Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Thiếu đảo thì phạt, có đảo cho giặc thì sao?

Báo Pháp Luật TPHCM chạy một bản tin mang tính cảnh cáo giới báo chí: “Đăng bản đồ thiếu các đảo bị phạt 30 triệu đồng”. Tôi nghĩ vấn đề không phải là phạt bao nhiêu tiền, mà là cái tâm, cái nằm khuất trong tâm thức của mỗi con người mới là quan trọng. Tôi muốn nói đến lòng tự trọng dân tộc. Lòng tự trọng dân tộc không phải được uốn nắn từ pháp luật hay phạt tiền, mà là hình thành từ giáo dục. Luật pháp hay qui định chỉ là bề mặt, bề ngoài, nó áp dụng cho mọi người; còn cái tâm thức mới là bề trong ở mỗi con người. Theo luật pháp, hành động in bản đồ thiếu các đảo thì phạm luật, và bị phạt. Nhưng nếu người ta chịu đóng tiền phạt, mà không thay đổi cái tâm thì sao? Luật pháp không sửa được cái tâm. Chỉ có giáo dục mới rèn luyện được ý thức rằng in bản đồ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa (và các đảo khác) là xấu, là có tội với dân tộc.

Nói đến cái tâm, lòng tự trọng dân tộc, tôi xin nhắc lại một thông tin mà một bạn đọc ở Tây Nguyên đã cung cấp trong entry “Quả điạ cầu và “đường lưỡi bò”. Theo thông tin này thì vài siêu thị (như siêu thị máy INTIMEX chẳng hạn) đang bày bán quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất mà trong đó họ in “đường lưỡi bò” và tuyên bố rằng Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc lãnh thổ của họ. Một tài liệu “phản động” như thế mà ngang nhiên lưu hành ở Việt Nam, và chắc chắn được sử dụng trong giảng dạy hay tham khảo ở cấp trung học và tiểu học. Với một tài liệu giáo dục như thế, thì dù có bao nhiêu qui định, chỉ thị và điều luật cũng không làm sao ngăn chặn được những sơ hở về địa lí của giới báo chí, và cũng khó mà ngăn chặn được những xâm lăng văn hóa của bọn bành trướng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét