Thế là ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận án 3 năm tù giam vì tội ““Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Chắc chắc kết quả xét xử này sẽ để lại nhiều “dư âm” trong công chúng, với nhiều lời bàn ra tán vào. Tôi đoán rằng các bác lái xe ôm, các chị buôn bán lẽ đọc xong bản tin ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận án 3 năm tù thế nào cũng nói: “nhẹ vậy sao”?
Thật ra, khó mà nói mức phạt như thế là nhẹ hay nặng. Một cách để so sánh là chúng ta thử nhìn sang bên Nhật xem họ (tòa án) xử những người đưa tiền hối lộ ra sao. Theo tin vào cuối tháng 2/2009, Tòa án Tokyo phạt 3 cựu giám đốc công ti PCI (Pacific Consultants International) người thì 2 năm tù giam + 3 năm án treo, người thì 20 tháng tù giam + 3 năm án treo, và người thì 18 tháng tù giam + 3 năm án treo.
So sánh trên cho thấy mức độ phạt trong vụ vụ Huỳnh Ngọc Sỹ (người nhận tiền) là tương đối nhẹ so với phía Nhật (người cho tiền), nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang hô hào chống tham nhũng. Tòa án VN nói rằng ông Sỹ có "nhân thân tốt". Tôi không rõ "nhân thân" ở đây là gì, có thể là thành tích trong quá khứ và lí lịch tốt chăng? Nhưng tại sao có yếu tố "nhân thân" để quyết định mức phạt? Có lẽ tòa án nhầm lẫn giữa tình và lí chăng? Tôi thấy ở ngoài này, cho dù là cựu bộ trưởng có tài đi nữa, mà phạm tội hối lộ thì tòa vẫn xử theo bằng chứng và mức độ hối lộ chứ không xét thành tích quá khứ của ông ấy. Đúng là VN mình vẫn còn nhập nhằng giữa tình và lí.
Một điều đáng chú ý là phiên tòa ở Tokyo diễn ra cả tuần, còn phiên tòa TPHCM thì không đến 1 ngày! Tôi ở Úc mấy chục năm nay, chưa bao giờ thấy một phiên tòa về tham nhũng nào mà được xử nhanh như thế. Vụ xử cảnh sát New South Wales ăn hối lộ cũng kéo dài cả tháng trời và thời gian điều tra thì hơn 1 năm. Ngay cả một phiên tòa xử ông cựu chánh án say xỉn lái xe đụng vào xe khác cũng kéo dài vài tuần. Ấy thế mà ở nước ta, một vụ án được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi lại diễn ra chỉ vài giờ đồng hồ! Công lí Việt Nam thật là độc đáo!
Tuy nhiên, có thể cách xử xét ở nước ta khác với nước ngoài, bởi vì vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ do đích thân “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo”. Không biết có ai chỉ đạo vụ xét xử? Tín hiệu từ báo chí thì có đấy (xem bài dưới đây trên blog Everywhereland). Như vậy thì sự minh bạch và công minh của tòa án Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lơ lửng.
NVT
TB. Blog của Everywhereland có vài thông tin rất thú vị như sau:
http://everywhereland.blogspot.com/2009/09/tuong-si-tuong.html
Tướng Sĩ Tượng
Tòa án TP HCM đuổi người dự phiên xử, trong đó có cả các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ra ngoài với lý do “không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử”. Nhưng cũng chính chủ tọa phiên tòa lại thừa nhận rằng trước khi xử ông ta đã “đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.” Và một phần nhờ đó mà án phạt ông Sĩ chỉ còn là 3 năm tù giam, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 10-20 năm tù giam theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Thật buồn cười. Ông Tòa đuổi người dự xử một phiên tòa công khai vì sợ ảnh hưởng tới Hội đồng xét xử. Nhưng ông lại gián tiếp thừa nhận rằng Hội đồng xét xử đã chịu ảnh hưởng của những “công văn của các ban ngành, tập thể” (?)… đề nghị tòa “giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”. Đó là điều buồn cười thứ nhất.
Cơ quan tư pháp không độc lập, xét xử căn cứ vào tội trạng và bằng chứng mà lại thừa nhận ảnh hưởng của các ban ngành, tập thể trong quyết định xét xử. Đó là điều buồn cười thứ hai.
Bị cáo Sĩ bị phía Nhật cáo buộc là nhận 820.000 USD tiền hối lộ nhưng như những gì báo chí tường thuật về phiên tòa thì sự việc này không hề được Viện kiểm sát nhắc đến. Từ vụ án 820.000 USD xuống còn vụ án 52 triệu VND (là số tiền ông Sĩ nhận từ những người thuê nhà hữu hảo). Đó là điều buồn cười thứ ba.
Phiên tòa “gửi giấy triệu tập tới 87 người có liên quan trong vụ án nhưng chỉ có hơn chục người có mặt”. Và việc vắng mặt tới 60-70 người liên quan đó cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc xét xử chóng vánh trong 2 ngày của phiên tòa. Đó là điều buồn cười thứ tư.
Một vụ án được đích thân “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo”, với sự tham gia hợp tác của cơ quant ư pháp hai nước mà hậu quả của nó khiến Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam mà cuối cùng thành ra một thứ đầu voi đuôi chuột, liên quan vỏn vẹn tới số tiền hơn 1 tỷ đồng cho thuê nhà sai nguyên tắc. Đó là điều buồn cười thứ năm.
Bị cáo Sĩ chắc hẳn sẽ chỉ phải ngồi tù chừng 1 năm, rồi sẽ được “đặc xá” sớm còn kịp đi ăn cưới con gái (bị hoãn do vụ án). Cũng là sui gia nhưng sui gia Tổng thống Indonesia thật xui xẻo, đường đường là sui gia Tổng thống đương nhiệm mà bị bốn năm rưỡi tù vì tội “tham nhũng”. Đúng là một quốc gia không có tình. Ở Việt Nam “đất nước tình yêu” chúng ta thì chỉ là sui gia (dù chưa chính thức) của ai đó thì tòa án đã có thể nhận được rất nhiều đơn từ, công văn (sao không thấy ông Tòa nhắc tới thư tay hay điện thoại) xin giảm tội rồi. Và theo đó mức án cũng giảm chóng mặt, từ 10-20 năm tù (khung hình phạt) xuống còn 5-6 năm tù (đề nghị của VKS) xuống nữa còn 3 năm tù (án tuyên) và chắc sẽ xuống nữa còn…xxx (đặc xá).
Giá các lô-cốt đang gây tắc nghẽn, kẹt xe, lãng phí không biết bao nhiêu của cải, tài nguyên ở TP HCM cũng giảm đi với cùng tốc độ!.
Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009
Công lí khác thường
16:17
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét