Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Chủ biên soạn giáo trình phải là giáo sư, tiến sĩ?

Bộ GDĐT mới ra một qui định về biên soạn giáo trình rất lạ. Theo qui định này thì chỉ có người có chức danh giáo sư, phó giáo sư, hoặc có trình độ tiến sĩ mới được biên soạn giáo trình đại học. Tuy nhiên, đối với giáo trình cao đẳng thì họ “nới lỏng” cho phép người có trình độ thạc sĩ tham gia biên soạn. Tôi thấy qui định này hơi lạ, vì không rõ Bộ dựa vào cơ sở nào mà qui định như thế. Đành rằng, người có trình độ học vấn cao thì có kiến thức tốt, nhưng mối tương quan giữa học vấn và kiến thức không phải là một mối tương quan xác định. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều vị giáo sư bằng cấp đầy mình nhưng họ dạy rất dở và viết sách càng khó đọc; ngược lại, người không có bằng cấp cao nhưng có khi viết sách rất dễ hiểu. Tiêu biểu cho trường hợp sau là cụ Đào Duy Anh (không có bằng tiến sĩ) hay Trần Trọng Kim hay Dương Quảng Hàm, hay ở ngoài này có ông Douglas Altman, ông này chỉ có bằng cử nhân nhưng viết sách về dịch tễ học thì rất hay.

Tôi thấy ở ngoài này, các giáo sư rất lười biếng viết sách. Đối với các giáo sư, họ xem nghiên cứu khoa học là ưu tiên hàng đầu. Họ cho rằng viết sách giáo khoa vừa tốn thì giờ, mà lại không hấp dẫn (vì sách mới in xong là thông tin có thể đã lỗi thời). Vả lại, tiêu chuẩn đề bạt chủ yếu dựa vào bài báo khoa học, chứ không phải là sách giáo khoa. Nhưng nhu cầu giảng dạy vẫn cần phải có sách giáo khoa, và người nào thấy có ý tưởng hay hoặc có cách viết tốt thì biên soạn sách. Do đó, ở nước ngoài, rất nhiều cuốn sách giáo khoa nổi tiếng mà tác giả không phải là giáo sư hay có trình độ tiến sĩ. Nhiều lắm.

Theo bài báo thì qui định mới của Bộ GDĐT nhằm “chấm dứt tình trạng lộn xộn, không theo chuẩn mực trong các hoạt động liên quan đến biên soạn, sử dụng giáo trình hiện nay”, nhưng tôi thấy không ổn. Bằng chứng nào cho thấy là nếu ban biên soạn giáo trình có chức danh giáo sư hay bằng tiến sĩ là không có lộn xộn? Theo tôi, chưa có bằng chứng. Sách giáo khoa hay giáo trình giảng dạy là đúc kết từ nghiên cứu khoa học có chất lượng cao. Ở Việt Nam rất ít nghiên cứu khoa học có chất lượng cao. Do đó, phần lớn những sách giáo khoa được xuất bản và sử dụng cho giảng dạy thường là lấy thông tin từ nước ngoài, hạy thậm chí dịch dịch từ sách nước ngoài (dù tác giả không đề nguồn rõ ràng!). Còn chuẩn mực thì còn tùy vào người/cơ quan đặt ra chuẩn mực. Nhưng vấn đề là bằng chứng và cơ sở khoa học cho chuẩn mực đó đến từ đâu, hay thậm chí có bằng chứng không. Đó là những câu hỏi cần phải giải đáp trước khi ra qui định.

NVT
===

http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/tuoitre.com.vn/Chu-bien-soan-giao-trinh-phai-la-giao-su-tien-si/3969097.epi
Thứ Sáu, 12/03/2010, 01:04 (GMT+7)
Chủ biên soạn giáo trình phải là giáo sư, tiến sĩ

TT - Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ. Đó là một trong những nội dung của dự thảo quy định về biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Trong trường hợp đặc biệt, đối với giáo trình CĐ, chủ biên hoặc đồng chủ biên tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ.

Dự kiến quy định này sẽ được ban hành trong tháng 3-2010 nhằm chấm dứt tình trạng lộn xộn, không theo chuẩn mực trong các hoạt động liên quan đến biên soạn, sử dụng giáo trình hiện nay.

VĨNH HÀ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét