Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Phát biểu của Gs Marginson về Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam

Bayvut.com.au mới đi một bài “Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam” với nhiều phát biểu của GS Simon Marginson (Đại học Monash) mà theo tôi là cần xem lại. Entry này chỉ ra hai sai lầm hiển nhiên của Gs Marginson.

Thứ nhất, ông cho rằng hệ thống đánh giá của Đại học Giao thông Thượng Hải là “có uy tín nhất vì kết quả của nó khách quan và được công bố rộng rãi”. Tôi nghĩ bản xếp hạng của họ phổ biến rộng rãi thì có, còn uy tín hay không thì cần xem lại, nhưng tôi thấy cách làm của họ không khách quan mà cũng chẳng có gì khoa học. Đại học Giao thông Thượng Hải căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây để xếp hạng đại học trên thế giới :

• Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field : trọng số 10%
• Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field : trọng số 20%
• Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần : trọng số 20%
• Số bài báo khoa học trên tập san Nature và Science : trọng số 20%
• Số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI : trọng số 20%
• Thành tựu của giáo sư và đội ngũ khoa bảng : trọng số 10%

Câu hỏi đặt ra là những trọng số này đến từ đâu ? Nếu ai chịu khó đọc qua những tài liệu về phương pháp của họ thì sẽ thấy là chẳng đến từ đâu cả. Rất có thể họ tự nghĩ ra những con số đó. Trong khoa học không thể nào có những trọng số tròn trĩnh kiểu 10%, 20%, … và cộng lại bằng 100%. Không thể nào có được ngoại trừ phịa ra hay giả tạo. Khi các nhà nghiên cứu về chất lượng đại học bên Hà Lan phân tích những sai lầm trong bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải, và phán một câu xanh dờn rằng nhóm này (Đại học Giao thông Thượng Hải) không đủ trình độ thống kê và không đủ tư cách khoa học để làm, thì ngạc nhiên thay họ công nhận như thế ! Tất cả những phát biểu này đều xuất hiện trên giấy trắng mực đen trong tập san khoa học.

Có lẽ chính vì phương pháp làm phi khoa học như thế cho nên bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải không tương quan với bất cứ bảng xếp hạng nào. Thật ra, chẳng có bảng xếp hạng nào có thể xem là khoa học cả.

Thứ hai, GS Marginson số lượng ấn phẩm khoa học từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế "chưa đầy 200". Sai lớn ! Xin thưa rằng con số ấn phẩm khoa học từ VN trên các tập san quốc tế đã ~1000 bài rồi. Có thể xem phân tích này của tôi để thấy phát biểu này quá sai. Con số 200 thì đúng khoảng 20 năm về trước. Có lẽ GS Marginson chưa làm bài tập nên quá sai lầm ở điểm này.

Tuy nhiên, tôi đồng ý với Marginson khi ông cho rằng "để tạo tiền đề cho kế hoạch xây dựng đại học có chất lượng nghiên cứu quốc tế, đòi hỏi đầu tiên mà Việt Nam phải thực hiện được là làm sao lôi kéo được hầu hết những nghiên cứu sinh, tiến sĩ từ Mỹ và Châu Âu trở về." Nhưng tôi không có hi vọng gì từ lời khuyên này. Thật ra, ở VN người ta cũng nhìn ra và biết yếu tố này từ lâu rồi. Nói cũng rất nhiều, mà thực hành thì chẳng bao nhiêu.

Marginson có vẻ khen các nghiên cứu sinh Việt Nam tại trường ông (Đại học Monash) là "thường là những người giỏi nhất và đội ngũ này rất đồng đều. Các sinh viên Trung Quốc cũng giỏi nhưng không có sự đồng đều như Việt Nam." Thú thật, tôi rất kị với những lời khen kiểu so sánh này, vì nó chẳng khác gì cách nói "so với kẻ dốt thì cậu khá lắm", hay nó giống như kiểu người ta vỗ đầu mình rồi khen "cậu khá lắm", nhưng đằng sau thì một nụ cười với lời bình phẩm "nhưng cậu còn quá kém".

Tốt hơn hết là không có đặt chỉ tiêu vào top 200 hay top 500 gì cả ; vấn đề là xây dựng đại học cho ngang tầm khu vực với chất lượng đào tạo được thế giới công nhận là may phước lắm rồi. Mấy danh xưng đẳng cấp này nọ hay thứ hạng cứ để cho người khác làm, và mình chỉ khoanh tay nhìn và mỉm cười.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét