Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Incompetent!

Đọc 2 bài dưới đây (và nhiều bài trước đây) chúng ta phải đặt dấu hỏi về trách nhiệm của họ. Hội Địa lí Mĩ in bản đồ sai và Google in bản đồ sai, nhưng các cơ quan hữu trách ở VN đều im hơi lặng tiếng, hay có lên tiếng thì cũng hơi trễ hoặc … lí nhí. Hội Địa lí Việt Nam chẳng có phát biểu gì liên quan đến sự sai trái vô lí của Hội Địa lí Mĩ. Cục Thông tin Đối ngoại chẳng những không phát hiện vấn đề mà cũng chẳng có lời phản đối. Chúng ta còn nhớ trước đây một website với tên miền “.vn” thuộc [trên danh nghĩa] Bộ Công thương nhưng đăng bài quảng bá quan điểm chủ quyền biển đảo của … Trung Quốc. Nên nhớ rằng đây là những cơ quan mà quan chức nhận lương do người dân đóng góp. Người dân nuôi họ. Dân ta có câu “Ăn cây nào rào cây ấy”, đáng lẽ họ phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ chủ quyền cho đất nước, nhưng trong thực tế thì hình như cái nghĩa vụ này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, hay có thực hiện thì cũng rất khiêm tốn.

Tất cả những thông tin sai lạc về lãnh hải và chủ quyền đất nước đều do người dân phát hiện. Vụ website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc “nối giáo cho giặc” trong vấn đề biển đảo là do Lê Tuấn Huy phát hiện và gióng tiếng nói, gây nên một làn sóng phản đối để đóng cửa cái “website phản bội” đó. Vụ Hội Địa lí Mĩ in bản đồ sai cũng do người Việt ở nước ngoài phát hiện, chủ động gửi kháng thư phản đối, rồi từ đó mới đến báo chí trong nước đưa tin. Vụ Google in sai cũng do người dân phát hiện. Một phóng viên có thông tin “độc” bèn đi hỏi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận về thông tin trên, thì Người phát ngôn lại cất giọng dạo ca khúc cũ theo công thức: “vấn đề đó AAA lắm”; trong đó AAA là “phức tạp”, là “nhạy cảm”, là “tế nhị”, là … những câu chữ chẳng ai hiểu được. Phức tạp là gì? Nhạy cảm ra sao? Tế nhị như thế nào? Có lẽ chính Người phát ngôn cũng chẳng biết chị ta nói cái gì; chỉ biết nói cho qua chuyện rồi thôi. Hình như nghề của dân Ngoại giao là họ nói những gì chẳng ai biết ý nghĩa thật là gì! Nhưng trước sự chậm trễ và những phản ứng của các quan chức hữu trách, người ta có quyền đặt dấu hỏi về cái mà tiếng Anh gọi là “competence” (có lẽ dịch là “khả năng”) của các cơ quan nhà nước.

Nhìn sang “nước bạn” phía Bắc, thấy họ có qui định rằng các quan chức nào được xem là “incompetent” (thiếu khả năng, tất tài) thì sẽ bị đuổi khỏi nhiệm sở. Qui định này thì thật ra chẳng có gì mới đối với những ai làm việc trong các nước phương Tây. Ở những nước này, các quan chức phải kí hợp đồng mỗi năm; nếu cuối năm bị đánh giá là incompetent thì coi như sẽ bị đuổi ngay. Thật ra, bị đánh giá là incompetent là một vết nhơ cực xấu trong sự nghiệp. Không làm tròn trách nhiệm là incompetent. Làm việc không tốt (như sai tiếng Anh trong phôi bằng) là incompetent. Đề ra những qui định sai là incompetent. Phát bằng khen không đúng đối tượng là incompetent. Vân vân. Nếu dựa vào tiêu chuẩn của các nước tiên tiến thì chắc sẽ có rất nhiều quan chức ở nước ta bị xếp hạng là incompetent và ... bị đuổi việc.

Thật ra, bản chất quan chức ta chưa chắc incompetent, nhưng có lẽ chính cái môi trường làm việc làm cho họ incompetent. Người viết bài này đã từng nhiều lần chứng kiến thấy khi nhiều thanh niên mới tốt nghiệp đầy nhiệt huyết được đưa vào guồng máy Nhà nước thì họ trở nên ù lì, vô cảm, bất tài, và thiếu hiệu quả. Nhưng cũng chính những người đó mà ra làm việc cho các công ti hay tập đoàn tư nhân (nhất là tập đoàn nước ngoài) thì họ trở nên lanh lẹ, xốc vác, và vui vẻ. Tôi từng làm việc với nhiều người Việt đang công tác ở các công ti nước ngoài và rất ấn tượng với họ, từ hiệu quả làm việc đến phong cách xã hội và khả năng tiếng Anh; tôi xem họ là những công dân toàn cầu, những người sẽ đưa VN hội nhập quốc tế. Nói như vậy để thấy môi trường làm việc ở các cơ quan công quyền VN có thể chính là cái lò tiêu diệt khả năng sáng tạo và tính độc lập của một con người. Nhìn qua cơ chế làm việc ở các cơ quan công quyền VN ai cũng thấy quan chức ta làm điều gì cũng chờ quyết định cấp trên; cấp trên lại xin ý kiến cấp trên nữa; và cấp trên nữa thì xin ý kiến bí thư chi bộ, v.v… Với cơ chế chồng chéo như thế thì có lẽ không ai ngạc nhiên khi thấy đứng trước các vấn đề liên quan đến Hội Địa lí Mĩ hay bản đồ Google phản ứng của phía VN rất incompetent.

NVT
====

http://bauvinal.info.free.fr/binhluan/cucthongtindoingoai.htm

Cục Thông tin Đối ngoại ?

21/03/2010
Đinh Kim Phúc

5 năm trước đây, trong công trình nghiên cứu “Vấn đề tên gọi và chủ quyền quốc gia trên vùng biển Đông” (Đề tài NCKH cấp trường năm 2005), tôi đã có kiến nghị:

“ Từ việc khảo sát và nghiên cứu vấn đề sử dụng thuật ngữ biển Đông và biển Nam Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng căn cứ vào các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á hiện nay, tên gọi biển Đông (tên gọi của Việt Nam) và tên gọi biển Nam Trung Hoa (South China Sea – tên gọi quốc tế) có thể được thay đổi theo ba phương án sau đây:

1. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Việt nam (Vietnam Sea) trên các văn bản, văn kiện và bản đồ quốc tế hiện nay bởi lý do sau đây: căn cứ vào Luật Biển quốc tế năm 1892, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam chiếm gần 1.000.000km2/ 3.500.000km2 của biển Đông.

2. Thay đổi tên gọi quốc tế của biển Đông hiện nay là South China Sea thành tên gọi chính thức biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea)

3. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Đông (East Sea).

Phương án thứ nhất giống như trường hợp hiện nay của Hàn quốc đang đấu tranh kêu gọi các tổ chức quốc tế thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” thành “biển Đông” hoặc “biển Korea” thuộc chủ quyền của Hàn quốc. Sau năm năm đấu tranh, hiện nay Hàn quốc đã thu được những kết quả đáng kể, ví dụ như: website của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” (mer du Japon) thành thuật ngữ “biển Đông” (mer d’Orient). Nhà xuất bản sách giáo khoa BJU Press nổi tiếng và Tạp chí Địa lý quốc gia của Hoa Kỳ cũng đã thống nhất gọi biển Nhật Bản thành biển Đông hoặc Korea Sea.

Phương án thứ ba nếu gọi là biển Đông (East Sea) thì sẽ ngộ nhận với tên gọi “biển Đông Trung Hoa” thuộc Trung Quốc hoặc biển Đông của Hàn Quốc.

Phương án thứ hai là phù hợp đối với nguyện vọng và quyền lợi của tất cả các nước Đông Nam Á khi mà tất cả các nước Đông Nam Á trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.

Trong ba phương án trên, chúng tôi thấy rằng phương án thứ hai là khả thi và có khả năng thuyết phục các nước Asean thống nhất với phương án này.

KIẾN NGHỊ

a. Chính phủ nên chỉ đạo tất cả các Ban – Ngành khi in ấn và phát hành tài liệu liên quan đến số liệu về vấn đề biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, … thì phải thống nhất và chính xác.

b. Chúng tôi kiến nghị đến Bộ Chính Trị nên chỉ đạo Bộ Ngoại Giao và Vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Việt Nam đấu tranh và thuyết phục với các nước thành viên ASEAN về việc thống nhất tên gọi biển Đông thay cho tên gọi biển Nam Trung Hoa. Có thể trước mắt là gọi trong khối ASEAN

c. Chúng tôi kiến nghị Bộ Chính Trị chỉ đạo Bộ Ngoại Giao hoặc Bộ Văn Hóa Thông Tin có thể đứng ra thành lập một tổ chức phi chính phủ được mang tên “Trung tâm tình nguyện Việt Nam” để hoạt động nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, thuyết phục các tổ chức trên thế giới mà quan trọng trước tiên là Hội Thủy văn học quốc tế và tổ chức Tiêu chuẩn hóa các tên gọi khu vực địa lý của Liên Hiệp Quốc thảo luận và tiến đến thay đổi tên gọi cho biển Đông.

d. Tổ chức “Trung tâm tình nguyện Việt Nam” nên tổ chức một website để quảng bá hình ảnh Việt nam ra thế giới và đính chính những thông tin sai lệch về Việt Nam. Cũng thông qua trang Web này, nên có những giải thưởng khuyến khích cho những cá nhân hoặc tập thể nào có thành tích trong việc quảng bá những hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài cũng như góp phần đính chính những thông tin sai lệch về Việt Nam”
(Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=4638&LOAIID=17&LOAIFID=5&TGID=814)

Hai năm sau, một phần kiến nghị của tôi đã được Chính phủ thực hiện ở mức cao hơn đề nghị rất nhiều:

“Cục Thông tin đối ngoại được thành lập theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 13/6/2008. Theo Quyết định này Cục Thông tin đối ngoại thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại; là đầu mối phối hợp, tư vấn, trợ giúp thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, đơn vị trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp tóm tắt các nhiệm vụ lớn của Cục Thông tin Đối ngoại là cơ quan Thiết lập và Quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại và là đầu mối đưa thông tin Việt Nam ra nước ngoài và đưa thông tin nước ngoài về Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn Cục Thông tin Đối ngoại triển khai các công việc theo hướng: Chủ trì – Phối hợp – Phân công – Thẩm định – Tổng kết.

Tại buổi lễ ra mắt này, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại Lê Văn Nghiêm cho biết trong thời gian qua Cục đang triển khai những công việc chính sau:

1. Tham gia xây dựng Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại trong tình hình mới (2010-2020) theo sự phân công của Ban Chỉ đạo về công tác thông tin đối ngoại do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban, dự kiến trình Ban Bí thư trong quý II/2009.

2. Xây dựng Quy chế tổ chức và quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III/2009.

3. Triển khai Dự án cung cấp các dịch vụ thông tin theo yêu cầu bằng tiếng Anh cho người nước ngoài và Việt kiều thông qua hệ thống tổng đài điện thoại Contact Center.

4. Phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu Đề án điều tra, khảo sát thực trạng tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nghiên cứu Đề án truyền bá tiếng Việt tại các nước có đông người Việt Nam ở nước ngoài.

5. Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nghiên cứu Đề án phát triển thông tin đối ngoại qua kênh ngoại giao nhân dân.

6. Nghiên cứu Dự án xây dựng cổng thông tin điện tử Thông tin đối ngoại làmcông cụ phục vụ công tác quản lý thông tin đối ngoại, đồng thời là kho dữ liệu trên mạng để cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh đất nước, (với tên miền là http://www.thongtindoingoai.vn và http://www.vietnam.vn)

7. Dự án dịch những cuốn sách tinh hoa văn hoá lịch sử Việt Nam để giới thiệu ra thế giới.

8. Cục Thông tin đối ngoại theo dõi thường xuyên báo chí nước ngoài nói về Việt Nam và hàng tuần có báo cáo điểm dư luận thế giới về Việt Nam.
(Trích nguồn: http://www.tapchibcvt.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=19702)

Nhưng qua vụ Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society - NGS) thông tin sai về quần đảo Hoàng Sa và hai hình ảnh không bình thường trên GoogleMap: “Trên Google map, chỗ biên giới Lào Cai, các trường học VN như Nguyễn Công Hoan, Lê Quý Đôn đã nằm bên kia biên giới” (Xem hình 1). Còn dọc theo biên giới phía Bắc, những phần đất nằm phía VN thì lại ghi chữ Tàu (xem hình 2).

Không biết trong thời gian qua cơ quan này làm được những gì? Câu trả lời dành cho Cục Thông tin đối ngoại chắc hẳn không quá khó.

====

http://phapluattp.vn/20100314122531321p0c1013/di-voi-but-mac-ao-ca-sa.htm

Đi với bụt mặc áo cà sa...

Việc Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ mang hàm ý công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, mặc dù theo đại sứ Mỹ chỉ là tài liệu của tư nhân, không phải của chính phủ Mỹ nhưng đã gây nhiều xúc cảm ở Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là cần ứng xử như thế nào trước vụ việc này.

Ở nhiều quốc gia, các tổ chức tư nhân (dân sự) như hội địa lý nói trên có mặt ở tất cả các lĩnh vực, kể cả an ninh quốc phòng. Thực chất đó chỉ là tập hợp của các cá nhân có cùng quyền lợi, sở thích, nghề nghiệp mà mục tiêu hoạt động hoàn toàn vì hội viên, nếu điều đó không trái với pháp luật.

Tuy nhiên, có khá nhiều tổ chức lại mang tầm ảnh hưởng lớn, bởi đó có thể là sự kết hợp của nhiều hội viên đang hoạt động xuyên quốc gia, chi phối thị trường hoặc đứng sau nhiều chính sách sẽ đệ trình lên Quốc hội. Không chỉ phát hành tài liệu mà họ có thể lập ra các trường đại học, soạn thảo giáo trình hoặc lập ra các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các sáng kiến của hội viên. Nếu không trái luật, ít khi chính phủ can thiệp vào các hoạt động này.

Các tổ chức như trên dù ít khi chịu sự chi phối của chính phủ nhưng lại khá nể trọng tiếng nói từ các tổ chức tương tự ở các quốc gia khác. Đơn giản vì đó là quan hệ hợp tác quốc tế, hay chí ít là có chung chuyên môn, lợi ích với họ.

Tại Việt Nam cũng có một tổ chức mang tên “Hội Địa lý Việt Nam” có trụ sở tại khoa địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Tuy nhiên, hội này hoạt động quá èo uột đến mức suốt hai tháng nay cán bộ chủ quản không liên lạc được với lãnh đạo hội theo địa chỉ đăng ký!

Do đó đã không thấy họ có phản ứng tức thì với phía Mỹ để yêu cầu cải chính về thông tin sai lệch trên ấn phẩm của họ.

Cũng phải nói thêm sự yếu kém của các hội ở Việt Nam có nguyên nhân là chưa có luật hoạt động. Các quy định hiện hành thiên về xin-cho, đẩy các hội vào thế “nấp” sau cơ quan hành chính liên quan. Nơi nào quan tâm thì hội mạnh, không quan tâm thì hội chỉ là cái bóng...

Còn nhớ trong vụ kiện cá da trơn, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) phải vào cuộc chứ không phải cơ quan chính phủ. Vừa tận dụng sự hỗ trợ từ hội của các nhà nhập khẩu Mỹ, VASEP vừa dùng chính vụ kiện để tiếp thị cá da trơn Việt Nam nên những năm sau con cá vẫn mang về hàng tỉ USD cho đất nước.

Cách ứng xử đơn giản nhất là “đi với bụt mặc áo cà sa...”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét