hơn nhiều đại học trung bình, vì nó sẽ phục vụ như là một đầu tàu cống hiến vào nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ để góp phần đưa nước ta vào hạng các nước đã phát triển. Kinh nghiệm ở Mĩ cho thấy phần lớn khám phá khoa học quan trọng đều xuất phát từ các đại học danh tiếng, và qua đó các đại học này góp phần giữ vị thế lãnh đạo của Mĩ trong khoa học và công nghệ.

Nhưng cũng nên cân nhắc trước những hệ quả của việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ta. Thứ nhất, cần phải nhận thức rằng một đại học đẳng cấp quốc tế không phải ưu tú trong tất cả mọi bộ môn khoa học. Chẳng hạn như Đại học Harvard chưa bao giờ đứng đầu trong các ngành kĩ thuật. Do đó một số đại học trên thế giới tập trung vào việc xây dựng các phân khoa “mạnh” để trở thành những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, như Mã Lai tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ cao su nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương. Ở Việt Nam ta cũng có thể tập trung vào công nghệ thông tin và nghiên cứu nông nghiệp.

Tập trung tài lực vào thiết lập một đại học đẳng cấp quốc tế có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các đại học khác và hệ thống khoa bảng. Bởi vì dồn tài chính và nhân lực vào việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu cấp cao sẽ ảnh hưởng đến ngân sách cho nhu cầu giảng dạy của các trường khác. Một đại học đẳng cấp quốc tế đặt kì vọng rất cao vào các giáo sư và nhà nghiên cứu, và nếu những kì vọng này không đạt được nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của giáo sư và sinh viên nói chung.

Trước những yêu cầu này có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay liệu bao giờ chúng ta mới có một đại học đẳng cấp quốc tế. Vào cuối thế kỉ 19 ở Mĩ, cũng có người đặt câu hỏi đó. John D. Rockefeller từng hỏi Charles W. Eliot (lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard suốt 40 năm liền) nếu muốn thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế cần những điều kiện gì. Eliot trả lời rằng cần 50 triệu USD và 200 năm! Nhưng Eliot đã sai lầm to. Trường Đại học Chicago được thành lập vào đầu thế kỉ 20, với trên 50 USD (do chính Rockefeller trao tặng) nhưng chỉ sau 20 năm hoạt động, đã trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế.

Tất nhiên, đó là câu chuyện thời xưa, thời mà trường đại học còn rất hiếm và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học chưa xảy ra, nhưng câu chuyện cho chúng ta một bài học: muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, điều kiện tiên quyết là tài chính và thời gian. Kinh nghiệm của các trường như MIT và Stanford ở Mĩ cho thấy trong thời gian đầu Nhà nước phải tài trợ cho các trường này, và sau một thời gian hoạt động, nhất là kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong công nghiệp, họ có khả năng tự tìm nguồn tài trợ từ tư nhân hay từ các học sinh cũ.

Ở nước ta, năm 2020 thường được đề cập đến như một cái mốc thời điểm để hoàn thành công cuộc kĩ nghệ hóa và hiện đại hóa đất nước. Thời gian 20 năm không phải là dài, nếu không muốn nói là quá ngắn, cho một mục tiêu xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế đầy thử thách và tham vọng này. Tuy nhiên, nếu lịch sử là một bài học quí thì kinh nghiệm từ các đại học trên cũng cho chúng ta lí do và động cơ để phấn đấu.

NVT

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Tự quảng cáo :-)

Hôm nay có một tin vui: bài báo về mối liên quan giữa body composition (thành phần cơ thể) và mật độ xương của chúng tôi đã được chấp nhận cho công bố trên BMC Musculoskeletal Disorders. Đây là một công trình hợp tác giữa chúng tôi ở Viện Garvan và đồng nghiệp thuộc Đại học Phạm Ngọc Thạch. Để các bạn biết được vấn đề và ý nghĩa của nó, tôi nói sơ qua về câu chuyện đằng sau công trình đó như sau. Trọng lượng cơ thể chúng ta chủ yếu gồm 2 thành phần: lượng mỡ (fat mass) và lượng nạc (lean mass). Lượng mỡ và nạc có thể đo khá chính xác bằng máy scan DXA. Đã từ lâu (hơn 15 năm qua), người ta tranh cãi trong 2 thành phần chính của trọng lượng cơ thể, cái nào quan trọng hơn cho xương.

Lực của xương được phản ảnh chủ yếu qua mật độ chất khoáng trong xương (gọi tắt là mật độ xương – MĐX). Khi lực xương suy giảm, chúng ta dễ bị gãy xương, giống như trường hợp mẹ của nữ hoàng Anh hay Giáo hoàng Paul đệ nhị. Do đó, chúng ta cần lực xương cho tốt. Thành ra, câu hỏi trên cũng có nghĩa là: lượng mỡ hay lượng nạc quan trọng đối với MĐX. Trả lời được câu hỏi này có ý nghĩa y tế công cộng, bởi vì nếu lượng nạc quan trọng thì điều này có nghĩa là luyện tập thể dục có thể giúp duy trì hay gia tăng lực của xương. Nếu mỡ đóng vai trò quan trọng hơn nạc thì điều này hàm ý (chỉ mang tính “suggestive” thôi) là hormone hay chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa suy giảm của MĐX.

Mới đây có một nhóm nghiên cứu bên Trung Quốc họ “rêu rao” rằng người có lượng mỡ nhiều thì MĐX giảm. Chúng tôi nghi ngờ giả thuyết này, bởi vì (a) gần như 100% nghiên cứu trước đây cho thấy lượng mỡ có mối tương quan thuận với MĐX, tức là người nào có lượng mỡ nhiều thì MĐX cũng cao; và (b) phương pháp phân tích của họ phạm phải một sai lầm cơ bản trong thống kê: đó là điều chỉnh biến lượng mỡ cho trọng lượng trong khi lượng mỡ là một thành phần của trọng lượng và 2 biến này có liên quan mật thiết với nhau. Ấy vậy mà chẳng ai chất vấn họ, dù trong hội nghị ai cũng nói những gì họ làm là "rubbish". Chúng tôi có thể viết một vài hàng bình luận chỉ ra cái sai về phương pháp của họ, nhưng nghĩ làm thế chỉ tốn thì giờ, lại chuốc thêm "thù oán" :-), mà chắc gì họ chịu nghe. Vì thế, chúng tôi chọn cách phản biện khác: bằng cách làm một nghiên cứu khác để "chứng minh" họ sai.

Để trả lời câu hỏi nghiên cứu trên và để phản biện kết quả của nhóm Trung Quốc, chúng tôi thực hiện một nghiên cứu trên 210 người. Chúng tôi đo MĐX, lưọng mỡ, và lượng nạc (và nhiều chỉ số khác) bằng máy DXA Hologic. Đây là máy hiện đại nhất hiện nay và cũng là phương pháp chuẩn để đo thành phần cơ thể. Sau khi phân tích, chúng tôi thấy cả hai lượng nạc và lượng mỡ đều có ảnh hưởng đến MĐX, nhưng mức độ ảnh hưởng của lượng nạc quan trọng hơn ảnh hưởng lượng mỡ. Kết quả của chúng tôi cho thấy người có lượng mỡ càng cao cũng có MĐX cao, tức là ngược lại với nghiên cứu của nhóm Trung Quốc. Nhưng như tôi nói trên, vì kết quả của nhóm Trung Quốc họ phân tích sai, nên cũng khó so sánh.

Để chắc ăn, chúng tôi làm nghiên cứu qua mô phỏng. Nói cách khác, chúng tôi “giả bộ” làm 10,000 nghiên cứu, mỗi nghiên cứu có 50, 100, 200, 500, 1000 … đối tượng, rồi phân tích kết quả xem có nhất quán hay không. Kết quả cho thấy phải có cỡ mẫu 1000 người mới có khả năng phát hiện (với xác suất 78%) ảnh hưởng của cả lượng nạc và mỡ, chứ nghiên cứu chỉ vài trăm đối tượng thì rất khó phát hiện ảnh hưởng của lượng mỡ. Điều này giải thích tại sao các nghiên cứu trước cho ra kết quả thiếu nhất quán, do thiếu cỡ mẫu.

Một tin vui khác là càng ngày càng có nhiều nhóm trên thế giới sử dụng mô hình tiên lượng gãy xương (y khoa gọi là prognostic model) của chúng tôi. Hiện nay trên thế giới có 2 nhóm nghiên cứu và phát triển prognostic model là nhóm của tôi và nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhóm WHO có nhiều tài nguyên và tiền bạc hùng hậu hơn, và mới đây họ giới thiệu mô hình FRAX được quảng bá rất rộng rãi. Trước WHO, chúng tôi công bố mô hình mà sau này có nhiều người gọi là “Nguyen’s model” (vì tác giả đầu là Nguyễn Đình Nguyên). Mô hình của FRAX sử dụng đến 12 yếu tố nguy cơ, còn mô hình chúng tôi sử dụng
chỉ 4 yếu tố nguy cơ: đó là tiền sử gãy xương, tiền sử té ngã, MĐX, và độ tuổi. Sau này chúng tôi thêm yếu tố di truyền nữa nhưng chưa đưa vào sử dụng vì còn phải nghiên cứu tiếp. Để có mô hình đó, chúng tôi phải tiêu ra gần 20 năm thu thập dữ liệu và tốn nhiều triệu USD. Nói như thế để thấy muốn có một tiên lượng không phải là điều đơn giản và rẻ tiền.

Bất cứ mô hình nào trước khi đưa vào ứng dụng trong lâm sàng, cần phải qua kiểm tra độc lập (independent validation). Gần đây, đã có vài validation độc lập, và hầu như nghiên cứu nào cũng cho thấy mô hình Nguyen tiên lượng hoặc là tốt hơn, hoặc là bằng mô hình FRAX. Chẳng hạn như mới vài tuần trước, một nghiên cứu bên Ba Lan cho thấy rõ ràng rằng mô hình Nguyen quả thật tốt hơn nhiều so với FRAX. Khỏi phải nói dài dòng, chúng tôi vui mừng trước tin này. Thế mà công cáng bao năm cũng có chút hữu ích rồi. Đó là cái mừng thứ nhất.

Trong giới y khoa phương Tây họ cũng có khi ganh tị, ít khi nào chịu gọi tên người phát kiến ra mô hình trên các tập san y khoa. Có, nhưng ít lắm. Ngay cả ở các nhóm bên Úc, họ cố tình tránh gọi là "Nguyen's model"! Nhưng lần này tôi thấy cũng vui là người khác hoàn toàn độc lập đề rõ ràng là "Nguyen et al" và "Nguyen's model" đàng hoàng trên tập san số 2 về xương (là tập san Bone). Ít ra cũng có một hay hai tay Nguyen nào đó ghi dấu ấn, mà Nguyen là "phe ta" rồi, phe Việt Nam, đâu thể nào là của "nước lạ" được. Đó là cái mừng thứ hai.

Nhưng cái quan trọng nhất mà chúng tôi muốn làm là tiên lượng gãy xương bằng các gien mà chúng tôi mài mò 15 năm qua. Hi vọng (chỉ hi vọng thôi) nay mai chúng tôi sẽ có một phát kiến khác để giúp ích nhiều người hơn qua các yếu tố di truyền.

Nãy giờ quảng cáo những bài báo của mình hơi nhiều, đã đến lúc phải stop. :-). Bạn nào thích mỡ với nạc thì vào xem bài báo của chúng tôi cho biết.

NVT

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Người đi trước thời cuộc

Hôm nay thi hết rồi / tình bạn sống trong tôi / thư này thay câu nói … Đó là một vài câu trong ca khúc [tôi quên tên] khá thịnh hành thời thập niên 1970s viết về tâm sự của một người thanh niên đang thi tú tài nên không có thì giờ trả lời thư của người bạn, và kèm theo những lời hát ỉ ôi về người tình cũ nay đã đi lấy chồng, ra đường gặp nhau cứ làm ngơ (motif quen quen, nhạc sến mà). Nhưng tôi mượn mấy câu đầu để nói về một chuyện nghiêm chỉnh, để nói về người bạn vong niên của tôi.

May phước cho tôi, ở tuổi này tôi không còn thi cử gì nữa, nhưng tôi vẫn phải đi thi kiểu khác, gây cấn hơn và có khi nguy hiểm hơn cho sự nghiệp và cho người khác nữa. Nhưng mấy tuần quần quật rồi cũng qua đi, hôm nay là ngày cuối tuần yên tĩnh hơn, lan man suy nghĩ về mấy chuyện thời sự về sông Mekong, về biển Đông, làm tôi nhớ đến những công trình của một người bạn mà tôi sẽ viết ra sau đây.

Anh là người đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, có lẽ rất tiêu biểu cho những người cùng thế hệ anh. Tốt nghiệp bác sĩ từ trường y Sài Gòn vào năm khói lửa 1968; bị nhập ngũ và phục vụ như là y sĩ trưởng Liên đoàn 81 biệt cách dù một thời gian; sau 1975 đi tù để “học tập cải tạo” 3 năm; sau khi ra tù cải tạo anh phục vụ trong trường y Sài Gòn một thời gian; đi đoàn tụ gia đình và định cư ở Mĩ từ năm 1983. Nay anh là bác sĩ nội khoa và giáo sư (assistant clinical professor) ở trường y UC Irvine (California). Là bác sĩ nhưng anh rất khiêm tốn, chưa bao giờ thấy anh dùng cái danh xưng đó trước tên mình khi viết thư cho bè bạn hay viết bài trên báo chí. Cũng chẳng thấy anh có "râu ria" gì khác trước tên anh. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", chỉ cần nghe tên và đọc bài viết thì ai cũng thể đoán tác giả là một người uyên bác.

Trong giới trí thức, có rất nhiều người nổi danh với những việc chẳng dính dáng gì đến ngành nghề của họ, và anh là một người như thế. Cụ Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ nhưng rất nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa học và biên soạn sử. Còn anh bạn tôi như vừa nói trên là một người thành đạt trong nghề nghiệp, nhưng anh còn nổi tiếng hơn (và theo tôi là có đóng góp nhiều hơn) trong lĩnh vực văn học và nhất là thể văn vừa tiểu thuyết vừa sử. Tôi nghĩ thể văn đó người Anh gọi là historicity. Thật ra, anh đã mang cái nghiệp văn chương từ thời còn theo học đại học, với vai trò chủ bút tạp chí Tình Thương. Cái nghiệp chữ nghĩa, một khi đã bị vướn vào, thì rất khó mà rứt ra được. Cho đến nay, anh đã âm thầm cho ra đời 7 tác phẩm bằng tiếng Việt: Mây bão (1963); Bóng đêm (1964); Gió mùa (1965); Vòng đai xanh (1970, tái bản 1987); Mặt trận ở Sài Gòn (1971?, tái bản 1996); Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng (2000, tái bản 2001); và Mekong, dòng sông nghẽn mạch (2007). Tác phẩm Vòng đai xanh còn được giải thưởng văn học, nhưng oái oăm thay, một năm sau thì anh bị điệu ra trước tòa để trả lời về tác phẩm Mặt trận ở Sài Gòn vì người ta cho rằng anh làm nhục chí binh sĩ. Ba quyển Vòng đai xanh, Mặt trận Sài Gòn, và Cửu long cạn dòng, biển đông dậy sóng đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản bên Mĩ.

Đến đây thì các bạn đã biết ông bạn tôi là ai. Xin thưa: đó là Nhà văn Ngô Thế Vinh. Bạn đọc trong nước lớn lên sau 1975 chắc chỉ mới biết tác giả Ngô Thế Vinh (xem hình dưới đây) qua bài trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ hồi năm ngoái khi anh bàn về vấn đề sông Cửu Long và những con đập Trung Quốc đã và đang xây ở thượng nguồn, nhưng ở ngoài thì rất nhiều người biết đến công trình đồ sộ của anh xuất bản từ năm 2000. Nếu trí thức là người có cái nhìn xa và rộng hay là người đi trước thời cuộc, thì với tác phẩm 646 trang mang tựa đề Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng cũng đủ để “qualify” anh là một nhà trí thức đích thực.


Để hoàn tất công trình (tôi gọi đó là một “công trình” chứ không hẳn là tiểu thuyết thuần túy), anh tự bỏ tiền túi đi chu du từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á, ghi chép chi li những thông tin cần thiết, chụp lại những bức hình “độc” về những cái đập tai hại của Trung Quốc. Anh đến tận đập Manwan (Mạn Loan) ở Vân Nam và mô tả lại như sau:

Phải nói là con đập Manwan đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, đô thị hóa cả một vùng Nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với những tỉnh trù phú miền Ðông và miền Ðông Bắc. Tuy đã có kế hoạch từ những năm 70 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi cho tới Tháng Năm năm 1986, công trình đập Manwan mới chính thực được khởi công và việc đổi dòng con sông Mekong được hoàn tất vào Tháng Mười, 1987.


Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Ðơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 Tháng Sáu, 1993 và chỉ hai năm sau đó, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động theo đúng như giai đoạn 1 của dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, ở đây có một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt xuống thấp mà không phải là vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ sông Mekong vào hồ chứa, họ chẳng thèm thông báo gì cho những quốc gia sống dưới nguồn. Chỉ riêng con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekông chảy qua Vân Nam.”

Trong phần cuối sách, anh cảnh báo: “Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa – tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền – chain reactions trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.” Bây giờ thì những cảnh báo này đang dần dần trở thành hiện thực. Mấy tuần nay chúng ta đọc tin thấy tình trạng khô hạn ở ngay trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và bên Thái Lan nông dân biểu tình chống Trung Quốc.

Để xoa dịu tình hình, Trung Quốc “mời” đại diện các nước Đông Nam Á đến thăm các đập cho biết sự tình. Nhưng với bản chất gian ác và xảo quyệt của Trung Quốc, có ai tin Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu và sự thật. Còn phía Việt Nam nếu có đại diện đi thì chắc gì người đó biết về vùng đồng bằng sông Cửu Long vì cái ủy hội sông Cửu Long có văn phòng ở … Hà Nội. Chúng ta thử đọc một đoạn trong tác phẩm Cửu Long cạn dòng, biển đông dậy sóng: “Điển hình như nước khổng lồ Trung Hoa cả về lãnh thổ và dân số, cho dù mang nửa chiều dài của dòng sông chảy trong lãnh thổ của mình nhưng lại không hề có ý định trở thành hội viên của Ủy hội sông Mekong để khỏi bị ràng buộc và được toàn quyền tự do khai thác. Không phải chỉ giới hạn tham vọng về nước của con sông Mekong, Trung Quốc còn công khai và rất sớm tỏ ý khống chế toàn vùng Biển Đông với độc chiếm cả khối trữ lượng dầu trong đó.”

Nhưng công trình không chỉ là những cảnh báo về môi sinh và những việc làm nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc qua việc xây dựng những cái đập khổng lồ, mà lồng trong đó là những dữ liệu lịch sử rất có ích cho những ai muốn nghiên cứu về con sông Mekong. Anh sưu tầm những diễn biến lịch sử liên quan đến sự phát triển của sông Mekong, từ thời Đế quốc Khmer đến hiện nay. Những cuộc thám hiểm của người Pháp được anh ghi chép lại một cách thú vị, làm cho người đọc không phải “nhức đầu” với những sự việc khô khan mà lồng vào đó là những hệ quả của thực tại. Có những bức ảnh rất độc đáo mà tôi đoán anh phải bỏ nhiều công sức (và tiền bạc) để có được. Qua cuốn sách tôi mới biết rằng nhà thám hiểm và hải dương học nổi tiếng Jacques Yves Cousteau từng xin phép Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu hệ sinh thái sông Mekong thì nhưng bị Việt Nam từ chối! Nay thì Cousteau đã qua đời, và công cuộc nghiên cứu về con sông này vẫn còn bỏ trống. Do đó, tôi gọi cuốn sách là một công trình historicity có lẽ dịch là sử thuyết về con sông Mekong. Tôi chưa thấy bất cứ một cuốn sách tiếng Việt nào có những dữ liệu dồi dào như trong cuốn này. Những người nghiên cứu về sông Cửu Long mà không đọc tác phẩm này của anh thì quả là một thiếu sót nghiêm trọng.

Anh viết trong lời nói đầu “Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết”. Nhưng công bằng mà nói, dù với bao nhiêu tâm huyết của anh và các bạn trong nhóm sông Cửu Long, cuốn sách chưa gây được sự chú ý trong thời gian qua. Mãi đến nay, 10 năm sau ngày cuốn sách xuất bản, và trong lúc Thái Lan và đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu cơn hạn hán lớn và sông dần dần cạn thì người ta mới nhớ đến Ngô Thế Vinh và công trình của anh.

Nói về đi trước thời cuộc, tôi chợt nhớ đến một tác phẩm khác có tên là Vòng đai xanh của anh. Tác phẩm tuy là tiểu thuyết xuất bản đã 40 năm trước, nhưng nhiều cảnh báo về những xung độ giữa người Thượng và người Kinh cho đến nay vẫn là đề tài thời sự. Những gì anh tiên đoán trong cuốn “sử thuyết” đó nay đã thành sự thật. Khi cuốn sách được dịch sang tiếng Anh, tôi có viết lời giới thiệu bằng tiếng Anh và gửi cho tờ Far Eastern Economic Review để giới thiệu cho bạn đọc quốc tế. Bài viết đã được ban biên tập xem qua, đồng ý đăng, thì đùng một cái Far Eastern Economic Review đóng cửa tòa soạn! Thế là bài đó không có cơ duyên để xuất hiện, nhưng vẫn còn ở đây. Mới đây (3 năm trước), anh cho công bố một tác phẩm khác có tên là “Mekong, dòng sông nghẽn mạch”, và tình trạng nghẽn mạch đang bắt đầu gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho nước ta và các nước hạ nguồn sông Mekong. Nói như thế để thấy anh lúc nào cũng suy nghĩ và trăn trở trước nhiều người.

Tôi có cơ duyên quen biết anh từ những hơn 15 năm trước. Năm nào đi công tác bên Mĩ tôi cũng ghé qua California trước là thăm anh em, bà con, sau là thăm bạn bè như anh Ngô Thế Vinh và các anh chị trong Nhóm bạn Cửu Long (tức là những người quan tâm đến sông Cửu Long). Lần mới nhất là tháng 10 năm ngoái khi chúng tôi tiêu ra gần nửa ngày trời ở cái quán ven biển vùng Los Angeles. Hôm đó chúng tôi nói biết bao nhiêu chuyện đời, chuyện thế gian. Gặp anh và 2 anh bạn thành danh khác tôi hơi giật mình khi thấy cả 3 người đều nhuốm màu thời gian, thể hiện rõ nét nhất là màu tóc. Mà, có riêng gì mấy anh ấy, tôi cũng vậy thôi. Nhưng dù có màu thời gian như thế, nhưng tôi nghĩ nhiệt huyết anh em thì hình như có thừa, chỉ khổ nỗi là mình chẳng biết làm gì với nhiệt huyết đó …

Anh [Ngô Thế Vinh] là một người có phong cách nho nhã, lịch sự; anh nói không nhiều, rất chừng mực, nhưng đằng sau những biểu hiện đó là một đức tính kiên định và dứt khoát rất Trung kì. Bằng một chất giọng xứ Thanh (hình như nguyên quán của anh là Thanh Hóa) pha chút Bắc kì và Nam kì, anh nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, có đầu có đuôi, và rất thuyết phục. Chưa bao giờ tôi thấy anh lớn tiếng, dù trong tình huống rất dễ nóng. Nếu có nhấn mạnh điều gì thì anh chỉ lên giọng một chút. Ngay cả những người chỉ trích tác phẩm của anh, anh cũng chỉ im lặng, mà không hề lên tiếng. Hình như ở anh có một triết lí làm việc “đường ta, ta cứ đi”, kiên trì hướng đi mà anh đã định trước: đấu tranh cho dòng sông Mekong. Trái với những người không thể quên những năm tháng bị
vùi dập trong trại cải tạo, tôi chưa hề thấy anh nhắc đến những năm tháng đau khổ đó, có lẽ anh muốn để nó vào một góc nào đó trong kí ức để tập trung nghiên cứu và viết về sông Mekong.

Cũng như bao nhiêu người Việt ở nước ngoài khác, dù sống cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, nhưng anh vẫn nghĩ về quê nhà. Lần nào gặp anh, tôi cũng nghe những câu chuyện về những mảnh đời anh ghi được khi đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long. Anh dành cảm tình đặc biệt cho vùng đất này. Anh kể về buổi bảo vệ luận án thạc sĩ ở Đại học An Giang với lòng quí mến các em sinh viên ở đó và trân trọng sự đóng góp của Gs Võ Tòng Xuân trong việc xây dựng một nề nếp khoa bảng ở vùng nổi tiếng "thừa gạo thiếu chữ" này. Biết tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, anh [nói theo ngôn ngữ thời nay] “bức xúc” kể lại chuyện anh làm thủ tục cho mấy ông cựu quân nhân Mĩ đi lãnh trợ cấp do bị phơi nhiễm chất độc da cam. (Anh làm việc trong một bệnh viện của cựu chiến binh, nên biết rành vấn đề và qui định của Mĩ). Anh lên giọng nói tại sao lính Mĩ họ được hưởng quyền đó, còn hàng triệu nhiêu người Việt Nam thì không, rồi anh đặt câu hỏi phải làm gì để gióng tiếng nói cho chính phủ Mĩ biết. Xin nói thêm rằng vì anh từng phục vụ trong quân đội miền nam thời trước 1975 nên cũng từng chứng kiến thảm họa của chất độc da cam. Tôi gọi anh là một người xa quê mà không bao giờ xa quê.

Hôm nay, nhân đọc những bài báo về những dòng sông đang hay sắp cạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thái độ quyết liệt của người Thái đối với Trung Quốc, tôi chợt nhớ đến anh qua những cảnh báo hơn 10 năm trước về đại họa sắp xảy ra cho dòng sông Mekong và hạ nguồn. Giở quyền sách “Cửu Long cạn dòng …” ra đọc lại, tôi như thấm từng trang giấy và tìm ở đó nhiều thông tin thú vị. Nếu kiến thức về lịch sử sẽ góp phần giải thích cho sự kiện hiện tại, tôi nghĩ những ai quan tâm đến sông Cửu Long cần phải đọc tác phẩm đồ sộ “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” và “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của tác giả Ngô Thế Vinh.

Mấy hôm trước anh có viết email giới thiệu và hỏi tôi về một bản dịch vài dòng tôi viết về tác phẩm của anh, nhưng vì bận chuyện “cơm áo gạo tiền” nên chưa trả lời. Hôm nay thì mọi chuyện gần xong, nên Hôm nay thi hết rồi / tình bạn sống trong tôi / thư này thay câu nói … .

NVT

Nhân đây xin giới thiệu website của anh Ngô Thế Vinh



Đánh giá công trạng khoa học

Trước một đơn xin đề bạt giáo sư của một ứng viên với nhiều bài báo khoa học có nhiều tác giả, vấn đề đặt ra cho hội đồng đề bạt là nên đánh giá đóng góp của ứng viên cho khoa học như thế nào để đảm bảo tính khách quan và công bằng. Gần đây, có đồng nghiệp đề nghị "phương thức tính điểm thưởng cho các cá nhân có bài báo công bố quốc tế như sau: Mỗi bài báo đăng tạp chí quốc tế được 1 điểm, bài báo đồng tác giả thì điểm đó sẽ được chia đều cho số tác giả." Tôi e rằng cách đánh giá này có thể khó áp dụng cho những trường hợp mà “văn hóa” nghiên cứu khác nhau giữa các lab. Bài viết này trình bày một phương pháp tính điểm và nêu vài vấn đề đáng quan tâm khác trong việc đứng tên tác giả một bài báo khoa học.

Nghiên cứu khoa học trong những thập niên gần đây thường mang tính cách liên ngành. Một công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thực nghiệm như y sinh học, đòi hỏi sự đóng góp từ rất nhiều nhà khoa học với các chuyên ngành như sinh hóa, y khoa lâm sàng, thống kê học và dịch tễ học, y học hạt nhân, sinh học phân tử, di truyền học, v.v... Không những trong các ngành khoa học thực nghiệm, mà ngay cả khoa học xã hội cũng có xu hướng liên ngành. Theo một phân tích vào thập niên 1960s, có đến 62% số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được trao giải Nobel là do hợp tác với các đồng nghiệp khác [1].

Xu hướng hợp tác liên ngành dẫn đến xu hướng đa tác giả trong các bài báo khoa học. Ngày nay, không ngạc nhiên khi có những bài báo trên các tập san lớn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA ... mà danh sách tác giả có khi kéo dài đến nửa trang ! Do đó, một bài báo có thể xuất hiện trong hàng trăm lí lịch khác nhau.

Một trong những khó khăn trong các nghiên cứu với nhiều chuyên ngành là vấn đề đứng tên tác giả. Ai là người đứng tên tác giả đầu, ai xứng đáng đứng tên tác giả thứ hai, ai là tác giả chịu trách nhiệm trước công chúng và cộng đồng khoa học cho nghiên cứu, và ai là tác giả liên lạc, v.v… Một cách hiển nhiên và theo cách hiểu thông thường, người nào có đóng góp nhiều nhất phải là tác giả đầu tiên, người có đóng góp quan trọng thứ hai đứng vai tác giả thứ hai … nhưng trong thực tế thì không đơn giản như thế. Nếu là một công trình nghiên cứu có kế hoạch và đề cương nghiêm chỉnh, vấn đề này thường được giải quyết và đồng ý trước khi soạn thảo bài báo. Nhưng trong thực tế các nghiên cứu khoa học không suôn sẻ như thế, mà thường vấp phải những khó khăn kĩ thuật đòi hỏi sự cộng tác và hỗ trợ từ các đồng nghiệp khác không nằm trong kế hoạch vạch ra lúc ban đầu. Trong những trường hợp này, việc hoạch định thứ tự tác giả có khi rất khó khăn và nan giải. Không ít trường hợp tranh chấp nổ lớn trên giấy trắng mực đen, và tình bạn, tình đồng nghiệp có thể bị sứt mẻ vĩnh viễn.

Tiêu chuẩn tác giả và cách tính điểm

Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE [2], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây: (1) đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; (2) đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; và (3) phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.

Trong thực tế, rất ít nhóm nghiên cứu tuân thủ theo các tiêu chuẩn trên đây, nhưng thứ tự tác giả thường được hoạch định theo một "văn hóa" của trung tâm nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ngầm chấp nhận. Các "qui chế" bất thành văn trong các văn hóa này có thể tóm lược như sau :

Văn hóa thứ tự (sequence-determined credit). Theo văn hóa này, tác giả có công nhiều nhất (ý tưởng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bản thảo) sẽ đứng tên tác giả số 1, người có công thứ hai đứng tên tác giả 2, và người có công ít nhất đứng tên tác giả sau cùng.

Văn hóa tương đương (equal contribution norm). Theo văn hóa này, tất cả các tác giả có mức độ đóng góp như nhau, và thứ tự tác giả sẽ được quyết định bằng chữ cái của họ. Nói cách khác, tác giả nào có chữ cái là A sẽ đứng tên tác giả đầu, và cứ theo thứ tụ đến tác giả sau cùng có chữ cái của họ là Z.

• Văn hóa "đầu chót" (first-last emphasis). Theo văn hóa này, tác giả thứ nhất và tác giả sau cùng là hai người có đóng góp nhiều nhất và chịu trách nhiệm về dữ liệu trong bài báo. Thông thường, tác giả thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, tác giả sau cùng là trưởng nhóm nghiên cứu của lab hay cơ sở nghiên cứu, và các tác giả theo sau tác giả đầu được xếp theo mức độ đóng góp.

Văn hóa định lượng (percent contribution indicated). Trong văn hóa này, chi tiết về đóng góp của từng tác giả được liệt kê một cách vắn tắt, và định lượng trong nội bộ với nhau. Chẳng hạn như hai hay ba tác giả có đóng góp tương đương nhau, và thứ tự tác giả được sắp xếp theo chữ cái của họ hay theo một phương pháp khá khoa học : đó là ngẫu nhiên hóa !

Do đó, khi xem xét lí lịch của một nhà khoa học, hay đơn đề bạt, hay đơn xin tài trợ của một ứng viên, nếu không biết được văn hóa mà ứng viên xuất thân thì rất khó mà đánh giá khách quan và chính xác cho ứng viên.

Giả dụ rằng sau khi tìm hiểu, chúng ta biết được văn hóa khoa học mà ứng viên xuất thân, vấn đề thứ hai là làm sao để định lượng đóng góp của ứng viên trong những bài báo gồm nhiều tác giả. Gần đây, có một đề nghị rất thú vị và khá hợp lí để giải quyết vấn đề này. Theo đề nghị này, cách tính điểm có thể dựa vào hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san [3]. Nếu hệ số ảnh hưởng của tập san trong năm là k, cách phân chia điểm theo từng văn hóa có thể tiến hành như sau [4]:

Đối với văn hóa thứ tự (sequence-determined credit), tác giả đầu tiên có k điểm, tác giả hai có k/2 điểm, tác giả 3 có k/3 điểm, v.v...

• Đối với văn hóa tương đương, việc tính điểm dễ hơn, vì chỉ cần lấy k chia cho số tác giả trong bài báo.

• Đối với văn hóa trước đầu chót, tác giả đầu có k điểm, tác giả chót k/2 điểm, các tác giả còn lại có k/n điểm, trong đó n là tổng số tác giả.

• Đối với văn hóa định lượng, mỗi tác giả i có số phần trăm đóng góp (kí hiệu là pi), và điểm cho từng tác giả chỉ đơn giản là kpi.


Vài vấn đề thực tế khác

Trước thập niên 1960s, phần lớn các bài báo khoa học chỉ có một hay hai tác giả, thường là những nhà khoa học "sếp" của một cơ sở nghiên cứu. Các cộng sự viên khoa học làm việc cho sếp rất ít khi nào được đứng tên tác giả. Trong trường hợp này, việc đánh giá công trạng bề ngoài có thể chẳng có vấn đề gì, nhưng trong thực tế không phản ảnh công bằng công trạng của các nhà khoa học trẻ.

Khuynh hướng "độc tài" này không thể kéo dài mãi được trước những phàn nàn và chỉ trích của các nhà khoa học trẻ, cho nên các tập san quốc tế phải đề ra những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể thế nào là một "tác gia" (author) của một bài báo khoa học. Chiều hướng "đa tác giả" trong một bài báo khoa học sẽ tiếp tục, và vấn đề đánh giá công trạng phải đặt ra. Phương pháp tính điểm như vừa trình bày tuy mang tính khách quan, nhưng cũng chỉ là một cách để tham khảo, vì trong thực tế còn nhiều yếu tố khác mà các "văn hóa" trên không áp dụng được.

Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi trong vài năm gần đây có hiện tượng "tác giả ma" (ghost author) và "tác giả danh dự" (gift author hay honorary author hay guest author) [5]. Tác giả ma là những người trực tiếp thực hiện công trình nghiên cứu và soạn thảo bài báo khoa học, nhưng họ không muốn đứng tên tác giả, mà lại mướn một nhóm nhà khoa học đứng tên tác giả ! Trong một bài báo phân tích về vấn đề tác giả, các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Canada phát hiện trong số 44 công trình nghiên cứu lâm sàng do các công ti dược thực hiện, có đến 31 (tức 75%) có hiện tượng tác giả ma [6].

Tác giả danh dự là những người không hội đủ điều kiện đứng tên tác giả, nhưng vì có ảnh hưởng hay có tên tuổi trong ngành nên được mời đứng tên tác giả bài báo. Theo một phân tích gần đây, khoảng 19-33% các bài báo trong lĩnh vực y sinh học có ít nhất một tác giả danh dự [7-8]. Một trường hợp nổi tiếng nhất về hiện tượng tác giả danh dự gần đây là vụ giáo sư Gerald Schatten bị khiển trách vì đứng tên tác giả bài báo "đầy tai tiếng" (của giáo sư W.S. Hwang) mà ông không hề có đóng góp gì cho công trình nghiên cứu, nhưng ông có tiếng nên được mời đóng vai tác giả như là một "người bảo kê". Tác giả danh dự được xem là một hành vi thiếu thành thật tri thức, lừa đảo, thiếu đạo đức khoa học.

Trông người lại nghĩ đến ta

Vấn đề lạm dụng đứng tên tác giả bài báo ở nước ta chưa được thảo luận chính thức trên mặt báo, nhưng qua phản ảnh không chính thức của nghiên cứu sinh và sinh viên vấn đề tồn tại khá phổ biến ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Những "hiện tượng" phổ biến mà người viết bài này từng biết hay được biết qua đồng nghiệp là : vấn đề "sếp" của một nhóm nghiên cứu tiếm công của đồng nghiệp trẻ ; vấn đề các "sếp" chẳng liên quan gì đến công trình nghiên cứu, nhưng là giám đốc bệnh viện hay giám đốc trung tâm nghiên cứu, nên được các tác giả dưới quyền ghi tên tác giả bài báo ; vấn đề được các công ti dược mướn đứng tên tác giả bài báo dù chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu.

Cũng có không ít trường hợp có nhiều bài báo, thậm chí sách, mà tác giả chỉ là người dịch từ các bài báo hay sách từ nước ngoài, nhưng lại "vô tư" đứng tên tác giả bản tiếng Việt ! Ngoài ra, một số nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ta có khuynh hướng coi thường học thuật, xem việc học tiến sĩ hay thạc sĩ của họ là một sự mua bán [9].

Thậm chí có khi vấn đề đứng tên tác giả vẫn chưa được thể hiện nghiêm chỉnh trong các bài báo khoa học ở trong nước. Chẳng hạn như có bài báo mà tác giả chỉ đề tên họ một tác giả và kèm theo dòng chữ "và cộng sự" hay thậm chí "và cs"! Người ta phải hỏi ai là "cộng sự", và chắc chắn họ phải có tên có họ, tại sao không ghi tên họ rõ ràng. Đây là một việc làm (hay thói quen) không thể chấp nhận (chứ không phải "khó chấp nhận") được trong hoạt động khoa học.

Nói tóm lại, vấn đề "tác giả danh dự" và "tác giả ma" cũng phổ biến ở nước ta. Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:

• Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;

• Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;

• Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải nhất trí trước khi tiến hành nghiên cứu.

Bài báo khoa học là một "đơn vị tiền tệ" cho sự nghiệp của nhà khoa học. Vì thế, đứng tên tác giả một công trình khoa học có nhiều lợi ích rất thiết thực và quan trọng cho nhà khoa học. Những lợi ích này có thể tóm lược trong 5 khía cạnh sau đây : (a) đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học ; (b) thành tựu cá nhân ; (c) bằng chứng về khả năng tri thức ; (d) đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành và danh tiếng ; và (e) thước đo để được đề bạt trong thang bậc khoa bảng, xin tài trợ, và thu nhập vào các hội đoàn nhóm nhà khoa học ưu tú. Do đó, việc xác định công trạng một cách khách quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định đóng góp của một nhà khoa học. Hi vọng phương pháp trình bày trong bài này góp một phần nhỏ vào chiều hướng đó.


Chú thích và tài liệu tham khảo :

[1] Zuckerman H. Nobel laureates in science : patterns of productivity, collaboration, and authorship. American Sociological Review 1967 ; 32 :391-403.

[2] International Committee of Medical Journal Editors. Uniform requirements for manuscripts submitted to biomedical journals. JAMA 1997; 3/4277:927-34. http://www.icmje.org.

[3] Tscharntke T, et al. Author sequence and credit for contributions in multiauthored publications. PLoS Biology January 2007 volume 5, issue 1, e18.

[4] Có thể lấy một ví dụ cụ thể như sau : Công trình "Development of a nomogram for individualizing hip fracture risk in men and women" gồm có 5 tác giả ND Nguyen, SA Frost, JR Center, JA Eisman, và TV Nguyen, công bố trên tạp chí Osteoporosis International năm 2007, với hệ số ảnh hưởng là 4.78. Cách tính điểm cho từng tác giả theo 4 "văn hóa" trình bày trên có thể tiến hành như sau:

1:Theo văn hóa thứ tự, tác giả ND Nguyen có trọn điểm hệ số ảnh hưởng, tác giả SA Frost có 4.78/2 = 2.39 điểm, tác giả JR Center có 4.78/3 = 1.59 điểm; v.v…
2:Theo văn hóa tương đương, các tác giả có đóng góp như nhau: 4.78/5 = 0.96.
3:Theo văn hóa “đầu chót”, tác giả ND Nguyen có trọn 4.78 điểm, tác giả TV Nguyen có 4.78/2 =2.39 điểm, các tác giả còn lại có điểm 4.78/5 = 0.96.
4:Theo văn hóa định lượng, các tác giả có đóng góp lần lược là 50%, 5%, 2.5%, 2.5%, và 40%.

[5] Hiện tượng "tác giả ma" thường xuất hiện trong các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến các công ti dược phẩm. Các tác giả ma thường làm thuê cho các công ti này theo một qui trình đơn giản như sau : công ti muốn có một bài báo trên một tập san y học để tranh thủ ảnh hưởng (và cũng quảng bá) cho sản phẩm của mình ; họ tìm một công ti khác chuyên viết thuê ; họ cung cấp số liệu cho công ti viết thuê để soạn thảo thành một bài báo ; sau đó, họ lại tìm một số nhà khoa học có tên tuổi để đứng tên tác giả bài báo, và các nhà khoa học này được trả tiền "cố vấn phí" (consulting fee). Nói tóm lại, các nhà khoa học chỉ "bán" tên để kiếm tiền (và danh vọng), mà chẳng làm gì cả, trong khi người soạn bài báo thì đóng vai trò "ma" nhưng lại hưởng nhiều tiền hơn ! Không ngạc nhiên khi người ta gọi những hợp đồng kiểu này là "hợp đồng ma quỉ".

[6] Gotzsche P, et al. Ghost authorship in industry-initiated randomized trials. PloS Medicine January 2007 ; volume 4, Issue 1, e19.

[7] Huth EJ. Irresponsible authorship and wasteful publication. Ann Int Med 1986 ;104 :257-9.

[8] Flanagin A, et al. Prevalence of articles with honorary authors and ghost authors in peer-reviewed medical journals. JAMA 1998; 280:222-224.

[9] Có nghiên cứu sinh "vô tư" kể cho người viết bài này rằng làm nghiên cứu tiến sĩ ở trong nước rất dễ : chỉ cần thu thập dữ liệu bệnh nhân đến bệnh viện, mướn một người nào đó phân tích dữ liệu, sau khi phân tích xong lại mướn một người khác viết luận án ! Điều đáng quan tâm là nghiên cứu sinh này vô tư đến nỗi không nhận thức rằng những hành động đó là vi phạm đạo đức khoa học, vi phạm y đức, thiếu thành thật tri thức, và gian lận. Do đó, ở Việt Nam, hiện tượng tác giả ma không chỉ xuất hiện trên các bài báo khoa học mà còn nâng lên một tầm mới là trong các luận án !

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Văn hóa cám ơn

Hai tuần trước là ngày kỉ niệm ngày 22 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống đạo lí của người Việt chúng ta phải ghi ơn những người đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng rất tiếc hình như trong giới quan chức ít ai nhớ đến ngày này, đến nổi báo chí không thấy nhắc đến cụ thể.

Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.

Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.

Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời khoảng 10 ngày trước ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.

Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.

Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ti dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhàn nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ti dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ti đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.

Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".

Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.

NVT

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Lại bàn về phôi bằng của Bộ GDĐT

Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài đặt vấn đề phôi bằng do Bộ GDĐT ban hành, hôm nay thấy Bộ đã có phản hồi. Ghé qua trang nhà của Bộ GDĐT thì thấy họ đã giải thích tại sao không có dòng chữ “Đọc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Nhưng tôi e rằng cách giải thích của Bộ không thuyết phục. Tôi có vài dòng bình luận thêm như sau:

Bằng cấp có phải là tài liệu pháp lí? Bộ GDĐT cho là không, nên họ giải thích như sau: “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.” (chữ in nghiêng là nhấn mạnh của Bộ). Thú thật, tôi không phân biệt được thế nào là “văn bản quy phạm pháp luật”; tôi vẫn nghĩ văn bằng tốt nghiệp mang tính pháp lí. Ở Úc và các nước mà tôi biết như Mĩ chẳng hạn, bằng cấp được xem là tài liệu pháp lí. Chẳng hạn như trường Đại học UTS (Đại học Công nghệ, Sydney) viết rõ ràng rằng” “A testamur is a legal document issued under the seal of the University and is issued in original form only once for each specific award conferred.”

Theo chuẩn mực quốc tế? Bộ giải thích thêm “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn được cấp cho người nước ngoài học tập tại Việt Nam,” cho nên không cần dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Thoạt đầu nghe cũng … có lí, nhưng không nhất quán. Nếu muốn theo chuẩn mực quốc tế, thì (a) không cần tên nước; (b) không cần tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; (c) không nên ghi hạng tốt nghiệp; (d) không cần hình; (e) tiếng Anh phải chuẩn. Nhưng rất tiếc là tiếng Anh trong phôi bằng lại có vài chỗ sai sót nghiêm trọng như Nguyễn Vạn Phú đã chỉ ra trước đây.

Ngoài ra, như tôi viết hôm nọ, trên thế giới không có cái gọi là “Degree of Associate”, mà có “Associate Degree”. Xin nhắc lại rằng có 3 loại bằng cấp chính: certificate, diploma, và degree. Certificate thường dành cho trung học, hay học nghề; Diploma dành cho cao đẳng và đại học; còn degree thường chỉ bằng đại học. Mỗi cấp (certificate, diploma, và degree) còn có từ bổ nghĩa associate, như “Associate Certificate”, “Associate Diploma”, hay “Associate Degree”. Vì thế, cách viết “Degree of Associate” mà Bộ GDĐT viết trên phôi bằng là không đúng, chẳng giống ai trên thế giới cả.

Một phôi bằng đã cấp cho sinh viên. Chú ý dòng chữ "Principal of INFORMATION TECHNOLOGY COLLEGE, HOCHI MINH" đã không ổn về nội dung lẫn tiếng Anh. Cá nhân hiệu trưởng đâu có quyền cấp bằng (đâu có luật nào qui định hiệu trưởng có quyền như thế); trường mới là nơi "kết nạp" (admit) ứng viên vào một học vị nào đó. Ngay cả chữ Ho Chi Minh mà viết cũng không chuẩn! Tại sao không là HO CHI MINH mà là cải biên thành HOCHI MINH? Thật là hết biết! (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Do đó, Bộ GDĐT khẳng định rằng phôi bằng “hoàn toàn không sai” cần phải xem lại. Theo tôi thì rõ ràng là có sai. Còn sai lớn hay nhỏ thì còn tùy vào cảm nhận và đánh giá của từng cá nhân. Riêng tôi thì cho rằng những sai lầm về tiếng Anh là khó chấp nhận được, nhất là mang danh Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Hôm nay, một bạn đọc chắc là từ miền Trung nhân đọc entry về tiếng Anh trong phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng có giới thiệu tôi phôi bằng đại học của Trường Đại học Đà Nẵng, và lại hỏi … ý kiến. :-) Xem qua thì tôi cũng có ý kiến, nhưng tôi chỉ giới hạn ý kiến về phần tiếng Anh thôi. Những ý kiến này có thể xem là bổ sung cho những ý kiến và đề nghị trong entry trước.

Một phôi bằng của Đại học Đà Nẵng
(đang xin ý kiến)

Thứ nhất là dòng chữ tên nước. Phôi bằng viết là “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” theo tôi là chưa chuẩn, vì thiếu chữ THE. Phải viết trang trọng là “THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM”.

Thứ hai là dòng chữ “Independence – Freedom – Happiness”. Theo tôi là không cần. Không cần chẳng những do theo quốc tế (như Bộ giải thích) mà vì nó không đúng với thực tế. Cách tốt nhất là bỏ đi dòng chữ này.

Thứ ba là đại học trong đại học: THE UNIVERSITY OF DANANG (UNIVERSITY OF TECHNOLOGY). Thật là rối rắm. Tại sao không viết là THE UNIVERSITY OF DA NANG?

Thứ tư là mấy dòng chữ “This is to certify that” đọc cứ như là giấy … chứng nhận. Khi người ta giới thiệu ai, hay chứng nhận ai đó từng làm trong bộ môn, người ta viết [chẳng hạn như] “This is to certify that Dr. Steven Johnson has been a postdoc fellow in my laboratory”. Trong văn bằng không ai viết như thế cả. Người ta dùng chữ “confer” trang trọng hơn.

Thứ năm là sai văn phạm trầm trọng. Câu “having fullfilled the requirements of the University Program for regular students (2001-2006) under Statute (25/2006/QD-BGDDT) issued by the Ministry of Education and Training is conferred the” là câu văn quá dài và rất rất sai văn phạm. Tại sao lại viết “NGUYEN THAI QUYNH LIEN” having … Tại sao dùng gerund ở đây? Tại sao “is conferred”, câu hỏi là “conferred by whom” (ai cấp bằng)? Đoạn văn này cực kì lộn xộn mà lại quá sai văn phạm.

Tôi đoán người soạn câu này bắt chước từ câu tuyên bố trong luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Những luận án như thế có câu tuyên bố như sau:

A thesis submitted to the University of New South Wales in partial fullfilment of the requirement for the degree of

DOCTOR OF PHILOSOPHY (MEDICINE)

Câu văn chuẩn này đã được cóp không đúng cả về nội dung lẫn văn phạm tiếng Anh. Cần nhấn mạnh rằng câu văn chuẩn này là dành cho luận án, chứ không ai viết trong bằng tốt nghiệp cả.

Thứ sáu là cụm từ “BACHELOR’S DEGREE” cũng không chuẩn. Bachelor là cử nhân, nhưng bachelor cũng có nghĩa là người độc thân. Do đó, viết “Bachelor’s Degree” rất dễ bị hiểu lầm là văn bằng của người độc thân! Phải viết nghiêm trang là: BACHELOR OF XXX, trong đó XXX là chương trình học (như science, arts, engineering, law, medicine, economics, v.v…)

Thứ bảy là “and awarded the title of (ENGINEER)” cũng có vấn đề. Bằng cấp là … bằng cấp, đâu phải là danh xưng. Nên nhớ rằng ở nước ngoài, chữ engineer ngoài nghĩa kĩ sư, còn có nghĩa là thợ máy (engine là máy, engineer là thợ máy).

Thứ tám là chữ kí của người được cấp bằng. Nên bỏ, chẳng có nơi nào có qui định này.

Nói chung, chỉ có một cái phôi bằng mà có quá nhiều điều sai sót, và điều này làm cho người ta thấy đặt câu hỏi tại sao Bộ GDĐT hay Trường Đại học Đà Nẵng không tham vấn những người thạo tiếng Anh và biết đôi điều về bằng cấp ở nước ngoài. Ôi, chỉ có cái phôi mà cũng sai quá nhiều và làm báo chí cũng tốn biết bao giấy mực, không biết chuyện lớn sẽ như thế nào.

NVT

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Incompetent!

Đọc 2 bài dưới đây (và nhiều bài trước đây) chúng ta phải đặt dấu hỏi về trách nhiệm của họ. Hội Địa lí Mĩ in bản đồ sai và Google in bản đồ sai, nhưng các cơ quan hữu trách ở VN đều im hơi lặng tiếng, hay có lên tiếng thì cũng hơi trễ hoặc … lí nhí. Hội Địa lí Việt Nam chẳng có phát biểu gì liên quan đến sự sai trái vô lí của Hội Địa lí Mĩ. Cục Thông tin Đối ngoại chẳng những không phát hiện vấn đề mà cũng chẳng có lời phản đối. Chúng ta còn nhớ trước đây một website với tên miền “.vn” thuộc [trên danh nghĩa] Bộ Công thương nhưng đăng bài quảng bá quan điểm chủ quyền biển đảo của … Trung Quốc. Nên nhớ rằng đây là những cơ quan mà quan chức nhận lương do người dân đóng góp. Người dân nuôi họ. Dân ta có câu “Ăn cây nào rào cây ấy”, đáng lẽ họ phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ chủ quyền cho đất nước, nhưng trong thực tế thì hình như cái nghĩa vụ này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, hay có thực hiện thì cũng rất khiêm tốn.

Tất cả những thông tin sai lạc về lãnh hải và chủ quyền đất nước đều do người dân phát hiện. Vụ website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc “nối giáo cho giặc” trong vấn đề biển đảo là do Lê Tuấn Huy phát hiện và gióng tiếng nói, gây nên một làn sóng phản đối để đóng cửa cái “website phản bội” đó. Vụ Hội Địa lí Mĩ in bản đồ sai cũng do người Việt ở nước ngoài phát hiện, chủ động gửi kháng thư phản đối, rồi từ đó mới đến báo chí trong nước đưa tin. Vụ Google in sai cũng do người dân phát hiện. Một phóng viên có thông tin “độc” bèn đi hỏi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận về thông tin trên, thì Người phát ngôn lại cất giọng dạo ca khúc cũ theo công thức: “vấn đề đó AAA lắm”; trong đó AAA là “phức tạp”, là “nhạy cảm”, là “tế nhị”, là … những câu chữ chẳng ai hiểu được. Phức tạp là gì? Nhạy cảm ra sao? Tế nhị như thế nào? Có lẽ chính Người phát ngôn cũng chẳng biết chị ta nói cái gì; chỉ biết nói cho qua chuyện rồi thôi. Hình như nghề của dân Ngoại giao là họ nói những gì chẳng ai biết ý nghĩa thật là gì! Nhưng trước sự chậm trễ và những phản ứng của các quan chức hữu trách, người ta có quyền đặt dấu hỏi về cái mà tiếng Anh gọi là “competence” (có lẽ dịch là “khả năng”) của các cơ quan nhà nước.

Nhìn sang “nước bạn” phía Bắc, thấy họ có qui định rằng các quan chức nào được xem là “incompetent” (thiếu khả năng, tất tài) thì sẽ bị đuổi khỏi nhiệm sở. Qui định này thì thật ra chẳng có gì mới đối với những ai làm việc trong các nước phương Tây. Ở những nước này, các quan chức phải kí hợp đồng mỗi năm; nếu cuối năm bị đánh giá là incompetent thì coi như sẽ bị đuổi ngay. Thật ra, bị đánh giá là incompetent là một vết nhơ cực xấu trong sự nghiệp. Không làm tròn trách nhiệm là incompetent. Làm việc không tốt (như sai tiếng Anh trong phôi bằng) là incompetent. Đề ra những qui định sai là incompetent. Phát bằng khen không đúng đối tượng là incompetent. Vân vân. Nếu dựa vào tiêu chuẩn của các nước tiên tiến thì chắc sẽ có rất nhiều quan chức ở nước ta bị xếp hạng là incompetent và ... bị đuổi việc.

Thật ra, bản chất quan chức ta chưa chắc incompetent, nhưng có lẽ chính cái môi trường làm việc làm cho họ incompetent. Người viết bài này đã từng nhiều lần chứng kiến thấy khi nhiều thanh niên mới tốt nghiệp đầy nhiệt huyết được đưa vào guồng máy Nhà nước thì họ trở nên ù lì, vô cảm, bất tài, và thiếu hiệu quả. Nhưng cũng chính những người đó mà ra làm việc cho các công ti hay tập đoàn tư nhân (nhất là tập đoàn nước ngoài) thì họ trở nên lanh lẹ, xốc vác, và vui vẻ. Tôi từng làm việc với nhiều người Việt đang công tác ở các công ti nước ngoài và rất ấn tượng với họ, từ hiệu quả làm việc đến phong cách xã hội và khả năng tiếng Anh; tôi xem họ là những công dân toàn cầu, những người sẽ đưa VN hội nhập quốc tế. Nói như vậy để thấy môi trường làm việc ở các cơ quan công quyền VN có thể chính là cái lò tiêu diệt khả năng sáng tạo và tính độc lập của một con người. Nhìn qua cơ chế làm việc ở các cơ quan công quyền VN ai cũng thấy quan chức ta làm điều gì cũng chờ quyết định cấp trên; cấp trên lại xin ý kiến cấp trên nữa; và cấp trên nữa thì xin ý kiến bí thư chi bộ, v.v… Với cơ chế chồng chéo như thế thì có lẽ không ai ngạc nhiên khi thấy đứng trước các vấn đề liên quan đến Hội Địa lí Mĩ hay bản đồ Google phản ứng của phía VN rất incompetent.

NVT
====

http://bauvinal.info.free.fr/binhluan/cucthongtindoingoai.htm

Cục Thông tin Đối ngoại ?

21/03/2010
Đinh Kim Phúc

5 năm trước đây, trong công trình nghiên cứu “Vấn đề tên gọi và chủ quyền quốc gia trên vùng biển Đông” (Đề tài NCKH cấp trường năm 2005), tôi đã có kiến nghị:

“ Từ việc khảo sát và nghiên cứu vấn đề sử dụng thuật ngữ biển Đông và biển Nam Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng căn cứ vào các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á hiện nay, tên gọi biển Đông (tên gọi của Việt Nam) và tên gọi biển Nam Trung Hoa (South China Sea – tên gọi quốc tế) có thể được thay đổi theo ba phương án sau đây:

1. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Việt nam (Vietnam Sea) trên các văn bản, văn kiện và bản đồ quốc tế hiện nay bởi lý do sau đây: căn cứ vào Luật Biển quốc tế năm 1892, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam chiếm gần 1.000.000km2/ 3.500.000km2 của biển Đông.

2. Thay đổi tên gọi quốc tế của biển Đông hiện nay là South China Sea thành tên gọi chính thức biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea)

3. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Đông (East Sea).

Phương án thứ nhất giống như trường hợp hiện nay của Hàn quốc đang đấu tranh kêu gọi các tổ chức quốc tế thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” thành “biển Đông” hoặc “biển Korea” thuộc chủ quyền của Hàn quốc. Sau năm năm đấu tranh, hiện nay Hàn quốc đã thu được những kết quả đáng kể, ví dụ như: website của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” (mer du Japon) thành thuật ngữ “biển Đông” (mer d’Orient). Nhà xuất bản sách giáo khoa BJU Press nổi tiếng và Tạp chí Địa lý quốc gia của Hoa Kỳ cũng đã thống nhất gọi biển Nhật Bản thành biển Đông hoặc Korea Sea.

Phương án thứ ba nếu gọi là biển Đông (East Sea) thì sẽ ngộ nhận với tên gọi “biển Đông Trung Hoa” thuộc Trung Quốc hoặc biển Đông của Hàn Quốc.

Phương án thứ hai là phù hợp đối với nguyện vọng và quyền lợi của tất cả các nước Đông Nam Á khi mà tất cả các nước Đông Nam Á trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.

Trong ba phương án trên, chúng tôi thấy rằng phương án thứ hai là khả thi và có khả năng thuyết phục các nước Asean thống nhất với phương án này.

KIẾN NGHỊ

a. Chính phủ nên chỉ đạo tất cả các Ban – Ngành khi in ấn và phát hành tài liệu liên quan đến số liệu về vấn đề biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, … thì phải thống nhất và chính xác.

b. Chúng tôi kiến nghị đến Bộ Chính Trị nên chỉ đạo Bộ Ngoại Giao và Vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Việt Nam đấu tranh và thuyết phục với các nước thành viên ASEAN về việc thống nhất tên gọi biển Đông thay cho tên gọi biển Nam Trung Hoa. Có thể trước mắt là gọi trong khối ASEAN

c. Chúng tôi kiến nghị Bộ Chính Trị chỉ đạo Bộ Ngoại Giao hoặc Bộ Văn Hóa Thông Tin có thể đứng ra thành lập một tổ chức phi chính phủ được mang tên “Trung tâm tình nguyện Việt Nam” để hoạt động nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, thuyết phục các tổ chức trên thế giới mà quan trọng trước tiên là Hội Thủy văn học quốc tế và tổ chức Tiêu chuẩn hóa các tên gọi khu vực địa lý của Liên Hiệp Quốc thảo luận và tiến đến thay đổi tên gọi cho biển Đông.

d. Tổ chức “Trung tâm tình nguyện Việt Nam” nên tổ chức một website để quảng bá hình ảnh Việt nam ra thế giới và đính chính những thông tin sai lệch về Việt Nam. Cũng thông qua trang Web này, nên có những giải thưởng khuyến khích cho những cá nhân hoặc tập thể nào có thành tích trong việc quảng bá những hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài cũng như góp phần đính chính những thông tin sai lệch về Việt Nam”
(Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=4638&LOAIID=17&LOAIFID=5&TGID=814)

Hai năm sau, một phần kiến nghị của tôi đã được Chính phủ thực hiện ở mức cao hơn đề nghị rất nhiều:

“Cục Thông tin đối ngoại được thành lập theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 13/6/2008. Theo Quyết định này Cục Thông tin đối ngoại thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại; là đầu mối phối hợp, tư vấn, trợ giúp thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, đơn vị trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp tóm tắt các nhiệm vụ lớn của Cục Thông tin Đối ngoại là cơ quan Thiết lập và Quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại và là đầu mối đưa thông tin Việt Nam ra nước ngoài và đưa thông tin nước ngoài về Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn Cục Thông tin Đối ngoại triển khai các công việc theo hướng: Chủ trì – Phối hợp – Phân công – Thẩm định – Tổng kết.

Tại buổi lễ ra mắt này, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại Lê Văn Nghiêm cho biết trong thời gian qua Cục đang triển khai những công việc chính sau:

1. Tham gia xây dựng Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại trong tình hình mới (2010-2020) theo sự phân công của Ban Chỉ đạo về công tác thông tin đối ngoại do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban, dự kiến trình Ban Bí thư trong quý II/2009.

2. Xây dựng Quy chế tổ chức và quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III/2009.

3. Triển khai Dự án cung cấp các dịch vụ thông tin theo yêu cầu bằng tiếng Anh cho người nước ngoài và Việt kiều thông qua hệ thống tổng đài điện thoại Contact Center.

4. Phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu Đề án điều tra, khảo sát thực trạng tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nghiên cứu Đề án truyền bá tiếng Việt tại các nước có đông người Việt Nam ở nước ngoài.

5. Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nghiên cứu Đề án phát triển thông tin đối ngoại qua kênh ngoại giao nhân dân.

6. Nghiên cứu Dự án xây dựng cổng thông tin điện tử Thông tin đối ngoại làmcông cụ phục vụ công tác quản lý thông tin đối ngoại, đồng thời là kho dữ liệu trên mạng để cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh đất nước, (với tên miền là http://www.thongtindoingoai.vn và http://www.vietnam.vn)

7. Dự án dịch những cuốn sách tinh hoa văn hoá lịch sử Việt Nam để giới thiệu ra thế giới.

8. Cục Thông tin đối ngoại theo dõi thường xuyên báo chí nước ngoài nói về Việt Nam và hàng tuần có báo cáo điểm dư luận thế giới về Việt Nam.
(Trích nguồn: http://www.tapchibcvt.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=19702)

Nhưng qua vụ Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society - NGS) thông tin sai về quần đảo Hoàng Sa và hai hình ảnh không bình thường trên GoogleMap: “Trên Google map, chỗ biên giới Lào Cai, các trường học VN như Nguyễn Công Hoan, Lê Quý Đôn đã nằm bên kia biên giới” (Xem hình 1). Còn dọc theo biên giới phía Bắc, những phần đất nằm phía VN thì lại ghi chữ Tàu (xem hình 2).

Không biết trong thời gian qua cơ quan này làm được những gì? Câu trả lời dành cho Cục Thông tin đối ngoại chắc hẳn không quá khó.

====

http://phapluattp.vn/20100314122531321p0c1013/di-voi-but-mac-ao-ca-sa.htm

Đi với bụt mặc áo cà sa...

Việc Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ mang hàm ý công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, mặc dù theo đại sứ Mỹ chỉ là tài liệu của tư nhân, không phải của chính phủ Mỹ nhưng đã gây nhiều xúc cảm ở Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là cần ứng xử như thế nào trước vụ việc này.

Ở nhiều quốc gia, các tổ chức tư nhân (dân sự) như hội địa lý nói trên có mặt ở tất cả các lĩnh vực, kể cả an ninh quốc phòng. Thực chất đó chỉ là tập hợp của các cá nhân có cùng quyền lợi, sở thích, nghề nghiệp mà mục tiêu hoạt động hoàn toàn vì hội viên, nếu điều đó không trái với pháp luật.

Tuy nhiên, có khá nhiều tổ chức lại mang tầm ảnh hưởng lớn, bởi đó có thể là sự kết hợp của nhiều hội viên đang hoạt động xuyên quốc gia, chi phối thị trường hoặc đứng sau nhiều chính sách sẽ đệ trình lên Quốc hội. Không chỉ phát hành tài liệu mà họ có thể lập ra các trường đại học, soạn thảo giáo trình hoặc lập ra các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các sáng kiến của hội viên. Nếu không trái luật, ít khi chính phủ can thiệp vào các hoạt động này.

Các tổ chức như trên dù ít khi chịu sự chi phối của chính phủ nhưng lại khá nể trọng tiếng nói từ các tổ chức tương tự ở các quốc gia khác. Đơn giản vì đó là quan hệ hợp tác quốc tế, hay chí ít là có chung chuyên môn, lợi ích với họ.

Tại Việt Nam cũng có một tổ chức mang tên “Hội Địa lý Việt Nam” có trụ sở tại khoa địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Tuy nhiên, hội này hoạt động quá èo uột đến mức suốt hai tháng nay cán bộ chủ quản không liên lạc được với lãnh đạo hội theo địa chỉ đăng ký!

Do đó đã không thấy họ có phản ứng tức thì với phía Mỹ để yêu cầu cải chính về thông tin sai lệch trên ấn phẩm của họ.

Cũng phải nói thêm sự yếu kém của các hội ở Việt Nam có nguyên nhân là chưa có luật hoạt động. Các quy định hiện hành thiên về xin-cho, đẩy các hội vào thế “nấp” sau cơ quan hành chính liên quan. Nơi nào quan tâm thì hội mạnh, không quan tâm thì hội chỉ là cái bóng...

Còn nhớ trong vụ kiện cá da trơn, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) phải vào cuộc chứ không phải cơ quan chính phủ. Vừa tận dụng sự hỗ trợ từ hội của các nhà nhập khẩu Mỹ, VASEP vừa dùng chính vụ kiện để tiếp thị cá da trơn Việt Nam nên những năm sau con cá vẫn mang về hàng tỉ USD cho đất nước.

Cách ứng xử đơn giản nhất là “đi với bụt mặc áo cà sa...”.

Chó đẻ

Tựa đề của truyện ngắn là “Chó đẻ”. Hơi sốc. Nhưng truyện ngắn này viết về câu chuyện chung quanh con chó tên Trung Kiên đẻ con. Chủ con Trung Kiên là ông Ba Mãn, bí thư xã. Nhân dịp chó đẻ, các quan chức thuộc cấp của ông bí thư chạy đôn chạy đáo để lấy lòng sếp:

“Thằng Ân, văn thư ủy ban, nó nói con Trung Kiên nhà anh Ba nay mai sẽ đẻ. Tụi mình coi tới thăm chớ…”- Năm Lê thả giọng nhẹ hều. Hai Hùng cười cười: “May quá, con này đẻ thiệt đúng lúc. Hổm rày muốn ghé ảnh quá trời mà kiếm hổng ra lý do.”. Hai người nháy mắt nhìn nhau ra cái điều “bất chiến tự nhiên thành” và “tư tưởng lớn gặp nhau”, cụng ly đánh cốp một tiếng rồi mới ực một phát cạn ly. Uống xong, Năm Lê bóc điện thoại ra hào hứng gọi: “Ê, Bảy Phát hả? Phải Bảy Phát tàu cá hông? Tao, Năm Lê nè. Mày hú Chín Qùy chủ đất, Hai Tâm bán điện thoại, Bảy Qúi xe tải, Tám Nhơn máy cày…ra gấp làng nướng Hương Đêm nghen. Hả? Có việc quan trọng, thằng nào không ra kỳ này, coi như chuyện làm ăn của tụi nó bỏ đi. Ờ, tao nói vậy là biết rồi đó!”. Năm Lê kết thúc cú điện thoại, giọng chắc nịch.

Cốt truyện tuy là hư cấu, nhưng đọc sao cứ như là “chuyện thường ngày ở huyện”. Phải khen Phạm Thanh Phúc. Ước gì có nhiều tác giả như Phúc phản ảnh tình hình ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc xong truyện ngắn tôi nghĩ chắc các bạn sẽ thốt lên: “Chó đẻ”. Hai chữ đó bây giờ không còn là câu chuyện hay tựa đề nữa, mà là một lời chửi của tác giả.

NVT

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12400&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1625

Chó đẻ

Phạm Thanh Phúc

Sinh năm 1964, quê gốc Trà Vinh,
Hiện làm việc tại TP. Hồ Chí Minh;
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam

===

Sáng nay, thằng Tròn nói với ba nó:

- Ba, con Trung Kiên nhà mình sắp đẻ rồi?

- Chừng nào? Sao tụi bây không cho biết sớm?

- Dạ, khoảng vài ba ngày nữa. Tại bữa nào ba cũng họp hành liên miên về trễ, mà lại sỉn lút cán nên đâu có khi nào nói được…

- Tụi mày cứ vậy không hà, đợi sát đít mới báo. Thôi, để tao tính!

Tròn là con thứ sáu của Ba Mãn. Ba Mãn là bí thư xã. Theo qui định của trên thì cán bộ có chức vụ như ba Mãn không được đẻ quá hai con, nhưng có lẽ ở vùng nông thôn này còn nhiều cây lá rậm rạp, ánh sáng nghiêm khắc của chủ trương chung chưa rọi tới hết từng chân cây, cỏ lá nên không chỉ Ba Mãn mà nhiều cán bộ thường thường bậc trung khác cũng đều đẻ con vượt kế hoạch. Thằng con đầu của Ba Mãn là thằng Gộc, tên khai sanh là Góc, nhưng tướng tá nó từ hồi mới đẻ đã xù xì, gồ ghề, nên trong nhà quen miệng gọi là Gộc, từ đó chết danh luôn. Từ ngày lấy vợ rồi vào làm việc ở ngân hàng huyện, Gộc ít về nhà. Không biết do nó quá bận bịu công tác, hay là ngán về cái xã nghèo chỉ có hơn mười sáu cái nhà tường, đường đi sình lầy bám bánh xe, nhậu toàn rượu đế với cóc ổi, bói cũng không tìm ra được chỗ bán bia. Tất nhiên, đó là chuyện của tám năm về trước, khi chưa có Khu Công nghiệp Tân Dung được thành lập; còn sau này, gia đình nào ở đây vốn từng nghèo rớt mùng tơi, cũng đều có tiền xài rủng rẻng nhờ nhận tiền đền bù đất đai. Xã đã nhanh chóng ngói hóa với hàng loạt các căn nhà 2, 3 tầng đồ sộ mọc lên, bảy tám căn biệt thự hạng sang chen chúc nhau ở mặt tiền đường hướng ra quốc lộ, mà một trong số đó là nhà của Ba Mãn. Biệt thự của gia đình Ba Mãn lớn nhất xã, riêng phần nhà rộng đến 800 mét, được xây kiên cố 4 tầng, với một sân thượng có lan can dát đồng ánh lên màu vàng chóe mỗi sáng khi mặt trời mọc, lúc những ánh nắng đầu tiên rọi vào. Nhưng đó chỉ mới là phần xây dựng nhà, chứ trong khuôn viên rộng hơn 2000 mét ấy, Ba Mãn còn rước thợ ở Sài Gòn về làm một hồ bơi 40 mét, lát gạch men màu xanh da trời đẹp mắt, gắn dàn đèn chìm để có thể bơi đêm, hệt như hồ bơi chính qui ở các trung tâm thể thao; phía trái là nhà để xe lợp tole với chiếc Innova màu đen nhánh được che bên trên bởi tấm bạt màu đỏ nhạt; phía phải biệt thự, Ba Mãn bày một chiếc bàn đá mặt vuông, có 6 ghế đá cố định, bên trên là mái lều hình vòm, tất cả được che bằng lá cọ kết lại- dĩ nhiên, công năng chính của nó là dùng để…gầy bàn nhậu cho sang đúng theo kiểu các đại gia ở Sài Gòn; cuối khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho đào một ao hơn 200 mét trồng sen, thả cá, giữa ao là nhà thủy tạ có cầu gỗ bắc ngang được sơn hai màu đỏ, vàng như trong phim Tàu. Sang trọng là vậy, nhưng dân trong xã ít ai tường tận, vì bao quanh khuôn viên biệt thự, Ba Mãn cho xây tường cao đến 3 mét, bên trên có chăng dây kẽm gai và miểng chai, uy nghi, kín đáo như một dinh thự thứ thiệt. Tất cả- theo như Ba Mãn từng nhiều lần trình bày với các anh bên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy mỗi khi có đơn tố cáo nặc danh- đều là tài sản hợp pháp, có đầy đủ chứng cứ hợp pháp và các tài sản đó có được chủ yếu từ tiền Nhà nước đền bù phần đất đai bị trưng dụng vào khu công nghiệp Tân Dung. Kết quả xác minh của bên bảo vệ chính trị nội bộ cho thấy đúng như vậy, mà như vậy thì quá tốt, nói như lời một vị lãnh đạo trưởng đoàn kiểm tra, bởi làm Bí thư mà gia đình giàu có hợp pháp- điều đó chứng tỏ sự đúng đắn của việc đi theo Đảng, sự hài hòa của việc phục vụ Nhà nước và lợi ích cá nhân. Và điều đặc biệt hơn cả là chính sự giàu có đó sẽ khiến những kẻ xấu, có ý định xấu, ví dụ như muốn…đưa hối lộ chẳng hạn, sẽ chùn tay lại; người dân thì an tâm hơn khi nghĩ: “Ổng giàu như vậy, đâu có thèm ăn hối lộ làm gì!”. Tiếng lành đồn xa, nên nghe đâu nhiều khả năng nhiệm kỳ tới, Ba Mãn sẽ trúng thường vụ huyện ủy không chừng.

Kế Gộc là thằng Cạnh, con Xéo, con Nhọn, thằng Vuông…đều có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình, ra ở riêng, có nhà cửa đàng hoàng, đứa nào cũng được Ba Mãn cho miếng đất, xây cho căn nhà bê tông ngon lành. Nhà cửa đề huề, con cái ổn định, đường công danh lên như diều gặp gió, nhưng những lúc trà dư tửu hậu với chiến hữu, lính tráng, Ba Mãn tiếc rẻ: “Mẹ, sao hồi đó ngu quá, đặt tên con toàn hình học không hà, giờ không sửa giấy khai sanh được, tên nghe quê thấy mẹ!”. Có lẽ để sửa sai cho chuyện đó nên sau này tên của bất kỳ gia súc nào trong nhà cũng được Ba Mãn đặt hết sức văn hoa, trang trọng, Trung Kiên hóa ra lại là tên của con chó cái sắp đẻ mà thằng Tròn đã nhắc Ba Mãn hồi sáng.

Trung Kiên được Ba Mãn mua cách nay nửa năm tại chợ chó Cầu Móng trong một chuyến đi họp dài ngày ở Sài Gòn. Hồi đó, nó còn nhỏ xíu, xác xơ lông và lốm đốm ghẻ, do ít được chăm sóc cẩn thận. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn có may mắn được về “làm con” trong gia đình này, Trung Kiên đã nhanh chóng thay da đổi thịt, lột xác thành một con chó quý tộc đúng kiểu. Mỗi sáng, Trung Kiên được chị Năm, người ở cho gia đình Ba Mãn, pha sẵn đĩa sữa Ông Thọ, sau đó là một miếng bít- tếch thịt bò nạc, mua ở quầy bà sáu mập đầu chợ. Bữa trưa của nó là một đĩa cơm trộn trứng chiên, thực đơn buổi chiều cũng tương tự, nhưng có thêm tô xí quách mua từ quán hủ tiếu ngoài quốc lộ 1. Chỉ riêng “tiền ăn” hàng ngày của con Trung Kiên đã gấp 4 lần tiền công nhật của chị Năm. Được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy nên Trung Kiên sớm béo tốt, lông óng mượt, và…lọt ngay vào tầm săn bạn tình của mấy con chó đực nhà hàng xóm. Kết quả là từ ngày nó mang bụng lặc lè, đi đi, lại lại trong nhà, chị Năm và mấy người làm công đã phải: “Cực như…chó. Mẹ hồi, chăm nó như chăm trứng mỏng, còn hơn cả đàn bà đẻ nữa, đ.mẹ, kiếp sau mình đầu thai làm chó nhà giàu cho sướng thân!”- vừa hốt đống cứt mà con Trung Kiên mới xả ra, chị Năm vừa chửi xéo.

*

Buổi chiều hôm đó, Năm Lê, chủ tịch mặt trận tổ quốc xã đang ngồi lai rai với Hai Hùng, trưởng ban nông nghiệp xã thì chợt điện thoại di động reo lên.

- A lô, ai vậy?

- Dạ em, Ân nè anh Năm

- Có gì mày nói lẹ đi rồi ra đây, tao đang ngồi với Hai Hùng ở làng nướng Hương Đêm nè…

- Em kẹt chờ lấy cái công văn trên mới gởi hồi trưa rồi ra ngay.

- Trên nào?

- Dạ, Ban xóa đói giảm nghèo huyện, mừng lắm, mình được phân bổ tới 19 chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, anh à. Khé khé, ấm ghê…

- Ấm mẹ gì, được bi nhiêu đâu, không thối lại, sức mấy mà có. Tưởng chuyện gì quan trọng!

- Dạ, còn chuyện này, em nghĩ anh cần biết sớm: con Trung Kiên nhà anh Ba sắp đẻ rồi…

- À, Ừm, vậy mày coi kết lẹ lẹ cái công văn đi rồi ra anh em mình tính gấp, gì chớ vụ đó không để lâu được…

Hai Hùng nháy mắt hỏi Năm Lê, ra dấu, ai vậy?. “Thằng Ân, văn thư ủy ban, nó nói con Trung Kiên nhà anh Ba nay mai sẽ đẻ. Tụi mình coi tới thăm chớ…”- Năm Lê thả giọng nhẹ hều. Hai Hùng cười cười: “May quá, con này đẻ thiệt đúng lúc. Hổm rày muốn ghé ảnh quá trời mà kiếm hổng ra lý do.”. Hai người nháy mắt nhìn nhau ra cái điều “bất chiến tự nhiên thành” và “tư tưởng lớn gặp nhau”, cụng ly đánh cốp một tiếng rồi mới ực một phát cạn ly. Uống xong, Năm Lê bóc điện thoại ra hào hứng gọi: “Ê, Bảy Phát hả? Phải Bảy Phát tàu cá hông? Tao, Năm Lê nè. Mày hú Chín Qùy chủ đất, Hai Tâm bán điện thoại, Bảy Qúi xe tải, Tám Nhơn máy cày…ra gấp làng nướng Hương Đêm nghen. Hả? Có việc quan trọng, thằng nào không ra kỳ này, coi như chuyện làm ăn của tụi nó bỏ đi. Ờ, tao nói vậy là biết rồi đó!”. Năm Lê kết thúc cú điện thoại, giọng chắc nịch.

*

Con Trung Kiên “vượt cạn” vào buổi khuya. Có tất cả sáu con chó con xinh xắn ra đời, nằm ngang bâu chặt lấy bầu vú nhỏ xíu nhưng dài lỏng thỏng của mẹ nó. Cuộc “vượt cạn” hết sức hoàn hảo và không gặp bất kỳ khó khăn nào, bởi thằng Tròn đã chặt chẽ tuân theo sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của ba nó, là gọi điện thoại báo cho chú Út Hoàng, Trưởng trạm y tế xã; và ngay lập tức, chú Út Hoàng đã cử ngay bác sĩ Hạnh, phụ trách hộ sinh của trạm y tế đến theo dõi. Cả nhà đã căng mắt ra chờ đợi sự kiện trọng đại này từ chập choạng tối, nên bác sĩ Hạnh cũng một phen toát mồ hôi, làm đủ mọi thủ thuật y tế, kể cả chích một mũi thuốc khỏe để con Trung Kiên sanh cho dễ. Đến khi thấy cái đầu đỏ hỏn của con chó nhỏ từ từ chui ra, bác sĩ Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm- “Nó mà có mệnh hệ nào là mình coi như…tiêu!”. Vợ Ba Mãn giúi vào tay cô phong bì hai trăm ngàn, gọi là bồi dưỡng công sức khó nhọc, nhưng cô kiên quyết từ chối: “Dạ, đây là việc nhỏ mà chị. Có làm được chuyện gì cho anh Ba là tụi em mừng rồi, đời nào dám cầm cái đó. Dạ…chỉ cần ảnh họp với bên ủy ban, ảnh nói một tiếng, chỉ đạo hỗ trợ vật chất thêm cho trạm là tụi em ơn biết để đâu cho hết…”. Khi bóng bác sĩ Hạnh vừa khuất sau cánh cổng, đám cháu ngoại, cháu nội của Ba Mãn ùa tới, đứa xoa đầu, đứa nắm chân mấy con chó mới đẻ, tíu tít tươi cười rôm rả, cả nhà vui như tết, khiến vợ Ba Mãn hối chị Năm bắt con gà nấu cháo ăn khuya cho vui nhà vui cửa.

Mà vui thiệt. Mới sáng bảnh mắt ra, nhà Ba Mãn đã phải mở cửa tiếp khách, dẫn đầu đoàn khách đầu tiên trong ngày, dĩ nhiên là Năm Lê và các chủ doanh nghiệp có máu mặt trú đóng trên địa bàn xã.

- Dạ, mấy anh em nghe con Trung Kiên đẻ nên tới thăm…

Năm Lê cười cười, mở lời giải thích lý do làm phiền gia đình Sếp vào buổi sáng sớm. Ba Mãn, vẫn gác một chân lên ghế salon, buông một câu hỏi bâng quơ:

- Gì mà đông quá, chỗ đâu ngồi cho hết bây?

Có vẻ đó là một câu hỏi tu từ nên không ai bảo ai, sau câu hỏi đó, mọi người đã nhìn quanh quất, tự tìm ra được chỗ ngồi của mình. Chờ mọi người yên chỗ, Ba Mãn hắng giọng ra sau nhà:

- Đứa nào dưới bếp, châm bình trà coi!

Một bình trà lập tức được mang lên, hệt như kẻ ăn người ở trong nhà đã chuẩn bị sẵn từ hồi nào. Nhưng bình trà mang lên cũng chỉ cho có lệ, bởi số khách quá đông nên quây quần bên cái bàn salon vỏn vẹn có vài người- chức sắc trong xã- là được cầm tách trà, số còn lại ngồi xa xa, mắt hướng về góc phòng, nơi con Trung Kiên đang nằm ổ với ánh mắt rất chi là ngoại giao. Thấy Năm Lê nháy mắt ra dấu, Hai Hùng cười hềnh hệch, xổ một tràng:

- Nói thiệt, trong đời em, chưa thấy con chó nào đẻ sáu đứa hết, toàn hai, hoặc bốn không hà! Bởi vậy con Trung Kiên đẻ sáu con là trong nhà phước đức lắm đó mới được. Mấy ông coi, lông tụi nó ngắn mà mướt rượt, có xoáy trên lưng giống như chó Phú Quốc kìa, mũi dài đưa ra đằng trước nữa, trời, tụi này mà lớn, bắt chuột bá cháy nghen! Anh Ba, nghe con Trung Kiên đẻ, em mừng quá, thôi thì hổng có gì, em…mang…cái này tới…gởi anh lấy thảo…

Lúng túng, Hai Hùng đặt chai X.O lên bàn, và do trước đó có lẽ sợ người nhận cũng như quan khách không thấy được giá trị của chai rượu nên Hai Hùng để nó trơ ra chớ không thèm gói giấy kiếng xanh xanh đỏ đỏ như mấy lần đi đám tiệc khác nữa. Phát súng đầu tiên đã nổ, cổng đã mở toang nên những người còn lại không khó khăn gì để nhập cuộc. Thì kia, Bảy Phát chủ tàu đánh cá rụt rè đặt lên bàn bộ vi cá mập, Tám Nhơn máy cày bày ra bộ tách và bình quý làm bằng thủ công của gốm sứ Minh Long, Hai Tâm điện thoại mang đến một màn hình ti vi mỏng dính kiểu tinh thể lỏng…Qùa nào cũng có trọng lượng riêng không ai kém cạnh ai. Nhưng…trong lúc mọi người đang làm cho xong những chuyện quan trọng nói trên thì bỗng nghe có tiếng la thất thanh ở góc phòng:

- Trời, cha mẹ ơi, quý tướng, quý tướng…

Mọi ánh mắt đổ dồn về nơi con chó cái đang nằm với bầy chó con. Chín Qùy chủ đất đang ngồi bệt dưới nền gạch men, miệng xuýt xoa:

- Thầy Tư nước lạnh ở Châu Đốc nói con chó nào mà có đốm đen trên đầu là “Vượng phát gia chủ”, tui nhất quyết phải nuôi con này mới được!

Chỉ tay vào con chó bé xíu, Chín Qùy năn nỉ:

- Anh chị Ba thương em thì để lại cho em con này. Qúy lắm, quý lắm, trên Sài Gòn cả mấy chục triệu cũng không mua nổi đâu. Dạ, giận em chịu chớ chị Ba để lại em đi, em gửi liền chục triệu…
Vừa nói, tay Chín Qùy móc trong túi quần ra gói giấy bọc kín, đưa cho vợ Ba Mãn. Qúa bất ngờ, vợ Ba Mãn lúng túng đưa mắt nhìn chồng:

- Ông…thấy sao?

Ba Mãn ho một tiếng, nghiêm giọng:

- Chó đẻ, tao định nuôi chớ không bán chác gì đâu. Bộ tụi mày tưởng nhà tao không đủ cơm nuôi hả?

Chín Qùy rối rít:

- Dạ, anh Ba, em đâu có ý đó. Tại em ham quá, em nghe thầy nói có nó trong nhà mới làm ăn được, chị Ba nói giúp em một tiếng…

Vợ Ba Mãn đưa mắt nhìn chồng lần thứ hai. Ba Mãn gật gù:

- Thiệt, hết nói tụi bay, nghe thầy bà gì cho mệt. Mà thôi, mày năn nỉ quá tao thấy không đành, có gì hai chị em bây bàn với nhau nghen…

Chín Qùy cười mãn nguyện. Mà không mãn nguyện sao được, bởi sau Chín Qùy, thì Bảy Qúi xe tải và thêm mấy người nữa được nước xúm lại năn nỉ vợ Ba Mãn bán mấy con chó con còn lại, dĩ nhiên là không con nào dưới giá chục triệu đồng.

Chừng đám đông giãn ra một chút, Ba Mãn mới lên tiếng:

- Tụi bây…à, anh em đến thăm thì tui cảm ơn. Thôi chớ tới rồi phải ngồi lại lai rai. Chị Năm ơi, chạy ra lộ lấy gấp cho tui cái gì về nhậu coi, kêu thằng Lai con bà sáu mang bia vô, nước đá luôn rồi tính sau…

Lần đầu tiên, Năm Lê dám phát biểu chặn ngang họng Sếp:

- Khỏi anh, tụi em chở theo cả xe bia ngoài kia kìa, thằng Ân văn thư nó còn kêu sẵn con heo sữa quay chỗ thằng Thanh ba Tàu, giòn lắm. Mồi màng cây nhà lá vườn, mình có cái gì chơi cái đó trước đi rồi hẵng tính nữa…

Thế là mấy anh em kéo nhau ra chỗ cái chòi lá cọ ngoài vườn.

* * *

Cuộc nhậu rôm rả, mà không rôm rả sao được khi ai cũng vui trong lòng vì đã đạt được mục đích riêng của mình, nên chẳng mấy chốc, chục thùng bia hết veo. Hai Hùng đang điện thoại kêu nhà hàng Hương Đêm mang bia vào thêm thì ngoài cổng nhà Ba Mãn có tiếng chuông gọi cửa. Hai Hùng lật đật bước ra: “Cha, bữa nay tụi này làm ăn ngon quá ta, mới điện thoại vừa xong, bia đã mang tới ngay, lẹ thiệt!”. Nhưng…cửa mở, ngoài cổng là hai người một già, một trẻ, mặt lạ hoắc. Hai Hùng hất hàm:

- Kiếm ai đây?

Người đàn ông già, rụt rè:

- Dạ…kiếm chú Ba bí thơ.

- Anh Ba đang bận tiếp khách, có chuyện gì cứ nói luôn với tui đi rồi tui báo cáo lại với ảnh sau!

- Dạ…kẹt gấp quá, nhà thằng Út ghẻ cách đây bảy tám căn có con vợ mới đẻ xong, bị băng huyết, phải tiếp máu mới mong cứu sống được. Mà nhà nó thì nghèo nhứt xóm này, không kiếm đâu ra ba triệu đồng chú ơi, nên…định tới trình bày với chú Ba bí thơ, nhờ chú giúp đỡ…

- Út ghẻ là ai? Thằng này hả? Nghèo sao hổng chịu nín mà đẻ làm chi cho mệt vậy? Thôi, chờ ở đây nghen…

- Dạ, chú làm ơn nói giùm qua là Chín Nếp, tổ phó an ninh ấp này, thằng Út ghẻ là con bà Mười Liên, Mẹ Việt Nam Anh Hùng, mà mỗi dịp lễ kỷ niệm, chú Ba bí thơ có mời lên nhận quà đó…

Hai Hùng quày quả trở vô báo cáo với Sếp. Cả bàn nhậu lao xao. Năm Lê phát động:

- Thôi, tui nói vầy mấy ông coi được hông? Tụi mình của ít lòng nhiều, giúp người ta để đức cho con cháu, tui xung phong góp ba chục ngàn, anh em góp thêm tùy hỉ…

Cuộc quyên góp, nhờ sự phát động kịp thời của chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc xã nên diễn ra khá nhanh chóng, người năm chục, kẻ một trăm, kết thúc được một triệu bảy trăm ngàn đồng. Vẫn chưa đủ con số mà sản phụ đang cần. Ba Mãn khoát tay:

- Để anh đưa thêm ba trăm cho chẵn hai triệu.

Hai Hùng cười cười:

- Rồi, cứ coi như anh Ba đóng góp ba trăm, còn chuyện thực tế, cứ để em lo. Ba mươi giây là xong…
Người thanh niên tên Út ghẻ rạng rỡ hẳn nét mặt khi nghe Hai Hùng cho biết con số quyên góp được. Nhưng người tổ phó tổ an ninh già còn tần ngần:

- Chú ơi, đã thương thì thương cho trót, còn một triệu đồng nữa, biết lấy đâu ra?

Hai Hùng trừng mắt:

- Ông biết điều một chút đi. Tự dưng, kiếm đâu ra hai triệu, vậy mà giờ có rồi, còn đòi hỏi gì nữa? Mà nhờ ơn đức anh Ba chớ hổng phải tự dưng có đâu, người ta nể uy tín ảnh, người ta mới quyên góp giúp mấy người đó, đừng có được voi, đòi tiên…

Út ghẻ kéo tay ông già:

- Được rồi bác Chín, vậy là quá tốt rồi bác, mình về kiếm chỗ khác, bí quá thì để con đi mượn nóng thằng Cường xã hội đen ngoài đầu chợ cũng được…

- Một triệu, trả góp một ngày ba chục ngàn, mầy trả nổi hông?

- Thì phải rán vậy, mình về đi chú Chín

Cánh cửa đóng sập “rầm” một tiếng, mấy khoen sắt lâu ngày cạ vào nhau phát ra âm thanh chan chát, làm nổi da gà người nghe. Một già, một trẻ dìu nhau về. Cách cánh cổng sắt vài bước chân là con đường nhỏ cắt về nhà Út ghẻ. Con đường đất thịt, mấp mô từng mảng, hai bên cỏ dại mọc đầy, tưởng như dài ra đến tận chân trời…/.

===

http://www.thongtinthuongmai.vn/16-59-14801-2-Dong-Nai-Can-bo-.tttm%E2%80%9Can-ban%E2%80%9D-tien-danh-cho-nguoi-ngheo

Đồng Nai: Cán bộ “ăn bẩn” tiền dành cho người nghèo
(Theo Thông tin thương mại )

(TTTM News) - Quà Tết dành cho những người cơ cực thậm chí quỹ nhân đạo, quỹ mổ mắt…được một số cán bộ của xã, huyện ở Đồng Nai ăn chặn, rút ruột.

Những khoản tiền “ma”

Ngày 20/3, huyện uỷ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND xã Long Tân phải xin lỗi dân, đồng thời kiểm điểm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc cấp tiền tết cho người nghèo.

Trong ngày 19/3, UBND xã Long Tân đã đến nhà 23 hộ dân để trả lại quà tết Canh Dần do phát “nhầm” đối tượng và xin lỗi dân.

Theo xác minh của UBND huyện Nhơn Trạch, để giúp 109 hộ nghèo có điều kiện đón tết, xã Long Tân trích ngân sách Nhà nước 43.600.000 đồng và UBND huyện Nhơn Trạch còn hỗ trợ thêm 89 phần quà trị giá 300.000 đồng/ phần. Tuy nhiên, có 23 hộ chỉ nhận được 1 phần quà tương đương 150.000 đồng. Còn số tiền mặt đi kèm lại tiền mặt đã bị “ém” lại.

Theo xác minh, tổng số tiền của tổ phát quà xã Long Tân phải trả lại cho dân là 9,2 triệu đồng. Theo UBND huyện Nhơn Trạch, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các cán bộ xã đã chuyển quà của các hộ nghèo sang hộ cận nghèo, nên đã không phát hiện tiêu cực.

Trước đó, tại huyện Trảng Bom, ngày 6/3, UBND thị trấn Trảng Bom cũng phát hiện Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thị trấn này ăn chặn tiền Tết của 17 hội viên chữ thập đỏ.

Theo xác minh, 17 phần quà trị giá khoảng 200.000 đồng/ phần, gồm 1 gói quà và 150.000 đồng tiền mặt. Thế nhưng các hội viên nghèo chỉ nhận được gói quà, còn tiền mặt đã bị giữ lại để Hội CTĐ thị trấn lập quỹ thăm hỏi hội viên đau ốm và quỹ khen thưởng, ngoài ra một số quà được cấp phát cho người nhà chủ tịch Hội CTĐ và các cán bộ khác.

Trong năm 2009, khi các cơ quan chức năng vào cuộc đã xác định bà chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai cùng “ê kíp” biển thủ hàng trăm triệu đồng để chi dùng bừa bãi.

Cụ thể, từ năm 2006 đến giữa năm 2008, bà Võ Thị Linh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai, đã cùng cán bộ dưới quyền để xảy ra sai phạm với số tiền trên 757 triệu đồng. Trong đó, bà Linh sử dụng cho cá nhân gần 20 triệu đồng, chiếm dụng 200 USD và 5 triệu đồng

Qua kiểm tra việc sử dụng các nguồn quỹ da cam, quỹ nhân đạo, quỹ mổ mắt nhân đạo, quỹ hiến máu, hội phí và ngân sách Nhà nước, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai phát hiện trong đợt mổ mắt nhân đạo cho 7 huyện, thị với tổng số 2.064 ca, chi trả gần 521 triệu đồng nhưng Hội Chữ thập đỏ tỉnh không báo cáo, không ghi chép đầy đủ, không lưu bút tích và chứng từ thanh toán. Nhiều trường hợp mời đoàn bác sĩ mổ mắt, chi phí mỗi ca 500.000 đồng nhưng khi thanh toán chỉ có giấy biên nhận do trưởng đoàn bác sĩ ký nhận mà không có xác nhận của đơn vị nào.

Gạo thà để mốc không phát cho người nghèo

Trong quá trình sử dụng ngân sách và các nguồn quỹ theo Thông tư 07/2005/TT-BTC, Hội CTĐ không tự cân đối thu chi mà sử dụng các nguồn quỹ nhân đạo để chi thêm với số tiền 1,31 tỉ đồng. Trong đó, chi các khoản như tiếp khách, mua tài sản... sai mục đích tổng cộng 326,3 triệu đồng; chi 5 triệu đồng cho bà Linh đi Singapore.

Theo báo cáo của Hội CTĐ, trong năm 2006 và 2007 có 9,3 tấn gạo của các nhà hảo tâm quyên góp. Số gạo này đã không được cấp kịp thời cho người nghèo mà cất trong kho dẫn đến hư mốc nhưng bà Linh vẫn chỉ đạo không thanh lý.

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai cũng phát hiện các khoản tiền sai phạm cần phải thu hồi tại Hội CTĐ gồm: khoản nợ 341.109.400 đồng; tiền chi sai mục đích 70.276.000 đồng; tiền kê khống quyết toán, chi sai nguyên tắc và đi nước ngoài là 103.360.000 đồng; đề nghị Hội CTĐ nộp vào tài khoản Kho bạc Nhà nước số tiền thu vận động cứu trợ bão lụt năm 2006.