Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Lại nói về phi trường Cam Ranh

Trong một entry trước tôi có nhận xét rằng nhà ga của phi trường Cam Ranh không có ghế cho khách ngồi. Hôm nay, nhận thư này của một anh bạn (cũng đang công tác ở UNSW) cũng có một nhận xét tương tự. Anh bạn tôi còn mô tả chi tiết về tình trạng móc túi của vài người [hi vọng vậy] trong giới tài xế. Đây là những “chứng từ” thực tế nhất để các bạn đi Nha Trang biết mà tìm cách tránh bị móc túi.

NVT
====

Sau đây là vài nhận xét ngắn của anh Phạm Quang Tuấn:

Vài nét thêm về phi trường Cam Ranh:

- Không có 1 ghế ngồi nào, trừ ghế ngồi của tiệm ăn.

- Ngồi tiệm ăn thì bị chém gấp 4 lần ở ngoài (1 cafe đen: 20000 đồng, ở ngoài là 5000 đ).

- Phi trường cách Nha Trang 30 km, suốt dọc đường là đại lộ, trồng hoa rất đẹp.

- Nhưng trước phi trường là 1 bãi cát khô queo và cả thành phố Nha Trang (trừ đường bờ biển) là 1 slum dơ dáy, đầy rác rưởi, potholes.

- Đường bờ biển (của du khách, dân NT dùng ké) thì tuyệt đẹp, du khách chỉ thấy có vậy, tưởng bở!!!


Kính gửi …[ báo Khánh Hòa, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và VN Airline]

Tôi ở Sydney (Úc) hiện về thăm gia đình và ăn Tết. Ngày 7/2/2010 vợ chồng tôi đi chuyến bay VN 456 từ TP Hồ Chí Minh tới Cam Ranh, rời TPHCM lúc 17:10. Xuống phi trường Cam Ranh, ngay chỗ lấy hành lý có một cô mặc đồng phục áo dài xanh của Vietnam Airline ngồi bán vé về Nha Trang, bên cạnh đề giá xe buýt 40 000 đồng một người, chúng tôi mua hai vé.

Ra chỗ đón xe minibus của hãng “Airport Omnibus”, số xe 79D-7735, người lái xe bảo va li của chúng tôi to nên phải trả thêm 20 000 đồng mỗi va li. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì hai va li của chúng tôi mỗi cái cân đúng 20 kg như quy định của Vietnam Airline, kích thước cũng bình thường (64 cm x 45 cm x 22 cm). Hơn nữa, trong chỗ bán vé không hề niêm yết gì về việc phải mua vé cho hành lý. Nếu đã niêm yết rõ ràng là phải trả tiền hành lý thì chúng tôi cũng vui vẻ mà trả thôi, dù rằng đó là một việc kỳ quặc chưa hề thấy trên thế giới trong những dịch vụ chở khách từ phi trường vào phố!

Người lái xe còn bảo: Nếu không muốn mua vé hành lý (40 000 đồng cho hai va li) thì hãy đưa cho ông ta 20 000 đồng! Dĩ nhiên không muốn làm việc bất hợp pháp đó, tôi bèn trở lại chỗ bán vé hỏi. Cô ta điện thoại cho người lái xe rồi bảo: Họ bảo hành lý của bác to quá, phải trả thêm tiền.
Tôi trình bầy những lý lẽ như đã nói ở trên (hành lý không quá quy định, không niêm yết việc bán vé hành lý, không đề quy định là hành lý như thế nào là “to”). Cô bán vé bảo rằng cô chỉ bán vé chứ không biết mấy chuyện khác! Cô ấy còn bảo tôi trả vé lại để cô ấy hoàn tiền, nhưng tôi không
chịu cách “giải quyết” vô lý đó!

Tranh cãi một hồi khá lâu – có thể chừng mười phút – cuối cùng có một nhân viên phi trường tuổi trung niên tới bảo để ông ta giải quyết. Ông này dẫn tôi ra hỏi lại người lái xe buýt thì người này bảo rằng đây là quyết định của một ông X nào đó (tôi nghe không rõ tên). Nhân viên phi trường bảo rằng khách nói đúng, muốn thâu tiền thì phải niêm yết chứ không được thâu tùy tiện như vậy, lúc ấy họ mới chịu cho chúng tôi lên xe.

Thiết tưởng, phi trường Cam Ranh là một phi trường quốc tế, phục vụ khách quốc tế. Nha Trang là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Cách làm việc tùy tiện, luộm thuộm như vừa kể cho khách một cảm tưởng đầu rất xấu về thành phố. Đồng thời, cũng cho một cảm tưởng rất xấu về
Vienam Airline, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, vì người bán vé cũng như người hướng dẫn chỗ xe buýt đều mặc đồng phục Vietnam Airline khiến không thể không kết luận rằng hãng Airport Omnibus với Vietnam Airline là một hay có liên lạc mật thiết.

Phạm Quang Tuấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét