Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Năng suất khoa học Ý và Ấn Độ

Hôm nay, nhân một câu hỏi của một người bạn bên VN, tôi lại tiếp tục tìm hiểu năng suất khoa học của các nhà khoa học bên Ý. Rất may là tháng 2 năm 2010, tập san Scientometrics có một bài phân tích về chất lượng nghiên cứu khoa học bên Ý, nhưng trong bài đó họ có những dữ liệu mà tôi có thể tính được năng suất khoa học của các nhà khoa học Ý ra sao.

Trong phân tích vừa đề cập trên, các tác giả thu thập dữ liệu từ các đại học Ý trong thời gian 3 năm (2004 đến 2006), và phân theo ngành khoa học. Tính chung, trong thời gian đó, 34163 nhà khoa học của các đại học Ý công bố được 93,369 ấn phẩm khoa học (không kể abstracts hay conference proceedings). Do đó, tính trung bình, mỗi nhà khoa học công bố được 2.73 bài báo trong 3 năm (hay ~1 bài / năm).

Tuy nhiên, năng suất khoa học rất khác nhau giữa các ngành học. Ngành có năng suất cao nhất là vật lí với 4.6 bài, kế đến là hóa học (4.4). Ngành có năng suất khoa học thấp là nông học & thú y và khoa học trái đất (xem bảng dưới đây).

Bảng 1. Số nhà khoa học tại các đại học Ý, số ấn phẩm khoa học và năng suất trung bình (lấy số ấn phẩm chia cho số nhà khoa học) trong 3 năm 2004-2006.

Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là những bài báo được công bố trên các tập san có impact factor cao có phải là những bài có chất lượng cao. Để trả lời câu hỏi này, các nhà phân tích sử dụng 2 chỉ số: Ia là số lần trích dẫn bài báo khoa học, và Ij là impact factor của tập san. Sau đó, họ tính hệ số tương quan giữa 2 chỉ số, và kết quả có thể tóm lược như sau:

Toán và khoa học máy tính: r = 0.936
Vật lí: r = 0.962
Hóa học: r = 0.968
Khoa học trái đất: r = 0.899
Sinh học: r = 0.963
Y học: r = 0.982
Nông học và thú y: r = 0.954
Kĩ thuật & công nghệ: r = 0.914

Kết quả trên cho thấy rõ ràng rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng bài báo và chất lượng tập san. Nói cách khác, những bài báo trên các tập san có impact factor cao thường là những bài báo được trích dẫn nhiều hơn so với những bài trên các tập san “làng nhàng”.

Đó là tình hình bên Ý, một nước tiên tiến (nhưng hình như hơi “relaxed” so với các nước Tây Âu khác). Câu hỏi đặt ra là ở các nước đang phát triển, tình hình ra sao? Rất khó tìm dữ liệu, nhưng tôi tình cờ vớ được một technical report của WB năm 1999, trong đó có nhiều dữ liệu thú vị. Trong báo cáo này, họ phân tích năng suất khoa học của 4309 Ấn Độ từ 39 trung tâm nghiên cứu do Nhà nước quản lí. Họ không cho biết thời gian cụ thể, mà chỉ nói là tính đến năm 1994. Dữ liệu họ thu thập là qua lí lịch của các nhà khoa học đến năm 1994, và trong lí lịch các nhà khoa học có cung cấp số bài báo khoa học mà họ đã công bố trên các tập san trong danh bạ của ISI. Có thể xem đây là năng suất khoa học trung bình cho những nhà khoa học còn làm việc (rất tiếc là họ không phân tích độ tuổi; đúng là dỏm!) Theo báo cáo này thì tính trung bình, các nhà khoa học Ấn Độ công bố 15.31 bài. Nhưng năng suất trung bình này cũng khác nhau giữa các ngành, cụ thể như sau:

Khoa học tự nhiên: 14.83
Sinh học: 21.92
Kĩ thuật và công nghệ: 11.03

Nếu chỉ so sánh tương đối, chúng ta thấy một sự khác biệt thú vị giữa hai nước Ý và Ấn Độ. Ở Ý, nhóm nhà khoa học có năng suất cao nhất là vật lí và hóa học, nhưng ở Ấn Độ, các nhà sinh học có năng suất cao hơn đồng nghiệp trong ngành khoa học tự nhiên và kĩ thuật.

Tôi nghĩ những kết quả phân tích trên đây có vài ý nghĩa đối với tình hình ở Việt Nam. Ở trong nước, có quan điểm cho rằng các bài báo trên các tập san có impact factor cao chưa chắc có chất lượng. Tuy nhiên, kết quả phân tích của Ý cho thấy quan điểm đó không có cơ sở khoa học. Rõ ràng, trong bất cứ ngành nào, hệ số tương quan giữa số lần trích dẫn và impact factor của tập san là bằng hoặc cao hơn 0.9. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học VN nếu muốn gây ảnh hưởng trên trường quốc tế thì nên làm những nghiên cứu có chất lượng cao và chọn các tập san có impact factor cao.

Ý nghĩa thứ hai là năng suất khoa học. Các bạn chủ trương trang web giáo sư dỏm định tiêu chuẩn dưới 3 bài báo (cho phó giáo sư) và 5 bài báo (cho giáo sư) để phong hàm. Nếu lấy trường hợp Ấn Độ để tham khảo thì tôi thấy tiêu chuẩn trên của các bạn chủ trương cũng … có lí. :-) Nói đùa vậy thôi, chứ thật sự, chúng ta chỉ cần đòi hỏi các nhà khoa học ta tương đương với Ấn Độ là hay lắm rồi, để các bạn chủ trương trang web giáo sư dỏm có lí do khỏi bức xúc.

NVT

Tham khảo:

Abramo G, et al. Citations versus journal impact factor as proxy of quality: could the latter ever be preferable? Scientometrics số ra ngày 27/2/2010 (chưa có số trang vì công bố online).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét