Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Lại bàn về ngộ nhận học vị tiến sĩ

Một bạn đọc góp ý bài viết “Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ” của tôi, vì bạn này nghi ngờ rằng chính tôi cũng bị ngộ nhận về những gì mình phát biểu. Xin trả lời ngay rằng: tôi không bao giờ ngộ nhận những gì mình viết, vì tôi biết rất rõ mình viết cái gì. Có vài điểm tôi thấy không có gì để nói thêm hay không liên quan đến những gì tôi phát biểu, cho nên ở đây tôi chỉ phản hồi những điểm mà tôi hoặc chưa nói rõ trong bài trước, hoặc tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả:

Về nhu cầu khẳng định bản thân qua bằng tiến sĩ: “Một sinh viên giỏi, được giữ lại trường Đại học. Anh ta có nhu cầu bắt buộc phải học phải nghiên cứu để khẳng định, để có thể đứng vững trên bục giảng. Rõ ràng ở trường ĐH, ý kiến của một Tiến sĩ đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng thì phải được tôn trọng hơn là một giảng viên, không cập nhật những kiến thức mới, không nghiên cứu khoa học.”

Ở đây có vấn đề về giả định. Không nhất thiết phải là tiến sĩ mới có những “luận cứ khoa học xác đáng”. Phương pháp khoa học và phương pháp luận đã được huấn luyện ngay từ bậc cử nhân (thậm chí trung học), chứ đâu cần gì đến tiến sĩ mới biết những phương pháp cơ bản này. Bất cứ ai, dù không có bằng cấp đại học, vẫn có thể đưa ra những ý tưởng và phương pháp đáng chú ý. Một trong những người thầy dạy tôi hay nhất là một bác sĩ chưa bao giờ học tiến sĩ, và ông cũng là một giáo sư nổi tiếng thế giới về lĩnh vực chuyển hóa chất béo. Trong thực tế, không ít trường hợp nghiên cứu sinh chính là người tự học tiến sĩ, tự tìm đề tài, tự phát triển phương pháp, tự làm thí nghiệm, chứ người hướng dẫn chỉ đóng vai trò nâng đỡ. Do đó, không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ mới tự khẳng định mình. Bất cứ ai, chứ không riêng gì tiến sĩ, mới tiếp nhận được kiến thức. Do đó, cho rằng ý kiến của tiến sĩ phải được tôn trọng là cực kì sai lầm.

Về mối tương quan giữa uy tín khoa học và tiến sĩ: “ […] Ở một trường ĐH, việc một giảng viên có học vị TS là cần thiết: để hiểu biết, nắm bắt về phương pháp nghiên cứu khoa học, để có một kiến thức chuyên sâu về ngành mình giảng dạy. Vậy một người Trưởng khoa không có chuyên môn giỏi, không bảo vệ được luận văn TS, liệu có đủ uy tín trước đồng nghiệp để hướng dẫn, tổ chức cho đội ngũ giảng viên dưới quyền mình NCKH được không? Và nếu vị Trưởng khoa ấy, có sự hiểu biết về tâm lý, biết động viên nhân viên làm việc, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ cao hơn. Không nên đánh bùn sang ao. Không nên đi từ thái cực này đến thái cực khác.”

Để trở thành giảng viên đại học, nhất là trong tình hình ở Việt Nam, không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ. Ngay cả ở những nước tiên tiến như Anh, Canada, Úc, v.v… nhiều giảng viên không có bằng tiến sĩ, nhưng họ vẫn là những giảng viên giỏi. Họ giỏi là vì họ biết giảng dạy (có nhiều tiến sĩ không biết giảng dạy), cũng tham gia nghiên cứu, và cũng cập nhật hóa thông tin như bất cứ ai. Tuy nhiên, người ta khuyến khích (chứ không bắt buộc) giảng viên nên có bằng tiến sĩ, vì nó vừa là “danh chính ngôn thuận”, vừa là một cách tự nâng cao kĩ năng nghiên cứu cho giảng viên. Ở Việt Nam, trong điều kiện thiếu giảng viên, việc đặt ra tiêu chuẩn tiến sĩ cho giảng viên là một yếu tố có thể dẫn đến lạm dụng học vị tiến sĩ. Trong thực tế, không ít người chạy chọt cho được một bằng tiến sĩ để hợp thức hóa chức vụ của mình. Lỗi không hẳn ở những người chạy chọt, mà chính là cơ chế làm cho họ phải chạy chọt.

Không nên đặt điều kiện cứng nhắc rằng phải có tiến sĩ mới được làm khoa trưởng, mà phải tùy thuộc vào bối cảnh và ngành học. Trong các trường y nổi tiếng trên thế giới, nhiều khoa trưởng có bằng MD (bác sĩ) chứ không có học vị tiến sĩ. Trưởng khoa không hẳn phải là người có chuyên môn giỏi, bởi vì chức vụ này có tính cách hành chính. Trong nhiều đại học phương Tây, các giáo sư không muốn làm trưởng khoa. Vì họ không muốn làm trưởng khoa, nên nhà trường bắt buộc các giáo sư, hay phó giáo sư, hay giảng viên phải luân phiên nhau làm trưởng khoa. Quan điểm cho rằng trưởng khoa phải là người có chuyên môn giỏi nhất là hết sức sai lầm.

Về cái mới trong luận án tiến sĩ: “Một trong những yêu cầu của một người bảo vệ luận văn TS là phải đưa ra một điểm khám phá mới để đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại. Vậy nếu không có tư duy tìm tòi phát hiện thì làm sao bảo vệ được luận văn TS? Nói không phải tất cả mọi phát kiến đều bắt nguồn từ Tiến sĩ là đúng, nhưng đừng nên vì những gian dối của một số cá nhân mà cho rằng phần lớn chỉ có những người không có Tiến sĩ mới có khả năng đột phá.”

Không ai nói “phần lớn chỉ có những người không có Tiến sĩ mới có khả năng đột phá.” Nói như thế là nhét chữ vào miệng người khác -- một lỗi lầm mang tính ngụy biện. Ở đây, lại có sai lầm về giả định. Một công trình nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải có “khám phá mới”. Cái mới trong luận án tiến sĩ không phải chỉ là “khám phá” (vì có rất ít khám phá trên thế giới ngày nay), mà là mới về nội dung, về phương pháp, về cách diễn giải. Ở đây không phải là nơi bàn về tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ, vì tôi đã bàn về vấn đề này trong vài bài trước đây trên tạp chí Tia Sáng hay xem ở đây.

Về công bố quốc tế và khả năng ứng dụng: “Nhưng vấn đề quan trọng là, từ những phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, logic, chính xác, mang tính khoa học cao, người nghiên cứu phải vận dụng được vào nước ta để phát triển những vấn đề xã hội, kinh tế và khoa học ở nước ta. Đó mới là điều chúng ta cần suy nghĩ, cần hướng tới. Còn nếu có đăng một ngàn bài báo ở nước ngoài mà chỉ là những vấn đề của nước ngoài quan tâm, không phục vụ lại cho đất nước chúng ta, thì liệu một ngàn bài báo đó có ý nghĩa thiết thực như thế nào?”

Nhiều nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản, chỉ để sáng tạo ra tri thức mới, chứ không nhắm đến ứng dụng trong thực tế trong tương lai gần. Nghiên cứu về insulin phải chờ đến 30 năm sau mới có ứng dụng cho lâm sàng. Không phải 1000 bài báo, mà có khi 10.000 bài báo mới dẫn đến một khám phá có khả năng ứng dụng trong thực tế. Có người viện dẫn lí do này để biện minh rằng không cần công bố quốc tế, nhưng tôi e rằng đây là một dạng ngụy biện mà nhiều người đã chỉ ra.

Không phải nghiên cứu nào cũng hướng đến “phát triển những vấn đề xã hội, kinh tế và khoa học ở nước ta”, bởi vì khoa học mang tính quốc tế. Tôi đã bàn về vấn đề này trên Tia Sáng ở đâyở đây, nên không muốn nhắc lại chi tiết ở đây. Tôi chỉ muốn nói rằng nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm hay các bệnh nhiệt đới không phải chỉ là riêng cho Việt Nam, mà còn là cho cả thế giới. Nếu chúng ta khăng khăng nhân danh “tình hình Việt Nam” để theo đuổi những đề tài mà thế giới chẳng ai quan tâm thì chúng ta tự cô lập mình.

Nói tóm lại, qua bài “góp ý”, tôi càng thấy những ngộ nhận về học vị tiến sĩ rất phổ biến ở Việt Nam. Những ngộ nhận này dẫn đến những lạm dụng học vị tiến sĩ. Ở Mĩ và các nước phương Tây, 35% tiến sĩ làm việc trong khoa học và phát triển, 40% giảng dạy đại học, 10% làm trong các cơ sở nghiên cứu tư nhân, và khoảng 15% làm về quản lí và hành chính. Còn ở nước ta, chỉ có 35% giáo sư tiến sĩ làm giảng dạy, số còn lại là quan chức hành chính. Đó là một sự “lạ đời”. Sự lạ đời này một phần bắt nguồn từ hiểu lầm về học vị tiến sĩ như là một chứng chỉ để thăng quan tiến chức trong hệ thống hành chính. Ấy thế mà trong một cuộc khảo sát về hiệu quả của bộ máy hành chính, Việt Nam đứng vào hàng các nước có hiệu quả thấp nhất, sau cả Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, và sau cả Nam Dương!

Chẳng riêng gì người Việt, dân tộc nào cũng ham học, khát khao kiến thức. Tuy nhiên, tôi nghĩ ở người Việt, ngoài tính ham học, chúng ta còn có tính ham bằng cấp, và chính tính ham bằng cấp là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng thua kém về khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Đã đến lúc chúng ta thẳng thắn nhìn nhận thói ham bằng cấp này để dần dần đưa khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét