Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Cần chuẩn hóa tiếng Việt bằng một bộ Luật

Sáng nay, trong vài giây phút suy nghĩ về viết đơn xin tiền, tôi nhận được email sau đây của một bạn PKL bàn về những nhận xét của tôi về vấn đề đặt tên trường đại học bằng tiếng Anh. Bạn đọc PKL cho biết bài viết đã gửi cho báo Người lao động như là một phản hồi, nhưng báo chưa/không đăng. Vậy tôi đưa vào trang blog như là một món quà cho các bạn đọc còn quan tâm đến tiếng Việt.

NVT
===

Cần chuẩn hóa tiếng Việt bằng một bộ Luật

Cụ Phạm Văn Đồng - một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam lúc sinh thời đã từng kêu gọi “hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Với tình hình như hiện nay, theo tôi, cần có một quy tắc chuẩn mực cho sử dụng tiếng Việt, và nếu được, nó phải là một văn bản pháp lý cao nhất như một bộ Luật về tiếng Việt chẳng hạn. Từ đó, sẽ có các văn bản dưới Luật quy định việc dạy, sử dụng, truyền bá... tiếng Việt thế nào; quy định việc du nhập tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, việc chuyển ngữ trong các giao dịch hành chính cụ thể như thế nào;...

Xin đơn cử 3 ví dụ cần có quy định chuẩn.

1. Phát âm trên phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, ngay cả phát thanh viên của VTV vẫn phát âm kiểu nửa Tây nửa Ta khá nhiều, mỗi người mỗi cách. Ví dụ, khi đọc địa chỉ website www.abc.com, có PTV đọc là "đớp-bờ-liu đớp-bờ-liu đớp-bờ-liu chấm abc chấm com", lại có PTV đọc là "vê kép vê kép vê kép đót abc đót com" (không tin mời quý vị nghe phần kết thúc chương trình Chị ong vàng của VTV3 thì rõ).

2. Việt hóa thuật ngữ nước ngoài. Với các thuật ngữ khoa học-kỹ thuật tiếng nước ngoài, loại hình nào phải Việt hóa, loại hình nào phải giữ nguyên; khi chưa thể Việt hóa được thì được phép sử dụng trong bao lâu…. Chẳng hạn, các từ hay cụm từ có nghĩa thì phải Việt hóa (genetic engineering=kỹ thuật di truyền, không được ghi kỹ thuật gen); các ký hiệu toán-hóa-lý, đơn vị đo lường, chữ viết tắt đã chấp nhận trong tài liệu các tổ chức quốc tế,...thì phải giữ nguyên (DNA, RNA phải là chữ viết tắt cho các axit nhân không nên ADN, ARN; logA là logarit cơ số 10 của A chứ không nên viết lgA; ký hiệu đơn vị thời gian ngày trong hệ SI mở rộng là d thì đơn vị lưu lượng dòng chảy phải viết m3/d chứ không nên m3/ngày,... ). Thói quen học từ sách giáo khoa phổ thông ADN, lgA,... đã làm nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài du học bị hố.

3. Dịch tên các trường đại học sang tiếng Anh. Cái này hiện chưa hề có quy định nào cả, dẫn đến ai thích gì làm nấy. Lẽ ra, trong Điều lệ trường Đại học Việt Nam phải có quy định cách dịch tên trường đại học và các đơn vị thành viên của nó thành tiếng Anh một cách thống nhất, hệ thống. Ví dụ, trường nào là University, trường nào là College,...; rồi dưới cái University là cái gì... Trên thực tế, việc dịch tên trường đại học sang tiếng Anh hiện nay đang trong cảnh “trăm hoa trăm sắc”, ai thích gì cứ làm nấy! Các ĐH quốc gia và ĐH vùng được gọi là University (Vietnam National University-Hanoi, Vietnam National University-HCMC, Danang University, Hue University,...), nhưng các trường thành viên của họ cũng xưng luôn là…University. Ví dụ: Hanoi University of Science thuộc Vietnam National University-Hanoi (xem: www.hus.edu.vn); HCMC University of Technology thuộc Vietnam National University-HCMC (xem: www.hcmut.edu.vn); University of Agriculture and Forestry thuộc Hue University (xem: www.huaf.edu.vn), Danang University of Technolgy thuộc Danang University (xem: www.dut.edu.vn);... Vậy là trong University lại có nhiều University.... Khách nước ngoài đến, giới thiệu cho họ, họ cũng ngẩn tò te .. Hoặc nữa, cùng là Trường Đại học Nông Lâm, nhưng có trường thì dịch hẳn sang tiếng Tây: “University of Agriculture and Forestry” (xem: www.huaf.edu.vn); trong khi có trường lại chơi khăm...mấy ông Tây: “Nong Lam University” (xem: http://www.hcmuaf.edu.vn) (lỡ người mới học tiếng Việt cử tưởng là...”Nóng Lắm” lại dịch thành…”Too Hot University” thì làm sao!).

P.K.L

0 nhận xét:

Đăng nhận xét