Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Lại bàn về phôi bằng của Bộ GDĐT

Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài đặt vấn đề phôi bằng do Bộ GDĐT ban hành, hôm nay thấy Bộ đã có phản hồi. Ghé qua trang nhà của Bộ GDĐT thì thấy họ đã giải thích tại sao không có dòng chữ “Đọc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Nhưng tôi e rằng cách giải thích của Bộ không thuyết phục. Tôi có vài dòng bình luận thêm như sau:

Bằng cấp có phải là tài liệu pháp lí? Bộ GDĐT cho là không, nên họ giải thích như sau: “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.” (chữ in nghiêng là nhấn mạnh của Bộ). Thú thật, tôi không phân biệt được thế nào là “văn bản quy phạm pháp luật”; tôi vẫn nghĩ văn bằng tốt nghiệp mang tính pháp lí. Ở Úc và các nước mà tôi biết như Mĩ chẳng hạn, bằng cấp được xem là tài liệu pháp lí. Chẳng hạn như trường Đại học UTS (Đại học Công nghệ, Sydney) viết rõ ràng rằng” “A testamur is a legal document issued under the seal of the University and is issued in original form only once for each specific award conferred.”

Theo chuẩn mực quốc tế? Bộ giải thích thêm “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn được cấp cho người nước ngoài học tập tại Việt Nam,” cho nên không cần dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Thoạt đầu nghe cũng … có lí, nhưng không nhất quán. Nếu muốn theo chuẩn mực quốc tế, thì (a) không cần tên nước; (b) không cần tiêu ngữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; (c) không nên ghi hạng tốt nghiệp; (d) không cần hình; (e) tiếng Anh phải chuẩn. Nhưng rất tiếc là tiếng Anh trong phôi bằng lại có vài chỗ sai sót nghiêm trọng như Nguyễn Vạn Phú đã chỉ ra trước đây.

Ngoài ra, như tôi viết hôm nọ, trên thế giới không có cái gọi là “Degree of Associate”, mà có “Associate Degree”. Xin nhắc lại rằng có 3 loại bằng cấp chính: certificate, diploma, và degree. Certificate thường dành cho trung học, hay học nghề; Diploma dành cho cao đẳng và đại học; còn degree thường chỉ bằng đại học. Mỗi cấp (certificate, diploma, và degree) còn có từ bổ nghĩa associate, như “Associate Certificate”, “Associate Diploma”, hay “Associate Degree”. Vì thế, cách viết “Degree of Associate” mà Bộ GDĐT viết trên phôi bằng là không đúng, chẳng giống ai trên thế giới cả.

Một phôi bằng đã cấp cho sinh viên. Chú ý dòng chữ "Principal of INFORMATION TECHNOLOGY COLLEGE, HOCHI MINH" đã không ổn về nội dung lẫn tiếng Anh. Cá nhân hiệu trưởng đâu có quyền cấp bằng (đâu có luật nào qui định hiệu trưởng có quyền như thế); trường mới là nơi "kết nạp" (admit) ứng viên vào một học vị nào đó. Ngay cả chữ Ho Chi Minh mà viết cũng không chuẩn! Tại sao không là HO CHI MINH mà là cải biên thành HOCHI MINH? Thật là hết biết! (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Do đó, Bộ GDĐT khẳng định rằng phôi bằng “hoàn toàn không sai” cần phải xem lại. Theo tôi thì rõ ràng là có sai. Còn sai lớn hay nhỏ thì còn tùy vào cảm nhận và đánh giá của từng cá nhân. Riêng tôi thì cho rằng những sai lầm về tiếng Anh là khó chấp nhận được, nhất là mang danh Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Hôm nay, một bạn đọc chắc là từ miền Trung nhân đọc entry về tiếng Anh trong phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng có giới thiệu tôi phôi bằng đại học của Trường Đại học Đà Nẵng, và lại hỏi … ý kiến. :-) Xem qua thì tôi cũng có ý kiến, nhưng tôi chỉ giới hạn ý kiến về phần tiếng Anh thôi. Những ý kiến này có thể xem là bổ sung cho những ý kiến và đề nghị trong entry trước.

Một phôi bằng của Đại học Đà Nẵng
(đang xin ý kiến)

Thứ nhất là dòng chữ tên nước. Phôi bằng viết là “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” theo tôi là chưa chuẩn, vì thiếu chữ THE. Phải viết trang trọng là “THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM”.

Thứ hai là dòng chữ “Independence – Freedom – Happiness”. Theo tôi là không cần. Không cần chẳng những do theo quốc tế (như Bộ giải thích) mà vì nó không đúng với thực tế. Cách tốt nhất là bỏ đi dòng chữ này.

Thứ ba là đại học trong đại học: THE UNIVERSITY OF DANANG (UNIVERSITY OF TECHNOLOGY). Thật là rối rắm. Tại sao không viết là THE UNIVERSITY OF DA NANG?

Thứ tư là mấy dòng chữ “This is to certify that” đọc cứ như là giấy … chứng nhận. Khi người ta giới thiệu ai, hay chứng nhận ai đó từng làm trong bộ môn, người ta viết [chẳng hạn như] “This is to certify that Dr. Steven Johnson has been a postdoc fellow in my laboratory”. Trong văn bằng không ai viết như thế cả. Người ta dùng chữ “confer” trang trọng hơn.

Thứ năm là sai văn phạm trầm trọng. Câu “having fullfilled the requirements of the University Program for regular students (2001-2006) under Statute (25/2006/QD-BGDDT) issued by the Ministry of Education and Training is conferred the” là câu văn quá dài và rất rất sai văn phạm. Tại sao lại viết “NGUYEN THAI QUYNH LIEN” having … Tại sao dùng gerund ở đây? Tại sao “is conferred”, câu hỏi là “conferred by whom” (ai cấp bằng)? Đoạn văn này cực kì lộn xộn mà lại quá sai văn phạm.

Tôi đoán người soạn câu này bắt chước từ câu tuyên bố trong luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Những luận án như thế có câu tuyên bố như sau:

A thesis submitted to the University of New South Wales in partial fullfilment of the requirement for the degree of

DOCTOR OF PHILOSOPHY (MEDICINE)

Câu văn chuẩn này đã được cóp không đúng cả về nội dung lẫn văn phạm tiếng Anh. Cần nhấn mạnh rằng câu văn chuẩn này là dành cho luận án, chứ không ai viết trong bằng tốt nghiệp cả.

Thứ sáu là cụm từ “BACHELOR’S DEGREE” cũng không chuẩn. Bachelor là cử nhân, nhưng bachelor cũng có nghĩa là người độc thân. Do đó, viết “Bachelor’s Degree” rất dễ bị hiểu lầm là văn bằng của người độc thân! Phải viết nghiêm trang là: BACHELOR OF XXX, trong đó XXX là chương trình học (như science, arts, engineering, law, medicine, economics, v.v…)

Thứ bảy là “and awarded the title of (ENGINEER)” cũng có vấn đề. Bằng cấp là … bằng cấp, đâu phải là danh xưng. Nên nhớ rằng ở nước ngoài, chữ engineer ngoài nghĩa kĩ sư, còn có nghĩa là thợ máy (engine là máy, engineer là thợ máy).

Thứ tám là chữ kí của người được cấp bằng. Nên bỏ, chẳng có nơi nào có qui định này.

Nói chung, chỉ có một cái phôi bằng mà có quá nhiều điều sai sót, và điều này làm cho người ta thấy đặt câu hỏi tại sao Bộ GDĐT hay Trường Đại học Đà Nẵng không tham vấn những người thạo tiếng Anh và biết đôi điều về bằng cấp ở nước ngoài. Ôi, chỉ có cái phôi mà cũng sai quá nhiều và làm báo chí cũng tốn biết bao giấy mực, không biết chuyện lớn sẽ như thế nào.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét